Dịch giả: Mạc Đỗ
17 -18

     ommy Barban thuộc giòng giống những người cầm đầu. Tommy là một nhà anh hùng. Tình cờ Dick gặp y, công trường Marien ở Munich ở một trong những quán cà-phê tại đó những tay chơi hạng xoàng gieo những quân xúc xắc trên vuông nỉ. Không khí đầy mùi chính trị và tiếng những lá bài lật xuống bàn.
Tommy đang ngồi tại một bàn, khua vang tiếng cười hùng dũng: “Um-buh... Ha ha! Um-buh... Ha ha!” Thường thường y uống rất ít. Nghề riêng của y là lòng quả cảm; những bạn đồng hành không ai là không ngại y. Gần đây khoảng một phần tám của đỉnh sọ y mới bị một nhà giải phẫu ở Varsovie lấy đi mất, dưới mái tóc tổ chức cơ thể đang lành lại. Người yếu đuối nhất trong đám khách quen tại quán cũng có thể, trong lúc này, dùng chiếc khăn tay cuốn lại đánh chết được y.
- Kìa thái tử Chillichef...
Đó là một người Nga chừng năm mươi tuổi, tóc hoa râm, bề ngoài có vẻ tồi tệ.
- Kìa ông McKibben và ông Hannan.
Người sau cùng là người nhỏ thó lanh lẹ, mắt rất tinh, tóc đen, một người hay diễu, y tiến tới hỏi Dick liền:
- Câu hỏi thứ nhất, trước khi bắt tay nhau. Ông nghĩ sao mà cứ theo đuổi cô tôi, đi đâu cũng theo như vậy?
- Ai... tôi?
- Ông đã nghe tôi rất rõ. Ông tới Munich để làm gì?
Tommy hí lên:
- Um.. bah... ha ha!
- Tại sao ông không có những bà cô của riêng mình để theo đuổi? Tại sao ông không lo riêng mấy bà đó?
Dick cười. Thấy thế người kia đổi giọng:
- Bây giờ chúng ta không nói đến những bà cô nữa. Làm sau tôi biết được những chuyện đó không do ông bày đặt ra? Ông ở đây, một người ngoại quốc mới quen biết chưa đầy nửa giờ, vậy mà ông kể chuyện thế giới bên kia với những bà cô của ông! Làm sao tôi biết được những gì ông giấu diếm về chính con người ông?
Tommy lại cười, rồi vui vẻ nhưng cương quyết nói:
- Thôi đi, đủ rồi Carly. Ngồi xuống đây, Dick. Anh có mạnh không? Nicole có mạnh không?
Tommy không mấy ưa những người kia và rất khó chịu về sự có mặt của họ. Trông Tommy thoải mái như trước cuộc đấu mà nhà lực sĩ sung sức chỉ cần tranh đua vừa phải và thật sự vừa tranh đua vừa nghỉ, trong khi một người sút kém hơn tuy làm bộ nghỉ ngơi nhưng thật ra ở trong tình trạng thần kinh căng thẳng luôn luôn và tai hại.
Chưa hoàn toàn chán ngán, Hannan tới ngồi bên cây dương cầm có vẻ bị lăng nhục mỗi khi ngó Dick, đập mấy hòa âm, thỉnh thoảng lại lẩm bẩm “bà cô của anh”, rồi giữa một nhịp ồn ã:
- Tôi không nói bà cô, tôi nói cái cô kia...
Tommy nhắc lại:
- Anh nói chuyện tin tức cho tôi nghe. Trông anh không... không có vẻ phét lác và chỉnh tề như mọi khi... Anh có hiểu tôi muốn nói gì không?
Nhận xét đó quá giống một trong những nhận xét đáng bực mình về sự sút kém năng lực, và Dick chuẩn bị trả đũa bằng cách phê bình những bộ áo lạ đời mà Tommy thường bận và về thái tử Chillichef, bỗng một lời giải thích tình cờ được đưa tới cho Dick. Thái tử nói:
- Tôi trông thấy ông đang ngó quần áo của tôi. Chúng tôi mới ra khỏi nước Nga đó, ông ạ.
Barban nói:
- Bộ này may ở Ba Lan, do nhà thợ may của hoàng cung. Thật đó! Nhà thợ may của Pilsudski.
Dick hỏi:
- Anh đã du lịch tới đó ư?
Cả bọn cùng cười, ông thái tử còn cười hơn ai hết, trong khi Tommy lấy tay đập vào lưng ông ta.
- Đúng, chúng tôi đã du lịch. Chính thế “Du lịch”. Chúng tôi đã đi một vòng hết thảy các nước Nga... thật long trọng!
Dick đợi một sự giải thích. Giải thích lại do ông McKibben cung cấp ba mấy chữ:
- Họ vượt ngục.
- Các ông bị giam ở Nga sao?
Thái tử Chillichef chằm chằm ngó Dick bằng đôi mắt vàng lờ đờ và giải thích:
- Riêng tôi thì có, không phải bị giam, tôi trốn.
- Nhiều. Chúng tôi đã để lại ba xác lính Nga cộng sản ở biên giới. Tommy giết chết hai (ông ta giơ hai ngón tay lên như kiểu người Pháp), tôi một.
McKibben xía vô:
- Đó là điều mà tôi hiểu không nổi. Tại sao họ ngăn không cho các ông đi?
Hanan vẫn ngồi trên ghế trước cây dương cầm bèn quay mình lại nheo mắt nói:
- Mac cho rằng người mácxít là người đã theo học trường Thánh Marx.
Đó đúng là chuyện vượt thoát không ra ngoài truyền thống tốt đẹp, một nhà quý tộc lẩn trốn trong vòng chín năm tại nhà hầu cũ và làm việc trong một lò bánh mì của Nhà Nước. Cô con gái mười tám tuổi ở Paris có quen với Tommy Barban.
Trong khi nghe kể chuyện, Dick quyết định rằng ông hoàng già nua sót lại ở một thời đã qua thật tình không đáng với sự sống của ba người trai trẻ.
Vấn đề sau đó là khỏi xem Tommy và Chillichef có sợ hãi lắm không.
- Tôi bị cảm lạnh thì có. Những khi tôi bị lạnh tôi sợ. Trong thời chiến cũng vậy.
Mc Kibben đứng lên.
- Tôi phải cáo biệt với các ông. Ngày mai tôi đáp xe đi Innsbruck với vợ con và bà vú.
Dick nói:
- Mai tôi cũng tới đó.
- Ồ, có thật không? Tại sao ông không cùng đi với chúng tôi? Chiếc xe Packard lớn lắm mà chỉ có vợ tôi, các con tôi, tôi và bà vú.
- Cám ơn, thật tình tôi không thể.
McKibben cảm động ngó Dick, nói thêm:
- Ồ, lẽ dĩ nhiên không phải một bà vú thật sự. Với lại vợ tôi có quen bà chị vợ của ông, Baby Warren...
Nhưng Dick cương quyết không để cho lôi kéo.
- Tôi đã hứa cùng đi với hai bạn đồng nghiệp...
McKibben thất vọng nói:
- Ồ!... Thôi chào các ông.
Dick tưởng tượng chiếc Packard đầy những người lao về phía Innsbruck với gia đình McKibben với con gái, va-li, đàn chó cắn ý oẳng, và bà vú...
Tommy nói:
- Tờ báo này bảo rằng người ta đã biết ai giết người. Nhưng bọn anh em chú bác của hắn không muốn chuyện được đưa lên mặt báo vì đã xảy ra trong một quán rượu mở lậu. Ông nghĩ sao về vụ đó?
- Đó là điều mà người ta gọi là kiêu hãnh gia tộc.
Hanan lại đập một bài âm thật vang động để mọi người chú ý đến hắn. Hanan nói:
- Tôi không tin rằng hắn biện hộ như vậy mà được. Ngay cả khi người ta gạt bỏ những người Âu châu sang một bên, cũng còn có cả lô người Mỹ sẵn sàng làm chuyện North đã làm.
Dick hiểu mọi người đang nói chuyện về Abe North. Tommy nói:
- Điều khác biệt duy nhất là Abe đã làm việc đó trước nhất.
Hanan vẫn khăng khăng:
- Tôi không đồng ý. Y được tiếng là một nhạc sĩ có tài bởi vì y uống nhiều quá đến nỗi các bạn của y đôi khi bắt buộc phải tự biện giải về trường hợp của y.
- Chuyện gì về Abe vậy? Có chuyện gì xảy ra cho y? Y có bị tóm cổ không?
- Thế ông không đọc số Herald sáng nay sao?
- Không.
- Y đã chết. Y bị đâm rất tàn nhẫn trong một quán rượu hạng bét ở New York. Y chỉ còn đủ sức khỏe lê tới Racquet Club để chết tại đó.
- Sao? Abe North?
- Phải rồi, đúng y.
Dick đứng sừng sững đó, nhắc lại:
- Abe North... Các ông có chắc y đã chết không?
Hanan quay lại với McKibben:
- Y đã lê tới không phải Racquet Club mà là Harvard Club. Tôi tin chắc y không phải hỏi viên của Racquet.
McKibben nhấn mạnh thêm:
- Trong báo nói như vậy mà.
- Nhất định là sai.
- Hả... bị đánh chết trong một thứ speakeasy?
Hanan nói tiếp:
- Tôi quen hầu hết những hội viên trong Racquet Club. Đáng lý ra ở hội quán Harvard.
Dick đứng lên. Tommy cũng bắt chước theo. Thái tử Chillichef ra khỏi giấc mơ vớ vẩn, ý hẳn về những cơ may của y thoát khỏi được đất Nga, ý nghĩ mà từ bao lâu y vẫn nghiền ngẫm và không thể đột nhiên bỏ đi được. Mọi người chia tay.
“Abe North bị đánh chết...”
Trên đường về khách sạn, Dick cứ lẩm bẩm nói như vậy, không chú ý tới việc đi trên đường của mình nữa.
Tommy nói:
- Chúng tôi đợi thợ may lo xong quần áo mới dám ló mặt tới Paris. Tôi muốn đi vô một nhà đổi tiền, nhưng người ta sẽ không tiếp tôi nếu tôi ăn bận như vậy. Tại nước anh ai cũng trở nên triệu phú hết. Có thật ngày mai anh đi không? Chúng tôi không thể cùng ăn với anh một bữa tối. Dường như ông hoàng có một bà bạn cũ tại Munich. Ông ta tính điện thoại cho bà ta, nhưng bà ta đã chết được năm năm nay... chúng tôi đành cùng ăn với hai cô con gái bà ta.
Ông hoàng gật đầu xác nhận.
- Có lẽ tôi có thể thu xếp để bác sĩ Diver...
Dick vội hăng hái nói:
- Không, không.
Dick ngủ rất nặng nề chợt tỉnh dậy khi nghe thấy một điệu hành khúc thê thảm đi ngang dưới cửa sổ. Có một đoàn người bận đồng phục và mang chiếc nón sắt nổi tiếng thời 1914, rồi tới những người mập ú bận áo đuôi tôm và mũ cao, những nhà trưởng giả, những nhà quyền quý, những người tầm thường. Đó là một hội cựu binh sĩ kéo tới đặt tràng hoa trên mộ các bạn cũ. Đoàn người tiến chậm chậm, hơi có vẻ long trọng quá, để khỏi quên thời huy hoàng xa xưa, những cố gắng đã qua, nỗi buồn mới khuây được một nửa. Những gương mặt chỉ buồn ở bên ngoài. Nhưng Dick cảm thấy tim sẽ thắt vì thương tiếc khi nghĩ tới cái chết của Abe North và thời tuổi trẻ của mình cách đây mười năm.

18

Dick tới Innsbruck vào lúc hoàng hôn, gửi va-li khách sạn còn mình đi bộ vào thành phố. Trong ánh chiều sắp tắt, hoàng đế Maximilien bằng đồng đang quỳ cầu nguyện bên trên những chuyên viên khác cũng bằng đồng. Bốn cậu mới tu Giòng Tên đi bách bộ đọc sách trong sân Viện Đại học. Kỷ niệm những trận công hãm, những vụ hôn nhân, những năm lễ, tạc thành tượng đá, bị chìm xóa rất mau trong đêm xuống. Dick ăn một đĩa Erbsen Suppe mit Würstchen, một thứ súp có đậu hột với những lát xúc xích thả bên trên, uống bốn helles rượu bia ở Pilsen và từ chối một đĩa lớn món ăn tráng miệng mang tên Kaiser Schmarren, trứng tráng của nhà vua.
Mặc dù có núi, Dick có cảm tưởng xa Thụy Sĩ, xa Nicole. Bước đi trong vườn tối, một lát sau. Dick nghĩ tới Nicole một cách bình thản, để dành mối tình của mình cho những gì tốt đẹp nơi vợ, Dick nhớ lại ngày trên cỏ ướt, Nicole chạy lại đón, làm đẫm ướt sương sớm đôi giầy mỏng mảnh mang dưới chân. Cô gái kiễng chân lên để nép vào ngực y, ngước mặt lên như cuốn sách đã mở sắn.
- Anh cứ nghĩ coi đã yêu em như thế nào. Em không đòi hỏi anh cứ mãi mãi yêu em như vậy, nhưng anh đừng bắt đầu quên kỷ niệm đó. Trong em, trong thâm tâm em, mãi mãi vẫn còn con người của em hôm nay...
Nhưng Dick đã rời xa, để cho tâm hồn của y được yên, và Dick bắt đầu suy nghĩ về điểm đó. Dick đã mất sự làm chủ được chính mình, nhưng không sao nói được từ bao giờ, lúc mấy giờ, ngày nào, tuần nào, tháng hay năm nào. Trước kia bất kỳ trở ngại nào Dick cũng vượt qua, giải quyết những vấn đề của bịnh nhân. Giữa lúc Dick gặp một Nicole như bông hoa mới nở trên bờ hồ Zurich và lúc Dick gặp Rosemary, mũi dáo của Dick đã cùn.
Dữ kiện chứng kiến những tranh đấu và những khó khăn của cha tại những xứ đạo nghèo đã đưa vào trong bản chất không đam mê từ căn bản một lòng ham muốn mới về tiền bạc. Không phải sự ham muốn bình thường tìm yên ổn. Không bao giờ hơn thời kỳ cưới Nicole, Dick cảm thấy tin tưởng nơi mình. Vậy mà Dick đã chấp nhận gửi trong tủ sắt chôn dưới đất của gia đình Waren mọi vũ khí mà y có.
Dick tự nhủ: “Đáng lý ra người ta phải làm như ở lục địa, lập một phần hồi môn cho Nicole. Nhưng đâu đã hết. Ta bỏ phí mất tám năm dạy cho những người giàu học vỡ lòng về nhân cách con người. Nhưng ta đâu đã hết, ta còn quá nhiều cây bài tẩy trên tay, ta đâu đã đánh xuống”.
Dick thơ thẩn bên những khóm tường vi và những lùm thạch thảo ướt. Đối với một buổi tối tháng mười, trời rất nóng, nhưng Dick vẫn thấy cần khoác chiếc áo ngự hàn khá dầy bằng hàng tweed cài khuy đến tận cổ.
Một bóng người từ gốc cây đi ra, Dick đoán chừng đó là người đàn bà y ngó thấy nơi tiền đình khi bước ra ngoài. Dick bây giờ trở nên mê hết thảy những cô gái đẹp được gặp, mê những đường nét, ở xa, mê cái bóng của họ in trên tường.
Người đó quay lưng lại phía Dick đứng ngó những ánh đèn phố. Dick quẹt một que diêm. Cô gái phải nghe thấy nhưng vẫn đứng yên. Đó là một mời chào hay chứng tỏ một sự đãng trí? Đã lâu lắm Dick ra khỏi thế giới trong đó những ham muốn đều bình dị cũng như sự thỏa mãn những ham muốn đó, cho nên Dick cảm thấy vụng về và do dự. Trong sự khờ khạo của mình, Dick cho rằng phải có một thứ bí kíp giữa những người quen qua lại các trung tâm nghỉ mát có suối nước nóng giúp cho họ dễ nhận ra nhau.
Không chừng lúc này chính Dick phải làm một cử chỉ gì. Bọn trẻ con xa lạ mỉm cười với nhau và rủ: “Chúng ta cùng đi chơi đi”. Dick tiến lại gần. Bóng đen dường như lảng tránh sang bên. Có lẽ cần gửi trả về chỗ cũ. Tim của Dick đập mạnh trước sự mới lạ. Bỗng Dick quay lại, rời xa, đồng thời cô gái cũng tách khỏi đám lá cây u tối, xăm xăm đi vòng qua chiếc ghế dài và đi vào con đường mòn đưa tới trước của khách sạn.
Sáng hôm sau, Dick cùng một người hướng đạo và hai du khách khác đi leo núi Birkkarspitze. Khi tới bên trên những vùng chăn nuôi cao nhất, Dick cảm thấy thoải mái sung sướng lạ. Dick thưởng thức ngay từ trước, đêm sẽ qua, căn lều, sự mệt mỏi, uy tín của người hướng đạo và tính cách vô danh của mình. Nhưng, tới trưa thời tiết bỗng đổi: mưa đá, mưa đá nhỏ, sấm chớp. Dick và một du khách muốn cứ leo tiếp, nhưng người hướng đạo từ chối. Họ thầm tiếc cùng trở xuống Innsbruck, với ý định ngày mai sẽ tiếp tục.
Qua bữa tôi với nguyên một chai rượu nho địa phương khá nặng, Dick cảm thấy bị kích thích chẳng hiểu vì đâu, cho tới khi đi xuống vườn. Trước bữa tối, Dick có gặp lại cô gái ở nơi tiền đình và lần này cô gái ngó Dick không có giác cảm hết. Nhưng Dick tiếp tục thấy thắc mắc. Tại sao vậy? “Trong khi ta có thể có một phần ngon lành những người đẹp trong thời của ta. Tại sao mãi đến bao giờ mới bắt đầu? Với một ảo tưởng, một ham muốn đã suy giảm. Tại sao?” Tưởng tượng của Dick tiến xa; tinh thần đạm bạc xưa cũ và sự không quen đã vượt thắng. “Trời ạ, ta rất có thể trở lại vùng Riviera và ngủ với Janice Caricarnento hay con bé Wilburhazy. Nhưng xô ngã hết bấy nhiêu năm trời bằng một cái gì dễ dàng và rẻ tiền ư?”
Tuy nhiên vẫn còn bị xúc động, Dick rời ngoài hiên trở lên phòng mình để suy ngẫm. Một mình, cả thể xác lẫn tinh thần gây nên cảm giác vắng vẻ và cảm giác này lại gây nên nỗi cô đơn.
Trong phòng, Dick đi qua đi lại, suy nghĩ, rồi đem những quần áo leo núi ra phơi trên lò sươi. Dick tìm thấy bức điện tín của Nicole, còn dán kín, đó là cách để hàng ngày Nicole theo dõi hành trình của Dick, chàng đã bỏ qua không mở trước khi ăn tối, có lẽ vì vụ ngoài vườn. Nhưng đó là một bức điện từ Buffalo, được gửi theo từ Zurich:
“Cha anh đã bình yên lìa trần tối hôm nay. Holmes”.
Dick cảm thày đau nhói nơi tim; cố gắng thu thập mọi năng lực bên trong con người. Dick đọc lại bức điện, ngồi trên giường, hồi hộp đôi chút, tia mắt đăm đăm. Trước hết Dick nghĩ tới đứa con ích kỷ khi hay tin cha chết vội tự hỏi không biết cái chết đó sẽ ảnh hưởng tới mình như thế nào.
Nhưng ý nghĩ đó không kéo dài, Dick tiếp tục đi qua đi lại, thỉnh thoảng lại ngó tới bức điện. Holmes chính thức là trợ tế của cha Dick, nhưng trên thực tế từ mười năm nay ông ta đã trông nom toàn thể công việc trong xứ đạo. Ông cụ đã chết như thế nào? Vì già lão? Ông cụ bảy mươi lăm tuổi. Đời sống đã dài lắm. Nhưng Dick khổ vì cha chết có một mình. Ông cụ đã sống lâu hơn bà cụ và hết thảy những anh chị em khác của Dick. Dick có những anh em chú bác ở Virginia, nhưng họ đều nghèo và không thể có tiền đi một chuyến lên miền bắc. Vì thế cho nên Holmes phải ký tên trong bức điện.
Dick yêu thương cha. Thường thường, để định đoạt trong lúc suy xét, Dick hay tự hỏi cha mình sẽ nghĩ và hành động ra sao. Dick ra đời mấy tháng sau khi hai người chị gái chết, và ông cha đã cố gắng hết sức để Dick khỏi trở thành một đứa con được quá ư nuông chiều bằng cách đích thân đứng ra hướng dẫn Dick về phương diện tinh thần.
Mùa hè hai cha con cùng đi bộ ra tỉnh để mướn đánh bóng giầy. Dick trong bộ y phục thủy quân màu trắng mới ủi và ông cha bao giờ cũng một bộ y phục nhà tu may cắt rất khéo, cùng đi với nhau, người cha rất kiêu hãnh vì cậu con trai. Ông cha lại kể cho Dick nghe hết thảy những gì mà ông biết về cuộc đời. Có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu, nhưng đó là những chuyện đơn giản và thật những nguyên tắc xử đối đúng ở trong cương vị một mục sư.
Một lần, tại thành phố xa, ít lâu sau khi cha được thụ phong, cha bước vô một căn phòng đầy người và chẳng biết ai là bà chủ nhà. Nhiều người cha quen biết chạy tới đón, nhưng cha làm bộ không trông thấy họ, vì cha đã trông thấy một bà cụ tóc hoa râm ngồi một mình bên cửa sổ ở mãi đầu đằng kia căn phòng. Cha đi tới trước mặt bà cụ và tự giới thiệu. Sau dịp đó cha đã có rất nhiều bạn tại thành phố đó.
Ông cụ đã xử sự như vậy do tâm tính tốt. Ông cụ trung thành với nền giáo dục của hai bà góa đã nuôi nấng ông và dạy cho biết không có gì tốt hơn “những linh tính tốt”, danh dự, lễ độ và can đảm.
Ông cha bao giờ cũng cho rằng vốn liếng nhỏ của bà mẹ phải dành con trai, cho nên trong thời kỳ cậu con ở trung học và lên đại học y khoa, cứ ba tháng, ông cha lại gửi cho con số tiền lời của cái vốn đó. Con người đó đúng là thứ người mà trong thời đồng tiền làm vua ai nấy đều bảo rằng đó là “hoàn toàn” một người quân tử, nhưng không có bao nhiêu tinh thần kinh doanh và không biết xoay xở.
Dick bảo đi mua một tờ báo. Dick lựa một chiến tàu để về Mỹ. Rồi cho gọi số điện thoại của Nicole ở Zurich, trong khi đợi liên lạc, Dick nhớ tới rất nhiều thứ và tự hỏi không hiểu mình có còn được tử tế như hằng mong muốn hay không.