ề cái thời đại gần đây, trong xóm Cầu đá ở làng Hội xá, có một người đàn bà, góa chồng, tuổi ngoài bốn mươi. 
Từ khi đức phu quân bà vui thú non Bồng, còn bà ở lại chốn hồng trần, thời chăn tằm hái dâu, hàng say háng sáo, giữ tiết thờ chồng và nuôi hai đứa con trai bồ côi cha đi học.
Bà vốn người họ Nguyễn, năm hai mươi tuổi thời tơ xe chỉ kết về họ Lê, lấy kế một ông đồ tuổi ngoài ba chục, đã có một đứa con riêng vợ trước để lại lên bốn. Không ngờ trăng già độc địa, giữa đường vội cắt gánh loan hoàng, gối uyên ương nỡ đem chia nửa, gây nên một cái bi kịch kẻ dương gian người âm phủ, đôi đường cách trở rất bi ai! Năm bà chẵn ba mươi thời ông từ biệt bà mà chơi nơi Lạc quốc.

 

Có một hôm, mặt trời đà xuống núi, vừng trăng mới lên non, chuông chiêu mộ trong làng đổ hồi khắp chốn, người làm trong các khu ruộng chiêm đã đuổi trâu về nghỉ tối, kẻ đi người lại vắng tanh, trên con đường vào chùa Hương tích, cách mé trong cái quán Đìa độ chừng hai mươi thước tây, có một cô con gái trạc ngoại đôi mươi, nón quai thao, giầy mõm nhái, quần lĩnh áo băng, khăn xa tanh, yếm nhiễu đỏ, vòng hoa nhẫn hột, coi rất phong lưu, bị mấy nhát dao ở cuống họng và cạnh sườn, nằm sống sượt ra ở dưới rạng tre bên bờ mạ, hành trang đồ vật, y nguyên không mất tí gì cả. Lạ thay! Không biết tiền oan nghiệp chướng ra làm sao, ai thù, ai ghét, mà mảnh hồng nhan phơi nơi đất khách thảm đáp nhường vầy! Ở đâu đến đó, cơn cớ những gì? Biết ai mà hỏi!
Tuần phiên làng Yến Vĩ đi canh đồng đêm vừa đến đó, thấy dưới bụi tre thấp thoáng bóng người mặc áo trắng, đương ngồi bên bờ mạ, bèn đi xuống thời bắt gặp hai chàng thiếu niên hai bên mà cái thây người con gái ở giữa, đứa lớn tay cầm dao, đứa nhỏ áo dây máu, liền hô hoán nhau lại bắt, trói dật cảnh khỉ cả đôi đem giải về điểm.

 

Trong lúc tuần phiên làng Yến Vĩ bắt được hai kẻ giết người, thời trên con đường khuất khúc ở bờ sông Đào sông Hát, dưới bóng trăng lờ mờ ở men làng Thượng làng Sên, có một người con trai thành thị, chân bước vội vàng, lòng lo ngay ngáy, đi một quãng lại ngoảnh cổ lại sau nhìn, nhường e nhường sợ tai vạ đến mình. Nhưng xem vẻ ra có ý vui lòng thỏa giạ, miệng lẩm bẩm rằng: «Xin đức Thượng đế ngài chiếu giám cho tấm lòng thành tín của tôi đối với bạn tôi, những kẻ hại nhân thời nhân hại, ngài xét cho chúng tôi được phận nhờ».
Cách sau người ấy độ năm cây lô mét, thời không biết rằng người ấy có biết đến hai kẻ giết người có đeo gông, tay bị thừng buộc, theo những người tuần phiên và kỳ dịch làng Yến Vĩ giải nộp quan phủ Mỹ đức đó không? Ai ngờ cùng chung một con đường, cùng chung người đi đường, mà có cái bi kịch diễn ra cùng trong một thời khắc, một bên lủi thủi một người không ai gông trói mà lòng cũng ngổn ngang, một bên ran tay hai người gông thì trói chặt đi với nhiều người mà lòng cũng ngổn ngang. Vậy các độc giả cao minh cho cái bi kịch nào thảm hơn?

 

Một hồi ba tiếng trống buổi hầu sáng, quan ra công đường, nha lại dân sự đều chực hầu rất đông, ở hàng cơm cổng phủ các bác tuần phiên đã cột hai tên ác phạm vào cột nhà hàng mà ngồi hầu cơm cụ Chánh tổng minh và thầy Lý, thầy Phó làng mình, người nào người ấy đều cơm no rượu say cả rồi, nghe trống bấy giờ mới điệu tội nhân vào nộp trước quan phụ mẫu.
Quan phủ nhận giấy giải nộp xong, nhất diện ngài sai thầy Đề cùng mấy tên lính lệ tùy phái đi ngay với Chánh tổng Phù Lưu Thượng và lý trưởng Yến Vĩ về chỗ người bị giết nằm khám nghiệm lại để cho chôn, nhất diện ngài sai thầy Thông lấy cung hai tên ác phạm, rồi ngài truyền cai lệ đem xuống trại giam.
Trong khẩu cung thời một người khai tên là Lê Văn Hữu, 25 tuổi, cha mẹ chết cả rồi, một người khai tên là Lê Văn Cung, 18 tuổi, cha chết mẹ còn chỉ khác tên khác mẹ còn họ và tên cha cùng các lời cung về việc giết người con gái thời giống nhau hết. Hai cậu cùng khai tên cha là Lê Văn Từ, làng Hội Xá, duy cậu bé thời còn mẹ là Nguyễn Thị Nhân, mà đều nói rằng: «Vốn con nhà học trò, xưa nay lương thiện không có làm xằng bao giờ». Sự giết người thời cũng chối rằng: «Tình cờ bắt gặp thời xem, chớ không phải anh em mình giết».

 

Nguyễn Thị Nhân là tên ai? Các độc giả hẳn cũng biết ngay là tên bà ngoài bốn mươi tuổi, góa chồng từ năm ba mươi ở xóm Cầu Đá, mà Lê Văn Từ chính thực tên ông đồ chồng bà, Lê Văn Cung con bà, còn Lê Văn Hữu là con người vợ trước vậy.
Đêm hôm ấy mà Hữu và Cung phải bắt thời bà ở nhà vẫn tưởng như mọi khi hai con mình đi chơi cùng các bạn học quanh vùng, hoặc ở Phú Yên hoặc sang Bài Lâm, hay là ở Bạch Tuyết, không ngờ sáng ra bà vừa cất gánh gạo ra chợ Đục Khê bán, đến cổng chợ đã thấy người ta xôn xao chuyện con bà giết người phải bắt nộp quan. Ôi! Tin đâu xét đánh lưng trời, khiến cho lòng người mẹ góa kia không nung mà nóng, chẳng cắt mà đau. Sụt sùi giọt lệ, trở lại gia đình, nào hai con đâu? Mà chỉ thấy một miếng đất vườn, ba gian nhà gỗ. Lẽ đâu tin ấy lại là thật? Hay hai con ta ở trong nhà? Nào có đâu! Chỉ thấy mấy bàn thờ: đây là thổ công, đây là tiên tổ, đây là đức phu quân! Nghĩ mà thương thay cho con trẻ, tưởng lại giận thay với trời già! – Kìa mặt trời đã gần đứng bóng, trẻ đầu làng đi xem về đã thấy đồn đến tai rằng quan phái cụ Tá về khám thây người con gái trẻ, thôi thế nào mà chẳng lụy đến thân già này thôi. Khóc chán lại nghĩ, nghĩ chán lại khóc, không còn biết tính ra sao, bà chỉ còn có lên đèn hương mà cầu nguyện trước từ đường mà thôi.

 

Ở dưới hương thôn người vợ góa chồng thương con vật vã, lúc ấy đương là lúc thầy Thông vặn vẹo lấy khẩu cung hai người con ở chốn công đường quan phủ Mỹ Đức. - Lấy xong khẩu cung thời Phó lý và tuần phiên làng Yến Vĩ ký dự thính khẩu cung chu tất mới ra chào quan xin về. Các bác tuần phiên với thầy Phó ra ngoài cửa phủ thời anh em ai đã xuống đến trại sỏ chân vào cùm rồi vậy.
Quan xem cung xong, liền phê hỏa bài cho thầy Đề lập tức khi đệ biên bản về phủ thời phải đòi kỳ lý làng Hội Xá lên để chất vấn tính hạnh và căn cước hai tên chối rằng không giết người này.
Hỏa bài một xuống, thời kỳ lý đi ngay theo cụ Đề về phủ. Song, trước khi đi, những lễ trình diện cụ Tá, lễ trình tờ khai quan, hiện đã tống nhà người gái góa kia bắt phải biện cả. Nhưng dân Hội Xá lên quan, cụ này thời khai rằng anh em nhà ấy vốn lương thiện, còn sự giết người này có hay không không dám chắc, thầy kia thời khai rằng không dám quyết rằng anh em nhà ấy có giết người hay không, song vốn là người đáng tình nghi xưa nay.

 

Đủ cả giấy má, bấy giờ quan phủ ngài mới đem hỏi mỗi người một lúc để tra xét cho ra. 
Lê Văn Hữu bị hỏi trước:
- Sao mà trời vừa mới tối, hai anh em bay đã dám cả gan giết người? Quân này gớm thật!
- Dạ bẫm lạy quan lớn, đèn trời soi xét, chúng con qủa thị hiền lành.
- Không giết người thời sao bay đến đấy làm gì? Mà khi chúng nó bắt được bay, tay mày cầm dao, áo em mày đặm máu, chúng bay đương lúi húi lấy của của con bé ấy. Căn cước của chúng bay đâu bay khai cũng đáng tình nghi thời bay còn chối thế nào được?
- Dạ bẩm lạy quan lớn, sinh phúc cho chúng con được nhờ, nhân lệ thường của anh em chúng con cứ đến chiều thời dủ nhau đi đồng, vừa mới ở dưới đồng lên đến đấy thấy lạ mà xem, thực không có giết.
- Mày nói thật vô lý! Có thế nào cứ thú thực đi, ông liệu đường cứu cho, không có thời cứ lý kết án, bay chối sao khỏi được.
- Dạ bẩm quan lớn là cha mẹ dân, xin ngài xét cho, quả thực là hai anh em còn vừa đi đến đấy, thấy lơ mơ mà không rõ rằng người hay là cái gì mà giống như người, mới bảo nhau rẽ vào đó thời em con mò vào trước xem người dồ hay là phải bệnh nằm đấy, sau em con kêu lên là người con gái Hà Nội đi chùa bị giết, sườn có con dao còn cắm đó, con vội vàng xuống, rút con dao vừa xong, thời thích ngộ tuần phiên đến.
Quan nghe xong, lại đòi Lê Văn Cung lên hỏi, rồi sai lính đem Hữu xuống trại. Quan hỏi Cung thời cũng khai như lời anh. Quan bẻ rằng:
- Sao bay thấy thế, hay không hô hoán ngay dân làng đến, rồi bay hãy xem có được không? Thực là bay giết. 
Cung thưa rằng:
- Chúng con vừa mới gặp, cái lòng thương người chết nó làm cho quên mất lệ quốc gia, bởi sơ ý có thế mà nay nên tội.
Quan hỏi xong, lại sai đem xuống trại giam.

 

Buổi hầu hôm sau, đông đủ cả quan, nha, cơ, lệ cùng mấy ông chánh tổng tuần huyện sở tại, đem việc ra bàn định, vẫn lấy làm ngờ. 
Thầy Đội lệ bẩm quan xin tấn, quan liền sai đem vồ, nọc, chão, roi, kim, cặp, hỏa lò than, đủ các thứ để ở sân công đường rồi đem phạm nhân ra tấn khảo. Quan truyền khảo Lê Văn Cung trước.
Lính đem Cung ra, đóng cọc rồi trói dật cánh khỉ ra đằng sau, chìa đầu gối ra để đợi khảo. Lê Văn Hữu trông thấy thế, nghĩ thương em ứa hai hàng nước mắt, xin ngay vào trước cửa quan để thú tội cho em khỏi phải khảo. 
- Bẩm lạy quan lớn, ngài ngồi cao xét rõ, nay cái lý đã hiển nhiên rằng anh em chúng con giết người, không sao chối được. Vậy con xin thú quan lớn rằng con giết, còn em con nó ngu dại, nó chẳng biết gì. Mẹ hai con có một mình nó, xin quan lớn làm tội con, mà tha cho nó.
Cung thấy anh nói thế, liền bẩm to lên rằng:
- Anh con sợ con phải khảo đau khổ, mà ra nhận tội trước đi đó, thời quan trên đã định tội cho chúng con giết người, chúng con không thể chối được, vậy con xin thú thực rằng con giết, chớ anh con xưa nay vốn người lương thiện, trong bọn nho lâm đều yêu quí cả. 
Hữu thấy em nói thế, liền nói với quan rằng:
- Bẩm lạy quan lớn, em con không biết giết người, nó lành lắm, chẳng qua nó thương con mà nó nhận liều đó mà thôi, quả thì con cầm dao con đâm con bé ấy, em con không biết sự tình gì, xin quan lớn tha cho nó về để nó phụng dưỡng mẹ hai con cho mẹ con được vui lòng, còn con mới chính là có tội. 
Cung lại thưa quan rằng:
- Bẩm lạy quan lớn, anh còn nhận bậy, chớ chính con giết nó, vì con thấy của mà ham, giết xong đưa dao cho anh con cầm, chớ không phải là anh con giết, chẳng qua anh con thương con bé giại mà muốn cứu con, gánh lấy tội đó thôi, chính con mới là có tội.
- Em ơi, sao em nhận chi thế, chính anh là cái thằng tham sắc, hiếp gian không được mà giết người ta, em còn thương làm gì thằng hung ác nữa. Bẩm quan lớn, con đây mới thật là có tội. 
Hai anh em Hữu và Cung, anh nhận là anh giết, em nhận là em giết, làm cho suốt từ quan đến nha, cả bên cơ lẫn bên lẻ, không ai biết là người nào giết người, kẻ thời nhận vì tham tài mà giết, kẻ thời nhận vì tham sắc mà giết, không biết rằng ai oan ai tội.

 

Hai anh em Hữu và Cung đều nói phân vân như vậy, quan phủ Mỹ Đức không biết làm thế nào, mới bẩm đệ cả hồ sơ và giải cả hai người ấy lên quan Tổng đốc Hà Đông. 
Ra đến tỉnh, đông đủ quan Thượng, quan Án, quan Thương cùng bên phiên bên niết, hỏi thời hai anh em nhà ấy đều cũng cứ kẻ này khăng khăng vì tham tài mà giết, kẻ kia khăng khăng vì hiếu sắc mà giết, quan tỉnh cũng lấy làm khó xử, mới bẩm lên quan Kinh lược. Quan Kinh lược bèn sức cho đòi người mẹ lên hỏi. Mà cái tiếng hai anh em Lê Văn Hữu yêu mến thương sót nhau đã lừng lẫy lên ở Bắc kỳ, cơ hồ cả nước Nam đều đã biết, ai nghe cũng lấy làm cảm động!
Trong lúc thời cái người thành thị cùng đi một đường với anh em nhà họ Lê cách nhau năm cây lô mét kia đương thênh thang ở trong chốn Thăng Long, dưới non Nùng trên sông Nhị

 

Thì giờ như tên bắn, ngày tháng như thoi đưa, bà Nguyễn quả mẫu ngồi nhà tính đốt ngón tay đã được hai tháng lẻ. Ờ! Mới ngày nào một vẻ thiều quang thiên hạ nô nức chơi xuân trẩy hội, mà đến nay còn một tháng nữa thời đã đến tết Đoan dương. Nghĩ tới lúc tàn xuân trăng vọng, con mình phải bắt, mà cái sầu nay đã đến cùng cực không biết thế nào rồi! Xiết bao nhiêu tốn kém về dân làng khai báo, mà đến nay chợt lại có lính cho đòi ra đến Kinh kỳ. Mảng tưởng đến chỗ chồng con du học xưa nay, ra đến nơi lòng càng thảm đạm.
Này, buổi hầu sáng, trống vừa thôi điểm, cậu lính tuần đã giải một bà cụ mặt mũi âu sầu chua sót từng đi qua cái con đường người con trai thành thị đi trước năm cây lô mét, tuần phiên làng Yến Vĩ giải con mình đi sau, mắt đã nhìn thấy cửa phủ Mỹ Đức, cửa dinh quan Tổng đốc Hà Đông, bây giờ mới đến tòa Kinh lược mà vào hầu vậy.
Vào tới nơi sụp xuống lạy, quan liền hỏi:  
- Con mụ kia, xưa nay trong gia đình sao không biết dạy con, để cho con làm điều phi pháp. 
- Dạ bẩm lạy Cụ lớn, ngài là sao phúc của muôn nhà, Phật sống của trăm họ, xét thấu tình cho con. Cha chúng nó ngoài bốn mươi thời chết, vốn cũng là người học trò thi hai ba khoa tam trường về nhà dạy học, con hơn mười năm nay chẳng may ở góa, giữ tiết thờ chồng, cũng mong nuôi cho con nối nghiệp thư hương, không dè tai bay vạ gió hay con con dại dột thế nào, sinh con ai nỡ sinh lòng, cụ lớn thương cho con được phận nào con nhờ phận ấy.
- Không, ta không có làm tội mụ làm chi, ta chỉ hỏi mụ cứ thực mà nói, trong hai đứa đứa nào ác hơn. 
- Trăm lạy cụ lớn, hai thằng con con xưa nay, chúng nó chăm chỉ học hành, nết na đứng đắn cả, người trong vùng con ai cũng khen ngợi, chẳng hay sự giết người này ra thế nào, con không dám biết. Duy con có nghe trong sách mà chồng con thường giảng đọc xưa nay rằng: «xát nhân giả tử», vậy thời phép nước hễ giết người thời phải làm tội chết, nay con xin cụ lớn làm tội thằng em còn tha cho anh nó được về, thời chúng con được nhờ ơn cụ lớn lắm lắm.
Quan Kinh lược thấy nói lấy làm lạ lắm, bèn hỏi luôn rằng: 
- Thường tình con người ta, ai cũng yêu con bé hơn con lớn, nay con bé lại chính là con mụ đẻ ra, con lớn lại là con người vợ trước, sao mụ lại không xin tội cho đứa bé mà lại vì đứa lớn là nghĩa làm sao? 
- Dạ bẩm lạy Cụ lớn ngàn năm, thằng Lê Văn Cung là con con đẻ ra, thằng Lê Văn Hữu là con chị trước con đẻ ra thật. Nay bố nó đã vì nó bồ côi mẹ mà lấy con về để làm dì ghẻ nó. Lúc bố nó hấp hối chết, có gọi con lại gần cạnh dường, cầm lấy cổ tay con, trỏ vào thằng ấy mà dặn lại con hai ba lần rằng: «Bà mày vì tôi mà chăm nom cho nó, may ra mà nó nên người được thời tôi và mẹ nó ở dưới suối vàng cũng được đội ơn». Con đã có nhận lời mà rằng: «Xin ông đừng có ngại, trăm sự tôi xin chu tất, chẳng may trời phân rẽ hai vợ chồng ta, nay người mất kẻ còn, cái đau lòng kể sao cho xiết! Thôi, mệnh trời đã thế, ông cứ an giấc ngủ trăm năm, hai đứa đứa nào cũng là con tôi cả, tôi hết lòng gây dựng». Nay nếu con làm mẹ kế nó thời cũng là mẹ nó, đã làm mẹ mà không yêu thương lo liệu được cho con, sao cho là có «nhân»? Coi con chồng là con chồng, con mình là mình, chỉ biết âu yếm con mình mà phí hoài con chồng, sao cho là có «nghĩa»? Khi bố nó chết đi có ân cần dặn lại như thế, con đã nhận lời phân lại nhường kia, nếu bây giờ không chu toàn được cho nó thời là nói dối người chết, không có giữ được lời sao cho là có «tín»? Làm người cốt lấy cương thường làm trọng, nay bỏ cả «nhân», cả «nghĩa», cả «tín» đi thời còn định làm mẹ người mà sống ở trên đời sao được?
Quan nghe thấy lời bà cụ nói rất là cảm động, bèn gọi lính đưa vào nhà trong cho yết kiến bà lớn, rồi ngài tiễn chân năm tấm lụa và hai nén bạc, hứa rằng sẽ nghĩ phương kế mà cứu cả cho hai người con.

*

Cái tấm lòng liệt nữ của bà Nguyễn quả mẫu hôm trước, hôm sau người Hà Nội đã truyền tụng vang lừng đâu đâu cũng biết. 
Cách hai hôm sau, buổi hầu chiều, trước cổng đường nha Kinh lược có một người tuổi trẻ mặt mũi khôi ngô, chân tay mập mạp, khăn lượt áo the, hình dung nho nhã, sụp lạy quan Kinh lược xin chịu cái tội của hai người anh em nhà họ Lê mà đi sau người ấy hôm nào cách năm cây lô mét ở con đường lên phủ Mỹ Đức kia. 
  Quan Kinh lược lấy làm lạ, người ấy lạy xong, đứng chắp tay ngang ngực mà bẩm rằng:
- Bẩm lạy Cụ lớn, tên còn là Lương Xuân Tín, năm nay 28 tuổi, học trò trường Đốc học, ngụ ở phố Hàng Thiếc Hà Nội. Từ năm mười ba tuổi có kết bạn được một người anh em rất thông minh hào hiệp tên là Dương Đức Nghĩa ở phố Hàng Bông. Cha anh ấy đỗ cử nhân có tiếng mất từ khi anh ấy mới lên bốn, bà cụ Cử người rất trinh tiết trung hậu; kết tóc năm 19 tuổi với người con gái 18 tuổi ở phố Hàng Đào tên là Lý Thị Lợi, nhà vô cùng giầu có xưa nay. Cưới vợ về một năm, đẻ được đứa con trai, năm sau đứa bé ấy mất mà bà thân mẫu cũng từ trần; đến năm kia bỗng nhưng vô cố mà bạn con đã phải nằm trong nấm cỏ ở đồng làng Kim Lũ gần đây! – Chao ôi! Giòng nhà ấy bây giờ tuyết tự. Nghĩ đến bạn con lúc nào con cũng thâm gan tím ruột dận thay, cho kẻ tham dâm nỡ hại khách anh hào! Thương thay nỗi oan không làm sao bộc bạch được! – Cái đám cưới tháng chạp năm ngoái mà linh đình ở chốn kinh đô, tuy Cụ lớn ngồi cao nhưng nghe xa, nói tới chắc Cụ lớn còn phảng phất rằng đã có kẻ thưa lọt tai ngài cái ngày tên khách minh hương ở hàng Ngang đón vợ? Ôi! Vợ nó đây là ai? Chính là tên Lý Thị Lợi. Ngày ấy là ngày hai đứa giết người nó đã về ở với nhau.  – Nguyên từ khi bà cụ Cử qui ẩn đi rồi, anh Dương Đức Nghiã anh trên chẳng có, em dưới thời không, trọi có hai vợ chồng, âu yếm nhau vô hạn. Ngờ đâu chồng thực mà vợ hư, chồng ngay lòng mà vợ gian giảo, Thị Lợi từ khi mẹ chồng chết, việc nhà cờ đã đến tay, mưu với chồng mở hàng tấm ở hàng Đào bán. – Được ít lâu Thị Lợi giao thiệp với một tên khách hàng Ngang, đem ngay lòng tham của, rắp những sự quên nghi, dở lời chênh lệch cùng tên khách, ra giạ bắc nam với lại chồng. Tên khách kia cũng tham vẻ má hồng, đặm tình ân ái, bởi thế mới đồng tâm hại bạn con! Than ôi! Nó giết bằng gì? - Bằng giao? Hay bằng gươm? – Bẩm, chẳng giao, chẳng gươm, chỉ bằng một gói thuốc độc. Anh Dương Đức Nghĩa của con kia, nghĩ mà thương hại, chiều nghe bình văn trong trường quan Đốc con về, ăn cơm xong thời buồn ngủ ngay, sáng mai có tin rằng mất! Chúng nó làm khéo cho đến nỗi cái án ấy thành ra mất tích, đến năm nay con mới dò xét được ra, thời việc cũ ấy đã nguội lạnh không còn có chút ghi gì trong tâm trí người ta cả. Con không thể nào mà đi cáo quan được nữa. Một là vì chứng cớ của con ít, hai là vì tiền của của chúng nó nhiều. Chúng nó có thể mua chứng đút tiền, án lên đến Cụ lớn thời con chắc con cũng là thằng vu cáo, mà thù bạn con cũng không có người trả cho. Nhân con nghe con ở nhà nó mách con rằng vợ chồng nó sắp đi chùa Hương để làm chay sám hối, đi thời đi lâu đến một cữ mới về. Con bèn quyết chí đi theo để liệu cơ báo phục. Không biết Phật tổ ngài thiêng, ghét kẻ gian tà mà dun dủi ra hay sao, con gặp được dịp rất tốt. Chúng nó đã làm chay xong, chồng thời sốt ruột về, vợ thời mải đồng bóng, nên con thấy vợ nó hẹn chồng nó cứ về đến ngày kia nó sẽ về sau. Con mừng quá, thay hình đổi rạng đi theo ngay thằng Chiệc, đến bến đò nó xuống thuyền con cũng xuống thuyền. Trời vừa chiều, nhân nó không biết con, con bèn bàn với nó hai người thuê riêng một cái khoang thuyền trả bội tiền lên để cho rộng, đi ra giữa sông thuyền đến quãng sông Tế Tiên, con thấy nó ngủ đã say, con mới giở giậy cầm con giao đập một cái vào sống mũi rồi con đâm lấy đâm để, nó dẫy dụa thời con cứ kêu rằng: «Chú khách mê hoảng chưa! Ngủ mê mà hoảng lạ!» Người trong thuyền ai cũng tưởng thật, còn mấy đứa bơi chèo thời nó mải làm việc cũng chẳng nghĩ chi đến. Nó dẫy một lúc thời nó chết, khoang thuyền ấy ở về đằng lái, cho nên máu chảy ra cũng không có ai biết. Thuyền đi đến chỗ quá Phủ Mỹ Đức gần đến bến Vân Đình, đấy thuộc về làng Phùng Xá, con mới bảo lái đò dừng thuyền lại cho con lên con đi đồng, con liền gọi con mẹ ngồi cầm lái lên hỏi, con kể sự tình thằng khách bất nhân là thế, con vì bạn báo thù là thế. Nó dật mình lo sợ, con bèn cho nó trăm bạc và xui nó về bảo nhau vất cái xác ấy xuống sông, rồi đổ mau khách ở đò lên bến đi, không rồi lộ truyện thời nó rầy rà. Nó xuống thuyền thời con theo con đường men bờ sông đi một quãng được chỗ khuất, lại đổi quần áo mà về chùa Hương để đón giết con vợ nó là đứa chính tay đã giết bạn con mà là chồng nó trước kia. Bởi con vợ nó biết con rõ lắm, nên con phải giả làm kẻ ăn mày, bù đầu, xõa tóc, bôi nhọ mặt, cắt da chân chẩy cả máu ra để cho được hệt. Tối hôm trước về ngủ ở quán Đìa, sáng giậy ra chợ Đục Khê ăn cơm, đi con đường Quán Ông Thang vào đò Suối, trưa thời đến Thiên Trù, nó còn ở đó; chờ mãi đến nhá nhem tối nó lên đồng xong mới ra hàng ăn cơm, rồi cùng với bạn lũ nó đi ra bến Hội Xá. Con liền theo, bọn nó ở bến đò Suối bước lên, đã gần qua hết làng Yến Vĩ, con đương bối rối không biết hạ thủ bằng cách nào. – Nguyên con ấy nó rất bạo dạn, thích ngộ đến đó nó bảo các bạn nó cứ đi ra bến trước, để nó rẽ đi đồng đã. Thật là giờ báo phúc của con đã đến, con bèn theo nấp ngay ở dưới gốc bụi tre ước nửa giờ đồng hồ thời nó lên qua đó, con nhìn trước nhìn sau thấy vắng, nên con ra liền nắm lấy tay nó, vốn nó hay trang điểm, nhân hôm ấy lại nắng ráo nên y phục nó chỉnh tề, nó tưởng con là người ở đấy ra cướp giật, con không để cho kêu, một tay giữ nó, một tay rút giao ra, mà bảo nó rằng: «Muốn nghe lời tôi nói thời im, hễ kêu thời giao này vào cổ ngay». Nó van lạy xin vâng.
- Chị có biết tôi là ai không?
Nó đáp rằng:
- Nghe tiếng thời giống bác Lương Xuân Tín bạn với nhà tôi xưa, song hình thù thời khác, vì cớ gì mà ám ảnh tôi; dây, vòng, hoa, nhẫn, hột của tôi đây muốn lấy hết đi tôi cũng xin vâng. 
- Không, tao đây không phải là giết người lấy của. Ừ, tao chính là Lương Xuân Tín, phen này nguyện có trời cao làm chứng, tôi xin báo thù cho anh Dương Đức Nghĩa đây. Hỡi Dương Đức Nghĩa ơi, anh đến ngày nay mới thực là an giấc ở dưới suối vàng không còn ân hận! Này, mày giết chồng trước đi theo thằng khách, nay thằng khách cũng đã chết trong tay tao rồi, thôi, bụng cá là mã thằng Ngô, đây thời là mồ con đĩ...
Nói đến đây, con e dùng dằng lâu thời lỡ, bụng con đã thấy dợn, con liền đâm mạnh một nhát vào cổ, nó kêu đánh «ức» một cái thời ngã, con lại sợ chưa chết, liền rút giao ra đâm mấy nhát rồi cắm vào cạnh sườn, vừa xong thời chợt nghe có tiếng người dủ dỉ với nhau trên con đường Quán Đìa, con liền gạt nó vào bụi tre, rồi lẩn vào trong cái ruộng dâu gần đấy, nhìn ra thấy có hai người quần áo trắng đi xuống ruộng mạ. Con lượn ra Quán Đìa lấy những bị, gậy, áo tơi rồi qua cầu Hạ Đoan đi một mạch. Đến chợ Sêu, người thấy mệt, bèn ra bến tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, vào hàng ăn quà, nghỉ một lúc lâu, đến quá nửa đêm thời đi. Ôi! Tội con thật là tội, song lòng con rất thỏa lòng, con nghe rằng nghĩa bè bạn là một đạo lớn trong nhân luân, trong kinh Lễ có nói:
«  », thù bè bạn không cho nó ở cùng nước với mình, thánh nhân đã dạy như thế, nghĩa làm người thời phải có nhân luân, giống người mà hơn giống vật chỉ có thế, nếu không có nhân luân thời thà chết đi còn hơn. – Khi bạn còn sống, ước hẹn những cứu nhau trong lúc nguy hiểm, thương nhau trong lúc nghèo nàn v.v., nếu mà nay quên thời là «thất tín»; bạn chết ở trong tay kẻ hung ác nếu mà không báo thù cho thời là «bất nghĩa»; sợ đeo tội giết người, nếu mà không tiết được cái oan hận cho bạn ở dưới cửu tuyền, thời là «vô hiệp»; giết người nếu mà bỏ trốn thời là «vô dũng»; mình làm nên tội, nếu để cho kẻ khác phải mang thời là «bất nhân»; làm điều phi pháp để lụy đến gia đình tộc thuộc thời là «vô trí»; đã không có tín, nghĩa, hiệp, dũng, nhân, trí, sao cho được làm người quân tử. – Con mà chậm đến đây, chỉ còn chút tình trong gia tộc, nay thu xếp đã xong, xin đem mình chịu tội trước cửa Cụ lớn...
MÀN CHÂU

Xem Tiếp: ----