ề từ:
Bảy nổi ba chìm với nước non,
Thương thay má phấn ngậm bồ hòn,
Phũ phàng chi mây trời xanh hỡi!
Để đóa hoa xuân phải héo hon.
Tùng Toàn

 

Lúc ấy, trên mặt bể mới mờ mờ sáng. Những đợt sóng cuồn cuộn từ ngoài xa xô vào bờ, vỗ lên thành tiếng lạnh lùng buồn bã. Phút chốc mặt trời từ phương đông như tắm ở dưới bể nhô lên, rồi thì một góc trời đỏ ối. Màu xanh của mặt bể với màu đỏ của da trời ánh với nhau, vẽ thành một bức tranh thiên nhiên rực rỡ. Vài ba con chim bể rỉa lông trên bãi cát, thỉnh thoảng lại kêu lên một hồi như mừng rỡ đón chào cái quang cảnh khả ái lúc rạng đông.
Chợt đằng xa có tiếng giầy đi lại, mỗi lúc một gần, làm cho đàn chim kinh sợ bay tan tác. Một người con gái tha thướt đi lên, sắc mặt tuy có vẻ buồn, nhưng cũng không che được cái đẹp của đóa hoa giải ngữ mới có 18 cái thanh xuân. Nàng vừa đi vừa vẫy đàn chim mà nói rằng: «Lũ chim kia ơi! Chúng mày đừng sợ, ta không làm hại mày đâu. Rồi đây ta sẽ là bạn với chúng mày ở nơi bãi bể quạnh hiu này!» Nói xong, nàng ngậm ngùi thổn thức, nghẹn ngào chẳng nói nên lời, như xúc động đến tấm lòng chan chứa trăm nghìn sự đắng cay đau đớn. Tuy vậy, đàn chim vô tri kia dường như không nghe thấy, lại còn sợ rằng tránh chưa được xa, lại càng vỗ cánh bay xa hơn nữa.
Ngoài khơi, chiếc thuyền đánh cá đang bơi trên mặt sóng. Nàng trông thấy vội vàng giơ tay lên gọi:
- Cứu tôi với! Thuyền ai đó cứu tôi với!
Nhưng thuyền xa, tiếng gọi lại bị sóng đánh lấp đi, thành ra chiếc thuyền kia không nghe thấy. Nàng lại giơ khăn tay lên vẫy, cố hết sức gọi mãi, chiếc thuyền mới thấy từ từ tiến vào bờ.
- Ông ơi, ông có thể cho tôi đến Ôn Châu được không? Ông làm ơn cho tôi, tôi xin hậu tạ ông một số tiền lớn. 
Người lái thuyền lắc đầu:
- Không được, thuyền tôi là thuyền đánh cá chứ không phải thuyền chở khách. 
Nàng khóc:
- Tôi bị người ta bỏ đến đây, may được gặp ông, xin ông rủ lòng thương cứu với, cái ơn tái sinh ấy không bao giờ dám quên, nếu không, đành chết ở chốn này.
Người đàn bà ngồi trong mui nghe thấy, nhô đầu ra nói rằng:
- Thương thay cho cô em, cô em làm sao lại một mình bơ vơ ở chỗ vắng vẻ này? Cô em có thể nói cho tôi biết được không?
Nàng đáp:
- Nếu bà cho tôi được đến Ôn Châu, tôi đâu dám giấu bà mà chẳng nói.
- Ôn Châu cách đây xa lắm, thuyền của tôi không đi đến đấy, nhưng nếu vì cô em thì cũng có thể đi được.
- Nếu vậy, tôi rất cảm ơn bà.
Người đàn ông bèn một tay cầm sào đẩy thuyền ghé vào bờ, một tay kéo nàng lên. Người đàn bà ở trong khoang chạy ra đón, theo sau một người con gái, tuổi độ trăng tròn. Người đàn bà vỗ về yên ủi nàng, lời nói rất là ân cần êm ái, rồi lại chỉ người con gái đứng ở sau lưng giới thiệu:
- Con này là con gái tôi, tên nó là Át Hồng. Vì má nó lúc nào cũng đỏ hồng hồng như ráng buổi sớm mai, nên tôi đặt cho nó cái tên ấy.
Nàng gượng cười:
- Nếu vậy tên tôi là Tiểu Thúy. Thúy với Hồng chẳng là đối với nhau ư?
Người đàn bà nói:
- Cô dạy quá lời, con nhà thuyền chài có đâu được bằng cô là bậc tiểu thư khuê các. Nhưng làm sao cô lại đến chỗ hoang lương tịch mịch này? Vừa rồi cô nói bị người ta bỏ đến đây, vậy người ấy là ai? Duyên cớ tại sao? Cô nói cho tôi biết.
Thúy bị khêu gợi đến nỗi lòng, buồn rầu đáp:
- Thương thay cho tôi mệnh bạc, mới ba tuổi đầu đã bị mẹ bỏ mà về chốn âm cung, rồi chẳng may gặp phải mẹ ghẻ là người cay nghiệt đủ điều. Ấy ngày nay tôi sở dĩ phải bơ vơ ở đây, cũng là vì mẹ ghẻ tôi vậy.
- Thế cô là người ở đâu? Ông thân sinh cô làm nghề gì?
- Tôi họ Phương, quê ở Ôn Châu, nhưng cha tôi buôn bán ở Phúc Châu, nên làm nhà ở đấy. Từ khi mẹ tôi mất, việc buôn bán kém dần, cha tôi lại đắm đuối về rượu nên chẳng săn sóc gì đến việc nhà. Được hai năm thì cha tôi lấy kế thất. Người mẹ ghẻ tôi đây vốn là con nhà hèn hạ, trước vì thấy cha tôi có tiền nên nịnh nọt để được lòng yêu, kịp khi cưới về biết rằng nhà tôi nửa vời sa sút, bèn sinh ra kiêu đãng, huy hoắc tiền tài vô độ, nhà tôi vì thế lại càng nghèo. Cha tôi có mấy cái nhà phải bán cả, rồi về Ôn Châu sửa sang lại nếp nhà cũ để ở. Trước kia, lúc nhà tôi còn thịnh, cha tôi cho tôi vào học ở trường nghệ thuật con gái, học vẽ, học thêu, lại học cả chữ Anh nữa, được ba năm thì tốt nghiệp. Lúc cha tôi về Ôn Châu là lúc tôi đang làm giáo viên một trường nữ học kia. Một hôm ở trường về, người mẹ ghẻ tôi đưa cho một bức điện tín, tôi cầm lấy xem thì là của cha tôi gửi đến, bảo rằng cha tôi yếu phải về ngay...
Thúy nói đến đây vừa ngửng lên nhìn người đàn bà, vừa lấy tay vuốt mái tóc, rồi hỏi rằng:
- Nhận được bức điện tín ấy, bà bảo tôi nên xử trí thế nào?
- Phải về chứ!
- Vâng, lẽ tất nhiên là phải thế! Mẹ ghẻ tôi tức thì giục tôi đi sắm sửa hành trang đề về Ôn Châu ngay lập tức. Thế rồi chúng tôi thuê một chiếc thuyền, từ biệt Phúc Châu ngay đêm hôm ấy. Sáng hôm sau vừa mới cắm thuyền để làm cơm sáng, chợt có người láng diềng của tôi chạy đến đưa cho tôi một phong thư, nói là ở Ôn Châu đưa đến. Không ngờ mẹ ghẻ tôi giật ngay lấy có ý không vui, lẳng lặng chẳng nói một lời. Tôi đòi xem nhất định không đưa, chỉ bảo thư không nói gì đâu, chỉ giục về đấy thôi. Bà tính thế có tức không? Tôi nghĩ bụng mẹ ghẻ tôi không biết chữ mà lại giữ thư không cho tôi xem thật là đáng ngờ lắm, nhưng tôi cũng không dám cưỡng. 
Tiểu Thúy nói đến đây cầm chén nước nhấp giọng, rồi lại nói tiếp:
- Thế rồi thuyền đi, bà ạ, đi mãi. Một buổi chiều kia đậu ở một chỗ bờ bể quạnh hiu. Tối đến tôi ngủ say, đến lúc tỉnh dậy thì ra tôi nằm ở trên bãi cát. Lúc ấy đang nửa đêm, trăng mờ sao nhạt, thuyền không biết ở chốn nào, mà mẹ ghẻ tôi cũng không biết đi đâu? Tôi biết là tôi mắc lừa! Trời ơi! Thương thay! Đến sáng tôi cứ theo bãi cát mà đi đến bảy tám dặm chẳng hề thấy vết chân người, nếu chẳng gặp được bà, thì còn gì là thân này nữa, mà làn sóng bạc kia sẽ bồi đợt cát vàng vùi nông cho nắm xương tàn của khách hồng nhan!
Nói đến đây, nàng bưng mặt khóc nức nở. Người đàn bà từ nẫy đến giờ vẫn chăm chú ngồi nghe, vừa giận vừa buồn, lúc bấy giờ cũng phải sa hàng lệ, rồi vỗ vào vai nàng mà yên ủi:
- Tình cảnh cô thực đáng thương, nhưng sắp đến Ôn Châu rồi, cái thời kỳ được gặp ông thân sinh của cô cũng không còn xa mấy, cô đừng buồn.
Nàng gạt nước mắt:
- Xin cảm ơn bà, tôi mà được thấy cha tôi là ơn của bà vậy.
Át Hồng ngồi bên cạnh cũng lấy lời dịu dàng mà yên ủi. Thúy rất lấy làm yêu, nghĩ bụng sao con nhà thuyền chài mà lại có cái phong tư nhàn nhã như thế, không có một chút gì là tục khí cả, thế mà sinh trưởng ở nơi chài lưới, thực đáng tiếc thay! Rồi nàng lại nghĩ: Át Hồng sinh ra ở chốn hèn hạ, vô tri vô thức, chẳng biết trên đời có những sự đau lòng, ví với ta sinh trưởng chốn danh môn, lại phải vùi thân ở trong vực sầu bể thảm, hai cái khổ sướng khác nhau xa.
Thuyền rất nhỏ, người đàn bà và Thúy ngồi ở trong khoang, Hồng vẫn không rời Thúy một bước. Người đàn ông ngồi ở cuối thuyền, một tay cầm bánh lái, một tay cầm mái chèo, từ từ rẽ nước. Chiều đi đến một nơi có cây cối, loáng thoáng mươi nóc nhà của cư dân miền duyên hải, bèn cắm thuyền ở đấy. Người đàn bà mổ cá làm cơm, cơm hẩm cá tanh, Thúy không ăn được mấy. Cơm xong thì vừa tối. Trên thuyền không đèn không đóm, mấy người ngồi quây quần ở trong khoang, rồi chẳng mấy lúc ba người kia đều ngủ kỹ. Thúy một mình không ngủ, ngồi nghe tiếng sóng bì bõm vỗ vào mạn thuyền, thứ tiếng buồn bã, như vì ai than thở nỗi điêu linh. Chị Hằng dần dà ló mặt ở khoảng không, trời xanh thăm thẳm, mặt bể bao la, đối cái cảnh ấy, nàng như tỉnh như mê, bất giác mơ màng thấy thân mình đi đến một nơi cổ miếu. Trong bóng tối, nàng thấy có bóng người nằm bên cửa miếu, kinh ngạc lùi lại, nghĩ bụng sao ở chỗ hoang lương đêm vắng lại có người ngủ ở đây. Dưới bóng trăng mờ, nàng trông rõ ràng là người bạn đồng học thuở nhỏ, người ý trung nhân của nàng: Cam Thu! Cam Thu! Sao lại ở đây? Nàng nửa tin, nửa ngờ, cúi xuống nhìn thì rõ ràng là khuôn mặt trắng trẻo mà gầy, cặp mắt sâu mà đẹp, quả nhiên là Cam Thu. Nàng sẽ gọi:
- Cam sinh! Cam sinh! Có phải Cam sinh đấy không? 
- Người kia giật mình ngồi dậy, chăm chú nhìn nàng:
- Kìa! Tiểu Thúy! Sao nàng lại phụ bạc ta mà trốn đi như thế? 
Lời nói đượm vẻ oán hờn, sắc mặt có chiều tức giận. Thúy vội vàng ngắt lời:
- Trời ơi! Chàng cũng cho là tôi trốn chàng mà đi ư?
Mới nói đến đấy, đôi hàng lệ đã tuôn xuống như mưa, nghẹn ngào không nói được nữa. Trong lòng nàng chứa chấp muôn nghìn tâm sự, chỉ muốn nói ra cho hả, mà cứ đến cổ họng đã bị tiếng khóc ức đi, một lời cũng không đạt được ra đến đầu lưỡi, trong lòng uất ức, dường như đến nổ vỡ tim gan.
Thu nói:
- Nàng nếu không phụ tôi sao lại cùng mẹ ghẻ trốn đi?
Thúy khóc:
- Trời ơi! Chàng có biết cho tôi không?
Rồi nàng nhất nhất đem nông nỗi thuật cho Thu nghe, Thu rất ái ngại cho cảnh ngộ nàng, và rất cảm động về tấm lòng nàng.
Rồi chàng nói:
- Từ khi nàng đi, tôi mất ăn mất ngủ, tuy cũng biết rằng nàng không khi nào phụ tôi, nhưng nàng vụt đi đi mãi, không để lại cho một lời, khiến tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại làm sao. Song le, túng nhiên nàng có phụ tôi chăng nữa, tôi cũng quyết chẳng phụ nàng. Tôi thề rằng đi khắp thế gian để tìm nàng, một là để hỏi xem nàng có phụ tôi không, hai là để tỏ cho nàng biết rằng tôi không khi nào phụ nàng. Không ngờ ngày nay quả nhiên hai ta được gặp nhau, há chẳng phải là trời giúp ta ư?
Thúy nghe nói lại càng xúc động, khóc ròng:
- Thôi, chúng ta đi thôi!
Thu vừa nói vừa lấy tay vỗ vào vai nàng kéo đi, khiến nàng giật mình thức dậy, thì ra thân vẫn ngồi ở trong thuyền, cuộc bi hoan vừa rồi đều là ảo cảnh, mà ngoài thuyền vẫn lạnh lùng trăng dãi nước trôi, nghe tiếng sóng vỗ bì bõm, nàng còn tưởng chừng như tiếng nói của Cam Thu. Nàng buồn quá.
Một lúc trời hửng sáng. Vợ chồng người thuyền chài đã dậy, ân cần hỏi nàng đêm qua ngủ có yên không, sao dậy sớm thế? Nàng cảm ơn, nói rằng cũng ngủ được đôi chút. Hồng lúc bấy giờ cũng đã dậy, đem con mắt mông lung ngái ngủ nhìn nàng một cách âu yếm mà mỉm cười. Thúy chợt nghĩ đến giấc mộng đêm qua, bất giác trên khóe thu ba, đôi hàng châu lóng lánh, muốn cầm cho không rơi xuống cũng không được. Người đàn bà lại hết lời khuyên giải, Thúy tuy miễn cưỡng nuốt nước mắt mà trong lòng vẫn không sao vui.

 

Đi như thế đến vài ngày. Một buổi chiều tối kia cắm thuyền lại nghĩ, rồi cũng như mọi khi, cơm chiều xong, hai vợ chồng người thuyền chài đều nằm xuống ván thuyền mà ngủ. Thúy cũng dựa vào chiếc mái chèo thiu thiu, chợt nghe đằng cuối thuyền tiếng Hồng khóc tỉ tê rất là não nùng ai oán. Nàng lấy làm lạ, toan lên tiếng để hỏi thì có tiếng người đàn ông ho khúc khắc, tiếng khóc liền im. Nàng lại càng ngờ, bèn rón rén đi xuống cuối thuyền, Hồng trông thấy vội vàng giơ tay lên xua như có ý bảo rằng đừng nói, rồi ghé vào tai mà nói thầm:
- Hai người kia có phải là cha mẹ tôi đâu, giặc bể đấy!
Thúy nghe nói hồn phách rụng rời. Hồng trỏ một tảng đá đàng sau thuyền, kéo áo Thúy bảo nhảy sang đấy để trốn. Thúy đánh liều nhẩy sang, không ngờ đá trơn, trượt chân ngã xuống nước, may Hồng hết sức lôi được lên. 
Thúy hỏi:
- Bây giờ làm thế nào?
Hồng đáp:
- Họ định đem bán chị cho hồng lâu, nay có cơ hội nếu chẳng trốn đi thì còn gì là thân thế. Tôi với chị cùng là bạn bên trời lắng đắng, cùng một cảnh bèo rạt hoa trôi, nên giúp đỡ lẫn nhau để thoát khỏi nơi hang hùm nọc rắn.
Lúc bấy giờ đang mùa thu, gió bể như dao cắt, hai người đều hàm răng lập cập, rét buốt tận xương. 
Hồng cố nhịn rét nói run run: 
- Bây giờ ta nên nấp vào đám lau sậy cho thuyền giặc đi xa đã, rồi hãy đi. 
Thúy nói:
- Thế thì bị nó bắt mất, chẳng hẳng chạy đi là hơn.
Nói rồi dắt tay nhau chạy qua một bãi cát, thấy đằng trước mặt độ hơn một dặm có cánh rừng rậm rạp um tùm, bèn hết sức chạy đến đấy. Thì ra đó là một cánh rừng thông đến hàng nghìn vạn gốc mọc liền nhau, một người đi qua cũng không lọt. Những dây mây gai góc rườm rà như móc vào áo người ta mà kéo lại. Hai người đến đấy, sức đã mỏi không sao đi được nữa, bèn ngồi cả xuống dưới gốc thông, lấy những dây leo cây sậy phủ lên mình. Gió thổi, lá rừng sột sạt, hai người tưởng chừng như tiếng giầy của giặc bể, mật những muốn tan. Trên đầu lại có tiếng xào xạc, ngẩng lên thì ra tiếng chim rừng. Hồi lâu mỏi quá, hai người đều tựa vào cây mà ngủ. Tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch. Những lá cây đượm sương chịu khí nóng của mặt trời bốc lên thành khói như sa mù, cảnh trí rất là u sảng. Hai người nhìn nhau, sương bám vào áo lấm tấm như bụi, lấy tay phủi đi, lại thành ra một vệt máu tươi, thì ra tay hai người đều bị gai mây đâm. Vẫn ở dưới đám lau sậy, hai người đều không dám thò đầu ra ngoài.
Hồng nói:
- Nếu giặc không lại, chúng ta may ra mừng được tái sinh.
Thúy gật đầu, nhân hỏi Hồng cái nguyên nhân trụy lạc vào tay giặc và sao lại gọi giặc là mẹ với cha. Hồng đáp:
- Tôi người Phúc Châu theo cha đi Hồng Sơn, không ngờ bị giặc bể cướp hết tiền của, rồi bắt tôi hiến cho thằng đầu đảng tức là gã thuyền chài đó. Tôi vào tay nó rồi, nghĩ rằng không thể lấy sức mà đối lại được, mới giả nhận nó là cha mà chịu làm con nuôi để đợi cơ hội rồi trốn, nhẫn nhục đã mấy năm nay. Đêm vừa rồi tôi nghe hai vợ chồng bàn với nhau đến một tỉnh kia sẽ đem bán chị cho lầu hồng, tôi nỡ nào biết mà trông chị sa vào nơi lửa đỏ. Vả lại chị bị bán đi còn một mình tôi cũng khó lòng trốn được...
Nói đến đây Thúy chợt nghe tiếng lá động như có người đi vào, vội vàng bấm Hồng nói thầm:
- Chị thử nghe mà xem, có lẽ giặc đến!
Rồi chợt thấy bóng người thoáng qua ngoài rặng trúc, tiếng chân giẫm lên lá khó có vẻ vội vàng mạnh mẽ, mỗi lúc một gần, thôi đích là giặc rồi. Thúy toát mồ hôi, ghì chặt lấy Hồng không cho cựa cậy, lấy những tầu lá to che lên mặt, chân vùi vào trong đám cỏ. Nhìn đến Hồng sắc mặt đã tái mét và chết điếng đi không còn biết gì nữa. Nàng nhòm qua khe lá thấy một đầu người sừng sộ đi qua, hai con mắt lồi ra có vẻ giận dữ như biết rằng có người nấp đâu đó, chực sấn đến mà lôi ra. Thúy sợ quá, cũng rú lên một tiếng rồi ngất đi...
Hồi lâu nàng hơi tỉnh, trong tâm đinh ninh rằng thôi đành lại sa vào lưới của giặc bể rồi, ruột đau như cắt. Nàng mở mắt ra thấy mình vẫn nằm ở giữa rừng, không phải là giặc bể mà lại là một người con trai. Nhìn kỹ thì ra đứa ở người láng diềng nàng ở Phúc Châu. Nàng mừng lắm. Át Hồng lúc bấy giờ cũng đã tỉnh.
- Thọ Ân! Vì cớ gì mà anh lại ở chỗ này?
Thúy hỏi người con trai ấy rồi kể cho nghe sự gặp nạn của mình. Thọ Ân nghe nói có vẻ tức giận, thống mạ người mẹ ghẻ độc ác kia một hồi, rồi nói:
- Cô ơi! Cái thơ ngày nọ tôi đem đưa cô có phải là ở Ôn Châu đâu, của cậu Cam Thu đấy. Sở dĩ nói thác ra ở Ôn Châu là muốn tránh sự hiềm nghi của bà mẹ ghẻ cô.
Thúy nghe nói khóc òa lên:
- Vậy ư? Nào ta có được xem đâu! Trời ơi, độc ác thay là mẹ ghẻ của ta!
Ân nói tiếp:
- Chủ tôi mất tiền nghi cho tôi lấy cắp bèn đuổi tôi đi. Từ đấy tôi nay đây mai đó, lưu lạc đến đây làm đứa chân lợn cho người lấy bát cơm để hồ khẩu. Hôm nay vì chó sói bắt mất lợn nên tôi bị đuổi mà vào trong rừng sâu này, không ngờ nay được gặp cô.
Thúy nói:
- Thọ Ân ơi! Hôm nay được gặp anh thật là nhờ trời, hai chúng ta may được khỏi chết. Nhưng này, cậu Cam Thu bây giờ thế nào?
Ân đáp:
- Tôi mang thư đưa cho cô về thì cậu đã đi Toàn Châu. Sau tôi bị đuổi nên không biết cận trạng cậu ra thế nào.
Thúy ngậm ngùi, Thọ Ân lại nói tiếp:
- Nhưng các cô ở lâu chỗ này thế nào được. Nhà chủ tôi cách đây không xa, xin mời hai cô về ở tạm đấy vài ngày rồi tính đường về sau.
Hai người tỏ ý hân hạnh, bèn theo Thọ Ân vạch cây rẽ cỏ mà đi. Độ nửa dặm đến một con đường nhỏ ruột dê khuất khúc. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Hai người đói lắm bảo với Thọ Ân. Ân nói:
- Ở giữa rừng này thì lấy gì mà ăn được? À! Có một thứ quả rừng bây giờ đang chín, vị hơi chua chua ngòn ngọt có thể ăn được, để tôi đi hái.
Nói rồi chạy đi. Một lúc dùm về một vạt áo đầy, tay cầm một quả ăn dở, vừa nhai vừa nói:
- Ngon lắm, hai cô ạ.
Thúy và Hồng đói quá, mỗi người ăn đến mười quả, rồi lại theo con đường nhỏ mà đi. Đường ngoặt ngoèo quanh co, hai bên đều là cây cao cỏ rậm. Thỉnh thoảng qua cái cầu nhỏ bắc bằng cây, giẫm lên rung rinh như muốn gẫy. Một lúc đến một khoảng đất rộng, bốn bên vườn đều trồng dương liễu cỏ ngắn như nệm xanh. Ân lấy tay trỏ:
- Đây là bãi chăn súc vật của chủ tôi.
Đi qua bãi, vén những cành liễu rủ đi ra, liền thấy phên trúc nhà tranh, chậu hoa cây cảnh. Thọ Ân dừng lại bảo hai người:
- Hai cô hãy đứng đây, để tôi vào nói trước với chủ tôi đã. 
Một lúc ông cụ già độ sáu bảy mươi, đầu tóc bạc phơ chạy ra đón, theo sau một bà già vào khoảng ngoài năm mươi, đầu hoa dâm, áo nâu sồng. Trông thấy hai người, ông bà đều cười nói vui vẻ:
- Ồ! Hai cô tiên ở đâu giáng trần thế này?
Thúy và Hồng đều nói:
- Chúng tôi là kẻ lỡ đường đến xin ông bà cứu giúp, chúng tôi được cảm tạ vô cùng. 
- Lão rất vui mừng, mời hai cô vào. 
Ông già vừa nói vừa giơ hai tay đón hai người một cách ân cần vui vẻ. Ông tuy là điền gia nhưng cũng hơi phong phú. Nhà tuy cô lậu mà sạch sẽ phong quang. Hồng và Thúy lần lượt kể cái cảnh ngộ điêu linh của mình, hai ông bà đều châu mày nghiến răng, rồi cũng lấy lời yên ủi:
- Nhà chúng tôi đây quê mùa, được hai cô quang cố thực lấy làm hân hạnh. Xin mời hai cô yên nghỉ ở đây ít lâu, rồi lão sẽ sai Thọ Ân đưa hai cô về.
Lúc bấy giờ Thọ Ân bưng nước lên, bà già sai đi sửa sang sẵn một căn phòng sạch sẽ để hai nàng đi nghỉ. Ngồi nói chuyện ít lâu, người nhà lên báo cơm chiều đã xong, bà già mời hai nàng sang ăn cơm ở gian bên cạnh. Mâm cơm sơ sài, phần nhiều là rau dưa lấy ở vườn cả.
Bà già nói:
- Hai cô đều là bậc khuê các, lưng cơm bạc bẽo này thực chẳng xứng chút nào, đáng lẽ già phải làm con gà mới phải, nhưng vì đã quá chiều, hai cô đã có lòng yêu cũng lượng thứ cho. 
Hai nàng khiêm tốn cảm tạ, ngồi vào ăn thực thà rất là ngon miệng, vì lúc bấy giờ đã đói lắm. Tối đến hai nàng ngủ ở phòng bên cạnh, chăn gối chỉnh tề, trên ghế có ngọn đèn dầu le lói. Hai nàng mệt lắm, vùi người vào đống chăn là ngủ liền. Tuy chăn vải giường tre, lúc bấy giờ hai nàng coi như giường vàng chăn gấm. 
Ở đấy mấy hôm, hằng ngày bà già dắt hai nàng đi xem nơi trồng trọt chỗ chăn nuôi, nói chuyện việc nông tang, hai người vì thế cũng khuây khỏa được nỗi buồn. 
Một hôm Thúy bảo nhỏ với Hồng:
- Chúng ta ăn nhờ ở đậu ở đây, tuy được yên thân, nhưng không phải là cái kế lâu dài, vậy chúng ta nên tính đường về, chị nghĩ sao? 
- Vâng, tôi cũng định thế. Nay chị em ta cùng về cả Phúc Châu để xem tin tức tôn ông thế nào?
Thúy cho làm phải, vả lại về Phúc Châu may ra nàng lại được gặp Cam Thu, nên bằng lòng ngay. Hai người bèn ra ngỏ ý ấy với ông bà già. Hai ông bà đều có ý lưu luyến, nói rằng:
- Hai cô đã muốn thế già cũng không dám cưỡng, nhưng mà lương thực lộ phí đều thiếu thốn, đi ngay thế nào được, để già trữ cho một ít tiền và sai Thọ Ân đi hộ tống.
Hai người đều cảm phục lòng nghĩa hiệp của hai ông bà, cúi đầu xuống vái để tạ ân.
Sáng hôm sau cơm nước xong, hai ông bà sắm sửa lương thực hành trang cho Thúy và Hồng.
Thọ Ân nói: 
- Đi đường bộ rất nghiêu khê, hàng trăm dặm không có một ngọn khói bếp, đêm phải ngủ ở nơi gò đồng hoang lương, chi cho bằng đi đường bể tiện hơn.
Thúy và Hồng vội vàng gạt đi:
- Chớ! Chớ! Anh không sợ giặc bể ư? Nguy hiểm lắm, chúng tôi đã trải rồi.
- Không sợ, tôi chỉ chở một thuyền con giả làm thuyền đánh cá thì giặc bể không ngờ gì nữa. Tôi tuy chèo không giỏi, nhưng cứ từ từ theo ven bể mà đi, mãi cũng phải đến, nếu gió êm sóng lặng thì chẳng lo gì.
Hai ông bà đều khen phải, Hồng và Thúy cũng bằng lòng. Ân bèn đi thuê một chiếc thuyền con, hai nàng cải trang làm thuyền chài, rồi bài biệt ông bà già ra đi.
Thuyền nhổ sào, rẽ nước bơi đi; gió thuận dòng xuôi, chiếc thuyền bình bồng như cánh lá tre trôi mặt sóng. Thọ Ân ngồi chèo ở đàng lái nghêu ngao hát khúc đò đưa. Chiều đến lại vo gạo thổi cơm rất là chăm chỉ, hai người đều cảm khích tấm lòng trung thành của hắn.
Một hôm đang giữa trưa, trời không có mây, Hồng nằm ngủ ở trên ván, Thúy ngồi ở đầu thuyền ngắm phong cảnh trên bờ, Ân vừa chèo vừa hát như mọi ngày, chợt một trận cuồng phong thổi mạnh, mây đen kéo đùn đùn che kín cả một góc trời, rồi tối sầm lại. Sóng bồng bột nổi lên cao ngất, tiếng reo ầm ầm như thiên binh vạn mã hò reo tiến đến, làm cho chiếc thuyền đảo điên nghiêng ngửa, những toan lật úp. Thúy và Hồng ôm đầu nằm rạp xuống ván thuyền, mặt mày choáng váng không sao ngẩng lên được, liên thanh gọi Thọ Ân mà không thấy Ân đáp. Rồi mưa như trút nước xuống. Chiếc mui nan không đủ chống với giọt nước phũ phàng, hai người đều ướt như chuột lụt, khi rét thấm đến xương, tưởng chừng ngã xuống bể nằm ở dưới đáy rồi. Thúy kêu lên:
- Trời ơi! Ta lại chết ở bể ư?!...
Vừa nói đến đây nước đã ộc vào đầy mồm, mê man không biết gì nữa...

 

Được ít lâu sóng dẹp dần, gió mưa đều ngớt, thuyền cũng không chòng chành mấy nữa. Thúy mở mắt ra nhìn lên trời, mây tối đã tan, mưa còn loáng thoáng, trên mui hồng nước rỏ giọt như hạt lệ đứa cô nhi. Nàng vực Hồng dậy, quần áo đều ướt lướt thướt như tắm. Quay lại đàng lái không thấy Thọ Ân đâu nữa, Hồng rú lên:
- Ôi thôi! Ân chết rồi, trời ơi!
Hai người chỉ nhìn nhau mà khóc, sực nhớ đến nước ngập lưng thuyền, vội vàng lấy gầu tát ra. Lúc bấy giờ mưa đã thật lạnh, mặt trời lại chiếu nắng chiều lên mặt bể đỏ loe. Hai người đều không biết chở thuyền, đành phó mặc cho trôi theo luồng gió thổi.
Thúy nói:
- Ví khiến thuyền cứ thế này trôi đến Phúc Châu thật là trời giúp chúng ta, mà nếu không thì có chết trong bụng cá cũng còn hơn chết trong tay giặc. 
- Đã đành rằng thế, nhưng chỉ thương thay cho Thọ Ân.
Vừa đứng phơi nắng cho xe quần áo vừa nói chuyện, nhắc đến Thọ Ân, hai người đều ngậm ngùi giỏ nước mắt. Thuyền vẫn thuận dòng trôi đi mãi, chẳng biết chỗ nào là chỗ nào, chỉ thấy cách thuyền độ một quãng có một bãi cát mà thôi.
 Thúy nói:
- Lênh đênh trên mặt bể thế này, sao bằng lên cạn tìm một nơi mà ở, bằng không lương cạn thuyền tan, biết làm thế nào?
Hồng cho làm phải, bèn cố hết sức chèo cho thuyền vào bờ, nhưng không biết lái, thành thử sóng lại càng đánh xa ra, đành thất vọng ngửa mặt lên trời mà than: 
- Ôi! Nếu Thọ Ân chẳng chết thì lúc này có lo gì!
May sao bấy giờ lại có cơn gió nhẹ nổi lên, thổi rạt chiếc thuyền vào ven bờ, hai người đều cho rằng có lẽ âm hồn Thọ Ân thiêng liêng ám trợ chăng?
Vừa nhẩy lên bờ chưa đứng yên thì gió đã đổi chiều, đánh bật chiếc thuyền ra ngoài khơi. Hai người đều lấy làm may, lại ngửa mặt lên trời tạ ân Thượng đế. Thúy đứng nhìn theo chiếc thuyền mỗi lúc một xa, càng xa càng nhỏ, chẳng mấy lúc chỉ còn là cái chấm đen, rồi biến vào khoảng nước trời, chỉ còn thấy có mây trắng với bể xanh. Nàng chợt biến sắc, sực nghĩ đến đồ dùng lương thực còn để cả dưới thuyền chưa kịp mang lên, rồi ra lúc đói lấy gì mà ăn, chẳng chết đắm ở dưới thuyền cũng đến chết đói ở trên cạn mà thôi.
Trời đã xế chiều. Bể ngậm mặt trời rồi dần dần nuốt hẳn đi.
Hồng nói:
- Chị Thúy ơi! Biết ngủ đâu bây giờ?! Chúng ta phải đi tìm xem có cái cây nào để che đỡ phong sương một tối nay chứ?
Nói rồi dắt tay Thúy đi quanh quẩn hồi lâu, bỗng thấy một cây khô rất lớn nằm trên bãi cát, ruột lại rỗng, có thể dung được hai ba người. Thúy, Hồng mừng quá, cúi đầu vào nhòm, bỗng nhiên một con vật gì vụt bay ra, tiếng kêu the thé như quỉ thét ma gào. Hồng khiếp sợ kêu thất thanh, còn Thúy thì giật nẩy mình, định thần nhìn theo thấy con vật ấy vỗ cánh phành phạch bay thẳng lên trời. Nàng biết là chim bể, bây giờ mới hoàn hồn, bèn chui vào ruột cây, chợt bắt được đến sáu, bảy quả trứng to như trứng ngỗng, mừng rỡ cầm ra nói với Hồng:
- Chị Hồng ơi! Không lo đói nữa, đã có thức ăn sáng mai rồi.
Hồng nói:
- Nhưng lấy gì mà luộc được?
- Ồ! Chị thật thà quá, đến lúc đó thì thế nào mà chẳng xong. Để đến mai đi nhặt củi đốt lên rồi bỏ vào nướng xem ăn có ngon không?
Nói rồi kéo Hồng chui vào nằm ở trong thân cây, cởi áo ngoài chùm lên cửa hốc, khổ một nỗi gió cứ thổi bay đi, nàng lại phải chui ra lấy mấy hòn đá chặn lên. Nhờ thế cũng tránh được cái khổ một đêm sương gió. Mờ mờ sáng hôm sau đã phải chui ra vì đói lắm. Hồng chạy di nhặt một nắm cây khô về định để nướng trứng, chợt sửng sốt:
- Nhưng lấy đâu ra lửa bây giờ? Thế mới khốn!
- Không lo, ngày xưa cổ nhân đặt hai hòn đá vào nhau, thấy bật ra lửa mới biết nấu chín mà ăn...
Hồng không để Thúy nói hết, vui ngắt lời:
- À! Phải rồi, Lúc bé tôi đi học, sách cũng có nói cọ đá ra lửa, tôi cứ cho là phép thần tiên chứ người trần đâu lại có thuật ấy. Vậy bây giờ chúng ta thử thí nghiệm xem. 
Nàng bèn nhặt hai hòn đá chọi vào nhau, quả nhiên tinh lửa bắn ra tứ phía, nhưng cứ bật lên lại tắt liền. Nàng thất vọng. 
- Thế này thì dóm thế nào được?
Thúy nhìn Hồng mỉm cười có vẻ chế nhạo:
- Chị thật thà quá! Chị nhặt cho tôi một nấm lá khô rồi chị xem.
Quả nhiên nàng chọi đá vào đống lá khô đã vò nhục, tinh lửa bắn vào lá rồi bùng lên, hai người chất củi vào rồi vùi trứng xuống. Một lúc cời ra, bóc cái vỏ đen đi, ăn ngon lắm. Mỗi người ăn độ ba quả đã thấy no rồi. Nhưng ăn đã vậy còn uống làm sao? Nước bể mặn, nước ngọt không có, mà hai người khát lắm, cái khổ khát lại còn hơn cái khổ đói bội phần. Hai người đi lên đàng trước mặt, xa xa thấy có cỏ rậm cây xanh, mừng lắm, chắc có quả ăn giải khát được. Đến nơi, quả nhiên cây nào cây ấy quả chĩu trên cành, tròn như quả cầu, giống quả thị mà nhỏ, sắc hơi vàng vàng. Hồng toan hái, nhưng Thúy gạt tay lại: 
- Không nên chị ạ, những quả này ta chưa trông thấy bao giờ, ăn vào ngộ độc thì sao?
Hồng nói:
- Chị lo xa quá,  độc chưa thấy đâu hẵng thấy sắp chết khát đã.
- Thì chúng ta hãy đi tìm lúc nữa xem có nước không rồi hãy hay. 
Hai người lại đi, đến mấy dặm mà nhà vẫn không có một nóc, người không có một mống, vắng vẻ quạnh hiu, bốn bề chỉ những cây cùng đá. Chợt đàng trước mặt lại thấy bể, mặt nước bao la, không biết đâu là bờ bến.
Thúy nói:
- Có lẽ đây là một cái đảo chị Hồng ạ. 
- Càng hay! Nếu là một cái đảo không thông với người đời, thì chốn này sẽ là Đào nguyên của chúng ta.
- Nhưng giá có cả chàng Cam nữa lại càng...
Chưa nói rứt lời Hồng đã hỏi:
- Chị nói giá gì?
Thúy biết mình buột miệng lở lời, hai má đỏ bừng vội vàng nói chống:
- Không, tôi nói giá không tìm thấy nước chả biết chị có muốn ở đào nguyên này mãi không? Có muốn xúc tiếp với người đời nữa không?
Hồng nhìn Thúy mà cười. Thúy nói:
- Chị em mình khờ quá, cứ đi tìm suối với khe, biết đến bao giờ cho thấy. Ta cứ chèo lên hòn đá xem những chỗ lõm xuống, chắc thế nào chẳng có nước mưa đọng.
Hồng lấy làm phải. Hai người chạy đến tảng đá gần đấy thì quả nhiên có những vũng nước con con, bèn nhặt cái võ sò múc lấy nước trong mà uống. Thế là vấn đề nước uống lương ăn đỡ phải lo rồi, chỉ còn cần một chỗ ở để tránh sự nắng mưa, may sao lại tìm được một cái hang bằng đá. Thế là từ đấy công việc của hai chị em chỉ ngày ngày cứ đi tìm trong đám cỏ lấy trứng ăn. Nhưng cứ một món trứng vùi ăn mãi cũng chán, Thúy bèn bắt ba hòn đá con làm bếp, lấy cái vỏ trai lớn làm sanh, đập trứng vào làm lập là (oeuf au plat), hay thò cái que vào quấy lên làm trứng chưng. Cũng có khi ném chết được vài con chim ngủ đem nướng làm rôti nữa. Như thế cũng được đổi bữa luôn. Nước nhờ vào nước mưa, nhà đã có nhà thiên tạo, ngày ngày tiêu dao ở khoảng núi cây hoa lá, hoặc ngồi tựa bên hòn đá, hoặc nằm ngủ trên cỏ xanh, sự sinh hoạt cũng dễ chịu, hai người cơ hồ đã quên được nỗi khổ trầm luân.
Một hôm trời mưa, Thúy và Hồng không đi kiếm trứng được nằm ở trong hang nhìn ra ngoài, mây đen vần vụ. Lá vàng bay tan tác, quả chín rụng tơi bời, cảnh trí nặng nề, âm thầm buồn bã.
Thúy thở dài:
- Ôi! Cái đời luân lạc của chúng ta có lẽ đến đây là kết liễu, mà bao nhiêu hạnh phúc của loài người, thôi đành như nước chảy mây trôi. Thương thay nắm xương bậc mệnh gửi cùng cỏ núi hoa rừng, mộ hồng nhan ai kẻ viếng thăm!...
Hồng bùi ngùi nín lặng hồi lâu rồi nói:
- Chưa chắc đâu chị ạ! Cái oái oăm của tạo vật éo le kia không biết thế nào mà tường. Tôi với chị cùng sa vào vòng hoạn nạn, bao nhiêu cái khổ của nhân sinh, cơ hồ nếm đã đủ. Đồng bệnh tương liên, lẽ thường vẫn thế. Chị em ta cùng chung một cảnh ngộ, cùng bước trên đường cùng, cùng nhau chia đắng xẻ bùi trong những lúc khốn đốn gian truân, cho nên quí mến nhau, thương yêu nhau, có lẽ cái tình thân mật ở trên đời này không ai bằng chị em ta nữa. Vậy hôm nay đây, tôi muốn cùng chị thề nguyền với trời đất kết làm chị em, để cùng nhau phấn đấu với bàn tay độc địa của trời già, chị nghĩ sao?
Thúy cảm động quá, nước mắt từ từ rơi trên gò má, giơ hai tay ôm lấy Hồng hôn vào chán.
Hồng nói tiếp:
- Rồi nếu có cơ hội về, chị em ta tìm một nơi vắng vẻ ở hầu hạ hai thân, thề chẳng cùng bọn con trai lân cận...
Thúy chợt sực nhớ đến Cam Thu, xúc động tấm lòng, bất giác khóc òa lên. 
Hồng nói:
- Kìa! Sao chị lại quá thương thế. Chị không lo, em chắc thế nào trời cũng không phụ chị em ta. Ờ! Từ bây giờ em cứ xưng em với chị, vì chị lớn tuổi hơn. Chị Thúy à, rồi em đón cả tôn ông về Phúc Châu cùng cha em di dưỡng tuổi già. Nhà em tuy chẳng giàu, nhưng cũng có thể cung phụng tôn ông và chị được đến chung thân.
Thúy nắm lấy tay Hồng:
- Chị rất cảm tạ cái thịnh tình của em, chị rất mong trời chứng giám cho tấm lòng quí báu ấy mà không phụ chị em ta, khiến có ngày được về cố hương. 
Hồng chợt sửng sốt:
- Kìa! Sao tay chị lạnh thế này, mà trán lại nóng, mặt đỏ bừng. 
- Có lẽ chị cảm hàn, mà bây giờ thấy rét lắm.
Nói rồi nàng nằm xuống, chân tay co ruỗi không được tự nhiên, vừa run vừa rên, vì nằm trên đá lại càng rét lắm. Hồng vội vàng chạy đi bốc nắm lá khô trữ sẵn để đun dần giải xuống làm nệm cho Thúy nằm, lại đốt một đống bên cạnh để sưởi, nhân thể bỏ mấy quả trứng vào làm món ăn chiều. Rồi nàng cởi áo ra đắp lên cho Thúy. Tối hôm ấy nàng nằm ôm lấy Thúy để ấp cho nóng, nói hết chuyện nọ đến chuyện kia cho Thúy vui, cả đêm không ngủ. Nàng lấy làm lo sợ, nếu Thúy có mệnh nào thì một mình nàng chống chọi làm sao được với cái buồn cái khổ ở chỗ rừng sâu hang thẳm này. Nhưng không bao lâu nhờ sự chăm nom của nàng nên Thúy cũng khỏi dần.

 

Một hôm, vì Thúy mới yếu khỏi nên Hồng đi kiếm trứng có một mình, thơ thẩn đi xa hơn mọi bận. Nàng đang lom khom bới đống lá sột sạt, chợt một con quái vật ở cái dỗng gần đấy nhẩy xổ ra, hình thù y như người, đầy mình lông lá, tóc rũ xuống tận vai, nhẩy nhót nhẹ nhàng, chạy lại như muốn bắt Hồng. Hồng thét lên một tiếng ù té chạy; con quái vật đuổi theo, lại nói được tiếng người:
- Người hay là quái đấy?
Hồng lại càng sợ không dám quay lại, vừa chạy vừa nói:
- Mày là quái lại còn bảo ai quái.
- Không, ta cũng là người đây! Hãy dừng lại nói chuyện đã nào. Ta là người ở Phúc Châu, vì đi thuyền bể bị giặc bể cướp nên trôi rạt đến đây, chứ không phải quái đâu!
Hồng nghe nói sực nghĩ đến cha, bèn hỏi:
- Thế tên họ là gì?
- Đồng Tử Chi.
Hồng giật mình, vội vàng chạy ngay lại:
- Trời ơi! Thế con là Át Hồng đây!
Nói rồi khóc lên như mưa. Tử Chi cũng khóc. 
- Át Hồng đấy ư? Sao con lại đến đây?
- Cha ơi! Cái cảnh huống long dong của con nó dài lắm, con phiêu lưu đến đây còn một người bạn gái nữa, hiện đang yếu đợi con ở đằng kia đã lâu, vậy cha hẵng đi lại đấy rồi nói chuyện. 
Hai người bèn trở lại hang đá, đến nơi, Thúy đang ngủ, dáng nằm ẻo lả có vẻ đẹp như tiên nga. Hồng quì xuống ghé vao tai Thúy khẽ gọi:
- Chị Thúy ơi! Cha em đã đến đây này!
Thúy bừng mắt dậy ngồi lên, trông thấy Tử Chi ngỡ là một con hầu lớn, sợ quá lùi nép lại đằng sau.
Hồng chỉ vào Tử Chi nói:
- Cha em đây. Em gặp cha em ở đàng kia.
Thúy ngạc nhiên:
- Sao ông lại lông lá thế này?
Tử Chi cười:
- Cô đừng sợ, tôi là người đây, thư thả tôi sẽ nói vì sao tôi lại thế này.
Rồi Tử Chi ngồi xuống cửa hang, ngoảnh vào Hồng nói tiếp:
- Khi thuyền bị cướp ở bể giặc bắt con đi rồi, chúng lại giết cả mẹ con nữa...
Hồng nghe nói lăn ra khóc rống:
- Trời ơi! Mẹ con chết rồi ư? Đau đớn thay cho con! Tạo vật đối với con sao mà tàn nhẫn thế?!...
Tử Chi gạt đi:
- Thôi sự đã rồi, con đừng quá thương nữa mà có hại cho sức khỏe tinh thần, để rồi cha nói nốt cho con nghe. Con ạ, lúc bấy giờ ta không biết làm thế nào, đành nhẩy liều xuống bể để tránh những lưỡi dao vô đạo của chúng. May sao chới với một lúc rồi ôm được cây gỗ trên thuyền rơi xuống, nhờ thế khỏi được cái nạn chết chìm, rồi trôi dạt mấy đêm ngày đến đây. Tuy lên được cạn rồi nhưng đói lắm mà không có gì ăn, ta phải hái những quả như quả thị ở những cây kia để ăn, không ngờ ăn vào người mỗi ngày một thấy nhẹ bỗng, rồi lông lá mộc khắp mình, diện mạo khác hẳn đi, không trách lúc nãy con và cô cho là quái vật được. 
Hồng nói:
- Thế mới biết chị Thúy tri cơ. May quá, nếu em không nghe chị thì chị em ta cũng đã hóa ra như hình cha em rồi.
Rồi nàng lần lượt kể nông nỗi cùng Thúy gian truân cho đến lúc đến đây tìm nước uống tìm lương ăn thế nào, nhất nhất kể cho Tử Chi nghe. Ba người vừa mừng vừa tủi.
Chiều hôm ấy món ăn của ba người lại thêm đuoc món thịt thú rừng của Tử Chi săn được. 
Tử Chi nói:
- Ta ở đây đã quen rồi, những tưởng không bao giờ được dẵm lên vết chân người đời nữa, không ngờ hôm nay lại được gặp các con. Các con tuổi còn trẻ, đầu còn xanh, liễu yếu đào tơ, ở đây làm bạn với quỉ núi ma rừng thế nào được.
Hồng vội hỏi:
- Vậy cha có cách gì về được không?
- Ta cũng nghĩ mãi mà vẫn chưa biết làm thế nào cho ra khỏi được cái hoang đảo này, chỉ có một cách là đốn cây làm thuyền, nhưng khốn một nỗi không có rìu búa thì làm thế nào được!
Thúy chợt nghĩ ra, vẻ mừng lộ trên sắc mặt, vội nói với Hồng:
- Em có còn nhớ cái nhà ngủ thứ nhất của chị em ta khi mới bước chân lên cái đảo này không?
- Cây gỗ rỗng ruột ấy à?
Tử Chi vỗ đùi:
- Được rồi! Thúy thông minh lắm.
Hồng vẫn còn ngơ ngác không hiểu là thế nào. Thúy cười:
- Nghĩa là cây gỗ ấy sẽ là chiếc thuyền cho chúng ta ra khỏi cái đào nguyên này. 
Hồng bấy giờ mới biết rằng cây gỗ có thể nổi trên mặt nước được, mừng cuống quít, khoa chân khoa tay:
- Thế thì mai khởi hành đi thôi. 
Thúy nói đùa:
- Thế em không lưu luyến đào nguyên nữa à? Nhưng mà em nông nổi quá, mai đi ngay thế nào được, còn phải dự bị lương thực chứ. 
Tử Chi khen phải. Từ đấy hàng ngày Tử Chi vào rừng săn chim muông, còn Thúy và Hồng ra công đi kiếm củi khô và trứng. Chẳng bao lâu đã được một số lương đủ dùng trong một tháng, bèn quyết kế khởi hành.
Ba người trở ra bãi cát, khiêng cây gỗ thả xuống bể, Hồng và Thúy mang lương thực trèo lên, Tử Chi cầm hai cành cây làm mái chèo nhảy lên sau. 
Cây gỗ rập rềnh ra ngoài khơi, nghiêng bên nọ ngả bên kia, nhờ cái tài chèo thuyền của Tử Chi nên không đến nỗi lật úp, duy không có bánh lái, nên không khiến được cây gỗ đi theo như ý muốn của ba người.
Đi như thế một ngày đêm thì đến giữa bể, trông ra mông mênh bát ngát, không bến không bờ. Tử Chi phấn khởi cố hết sức cho thuyền tiến lên, nhưng bị gió cản lại rồi quay đi như vào chỗ nước xoáy, muốn chở sang bên đông không được, sang bên tay cũng không được, đành mặc cho sóng đánh trôi đi đâu thì đi, không tự chủ được nữa. Hồng và Thúy đều sợ, chỉ khóc và kêu trời. Tử Chi miệng bảo không sợ nhưng trong bụng cũng lo, nếu cứ lênh đênh trên bể mãi thế này; dẫu thuyền không đắm nhưng lương thực hết cũng đến chết đói thôi.
Lại đi một quãng nữa, vẫn mơ màng chẳng biết là đi đâu. Hồng và Thúy ôm nhau mà khóc, chợt Tử Chi kêu lên:
- Cái gì ở đàng xa lại kia? Chẳng phải là chiếc tầu bể ư?
Hồng, Thúy kinh ngạc trông ra, nhưng chẳng thấy gì cả. Tử Chi lấy tay trỏ:
- Kia kìa! Cái điểm trăng trắng mà nổi kia chẳng phải là gì.
Hai người nhìn theo tay trỏ, quả nhiên ở cuối chân trời có một điểm trắng như đợt mây nổi, lại như con chim bể nổi lên chìm xuống tắm trên mặt sóng, lúc ẩn lúc hiện, chợt thấy chợt không. Dần dà cái điểm trắng ấy lớn dần, mỗi lúc một rõ, rồi quả nhiên là chiếc tầu bể. Ba người khốn xiết mừng rỡ, cái mừng không thể nói được. Tử Chi cố hết sức khiến cây gỗ hướng vào chiếc tầu mà tiến. Một lúc lâu chiếc tầu đến gần, khói tỏa lên trời đùn đùn như mây trắng. Người trên tầu trông thấy cây gỗ lềnh bềnh trên mặt sóng, đều chạy ra đứng ở lan can tầu mà xem.
Cây gỗ cơ hồ vào gần được đến tầu thì lại bị sóng tầu đánh ra xa, có lần sóng đánh mạnh quá suýt bị lật chìm. Thúy và Hồng giơ tay lên cầu cứu, tức thì trên tầu vứt xuống chiếc thừng, ba người kế tiếp nhau níu vào đầu thừng, người trên tầu kéo lên. Lúc bấy giờ phần vì sợ, phần vì đói, nên ba người mệt lắm, nằm lã người đi. Một người đàn ông Âu phục râu bạc phơ phơ sai đem ba người đến một cái phòng tĩnh mịch giao cho bà vợ trông nom điều dưỡng. Cả hai ông bà đều là người Thụy sĩ. Bà tuổi độ năm mươi, biết tiếng Trung Hoa, ôn tồn hỏi cái cớ phiêu dạt của ba người. Ba người nhất nhất thuật lại cho bà nghe, bà bèn dịch ra tiếng Thụy Sĩ cho chồng hiểu, hai ông bà đều ngậm ngùi than thở, rồi ông lấy bút ghi lấy đem ra công bố cho mọi người trên tầu đều biết, vì ai nấy đang bàn tán xôn xao về Tử Chi, không biết là vật hay người. Bà đem sửa và bánh cho ăn, chẳng bao lâu ba người đều được khỏe mạnh như thường. Thúy hỏi chuyện mới biết rằng ông bà tên là Huệ Tư, chủ chiếc tầu Đằng Kinh này. Hai ông bà ở Trung Quốc đã lâu, chuyến này đi từ Thượng Hải ra Phúc Châu. Ba người thấy nói đi Phúc Châu mừng lắm, hết lời cảm tạ ông bà Huệ Tư đã cứu cho khỏi chết lại chở cho về đến cố hương.
Đi được mấy ngày tầu đến Phúc Châu, cha con Át Hồng trở về nhà, còn Thúy vì bị say sóng và bị cảm nên bà Huệ Tư đưa nàng vào điều trị ở trong thành. Bà đối với Thúy rất có cảm tình, đi lại thăm nom luôn. Hồng hằng ngày cũng đem quà bánh vào túc trực luôn ở bên giường. Nhưng bệnh tình Thúy cũng không lấy gì làm quan ngại lắm.
Thúy khỏi rồi, Hồng đón về nhà như lời ước cũ. Hai chị em quấn quít nhau như keo sơn, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu, không mấy lúc dời nhau. Tử Chi nói:
- Ôi! Khi ở đảo ta vẫn hằng mơ tưởng có ngày rày, không ngờ được như nguyện, thật là Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân.
Ba người mỗi khi thuật lại truyện cũ lại bùi ngùi, thứ nhất là Thúy, cánh bèo mặt nước, lênh đênh chưa biết đến ngày nào. Mỗi lúc nàng nhớ đến cha và Cam Thu, hàng châu lại lã chã. Cái tình Thúy yêu Thu thấm thía đến cốt tủy tâm can, đã từng cùng nhau chỉ non thề bể, thấm thoát xa nhau đã mấy năm trời, chẳng biết Thu có còn giữ tấm chung tình với người cũ chăng?! Nàng tùy về đàng vật chất được yên thân, nhưng về phần hồn thật là rối loạn. Khối tương tư nung nấu khúc can tràng, mà nỗi niềm tâm sự khôn được cùng ai giải tỏ, cho nên lúc nào nàng cũng uất ức âu sầu. Hồng thấy tình trạng Thúy như thế chỉ cho là nàng nhớ cha mà thôi, bèn lấy lời khuyên giải:
- Chị cứ yên tâm ở đây với em. Chị không nhớ lời em khi ở hoang đảo à? Chị còn yếu chưa đi Ôn Châu được, em xin cho người đi đón tôn ông ngay bây giờ để chị em ta cùng phụng dưỡng. Như thế chị không còn có điều gì đáng buồn nữa, vậy chị vui lên em mới được vui.
Thúy nói:
- Chị rất cảm tạ em. Em có lòng thế cũng may cho chị lắm, vì nhà chị bây giờ có lẽ cũng nghèo lắm, không biết cha chị có đủ tháng ngày no ấm không?
Ngay ngày hôm ấy Hồng cho người đi Ôn Châu. Thúy bây giờ mới được hả hê vui cười trò chuyện, trong bụng đinh ninh rằng chỉ ít lâu nữa là được gặp mặt cha. Không ngờ...! Phải, xưa nay ai học đến chữ ngờ. Người đi Ôn Châu về nói rằng ông thân sinh Thúy bây giờ không ở Ôn Châu nữa và không biết đi tha phương buôn bán ở đâu, cái nhà cũ ấy bán đi rồi, mà người mẹ ghẻ cũng bỏ đi lấy chồng khác đã một năm nay. Thúy nghe nói rụng rời như sét đánh ngang tai, lăn ra vật vã:
- Trời ơi! Tôi đã biết mà! Tạo vật đối với tôi vẫn vô tình, hành hạ mãi chẳng thôi! Ôi! Ta có tiếc gì mẹ ghẻ bạc ác kia, chỉ thương thay cho cha ta, già nua tuổi tác mà phải lưu lạc tha phương, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm. Cha ơi! Chẳng hay cha có biết con còn sống không? Mà sống một cách đau đớn thế này không?!...

 

Từ đấy, nàng không lúc nào được vui, nỗi cha yêu giấu, nỗi bạn chung tình, trăm mối tơ vò rối tung trong óc. Nàng đã đăng báo tìm cha mà vẫn chưa thấy tin tức tăm hơi. Nàng buồn lắm. Có lúc Hồng nói chuyện mà nàng không nghe thấy gì, có khi ăn cơm ngồi đờ ra không gắp, cả ngày thờ thẫn như người mất hồn. Tử Chi và Hồng đã hết lời khuyên giải mà nàng cũng không sao vui được. Một hôm Hồng cầm lấy tay Thúy, bao nhiêu vẻ thân ái thu cả vào đôi con mắt, nhìn Thúy nói một cách buồn rầu:
- Chị Thúy ơi! Em xem ra chị không những là chỉ buồn về một nỗi nhớ tôn ông mà thôi, hình như chị lại còn một điều gì bí ẩn u uất ở trong lòng nữa. Chị em ta đã coi nhau như ruột thịt, sao chị lại còn giấu gì em mà chẳng nói, để em cùng chị chia xẻ nỗi buồn và họa may em có giúp chị được chút nào chăng?
Thúy xem ra Hồng có vẻ thành khẩn, và cũng là bạn gái đồng tâm, bèn đem cái ái tình của mình đối với Cam Thu, nào những lúc trò chuyện dưới trăng, bơi thuyền mặt nước, nào những lời hẹn bể thề non, kết nguyền phu phụ, bao nhiêu tâm sự nhất nhất đem ra giãi tỏ cùng Hồng. Không ngờ Thúy nói ra được hả bao nhiêu, Hồng lại như bị kim châm vào ruột bấy nhiêu. Thế mới biết con tạo trêu ngươi, cái gì người ta muốn vo tròn lại thò tay ra bóp bẹp. Cái giao tình như keo sơn của Thúy và Hồng từ trước đến giờ không ngờ vì một câu chuyện hôm nay bỗng thành ra như dầu với nước. Ôi! Có gì đâu. Số là trước khi luân lạc Hồng cũng có yêu một người, cũng thề cũng thốt, cũng giao ước trăm năm, mà người ấy cũng lại là... Cam Thu! Ghê gớm thay là cái máu ghen của đàn bà! Nguy hiểm thay cho sự một chĩnh hai gáo! Cho mới biết cái mãnh lực của ái tình thắng đoạt được hết thảy trên thế gian. Bao nhiêu tình tình nghĩa nghĩa ái ái ân ân của Thúy và Hồng nhạt dần thành ra mây tan khói tỏa. Từ đấy Hồng đối với Thúy như nước với lửa, nhưng chỉ đành chết ngấm trong lòng chứ không dám nói cho Thúy biết rằng mình cũng yêu Thu. Thúy vô tình có biết đâu, chỉ lấy làm lạ rằng sao Hồng độ này đối với mình lại có vẻ hững hờ ghẻ lạnh, nhưng cũng không để ý gì cho lắm.
Một đêm, Thúy nằm cạnh Hồng trằn trọc không ngủ, chợt thấy Hồng lảm nhảm nói mê:
- Chàng Cam Thu! Sao chàng đã yêu em rồi lại còn yêu Thúy?...
Thúy giật mình, nhưng không dám gọi, lặng im xem Hồng có nói gì nữa không, nhưng chỉ thấy ú ớ không nói gì nữa. Thúy bấy giờ mới biết cái nguyên nhân Hồng hất hủi mình, lấy làm buồn lắm. Buồn cho tình đời nóng lạnh, buồn cho duyên số hẩm hiu, còn một chút tình yêu cũng không được trọn vẹn. Nàng nghĩ ngợi phân vân, không biết Thu yêu Hồng trước hay yêu mình trước, mà sao chàng lại ăn ở hai lòng, có lẽ nào câu chung tình của chàng lại là câu đầu lưỡi. Không, không có khi nào, nàng tin rằng thế. Nàng chưa dám trách Thu, nàng mong được gặp Thu để biết đầu đuôi uy khúc, vì nàng vẫn tin ở tấm lòng chung thủy của Thu. Nàng cho rằng trái tim nàng chỉ nhất quyết hiến cho Thu, có lẽ nào Thu lại phụ bạc nàng. Nàng chỉ ngao ngán cho sự thay đen đổi trắng của Hồng. Nàng giận Hồng lắm. Nàng biết rằng không thể nào ở với Hồng được nữa, vì độ rày Hồng coi nàng như cái đinh trước mắt, bao nhiêu tình xưa nghĩa cũ cơ hồ không thể vãn hồi. Nàng than thầm:
- Ôi! Hồng đã không có cảm tình với ta nữa, ta còn lưu luyến ở đây chi. Vả lại có lẽ nào ta chỉ biết yên thân một mình trong lúc cha phải phương trời lưu lạc. Bổn phận ta là phải đi tìm, vậy ta còn lần lữa nỗi gì mà chẳng quyết. 
Nàng khóc. Hai tay ôm lấy đầu gục mặt xuống gối, nàng khóc âm thầm... Hồng chợt tỉnh thấy Thúy thổn thức sụt sùi, cho rằng Thúy nhớ đến Thu, lại càng như chọc tiết trêu gan, càng như khêu gợi cái máu ghen của nàng. Nàng tung chăn trở dậy vùng vằng đi sang ngủ buồng khác. Thúy buông mạnh hai tay xuống giường thở dài:
- Thôi, thế là quyết tuyệt, không còn ân tình gì nữa.
Sáng hôm sau nàng đem ý muốn nói với Tử Chi, Tử Chi nói:
- Cái hiếu niệm của con thực rất đáng khen, ta đâu dám ngăn trở, nhưng đường sá xa xôi, gian nan nguy hiểm, mình con thân gái dặm trường không phải là việc dễ. Vả lại con đi để Hồng một mình liêu tịch, sao cho nó khỏi nhớ khỏi buồn.
Thúy nói:
- Vâng, con cũng biết thế, nhưng mỗi lúc nghĩ đến cha con thì tấc dạ lại bồn chồn, ăn không ngon ngũ không yên, chẳng gì bằng cho con về Ôn Châu họa may được gặp cha con chăng, mà con cũng khỏi ân hận trong lòng. Tìm được cha rồi, con lại xin về đoàn tụ với em Hồng như cũ.
Tử Chi biết chí nàng đã quyết không thể lưu được nữa, tỏ ý mến tiếc ngậm ngùi:
- Ừ, thôi con đã quả quyết đi tìm tôn ông, ta cũng không thể ngăn được, nhưng về Ôn Châu nên đi tầu bể cho được an nhàn, để ta cho một người vú già đi theo con cho có bạn. Duy đi đường vất vả, con nên tự ái giữ gìn. Nhưng đến mai hẵng đi chứ?
- Vâng, nghĩa phụ đối với con thật là ân cần, con rất lấy làm cảm khích, nhưng chuyện này con đi xin đừng cho em Hồng biết, để tránh khỏi nỗi buồn ly biệt lúc chia tay.
Thúy nói thế là để khỏi phải trông thấy cái thái độ thương tiếc giả dối của Hồng, nhưng Tử Chi lại cho là thâm tình, liền nói:
- Con yêu Hồng thật là đến nơi đến chốn.
Hôm sau nàng dậy thật sớm. Tử Chi đưa cho hai trăm bạc làm lữ phí, và cho người vú già đi theo. Lúc bấy giờ Hồng hãy còn ngủ, chỉ có một mình Tử Chi tiễn nàng ra bến tàu mà thôi. Tử Chi đinh ninh dặn dò, Thúy cảm tạ bái biệt, cùng người vú già trèo thang lên tàu.

 

Sáng bạch, tàu nhổ neo. Trời bể mênh mang, bốn bên thăm thẳm. Khách trên tàu phần nhiều ra đứng ở lan can ngắm cảnh nước trời. Người vú giá mới đi tàu bể lần này là một, lấy làm lạ lắm. Duy đối với Thúy đã quen rồi nên cả ngày nàng chỉ nằm trong phòng nghỉ ngơi. Nàng thấy ra khỏi nhà Hồng trong mình được dễ chịu nhẹ nhàng.  
Ba ngày đến Ôn Châu. Tàu ghé bến, nàng và vú già cũng theo làn sóng người mà xuống, trao hành lý cho một người đón khách của một lữ quán. Lữ quán cách xa thành nên tĩnh mịch mà sạch sẽ, khách trọ cũng đông. Thúy thuê một căn phòng ở trên lầu phía tây.
Từ đấy nàng chỉ có một việc lo phương kế để tìm cha. Nàng tự nghĩ người đất Ôn này, không phải là ai ai cũng biết cha nàng cả, mà cha nàng ở đâu, nàng cũng không biết, thế thì đi tìm đâu bây giờ. Chi bằng đem tình đầu nói với quán chủ, để quán chủ hỏi cả khách trọ xem có ai biết không? Nàng lại đăng quảng cáo lên báo, trình sở cảnh sát, thôi thì hết tài sức nàng có thể. Người quán chủ ngoài mặt quí nàng có hiếu, thực ra là quí nàng có tiền. Nàng cũng biết vậy, nhưng nghĩ bụng nếu tìm được cha thì có tiếc gì. Hằng ngày nàng chỉ lấy sách làm vui, hoặc đi tha thẩn ngoài đường, mong ngẫu nhiên được gặp cha nàng. Song le đã hơn một tuần rồi, tin tức vẫn mịt mù, mà hai trăm bạc đã tiêu mất non nửa, nàng lấy làm lo lắm. Một đêm nàng xem sách xong, muốn gọi người vú già lên để sai một việc, nhưng gọi mãi không thấy thưa, nàng cho rằng ngày làm vất vả nên đêm ngủ say, nên nàng cũng không gọi nữa, bèn trở dậy đi làm lấy. Không ngờ sáng hôm sau mãi cũng không thấy người vú già ấy lên dọn buồng, nàng bèn gọi người quán chủ lên hỏi, thì người quán chủ nói rằng từ chiều hôm qua đến giờ không thấy bóng dáng người ấy đâu. Nàng sinh nghi, đi kiểm lại hành lý, thì ôi thôi! Số tiền lữ phí đã không cánh mà bay đi mất rồi. Nàng hoảng hốt hỏi người chủ quán. Người chủ quán thấy nàng hết tiền giở giọng:
- Cái đó tôi biết đâu, người vú già là người của cô đem đến, tiền cô không giữ để mất là tại cô, có việc gì đến tôi.
- Vậy phải đi trình cảnh sát?
- Đó là việc của cô!
Anh ta nói bằng một giọng lạnh lùng rồi đi ra, bao nhiêu vẻ nịnh nọt lúc ban đầu đã biến cả ra vẻ đe dọa. Một lúc anh ta lại vào, con mắt gườm gườm bảo Thúy:
- Tôi nói cho cô biết, tiền trọ của tôi tháng nào phải trả tháng ấy, nếu tháng này cô không đủ đừng có trách.
Thúy cúi đầu không nói gì.
- Cô đã nghe ra chưa?
- Thôi được, ông cứ đi ra, đến tháng hẵn hay. 
Nàng tuy nói thế, nhưng trong lòng lo lắm, vội vàng lấy giấy viết thư cho Tử Chi. May sao trong túi còn được ít tiền lẻ đủ chi dùng trong khi đợi tiền của Tử Chi gửi đến. Nhưng nàng vẫn thấp thỏm. Tuy nàng biết rằng Tử Chi không khi nào tiếc nàng, mà dẫu Tử Chi có cho rằng nàng tiêu pha phí phạm mà nói dối là mất trộm chăng nữa, thì trong lúc nguy khốn này có lẽ nào lại bỏ nàng không cứu, chỉ sợ vào tay Hồng, Hồng trẩm đi không cho Tử Chi biết thì làm thế nào? Lấy gì mà trả tiền trọ, lấy gì mà tiêu sài? Không có tiền mà tìm được nơi ở miếng ăn giữa chốn đô hội này có lẽ lại khó hơn ở nơi hoang đảo. Nàng nghĩ đến đây vừa lo lại vừa buồn. Thôi cái hi vọng gặp cha và người yêu đành là mộng tưởng. Nàng khóc. Vì ngoài cái khóc ra nàng không biết giải quyết bằng cách nào. Nàng chỉ biết hễ nước mắt ra được bao nhiêu là trong dạ thấy hả được bấy nhiêu. Nàng than rằng đời hồng nhan là đời đầy những lệ. Nàng lấy thân nàng ra làm chứng cứ, vì từ trước đến giờ nước mắt đã tắm gội cho đôi gò má nàng biết bao nhiêu. Suốt một đời nàng cái khổ bao giờ cũng theo ở gót chân. Túng nhiên thỉnh thoảng cái sướng cũng có đến nhưng chỉ thoáng qua trong chốc lát. Nàng ví đời nàng như cái bể đầy những muối chỉ pha có một cục đường. 
Ôi! – Nàng khóc – Đau đớn thay phận đàn bà! Độc ác thay ông trời già! Cớ làm sao chỉ ra tay rập liễu với vùi hoa?... Cái đời ta mới vô vị làm sao? Ôi! Ta có tiếc gì cái sống không có sinh thú này nữa. Đời đối với ta đã vô tình, ta còn lưu luyến nỗi gì! Sống ở với người đảo điên bạc bẽo trên thế gian, chẳng thà chết ở với ma quỉ dưới suối vàng. Phải! Ta không phải là người sợ chết. 
Nàng quả quyết hăng hái đứng dậy cầm lấy con dao con ở ngăn kéo, nhưng nàng lại buông xuống ngồi phịch xuống giường. 
- Nhưng mà... ta chửa chết được. Còn cha và Cam Thu! Bây giờ ta chết thì khối hiếu tình mang xuống toàn đài sao tan! Ta chửa chết được. Nghĩa vụ ta còn nhiều.
Nói đến đây nàng nằm ngả xuống giường khóc, khóc nức nở, khóc đến nỗi đẫm mấy cái khăn tay, ướt đầy chiếc áo gối. Chợt có tiếng gõ cửa. Nàng nín khóc nhưng không dậy, nằm trên giường nói ra:
- Cứ vào.
Người bồi buồng đẩy cửa vào, đưa cho nàng bức thư đảm bảo và quyển sổ ký. Nàng trông thấy chữ Tử Chi mừng lắm.
- Phải, ta chưa chết được, hi vọng ta còn nhiều.
Nàng ngồi dậy mở cánh cửa sổ ra cho sáng, lau nước mắt rồi bóc thư đọc:
Ôn Châu, ngày...
«Con Thúy!
«May quá ta đang ân hận không biết bây giờ con ở đâu để báo tin mừng cho con biết thì nhận được thư con. Ta vội vàng gửi ngay cho con cái ngân phiếu 200 đồng và nhân thể nói cho con biết, đến hai mươi này ta sẽ làm lễ vu qui cho em Hồng, kết duyên với kỹ sư Cam Thu mới đi du học về...
Thúy đọc đến đây tái người đi, buông bức thơ xuống thở dài. Nàng trầm ngâm một lúc, rối nước mắt ràn rụa trên gò má:
- Trời ơi!... Thu quá bội bạc ta! Ta có ngờ đâu... thế mà ta cứ ngày đêm tơ tưởng... ta cứ tưởng rằng...
Nàng hai tay để lên ngực thổn thức, gục mặt xuống bàn khóc, hồi lâu ngẩng lên, nàng chép miệng lắc đầu:
- Ta không ngờ Thu lại bạc tình như thế. Ta thành tâm yêu Thu, ái tình ta chỉ biết có Thu, không ngờ...! Thôi, Thu đã phụ ta, ta cũng không nên tiếc gì Thu, từ đây quyết ôm trái tim trong sạch cho đến già, thề không gần con trai nữa... Phải, chỉ vì ta nghèo.
Nàng im lặng một lát rồi cười nhạt, cái cười chua chát. 
- Hừ! Tâm địa con Hồng! Rặt những sự không ngờ cả. Hồng cũng thề với ta, Thu cũng thề với ta, rút lại cũng cùng phụ bạc ta ôi, thề với thốt. Nhưng thôi, đó cũng là bài học ở đời cho ta. 
Rồi nàng cầm lấy bức thư đọc nốt:
«... Vậy con mau mau thu xếp về đưa dâu em Hồng... 
Nàng chau mày:
- Thật là những lời kim châm vào ruột.
«... Thế là xong một việc, còn việc nữa con xem ở trang sau...
Nàng lật bức thơ, thấy:
«Tái bút:
«Sở dĩ ta nói việc trên trước rồi mới nói đến việc này là muốn cái vui tiết bớt cái buồn cho con...
- Cái gì thế này?
«... Con ạ, Cam Thu nói có biết con và ông thân sinh con...
- Cố nhiên!
«... Thu nói có gặp ông thân sinh con ở Thượng Hải...
-!!!...
«Nhưng tiếc thay, ông thân sinh con đã tạ thế ở nhà thương Thượng Hải rồi...
Thúy xem đến đây ngất người đi, nằm lăn ra giường bất tỉnh nhân sự. Trong thơ còn một đoạn Tử Chi đem triết lý yên ủi nàng, nhưng nàng không dịp đọc. Thật là đau đớn cho nàng, hai cái thất vọng cùng đem đến cho nàng một lúc. Hồi lâu nàng tỉnh, ngồi vùng dậy cào cấu chăn gối tung lên, dẫm chân xuống sàn ầm ầm; hai tay nắm chặt, nghiến răng mím môi, mắt trợn ngược lên trời như muốn nổ ra, đầu tóc rũ rợi, mặt mày xanh nhợt, nàng đắm tay vào ngực kêu trời, rồi lại nằm vật ra giường khóc.
- Trời giết tôi! Bức thư này giết tôi!
Nàng vừa nói vừa xé vụn bức thư cả cái ngân phiếu cũng tan ra từng mảnh, bay tả tơi trên mặt sàn. Nàng nghiến rằng đập tay xuống giường:
- Trời ơi! Sao trời độc địa thế! Sao cha lại bỏ con mà đi? Thương thay cho thân, quá nửa đời nổi chìm trong bể khổ...! Ôi! Nhân tình thế thái!... Ôi! Ái tình của Cam Thu!... Ôi! Tín nghĩa của Át Hồng!... Ôi! Nghĩa hiệp của vợ chồng thuyền chài!... Ôi! Trinh tiết của mẹ ghẻ ta!... Ôi! Hết thảy đều giả dối cả...
Nàng khóc ầm lên, kêu trời kêu đất, đập chân đập tay, rồi lại vùng đứng dậy, mặt mày nhợt nhạt, đầu tóc rối bù, nghiến răng trợn mắt, nàng lòng lộn ở trong phòng, bứt đầu bứt tai, xé quần xé áo, rồi bưng cả cái bàn ngủ quăng ra ngoài cửa sổ, nàng mất trí khôn, nàng phát điên rồi...
TÙNG TOÀN
(Thuật theo Hán văn của Hồ Ký Trần)

Xem Tiếp: ----