êm hôm 18 tháng năm năm nay, tôi cùng bạn là Vân Bình Quân chơi thuyền tại ven bờ sông Hương. Lúc bấy giờ chừng độ tám chín giờ tối, vừng trăng mới mọc, ánh sáng long lanh trên mặt nước, quanh mình thời gió thổi hiu hiu. Phong nguyệt đã hình như hẹn với chúng ta từ trước mà đến vậy. Chúng tôi cảm cái duyên gió mát trăng thanh ấy, bèn chèo thuyền ra giữa sông mà tắm để cùng vui với cái phong cảnh thiên nhiên. Nhân tôi đi xa mới về, đến nhà thời gặp khi song thân đương ăn mừng tiệc phong sinh. Tôi phải bận về việc giao thiệp thù tạc mất hơn mười ngày, xong việc rồi tôi bèn cùng bạn ra Kinh chơi. Vậy thời cái đêm hôm chơi thuyền tại sông Hương này, chủ ý chúng tôi là để nghỉ ngơi cho khỏi mệt, chớ không giống như những lúc đêm thanh vui thú mà cung cầm dưới nguyệt, chén đào trước gió như ngày xưa vậy. Tắm xong, chúng tôi cùng ngồi hóng mát, Vân Bình Quân thời nói chuyện những việc trong Kinh đô, nghe lý thú lắm. Một lúc, chiều trời êm ả, những ánh đèn hai bên bờ sông đã tắt dần, trông ra chỉ còn dịp cầu trơ trơ, bóng cây thấp thoáng, phong cảnh thê lương mà thôi! Chúng tôi cùng nhau đi nghỉ. Câu chuyện của Vân Bình chưa hết hứng, hãy còn văng vẳng bên tai tôi, song bấy giờ thính quan tôi cũng không hiểu là câu chuyện gì nữa. Bỗng thấy bên chợ Đông Ba, có một cái cầu từ bờ ra giữa sông dài độ năm sau mươi thước tây, hai bên cầu, thuyền bè san sát, chẳng khác gì chiếc lá sông Hoài, thuyền hoa bể Ngọc vậy. Khách chơi thuyền đầy sông, tiếng ca đàn réo rắt. Trong đám thuyền ấy, có một cái phà treo gièm kết hoa, trông rất rực rỡ, trong phà đặt một tiệc rượu, đèn thắp sáng choang, y như một cái nhà thủy tinh ở trên mặt nước. Những người chơi trong phà, hoặc xưng là Trung ương đại nghị sĩ, hoặc xưng là Nam quốc đại trạng sư, hoặc xưng là Lý khoa giáo viên, hoặc xưng là Từ đàn học sĩ, rượu nồng hơi men, nói càn đắc thế, ông thời luận bàn chính sự, ông thời bình phẩm văn chương, tiếng vang cả giang hà, khi thôn cả ngưu đẩu. Tiệc xong thời nhạc công họa đàn, cô đầu múa hát, có người ca điệu Sài Gòn, có người hát khúc ca trù, kẻ thời ngâm bài tỳ bà, kẻ thời kể chuyện Kiều lẩy. Còn các thuyền khác, cũng đàn cũng rượu, cũng cờ cũng ca, thực là một nơi cực lạc cảnh giới vậy. Những khách đi chơi ai cũng thích mà đứng lại xem. Hồi lâu thời khách về hết, các thuyền đều lui ra khỏi cầu, tùy chỗ tiện cắm thuyền mà nghỉ. Bấy giờ chúng tôi đang đi lại trên cầu; chợt thấy một cái thuyền nhỏ đậu ghé vào chỗ bậc lên xuống đầu cầu, lái thuyền có một bà lão ngồi ngoảnh mặt trông bốn phía, hình như có ý mời khách. Tôi nhân đến gần bà lão ấy mà hỏi rằng: «Bà có thể cho tôi trọ ở thuyền này đêm nay không?». Bà lão nói: «Thuyền tôi đã có khách rồi, còn đợi một người bạn nữa chưa đến, nên thuyền còn đậu tại đây». Chợt nghe trong thuyền có tiếng người mĩ nhân nói: «Hôm nay bà hãy cứ cho khách trọ, để tôi lên bờ, chớ đêm đã khuya rồi, tôi cũng chẳng đợi nữa». Bà lão bèn ghé thuyền vào đón chúng tôi xuống. Thuyền khí chật, giá đi chơi thời không được thích lắm; nhưng trong thuyền có tiếng người mĩ nhân; núi không cứ cao, có tiên là đẹp; nước không cứ sâu có rồng là thiêng; mắt chúng tôi bấy giờ chỉ ở người trong thuyền, chớ không ở thuyền vậy. Vào trong khoang thời thấy một người thiếu phụ, chạc ngoài 30 tuổi, giáng người thanh tú, nhan sắc cũng dễ coi, song nom mặt có sắc buồn, mặc cái áo xanh mỏng, không trang sức gì. Khi ấy, người thiếu phụ thấy chúng tôi xuống, thời hai tay thu xếp bàn đèn, sắp sửa lên bờ. Chúng tôi thấy thế liền nói rằng: «Chúng tôi xuống đây có lẽ làm phiền cho nương tử mất cái thú vui đêm nay chăng?». Người thiếu phụ nói: «Không hề chi, tôi xin lên bờ để tiện cho các ngài nghỉ». Tôi nói: «Thế ra Nương tử chơi mát ở đây hay sao?» – Người thiếu phụ nói: «Tôi ở đây là vì chờ một người bạn, nhưng bây giờ đã nửa đêm rồi, thời dễ người ta không đến nửa». Tôi nói: «Chừng Nương tử có mắc cái bệnh phù dung này hẳn?» Người thiếu phụ nói: «Thưa không, cái đồ này là để cho người bạn tôi dùng, chớ đàn bà con gái giám mắc vào cái ấy!» Tôi nói: «Nương tử có thể ở chơi lại đây đêm nay không? Chúng tôi nhân đi luôn mấy ngày hôm nay, trong mình không được dễ chịu. Người ta thường nói: hút một điếu a phiến, thời tỉnh chí và khỏe người; vậy xin nhờ Nương tử luyện hộ chúng tôi cái vị thuốc linh đan ấy». Người thiếu phụ cười mà nói rằng: «Thực có thế! Nếu ngài muốn dùng một vài khói chơi, thời tôi xin làm giúp, nhưng sau này hoặc ngài có mắc phải cái này, thời ngài đừng trách rằng tại tôi nhé! Bây giờ chuông đã sang canh, lối về cũng không tiện. Vậy xin chiều lòng ngài. Nói xong, bèn thắp đèn pha lê, mở hộp thuốc sừng, nào tiêm giát ngọc, xe bịt vàng, dở ra đâu vào đấy, rồi tay tiêm tay giọc, ngón tay vừa trắng vừa nhỏ, mềm mại trông rất đáng yêu. Tôi bèn ngồi gần người thiếu phụ mà nói rằng: «Chúng tôi đã lâu nay, không được nghe hát ở Tràng An này. Nương tử sinh trưởng tại đây, thời những xoang điệu hẳn là thông thuộc; nhân đêm nay gió mát trăng thanh, dám phiền Nương tử cho nghe một vài khúc, thời cũng là một cách tiêu sầu cho khách». Người thiếu phụ nói: «Khi tôi còn ít tuổi thời cũng có luyện tập nghề ấy, song đã đến 10 năm nay chưa từng cất tiếng, nên bây giờ không thể nào hát được, chớ thực tôi không đám tiếc ngài». Tôi nói: «Một giải sông Hương này, biết bao nhiêu là tài tử giai nhân, thời những chuyện về ái tình dẫu chép cũng không thể hết. Nhân đêm nay chúng tôi chơi mát tại đây cũng là hạnh ngộ. Vậy xin Nương tử nói cho nghe một vài chuyện về cái tình sử ở chốn này». Người thiếu phụ nói: «Ái tình, ái tình à! Ở đời này những quân vô loại nam tử họ thường lợi dụng hai chữ ái tình mà làm hỏng mất một đời người của bọn quần xoa không biết bao nhiêu mà kể! Ôi! Cái ái tình thật là một kẻ cừu địch của người ta vậy! Thưa ngài, như tôi ở Tràng An đã lâu, tuổi đã già mà vẫn còn mặt nước lênh đênh, cành hoa vô chủ. Thường những khi gặp ngày lành cảnh tốt, mà thấy vợ con nhà người ta cùng nhau hớn hở phô tía khoa hồng, nhởn nhơ đắc ý, mà tôi thời năm năm chỉ trơ trơ như chim hạc đậu riêng chiếc bóng trời tà, một mình bảng lảng. Than ôi! Tôi há có phải là một người vô tình nữ tử mà không biết làm vui cho người ta, hay tự mình ghét chúng để đến nỗi không ai thương đâu! Một nửa đời người tôi kể biết bao nhiêu công phu tô phấn điểm son, nhưng chẳng qua chỉ tổ cho trời kia ghen ghét, đến nay thời xuân đã gần tàn, thế thái nhân tình nghĩ mà chán ngán. Ôi! Tình sử nhưng thật là lệ sử của người đời vậy. Chả giám giấu gì các ngài, nếu nay tôi tuy có in thành một quyển sách riêng trong bụng này, song cũng chẳng muốn nói ra làm gì, nói bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!...». Tôi nói: «Vậy thời trong lịch sử của Cô nương tất có điều gì đau đớn lắm, xin cứ nói cho chúng tôi nghe, hoặc chúng tôi có phép giải muộn cho Cô nương chăng?». Người thiếu phụ nói: «Kể cái bán sinh lịch sử của thân phong trần này, thời chẳng qua chỉ nhàm tai các ngài thôi, song các ngài đã hỏi đến, vậy tôi xin nói lại để các ngài nghe, chắc hẳn khúc đàn tỳ bà trong bến Tầm dương, chốn Giang Châu cũng có chàng Tư Mã». «Tôi vốn là con nhà tử tế, cha tôi quê ở tỉnh Bình Định, lúc cha tôi còn trẻ, vẫn chuyên về nghề khoa cử, đi thi đến 10 khoa mà không đậu, sau lại phải xoay về làm ruộng, bấy giờ dưới gối duy còn một mình tôi. Mẹ tôi lại mất sớm, cho nên cha tôi nưng niu quí hóa tôi như hòn ngọc trên tay vậy. «Trừ những khi bận về việc cầy cấy ra, khi dỗi, cha tôi thường giậy tôi về nghề nghiên bút, đến năm tôi 12, 13 tuổi thời cũng biết một đôi chữ. «Năm 17 tuổi cha tôi gả cho một người học trò thí sinh có chân tam trường, chàng là người hay chữ có tiếng, lại giỏi nghề đàn. Vợ chồng tôi bấy giờ cùng nhau câu thơ dưới nguyệt, ngón đàn đêm khuya. Cái duyên lứa đôi ấy thật là vui vẻ, nhưng mà làm tài giai ở đời, thập niên đăng hỏa, mà chưa thành lập gì, nhà nho lại hoàn nhà nho, thời thật là một sự hổ thẹn. Bởi thế cho nên vợ chồng tôi phận đẹp duyên ưa mới được có vài tháng, thời chồng tôi quyết chí ra Kinh sư du học để cầu đường tiến thủ. «Tôi cũng tỏ lòng yêu chồng mà khuyên nhủ chàng rằng: «Chàng chưa già, thiếp còn trẻ, cốt sao cho áo gấm mặc về, thời cái sự mong hẹn của đôi ta mới là to tát, còn như nhi nữ thường tình, thời xin chàng đừng nghĩ đến». «Chồng tôi từ biệt tôi mà đi được một năm thời phụ thí tại Kinh sư, văn bài kỳ đệ nhất, kỳ đệ nhị, anh em ai cũng khen là giỏi, chắc thế nào khoa này cũng đỗ cao. Ai ngờ đâu đến kỳ đệ tam thời chẳng may phạm tràng qui hổng tuột. «Thi xong, chàng bèn ở lại mà xin vào học Giám, nếu phen này mà không giật được bảng vàng mũ bạc chốn nhân gian thời thề không mặt nào trông thấy phong cảnh quê hương nữa. «Từ khoa ấy về sau Triều đình lại đổi phép thi khác, thành ra bao nhiêu những nghề nghiệp hay nửa đời người của chồng tôi đã hình như một cái «bánh giả» vậy. Bấy giờ lại phải theo về đường học mới. Tôi còn nhớ khi ấy chàng có gửi thơ cho tôi nói rằng hiện đương luyện tập làm sách luận và quốc ngữ, cùng đã tấn tới ít nhiều. Nào ngờ đâu sau khi tiếp thơ được vài tháng thời có tin bị bệnh, được tin tôi lập tức đi ngay, vừa đến nhà trọ thời chồng tôi đã mệt nặng. Tôi hết sức thuốc thang chạy chửa, nhưng cũng không công hiệu gì. «Cách hai hôm sau, chồng tôi cầm lấy tay tôi ứa nước mắt mà bảo tôi rằng: «Bạn đáng yêu của tôi ơi! Đôi ta kết tóc chưa được bao lâu mà nay đã hóa ra ly biệt, nhưng tôi thật là một người bạc hạnh, dù sốt sắng về đường công danh, mê mẩn vệ đường cử nghiệp, để trên không được thần hôn cùng cha mẹ, dưới không được hòa lạc cùng vợ con. Cùng nghĩ rằng sau này bước lên được một tí thời trước nữa là báo đáp song thân, sau nữa hiền thê cũng được thỏa lòng mong đợi. Nhưng nay không ngờ trời bắt tôi thất lộc; danh chưa thành mà thân đã mất, để cho tôi chín suối không được ngậm cười, thời thương tâm biết là dường nào! Song trước khi tôi nhắm mắt có một điều xin hiền thê biết cho tôi rằng: tôi sở dĩ mắc bệnh như thế này cũng là vì tôi cố công lệ chí về đường tiến thủ quá, sức vóc người được mấy, mà trước thời lao tâm khổ tứ về nghề thơ phú bao nhiêu năm nay lại dụng công chuyên chí về nghề sách luận quốc ngữ bao nhiêu năm; mỗi một lần đổi cách thi, thời tôi đã phải dùng biết bao nhiêu là sức có bao nhiêu là tâm huyết; để theo thời mà nghiên cứu việc học. Tôi thường thấy người đời nhân được cái dịp thanh hoàng vị tiếp này, cẩu thả thiệp liệp, học mót được một đôi câu học vấn dở Tây dở Tàu, để kiêu hãnh mà cầu lấy đỗ, thời tôi lấy làm chán quá, cho nên trong khi thay nọ đổi kia, bao giờ tôi cũng phải dùng tử lực mà học tập. «Tuy vậy tôi vốn bẩm sinh là người yếu đuối, chí lớn mà sức nhỏ, không biết tự lượng, cái họa vong thân này thực là tự mình mua lấy. Song tôi có một điều khả dĩ cáo vô tội với hiền thê rằng tuy tôi ở chốn Tràng An này là một chỗ ăn chơi của dư nhân lữ khách, nhưng trong mấy năm trời nay, những sự tửu sắc, tôi rất là nghiêm giới, chưa từng nhìn đến bao giờ. Hiền thê chớ có ngộ cho tôi là vì sự chơi bời trác táng mà đến bệnh để phí mất đời người vậy. «Vạn nhất chẳng may mà tôi có thế nào, thời nhờ hiền thê đem những lời nói sau cùng của tôi bẩm cùng Thân phụ và xin người tha lỗi cho tôi, thời tôi ở dưới suối vàng cũng được cảm ơn vô cùng vậy. Chồng tôi nói xong rồi, thổ huyết ra vài dấu mà mất. «Thương hại thay! Cho thân tôi bây giờ bóng loan chia rẽ, cầm nguyệt đứt giây; dẫu người ngoài thấy thế cũng còn đau đớn thay nữa tôi, nhưng mà tôi thời nào có đau đớn thế mà thôi đâu! Bơ vơ đất khách một mình, lại gặp việc tai biến ấy, dễ ai mà không hồn siêu phách lạc ruột héo gan khô. Ôi! Ngày hôm ấy thật là một ngày các thần kinh của tôi phải chịu một sự rất đau đớn, khiến cho cái cảm giác trong lòng tôi về sau này mất cái tính tự nhiên đi vậy. «Thây chồng còn nằm đó, thân thích chẳng quen ai, may nhờ có bạn đồng học với chồng ngày xưa, đều hết lòng tư cấp, bỏ tiền ra mà giúp cho tôi, mà chi phí về việc tống táng. «Chồng tôi mất được vài tháng, thời cha tôi cùng kế mà từ trần. «Tang kia chưa hết, tang nọ đã mang, tính hiếu một mình, hai vai gánh nặng; mồ nọ chưa yên, mồ kia đã đắp, bắc nam đôi ngả, nấm cỏ chia thân. Vầng nguyệt trêu ngươi; bơ vơ con nhạn lạc; bóng tà soi thấu, chói rọi bốn bên tường, Bấy giờ, thực tôi không còn biết lấy sống làm vui nữa. Ngày đêm chỉ mong tìm cách chết mà theo chồng nơi chín suối cho xong. «Khả ố thay! Cái tính chất một người con gái nọa nhược như tôi này, dù gặp phải cái quang cảnh đau đớn đến thế nào đi nữa, chẳng qua cũng chỉ nuốt cay ngậm đắng, mà mặc cho con Tạo xoay vần, ngoài sự bi thương khóc lóc ra thời không còn biết lấy cái sức can đảm của mình làm đối phó, để tỏ rằng không khi nào an tâm mà chịu cái vận mạnh khóc ngược của mình nó bắt mình. «Khi ấy tôi bèn giọn nhà đến Tràng An mà ở gần chỗ phần mộ chồng tôi. Vì trong mắt tôi bấy giờ chỉ trong vào cái mồ ba thước đất ấy là một cái thế giới rất quí báu, rất yêu mến của tôi, còn ngoài ra thời đều là đất khách quê người, tưởng chừng không phải là thế gian cho mình đáng nên ký ngụ nữa. Than ôi! Cái mồ ba thước đất ấy bây giờ vẫn còn nguyên đó; nếu không vì ngươi thời can chi thiếp phải long đong lưu lạc đến chốn này!...» Người thiếu phụ nói đến đây thời thở giấc lên, hình như tỏ ra một cách đau đớn vô cùng, rồi đưa cái giọc tẩu cho tôi mà rằng: «Xin mời ngài. – Tôi liền đỡ lấy mà hút rồi hỏi rằng: Thế ra bây giờ Nương tử là một vị phu nhân thủ mộ hay sao?» Tôi hỏi vừa giứt lời, nhằm mặt người thiếu phụ hình như có giáng hổ thẹn mà trả lời rằng: «Than ôi! Nếu tôi mà làm được một vị phu nhân giữ cái mộ ấy cho đến nay thời chẳng là vinh hạnh lắm du! Nhưng mà con người vô tình này, có đâu được như thế. Tôi thật là một người đàn bà không có huyết tính gì ở trên thế gian này, tội to ác lớn, để nhơ nhuốc cả thân danh, một đoạn lịch sử của tôi về sau này, nghĩ đến mà toát mồ hôi, nhưng đã nói thời cũng xin nói hết để các ngài nghe, dù các ngài thương hay ghét, tôi cũng xin vâng chịu. «Tôi ở Tràng An vừa ba năm trời, góa bụa một mình nơi đất khách, lại không có kế gì làm ăn. Bởi vậy mà cái chí tòng nhất cùng ai không trọn vậy. «Ở gần nhà tôi có một chàng họ Trần, thân phụ chàng gia tư khá, cho chàng đi học chữ Tây, đến năm chàng 23 tuổi thời được bổ làm thông ngôn, lương mỗi tháng 30$. Ở chốn Tràng An mà được thế thời về phần ăn tiêu tưởng cũng dễ chịu. Một thân người con trai, trên không phải cung cha mẹ, dưới không phải nuôi vợ con, mà mỗi tháng có tới 30$ đã là hạng người phong lưu lắm. Chàng ta mặt mũi bảnh bao, áo quần rực rỡ. Tôi thường trông thấy chàng thời lại thương thân tủi phận mà trách thầm ông trời kia ăn ở không công. «Ôi! Cái con ma kim tiền phú quí, nó hay có sức hút được linh hồn những con gái đàn bà, mà làm cho phải thất kỳ sở thủ. Tôi tự mình không tránh được cái vạ tham giục ấy để đến nỗi thất thân, thật là suốt đời ngậm giận vậy. «Một hôm, tôi gặp chàng ở nhà bà hàng xóm, chàng bèn lấy những lời bông đùa mà ghẹo nguyệt trêu hoa, lúc mới thời tôi lấy làm kinh ngạc, sau nghĩ mà xấu hổ, sau rồi cũng dần dần sinh bụng thương yêu. Chàng thấy tình cảnh tôi như thế, mới nhờ bà hàng xóm giới thiệu mà đưa cho tôi 50$. Ôi! Của này ở đâu tự nhiên lại lạc vào tay tôi, khiến cho tôi mừng mừng tủi tủi, nhận đã chẳng dám nhận mà từ cũng chẳng tiện từ, bấy giờ tôi chỉ muốn được một người chính đính tử tế nào để quyết đoán hộ cho tôi xem có nên chăng. Nhưng mà việc này lại không có thể tiết lộ ra ngoài được, trừ bà hàng xóm ra thôi không còn ai nữa. Mỗi lúc đêm khuya thanh vắng, mà sực nhớ đến cái ái tình của tôi cùng chồng tôi ngày xưa, thời lại đứt từng khúc ruột, muốn lập tức đem ném cái món tiền phi nghĩa ấy trả lại người ta cho được toàn danh tiết. Nhưng mà sự cơ hàn đã bách ngay trước mặt. Nghĩ lại sau này tôi không chết mà còn sống được cũng có lẽ vì cái sức hơi đồng ấy nó cứu vớt tôi vậy. Ngài thử xem, thiên hạ đã biết bao nhiêu là tu mi nam tử mà cũng bị cái hoàng kim thế lực nó làm mất cả phẩm cách danh tiết, chớ há có một gì bọn đàn bà chúng tôi mà thôi đâu. Tôi tự nghĩ nay mình kết bạn với người Tây học kia, thời có thể nương nhờ được một mình, hẳn không phải nửa đời nửa đoạn như người hán học trong khi tàn cục ngày xưa nữa. Giây treo có chỗ vịn, không đến nỗi bông lông vơ vẩn như cánh bèo giữa bể, chiếc lá lìa rừng, thời có lẽ chồng tôi nằm dưới cửu nguyên cũng lấy làm an tâm vậy. «Chí tôi đã quyết, bèn nghe lời bà hàng xóm, theo cách dản dị mà lấy thầy Thông ấy. Nhưng không ngờ tôi mới tục giá được có hai tháng thời chàng lại phải đổi đi nơi khác. «Khi đi, chàng có hẹn với tôi rằng yên sở rồi, chàng sẽ cho người về đón. «Thì giờ thấm thoát, tôi đợi đã hơn một năm trời mà chẳng thấy tin tức gì cả. Bất đắc dĩ, tôi mới phải lặn suối qua đèo mà đi đến chỗ chàng làm việc. «Tôi vừa vào đến nơi, thời trông thấy chàng đang uống rượu cùng người vợ mới. «Chàng thấy tôi đến, liền sai đầy tớ ra mà đuổi tôi đi. Tuy vậy, tôi là người rất kiên nhẫn mà phụ khí, giá như ai thời đã nổi ngay tam bành lên chớ chẳng chịu nhịn, mà tôi thời chỉ cười lạt cho cuộc đời của mình mà thôi. Bấy giờ tôi muốn đi ngay ra khỏi cửa nhà chàng, vì tôi trông thấy cái mặt con người bạc hạnh kia khác nào như gặp một lũ giặc cướp, chỉ sợ nó làm nhục mình. «Tôi đã ra khỏi cửa anh chàng rồi, hồi tưởng đến thân thế, vừa chán vừa buồn, thực chẳng còn muốn sống làm gì nữa. Than ôi! Tham 50$ nở bán rẻ cái thân giá cả đời người. Tôi thật là một người tối ngu trong nhân loại vậy. «Nhân tôi có một bà Cô cũng buôn bán ở tỉnh ấy, tôi bèn đến ở đó mà nương nhờ. Ở được năm sáu tháng, thời cái giận cũ nó cũng nguôi dần, đành chịu tầm tơ cung củi, chọn nghề mà làm ăn cho qua ngày tháng. «Một hôm, cô tôi bảo tôi rằng: «Tòng nhất nhi chung, đạo người đàn bà đã đành phải thế, song xưa nay những người gái góa mà hay toàn tiết được đều là những người hoặc đã có con cái, hoặc nhờ có di sản của nhà chồng để nuôi thân hoặc ông cô hãy còn, anh em quí trọng, thời mới có thể dần dần quên sự đau đớn đi được. Còn như những người họ hàng nhà chồng không có ai, nhà lại không có túc sản gì vò vò một mình mà giữ toàn được danh tiết, thời duy có những người tuẫn tiết quyên sinh mới ngõ hầu trọn đạo trừ hạng người ấy ra thời xưa nay đã dễ mấy ai mà bảo khiết được trọn đời. Vì rằng đàn bà nước mình không có cái năng lực tự lập được, chỉ lấy người chồng làm một ông trời thứ hai để che chở vậy. Cô tưởng như con với người chồng con trước, ân ái cùng nhau biết là nhường nào! Thế mà con còn bội ước đi lấy người khác, huống chi người chồng này lại chính là một người thù của con. Nay thân con đã đến cái địa bộ như thế này, thời cái danh dự người tiết phụ, tưởng con chẳng còn hưởng được nữa. Chi bằng con chọn lấy một người tử tế để mà trông cậy về sau được là hơn. Vả cô nay đã già, trăm năm rồi cũng phải chết, chớ có lẽ sống mãi như cây gỗ mà che chở cho con được hay sao?» «Nhân bấy giờ có một cậu Ấm mới góa vợ, muốn lấy người khác để trông nom việc nhà, cô tôi bèn gả tôi cho cậu ấy.» «Cậu Ấm lấy tôi được vài tháng, thời vào Kinh để xin ra tòng chính. Việc tảo tần ở nhà tôi phải trông nom. Không ngờ chàng mới ra khỏi nhà được một năm, mà công nợ chất đầy như núi. Khi chàng bước chân ra đi, có bàn với tôi rằng: Những đồng bối với tiên phụ ngày xưa, có nhiều người hiểu đạt, nay mình có thể lấy cựu tinh mà nhờ người ta tiến dẫn cho. Nhưng mà công danh sơ bộ cần nhất phải có tiền, nên chàng đành phải vay mượn để cố lo cho được... Sau được bổ làm Thừa phái, lương mỗi tháng có năm sáu đồng mà tiêu pha cùng là tiếp đãi thù tạc thời nhiều. Đường hoạn đồ bước lên đã chậm, mà công nợ sinh đẻ càng mau, khiến cho chàng lúc ban đầu bị chủ nợ kiện, sau thiếu mặt tại Nha rồi bị cách chức, đến sau cùng thời thấy giấy tư về làng rằng chàng trốn mất. Tôi phải chịu một mình phòng không đến ba năm trời, mà tuyệt nhiên không thấy tăm hơi chàng đâu cả, thành ra tôi bấy giờ cũng như bây giờ, chỉ trơ trơ có một thân một mình vậy. «Cậu Ấm ấy đã bỏ tôi rồi; tôi bèn làm đơn lên huyện mà xin cải giá. Nhân quan huyện đấy có một người bạn đồng liêu cũng được sơ bổ Tri huyện, đường đi qua rẽ vào chơi với quan Huyện, ông quan mới ấy ngài thấy tôi có nhan sắc, bèn nhờ quan huyện giới thiệu mà lấy tôi làm hầu. Người trên rày đã ép duyên, thân này cũng muốn cho yên kẻo già. Tôi liền theo ngay quan lớn cùng về chỗ nơi tân lỵ. «Trong bẩy tám tháng trời, cầm đường ngày tháng thanh nhàn, sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu giao, mà tôi đã nghiễm nhiên ra một bà lớn tạm thời vậy. Không ngờ bà chánh thất của Ngài cũng theo chân mà đến, chồng chung chưa dễ ai chiều được ai, tôi đã thường nhiều phen bị thống khổ, nhưng cũng đành phải cắn răng mà chịu. Bà chánh thất tôi là người rất hoang phí, những bổng lộc của quan lớn tôi thường không đủ cho bà lớn tiêu, bởi thế mà ngài mới phải dùng hết cách để lấy tiền cho đủ chi dùng. Sau ngài đến nỗi phải bị cách chức cũng là vì cớ ấy. Than ôi! Quan lớn tôi thật là một ông quan nhân từ, khi mới xuất chính, quyết một lòng thanh bạch mà đối với dân, nội ai cho biếu cái gì đều không lấy của ai cả, cho nên trong mấy tháng trời, tiền lương chỉ đủ tiêu dùng về sự ăn uống mà thôi. Ấy cũng vì thế mà bà chánh thất đã sinh lòng ngờ vực cho tôi lấy những bổng lộc của quan lớn mà để riêng. Thôi thì trăm đường tra khảo, rồi thậm chí đến đánh đập nữa. «Từ khi bà chánh thất tới huyện, thời những cách ăn mặc tiêu pha nhất nhất cái gì cũng sa hoa cả. Khiến cho quan lớn tôi coi cái trách nhiệm khinh mà coi tiền tài làm trọng. «Phàm người ta đã lấy thân mà ứng với đời, trong lòng mình không có tà khúc gì thời còn có thể thanh bạch với người ta được. Nếu tự mình đã có cái chủ nghĩa doanh tư tự lợi thời những người có quyền lợi hơn mình cũng đều lấy cái chủ nghĩa ấy mà đối đãi với mình. Bọ ngựa bò đằng trước, hoàng tước chực đằng sau, trò đời vẫn thế. Song tôi dám chắc rằng khai cái giòng lợi giục ấy khiến cho nước chẩy đi đôi ba ngả, thời phần nhiều là tại bọn đàn bà vậy. Xin có lời nhủ bảo các cô con gái đời nay hễ cô nào may mà lấy được chồng quan, thời phải nên giữ gìn tần tiện, chớ đừng có sa hoang mà có khi hại đến chồng. «Khi quan lớn tôi thôi quan về nhà rồi, lại phải xoay nghề làm ruộng, trông nom việc cầy cấy. Song lâu nay quyền cao chức trọng, mà bây giờ chân bùn tay lấm, áo vải cơm rau. Làm ăn thời công việc không quen, phong lưu thời lấy đâu cho đủ. Bởi thế mà vợ chồng thường cãi cọ nhau, đến tôi cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Than ôi! Không đi thời cũng tan nhà, đành thân chịu thiệt, bước ra khỏi vòng, bất đắc dĩ tôi phải theo lệnh của ông Phùng Kính Thông ngày xưa ra khỏi cửa nhà quan lớn. « Khi tôi ra khỏi cửa ngài rồi tôi bèn lấy một người buôn bán họ Lý kia làm kế thất. Bấy giờ tuổi tôi đã cao, cái chung cục của tôi chỉ còn mong gửi thân vào đống vàng kia để nương dựa về sau vậy. «Ngũ hồ ký tích, theo nghiệp Đào Chu tứ hải giao du, thói nhà An tử, trông thấy cái quang cảnh trong gia môn rậm dịch như thế, tưởng kim mã ngọc đường cũng không hơn được. Nhưng mà những tư bổn của Lý quân buôn bán không phải là của mình, đều là mượn vốn của người ngoài cả. «Chẳng may năm ấy lại trời làm mất mùa, đồ hàng bán không chạy, tài nguyên lấp lối mà công nợ đã thành to, cho nên nhà hàng phải đóng cửa. «Phạm những nhà buôn bán nước ta, về phần thương tài thương học đã chưa bằng ai, mà lại hay bắt chước người Âu Mỹ, hễ động mở ra một cửa hàng nào thời nào bàn nào ghế rất đổi trang hoàng, nào ngựa nào xe ra tuồng náo nhiệt, người ngoài mới thoạt trông thấy, ai không bảo là buôn bán to, phát tài lớn, trách nào bọn đàn bà chúng tôi hoa mắt mê thân. Tôi về nhà Lý quân đã chắc được chỗ nương thân, nên tôi cũng hết sức trông nom coi sóc cho hết bổn phận người nội trợ. Không ngờ cái tin vỡ hiệu đã đến nơi, mà bao nhiêu tài sản của chàng đã bị tịch ký hết. Đáng thương thay! Trong khoảng mấy tháng trời, tôi làm vui cho ông chủ hiệu, kéo được một đôi hoa cùng mấy trăm hạt vàng, kịp đến khi ông chủ phải vỡ hiệu, thời tôi lại phải mang ra mà điển mại. Anh chàng đã đầu giường hết bạc, thân này còn có giá trị gì. Tôi bấy giờ tự biết cái thân phận mình khác nào như những đồ tạp hóa mục nát ở trong hiệu của ông chủ tôi mà thôi. Khi ấy Lý quân thuê một gian nhà nhỏ cho tôi ở, rồi chàng bảo tôi rằng chàng sẽ đi ngoại quốc tìm cách buôn bán để khôi phục cơ đồ, đợi đến khi phú quí rồi lại cùng nhau xum họp cũng chẳng muộn gì. Ôi! Ngày xuân mòn mỏi, bao thủa chẳng về, tôi cũng vẫn biết rằng Lý quân chẳng quả là tìm câu chuyện để tránh tôi cho khỏi vòng. Chàng đã ra khỏi cửa, thiếp còn ở lại làm chi, mỗi người mỗi ngã, mà tôi thành ra một người li phụ ở chốn này. Ôm cầm trên ngọn sông Hương, biết đâu mà gửi can trường vào đâu. Nay trải bọn đăng đồ, mai qua phường du hoạn, hoặc người lấy tôi làm đồ giải muộn, hoặc kẻ lấy tôi làm rượu tiễn sầu, một tiếng cười của tôi có thể làm cho người trượng phu tiêu được sự uất ức, một nét giận của tôi có thể làm cho người thiếu niên bớt được thói bạc tình, ấy cái thủ đoạn điên văn đảo võ ấy tôi thường ra tay luôn. Song những khi đêm khuya thang vắng, bên tai văng vẳng nghe thấy người ta nói đến câu chuyện ái tình, thời lại đau lòng than khóc, càng nghĩ lại càng thương. Than ôi! Sao tôi không sinh làm một người nam nhi để cho được hưởng cái lý thú của loài người, mà sinh ra kiếp đàn bà để làm một đồ chơi chung cho người ta đùa bỡn! Lại chẳng gặp được người quân tử thành thực cùng nhau cho đến bạc đầu. Đến bấy giờ, tấm thân đào thơ liễu yếu thành ra nhị dứa hoa tàn, song làm vợ khắp người ta, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh! Ôi! Nhân sinh đến thế, thời còn biết vật gì là tình nữa không?...» Người thiếu phụ kể đến đấy, thời khóc nức nở nói không ra lời. Tôi bèn thong thả mà bảo nàng rằng: «Thôi! Nương tử không nên khóc. Hồng nhan vừa mệnh bạc, trượng phu gặp hồi đen, xưa nay vẫn thế; chúng tôi tuy sinh là một người nam nhi, nhưng mà cái kiếp phong trần cũng chẳng khác gì nương tử. Giang hồ lưu lạc trong mấy năm trời, hiểm trở gian nan đã từng nếm trải, mà đến bây giờ cũng chưa biết cái thân mình ra làm sao! Chớ dám đâu lấy mình là nam nhi mà tự phụ. Nương tử nghĩ sinh ra kiếp đàn ông đã là may lắm hay sao? Làm trai ở đời này mà được sung sướng thời cũng nhiều, thật có người quan cao danh hiển, nhất hô bách ứng, làm một nhà thế lực; có người nhà có muôn vàn, ruộng sâu nghìn mẫu, làm một nhà đại phú ông; có người chén rượu cung đờn, giang hồ tứ thích, làm một người phong lưu nhân vật; có người cao đàm hùng biện, nức tiếng một thời, làm một kẻ thức thời; người thời một chén rượu thơ trăm thiên, phun châu nhả ngọc, làm một nhà đại văn hào. Song những bọn nam nhi ấy đều là hạng con ông cháu cha cả. Còn như bọn chúng tôi thời chẳng qua chỉ chạy ngược chạy xuôi, luân lưu ngày tháng, học đã không hợp thời, không ích quốc, chỉ tìm cách để nuôi sự sống, nhà có cha mẹ mà không được thần hôn, lòng nhớ quê hương mà không được quanh quất, như thế tưởng có khác gì Nương tử. Nương tử chớ có nghĩ rằng sinh ra kiếp đàn ông là đáng quí vậy...» Người thiếu phụ nghe tôi nói bèn trả lời rằng: «Ôi! Tôi cũng biết lắm. Làm trai ở đời này chưa hẳn đã là sung sướng cả. Tuy vậy, nhưng các ngài còn được là khách chơi thuyền tại sông Hương, chớ như tôi thời chính là con ma ở trong thuyền bến sông Hương này vậy...» Tôi nghe người thiếu phụ nói lấy làm kinh ngạc, giật mình tỉnh dậy, thời thấy Vân Bình Quân đang ngồi ở đầu thuyền vớt nước mà rửa mặt, quay lại bảo tôi rằng: «Mặt trời đã mọc rồi, chúng ta khá lên bộ». Hải An Phạm Văn Liệu dịch thuật