nh ơi! Tôi đã từng nói với anh rằng tôi yêu Nga là thế nào rồi. Tôi mới biết Nga được vài tháng nay, thế mà bao nhiêu tâm hồn tôi, Nga thu hết cả. Tôi cũng biết thế là tôi si, nhưng đối với Nga là con người đã có sắc lại có tài, thiết tưởng cũng nên si lắm. Ôi! Con người mới đẹp sao! Tôi không biết lấy câu văn nào mà tả cái đẹp ấy cho được. Tôi chỉ biết là cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp lộng lẫy nồng nàn, cái đẹp của một đóa hoa hồng ban sớm. Tôi xin thú thực cùng anh rằng trước kia tôi chưa hề động tâm trước một người con gái nào, thế mà gặp Nga, quả tim tôi phải đập mạnh, mặt nóng lên, trong dạ thấy hồi hộp bồn chồn. Tôi biết nàng lần đầu ở bãi biển Đồ Sơn và tôi đem lòng yêu nàng từ đấy. Nhưng khổ thay cho tôi, tôi tan nát ruột gan vì nàng, mà đối với tôi, nàng coi như người khách qua đường hờ hững. Nàng nghiêm trang đoan chính quá. Tuy trên đôi gò má lúc nào cũng phơn phớt ửng hồng mà tôi vẫn thấy vẻ mặt nàng lạnh lẽo như một nhà tu hành, nó phảng phất như ngậm có một vẻ buồn kín đáo cao xa. Một đôi khi gặp nhau, nàng nhìn vào con mắt chan chứa tình yêu của tôi, thế mà con mắt đen láy của nàng, tôi không thấy nó lóng lánh lên như phần nhiều cô gái khác. Tôi biết nàng gan vàng dạ đá nên yêu nàng một cách kính trọng, nhưng chỉ đành yêu vụng giấu thầm. Tôi cũng muốn quên nàng đi, nhưng hình ảnh nàng lúc nào cũng mơ màng ở trước mắt. Ôi! Nàng đã có cái sắc mê hồn lại có cái dáng đẹp lạ lùng. Đáng yêu nhất là cái cười tươi tắn để lộ ra hai lúm đồng tiền đôi bên má, và hàm răng đều đặn nhỏ nhắn trắng nõn nà, rất ăn mầu với cặp môi đỏ chót, tuy rằng nàng chẳng có bao giờ thoa son. Nhưng anh ạ, nàng ít khi cười lắm. Nàng hay vấn tóc trần, vận đồ trắng, thường đi chân không trên bãi cát. Anh ơi! Anh hãy tưởng tượng lúc trăng mờ đêm vắng, một mình nàng tha thước trên bờ bể bằng dáng điệu mềm mại dịu dàng, tà áo trắng nhẹ nhàng phơ phất, anh sẽ thấy cái cảnh nên thơ biết chừng nào. Những lúc ấy tôi ngồi ở một hòn đá đằng xa mà nhìn nàng, tôi lại tưởng tượng như ngắm bức tranh thần nữ của một nhà danh họa. Tôi rất lấy làm tiếc là tôi không phải là thi nhân để lúc bấy giờ làm một bài thơ ca tụng cái diễm lệ của Nga.
Nói đến đấy, Thanh Hà nhìn bạn mà bật cười:
- Kia! Anh Trọng Lang, thuốc lá cháy gần đến tay rồi. Đấy, đạo đức như anh mà nghe tôi nói cũng phải ngây cả người huống hồ tôi, con người giàu tình cảm. 
 Trọng Lang giật mình nhìn vào tay, mỉm cười buông điếu thuốc lá xuống đất: 
- Thế rồi sao? Anh nói nữa đi.
- Vâng, anh hãy xơi nước đã kẻo nguội, rồi tôi xin kể nốt anh nghe. 
Trọng Lang cầm tách nước lên uống rồi tủm tỉm nhìn Thanh Hà: 
- Anh si rồi.
Thanh Hà cũng cười đáp:
- Thì tôi đã thú với anh rồi mà. Anh tính con người đẹp đẻ nhu mì như thế không cảm làm sao cho được. Anh Trọng Lang ơi, đến bấy giờ tôi mới biết ái tình là gì, mới biết cái mãnh lực của nó ghê gớm là thế nào. Nó hăng hái như đội quân cảm tử, nó bồng bột như lớp sóng trào dâng. Giá tôi phải hi sinh mà được lòng yêu của nàng, tôi cũng vui lòng hết thẩy. Này anh! Một đóa hoa mơn mởn trên cành có sắc lại có hương, anh có thể chỉ đứng nhìn mà không hái được không? Tôi thì tôi chưa phải là bậc thái thượng vong tình, thế nào tôi cũng phải hái mới được. Bởi thế nên tôi quyết chiếm cho được lòng yêu của Nga, nhưng anh ạ, Nga không phải là người lấy phong tình cám dỗ được.
- Nếu thế thì tầm thường quá, những con người ấy ai cầu làm chi. 
- Vâng, bởi thế nên tôi lại càng kính trọng Nga, kính trọng Nga bao nhiêu lại càng muốn lấy cho được Nga bấy nhiêu. Tôi hết sức hỏi dò mới biết nàng là con út ông tham C ở phố Z mà chính nàng đã viết những bài ký là Tuyết Nga ở «Bút nữ lưu».
- À! Tuyết Nga!
- Vâng, Tuyết Nga: anh đã đọc qua văn nàng rồi chứ? Ôi! Văn nàng mới phong phú làm sao! Đã đẹp đẽ như hoa gấm lại giòn giã tựa chuông vàng, tư tưởng mới mẻ sâu xa, thanh cao mà lãng mạn. Trước kia tôi chửa biết nàng tôi đã yêu văn nàng rồi, thứ nhất là về thơ. Thơ nàng hay lắm! Bài thì hùng hồn như tiếng kèn ra trận, bài thì réo rắt như tiếng đàn canh vắng, bài thì não nuột như tiếng dế đêm thu. Ồ! Tuyết Nga! Thật là tuyệt thế giai nhân!
Trọng Lang bật cười:
- Sao hôm nay hứng từ anh triền miên thế? Có lẽ anh thiên vị rồi vì anh đã quá yêu nàng, mà những lời anh tán dương đó chắc sao chẳng có điều quá đáng. 
Thanh Hà quả quyết đáp:
- Không! Rồi anh sẽ biết Nga là người thế nào. Tôi đã xét kỹ càng hơn một tháng nay, không những xét ở bản thân nàng, lại xét cả về gia thế nàng nữa. Phải, con người ấy tất nhiên là dòng dõi trâm anh. Tuy nàng sinh trưởng ở nơi quyền qui lại có Tây học, nên bề ngoài, nàng thật hoàn toàn là gái mới, nhưng cốt cách vẫn Đông phương. Không một cử chỉ nào là không có vẻ khuê các. Anh cứ xem một cách phục sức của nàng cũng đã khả ái bao nhiều rồi. Không một vật nữ trang, từ chiếc nhẫn đến đôi hoa. Mà y phục thì phần nhiều chỉ thay đổi có hai màu: đen và trắng, khi nào đen đen cả, mà trắng trắng tuyền. Gián hoặc có mặc hàng màu nhưng đều là những màu nhàn nhạt. Mà anh ạ, trong một tháng trời ở Đồ Sơn, tôi không bao giờ thấy nàng mặc maillot ra bể tắm. Hình như nàng ra đây chỉ là vì phong cảnh và khí trời mà thôi.
Trọng Lang gật đầu:
- Thế thì đáng khen thật, anh cố đi.
- Cố lắm chứ! Tôi đã phải phí bao nhiêu tâm tư tiền của để lung lạc nàng, thế mà nàng cũng không chuyển. Nhưng những tiền nước mắt mồ hôi của tôi ấy cũng không đến nỗi vô ích, vì nhờ thế lực nó mà tôi đã mua chuộc được cảm tình cả nhà Nga. Hiện nay đối với gia đình nàng, tôi được lòng hết thẩy, từ ông bà cha chú đến các chị em...
Trọng Lang vừa tủm tỉm vừa lắc đầu:
- Nhưng theo ý tôi thì lợi dụng kim tiền như thế không được quân tử cho lắm.
Thanh Hà gật đầu:
- Tôi cũng biết thế, nhưng cũng còn hơn là tôi bó tay ngồi nhìn nàng đi lấy người khác, rồi ôm cái ốm tương tư, thiết tưởng anh cũng lượng biết cho tôi cái khổ tâm ấy.
- Thế thì anh còn do dự gì nữa mà không dạm?
- Đã, mẹ tôi đã đi dạm hôm đầu tháng.
- Được chứ?
- Được.
Trọng Lang vỗ tay cười ngất:
- Thế mà cứ nói dài dòng mãi, sao không nói ngay đi để tôi mừng.
- Nhưng mà...
Thanh Hà có vẻ buồn, cho tay vào túi rút ra một bức thư đưa cho Trọng Lang.
- Anh xem đây thì biết.
Trọng Lang đem con mắt lò mò nhìn bức thư, từ từ mở ra một cách ngạc nhiên, thì thấy:
«Kính gửi ông Thanh Hà,
«Thưa ông, 
«Rất cảm cái thịnh tình ông có lòng yêu đến, nhưng xin thưa để ông biết cho rằng trái tim tôi đã hiến cho Băng Hồ, người bạn chí thân của ông. Vậy có lẽ nào ông nỡ đang tâm đem thế lực kim tiền mà phá và cướp cái lương duyên của bạn ông, và cưỡng lấy một người không có lòng yêu ông. Xin ông nghĩ lại.
«Kính thư,
«Người vô duyên với ông:
Tuyết Nga»
Trọng Lang gập bức thư lại nhìn Thanh Hà:
- Băng Hồ? Anh Băng Hồ của chúng ta? Vậy anh nghĩ sao?
Thanh Hà không ngần ngừ chút nào đáp:
- Anh bảo còn nghĩ gì nữa, chỉ còn đi xin cưới nữa là xong. Gia pháp nhà ấy nghiêm lắm. Nga không bằng lòng mà được.
- Thế còn anh Băng Hồ?
Thanh Hà bĩu môi nhún vài không nói gì cả. Trọng Lang sầm mặt xuống:
- Nếu thế thì anh lầm rồi! Sao mọi ngày anh quân tử thế, mà nhất đáo đổi tâm tính chóng như vậy? Anh đã bị mãnh lực của ái tình hay nói cho đúng hơn là bị cái sắc của Nga làm mờ tối rồi. Ôi! Quả là «sắc bất ba đào đi nịch nhân»! Anh! Anh tỉnh ngộ lại mà hồi tưởng đến cái phẩm cách của Thanh Hà mọi ngày, đừng bị cái lầm lỡ nhất thời mà chôn vùi danh giá xuống bùn đen.
Thanh Hà cau mày:
- Anh nói lôi thôi gì thế. Tôi đã chẳng nói với anh rằng tôi không lấy được Nga thì tôi sẽ khổ bao nhiêu ư?
Trọng Lang rền rĩ:
- Biết, tôi đã biết. Nhưng anh cũng phải biết đến cái khổ của Nga chứ! Nàng dẫu bị cha mẹ cưỡng bách phải nghe theo, nhưng tôi dám chắc rằng không khi nào nàng chịu cùng anh ân ái. Anh hãy tưởng tượng đến cái kết quả ghê gớm của người đàn bà tuyệt vọng về ái tình, thứ nhất người đàn bà ấy lại là Nga. Thế là anh đã phá hại hai cái hạnh phúc tốt đẹp của hai gia đình, gia đình Băng Hồ Tuyết Nga và gia đình anh. 
Thanh Hà nín lặng không nói gì, rút điếu thuốc lá ra thủng thẳng rổ xuống bàn rồi đánh diêm hút. Trọng Lang lại nói tiếp:
- Còn anh Băng Hồ. Thảo nào mà mấy hôm nay tôi thấy anh ta buồn lắm. Hẳn anh cũng biết đấy chứ? Thế mà anh không động lòng, lạ thật! Này anh, mấy hôm nay lần nào tôi đến cũng thấy anh Băng Hồ buồn rầu thờ thẩn, thế mà anh ấy không hề ngỏ nỗi lòng cùng tôi một mảy may, và cũng không hề cầu khẩn với anh một lời, cái thái độ ấy, đáng kính biết bao! Tuy không nói ra chứ trái tim anh ấy tưởng đến có trăm nghìn mũi tên xuyên thẳng, thế mà đành chịu đau đớn âm thầm, âm thầm để hi sinh hạnh phúc cho anh. Anh đã biết chưa? Anh đã thấy chỗ quân tử của Băng Hồ chưa? Vậy anh phải nghĩ đáp lại thế nào chứ?
Thanh Hà buồn rầu nói:
- Nghĩa là anh bảo tôi nhường Băng Hồ?
- Chứ gì nữa? Thế chính là anh đi vào con đường thẳng đó. Anh còn do dự nỗi gì?
- Nhưng...
- Lại còn nhưng gì nữa?
- Nhưng... tôi đã mất bao nhiêu tiền.
Trọng Lang tái mặt đi cười nhạt:
- Anh Thanh Hà! Xin lỗi anh, hôm nay anh là một thằng rất đê tiện. Tôi không ngờ...! Tôi rất hối hận! Hối hận rằng không có con mắt xanh để đến nỗi nhầm anh là quân tử. Nhưng này anh! Còn một vật có cái thế lực bắt anh phải đi vào con đường tôi vạch ra đó, anh có biết không! Sở dĩ từ nẫy đến giờ tôi không viện đến là vì tôi cho rằng tất nhiên anh phải nhớ, không ngờ anh lại không nhớ, hay là anh nhớ mà anh muốn quên đi. Nếu vậy thật đáng buồn. Nhưng không, tôi chắc rằng không có khi nào, chỉ tại con ma tình nó ám ảnh làm cho anh quên đi đấy thôi. Vậy tôi xin nhắc lại cho anh. Đây này, anh hãy ngẩng đầu lên, quay mặt ra vườn mà nhìn cây thông xanh đứng đó. Kìa, nó đang reo vo vo; anh có biết nó nói gì đấy không? Ấy là nó nhắc lại cho anh biết rằng đêm hôm rằm tháng tám năm 19.., tôi, anh, Băng Hồ, ba chúng ta cùng kết nghĩa ở bên gốc nó, mà chính anh lấy tay chỉ vào thân nó, xong chỉ lên vầng trăng, rồi lại chỉ vào cái «cúp» ở bàn mà nói rằng: «Tình nghĩa của chúng ta tôi mong rằng được như cây thông này lúc nào cũng xanh tốt, như vầng trăng kia còn mãi với thế gian, chứ đừng như bọt sam banh ở cái cúp này!» Nó nói thế đấy, anh ạ! Có phải không anh? Có phải anh đã nói thế không? Phải đấy! Những lời ấy hãy còn văng vẳng bên tai tôi, có lẽ nào anh đã quên rồi cho được. Anh ơi! Vườn đào ở đời Tam quốc đã mai một những bao giờ, mà câu mĩ đàm kết nghĩa của Lưu Quan Trương còn chói lọi đến ngày nay. Còn chúng ta? Chúng ta còn đây, cây thông còn đó, thế mà...!
Nói đến đấy, chàng thở dài. Thanh Hà vẫn nín lặng, buồn bã nhìn khói thuốc cuồn cuộn tỏa lên trần rồi tan vào không khí. Trọng Lang lau mồ hôi, kéo ghế lại gần vỗ vào vai chàng nói một cách thiết tha cảm động:
- Cũng may mà tôi lại tò mò hỏi truyện anh, không biết thì thôi, đã biết tôi phải hết sức can thiệp, dù anh có giận cũng vui lòng: Anh Thanh Hà ơi! Nga nói phải đấy, anh nên nghĩ lại. Có lẽ nào anh lại mê muội đến thế. Anh hãy nghĩ đến cái đại nghĩa sờ sờ ở trước mặt anh. Chúng ta đối với nhau có khác gì ruột thịt, giá phải hi sinh cho nhau cũng vui lòng nữa là... Mà Nga có yêu anh đâu, vả lại Băng Hồ yêu Nga trước anh kia mà! Anh nên coi Nga như vị hôn thê của Băng Hồ và là một người chị của anh mới phải. Anh quên Nga đi, rồi tác thành cho đôi lứa ấy. Bằng không tôi sẽ cùng anh cất chiếu từ đây.
Thanh Hà nói se sẽ: 
- Anh đừng nói thế!
Rồi chàng lẩm bẩm:
- Hừ! Tôi lấy làm lạ không biết Nga cảm Băng Hồ về nỗi gì?
Trọng Lang cười:
- Anh lấy làm lạ ư? Tôi thì tôi không cho là lạ chút nào cả. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đó là lẽ tất nhiên. Tôi chắc chỉ là cái duyên văn tự nó đã giàng buộc hai người. Tôi rất ngợi khen hai người đều có con mắt tinh đời đó anh!
Thanh Hà chép miệng:
- Nhưng anh Băng Hồ là một kẻ hàn sĩ, với mấy chục đồng nhuận bút một tháng tự phụng may ra mới đủ, thì cưới thế nào được Nga là con cưng nhà quyền quí!
Trọng Lang cười nhạt, nhìn Thanh Hà bằng con mắt khinh bỉ, nói một giọng chua chát:
- Thế thì anh càng lầm lắm, anh đừng nghĩ thế.
Thanh Hà ngồi thừ trên ghế, hai tay chắp lại để lên đầu gối, buồn rầu nhìn ra vườn không nói gì cả. Trọng Lang gạt tàn thuốc lá, rồi lại để lên mồm ngậm, hai con mắt lim dim hấp háy vì khói thuốc đưa lên, gật gù nhìn xuống đất có vẻ tư lự. Trong gian phòng lúc bấy giờ im lặng. Những đóa hoa mơn mởn trong bình ở giữa bàn như nhìn hai người mà cười nhạt. Một lúc Trọng Lang bỏ điếu thuốc ra, ngoảnh lại Thanh Hà: 
- Thế nào anh? Quyết đi chứ?
Thanh Hà không đáp. Trọng Lang có vẻ tức giận, ngồi ngả ra ghế, hai chân bắt chéo, hai tay khoanh vào trước ngực, nhìn Thanh Hà để đợi trả lời. Chiếc đồng hồ treo trên tường thủng thỉnh buông ra những tiếng tic tắc giòn giả như tiếng đếm của viên trọng tài trên đài đấu võ. Bằng một giọng gay gắt, Trọng Làng lại hỏi rằn từng tiếng: 
- Thế nào anh?
Thanh Hà thở dài, buồn rầu nói nhát gừng:
- Nhưng... tôi yêu nàng quá...!
Chưa rứt lời, Trọng Lang hầm hầm đứng dậy rút bó hoa trong bình ném thẳng vào giữa mặt Thanh Hà mà mắng:
- Đồ khốn nạn!
Rồi chàng cầm mũ rán bước đi ra...
Thanh Hà ngồi rũ người trên ghế, không buồn lau nước tấm ở mặt, mắt đờ ra nhìn những cành hoa tan tác trên lòng. Chàng ngồi thừ ra không cựa cậy, mặt sầm lại, rồi lại đỏ lên, có lẽ trăm nghìn điều cân nhắc đang quây lộn trong óc chàng. Rồi hình như chàng bị xúc động quá, con mắt đỏ hoe lên, nước mắt từ từ rơi trên gò má. Chàng nới lỏng «nơ» ra cho đỡ nghẹn ngào, rồi gục đầu xuống bàn, thổn thức...

 

Lúc ấy, Băng Hồ đang ngồi cặm cụi viết ở bàn thì Trọng Lang cầm cặp cồm cộp bước vào. Chàng đi thẳng đến chỗ Băng Hồ, kéo ghế ngồi bên cạnh:
- Tôi đem tin mừng đến cho anh!
Chàng vừa nói vừa cười, vừa bắt tay Băng Hồ. Băng Hồ hỏi:
- Mừng gì? Quyển sách của tôi được xã hội hoan nghênh chăng?
- Không phải, mừng hơn thế kia.
Trọng Lang vừa nói vừa mở cặp lấy ra một bức thư đầy những chữ.
- Thư gì thế?
- Anh cứ ngồi đây để tôi đọc cho mà nghe.
- Nhưng thư của ai đã chứ?
- Của Thanh Hà.
- Thế thì anh đưa tôi xem lấy cũng được.
Rồi chàng thong thả mở bức thư:
«Anh Trọng Lang,
«Anh Trọng Lang của tôi ơi! Tôi đã biết tội tôi rồi! Tôi đã biết tôi là một đứa hèn mạt, đê tiện nhất trần gian. Tôi là một đứa khốn nạn không có nghị lực, để đến nỗi con ma sắc nó dìm phẩm cách tôi xuống vực sâu hang thẳm. Tôi còn mặt mũi nào mà trông thấy hai anh! Trời! Lương tâm tôi nó đang cắn dứt tôi đây này! Anh rửa tội cho tôi đi, như đức cha rửa tội cho tín đồ bên giáo. Rồi tôi sẽ thú tội với anh Băng Hồ. Ôi! Thật là một vết thương rất đau đớn trên đời tôi, tôi rất ăn năn hối hận. Tôi rất lấy làm xấu hổ trông thấy các anh, trông thấy cây thông ở trước vườn. Thật là may cho tôi, nhờ có bó hoa anh ném mà tôi biết tỉnh ngộ. Anh ơi! Bó hoa ấy tôi xin trân trọng giữ gìn, xin coi như chiếc chén của Đỗ Khoái, anh nhớ bỏ vào quan tài cho tôi khi nào tôi nhắm mắt về suối vàng. Anh Trọng Lang! Đến bây giờ tôi mới biết rằng chân chính ái tình không phải có thể lấy kim tiền mà mua chuộc được. Tôi rất kính phục Nga đã biết dùng ái tình và rất khen ngợi Băng Hồ đã có con mắt tinh đời tìm được người chung tình tri kỷ.
«Hiện tôi đã đến ông tham C nói rõ nguyên nhân để xin từ hôn và hết sức tán thành cho đôi lứa ấy. Việc đã xong, lễ thành hôn của Băng Hồ có thể dự bị tiến hành. Anh Băng Hồ tuy nghèo nhưng trách nhiệm ở chúng ta, có phải không anh? Thôi, để tối hôm nay chúng ta sẽ nói nhiều rồi cùng xuống anh Băng Hồ...
«Kính thư,
«Bạn thân của anh: Thanh Hà»
Băng Hồ đọc xong cảm động quá, đặt bức thư xuống bàn, đứng dậy cầm lấy tay Trọng Lang, nhưng thổn thức không nói được một lời. Trọng Lang cũng cảm động, đứng dậy bắt tay Băng Hồ:
- Tôi xin mừng anh!
Băng Hồ mỉm cười nói run run:
- Vâng, cám ơn anh. Nhưng đáng mừng hơn nữa là cái giao tình của chúng ta. Anh ơi! Đối với cổ nhân, chúng ta cơ hồ chẳng thẹn...
TÙNG TOÀN

Xem Tiếp: ----