HỒI THỨ MƯỜI
Lậu thiên cơ, bán trâu trên bóng
Ban Phật huẩn đại náo Sài Gòn

     ây nói về Xích Tử, khi nghe Thompson hỏi vì sao mà một nàng con gái lại có thể là Di Lặc được, thì cả cười mà đáp rằng:
- Lẽ dĩ nhiên, Phật Di Lặc phải là con gái chớ! Nếu là con trai, thì tới tuổi quân dịch, tất nhiên phải đi đền nợ nước. Đâu có ở không mà đi truyền đạo? Vả lại thuở xưa, vị Bồ Tát ở Ấn Độ là đàn ông, mà sang Đông độ, lại biến thành đàn bà, thì càng tăng sức mầu nhiệm. Như Bồ Tát Avalokitovara, mà Tàu gọi là Quan Thế Âm, ở bên Ấn Độ thì là đàn ông, mà sang qua Tàu thì là một bà đẹp đẽ lộng lẫy, duyên dáng không cùng, mà phép tắc cũng không cùng. Lần này, A Dật Đa, tục gọi là Cầu Danh, tức là Maitreya hay Di Lặc, đến Việt Nam mượn tên Diễm Hồng, như vậy mới đúng với truyền thống.
Thompson suy nghĩ một chặp rồi hỏi:
- Ông Xích Tử, tôi thấy hình như ông thiên vị, quá bênh vực đạo cô Diễm Hồng. Vì sao vậy?
- Có gì đâu mà khó hiểu? Trong cuộc tranh đấu tư tưởng, chánh trị, văn hóa, nghệ thuật, giữa lão già Hồ Hữu Tường và tôi, thì thế giới chia làm hai phe rõ rệt. Phe thứ nhứt là phe Hồ Hữu Tường, chủ trương không cần ếm gì cả. Ấy là phe bảo thủ, muốn giữ cái trạng thái cũ, tức là cái statu quo. Ấy là phe «hưng Hồ», Hồ này là Hồ Chí Minh, hay là đứa cháu nội Hồ Hồng Tâm, tức là Trần Thị Thẹp...
- Hình như ông nói rằng cái huyền thoại Trần Thị Thẹp là do Hồ Hữu Tường bịa ra để chơi xỏ Hồ Chí Minh mà!
- Tôi là môn đệ của nhà triết học Pháp là Descartes. Đối với mọi vấn đề, tôi đặt trước cái hoài nghi cartésien vậy thôi. Tôi nhắc chừng ông nhớ rằng Hồ Hữu Tường là lão già nói dóc tổ, trong nam gọi là «nói láo có sách». Cái gì lão ấy thốt ra, trăm việc, phải kiểm soát một trăm mốt, mà không biết chừng còn bị lão bịp nữa kìa! Nhưng, về việc Trần Thị Thẹp này, một trong muôn việc thôi, lão ấy không nói dóc. Trong khi ông làm việc, người ta đã đem lại kết quả của những cuộc điều tra mà tôi đã đề nghị với ông. Ở Phan Thiết báo cáo rằng có hồ sơ tên Trần Tất Tựu. Sở Công chánh báo cáo có cấp giấy thi lái xe cho Trần Tất Tựu. Bộ đội đô thành báo cáo rằng năm 1948, có khai sanh cho đứa con gái Trần Thị Thẹp, con của Trần Tất Tựu và Nguyễn Thị Giàu. Và sau cùng tòa Hòa giải báo cáo rằng năm 1955, có lập hồ sơ thế vì khai sanh cho đứa con gái tên Hồ Hồng Tâm, con của Hồ Hữu Chí và Nguyễn Thị Giàu. Như vậy, Trần Thị Thẹp, tức là Hồ Hồng Tâm, là sự thật, chớ không phải là huyền thoại. Và như vậy, lão già Hồ Hữu Tường, chủ trương không nên ếm mồ mả ông phó bảng Huy, là một người đứng về phe «hưng Hồ».
Thompson cười tủm tỉm hỏi:
- Còn trong cái thế giới hai phe này, chống đối lại người bạn già của tôi là phe nào?
- Dĩ nhiên là phe diệt Hồ. Tôi ở phe «diệt Hồ». Tôi thấy đạo cô Diễm Hồng bày ra một kế hoạch lợi cho chủ trương diệt Hồ quá... 
- Lợi ở chỗ nào?
- Lời thứ nhứt, là Diễm Hồng sẽ được suy tôn làm giáo chủ của «Minh Đạo», chẳng cần chịu khó lập thuyết mà truyền đạo chi cả, chẳng phải khổ hạnh chịu đóng đinh trên thập tự giá như chưa Jésus, không cần xua quân làm thánh chiến mà hóa đạo bằng binh lửa, lại ngang xương được ngay vài trăm triệu tín đồ, tức là những ai muốn đến hưởng quyền lợi của sông Cửu Long khai thác. Như vậy Hồ Hồng Tâm bị loại ngay. Lợi thứ hai, là thủ tiêu cái nước Cộng sản Bắc Việt của Hồ Chí Minh, nghĩa là ếm họ Hồ nữa. Còn cái lợi thứ ba, là kinh độ của Hiệp Chủng Quốc Đông Nam Á bắt buộc phải lập ở một nơi khác, nghĩa là cái thuyết thiên đô của tôi thành công. Chớ ông nghĩ coi, kinh đô mà lập tại Sài Gòn, thì bị náo hoài. Mà Sài Gòn, cứ náo hoài, chánh quyền quốc gia không vững, thì chỉ có lợi cho Hồ Chí Minh mà thôi.
Thompson hỏi:
- Ông có lợi nào mà chủ trương thiên đô?
- Có lợi lớn lắm chớ! Hễ thiên đô, thì họ Hồ sụp. Mà hễ họ Hồ sụp, thì ứng theo lịch sử nước tôi đã báo điềm năm trăm sáu mươi năm trước, chắc chắn là họ Lê của tôi lên. Hồ Quí Li tiêu thì Lê Lợi lên. Hồ Hữu Tường tan, thì Xích Tử mọc. Đúng như lời sấm của tiền nhơn để lại.
- Lời sấm ra sao?
- Lời sấm nói: «Mạt pháp, trăng già lặn. Lúa chín, cây tốt tươi».
- Ấy là lời con nít nói bắt vần, chớ nào phải lời tiên tri chi, mà ông gọi là lời sấm?
- Ở phương Đông chúng tôi, chân lý từ miệng con nít mà thốt ra. Vì vậy mà người ta chú ý đến những lời con nít hát bắt vần, gọi là đồng dao. Đồng dao có ý nghĩa lắm. Phải có cái gì thiêng liêng xúi, chớ tự con nít, chúng nó không làm sao mà biết tới. Nhưng trong câu «Mạt pháp, trăng già lặn», con nít làm gì mà hiểu hai chữ mạt pháp?
- Mạt pháp có phải là thời mạt pháp của các tôn giáo, cái mà họ gọi là tận thế không?
- Cũng có nghĩa ấy. Nhưng cũng có nghĩa khác. Nghĩa khắc ấy là, khi mà bọn thực dân Pháp đã mất rồi đó! Và chừng ấy, trăng già, tiếng chữ là «cổ nguyệt», tức là chữ hồ, cũng lặn theo.
- Quân đội Pháp tuy đã rút khỏi xứ này mười năm nay rồi, sao mà ngôi sao của Hồ Chí Minh chưa lặn?
Quân đội Pháp tuy đã rút lui, song thực dân Pháp đâu có mạt? Chừng nào bọn sau này mạt rồi, hết tiền để bỏ ra mua chuộc bọn tay sai khuấy rối thì Cộng sản mới hết thừa nước đục thả câu. Nghĩa là chừng ấy ngôi sao của Hồ Chí Minh mới lặn.
- Còn như vế thứ hai, thì nghĩa làm sao?
- Trước hết, nên chiết tự chữ Lê. Ở trên có chữ hòa là lúa, bên cạnh là chữ đáo. Lúa chín mới đem lưỡi hái ra mà cắt. Ở dưới, có hai cách viết. Song theo chỗ tôi nghĩ, phải viết chữ mộc mới đúng với họ của người ở dưới gốc cây lê. Cũng như họ Dương là họ người ở dưới gốc cây dương, họ Lý là họ người ở dưới gốc cây lí vậy. Vậy thì, viết họ Lê của tôi theo lối này, là ứng với vế «lúa chín cây tốt tươi», ứng vào việc tôi sẽ có một tương lai xán lạn lắm. Đó là lý lẽ căn bản làm cho tôi phải đứng về phe «diệt Hồ», diệt luôn cả Hồ Hữu Tường nữa! Đạo cô Diễm Hồng, tuy tôi chưa biết ở đâu, mặt mày ra sao, tuổi tác bao nhiêu, học lực thế nào, song tôi thấy bức thơ gởi cho Cabot Lodge đề nghị ra kế hoạch diệt Hồ, thì tôi cho ngay là đồng minh với tôi. Tôi phải ủng hộ.
Thompson suy nghĩ rất lâu, rồi hỏi:
- Này ông Xích Tử, trong thơ của đạo cô Diễm Hồng, tôi thấy có nhiều điều khó nghe theo được.
- Ví dụ như điều chi?
- Như điều lập ra một Hiệp Chủng Quốc Đông Nam Á, vừa xén của Tàu một phần đất lớn, vừa một hai trăm triệu tín đồ Hồng Môn bên Tàu, vừa lập ở sát nách Tàu một cường quốc dồi dào lúa gạo, mà đề nghị ra, là Mao Trạch Động phải chấp nhận. Mao Trạch Đông hiện nay còn tuyên bố rằng ai mà động đến Bắc Việt, ấy là động tới nội địa nước Tàu, thi lẽ nào Mao Trạch Đông lại cắt Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Đông mà cho không, để lập một nước lớn và mạnh ở sát nách mình?
Xích Tử cười đáp:
- Này ông sử gia ơi, câu nói đó là Mao Trạch Đông ăn cắp con gà đó!
- Ông Xích Tử nói gì mà ăn cắp con gà, tôi không hiểu?
- Ông hỏi Lê Ngọc Trụ mà xem. Tiếng Quảng Đông ăn cắp nói là thấu, con gà nói là cấy. Ăn cắp con gà là dịch đúng danh từ thấu cấy của làng cờ bạc. Theo lệ mua bán, hễ ông muốn mua con gà ngoài chợ, thì ông phải trả tiền. Đàng này, ông không trả tiền mà tự nhiên bắt con gà đi, thì là ăn cắp con gà. Danh từ bóng bẩy này diễn tả lúc ông chơi phé, mà ông không có phé nào hết, mà ông «thấu cấy» thiên hạ sợ để cho ông ăn. Ông sử gia hiểu chưa? Mao Trạch Đông tuyên bố như vậy mà Hoa Kỳ nhát gan, thì là Mao Trạch Đông ăn. Chớ thật ra, Mao Trạch Đông không có phé gì hết. Có phé cùng chăng ấy là đạo cô Diễm Hồng đó. Hễ mà Mao Trạch Đông biết đạo cô Diễm Hồng xúi Cabot Lodge đề nghị như vậy, thì Mao Trạch Đông phát sợ ngay.
- Chính chỗ ấy là chỗ mà tôi nhận không được, và có ý hỏi ông nãy giờ đó.
- Có gì khó đâu! Bởi vì Mao Trạch Đông ngày nay là hậu kiếp của Thông Thiên giáo chủ. Còn Hoa Kỳ và Nga thì ví như Lão Tử và Ngươn Thỉ thiên tôn. Từ ngày Nga Mỹ bắt tay nhau mà đi đường cộng tồn, thì không khác nào Lão Tử và Ngươn Thỉ hiệp nhau mà phá mấy trận của Thông Thiên vậy. Như ông đọc truyện Tàu cũng biết, Thông Thiên chỉ có sợ Hồng Quân chơn nhơn mà thôi. Mà Hồng Quân là gì? Hồng là to rộng mênh mông. Quân là cái mống. Hồng Quân là cái mống to rộng, cái vũ trụ vòng (espace courbé) của Einstein. Ngày nay, Mao Trạch Đông nghe tới tên Diễm Hồng, hiểu đó cũng là một cái mống nữa, tức là một đồ đệ của Hồng Quân, do Hồng Quân sai xuống trần, tất nhiên có truyền bửu bối lạ để trừ mình. Diễm Hồng có tiền để mua con gà, chớ không phải túi vắng hoe mà thấu cấy đâu.
- Ông suy luận đầu óc khoa học Tây Phương của tôi khó tin qua! Ông nói Diễm Hồng có bửu bối à?
- Tôi suy luận thấy phải vậy mới được. Từ mấy tháng nay, nhóm Hòa Đồng cổ võ cho cái mà họ gọi là «phục hưng mới». Tức là một phục hưng lần thứ hai, mà phen này xuất phát ở phương Đông và cho sống lại những giá trị cũ xưa ở phương Đông. Mà ông biết, ở phương Đông, cái giá trị nồng cốt của thời xưa là phù phép, là bửu bối. Hễ có phục hưng mới, thì tức nhiên có việc luyện bửu bối lại. Diễm Hồng là một đạo cô muốn hơn người ta, tất nhiên phải có bửu bối nhiệm mầu hơn hết mới được. 
- Theo ông thấy, bửu bối của đạo cô Diễm Hồng là thế nào mà Mao Trạch Đông sợ quá như vậy?
Nãy giờ nói dóc chơi cho sướng mồm, Xích Tử không dè lần lần lọt vào chỗ bí. Và khi bị Thompson hỏi như vậy, không biết đáp làm sao, bèn đánh trống lãng.
- Thiên cơ bất khả lậu.
Không dè lời đáp ấy không làm thỏa mãn Thompson. Lập tức Thompson nói:
- Tôi thường để ý. Mấy ông ở xứ ông, hễ nói những việc trên trời dưới đất, mà thiên hạ không tin, hỏi vặn lại, thì mấy ổng nói câu «thiên cơ bất khả lậu» để che việc mình nói lố. Nay, ông nói câu «thiên cơ bất khả lậu», phải chẳng là ông bí lối rồi?
Bị bắt bí, Xích Tử hoảng hồn, không biết làm sao, bèn lật đật vái mẹ mà cầu mẹ cứu. Vừa vái xong, thì ánh sáng bừng ra trong trí, liền đáp:
- Dân phương Đông chúng tôi tin rằng hễ ai mà lậu thiên cơ, thì bị trời đánh...
- Nhưng từ ông Franklin ở xứ tôi sáng chế ra được thu lôi tiêm, thì khi trời mưa, ở trong nhà không bao giờ bị sét đánh. Trừ khi có giông gió, ông núp dưới tàng cây. Thì ông biết thiên cơ, ông cứ nói đi, sợ gì bị trời đánh?
- Tôi sẽ lậu thiên cơ, vì nghĩ rằng bị trời đánh còn đầu thai được, chớ bị bom nguyên tử, thì hết. Song tôi nhiễm cái văn minh kỹ sư của nước ông, phàm cái gì cũng tính giá cả. Chẳng hay ông bằng lòng mua cái «thiên cơ bất khả lậu» ấy bằng giá nào?
Thompson nghe nói, cười đáp:
- Về việc này, là sở trường của văn minh của chúng tôi, tôi tưởng ông Xích Tử không ăn qua tôi được. Trong việc định giá cả lẽ nào mua trâu mà chẳng xem bóng? Bên xứ tôi, phàm bán cái máy móc nào, ít nữa là phải cho một tài liệu quảng cáo. Trong tài liệu này, phải chụp hình cái máy ấy, phải viết tả cho kỹ đặc tánh của máy, nó mấy mã lực, nuốt xăng bao nhiêu, sức chạy mỗi phút mấy tua, cần dùng nhân công điều khiển thế nào. Sau khi khách hàng đọc kỹ tài liệu cho không này, phải cho họ thử máy nữa. Chừng ấy chủ bán mới ra giá. Rồi đôi bên mặc cả với nhau.
- Ở đây, vấn đề khác hẳn. Đạo cô có một khí giới bí mật, một bửu bối. Nếu đạo cô muốn bán, thì đạo cô sẽ phát không tài liệu quảng cáo cho Hoa Kỳ xem rồi chờ Hoa Kỳ thử. Rồi sẽ ra giá. Còn đây không muốn bán bửu bối mà lấy tiền. Đạo cô muốn giữ bửu bối ấy trong tay để lập tức có hai trăm triệu tín đồ tôn mình lên làm giáo chủ. Cái bí mật ấy, tôi biết. Chánh là tôi muốn bán cái bí mật ấy.
- Vậy thì ông nói phác qua, sơ sơ vậy thôi, cái bí mật ấy. Rồi ông ra giá, thử coi Hoa Kỳ có theo nổi không.
- Như vậy thì được. Tôi, thì tôi bán cái bí mật về cái bửu bối ấy. Còn việc mua chánh cái bửu bối ấy là việc khác nữa. Nè, ông Thompson, Hoa Kỳ không thể nào dùng võ khí nguyên tử đùng một lượt dội mấy chục ngàn quả bom khinh khí lên khắp nước Tàu. Để giết hết 750 triệu người Tàu. Một là tất cả dư luận thế giới sẽ nhao nhao lên mà bình phẩm. Hai là những phóng xạ của mấy chục ngàn quả bom ấy làm cho không khí của quả địa cầu hóa ra độc địa vô cùng, không ai ở nổi. Loài người phải dọn hết lên cung trăng mà ở. Nhưng kỹ nghệ hỏa tiễn liên hành tinh chưa đủ sức mà di cư hai tỉ con người lên tuốt cung trăng được. Còn cái bửu bối đạo cô Diễm Hồng có thể làm cho 750 triệu dân Tàu chết sạch, mà chẳng một ai có thể nghĩ là Hoa Kỳ đã nhúng bàn tay mình vào. Mà dân Tàu chết sạch, một cách êm ru bà rù, không lọt ra một tia phóng xạ, thì trong thế giới chẳng có ai phản đối. Còn cái lợi nữa, là bao nhiêu tài sản vật chất của Tàu còn nguyên vẹn. Đó là chiến lợi phẩm. Đó là một kho tàng quý giá. Sách Tàu, đồ cổ, lấy mà bán, thì thật là một áp phe. Nói thật với ông, tôi không có đủ phương tiện mà khai thác các áp phe rất lớn này. Ông có máy tính điện tử. Ông nhờ máy tính xem giá trị của chiến lợi phẩm là bao nhiêu, tính xem Hoa Kỳ hao tổn để ngăn đón sự bành trướng của Tàu trong năm trăm năm là bao nhiêu...
- Tính chi tới năm trăm năm?
- Ông không chịu tính vậy, thì ông tính xem giá của một cuộc chiến tranh nguyên tử để tận diệt quân Tàu và dân Tàu là bao nhiêu, và thêm để đánh tan cái dư luận bất bình của thế giới đối với sự sử dụng võ khí nguyên tử.
- Úy châu cha! Thật là một con số khổng lồ. Ước chừng vài tỷ đô la đó.
- Muốn được một kết quả tương đương như vậy, mà khỏi bị dư luận thế giới, Hoa Kỳ có dám tốn ra phân nửa số đó mà mua cái bửu bối của đạo cô Diễm Hồng chăng? Thật là một áp phe, tiết kiệm được cho ngân sách Hoa Kỳ đến một trăm tỷ đô la. Còn tôi dẫn cái áp phe này, tôi đòi tiền còm mích xong năm phần trăm thôi. Nghĩa là tôi đòi năm tỷ đô la đó.
- Ếm mả cụ phó bảng Huy, giá một trăm triệu đô la, ông chê là ít. Làm mối bán bửu bối của đạo cô Diễm Hồng, ông đòi huê hồng năm tỷ đô la. Ông cứ lên hoài, ngán hết sức!
- Ấy vậy mà còn một cái áp phe còn to hơn nữa kìa. Là sau khi giết hết 750 triệu dân Tàu, bửu bối ấy sẽ sử dụng giết hết hai triệu dân Nga, mà vẫn còn giữ nguyên nhà cửa máy móc, sự nghiệp của họ... Rồi, ngon miệng, xơi luôn Trung Âu, Tây Âu. Vẫn giết hết người mà lấy luôn của cải. 
- Ông Xích Tử nói sao mà nghe ngán quá vậy. Tôi đây không phải là người tu hành, mà tôi nghe chết cả hai tỷ người, tôi đã ớn rồi. Tại sao một đạo cô, tự xưng là một giáo chủ, lại giết mấy tỷ mà chẳng động lòng từ bi, bác ái?
Xích Tử cả cười, đáp:
- Chúng ta là người phàm tục. Chúng ta làm chết người, chúng ta gọi là giết. Còn như đạo cô Diễm Hồng là một giáo chủ, là một bực siêu thoát. Đạo cô đâu có giết người? Đạo cô độ chúng sanh sang qua thế giới khác, sang qua miền cực lạc. Đạo cô giải thoát họ khỏi biển trầm luân khổ ải, khỏi cảnh người áp bức người, bóc lột người, khỏi cảnh cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt chớ! 
Thompson cũng cười theo và nói:
- Loài người chết gần hết, Phú nguyên còn y. Hai trăm triệu dân Hoa Kỳ ở không mà hưởng. Thật là nhiệm mầu. Nhưng làm sao mà có phép nhiệm mầu như thế được?
- Thì tiền trao, cháo múc.
- Có quyền xuất tiền của ngân sách để mua cái bí mật này, chỉ có Quốc hội Hòa Kỳ mà thôi. Ngay tổng thống Hoa Kỳ cũng phải xin phép Quốc hội. Tôi chỉ là một công dân, tôi không có quyền gì cả. Song để tỏ thiện chí của tôi, tôi trả cho ông một đô la tượng trưng để được nghe ông nói sơ chơi.
Nói rồi, Thompson móc bóp, lấy ra một đồng đô la mà trao cho Xích Tử. Chàng tiếp lấy, nhét vào túi rồi nói:
- Của ít tình nhiều. Vậy để tôi hé cho ông thấy chút ít mầu nhiệm của cái bửu bối của đạo cô Diễm Hồng. Nè ông Thompson, từ lớp Trung học, ông đã học rằng ở vùng Tây Bá Lợi Á bị chôn vùi dưới tuyết, có loại voi cổ xưa gọi là mammouth, mà khi moi ra, trong bụng vẫn còn đầy cỏ. Như vậy thì vùng Tây Bá Lợi Á này, thuở xửa, xừa, xưa, vốn là vùng nhiệt đới, cỏ cây thạnh mậu để cho loại voi này ăn. Rồi đùng một cái, hơi lạnh tràn đến, tuyết phủ, giá đông, dày đặc suốt mấy trăm ngàn năm nay. Do đâu mà có sự thay đổi khí hậu thình lình này, biến một xứ ở vùng nhiệt đới thành ra vô cùng lạnh lẽo?
- Ừ nhỉ?
Biến đổi khí hậu đột ngột như thế này, chỉ có thể quan niệm được là do sự thay đổi của trục trái đất, làm cho Bắc cực hồi xưa ở chỗ khác, thình lình dời tới chỗ của nó bây giờ. Và làm cho vùng nhiệt đới khi xưa, trong khoảnh khắc, rơi vào vùng lạnh lẽo.
Thompson vỗ tay khen:
- Hay! Hay! Lời giải thích ấy rất hợp với tinh thần khoa học.
Nghe được khen, Xích Tử hỉnh mũi nói tiếp:
- Các vị tiên thời xưa còn tập luyện được thuật di sơn đảo hải. Còn đạo cô Diễm Hồng là một bực siêu tiên thượng đẳng, tất nhiên đạo cô phải luyện được phép đổi trục trái đất, tùy theo ý muốn của đạo cô. Nếu Hoa Kỳ chịu trả giá một trăm tỷ đô la cho đạo cô Diễm Hồng, để nhờ đạo cô trị bọn ba Tàu thì đạo cô chỉ ngồi kiết già, chấp tay trước ngực, lim dim mắt, cho trên chớp hiện một cái mống to lớn vô cùng, tủa khắp vũ trụ, gom góp tất cả vũ trụ lực lại mà chuyển một cái, lật quả đất như lăng một cục đá, chỉnh cái trục quả đất lại, làm cho Bắc cực ở ngay vào giữa nước Tàu. Trong khoảnh khắc, hơi lạnh tràn đến, bao phủ nước Tàu, rồi tuyết rơi cả mấy trăm thước bề cao, chôn vùi tất cả dưới giá lạnh. Ấy là 750 triệu dân Tàu chết hết. Nói cho đúng hơn, 750 triệu linh hồn của ba Tàu đã được đạo cô độ sang qua miền cực lạc cả. Rồi một thời gian sau, muốn lấy của cải đã chôn vùi dưới tuyết, thì Hoa Kỳ nhờ đạo cô Diễm Hồng làm phép mầu một lần nữa, sửa trục trái đất lại, dời Bắc cực về vị trí cũ của nó. Thì ở nước Tàu, giá sẽ tan, nước sẽ chảy ra biển, nhà cửa sẽ lộ lên. Chỉ lo chôn 750 triệu cái xác và dời dân của mình đến chiếm nhà cửa dinh thự...
- Mầu nhiệm thật!
- Cái áp phe này khai thác xong, thì mở cái áp phe thứ hai để khai thác ở Nga, ở Trung Âu, ở Tây Âu, ở bất cứ nơi nào mà dân hó hé phản đối mình. 
Thompson gải đầu hồi lâu hỏi:
- Này, ông Xích Tử, đạo cô Diễm Hồng là người tu hành, nâu sòng, chay lạt. Một năm có vài ba bộ quần áo vải bô, mỗi ngày hai bữa cơm tương rau, là đủ rồi. Tại sao có một lòng tham vô cùng tận, muốn có từ trăm tỷ đô la này tới trăm tỷ đô la kia vậy?
Xích Tử hai tay vỗ hai vế cười ha hả đáp:
- Ông Thompson nói rất đúng. Mức sống của đạo cô Diễm Hồng, mỗi tháng trị giá chừng năm trăm bạc. Kể cả quần áo và tất cả chi phí khác. Mỗi năm cấp cho đạo cô mười ngàn đồng bạc là vừa. Lấy theo giá noa, một đô la ăn non một trăm năm mươi đồng, thì ông cấp cho đạo cô bảy chục đô la, là đạo cô xài chán. Đạo cô nào có cần dùng đến hàng trăm tỷ này đến hàng trăm tỷ kia? Nhưng mà, nếu đạo cô muốn xuất giá, kén chồng cho vừa ý với đạo cô, tất nhiên là một thanh niên xứng đáng lắm. Mà hễ thanh niên này là một thanh niên xứng đáng, tất nhiên đòi một của hồi môn to tát...
- Ông Xích Tử nói làm sao mà tôi quan niệm theo không kịp. Nào ông nói đạo cô muốn có chồng... điều này trái với truyền thống của đạo Phật ở xứ này. Nào ông nói chàng rể đòi của hồi môn to... điều này trái với tục lệ người Việt, phải nạp sính lễ rất nhiều mới được đàn gái nhận gả con.
Xích Tử cười ha hả đáp:
- Ông sử gia chỉ nghiên cứu phiến diện thôi. Để tôi chứng minh bằng thực tế cho ông thấy. Ở bên Ấn Độ, Bồ tát Avalokitecvara, tục lệ gọi là Quan Thế Âm, sang bên Tàu, biến thành một người của phái đẹp, tuy được thiên hạ gọi là đức bà Quan Âm, song trọn đời đồng trinh. Song Quan Thế Âm kia mà sang qua đất Việt chúng tôi, lại biến ra nữa làm một người đàn bà có chồng rồi, không còn là một trinh nữ. Đó là Quan Âm Thị Kính, đã ăn ở với chồng rồi, sau mới xuất gia. Đó là một cái luật sắt thép. Luật này gọi là luật «dân tộc hóa». Cái gì ngoại lai, đến xứ Việt, muốn trường tồn được, phải «dân tộc hóa» trước đã. Đời này cũng vậy. Bồ tát Di Lặc, hay là Cầu Danh, hay là A Dật Đa, hay là Maitreya, giáng trần xuống đất Việt này, phải theo cái luật sắt thép «dân tộc hóa». Chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai, muốn tồn tại ở xứ này, trước phải «dân tộc hóa» cho hợp với tâm lý quần chúng kìa! Huống chi là đạo cô Diễm Hồng. Việc đạo cô Diễm Hồng sẽ có chồng là một việc thích ứng với luật sắt thép «dân tộc hóa» mà!
Thompson cười nói:
- Tôi nghe nói Cộng sản có cái biện chứng pháp, bất cứ cái gì, họ đem biện chứng pháp ra mà cắt nghĩa, nghe đều có lý. Thật là cái đạo nói dóc của ông không thua gì biện chứng pháp cả. Cái nào ông cắt nghĩa, nghe thảy có lý.
- Chẳng những hợp lý, mà còn hơn biện chứng pháp nữa, hơn ở chỗ hợp tình...
- Hợp tình ở chỗ nào đâu?
- Ông sử gia lớn tuổi hơn tôi, chắc cũng đã trải qua những phút mà trái tim rung động vì một nàng vừa ý, thì không đến nỗi cười tôi. Tôi xin thú thật. Tôi được đọc bức thơ của đạo cô Diễm Hồng gởi ông Cabot Lodge. Tôi chẳng biết mặt mày đạo cô đẹp đẽ như thế nào, tuổi tác bao nhiêu, ngôn hạnh ra sao... Không biết cái gì tất cả. Song chỉ biết ý của thơ, mà tôi biết nàng là một kỳ nữ. Thì tôi liền bị sét đánh ngay. Tôi yêu đạo cô ấy. Tôi binh đạo cô ngay. Tôi cũng không biết đạo cô có luyện được phép mầu đổi trục trái đất như tôi đã nói chăng. Tất cả cái ấy, tôi hoàn toàn bịa ra mà nói dóc để đề cao đạo cô lên. Tôi yêu đạo cô, thì tôi vẽ đạo cô theo cái tư tưởng của tôi. Đó là tâm lý chung của tất cả người đang yêu. Có phải vậy không ông Thompson?
Thompson cười tha thứ đáp:
- Đúng đấy! Tôi không dè ông Xích Tử yêu đạo cô Diễm Hồng là người chưa quen biết bao giờ, yêu tha thiết đến thế!
- Còn vấn đề chàng rể đòi của hồi môn thì thật ra, trong bình dân, người ta vẫn giữ cái tục bên trai phải nạp tiền cho cha mẹ bên gái. Song ở thành thị, các nhà trí thức, nhiễm văn hóa Âu Mỹ, khi giật được mảnh da lừa ở một trường Đại học xong, thì lấy đó làm miếng mồi mà câu của hồi môn bên đàng gái. Tôi đây là thứ «trí thức ba rọi»...
- Trí thức ba rọi gọi là làm sao?
- Cái này, ông đáng lẽ phải đi tìm ông Lê Ngọc Trụ mà hỏi. Song tôi đang muốn vợ quá, tôi nói phức cho ông nghe, kẻo mất thì giờ. Các bà nội trợ ở miền Nam chúng tôi gọi thịt heo nửa có mỡ, nửa có nạc, là thịt ba rọi. Các bà nội trợ ngoài Bắc gọi là thịt ba chỉ. Nhưng tôi thấy danh từ ba rọi nên thơ hơn là ba chỉ, khi nào cưới vợ xong, rổi rảnh tôi sẽ cắt nghĩa vì sao ba rọi nên thơ hơn ba chỉ. Còn bây giờ, tôi muốn vợ nôn quá, tôi xin phép ông thông qua vấn đề. Tôi là một trí thức ba rọi, là vì tôi cũng là bình dân như ai, thịt mỡ như ai, mà tôi cũng có lớp sơn trí thức, đi ăn giỗ cũng nói dóc như ai được, nghĩa là cũng thịt nạc như ai. Tôi là một trí thức ba rọi. Khi mà Hoa Kỳ đưa cho tôi số tiền mấy trăm tỉ đô la, thì tôi tổ chức lễ cưới theo lối bình dân, hoàn toàn Việt, là tôi đem một số tiền to mà nạp cho cha mẹ đàng gái mà xin rước dâu. Còn nếu Hoa Kỳ đưa số tiền ấy cho đạo cô Diễm Hồng, thì tôi lại áp dụng cái thuật của các nhà trí thức thịt nạc, tôi lại đòi của hồi môn.
- Các ông ấy còn có cái bằng cấp mà câu của hồi môn. Còn ông? Ông lấy gì làm mồi để câu của hồi môn mấy trăm tỉ đô la?
- Miếng mồi ấy là cái thuật làm thay đổi trục của quả đất. Cái ấy, tôi biết, chớ dễ gì đạo cô Diễm Hồng đã luyện được rồi? Song vì tôi yêu đạo cô, tôi bí mật giao cho đạo cô cầm trong tay mình cho Hoa Kỳ...
Thompson cười hả hả nói:
- Thiệt là cái thuật nói dóc của ông, bề nào cũng cãi xuôi rót. Tôi chưa hề thấy ai nói dóc như ông.
- Cha tôi là Ý Dư, tác giả Phi Lạc Sang Tàu là tay nói dóc không vừa, mới viết được quyển ấy. Hễ hổ phụ, thì sanh hổ tử. Cha nói dóc, ít nữa cũng phải sanh con nói khoác. Chớ chẳng lẽ cha làm thầy, con bán sách? Tôi giao cho đạo cô cầm tay cái bí mật ấy mà bán cho Hoa Kỳ, huyền thoại là tiền ấy của đạo cô, mà thực chất tiền ấy là của tôi. Cái gì của César, chúa Jésus đã dạy phải trả cho César. Thì cái gì của tôi, tất phải trả lại cho tôi. Song, để làm nở mặt cô dâu Diễm Hồng, tiền ấy tôi để cho đạo cô Diễm Hồng trao lại cho tôi, gọi là của hồi môn. Huyền thoại như vậy mới trọn vẹn. Mà, có người, như giáo sư Nguyễn Văn Trung ở viện Đại học Sài Gòn, phân biệt thực chất và huyền thoại trong khi ông ấy khảo cứu thực dân chủ nghĩa. Còn tôi, tôi theo thuyết hòa đồng của giáo sư Nguyễn Lương Hưng, chủ nhiệm tuần báo Hòa Đồng, tôi hòa đồng tất cả, hòa đồng thực chất và huyền thoại, cũng như hòa đồng thịt mỡ và thịt nạc làm thịt ba rọi. Số tiền mà Hoa Kỳ trao, rồi đến tay tôi, thực chất là của tôi, huyền thoại là của hồi môn của đạo cô Diễm Hồng, hòa đồng lại, thì êm ru bà rù, ai nói sao cũng đúng cả.
Thompson quen theo luận lý hình thức, cái gì là A thì không thể là không A được, nghe luận điệu trái cẳng ngỗng của Xích Tử, nhịn cười không được và trào phúng nói:
- Cứ theo luận điệu của ông, thì thuyết biện chứng pháp của Mao Trạch Đông và đạo từ bi của Đạt Lai Lạt Ma, rốt rồi ông cũng «hòa đồng» nốt.
Xích Tử gục gật đầu nói:
- Chưa có cơ hội để cho tôi đặt vấn đề chớ! Chớ từ lâu, tôi đã thấy cái mối để cột lại rồi. Một bên nói: «A là cái không A». Một bên nói: «sắc tức thị không, không tức thị sắc». Nội cái nguyên tắc ấy, chừng nào Mạo Trạch Đông cần đến mà «xét lại» chủ nghĩa của Marx, tôi sẽ biến thuyết «tranh đấu» của Marx ra cái thuyết Ahimsa của Thích Ca...
- Thôi đi ông! Ông nói chuyện trên trời dưới đất, mà chuyện ngay trước mắt ông chưa thấy.
- Chuyện nào trước mắt tôi, mà tôi chưa thấy. 
- Chuyện ông muốn cưới đạo cô Diễm Hồng, rồi mơ mộng ông bàn tới nghi thức nạp điều sính lễ hay đòi của hồi môn. Ông có thấy chăng? Diễm Hồng là một đạo cô, đã trót xuất gia, lẽ nào lại xuất giá.
Xích Tử cười hả hả đáp:
- Thần tình thay cho tiếng Việt! Từ xuất gia đến xuất giá, chỉ cần thêm có chút dấu sắc nhỏ mà thôi. Tôi muốn cho đạo cô Diễm Hồng, hiện nay đang xuất gia, ngày mai thành xuất giá, tôi chỉ cần thêm chút dấu sắc đó mà thôi.
- Dấu sắc ấy là cái gì?
- Là bức, không phải là «hạ chiến thơ», mà là «hạ tình thơ». Ông chịu khó ngồi hút thuốc chơi, để tôi thảo bức «hạ tình thơ» ấy.
Xích Tử nói xong, lại bàn lấy giấy viết, rồi trao cho Thompson.
Thompson đọc:
Gởi một đạo cô chưa quen biết
MƯỠƯ
Ngày Xuân em hãy còn dài,
Mà lòng ân ái, ai ai cũng lòng, 
Âm dương sao thoát khỏi vòng?
Nước dương dẫu mát, lửa lòng dễ nguôi?
HÁT
Thanh Xuân đang độ.
Cớ sao mà cố lánh nợ trần duyên?
Chí dốc lòng cầu Phật với khẩn tiên, 
Thì chi đến cửa thiền, cho rộn chuyện?
Thiệp tại nhãn tiền, nhi bất kiến!
Đạo vô tâm ngoại, cánh hà cầu? (1)
Phật tại tâm, sao mãi kiếm ở đâu đâu?
Tâm tức Phật, thì đâu đâu đều cũng Phật.
Lựa là phải vô chùa thế phát? 
Phận liễu bồ, đằng cát tựa vào ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai! (2)
(1) Lông nheo ở trước mắt, thế mà không thấy. Cái đạo không ngoài cái tâm, lại kiếm ở đâu?
(2) Lời của kẻ chép truyện: Bài hát nói này, Ý Thừa vốn không biết làm thơ, nên không đặt nổi. Nó vốn là tác phẩm của một nhà văn, bạn thân của Ý Thừa, dùng mà «hạ tình thơ» cho một đạo cô gần làm lễ thế phát. Được tình thơ, đạo cô thêm dấu sắc vào thành ngữ xuất gia, thành xuất giá. Bây giờ, hai ông bà đã sáng tác được sáu mụn con. Tác giả không dám nhận bài hát nói là của mình, sợ bị dư luận công kích. Ý Thừa tôi chép đăng lên, không với tinh thần «đạo văn». Song thấy «ý thừa» người ta bỏ không dùng, mình chép lại cho độc giả đọc chơi và cười chơi. Xin Mõ Làng Văn chớ buộc tội!
Đây nói về hai mươi tám nàng, sau khi nghe Diễm Hồng thuyết pháp, đều bằng lòng nhập vào «Minh Đạo», lãnh sứ mạng làm hai mươi tám vị tông đồ của đạo này, và đặt mục tiêu thứ nhứt của mình là cứu Xích Tử ra khỏi «Tru tiên trận». Các nàng chuẩn bị đầy đủ. Khi Kossyguine sang Hà Nội, Bundy đến Sài Gòn, Pleiku bị tấn công, thì để trả đũa, phi cơ Hoa Kỳ dội bom ở Bắc Việt. Các nàng thấy thời cơ đã đến, bèn mở một cuộc hội họp báo chí, mời đủ các báo Việt Ngữ và ngoại quốc đến. Ngồi trên bàn, để làm phát ngôn viên, ở giữa là Diễm Hà, bên tả là Hạ Liên, bên hữu là Sen. Còn hai mươi lăm nàng kia, thì trà trộn trong hàng ký giả mà không cho lộ sự liên lạc của mình và để làm chim mồi đặt câu hỏi đã chuẩn bị sẵn để lái cuộc nói chuyện theo mục phiêu đã sắp đặt. Diễm Hà đứng lên thuyết trình xong bằng tiếng Việt thì Hạ Liên dịch lại bằng tiếng Anh. Rồi Sen dịch lại bằng tiếng Pháp. Đại ý của bản thuyết trình rút nơi bài thuyết pháp của Diễm Hồng hôm nọ. Và Diễm Hà kết luận:
- Giữ đúng truyền thống của phương Đông, Minh Đạo của chúng tôi tuy đã khai cơ, song lúc ban đầu phải giữ bí mật. Bất cứ tôn giáo nào đều có cái mà Phật học gọi là tam bảo. Bảo thứ nhứt nói về giáo chủ. Hiện nay chúng tôi còn giấu, chưa công bố giáo chủ của chúng tôi là ai. Bảo thứ ba, thuộc về giáo hội. Chúng tôi tạm giữ giáo hội chúng tôi sau cái màn bí mật, chẳng cho biết số tông đồ là bao nhiêu, số tín đồ là bao nhiêu và hệ thống tổ chức như thế nào. Chúng tôi chỉ trình cái «pháp» là cái bảo thứ hai mà thôi. Chúng tôi đã tóm tắt cái pháp ấy trong bản thuyết trình. Quí vị có cần bổ túc thêm điểm nào, xin quí vị đặt câu hỏi:
Mẫu Đơn đứng dậy đặt câu hỏi:
- Muốn thành một tôn giáo, phải có phần mầu nhiệm. Chẳng vậy, hệ thống tư tưởng chỉ là một triết học mà thôi. Chẳng hay phần mầu nhiệm của Minh Đạo là cái chi?
Diễm Hà đáp:
- Quí ký giả đặt câu hỏi rất trúng phép. Những tôn giáo cũ xưa, thảy có phần mầu nhiệm của mình, như chữa bịnh tật bất trị, như cứu người chết sống lại. Gần đây đức Phật Thầy Tây An nhơn có bịnh dịch tả tràn lan mà ra cứu đời, cho đời thấy phần mầu nhiệm của mình, rồi mới lập đạo được. Minh Đạo chúng tôi cũng không đi ngoài công lệ ấy. Khác có điều là các giáo chủ xưa cứu bịnh của cá nhân. Còn giáo chủ của Minh Đạo ngày nay lại chữa bịnh tập thể của nhơn loại, của loài người.
Tường Vi đặt câu hỏi:
- Xin phép phát ngôn viên đơn cử một căn bịnh tập thể, để cho chúng tôi nhận thức.
Diễm Hà đáp:
- Chúng tôi xin kể một căn bịnh mà chính quí vị đang sống. Từ khi Sài Gòn này được chọn làm kinh đô, thì Sài Gòn bị náo hoài, lôi cuốn nước nhà trong nguy cơ không ngớt. Nói cho rõ, thì khởi đầu đã có vụ trò Ơn, làm náo cả Sài Gòn. Ít năm sau, có vụ máu lửa đô thành do Ngô Đình Diệm và Lê Văn Viễn đánh nhau. Rồi Bảo Đại bị truất phế. Rồi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh. Rồi chỉnh lý, rồi xuống đường, rồi hốt, rồi... mà kể làm chi nữa, quí vị đương sống cái đại náo Sài Gòn. Nhưng chưa có gì đâu! Mấy cái náo cũ thảy đều là thứ náo nhỏ nhỏ. Rồi đây sẽ có những «đại náo» khác nữa kìa. Phàm là một tôn giáo, chúng tôi chỉ có quyền mách trước thiên cơ mà chẳng có phép lậu thiên cơ. 
Mẫu Đơn đứng lên hỏi:
- Xin phát ngôn viên cho biết có cách chi để chữa cái bịnh tập thể này chăng?
Diễm Hà đáp:
- Đúng theo truyền thống của phương Đông, thì cách trị bịnh tập thể này là thiên đô. Nhà Châu xưa đóng đô ở phía Tây, nên gọi là Tây Châu. Bốn trăm năm sau lại đổi qua Đông nên gọi là Đông Châu. Nhà Hán cũng vậy. Đến Cộng sản duy vật là Mao Trạch Đông đây cũng tin theo thuyết ấy. Trước đó kinh đô nước Tàu ở Nam Kinh, thì khi Mao Trạch Đông lên, thì dời về Bắc Kinh. Đến ông tổ Cộng sản là Lénine cũng tin theo, dưới thời Nga hoàng, kinh đô nước Nga ở Saint-Petersbourg, mà khi Lénine lên cầm quyền thì dời về Moscou.
 Nàng Bụp đứng lên hỏi:
- Ở xứ ta, có nên áp dụng truyền thống ấy chăng?
Diễm Hà đáp:
- Nên lắm chớ. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư, nhà Lý thiên đô lại Thăng Long. Đến nhà Nguyễn, dời đô về Huế. Bởi vương khí của Huế ít quá, nên nhà Nguyễn làm chủ không quá sáu mươi năm là nước bắt đầu bị xâm lăng. 
Sứ đứng lên hỏi:
- Do đâu mà vượng khí ít quá?
Diễm Hà đáp:
- Bởi vì Huế lập trên bờ sông Hương. Sông này nhỏ, vắn, nước chảy lờ đờ, chẳng hùng vĩ chút nào cả. Do đó mà nhà Nguyễn suy yếu, binh vực nước không nổi mà dân ta bị mấy năm đô hộ. Tôi nói đây là áp dụng đúng lý thuyết của khoa mà chúng ta gọi là địa lý, mà bên Tàu còn có cái tên khác là khoa phong thủy.
Hồng đứng lên hỏi:
- Phát ngôn viên có thể dùng khoa phong thủy mà cắt nghĩa thời cuộc nước nhà chăng?
- Được chớ. Sau ngày đất nước bị cắt đôi, Cộng sản đóng đô ở Hà Nội, trên bờ sông Nhĩ, còn Ngô Đình Diệm đóng đô ở Sài Gòn, trên bờ rạch Sài Gòn. Sông Nhĩ thế hùng vĩ hơn sông Đồng Nai, huống chi là sánh với cái rạch nhỏ là Sài Gòn. Do đó mà khí thế của Ngô Đình Diệm kém hoài đối với khí thế của Hồ Chí Minh. Viện trợ Hoa Kỳ là một lẽ, cái lẽ nhơn tạo. Còn cái khí thế thiên nhiên là do sông núi tạo ra.
Thu Cúc đứng lên nói:
- Nếu lập luận của phát ngôn viên là đúng, thì Chánh phủ miền Nam, nếu muốn thủ phần thắng, phải quyết định thiên đô. Xin phát ngôn viên cho biết, nếu thiên đô thì nên dời đô đến đâu? Và lấy tiền ở đâu mà kiến thiết kinh đô mới ấy?
Diễm Hà đứng lên đạo mạo tiếp:
- Để đáp hai câu hỏi này, phải áp dụng lời Phật huấn. Trước khi đức Thích Ca tịch, ngài có dặn nhỏ cho đức A Dật Đa, tức là Bồ Tát Di Lặc, hay là Maitreya, đủ chi tiết về điều này. Hai ngàn bốn trăm mấy mươi năm về sau, tức là bây giờ đây, chúng ta phải áp dụng đúng lời Phật huấn.
Xuân Lan hỏi:
- Chẳng hay Phật dạy thế nào?
- Lời Phật dạy không tiện tuyên bố ra đây. Vì nếu chúng tôi không thận trọng thì lập tức Sài Gòn sẽ bị đại náo!
Muốn biết vì sao, khi Diễm Hà công bố lời Phật huấn thì Sài Gòn sẽ đại náo, hãy xem đến hồi sau phân giải.