ưa đầu truông xuống đầu nguồn
Mùa xuân tấm tức bên triền mây trôi
(Bùi Giáng)
 
Ðêm đã sâu hơn giờ thường…hình như cái đêm trước ngày lên đường thường sâu hoắm như thế…vì giấc ngủ không an… thấp thỏm màu đen lún xuống quầng thâm của mắt như chìm vào vũng lầy bùn non của cơn lụt vừa qua…Giấc ngủ chập chờn quẩn quanh, lãng đãng những ý tưởng gần xa không rõ nét…
Những lúc như thế tai thường lắng nghe và nhận rõ tất cả những tiếng động trong đêm. Ðêm mùa đông, trời không gió, con phố Bạch Ðằng bên hữu ngạn sông Hương như rỗng ở hai đầu, im vắng lân la trên đường, nghe như dừng lại chần chờ trước mỗi ngưỡng cửa những căn nhà ngủ say, rồi lẩn vào trong bóng cây hột mác bên bờ sông, thăm thẳm như bị hút vào khoảng không chới với trên sông …Cơn im lặng trải ra đột ngột vào lúc quá khuya, bởi vì tiếng động hàng xóm chung quanh nơi khu phố này lịch kịch từ sáng cho đến tối đã ngừng hẳn, nó cho biết đêm đã rất sâu…như đang rình giờ sáng, ngày mai đi…rời Huế…
Thì đi, không nên dây dưa như những lần trước, dứt khoát mà đi, đừng có nhớ nhung lôi thôi kiểu Huế, nhớ này nhớ nọ mất công, lòng dặn lòng như thế, nằm nghiêng cánh gối, như chuẩn bị một thế hờ hững với mọi ngổn ngang có thể có vài giờ sau…
Rồi bỗng…- có hẹn không mà lại đúng hẹn đến thế không ngờ? - lách tách trên mái ngói những tiếng dài ngắn không đều, nhặt khoan mà vội vả như muốn đến trước cơn gió thốc chạy theo, âm vang nhỏ nhẻ trong giây lát mơ hồ như tiếng phân trần không muốn làm rộn giấc ngủ của con người, rồi thoáng sau không chút kiêng dè, mưa ào ạt sạt sào trên mái ngói:
Mưa! Mưa Huế thường đến như thế giữa giấc ngủ nửa đêm, nửa ồn ào đánh thức nửa vỗ về cơn mộng triệu đang say. Ai ngủ mê thì chỉ cần trở mình, nghe thú vị êm ấm trong chăn đến cùng với tiếng mau sầm sập, còn ai đang thao thức thì đành ôm mưa vào lòng ngao ngán chờ ngày sáng ra.
Mưa! mưa về giữa khuya là đề tài muôn thuở của Huế…mà quả tình mưa đêm của Huế da diết lạ thường. Tiếng mưa trên mái ngói nhà Huế âm vang cũng khác mưa Sài gòn, mưa Hà nội, mưa Muenchen. Dù mưa chợt về mà như đã hẹn từ lâu, dù mưa vừa rơi trên mái mà nghe như đã cổ độ nghìn xưa, dù mưa đến bằng tiếng chân xa lạ, mà nghe quen thân như trăm năm bến cũ, dù mưa bay qua biển rộng bao la mà nghe gần gủi lá chuối lá cau bên hiên cũ một thời… Và cứ thế mà mưa…mà mưa…mà mưa… như mưa Huế, cho đến một lúc nào không hay, trong chiếc võng phù du chơi vơi đầu này cuối nọ ấy, hồn người bỗng dưng như bị „mắc mưa“…vùng vẫy trong lưới mưa, chìm lĩm trong tiếng mưa, khó thoát.
A cái cơn mưa Huế ấy, đố ai mà gỡ được cho ra…khi đã mắc vào, nhỏ nhẹ thiết tha mà tinh quái gớm! Cứ không hẹn mà đến thật đúng giờ…cái giờ ngắc ngoải sắp lên đường xa Huế đó… thế là mưa xuống đúng thì, cứ như một lời níu áo cầm chân…và vu vơ kể lể xa gần, thủ thỉ nào là nào là, năm nay xuân sắp đến rồi, lạnh cũng qua đi, răng không ở lại đón xuân quê hương một lần, tết Huế thân thương như áo xanh áo đỏ một thời…Nì, đã hơn mươi năm không ăn tết, không nhớ nồi bánh chưng bên bếp lửa hay răng, mà bỏ đi đành đi đoạn…Răng không ở lại thêm, chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết mà bỏ Huế mà đi …
Rõ thật lôi thôi cơn mưa Huế nằn nì bên gối của kẻ sắp lên đường! lần này thì phải dứt khoát, mưa thì mặc mưa, mai lên đường, mà con mắt ráo hoảnh, mà tim lạnh tanh, mà chân quả quyết, mà tay vẫy nhanh… hãy bỏ cái thói nghe mưa não nề, để đi là đi… Này cơn mưa, ta úp mặt vào gối nhé và ngủ đi cái tôi Huế thường hay nhão nhẹt trong mưa! với tấm lòng dửng dưng…ngoài kia có mưa chi nữa, thì mặc trời mưa…
Lên xe khởi hành với chút lạnh sửng trong lòng. Mưa cũng đã tạnh từ sáng sớm. Khí trời còn đục ngầu hơi nước, nhưng chân mây đã nhuốm được chút ánh hồng của mặt trời ngái ngủ trên Cồn hến xa xa. Mùa đông Huế chắt chiu một chút duyên trên những lá bàng vàng đỏ loáng thoáng trên đường đi. Phượng xanh mướt xơ rơ trên đường trước khi qua cầu Trường Tiền. Sông Hương lất phất trong sương mù.
Xe băng qua con đường thuở trước là cánh đồng lúa de „ngài ngự“ dẫn đến chợ An Cựu rồi qua sông An Cựu. Bánh xe  lạch cạch lăn trên đường trốc ổ gà. Ðường đi Phủ bài lần nào cũng hun hút, gần mà như xa, cây hai bên đường bất động, kiên nhẫn chờ cơn nắng dậy muộn để cựa mình.  Khi xe quành khỏi khúc quẹo giàng xay, mặt trời đã le lói chiếu xuyên qua màn hơi nước màu lam nhạt, tôi đã tưởng mình thoát nợ mưa, để rộng lòng xa Huế mà không buồn.
Nhưng sự lạnh lùng không lâu hơn cái khúc quẹo, nó  vỡ òa sau khúc quẹo Giàng xay, chưa xa nơi ánh phản chiếu của vũng nước mưa còn đọng lại trên đường, nơi đó có một mảnh trời thấp thoáng mây xanh vừa hé, bóng vài ngọn lá của đọt sầu đông còn hiếm hoi sót lại bên vệ đường lấp lánh trong nước. Xe chạy không nhanh còn đủ vài giây để thấy những hòn cuội lăn lóc xung quanh vũng nước, khoanh tròn nét một con mắt long lanh. Con mắt nhìn theo khi xe đã qua một đỗi đường, con mắt ấy tuồng như vướng ánh sáng của một chút bầu trời vẩn đục ở trong.
Quái thật! cả cái thành phố Huế, cả nhà cửa sông núi, cả khối người thân đã không đủ sức níu lại, cả một cơn mưa đêm như thác đổ lần đầu tiên mất hết ma lực kiềm tỏa người đi, chưa đủ làm núng lòng. Thế mà cái vũng nước có bầu trời thu nhỏ như đôi mắt nhìn theo ấy, bỗng như chạy dồn, đuổi theo sau lưng, ào ạt hơn một cơn sóng ập đến bất ngờ không phòng thủ, lôi tôi chìm lĩm trong vũng nước mưa tình cờ thấy bên vệ đường  mà chiếc xe thúc bánh vừa vượt qua.
Trong một giây thôi, bầu trời Huế bỗng trở về với tôi, òa vỡ. Không phải bầu trời mùa đông thiên la địa võng to tát hôm nay trong chuyến ra phi trường này, mà một bầu trời rất nhỏ, không lớn hơn vũng nước bên đường, một bầu trời „focus“ đăm đăm, trong võng mô của đôi mắt vừa nhắm lại của tôi.
Ðó là bầu trời nhỏ bé của Tết năm xưa, một cô bé con ở vùng quê Thiên Mụ ngồi mong ngày tết, nỗi mong ngóng duy nhất trong năm sau nỗi chờ mẹ đi chợ về. Chưa hết tết này đã chờ tết khác, càng gần ngày tết bao nhiêu, ngày tháng càng chậm chạp bấy nhiêu, và những ngày cuối tháng chạp sao thì giờ đi chậm đến chừng ấy, mấy tờ lịch giở hoài, mấy ngón tay đếm hoài mà Tết vẫn chưa về…Bộ áo mới mân mê trước đó một tuần nhưng chưa được mặc, áo thơm mùi vải MỚi lạ kỳ, hăng hăng nồng nàn thúc dục niềm ước mơ được giữ nó lâu hơn một giờ, sau bao lần tròng vào ướm thử, rồi miễn cưỡng bị mẹ hay chị trịnh trọng lấy đi, cất vào tủ chờ đến ngày mồng một Tết.
Hình như từ khi bộ áo tết được may xong, ngày mồng một Tết trở nên điểm chờ đợi thiêng liêng. Nó</I> đi từng bước dài bằng thế kỷ. Tất cả đều trở nên sự mong chờ kỳ lạ cái ngày đầu tiên của năm mới. Tưởng như nó </I>còn mới y nguyên, chưa được khui ra, còn niêm kín trong phong bì „lì xì“ màu đỏ mà bà nội và mẹ đã cẩn thận xếp nó trong tráp dành cho ngày đầu năm. Nó</I> như một giấc mơ gặp ông Bụt hứa cho“ ngày mồng một tết“ làm quà, nên nó là tia hi vọng không ngờ. Nó</I> bí mật chưa về như mặt trời bên kia sườn núi chưa lên vào buổi sáng mai. Nó</I> tranh sáng tranh tối như mấy nải chuối xanh „dzú“ trong thạp gạo chờ ngày chín tới đơm quả bồng. Nó</I> riu riu như đường cát đang sôi trong mấy chảo mứt me, mứt gừng, mứt bí đao trên lò bếp đất sắp hàng trong sân trong, để từ từ lớp „áo“ đường được choàng thêm„áo nắng“ mùa đông trong veo trước ngày khai xuân.  Nó</I> chưa chín như nồi xôi mụ Nậy đang hông dưới bếp vào ngày đưa ông táo về trời. Nó</I> chưa nhuyễn như bột nếp đang được mẹ nhào với măng để làm bánh măng đặc biệt của gia đình. Nó</I> còn sống nhăn như đám bánh lá bánh nậm của bác Hai gói lá dong đang chờ hấp trong nồi hấp. Nó</I> như nồi bánh chưng bánh tét nấu hoài chưa chín, đến nỗi mi mắt cô bé không còn dương lên được nữa trong ánh lửa chập chờn, nằm dụi trong lòng o Liểu, phải được o Liễu cõng vào giường.
Tất cả mong chờ, tất cả câu hỏi đều chỉ được đáp lại bằng tiếng „chưa…“</I> của mẹ; ngày mồng một tết vẫn còn là ngày „chưa…tới“, và nỗi mong đợi càng nao nao – một thứ nao lòng thoát ra chạy nhẹ trên da, rờn rờn như khi ghé mắt vào ống kính vạn hoa (kaleidoskop), viễn ảnh chập chờn những tín hiệu reo vui làm thót nhẹ con tim, thúc đẩy ghé nhìn thêm tí nữa. Cái ngày chưa đến ấy của năm mới làm tăng nỗi bồn chồn, háo hức trẻ thơ một cách vô thức. Náo nhiệt hơn ngày thường là những buổi anh em đuổi nhau chạy khắp vườn bà nội, từ „tập vồng vông tay nào không tay nào có“ đến trò chơi ú tim, phải sục sạo „nó“</I> khắp nơi, đoán cho ra những điều „chưa“ tới</I> ấy, trong nắm tay kia „chưa“ </I>mở ra, trong khóm lá trong vườn dấu kín gương mặt đang trốn thời gian đợi phút giây „chưa“ mặc khải</I>, chưa „chộ mệ“ tìm ra.
Ngay chính khu vườn vào thời điểm trước Tết cũng vang vọng tiếng „chưa…“</I> lửng lờ trong không gian những sáng bước ra vườn. Cây hải đường tháng ngày đón gió sông Hương từ bến nhà theo ngõ hút sâu đến tấm bình phong, thường chịu đựng giỏi những cơn gió đông bơ sờ, căng những ngọn lá mạnh viền gai màu xanh sậm trên thân cây trổ những đồi mồi nâu bạc như những vết sẹo thời gian, thân cây hải đường gầy và cổ kính so với những búp non tươi tắn đang nhú trên đầu cành. Cả toàn thân như một bó hoa được sắp xếp cành lá đều đặn cắm vào đất trước tấm bình phong bằng đá cẩn mảnh sành hoa văn chữ phước, như một biểu tượng hiếu khách kín đáo của gia đình. Nụ hải đường vào những ngày trước tết trong vườn nội vùng Linh Mụ còn mím đôi môi hồng tươi như chưa muốn nói điều gì, mà cũng chưa dám nói vì bốn cánh cứng màu nâu xanh bóng của đài hoa quấn chặt lấy nụ hồng, ngăn những cánh hoa chớ vội vàng bật hé những bí mật của ngày đầu năm sắp đến.
Cây hồng bên bể cạn trước nhà thờ thường rụng lá cuối mùa đông, cành khẳng khiu thế mà sây trái „lộc trời cho“, như bà nội mỗi buổi sáng đứng ở hiên thường tán thán với cử chỉ tri ơn trời đất, ôn mệ. Những quả hồng như dấu hiệu phúc ấm gia tộc còn treo lủng lẳng đợi đến ngày đơm quả phẩm cúng tổ tiên. Chúng gợi nhớ những cánh quạt „hồng ngâm“ mềm được cô Thị tỉa khéo bày cùng với mứt bánh trên khay cẩn mời khách trong những ngày đầu năm. Những khay quả mứt bánh Huế vào ngày tết của thời xưa ấy được trưng bày đẹp như những bài thơ mà hoa trái trong vườn trao tặng cho con người sống trong mảnh vườn ấy.
Hãy vít nhánh hoa đào bên chái đông để xem đào đã nở hay chưa. Khóm đào hoa thường trụi lá trước khi xuân đến. Từ xa những cành đào ửng màu nâu hồng mảnh khảnh vướng sương đan vào nhau như những đám mây hồng lam sà trên vồng đất mới xới còn ẩm hơi đất bồi nồng nàn. Những nụ đào núp trong đài lá màu xanh non, rúc vào nách cành gầy guộc thường cho cảm giác, giấc mơ hoa này triền miên, chỉ như một hứa hẹn không hơn.
Rồi khóm thanh trà, rồi khóm chè  vườn trước, rồi nhóm cây ổi bên hông nhà đông, cây cam quật bên tây, cây chùm kết, cây tràng bì, cây hồng quân, cây nhãn, cây bứa, cây thị tận tít vườn sau, cây vải cổ thụ hai ngưòi ôm không hết bên phải của sân chính trước nhà thờ, chúng lẳng lặng như đang toan tính điều chi huyền mật, đến nỗi trong giấc ngủ ban ngày, mộng mị mê sảng bật ra những chồi non màu xanh mềm mướt giữa những lá già xanh lục. Tưởng như những thứ mộng triệu đâu đâu. Nhưng hãy chờ đi, chỉ vài hôm nữa trong hương xuân, từ xa, trên vòm cây xanh non ấy, trông như có hàng nghìn con bướm xanh bay đến mở hội đón ngày xuân sắp đến…
Nhiều khi lạc giữa vùng cây trong trò chơi trốn tìm, gặp cây khế hứa „cho vàng đem túi ba gang mà đựng“ nên ngồi mê mải nghe hương khế lịm người trên cây, gặp cây mít chi chít đơm bông và trái cùng một lúc như „trâu đực biết đẻ“, tẩn mẩn hái thử trái mít non chấm muối chát ngầm, làm tăng nỗi thèm thuồng vị ngọt của mấy chục món mứt bánh sắp sửa làm mê đầu lưỡi vào ngày đầu năm. Có lần đang ngồi nấp trong bụi tre, bỗng rờn rợn những mẫu chuyện bị „ma thu“ trong bụi cây dứa, trong bụi chuối, trong lùm chè tàu được kể quanh ngọn đèn dầu những đêm trừ tịch…
Ðể sáng hôm sau thấy thương nhiều hơn khóm hoa trà hiền lành trong sân nhỏ trước „nhà ở“ bên cạnh nhà thờ họ, có lu nước mưa cho khách rửa chân trước khi bước vào nhà. Ðứng chung với trà mi còn „ngậm trăng“, những búp thược dược, mẫu đơn, cúc vạn thọ bỗng trở nên nhu mì ít lời. Những cánh hoa chưa mở, ngậm vành môi chúm chím, như lẩm nhẩm học thuộc lời chúc thọ năm mới mà bọn trẻ con sắp lạy thưa vào ngày mồng một tết và sau đó được bà, mẹ và các bác lì xì: „năm cũ bước sang năm mới, con xin mừng tuổi mệ nội, kính chúc mệ nội sống lâu trăm tuổi cho con được nhờ, năm cũ bước sang năm mới, con xin mừng tuổi hai bác…“. Từng lời từng lời đừng quên, đừng ậm à khi đứng vòng tay, nhớ học thuộc trong đêm ba mươi, trước khi ngủ thiếp đó nghe.  Và tình bạn với hoa bỗng trở nên thân thiết hơn bao giờ, khi khí trời bắt đầu ấm hơn trên những đọt lá chuối màu xanh ngọc thạch, báo hiệu ngày tết thật gần kề.
Ấy là lúc theo bà ra trước ngỏ thăm chừng hai cây mai cổ thụ quí nhất trong vườn. Cây mai thường là bí nhiệm cuối cùng chưa mở hết, như là bước hoàn thành nghi lễ đón chào năm mới của gia đình. Thân mai gầy, nhánh cũng trơ xương, vậy mà những lộc non chỗi lên đầy sức lực, rờ vào thấy mũi nhọn của hoa đâm lún cả thịt lòng bàn tay. Sau lượt trẩy hết lá già, búp hoa từ chồi bắn ra nhanh như những ngôi sao băng, chi chít đầy cành còn hiếm lá. Nhưng hoa chưa được nở vội vào ngày trước tết, hoa phải để dành tất cả những gì „MỚi“ như „MAI“, những gì CHƯA đến như là một ý niệm đang thành hình, như hoa mai vẫn là „mai“ của tiết trời hi vọng. Cuộc đi thăm mai có thể ví như một cuộc hành thiền không chủ ý, khơi động trong tâm non nớt chút nhạy cảm về một thứ đạo vị tương lai, từ đó, những tháng năm sau có thể hiểu được danh hiệu „mùa xuân Di lặc“ không gì khác ngoài Phật tâm của mùa xuân như thiện niệm sáng tạo toàn hảo.
Vô hình chung những giây phút nhìn hoa cùng với những dặn dò, mân mê ân cần cho riêng hoa hầu như đã gây mầm linh cảm thấu rõ „cốt cách“ mùa xuân của Huế, không phải là một „phú xuân“ vật chất ô trọc kích thích ham muốn mà phải là „mai cốt cách“ của một đạo tâm „nghèo tham lam“ nhưng „giàu sáng tạo“ cho một thể tính thanh cao.
Phải là MAI và có lẽ chỉ có hoa MAI - nụ hoa đã chắt lọc tất cả tinh hoa của mặt trời đông phương trong bốn mùa dồn lại, lượm hết mọi giọt nắng cuối mùa đông - mới có thể trao cho đất trời và con người Huế màu vàng lộng lẫy tinh khôi trong mùa xuân mới.  Cành hoa như khổ hạnh biết đủ, không hút thừa một chút tinh túy nào của đất, nên gầy mà thanh, chứa đầy nội tâm nhân hậu, cần cù suốt năm, khổ công tôi luyện tâm thành của chính nó cho hoa, cho nên cánh hoa rực rỡ mà đầy vẻ đoan trang, ý tứ. Nhánh mai trở nên tinh thần ngày tết, như một truyền thống nếp nhà Huế, cho nên mai già cỗi như tình quê hương mà „mới“ như ngày mồng một tết và mới mãi cho tương lai…
Buổi thăm hoa chọn cành trang hoàng ngày Tết thường kéo theo những bước đủng đỉnh bên khóm hoa sói với cành lá xanh rờn. Chưa kịp nghoảnh mặt đi, đã nghe có hương thơm thanh thanh trên búi tóc cúi xuống của bà, nhìn lại là niềm thích thú không lời được ngắm vẻ đẹp kín đáo của đoá hoa sói trắng dung dị vừa được hái đem cắm xiêng trên mái tóc và ấn tượng dài lâu về nét thanh nhã của người phụ nữ Huế còn âm ba mãi trong những cảm hứng thiện mỹ về sau. Hình như hoa sói chỉ nở cho những nét đẹp kín đáo và u nhã, cho nên chén trà ướp soái trong buổi cuối đông khi được nâng lên môi chưa kịp uống đã nghe lòng dịu lại những đợi chờ nôn nóng, hương hoa theo với nước trà chuốc trên lưỡi nhẹ nhàng mà thanh thoát như tiếng ngâm thơ Thiền trong giờ độc ẩm.
Bà nội thích hương soái nên mỗi lần ra vườn thường không quên hái một „bụm“ hoa đem vào ướp trà. Nhắc đến hương soái mà không nói đến hoa mộc đang chờ bên kia hàng dậu thì tội cũng gần bằng tình phụ cố nhân. Hoa mộc thơm đặc biệt hương vườn quê, nên thật xứng với tên „mộc“, đơn sơ, lắm khi quá mộc mạc đến tưởng như là hoa không còn đó.
Không ồn ào, không sàm sở, hương hoa lẩn trong vườn như màu trắng không biết gọi tên mình. Có khi sau nhiều ngày mưa gió bão bùng, tưởng hoa đã bỏ đi không bao giờ trở lại ngõ cũ, thế mà bước chân ai vừa dạo qua hàng dậu giờ hé nắng, bỗng nghe như có hơi thở thoảng bên tai, ngảnh mặt lại, hương mộc đã kề bên, trong thoáng giây tim như ngừng lại để lắng nghe rồi nhận ra ngay mùi hương quen thuộc như hương đã ở đó tự bao giờ. Không ràng buộc, không níu kéo, hương mộc đem đến rất  gần những bước chân xa, và chén nước trà ướp thoảng hương mộc tưởng là dung dị quê mùa nhưng thật là sâu lắng bền bỉ như tiếng ngân của nốt nhạc sau cùng còn đọng lại trong tâm.  
Thế rồi bước đi bỗng gấp vì nhà bếp rộn rịp đàng kia góc vườn: đám lá dong vào dịp Tết thường phải cúi mình chịu phạt vì nhát dao của các anh trai đang giúp mụ Nậy cắt lá gói bánh chưng bánh tét đêm ba mươi. Cảnh tượng trông phũ phàng tàn bạo, cả góc vườn xơ xác như đầu tóc ai bị phạt xém một góc, tội tình, nhưng lá dong sinh ra hầu như chỉ để được làm lá gói bánh chưng, bánh nậm, bánh lá. Bánh chưng gói lá dong trong lót lá chuối khi mở ra, hột nếp lấy màu xanh của lá trông bắt mắt và bắt thèm, nếu gói bằng thứ lá khác, bánh chưng bánh nậm mất đi hết vị đậm đà có duyên. Có lẽ vì thế mà lá dong ngoan ngoản để mọi người cắt hái vô điều kiện và việc cắt lá trở nên vui nhộn. Ðó là những giờ náo động trong khu vườn thân yêu, tiếng cười nói, tiếng chân sục sạo trong vườn, làm cho những cây đu đủ hoảng sợ nhớ lại những ngày bị làm „dưa món“. Trước ngày gói bánh chưng độ mươi bữa, bà nội đã  cho sửa soạn làm dưa món với đu đủ, củ cải, cà rốt, su hào, củ kiệu. Thịt trái đu đủ chưa chín, hườm huờm, còn độ cứng là chất liệu tốt nhất để các cô các bác các chị tỉa gọt những hoa ngọc lan, hoa cúc, hoa thị, hoa hồng, „trổ khéo“ theo ngón tay tài hoa và óc thẩm mỹ. „Làm khéo“là bổn phận trau dồi đức hạnh của những tiểu thư trẻ trong gia đình, và cũng là nỗi say mê của những nàng con gái của Mạ, cháu gái của Mệ, lắm khi pha lẫn chút chi cuồng tín về công dung của người phụ nữ Huế.
Nhưng Huế xưa đã từng đẹp như thế nơi dĩa dưa món mặn mà thanh lịch ngày Tết bên cạnh diã bánh chưng bánh tét lành mạnh no lâu, đẹp như một bức thêu hoa, ở đó thiên nhiên và tiểu xảo con người đi về gần nhau trong gang tấc.
Có lẽ không có năm canh nào của một đêm qua đi một cách phi lý như năm canh của đêm ba mươi. Cả năm dài đằng đẳng là như thế, công trình đợi chờ, mong mỏi, háo hức của một đứa bé không biết lấy gì mà đo cho vừa cho đúng, ấy thế mà cái đêm gần kề nhất ngày mong đợi, cái đêm cuối cùng của năm, để Tết trở thành NGÀY TẾt thật sự, thường là đêm hụt hẩng, bị bỏ qua, bị ngủ quên, dù trước đó lòng tự nhủ lòng  phải ráng thức cho đến Giao Thừa, để biết mặt mũi của Giao thừa, mà nào biết được!
Chỉ biết đêm ba mươi Tết trời tối đen hơn mực, một phần vì ánh lửa bập bùng nấu bánh chưng dưới gốc cây vải cổ thụ, ánh sáng dồn vào một góc vườn nên góc kia lại càng tối hơn, mọi người quây quần chung quanh bếp lửa, ấm cúng và vui vầy đến nỗi chẳng ai muốn rời chỗ ngồi, cũng không dám đi ra, nghe như ông ba mươi đang rình lẩn quất đâu đây. Ðêm ba mươi thường cho những đứa trẻ như tôi hồi ấy cảm giác tiếc nuối không được ngồi nghe hết những câu chuyện „ông ba mươi“, pha lẫn với cảm giác rợn người khi nhìn làn khói nghi ngút biến mất trong hư vô đen ngòm. Cả khu vườn như một sân khấu bị tắt đèn tối om, chuẩn bị cho một màn ảo thuật mới,  nhưng người chờ đợi nồng nàn nhất giây phút ảo hóa lại thường ngủ quên với tưởng tượng mơ hồ, có lẽ đêm ba mươi đã dấu trong tấm áo đen chiếc đũa thần vô hình huyền diệu nhất có thể trong khoảnh khắc biến không thành có, biến hôm qua thành ngày mai… Âm vang giao thừa chỉ còn vọng trong mơ tiếng chuông trống bát nhã đổ về từ chùa Linh Mụ, chùa Từ Ân, chùa ôn Nghệ chào đón giờ phút đầu tiên của một năm hòa với tiếng pháo „tống cựu nghinh xuân“ sau buổi lễ tổ tiên rước ông bà về ăn Tết với gia đình.
Thật lạ lùng, nếu so lòng mong mỏi ngày tết với những điều xảy ra trong ngày tết, thì thấy hầu như mình ôm hai bàn tay không, một nửa kia của trò „tập vồng vông“. Nhưng ngoài những thứ ít ỏi đếm trên đầu ngón tay như áo mới, mứt gừng, hoa mai, hoa đào, tiền lì xì, hột dưa đỏ, đánh bài tới, đổ xâm hường bói „trạng“ và „ăn chơi tháng giêng“, còn có một đền đáp tấm lòng mong mỏi ấy bao năm vẫn vang vọng khó quên: không khí cảm động huyền diệu của ngày đầu năm. Có thể tiếng lắc cắc cắn hột dưa đỏ một ngày nào đó bặt đi mất hút, hột dưa vì mấy cái răng sệu sạo đành rơi trong quên lãng, cũng như những vị  cay chua mặn ngọt của ngũ quan đã phôi pha theo ngày tháng, nhưng nỗi xúc cảm không khí Tết thật khó phai mờ, theo đến tận cùng đời người, dù không khí ấy chỉ là …không khí.
Sau những ngày rộn ràng, sáng mồng một tết thường bắt đầu với nỗi bỡ ngỡ về sự tĩnh lặng bất ngờ trãi ra trong không gian, tưởng như tất cả nhân gian đều ngưng thần soi mặt vào nước sông Hương cũng đang dừng lại không trôi trong khoảnh khắc mới nhất của năm bắt đầu. Không khí trở nên khác hẳn. Hôm qua người đi hầu như va nhau côm cốp, khiêng bàn kéo ghế, sửa soạn bàn thờ với các bộ tam sự, ngũ sự nặng tay, chưng hoa, bày quả phẩm rối rít. Qua một đêm, sáng ngày mồng một tết, bỗng dưng mọi người đi lại nhẹ nhàng như những chiếc bóng, cử chỉ khác hẳn không tíu tít ồn ào, không ai nói lớn tiếng với ai mà chỉ âm thầm trang điểm, người lớn thì chải tóc vấn khăn và thay áo, chỉ riêng lũ trẻ lúng ta lúng túng với những áo những quần chưa quen mặc.
Giờ mặc áo mới thật khó quên, hình như chỉ từ giây phút được mặc áo mới, năm mới đối với đứa trẻ mới bắt đầu, nỗi mong đợi Tết mới được vừa vặn sít sao dù tay áo có dài, vạt áo có dư ra để „trừ hao cả năm chóng lớn bơ vừa“ như mẹ vừa mặc áo vừa thủ thỉ. Chỉ khi áo mặc xong, năm mới thật sự là mới từ giờ phút ấy.
Và giây phút trang nghiêm bắt đầu, khi mọi người trong đại gia đình chỉnh tề khăn áo đến mừng thọ bà nội. Khó quên nỗi hồi hộp trào dâng tình cảm mâu thuẫn của mỗi người thân được biểu lộ trong giờ chúc tết, khi cả nhà sụp lạy mừng bà sống lâu, có tiếng cười nơi vết lăn của giọt nước mắt trên má, và có cánh tay áo chùi nước mắt trong khi miệng nhoẻn cười. Vào dịp này hình như người lớn tuổi bỗng thành trẻ con, mít ướt, còn trẻ con lại thành người lớn…hơn. Bác trưởng tộc trong chiếc áo rộng xanh, đầu bịt khăn đóng, vừa mới cất lời khai mạc buổi mừng tuổi với  hai chữ  trịnh trọng „thưa mệ“ bỗng nhiên nghẹn ngào, nói không ra lời, nước mắt ràn rụa. Cô Thị đứng sau  nước mắt chạy quanh theo vành môi đang mở nụ cười. Rồi các bác, các o, các mụ vừa hít hà vừa ẩn mặt bằng cách đẩy những đứa bé lên trước mặt bà, nói lời chúc tụng. Và tiếng cuời sau đó không còn đẳm nước mắt theo với tiếng trẻ thơ làu làu thuộc bài mừng tuổi.
Khó quên cảnh nhà ngày mồng một tết ấy, ánh nến lung linh trong ba gian nhà thờ, khói trầm nghi ngút, hoa mai vàng trang trọng, những quả bồng bánh cúng ngũ sắc, những tranh chúc tết, câu đối Tết và dáng ngồi thanh gầy của bà nội, như một cành mai bên cạnh cành mai vừa nở trong vườn hôm qua. Vào ngày tết, bà nội cũng như mẹ và các bác, các cô đều đem những bộ áo cất lâu năm trong tủ ra mặc, những chiếc áo may bằng vải the thêu chữ thọ chữ phước, hoa cúc hay chim phượng được lót bằng vải lụa đỏ hay xanh rực rỡ, quần trắng mớ ba mớ bảy. Bà nội thường mặc áo cặp hai màu, áo ngoài màu vàng hổ hoàng, áo trong màu xanh da trời hay màu xanh lục thủy, áo may bằng vải the hay lụa vân dệt tay công phu, đầu chít khăn  nhiểu màu vàng cam hay để tóc bối có cài trâm, thanh lịch và đẹp như một bức tranh cổ. Bà nội thường nói „chi thì chi, nghèo thì nghèo, ba bữa tết áo quần nên lành lặn, nhà cửa nên quét dọn tươm tất, vườn tượt vun xới đẹp đẽ, và nên làm „đẹp lòng“ nhau, ngày tết nhất định bà không chỉ vẻ con cháu nghiêm khắc một tiếng nào bắt đầu sáng mồng một tết“…  
Cung cách đón tết Huế gần như một cuộc hành đạo nếp sống Huế, trong đó mỹ cảm và tâm cảm, đạo làm người trong bước đi „đẹp lòng“ với người với cảnh, là một không hai. Ở đó không có ý niệm phân biệt sang hèn, cao thấp trong so đo vật chất, tranh chấp thế giá.  Ở đó có nhiều tận tình chung nhau niềm tin lạc quan về thời gian, về đổi thay, về chuyển hóa, mà năm mới là khởi đầu của hi vọng, ở đó nếu hiểu „lạc đạo“, trong nghĩa „đẹp lòng“ thì „an bần“ không phải là „nghèo tủi“ mà là „biết đủ“ và „biết chia xẻ“,cho nên cũng „đẹp lòng“, cho nên vui đạo. Hình như từ tuổi thơ, linh cảm về „bước đi của đạo“ ấy một nửa đã đến từ „bầu trời“ Linh Mụ một sáng mùa xuân. Không biết có người Huế nào đã gặp khoảnh khắc ấy như tôi đã gặp, sáng mồng một tết chạy ra ngõ chơi, bất ngờ - vì đã chưa một lần chủ ý -  gặp sông núi mùa xuân đài cát dưới bầu trời tết Huế bãng lãng mây bay trên cao.
Núi mùa xuân khoác tấm áo màu xanh mực tàu, màu xanh bát ngát, như vừa mới được tạo hóa xuất thần ra tay tuyệt xảo, một màu xanh mới lạ, tân kỳ chưa từng nghe ca ngợi trong cổ thi cũng như chưa bao giờ thấy trong các bức cổ họa.  Lung linh trong nắng sớm, tấm áo mùa xuân của núi bỗng trở nên một bài thơ Tết diễm ảo không lời, trong đó đỉnh Kim Phụng hiện ra vừa ung dung tự tại vừa trang trọng bí ẩn nơi khúc quành giòng sông, gần gũi thân thuộc chứ không xa xôi mờ nhạt như trong ngày đông giá. Hình như vẻ thanh tú, trẻ lại thành „non xanh“ của núi mùa xuân đã làm con sông ngẩn ngơ đứng sửng, tưởng như không còn biết mình là giòng sông phải chảy. Nhưng chính trong giây phút „quên mình“ ngẩn ngơ ấy, sông Hương lại đẹp hơn bao giờ. Thủy chung đến tận đáy lòng, sông Hương đem cả bầu trời mùa xuân giao trả lại cho đất với tất cả sự rộng lượng không bến bờ. Nắng xuân u nhã, nhu hòa rãi trên sông một lớp tơ trời nhẹ như một thoáng mộng, gây cho người nhìn cảm giác lâng lâng, cơ hồ trong thoáng chốc tưởng sẽ vụt bay vào trong cõi mông mênh ấy. Mênh mang sông nước, vạn vật như đắm chìm trong tĩnh lặng, trong đơn sơ lồng lộng, từ đó cảm giác thanh bình dội vào tim như một thứ hạnh phúc ân sủng. Một thứ hạnh phúc được nghe tiếng cao xa không lời của núi, được chiêm ngưỡng đường cong vời vợi không tiền bạc không lâu đài của sông, được nhìn „nghèo nàn lộng lẫy“ của bầu trời Linh Mụ trong một sáng đầu xuân.
Hạnh phúc ấy từ đó đọng sâu trong tiềm thức, qua năm tháng đã trở nên những xao xuyến vô hình thôi thúc trở về trong nỗi nhớ, lắm khi chẳng biết vì sao. Vì sao khi trời đổ tuyết nơi viễn xứ, lại tự hỏi mình „mùa xuân bên ấy“ bây giờ ra sao?
Thái Kim Lan
Muenchen, tết Ất Dậu tháng hai 2005
Viết trong ký ức„mùa xuân bên ấy“
 

Xem Tiếp: ----