uang đi chơi về khuya. Sợ mẹ biết, chàng rón rén đi lẻn lên gác, đến chỗ cái bàn kê ở giữa gác, vặn to ngọn đèn hoa kỳ lên, cởi áo, bỏ mũ ra, móc túi lấy một gói bánh để xuống bàn, rồi ngồi xuống ghế rót nước uống mà vui vẻ nói:
- Hôm nay đi ăn cỗ phải lấy phần về cho «mẹ đĩ» đây. 
Chàng nói thế là để lấy lòng vợ, vì đã mấy tháng nay, chàng đi chơi khuya về, thường bị vợ kỳ kèo nhất là từ ngày chàng vì quá chơi biếng học mà bị đuổi ở trường sư phạm đến giờ, vợ chàng lại hay gay gắt chàng lắm.
Chàng là trai Hà thành, con ông Tú nho, học có tài mà nhà nghèo, mẹ góa con côi. Nhân có ông bạn đồng song của bố, nhà giàu, yêu tài học của chàng mà gả con gái là cô Hường cho. Ý ông bố vợ muốn tác thành cho con rể nên người hữu dụng, cô Hường cũng tự phụ ví mình như những người vợ hiền đời cổ, giúp cho chồng là học trò nghèo mà học hành đến thành đạt. Cô thường ngâm câu phong dao:
Tôi là con gái Phụng thiên,
Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng. 
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,
Bõ công tẩm tưới vun trồng cho rau. 
Nhưng lấy được vợ giàu rồi, chàng cho là người đời chẳng qua là đi tìm mỏ cả, nay mỏ đã đào lên được rồi, tội gì mà không hưởng, tội gì mà còn phải học hành cho khổ, rồi sinh ra chơi bời đến mất cả chỗ học. Nợ nần đã nhiều, cô Hường, vợ chàng, tuy thất vọng nhưng vẫn bền gan, ngậm đắng nuốt cay, còn đồng tư trang nào bỏ ra mà trang trải cả cho chàng và khuyên chàng tu tỉnh lại mà học hành, mà chàng nhất định không nghe. Tuần lễ trước, một tối chàng đi chơi về khuya, vợ chàng gắt gỏng, hai vợ chồng sinh to tiếng với nhau. Rồi từ hôm đấy trở đi, hai vợ chồng không ai nói với ai một lời. Nhưng vì hôm nay chàng bị có mấy món nợ tiền hát, nợ tiền cờ bạc nó đều thúc ngặt lắm, không xoay xở vào đâu được, nhân tối đi hát về, chàng nghĩ ra một kế, bèn mua mấy cái bánh đem về vội nói dối là đi ăn cỗ, lấy phần về cho vợ, định làm lành để xoay món tiền đi trả nợ.
Chàng nói thế, rồi bưng cốc nước sì sụp uống, vì chàng đang say rượu khát quá.
Cốc nước uống cạn, không thấy vợ nói gì, chàng để cái cốc không xuống bàn cầm lấy gói bánh, giở ra mà vui vẻ nói: «Ở đám giỗ nhà bà tham Xuân, các cô con gái nhà bà ấy làm bánh khéo quá!»
Rồi cất tiếng gọi: 
- Thôi xin bà vuốt giận làm lành, mời bà dậy mà ăn bánh, tôi đã lấy phần về cho bà đây.
Cũng chẳng thấy nói gì, chàng quay nhìn vào cái giường màn kê ở mé trong xem vợ có giở mình không. Nhưng cũng không, cái màn vẫn im phăng phắc. Chàng liên đứng dậy đi đến giường vừa cười vừa nói:
- Gớm mình vờ mãi! Dậy mà ăn bánh, người yêu của tôi ơi!
Màn mở ra. Một sự ngạc nhiên làm cho chàng sửng sốt: vợ chàng không ngủ ở đấy. Chàng ngẩn người ra rồi cầm phắt lấy cái đèn, đi thẳng xuống nhà dưới, đến đầu giường mẹ, gọi mẹ mà hỏi:
- Thưa đẻ, nhà con nó có ngủ ở trong ấy với đẻ không? 
- Không... nó về trong Mọc rồi. 
Nghe mẹ nói, Quang làu nhàu hỏi: 
- Sao đẻ lại để cho nó về?
Bà Tú nói:
- Nó về thì mày bảo tao giữ sao được nó. Lúc tối nó hỏi tao nó về, tao bảo nó đợi mày về đến mai sẽ hay, nhưng nó nhất định không ở lại... Mà cũng chẳng ai hư như mày, chơi bời chẳng thiết gì đến học hành, để đến phải đuổi, lẻ nào nó chẳng giận. 
Nghe mẹ mắng Quang tấm tức giận dữ, nhưng chàng không dám cãi lại, chỉ giậm chân một cái rồi ngoắt đi lên gác. 
Buồn rầu, chàng gieo mình nằm vật xuống giường mà thở dài một cái thật mạnh. Vừa đặt đầu lên cái gối, chàng thấy một tờ giấy, liền cầm lấy đem ra vặn đèn lên xem, thì là một bức thư của vợ viết bằng bút chì như sau này:
Cậu Quang,
Tôi bỏ câu một cách đột ngột mà về như thế này thực không phải với cậu lắm. Nhưng vì tôi cực quá lắm rồi, không thể ở thêm lại được một phút nào nữa. Cậu nên biết rằng tôi vâng lời thầy đẻ tôi mà lấy cậu, là vì thấy cậu tuy con nhà nghèo mà có tài học. Tôi cũng muốn hết sức giúp cho cậu để học được đến nơi đến chốn, nên được người hữu dụng, trước là cậu được vẻ vang, sau là tôi cũng được tròn bổn phận làm vợ, nên chẳng dám tiếc gì công của với cậu. Ngờ đâu cậu lại là người vô chí, chỉ thích ăn chơi, chẳng thiết lập thân. Một người con gái như tôi thì không thể ăn đời ở kiếp được với một người vô chí như cậu. Vậy xin phép cậu tôi về. Từ nay quyết tuyệt, cậu đừng tơ tưởng gì đến tôi nữa. 
Nay kính thư,
HƯỜNG
Đọc xong bức thư, Quang choáng váng người như bị tiếng sét đánh mang tai, rồi nằm vật xuống giường như người bất tỉnh, chàng nằm thiếp đi một lúc rồi chợt tỉnh dậy. Chàng ngồi bó gối trên giường mà vẩn vơ nghĩ ngợi, nào giận người nào trách mình. Bây giờ chàng mới biết dại, cái dại của chàng nó cũng giống như cái dại của trăm nghìn thiếu niên khác, tính khí nông nổi không biết nghĩ lập chí cho thành, nên mới hóa ra những người học thì dở dở dang dang, chỉ lấy khoái lạc nhục dục làm mục đích, để đà lụy cho gia đình? Nhưng chàng dầu có hối thì sự cũng đã rồi, bây giờ chàng phải nghĩ thế nào để ngày mai đây thu xếp cho được yên mọi sự khó khăn. Vợ chàng đã quyết bỏ chàng thì không khi nào lại bỗng dưng mà trở về cùng chàng xum họp. Và cứ xem những lời thâm hận mà nàng viết trong thơ thì đủ biết lòng nàng đã quyết dứt tình phu phụ. Một việc cần cấp là vợ chàng đã quyết cùng chàng ly biệt thì ngày mai đây, chàng sẽ phải dọn đi chỗ khác ở, vì cái nhà mà chàng ở bây giờ là nhà của người chú vợ chàng cho vợ chồng chàng ở, ngày mai đây, chàng phải trở lại sống trong quãng đời cũ, một quãng đời mà chàng cũng như nhiều bạn thiếu niên vẫn cho là eo hẹp.
Chàng ngồi nghỉ một lúc như đã phát mình một điều gì hay, vùng đứng dậy lẩm bẩm: «Được!» Rồi chàng mở cửa sổ nhìn ra đường, vì bấy giờ đã gần sáng, vả chàng, trong lòng có điều lo nghĩ, nên không thể ngủ thêm được nữa. Chàng đứng ngắm cảnh cho qua thì giờ để đợi mẹ dậy, bàn với mẹ cái việc mà chàng đã quyết làm. Đứng trong cửa sổ, hô hấp không khí buổi bình minh, một thứ không khí thanh tân mà lâu nay chàng không được dịp hô hấp. Tự nhiên chàng cảm thấy tâm hồn khoan khoái nhẹ nhàng như cảm thấy một việc nó đã có thể làm cho chàng được thảnh thơi vui sướng.
Một chốc, đèn điện ngoài phố vụt tắt. Quang quay vào, toan xuống dưới nhà, bàn chuyện với mẹ, thì mẹ chàng đã lên. Mẹ chàng hỏi:
- Sao hôm nay con dậy sớm thế?
Bà Tú ngồi xuống ghế, nhìn Quang tỏ ý ái ngại: 
- Thế bây giờ con định thế nào? Có sang tìm nó nữa không?
- Thưa đẻ, nó đã quyết tuyệt với con thì đẻ bảo con tìm nó làm gì. Đã ra duyên sự thế, bây giờ con xin thưa với đẻ vài điều, đẻ dạy thế nào con cũng xin theo.
- Điều gì, con cứ nói.
- Con muốn nói với đẻ: nếu đẻ có thể xoay xở buôn bán để cho con lại đi học nữa thì là hay, bằng không thì con đi tìm việc làm, kiếm tháng ít nhiều để mẹ con nuôi nhau. Còn vợ con thì mặc nó, nó muốn lấy ai thì lấy, con cũng không cần. Con không cần vợ nữa, con chán cái lòng chim dạ cá của người đời lắm rồi đẻ ạ.
Bà Tú thở dài:
- Khốn nạn! Mẹ có một con, chẳng lẽ lại không có xoay xở cho con học được đến nơi đến chốn, mà để con phải vất vả long đong, thì sau này mẹ chết đi cũng không đành lòng. Và bây giờ mật ít ruồi nhiều, còn định tìm đâu cho ra việc mà làm. Thì cũng chỉ có một cách là lại đi mà học thêm, nhưng khốn nỗi nhà nghèo quá, biết nhờ vào đâu cho có vốn để mẹ buôn bán. 
Nghe mẹ nói, Quang thất vọng, buồn rầu, không nói gì. 
Một phút im lặng. Hai mẹ con ngồi nhìn nhau mà thở dài, rồi bà Tú cất tiếng nói: 
- Thôi được, con đã có chí thì mẹ nào lại tiếc công. Bây giờ hãng dọn đến thuê một cái nhà nhỏ ở phố Huế mẹ con ở. Rồi mẹ đi hỏi han những chỗ bạn hữu mà nhờ lấy một cái vốn để mẹ buôn bán, tần tảo mà nuôi cho con đi học.
Dọn đến phố Huế rồi, Quang thì nằm ở nhà đợi, bà Tú ngày nào cũng cắp nón đi suốt ngày, tối về lại thở dài nói không ai người ta cho vay cả. Quang buồn bã không biết là chừng nào. Hôm sau hết bà Tú đi về nói: «Có mot người bạn là bà Cả bằng lòng cho mẹ vay một cái vốn để buôn bán mà kiếm lấy đủ nhật dụng. Còn tiền học và quần áo cùng các phí tổn về việc học thì bà ấy giúp riêng cho, nhưng phải biên vào sổ, sau học thành đi làm được tiền thì trả dần lại bà ấy, vậy con định thế nào? 
Quang mừng rỡ nói:
- Thưa mẹ, thế thì còn gì bằng, con xin học không phụ công mẹ và không phụ ơn bà Cả. 
Ngày hôm sau người ta đã thấy Quang cắp sách đi học ở một trường tư. 
Thế là từ hôm ấy, Quang đã sống trong cái đời một cậu học trò kiết, nhưng chàng cho là thanh tao sung sướng hơn là khi trước chàng sống trong cái đời phiền hoa lêu lổng. Cần cù trong ngót một năm trời, thức khuya dậy sớm, năm sau chàng đậu bằng cao đẳng tiểu học. Đáng lẽ thì chàng đã đệ đơn xin bổ giáo học hay là thi thư ký tòa sứ để ra kiếm tiền. Bà Tú ngỏ ý của ân nhân là bà Cả nói rằng: «Ngày nay mật ít ruồi nhiều, những việc đó chỉ là cái nghề tạm thời mà cầu được cũng khó. Bà Cả còn muốn giúp cho con học lên nữa để được lấy một cái nghề chắc chắn và có ích hơn. Chàng liền đệ đơn xin thi vào học ban y sĩ trường cao đẳng.
Trong bốn năm trời, nhờ có mẹ vay mượn của bà Cả và bà Cả tư cấp cho về học phí, chàng yên tâm cứ việc cố sức học hành, chẳng tưởng gì đến vợ. Trước khi thi ra chàng chỉ mong cho Hường sớm lấy chồng đi cho rảnh. Có một lần, chàng đã viết chữ gửi vào Mọc cho phép nàng đi lấy chồng. Rồi từ đấy, cái hình ảnh Hường xóa nhòa trong trí nhớ chàng.
Kỳ thì ra, Quang đỗ đầu và được bổ vào tòng sự ngay ở nhà thương Phủ Doãn. 
Bấy giờ mẹ chàng mới nói cho chàng biết, bà Cả cho vay vốn và tư cấp tiền học ấy nhà ở phố hàng Bông, và bảo chàng đem sổ ra tính thì trong năm năm nợ của bà Cả đến hơn nghìn bạc. Trước hôm đi cung chức, mẹ chàng bảo chàng cùng đi đến nhà bà Cả để tạ ơn và nhận cứ tháng trả dần món nợ ấy.
*

*

Chiều hôm ấy... Quang ăn mặc chững chạc cùng mẹ đi lên phố hàng Bông. Đến trước một cái nhà hai tầng, bà Tú đập cửa gọi. Người vú già chạy ra mở cửa. Bà Tú hỏi:
- Bà Cả có nhà không?
- Thưa cụ, có ạ! Rước cụ và thầy vào chơi.
Quang cùng mẹ đi vào. Vừa bước chân vào, chàng thấy ngoài hiên kê mấy cái giá hàng mới đóng, trong xếp sẵn đồ hàng như để sắp sửa khai trương một cửa hàng.
Vú già khép cửa lại rồi mời mẹ con Quang vào phòng khách. Phòng trang hoàng sơ sài nhưng trông có vẻ lịch sự một cách rất tao nhã; giữa phòng, một bộ ghế sa lông chạm; trên cái kỷ ở giữa một lọ hoa tươi như hớn hở nhoẻn miệng cười chào quí khách. Liền đó, một cái phòng ngủ, cánh cửa hé mở, Quang liếc mắt trông vào: giữa phòng, một cái giường kiểu tây bằng gũ, mắc một chiếc màn the mầu hồ thủy và hai lá cửa màn mắc lên hai cái gọng bằng bạc. Một cái lai màn thêu rất tinh tế. Mặt giường có nệm, trên nệm, giải mặt gấm, đầu giường một đôi gối thêu. Xung quanh tường kê những hòm, tủ áo có gương, và trên tường treo những bức tranh ảnh lồng kính trông rất đẹp, hết thảy đều có trật tự tinh khiết. Mà rất lạ một điều là từ giường màn, nệm gối đều như mới nguyên, các đồ vật đều như mới sắm sửa, rõ như một cái động phòng để đợi một đôi tài tử giai nhân sắp sửa tới kỳ hợp hoan ở dưới bóng đuốc hoa vậy. Quang nghĩ bụng nhà bà Cả đây có lẽ sắp có tiệc cưới cho con thì phải. Còn đang ngơ ngẩn thì vú già bưng khay nước ra và nói:
- Xin rước cụ và ông Đốc xơi nước, mợ... à quên, bà con còn đương giở làm cơm. Bà con bảo chả mấy khi cụ và ông Đốc đến chơi, xin mời cụ và ông ở xơi cơm với bà con. 
Bà Tú tủm tỉm: 
- Được, vú vào nói với bà, bà đã có lòng cho ăn, chúng tôi xin ở lại. 
Quang e lệ, bảo mẹ vào xin lỗi bà Cả đi về, khi khác sẽ đến, vì chàng sợ phiền quấy. Nhưng bà Tú bảo đối với ân nhân không thể từ chối được.
Một chốc thấy có tiếng giầy ở nhà trong nhè nhẹ đi ra. Quang đoán là bà Cả, đứng dậy chắp tay để chào. Khi bức màn vén lên, Quang giơ tay toan vái chào, thì bỗng chàng ngẩn người ra không nói được lời nào, vì bà Cả trông giống vợ Quang như tạc. Bà Cả cũng đứng nhìn Quang mà tủm tỉm cười. Mẹ Quang đứng dậy giắt tay Quang đến gần bà Cả và nói:
- Đây, ân nhân của ta đây, con đến mà tạ ân người đi.
Đến bấy giờ Quang mới hiểu rõ lòng vợ. Chàng sung sướng quá, nhưng vì quá cảm động cái chí cao của vợ mà không nói được ra lời. 
Bữa cơm tối hôm ấy rất vui, vui hơn bữa cỗ ngày Quang lấy vợ, nào nỗi tan hợp, chí kiên nghị, hai vợ chồng thi nhau mà nói.
Cơm nước xong, Quang cùng bà thân cũng ở luôn lại đấy, vợ Quang cho người xuống phố Huế xe đồ của Quang về. 
Ngày hôm sau trở đi Quang thì đi làm, vợ với mẹ ở nhà buôn bán. 
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----