Ngồi nơi dảy bàn được kê ngay ngắn ngoài sân của cái quán cà phê sân vườn, vừa nhấm nháp hương vị cà phê thứ thiệt vừa ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, đang thả hồn và chìm đắm vào ngóc ngách của quá khứ, chợt phía sau tôi có tiếng hỏi:
- Xin anh cho hỏi thăm đã mấy giờ rồi ạ!
Tôi ngoảnh mặt lại rồi buộc miệng trả lời theo phản ứng tự nhiên.
- kém năm là mười bảy giờ rồi em.
Sau câu trả lời tôi nhìn về phía cô gái vừa lên tiếng hỏi, tôi giật thót mình vì cô gái này có gương mặt rất quen,tôi giật mình là vì gương mặt nàng ta giống y hệt một cô gái mà tôi từng gặp...
Năm ấy khi những cơn mưa mùa hạ chấm dứt, tôi phải vào quân ngũ đếm nhịp quân hành như bao chàng trai thời ly loạn. Ba tháng quân trường mồ hôi đỗ ngày ra đơn vị cũng là ngày đánh dấu sự chia tay bạn bè đã cùng chia ngọt sẻ bùi trên thao trường, thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ làm nên chất keo sơn khiến chúng tôi gắn bó thương yêu đùm bọc che chở lẫn nhau như anh em một nhà.
Về đơn vị mới chúng tôi như những chú chim non mới ra ràng, tập tành bay nhảy để tồn tại trong môi trường gian lao nguy hiểm.
Chiếc GMC cũ kỹ già nua với màu xanh đã nhạt nhòa theo năm tháng, mỗi khi lên dốc cầu tiếng máy nó gầm rú và nhả từng đụn khói đen ngòm vào bầu trời xanh thẳm phía trên, nó đưa những chú "lính sữa" chúng tôi về đơn vị mới, xe chạy từ Gia định đưa chúng tôi vượt cầu xa lộ Sài gòn, khi xe leo đến trên đỉnh cầu tôi phóng tầm mắt về phía xa xa, từng vạt dừa nước xanh thẩm mọc ven những con rạch phía bên kia sông Sài gòn trông như những con rắn khổng lồ đang vặn vẹo uốn mình đi tìm mồi, quanh đó những ruộng lúa chín vàng trải dài từ mép xa lộ vô tới phía bờ sông Sài gòn, nó đẹp tợ như tấm thảm khổng lồ được trải xuống để chào đón chúng tôi.
Xe đỗ dốc chạy một mạch rồi quẹo vào ngã ba Cát Lái, đoạn đường từ đây vào Cát lái đi qua nhiều địa danh thân thương như ngã ba Giồng ông tố, Bình Trưng. Bưng ông Thoàng, cầu Võ khế, Ấp Mỹ Thủy, Cát lái, Thành Tuy Hạ...
Tài xế chiếc GMC này một tay Lính hẳn còn trẻ anh ta chạy thật nhanh, đường liên tỉnh lộ nhỏ xíu xe máy xe lôi chạy dập dìu mà anh ta tránh né rất điệu nghệ nhưng đôi lúc cũng cho chúng tôi nhừ người vì những cái ổ gà trên đường, có đứa bị sốc đầu đập vào những thanh chắn ngang trên xe khiến nó buộc miệng rủa tài xế:
- Cha nội này đúng là ngựa con háu đá, chạy chậm chậm thôi mắc gì chạy như ma đuổi vậy.
Một đứa trong bọn chúng tôi trả lời thay cho tay tài xế:
- Chịu khó vịn chắc đi tụi bây, nhiều khi chổ này mất an ninh ảnh sợ bị phục kích hoặc bắn sẻ gì đó nên vọt lẹ là đúng sách vở rồi.
Thằng nọ dường như cơn đau hẳn còn nên đỗ quạu đớp lại đứa kia liền:
- Sách sách cái khỉ khô họ, ở đây sát nách Sài gòn mà sợ cái quái gì, chạy ẩu thì có.
Thấy hai đứa vì lý do không đâu cãi nhau mất vui tôi ra tay can thiệp liền:
- Hai ông ơi! Mới hôm kia lúc làm lễ mãn khóa hai ông còn bịn rin vậy mà hôm nay cãi nhau rồi, mỗi người nhịn một chút đi, ông bà mình nói:
- Một câu nhịn chín câu cự, úi da lộn rồi chín câu lành mới phải.
Cũng may sau câu can gián của tôi hai thằng nọ bắt tay làm hòa, chẳng mấy chốc chiếc xe đỗ xịch xuống ngay cầu Mỹ Thủy.
Đây là chiếc cầu sắt dã chiến do công binh lắp đặt, thành cầu làm bằng những thanh sắt dầy chắc chắn được liên kết lại bằng những thanh chằng chéo bởi các con Bu loong thật to, mặt cầu được lót bằng những thanh gổ to như các thanh tà vẹt dã chiến của đường ray xe lửa, do gổ lát trên mặt cầu thưa khiến xe chạy rất dằn sốc mục đích hạn chế tốc độ khi xe qua cầu cho an toàn, do cầu hẹp chỉ di chuyển được một làn xe nên đơn vị đồn trú bảo vệ cầu phải lập cái "Chuồng cu" phía đầu cầu hướng từ phía Cát Lái và cắt cử người vừa ngồi gác vừa có nhiệm vụ điều khiển cái bảng hiệu dừng xe cho mỗi một chiều lưu thông.
Chúng tôi trình diện đơn vị một đại đội hành quân quanh vùng Từ Cát Lái đến ấp Bình Trưng, thỉnh thoảng phải tăng phái hành quân sang vùng Cầu Võ Khế và ấp Long Trường, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ cây cầu Mỹ Thủy cho thông suốt và đây là con đường độc đạo từ cảng Cát Lái ra xa lộ Sài gòn.
Tôi còn nhớ như in sáng nọ đang ngồi gác trên cái "Chuồng cu", thời bấy giờ xe cộ qua cầu cũng thưa thớt, họa hoằn lắm mới có đoàn công voa chở hàng hóa đi ngang thì điều khiển hơi vất vả, nên việc ngồi gác cũng như được " Xả hơi" bù lại những ngày lội bưng biền hành quân gian khổ, là lính mới ra trường còn bở ngỡ và còn ảnh hưởng hơi hám của học đường nên tôi đem quyển sách ca rô có in hình bông hoa cho từng trang giấy để viết nhật ký để làm thơ khi có dịp về phép thăm nhà khoe với bạn bè em út cho vui nhà vui cửa.
Thấy xe bên Cát Lái đã ngớt tôi liền xoay cái bảng cho phép xe từ phía xa lộ qua cầu, không ngờ bất chợt một chiếc Jeep lùn có bốn quân nhân Hoa kỳ ngồi trên xe cố tình nhấn ga vượt qua cầu gây nguy hiểm cho chiếc xe lôi đạp đang lên cầu, quá bất ngờ không kịp phản ứng nên tôi quyết định bắn chỉ thiên một phát khiến tài xế chiếc jeep thắng xe thật gấp, tôi nhoài người ra khỏi cái chuồng cu lấy tay chỉ vào cái bảng cấm lưu thông, khi ấy mấy anh Lính Hoa kỳ mới nhận ra lỗi của mình các anh cho xe de sát vào lề nhường chi chiếc xe lôi tiếp tục qua cầu, Khi cầu thông thoáng tôi xoay bảng lại và phất tay ra hiệu cho các anh lính Hoa Kỳ đi tiếp, chiếc xe jeep rú ga chạy nhanh đến chổ vọng gác tôi đang ngồi, tôi vẫy tay chào với thiện ý mong các chàng ta thông cảm sự việc vừa rồi, như hiểu ý các chàng cười rồi bổng dưng tôi thấy anh lính ngồi sau xe quăng một gói gì đó rớt ngay dưới chân tôi, điếng hồn sợ rằng phát súng cảnh cáo của tôi khi nãy đã làm các anh lính để tâm thù ghét nên họ liệng mìn hoặc chất nổ gì đó nhằm cho tôi đi thăm ông bà với cái tội dám giỡn mặt với đồng minh. Tôi nhòa người ra khỏi vọng gác và nhanh như sóc tôi lăn vài vòng núp vào mấy hàng bao cát bên dưới, không nghe tiếng nổ mà nghe tiếng cười đùa và tiếng xí xô xí xào gì đó của các anh lính nọ mà tôi chẳng hiểu họ nói cái gì.
Tiếng xe Jeep chạy xa dần rồi mất hút, lúc này tôi mới hoàn hồn biết mình không bị ám sát như mình nghĩ, tôi lên vọng gác nhìn vào chổ gói đồ khi nãy, nó được bao bọc bởi lớp nylon đen dầy và thu hết can đảm mở ra xem, thật bất ngờ nào là Chocolate, bánh ngọt, sữa tươi, thuốc lá và đồ hộp hiện ra trước mắt tôi, thì ra các anh chàng này chuộc lỗi theo kiểu Mỹ đây, tôi vui mừng thu chiến lợi phẩm từ trên trời rơi xuống và ấn tượng tốt đẹp về cách xin lỗi hào phóng của các anh chàng nọ.
Đến lúc chúng tôi phải di chuyển xuống gần Cát lái và nhường cây cầu lại cho đơn vị khác, khi ở cầu thì có đồn bót trú mưa nắng đỡ vất vả, bàn giao cho đơn vị bạn xong chúng tôi như những người (Di-gan) lang thang không nơi cố đinh.
Đêm nọ chúng tôi vào đóng quân ngoài hàng ba của các căn nhà, nơi đây vùng thôn quê chuyên trồng những cây ăn trái cao rậm rạp, do nước sông Sài gòn gặp triều cường dâng cao có hôm nước ngập di chuyển tới lui phải lội bì bỏm trong làn nước mấp mé dưới chân, không khí ẩm thấp khiến chúng tôi rất khó chịu nhưng đã vào lính phải chấp nhận những nhọc nhằn gian lao, đang cột cái võng vào hai cây cột trước nhà dân, bất chợt có tiếng gầm gừ của chú chó bên trong nhà, dường như nó phát giác ra chúng tôi nó bắt đầu tru lên và sủa vang trời, đám chó của các nhà gần đấy bắt đầu hùa theo sủa nghe đinh tai nhức óc, quá bất ngờ chưa kịp phản ứng thì đèn trong nhà được bật sáng, ông chủ nhà một bác lớn tuổi dáng vạm vỡ cầm cái cây gậy tầm vong mở cửa ra nhìn, thấy đám lính chúng tôi ông đã hiểu vì sao đám chó làm dữ, với giọng thật hiền ông nói:
- Mấy chú làm tui điếng hồn, tui cứ tưởng trộm đạo gì đó ai dè mấy chú, vô nhà vô nhà tui pha trà cho uống, có bộ ván kia và mấy cây cột trong nhà mấy chú giăng võng ngủ tránh sương tránh gió.
Nói xong ông mau mắn ra phía sau nhà nhóm lửa nấu nước pha trà, vợ chồng bác Hai chủ nhà thật tử tế, không ngại đã cho chúng tôi vào nhà tá túc qua đêm, đã vậy ông còn kêu bà Hai nấu một nồi chè đậu xanh với hột vịt thật to đãi chúng tôi ăn thật ngon, đang húp từng muỗng chè ngon ngọt thì bên ngoài có cô gái tướng cao mặc trên người bộ đồ bà ba thật dễ thương bước vào, cô gái có gương mặt dễ nhìn và thật hiền nhất là đôi mắt thật đẹp khiến mới chạm mắt cô ta lần đầu cũng đủ làm tôi bối rối vô cùng
Cũng may khi chúng tôi đóng quân ở nhà Bác Hai thì tình hình rất yên tĩnh nên chúng tôi không phải thường xuyên đi hành quân đêm, nhờ vậy tôi mới có dịp mon men làm quen với cô gái đêm nọ, Thật là cái tên cúng cơm của em, tôi có cái cảm nhận em sống có tính cách giống y như tên cha mẹ đặt cho mình, hàng ngày em lo công việc đồng án ruộng vườn, thấy Thật dễ gần gũi nên đôi lần lúc rảnh rang tôi cũng theo em ra vườn làm phụ công việc cho vui và cũng là cách cho bớt đi nỗi nhớ gia đình, trong lúc làm lụng tôi hỏi em:
- Anh hỏi thiệt có anh nào trồng cây si chưa vậy?
Với nụ cười tươi và đôi mắt đẹp mê hồn dường như cũng đang cười, Thật nói:
- Dạ có chứ anh, ở miệt vườn này mười tám hai mươi là lập gia đình rồi, ảnh làm trên Sài gòn, năm nay chắc tụi em làm đám cưới, lúc đó em gửi thiệp mời anh đí nghe.
Tôi cười và ghẹo em:
- Tụi anh rày đây mai đó, biểt đâu mà mời, dù sao anh cũng cảm ơn em có lòng với anh.
Thật nói tiếp:
- Anh đi tới đâu tụi em cũng tìm ra hết. Cái đất Gia định này chú có đâu xa mà tìm không ra.
Sau cái ngày biết được em là hoa có chủ tự dưng nó làm tôi buồn buồn, thú thật tôi có cảm tình với em từ cái nhìn đầu tiên, lúc này tôi chợt nhớ lại câu thơ của thi sỹ nào đó:
" Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên ".
Đơn vị chúng tôi luân phiên thay đổi chổ đóng quân đôi ba lần, lần nọ chúng tôi quay lại nhà vợ chồng bác Hai, khi đoàn quân chúng tôi mới lấp ló ngoài ngỏ thì Bác Hai chạy ra níu chúng tôi vào nhà với thái độ như đón người thân từ xa trở về, nghĩa cử của bác Hai khiến anh em chúng tôi vô cùng cảm động.
Sáng nọ chúng tôi tham gia hành quân trực thăng vận vô vùng bưng ông Thoàng, Thật biết tin vội gặp tôi rồi giúi vào ba lô tôi hai trái ổi sá lị chín thơm lừng:
- Hổng có cái gì hết Thôi anh đem hai trái ổi ăn lấy thảo.
Thật bất ngờ với món quà nhỏ bé nhưng chứa chan tình cảm, đến giờ thú thật tôi không thể hiểu được tình cảm nàng dành cho tôi là gì, Tình nhân thì không phải rồi vì em đã có ý trung nhân, còn tôi một người lính quèn không hơn không kém, tôi lờ mờ đóan già đoán non có lẽ tình anh em hay rộng hơn là tình người tình quân dân cá nước...
Gió xuân man mác thổi về, trên cành cây kẻ lá nhú những chồi xanh, các loài hoa dại cũng mọc ven đường hành quân của chúng tôi, nhìn đôi bướm đang bay là sà trên đầu ngọn cỏ tôi liên tưởng đến ngày hợp cẩn giao bôi của Thật, nàng sẽ cùng chồng dìu nhau qua bến bờ xa lạ và sẽ mãi mãi bên nhau như đôi bướm xinh kia, mãi mê liên tưởng khiến tôi muốn ghen với cái hạnh phúc của nàng thì tiếng trực thăng bốc chúng tôi trở về sau ba ngày hành quân vất vả.
Về đến đầu ngỏ nhà Thật, không thấy bác Hai chạy ra đón mừng hỏi han như mọi khi, không khí hôm ấy thật lạ, tự dưng tôi có linh cảm có chuyện không hay xãy ra.
Tôi quăng cái ba lô vội xuống đất, với bộ quân phục đẫm ướt mồ hôi, tôi điếng hồn hốt hoảng đến tột độ nhìn cổ quan tài nằm giữa nhà. Di ảnh của em tôi đây sao, cứ ngỡ mình đang lạc vào cơn chiêm bao mộng mị tôi tự véo vào tay mình, cái đau nhói đã nói lên đây là sự thật, tôi đến gần bên bác Hai tự dưng khóe mắt tôi lệ ướt tuôn trào, tôi khẻ hỏi bác Hai nguồn cơn nào khiến em ra đi khi tuổi xuân đang hồi phơi phới, bác Hai cố nén đau thương bác móc trong túi lá thư gấp nếp trao cho tôi.
Tía má thương mến. Con bất hiếu chọn con đường này xin tía má thứ lỗi. Vị hôn phu của con không phải là người tốt như gia đình mình tưởng. Anh ta rắp tâm phản bội con từ lâu và chính con đã bắt quả tang. Thuong tía má con muốn cắn răng bỏ qua để cố hàn gắn vết thương lòng, con đã tha thứ cho anh ta nhưng ngựa quen đường cũ Những tưởng chúng con sẽ là một đôi không gì ngăn cách được nên con đã trao thân cho anh. Vậy mà... Sau khi con ra đi xin tía má cho con nằm yên dưới rặng trăm bầu sau vườn để con còn được gần bên Tía má. Vĩnh biệt.
Tôi thắp ba nén nhang khấn vái. Mong em quên bao nỗi muộn phiền trong cuộc sống, tình em tôi vẫn mãi ghi tâm.Cô gái thấy tôi nhìn chằm chằm sau khi tôi cho cô biết giờ cô đã hỏi tôi, cô bèn cất tiếng hỏi:
- Anh gì đó ơi, có việc gì nà anh nhìn làm em sợ quá.
Tôi hoàn hồn trả lời cô gái:
- À à anh thấy em rất giống một người anh quen ngày xưa, cô ấy tên Thật.
Đến phiên cô gái ngạc nhiên rồi đáp:
- Em cũng tên Thật nè.
Mới năm giờ chiều trời hãy còn sáng mà nghe cô gái trả lời khiến tôi rụng rời tay chân và thầm nghĩ:
" Chẳng lẽ có tái sanh thật hay sao "
Qua suy nghĩ này nó khiến tôi nỗi da gà, tôi vội nói cho qua chuyện:
- Ơ không. Xin lỗi em anh nhìn lầm, thôi không có gì anh chào em nhé.
Cô gái nhoẽn miệng cười hệt như nụ cười của Thật đã cười với tôi hơn bốn mươi năm qua.
Tôi quay trở lại vùng đóng quân ngày xưa, giờ đà thay đổi không còn nhận ra đâu là đâu nữa, có chút tuổi rồi tôi muốn mon men tìm lại kỷ niệm ngọt ngào của ngày nào, nhưng than ôi cái thực tại cao ốc đường sá mới tinh đã xóa nhòa hết tất cả, tôi đã mất tất cả những hình ảnh thân quen của thuở nào, cái xe Jeep của Lính Hoa kỳ. Nồi chè đậu xanh hột vịt, cô Thật nữa đã mãi mãi mất vì nơi đây đã thay da đỗi thịt tự bao giờ, à cũng may vùng ký ức tôi không bị xóa nhòe nên tôi kể lại câu chuyện này cho các bạn nghe dù đã hơn bốn mươi năm qua. Chuyện tái sanh có hay không thì tôi không dám lạm bàn nhưng mỗi lần nhớ đến cô gái nọ thì tôi thấy lành lạnh ở sống lưng
Viết xong đêm 19.1.2016