ột nhà họ Trí kia, ông tổ đời thứ nhất tu về đường thanh tĩnh, đời gọi là Bồ tát giáng sinh, ông tổ đời thứ hai tu về đường từ bi, đời gọi là Quan âm tái thế. Từ đấy về sau đời đời nối dỗi, đều thừa nhận bụt chùa nhà là thiêng, tuy hoặc có khéo có vụng về đường tu, nhưng tu nhiều được phúc, tu ít được duyên, đã có thiện nhân đều có thiện quả cả. Vì nhà đã có sẵn chùa, chùa đã có sẵn bụt, nào là bụt giới tham, túi áo cà sa vẫn thường rỗng tuếch, nào là bụt giới tửu, chống gậy xá lị đuổi con ma men, nào là bụt giới sắc, cầm gươm phù đồ chém thằng quỉ sắc, nào là bụt trang nghiêm, giương mắt kim cương soi xét nhân quả; nào là bụt khổ hạnh, đem thân Bồ tát gửi với cỏ cây, nào là bụt cứu khổ cứu nạn, ra tay chở thuyền bát nhã vớt kẻ trầm luân; trong chùa nhô nhố những bụt, chẳng thiếu gì bụt. Mà cảnh chùa thì cây trăm thước hoa bốn mùa, chẳng thiếu gì cảnh; phép Phật thì phương ngũ giới đường tam qui, chẳng thiếu gì phép.
Kịp đến đời chàng Ngu viên công tử, chàng tuy là kẻ ngu, nhưng thực là kẻ dốc lòng tin đạo; cho rằng người ta ở thế gian họa hay phúc, khổ nạn hay vinh hoa, đều bởi Phật độ hay là Phật giúp cả. Kỳ thủy chàng cũng theo lối tổ tiên tín ngưỡng chùa nhà, đêm đêm tụng kinh ngõ mõ như quốc kêu, hằng ngày nhiệt thành niệm Phật, cái câu na mô Phật chùa nhà, na mô Phật chùa nhà, khi ăn ở lúc ra vào, ngõ hầu không lúc nào dứt miệng.
Về sau chàng phát tâm cầu nguyện. Lần thứ nhất chàng thắp hương cầu nguyện phát tài, ngày đêm niệm rằng: Lạy Phật Quan âm vô lượng, tôi có bì bõm canh sóc đĩa, lu bù cuộc tổ tôm, và xuất bản cuốn thơ tân thức, cuốn tiểu thuyết ái tình, xin lượng Phật độ cho phát tài, tôi xin trả ơn Phật một câu danh dự rằng: «Chùa nhà đệ nhất Phật tổ». Kịp khi tiến hành thì sóc đĩa khát nước mũi, tổ tôm chèo đò mãi, cuốn thơ, cuốn tiểu thuyết rao hàng mãi đã mỏi miệng mà chửa ai hỏi đến; sự cầu nguyện ấy đã không linh ứng.
Lần thứ hai chàng thắp hương cầu nguyện vợ đẹp, ngày đêm niệm rằng: Lạy Phật Như lai chứng quả, tôi có sở cầu được thờ một người vợ mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, liễu hờn kém xanh, hoa ghen thua thắm, những nghề tài hoa thì bất tất nghề cầm nghề kỳ, nghề thi nghề họa gì cả, chỉ biết một nghề cầm thìa rượu săng tê hay là nghề nhẩy đầm là đủ, xin lượng Phật độ cho gạ được người ấy về mà thờ, thì tôi xin trả ơn Phật một câu danh dự rằng: «Chùa nhà đệ nhất Thiền môn». Kịp khi tiến hành thì vớ ngay được một gái giang hồ, từ đấy phải hằng ngày nghiên cứu về vấn đề thuốc hoa liễu; sự cầu nguyện ấy lại không linh ứng.
Lần thứ ba chàng thắp hương cầu nguyện hay chữ, ngày đêm niệm rằng: Lạy Phật Đại sĩ chứng minh, tôi có sở nguyện một điều là hằng ngày nghiên cứu về tính chất quế lộ tính chất sâm banh, hằng đêm siêng chăm về công việc bàn pha lê khây vân mẫu, mà tờ báo nào cũng nổi tiếng là nhà ngôn luận nhà thi ca, tụi sách nào cũng trứ danh là nhà trứ tác; xin lượng Phật độ cho nổi được danh ấy, thì tôi xin trả ơn Phật một câu danh dự rằng: «Bụt nhà đệ nhất từ bi». Kịp khi tiến hành, thơ thì tiếng gà gáy gở, tiếng dế kêu sầu; thơ gì thơ thẩn; văn thì cắt giấy phiết hồ, chắp chánh nhà táng, văn gì văn veo; đi đến đâu người ta cũng cười rằng dốt; sự cầu nguyện ấy lại không linh ứng.
Lần thứ tu chàng thắp hương cầu nguyện làm quan, ngày đêm niệm rằng: Lạy Phật Hoa nghiêm Tam bảo, tôi có sở ước một điều là cửa thật cao, nhà thật rộng, ngựa thật béo, xe thật to, cơm thật no, áo thật ấm, vợ thật đẹp, con thật sang, túi thật nặng, trừ phi nghề đèn trời không mau chóng đạt tới mục đích ấy, xin lượng Phật độ cho đạt tới mục đích ấy, thì tôi xin trả ơn Phật một câu danh dự rằng: «Bụt nhà đệ nhất bồ tát». Kịp khi tiến hành, len lỏi mãi mới được một bước đèn trời cỏn con; chẳng bao lâu bị tội tham tang cách tuột, sự cầu nguyện ấy lại không linh ứng.
Lần thứ năm chàng thắp hương cầu nguyện nhiều thóc, ngày đêm niệm rằng: Lạy Phật Linh Quang phổ tế, tôi có hi vọng một điều là ngày giáp hạt thì mình phát bồ đề tâm lấy thóc cho người vay, đến ngày mùa màng thì người đem số thóc trả lại, có lãi bội tam bội tứ, trừ phi có nhiều thóc không đạt được hi vọng ấy; xin lượng Phật độ cho đạt được hi vọng ấy, thì tôi trả ơn Phật một câu danh dự rằng: «Bụt nhà đệ nhất bồ đề». Kịp khi tiến hành thì cứ mất mùa luôn, chỉ đủ thóc hàm nhai, không đủ thóc làm phúc đức, sự cầu nguyện ấy lại không linh ứng.
Từ đây chàng cho bụt chùa nhà là không thiêng, trước còn đem lòng hoài nghi, sau đem lòng tức giận, đem chùa nhà phá đi, đem bụt nhà bỏ đi. Quan âm chùa nhà chàng vứt một nơi, La Hán chùa nhà chàng quăng một xó, mưa gió đìu hiu, chùa ơi là chùa! Lơ trơ lỏng chỏng, bụt ơi là bụt?!! Chàng mới đội nón khoác áo ra đi, đi nam đi bắc, đi đông đi tây, hằng ngày bơ vơ ở ngoài đường, người ta hỏi chàng đi đâu? Thì chàng đáp rằng: «Tôi đi cầu Thích Ca đây, tôi đi cầu Thích Ca đây».
Bắt đầu chàng gặp một người trạng mạo xấu xí hung ác, khác với người thường, chàng tưởng là Thích Ca, chắp tay niệm Phật. Người ấy cười rằng: «Tôi không phải là Phật, là Ma Vương đây. Chàng muốn qua chơi địa phủ không?» Chàng nghĩ bụng rằng bơ vơ ở giữa đường mãi thế này thì cũng vô ích, chi bằng ta qua chơi địa phủ hoặc có s ở kiến gì chăng. Đến nơi thì thấy lũ quỉ đương phụng lệnh Ma vương nấu một vạc dầu, đem một tội nhân trông ra dáng văn sĩ, luận về tội bình sinh hay làm ra văn chương sách vở tà dâm, phá hoại đạo đức của nhân loại, sắp sửa bỏ vào vạc dầu. Ma Vương vội vàng phán lại rằng: «Người này tội nặng, vạc dầu cũng chửa xứng, nếu bỏ vào vạc dầu thì hết kiếp ngay, chi bằng bắt người ấy lại lên thế gian hóa kiếp làm con bọ hung, để thế gian kiếp kiếp chê cười sỉ mắng, là đáng kiếp hơn». Ma vương phê phán án ấy xong, đoái lại bảo chàng rằng: «Tôi vốn là kẻ làm ác, nhưng tôi đã phụng phép Phật, từ rày trở đi tôi chỉ đứng về vai hộ pháp cho Phật mà thôi; hễ kẻ nào làm trái phép Phật, thì Ma vương này sẽ tất làm cho trông thấy nhãn tiền mà chẳng tha. Nghe đâu Phật còn có một vị Tán Hoa thiên nữ, hễ ai làm thiện thì Phật gả cho đấy. Chàng nghe nói khôn xiết hâm mộ, tức khắc từ giã Ma vương lại đi lên tìm Phật Thích Ca.
Thứ hai, chàng lại gặp một người đàn bà yểu điệu, mày ngài mắt phượng, mà trên tay ẵm một thằng bé xinh xinh. Chàng nghĩ bụng rằng dễ thường Tán Hoa thiên nữ đây chắc. Tiến lại gần hỏi rằng: «Bà có phải là vị Tán Hoa đấy không? Con bà đấy, chồng bà đâu?» Người đàn bà ấy chỉ mỉm cười trả lời rằng: «Tôi là Thị Kính, không phải là Tán Hoa, tôi chỉ có con mà không có chồng». Chàng lại nghĩ bụng mừng rằng sự nam nữ của nhà Phật cũng tự do lắm thay! Đạo Phật ở ngoài đường quả là hơn đạo Phật ở nhà. Rồi chàng cứ theo miết Thị Kính mà kêu nài rằng cho tôi tu với! Thị Kính thấy chàng phát hiện ra thói trần tục, mới quay đầu lại mắng rằng: «Hỡi tục khách ơi! Phàm sự phải cầu lấy nguyên nhân, chớ lơ láo mà hiểu lầm». Kính Tâm tôi lấy chàng Thiện sĩ, tỉa râu chồng mang tiếng bội phu; trở về chùa thì phát đi tu, phần là gái khôn bàn phải trải, ấy nguyên nhân chồng tôi là thế; hồn bướm mơ màng nghìn dặm cách, nghĩa vò chăm chút bốn năm thâu, ấy nguyên nhân con tôi là thế thế, kể rõ cho chàng nghe. Chàng nghe nói lấy làm chán bét, mới dừng chân lại mà chẳng tưởng đường tu nữa.
Nhưng chàng vẫn tơ tưởng vì Tán Hoa thiên nữ, cố đi tìm lấy Thích Ca, họa may có kết quả gì chăng. Lạ gì chàng đã có công đi cầu Phật, thì Phật cũng chẳng phụ gì chàng. Quả nhiên giữa đường gặp một người thân là thân vàng, sắc là sắc ngọc, quả là ông Thích Ca. Thích Ca thấy chàng bơ vơ ở giữa đường, bắt đầu hỏi ngay chàng rằng: «Chúng sinh đi đâu? Muốn cầu ta tế độ đấy phải không? Cửa Phật cũng không hẹp gì, cứ đi với ta mà dốc lòng làm thiện, ta sẽ ban cho quả phúc hẳn hoi. Chàng khi đó mới cả mừng, nghĩ bụng rằng điều quả phúc thì chắc hẳn là Tán Hoa thiên nữ, duy điều thiện là gì thì mình chửa lĩnh hội được, nhưng Thích Ca đã hứa lời ban cho đó, thì mình sống chết cũng đi theo.
Chàng từ đấy chẳng quản dặm cỏ đường mây, nắng mưa khó nhọc, chỉ một niềm đi theo Thích Ca. Ban đầu thấy Thích Ca cưỡi voi, chàng đi theo sau cúi nhặt lấy bã mía, nhân phát nguyện rằng bã mía ở ngoài đường ngày nay, quả là mát mẽ hơn bát nước dương chi ở nhà ngày trước. Nối đó thấy Thích Ca ăn chuối, chàng đi theo sau cúi nhặt lấy võ chuối, nhân lại phát nguyện rằng võ chuối ở ngoài đường bây giờ, quả là thơm tho hơn tòa sen tam bảo ở nhà năm nọ.
Rồi chàng cứ hàng ngày hàng tháng đều đều đi theo sau Thích Ca ở ngoài đường, mà kêu khan kêu vã hỏi rằng điều thiện là gì? Xin Thích Ca sớm sủa bảo cho tôi để tôi làm; bao giờ Thích Ca mới ban cho quả phúc? Tôi lấy làm nóng lòng sốt ruột lắm. Cuối cùng Thích Ca mới bảo cho rằng ngỡ anh làm điều gì, chứ anh làm điều thiện thì bất tất phải theo ta; giáo pháp của ta chẳng qua thanh tĩnh để tu hành, thực thà không giả dối, từ bi quảng đại, để cứu khổ cứu nạn cho người đấy thôi, anh cầu ta ở ngoài đường mãi thế này, chẳng ngu lắm thay! Anh cứ về nhà mà tu sẽ tự nhiên cũng được quả phúc.
Nhưng chàng vẫn nghĩ bụng rằng Thích Ca còn nói dối ta, hay là Phật sợ rằng ta nếu thóc mách biết đường làm thiện, thì sẽ có một ngày kia ta phỗng được vị Tán Hoa thiên nữ của Phật, mà Phật không chịu bảo thật ta chăng. Nên chi chàng chẳng bỏ Thích Ca mà vẫn cứ đi theo. Lạ gì Thích Ca tài đã cao, sức đã mạnh, mà bước chân đi lại dài, chàng chẳng qua là hạng người tài lực đã bình thường, trí thức đã vẩn vơ, bước chân đi lại ngắn, theo thế nào được Thích Ca. Quả nhiên đi đến một trái núi cao, chàng theo Thích Ca đi đến lưng chừng núi, tài hết sức hết, đi theo chẳng kịp, ngã lăn xuống chân núi, ngảnh đầu trông lên, thì Thích Ca đã mất hút, như con hoàng hạc bay đi chẳng thấy đâu nữa. Chàng ngồi ở chân núi ít lâu, than trời than đất, khóc gió khóc mây, rồi cười khì đứng dậy, lại quay gót đi về nhà.
Chàng vốn có một cái đặc tính, là cái tính hay ngứa nghề, ngứa nghề làm thơ, ngứa nghề làm sách, ngứa nghề làm quan, ngứa nghề làm giàu v.v. nghề gì chàng cũng ngứa, không chịu ngồi yên. Lại nhất là nghề tu, thì chàng lại càng ngứa lắm, một ngày không thắp hương niệm Phật, thì chàng cũng không ăn ngồi được yên.
Khi đó chàng đi cầu Thích Ca ở ngoài đường đã thất bại mà chàng trở về, chàng lại lóp ngóp dựng chùa lại, xuýt xoa khuân bụt về, chẳng bao lâu lại trang nghiêm ấm cúng như cũ.
Chàng tái hội tu hành ở chùa nhà được ít lâu, trong thời kỳ tu hành đó, sửa sang kinh kệ cũ; cứ đến mồng một thì ăn chay nằm mộng, đến ngày rằm thì liệu oản đọc canh; hồi đầu mà húp lại bát nước dương chi, mới biết miếng bã giả ở ngoài đường là vô vị; xám hối mà đặt lại tòa sen tam bảo, mới biết cái vật vỏ xác ở ngoài đường là vô tình, chàng mới phát khởi ra được một cái quan niệm rất chánh đáng rằng:
Sắc thị không, không thị sắc, thế gian cái gì chẳng là sắc, cái gì chẳng là không, việc gì phải thờ cái sắc đẹp. Phật tức tâm, tâm tức Phật, thế gian đi đâu chẳng là Phật, ở đâu chẳng là tâm, việc gì phải cầu Thích Ca ở ngoài đường. Người ta ở thế gian chỉ điều thiện là nên làm, chỉ làm thiện là rất vui, thôi thì ta về ta tu chùa nhà, dù khéo dù vụng chùa nhà là hơn! Tu để làm gì? Tu để mà tạo lấy thiện nhân, cầu lấy thiện quả; ta tu đâu ví bằng ta tu chùa nhà, bỏ ác làm thiện ấy lá chân tu.
Lại được ít lâu, bụt chùa nhà báo mộng cho chàng biết rằng: Chàng Ngu viên công tử kia ơi! Chàng bấy lâu tu hành ngõ hầu đã đắc đạo, nhà Phật đã tặng cho chàng cái huy hiệu xứng đáng là «Trí quốc kim tiên» rồi đấy; thế gian hằng cứ tu đi, có cái danh hiệu Trí quốc kim tiên, sẽ có cái hi vọng Tán Hoa ngọc nữ; đó là thiền cơ vậy, là Phật lý vậy! Trí quốc kim tiên ơi! Trí quốc kim tiên cứ tu đi! Trí quốc kim tiên đừng sợ mất phần đâu!
Bụt bảo chàng xong, bụt lại tặng cho chàng một câu kim tiên đối với ngọc nữ để chứng minh công đức cho chàng. 
Câu rằng:
Nhà sẵn vườn xuân xuân hồng xuân tía, xuân sớm xuân chiều, trông vào non nước đâu xa, hoa rắc bốn mùa tay ngọc nữ.
Tu là cõi phúc, phúc tổ phúc tiên, phúc con phúc cháu, cốt ở tảng nền cho vững gác để muôn trượng chữ kim tiên. 
Chàng chiêm bao sực tỉnh dậy, khôn xiết bâng khuâng, khôn xiết mừng rỡ, than rằng bụt chùa nhà thiêng thật!
TÙNG VÂN

Xem Tiếp: ----