i uống nước vối nóng không!
Một cái giọng khàn khàn mệt nhọc như người hết hơi ở trong đám đông người giữa chợ đưa ra, bị những tiếng ồn ào át đi, nên không mấy người nghe rõ.
- Ai uống nước vối nóng không!
Ra khỏi đám đông người, một bà lão bé nhỏ, lưng hơi gù gù, mình mặc cái áo tứ thân bằng vải nâu đã bợt mà hai vạt thắc lại sau lưng trông rất gọn gàng, một tay xách cái ấm sành quai quấn mây, một tay cầm hai cái bát vừa thất thểu đi vừa rao.
Trời nắng chang chang, trên đầu bà lão đội cái nón Nhị thôn đã rách, ánh nắng chiếu qua khe nón rọi xuống cái mặt nhăn nheo hốc hác làm cho nước da xanh nhợt hơi có vẻ hồng hồng.
- Ai uống nước vối nóng không!
Bà lão cứ vừa đi vừa luôn miệng rao mà hai mắt cứ luôn luôn nhìn những người ngồi bán hàng ở hai bên đường. Hễ có ai gọi mua nước thì bà đến bên rót một bát nước bán lấy một trinh con, xâu qua cái dây lõi đeo ở dây lưng, rồi lại xách ấm nước và cầm bát đi chỗ khác. 
Bà lão cứ lê đôi chân gầy gò bẩn thỉu đi khắp chợ, chẳng quản nắng nôi mệt nhọc, thấy ai ăn quà cũng đứng chực sẵn ở bên; chờ họ ăn xong thì bà rót ngay bát nước tay nâng tận mặt mà mời: «Rước ông (hay rước bà) xơi nước». Người ta uống nước, trả tiền bà rồi bà lại đi.
Bán hết ấm nước ấy, bà lão vội vàng xách cái ấm không vào một cái nhà gianh ba gian, chung quanh có hàng rào lau thưa thớt ở cuối chợ. Bà vào bếp lấy gáo vợi nước ở cái nồi đất to bắc trên bếp đổ vào ấm và gọi mà dặn người đàn ông ở nhà ấy rằng: 
- Bố Chất nấu hộ tao nồi nước nữa, chiều về tao mua quà cho cháu.
Bà lão nói thế, người đàn ông đương ngồi đan, không buồn ngẩng đầu lên, cứ vừa đan vừa nói: 
- Vâng, cụ cứ để đấy rồi cháu bắc giùm.
Nghe người ấy trả lời có vẻ kính trọng chứ không có vẻ thân yêu.
Bà lão lại xách ấm nước đi ra chợ vừa đi vừa rao. Đi đến dẫy hàng cau ở ngang trước cửa một cái nhà gạch hai từng đồ sộ nguy nga, có cửa kính cửa chớp đẹp đẽ mà trên tường chỗ cửa ra vào có đề mấy chữ nho to tướng: «Đông Xuyên biệt thự», thấy một người đàn bà bán cau đương ăn bún. Bà lão xách ấm nước đến bên chực sẵn. Người bán cau ăn bún xong, bà rót ngay bát nước nâng tận mặt. Người kia tay đỡ lấy bát nước, miệng nói một cách rất lễ phép và hình như tỏ ý thân mật rằng: «Con xin cụ». Người ấy đỡ lấy bát nước vừa uống vừa nhăn mặt nói ở trong miệng «ứ ừ». Uống xong, đưa trả bát và tiền cho bà lão mà nói:
- Nước nóng và đặc lắm cụ ơi, cụ phải pha thêm nước lã vào mới uống được.
Rồi lại hỏi luôn bà lão rằng:
- Hôm nay cụ có đắt hàng không?
Bà lão phều phào nói:
- Cũng khá thôi cô à, từ sáng đến giờ mới được có sáu xu.
- Nhưng cụ phải pha thêm nước lã vào mới uống được. 
Bà lão bỏ cái nón xuống, để hở ra cái đầu không có khăn, tóc trắng như bông đầm đìa mồ hôi, rồi nói:
- Ừ, để tôi vào trong này xin gáo nước lã pha vào.
Đoạn, bà dựng cái nón vào tường ngay bên cô hàng cau và nói:
- Tôi gửi cô cái nón ở đây.
Rồi bước lên thềm đi vào trong nhà xin nước lã.

 

Trong một cái nhà hai tầng, tầng dưới là phòng khách, một ông Nghị mặt quần áo lụa cộc, nằm ruỗi dài trên cái sập gụ bóng lộn, một tay chống đầu, ngoảnh mặt nói chuyện với ông khách Hà Nội đương ngồi trên cái ghế «sa lông (salon) để gần sập. Trên bàn để hai cái cốc pha lê đựng rượu «bia» uống đã cạn và một khay đồ chè. Thằng nhỏ ngồi ở góc tường kéo quạt. 
Ông Nghị đương nằm trên sập bỗng ngồi dậy bảo thằng nhỏ:
- Mày vào xem giứa ngâm nước đá được chửa đem ra đây.
Thằng nhỏ vâng lời đứng dậy vào trong nhà, bưng liễn giứa ngâm nước đá và đường ra để lên bàn. Ông Nghị đứng dậy, kêu bức, giục thằng nhỏ kéo mạnh quạt đi rồi ngồi xuống ghế đối diện với khách, mở nắp liễn ra mời khách ăn giứa.
Hai người cùng cầm xiên xiên giứa ăn.
Ông Nghị vừa nhồm nhàm nhai vừa nói:
- Ngon lắm! Tôi cho giứa ngâm nước đá với đường tây này ngon hơn giứa hộp nhiều, mà lại không hại vệ sinh.
Ông khách gật đầu:
- Ngon và dẻ hơn giứa hộp nhiều chứ.
- Cả nhà tôi bây giờ thành ra nghiền giứa ngâm nước đá với đường tây, cho nên mới đến mùa giứa là nhà tôi phải mua trữ sẵn lấy dăm chục quả ngon một lúc để ăn dần. Nếu nhà tôi mà dùng giứa hộp thì mỗi ngày phải dùng đến mươi hộp mới đủ cho các cháu, mà cũng chỉ tốn tiền thôi chứ không ngon đâu, ông ạ. 
- Phải, giứa hộp tiếng là quí, chứ ngon sao được bằng giứa này.
- Ấy, giứa này mà mỗi ngày nhà tôi phải dùng đến mươi quả mới đủ. Mỗi ngày về mùa nực, nhà tôi phải tiêu đến hơn đồng bạc về đồ giải khát. Nguyên mình tôi phải mất một chai bia, một chai nước suối và một liễn giứa, còn các cháu không kể.
- Ông dùng nhiều đồ mát quá sợ có hại.
- Vì tôi có máu nhiệt, cứ đến buổi trưa và buổi tối mà không có đồ giải khát là không chịu được. 
Chủ khách đương vừa ăn giứa vừa nhồm nhàm nói chuyện, thằng nhỏ ngồi ở góc tường kéo quạt vừa trố mắt nhìn mồm hai người mà thèm rỏ dãi, thì bỗng có tiếng vặn cửa ngoài. Chủ khách và thằng nhỏ cùng nhìn ra cửa. Thằng nhỏ hỏi:
- Ai hỏi gì?
Thằng nhỏ vừa hỏi rứt lời thì cánh cửa mở ra, bà lão bán nước xách cái ấm quai bước vào rồi cứ đứng sững đấy nhìn vào mà chẳng nói năng gì cả, vì bà ở ngoài nắng đi vào nên quáng mắt, chưa trông thấy gì.
Ông Nghi cau mặt, trợn mắt nhìn bà lão như có ý tức giận. Lại thấy bà ta cứ đứng mãi ở trước cửa, nên trong mặt ông lại càng có vẻ giận hờn.
Bà lão đứng dụi mắt mãi mới trông thấy rõ người rồi nói:
- Bố Nghị, cho tao xin gáo nước lã.
Rồi bà đứng chờ ông Nghị trả lời.
Ông Nghị đương nghiêm nét mà bỗng dịu dàng nói:
- Bà vào trong nhà bảo cháu múc cho.
Rồi quay ra bảo thằng nhỏ:
- Mày vào múc nước cho bà.
Thằng nhỏ bảo bà lão:
- Bà vào trong này cháu múc cho.
Rồi nó đi vào trước, bà lão theo sau. Qua cái hiên trong, bà thấy bà Nghị cùng các con đương xúm nhau ăn giứa ngâm nước đá, bà vừa đi qua hiên vừa nói:
- Tôi xin chị gáo nước lã.
Bà Nghị lườm bà lão một cái rồi lại cúi đầu xuống cùng các con ăn giứa. Mấy đứa trẻ nhìn bà lão rồi lại cứ ăn tự nhiên như thường.
Bà lão vừa đi vào nhà trong thì ông khách hỏi ông Nghị rằng:
- Thưa ngài, bà cụ nào thế?
Ông khách sở dĩ hỏi câu ấy là vì thấy bà lão ấy gọi ông Nghị là «bố Nghị» là nói với con cháu vậy.
Ông khách nói thế, ông Nghị để cái xiên xuống khay, bỏ chân xuống xỏ vào đôi dép nhật bản rồi nói:
- Thưa ngài, đó là người thím nuôi của tôi đấy ạ. Nguyên trước ông cụ tam đại nhà tôi có nuôi chồng bà ta làm con nuôi chứ không phải là có máu mủ gì với nhà tôi cả. Trước cụ tôi cũng gây dựng cho chồng bà ta tử tế, nhưng có mấy mẫu ruộng của cụ tôi cho, vợ chồng ông ta phá hết cả rồi. 
- Nhưng bây giờ ngài cũng nên giúp đỡ bà cụ kẻo tội nghiệp. 
- Ngài ở xa không biết đấy, chứ tôi giúp đỡ bà cụ cũng đã nhiều lắm rồi mà bà ta quấy quả tôi luôn. 
Nói đoạn, ông gọi thằng nhỏ ra bưng khay giứa vào, rồi đi vào nhà trong. Từ cửa hiên đi vào, ông sồng sọc đi thẳng đến trước mặt bà lão, dí tay vào trán bà mà nghiến răng nói:
- Tôi đã bảo nhiều lần, nếu bà có muốn đến đây hỏi gì thì phải đi cửa sau, sao hôm nay nhà đương có khách mà bà dám sộc vào cửa trước?
Bà lão vừa múc nước vừa phều phào nói:
- Tôi vào cửa trước thì anh đã xấu gì. Tôi nhớ ra mới đến xin anh gáo nước lã, chứ có phải tôi đến bòn đãi gì anh đâu mà anh sợ, anh phải xỉ vả tôi đến thế.
Ông Nghị lại chỉ tay vào mặt bà lão mà mắng:
- Tôi chẳng xỉ vả gì nhà bà cả, nhưng đương lúc tôi có khách, sao bà không đi lối cửa sau. Này, tôi bảo thật cho bà biết, bà bêu tôi, tôi cũng không xấu đâu.
Bà lão tay cầm gáo chưa kịp đổ vào ấm, thấy ông Nghị mắng một cách tàn nhẫn như thế, thì vứt cái gáo xuống sàn đánh độp một cái, nước bắn tung tóe ra, làm ướt cả quần áo ông Nghị rồi chỉ tay vào mặt ông mà mắng:
- Ồ, ra quân này láo thực, mày gọi ai là «nhà bà» đấy hử? Mày giàu có mà mày không nuôi bà thì chớ, bà đã phải đi ở nhờ nhà người ta và làm lấy bà ăn, chứ bà có nhờ gì được cái mặt mày đâu mà mày xỉ vả bà tàn tệ như thế.
Rồi bà gào thét vừa chửi ông Nghị vừa khóc. 
Ông Nghị sợ ông khách ngồi nhà ngoài nghe tiếng, vội bưng chặt lấy mồm bà lão. Bà lão cố hết sức dằng ra rồi kêu rầm lên. Bà Nghị chạy ra mắng:
- Làm gì mà đến nhà người ta làm rầm lên thế?
Ông Nghị vội bảo thằng nhỏ đóng cái cửa lối ra nhà ngoài vào, rồi một tay bưng chặt lấy mồm bà lão, một tay ấn lưng bà mà đẩy ra lối cửa sau.
Bà lão ngạt hơi, cố hết sức rẫy rụa, nhưng lại sao được với hai bàn tay hộ pháp của ông Nghị. Bà càng cựa thì ấm nước của bà càng sóng ra. Phần thì sức yếu, phần thì tiếc vỡ mất ấm nước, nên bà cũng chẳng chống lại nữa, đành để cho ông ấy lôi bà đi.
Đến cổng sau, ông Nghị rúi mà ấn bà ra một cái thật mạnh rồi vừa vội đóng cổng lại vừa nói: «Hôm nay mà nhà không có khách thì phải biết». 
Bà lão bị rúi một cái, hai mắt đổ đồng quang, tưởng chừng như gẫy hết xương, nhưng bà cũng cố giữ lấy ấm nước. Bà vội để ấm nước xuống và ngồi phệt xuống bên đường và chỉ kêu lên được một câu: «Ối trời đất ơi, có ai đẻ ra con như tôi đẻ ra cái thằng Nghị Dong ở chợ Phủ này không!» Bà toan nói nữa nhưng mệt quá, thở hổn hển như người hết hơi. Ngồi nghỉ một lúc cho lại hồn, rồi bà lấy vạt áo lau mặt và mở ấm nước ra xem thì đổ mất quá nửa; định về nhà lấy thêm nhưng sợ tan chợ. Bà vội đứng dậy rũ quần áo và xách ấm nước đi rao: «Ai uống nước vối nóng không?»
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----