gày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”, tiếng hát vang vang trong xe làm tôi vui lên, nghe ấm lòng và cơn ngái ngủ cũng tan đi. Khác với mọi khi, tôi tăng thêm volume để nghe cho đã. Tiếng hát vang lên thật rộn rã, thật vui tươi. Dòng xe dường như hối hả hơn, nhộn nhịp hơn trong nắng xuân vàng tươi, trong tiết xuân se lạnh.Lại thêm nhiều lần, nhiều lần nữa xin cám ơn Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương đã để lại cho đời nhạc phẩm Ly Rượu Mừng thật hay, thật tuyệt từ xưa đến nay. Và, cả sau này nữa chắc gì có một bài ca Xuân tuyệt như vậy đâu!Cũng không quên cám ơn quý anh chị làm truyền thanh truyền hình đã nhanh chóng bắt kịp dòng thời gian mà mời khán thính giả thưởng thức… “mùa nào, nhạc nấy”.Mới tuần trước đây, tôi được nghe nhạc phẩm Mừng Nắng Xuân Về của Nhạc Sĩ Huỳnh Anh, hay không chê vào đâu được qua giọng hát ngọt ngào của Thiên Kim “Nắng xuân về trên muôn hoa, nắng xuân về tươi thắm mọi nhà. Người người vui đón xuân đã về, một mùa xuân mới chan chứa tình… ”.Tháng Giêng 2016, đọc được trên bbc.com năm nay bài “Ly Rượu Mừng… (sẽ) được phép rót!” ở quê nhà - “Sau 41 năm, giai điệu của ca khúc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được Hà Nội cấp phép hát trở lại trên quê hương” (bbc.com) - mà nghe lòng vui sao, vui như đang nghe tiếng pháo nổ vang xóm mình tuy còn một tháng nữa Tết mới đến.Ừ… Phải thế chứ! Lẽ nào một bài ca thật hay thật tuyệt như thế mà phải bị chết dần chết mòn theo thời gian.Từ lâu, rất lâu, năm nào cũng vậy, cứ trước và sau Tết cả tháng trời, chúng ta luôn được nghe bài ca Ly Rượu Mừng rất quen thuộc vang lên khắp nơi từ thành thị tới nông thôn. Trong mọi tầng lớp, hình như ai ai cũng thuộc lòng đôi câu bài ca này để nghêu ngao cho vui miệng, để chào đón Xuân đang về với mình, với đất trời… Cũng như người lính, trong các buổi trình diễn văn nghệ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ ở hậu phương hay tiền đồn, học sinh nam nữ thì thuộc lắm “Rót thêm tràn đầy chén quan san. Chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sống cuộc đời lành. Mừng người vì Nước quên thân mình”.Suốt cả bài ca, từ đầu đến cuối, đủ các thành phần xã hội, nào Sĩ Nông, nào Công Thương Binh… trên tay ai nấy đều có ly rượu mừng Xuân để cùng nói với nhau, để cùng hát lên “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi… ”. Và, trên nửa thế kỷ rồi, Ly Rượu Mừng đã thật tự nhiên êm thấm đi vào lòng người miền Nam, rồi nằm luôn ở đó với bao ấm áp, bao thân thương, gợi nhớ…Ngày Xuân mà không có Ly Rượu Mừng thì vô vị biết bao!Ly Rượu Mừng đem láng giềng xích lại gần nhau hơn… Ly Rượu Mừng kết nối thêm bạn bè… Ly Rượu Mừng xóa tan bao giận hờn trách cứ…Nhớ có lần không phải ngày Tết, vì vui quá trong dịp thằng bạn “rửa lon”, tôi đã “quá chén” tới quắc cần câu, chẳng biết trời trăng gì. Bạn bè khiêng vô nhà sau, ném lên phản gỏ, nằm chèo queo, “quê một cục”… Giờ nhớ lại, thấy vui chi lạ, nhớ bạn chi lạ!Cùng với Ly Rượu Mừng, hàng loạt bản “Nhạc Vàng” cũng đã trở lại rất nhộn nhịp và rầm rộ trên các sân khấu ca nhạc, trên các đài truyền hình bên nhà với rất đông khán thính giả hâm mộ. Hiện nay có mấy show ca nhạc trên các đài truyền hình đó với sự góp giọng của các ca nhạc sĩ trẻ, như hai show Solo Cùng Boléro và Bước Chân Hai Thế Hệ mà đa số là hát “Nhạc Vàng” - một loại nhạc đã bị cấm, bị coi là “ủy mị tiểu tư sản” trên bốn-mươi năm qua.