Với Bích Hải, những ngày “Người Rừng” ở Sàigòn là những ngày vui nhất, vui hơn cả những ngày Tết cùng lũ em đứng xếp hàng chờ “bà con” vừa phát lì xì vừa than:
- Con bé này sắp lấy chồng đến nơi mà còn “dám” đòi bác (chú, cô, chị...) mừng tuổi nữa à?
Và Bích Hải sẽ dẩu môi, nhún chân chân:
- Cháu (em...) còn nhỏ xíu mà bác! Bác thì lì xì Hải đặc biệt hé, Bác.
Thế nào mẹ cũng mắng yêu:
- Con bé này đến hư, không biết lấy chồng rồi nó có lớn hơn được chút nào không?
Lúc ấy Bích Hải sẽ lại nhủ thầm:
- Em... người lớn từ lâu rồi anh nhỉ?
Bích Hải tiếc là không có “Người Rừng” ở đó để bắt trả lời.
Hai ba năm rồi, năm nào cũng thế, Tết nào cũng vậy, cũng bằng ấy cử chỉ. Và, Bích Hải vẫn chỉ tiếc một điều là không có “Người Rừng” ở đó để nghe để thấy không khí gia đình dễ thương ấy.
Lần về phép trước Tết này của Người Rừng, Bích Hải đã tính kỹ lưỡng một chương trình đâu vào đấy, vậy mà không thực hiện được. Nhưng niềm vui vẫn đầy ắp trong hồn. Và thời gian qua nhanh kinh khủng, khiến Bích Hải tưởng như Người Rừng chưa hề về phép.
Hai người đi cạnh nhau. Người Rừng bước từ tốn; một tay đỡ nhẹ cánh tay Bích Hải, dìu đi dọc các cửa hàng trong Tax.
Thỉnh thoảng Bích Hải cố tình nhìn lên để thấy Người Rừng cúi xuống, âu yếm mỉm cười. Buổi trưa, nhưng nắng không gắt vì ít hôm nay trời nắng nhạt, Bích Hải vừa thấy yêu thích lại vừa nôn nao tội nghiệp. Hẳn là ngoài Trung bây giờ cực khổ lắm. Biết bao nhiêu người không cửa, không nhà. Bao nhiêu người đói rét và chết nữa. Những học sinh, hướng đạo sinh đi từng toán gắn phù hiệu cứu trợ trên các hè phố càng gợi cho Bích Hải sự tội nghiệp bâng khuâng. Bích Hải gọi khẽ:
- Anh Vũ.
- Vũ - Người Rừng – cúi xuống, giọng thật êm:
- Gì thế, Bé?
- Tội nghiệp ghê nhỉ, anh!
Người Rừng ngạc nhiên:
- Tội nghiệp gì. “Chú”?
- Tội nghiệp những người bị bão lụt.
Người Rừng “à” một tiếng. Rồi tiếp:
- Ừ, chú tính… ra tay nghĩa hiệp đấy hở?
Bích Hải cười. Người Rừng đưa tay giữ cậu bé Hướng Ðạo lại nửa đùa nửa thật:
- Này em. Cô này xin được góp của này.
Cậu bé Hướng Ðạo reo vui:
- A, hay quá, chị cho em gắn…
Bích Hải tủm tỉm cười, mở bóp, loay hoay. Người Rừng liếc mắt nhìn vào, làm bộ thở dài:
- Còn năm trăm… đặt cọc tiền giầy phải không? Thôi để anh “đi trọn con đường trần” cho.
Rồi rút tờ một trăm trong túi bỏ vào thùng tiền. Cậu bé Hướng Ðạo cười và cám ơn, bỏ đi.
Người Rừng thở ra:
- Của người phúc ta!
Bích Hải cấu vào tay Người rừng một phát đau điếng, làm bộ giận:
- Tại người ta không có tiền lẻ chứ bộ. Ai thèm…
- Vâng, vâng. Biết rồi. Ai thèm lấy của anh, nhưng nếu không lấy thì người ta… kẹt. Còn mỗi năm trăm…
Bích Hải đỏ mặt:
- Anh… xấu tính. Lát về em trả lại cho mà xem.
Người Rừng làm hòa:
- Thôi mà. Em cứu trợ đồng bào là mtộ việc đáng khen chứ sao. Miễn đừng “cứu Chợ” là được rồi.
Bích Hải ngạc nhiên:
- Cứu chợ gì?
- Thì em ra chợ, ngồi rút chân lên ghế theo miếng võ “chân chống chân chèo” và oang oác gọi: “cho tôi ba… mẹt bún chả, nhiều rau, nhiều thịt nhiều bún, nhiều mắm ớt, nhiều đồ chua nhưng đừng tính thêm tiền nghe”. Cứu cái điệu đó…
Bích Hải dài miệng “ứ ừ” phản đối Người Rừng, đưa tay cấu chí lia lịa. Giữa đường mà Người Rừng bất chấp ánh mắt người qua lại tò mò nhìn, nhảy cà tưng cà tưng lên để tránh né, miệng la oái aói:
- Chứ không đúng sao mà còn cãi?
Hai người vừa đi vừa nô đùa, Bích Hải nghĩ thầm: Anh chàng này phá như giặc. Vậy mà không hiểu sao khi hành quân người ta lại nghe lời anh ấy chứ? Ông lính hôm nọ về phép, mang dùm thư đến nhà lại ca tụng anh chàng là “Trung úy nghiêm lắm, nhưng lại chịu chơi với đệ tử nên ai cũng mến”. Bích Hải hơi lạ trước lối nói chuyện của người lính, ông ta kêu Người Rừng là “ông thầy” và xưng đệ tử ngon lành.
Có lần Hải hỏi, ở đơn vị anh làm chức gì mà thiên hạ phải nghe lệnh anh, Người Rừng tỉnh bơ trả lời:
- Anh là… người lính chung tình.
Bích Hải nhăn nhó:
- Thôi mà, cải lương thấy mồ.
- Nếu vậy anh xin nói lại: Anh là… lính Biệt Ðộng.
- Biết rồi, biết ông là Biệt Ðộng Quân từ “phia” rồi. Nhưng anh làm gì mà người ta chịu nghe anh chứ?
Người Rừng nghiêm mặt:
- Quân đội có kỷ luật thép. Ai cũng phải tuân theo quân kỷ đó. Chỉ có em không phải nữ quân nhân mới… ba gai vậy thôi.
Bích Hải hăm he:
- Em làm gì mà anh bảo em ba gai?
- Chứ lại không à? Hơi một chút là hoạnh họe người ta vậy mà chính mình chẳng bao giờ nghe lời ai hết. Muốn làm gì thì làm. Muốn nói gì thì nói…
Bích Hải tự cảm thấy mình… hiền, mình người lớn. Trái lại Người Rừng không thế. Mất cả vẻ nghiêm trang, đạo mạo khi ở đơn vị. Cởi bỏ bộ đồ rằn, cái mũ dạ nâu ra trông Người Rừng thật trẻ con, lấc cấc, nhí nhảnh. Không có vẻ gì của một ông Trung úy, nhưng lại đầy dáng dấp của một Người Rừng, một kẻ quanh năm lặn lội giữa rừng già, bùn đọng. Trông Vũ… rừng rú ghê. Ðiều này Bích Hải nghĩ đến từ lâu nên đặt tên cho Vũ là Người Rừng.
Ðang đi bỗng nhiên Người Rừng cất tiếng:
- Bé này!
Bích Hải làm điệu:
- Gì cơ anh?
- Em có mua gì không?
- Mua gì?
- Vải may jupe, áo dài, đặt đóng giầy hippy… vân vân và vân vân?
Bích Hải la lên:
- Không chịu đâu. Anh trêu em tối ngày à. Em sắp sửa hồi nào?
- Thì thôi. Anh cứ tưởng em thích anh đi cùng, chọn mua mấy thứ đó.
Và thản nhiên:
- Em có mua tạp chí về đọc trong mấy ngày đầu Xuân không?
- Mua cuốn gì bây giờ?
- Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Diễn Ðàn, Phụ Nữ Ðẹp, Phụ Nữ…
Bích Hải thoi vào ba sườn Vũ:
- Anh chê em… cải lương hả. Còn lâu em mới đọc mấy tờ đó. Người ta đọc Ðiện Ảnh, Kịch Ảnh, Tiền Phong, Thứ Tư chớ bộ.
- Chà, xôm nhỉ. Ra cái điều thông suốt các mục ăn chơi của Thế Giới dữ ạ?
Bích Hải nguýt dài một cái “nghỉ anh ra, không thèm chơi với anh nữa.”
Người Rừng cười hề hề, âu yếm:
- Thôi mà cưng. Nhất cưng của ah mà. Có thế người ta mới mê cưng “tít thò lò” chứ bộ.
Bích Hải phì cười:
- Anh thì lúc nào cũng diễn trò... cải lương. Ghét anh ghê!
Người Rừng rủ:
- Mình chui vào xi nê nhé.
Bích Hải làm ra vẻ đắn đo:
- Film ở đâu hay?
- Rex! Chứ Eden anh coi rồi. Rex có phim La Partenaire hình như... được lắm.
Bích Hải gật đầu đồng ý:
- Ừ. Vào coi đi. Buổi chiều nay đẹp nhưng buồn quá à. Em cứ nghĩ...
- Biết rồi. Em thương đồng bào bão lụt...
Bích Hải lườm Vũ:
- Anh chỉ tài nói móc người ta thôi.
Vũ cười xòa, bảo em chờ anh vào mua vé. Bích Hải âu yếm nhìn theo Vũ. Anh chàng len lỏi trong đám đông bu quanh nơi bán vé. Ở đây mới làm thêm cái khung sắt để bắt mọi người xếp thứ tự, nhưng chẳng ai thèm xếp hàng, bất chấp sự có mặt cuả một cảnh sát bà và hai cảnh sát ông hai bên, cứ chen lấn loạn cào cào cả lên. Bích Hải nhẩn nha tiến lại gần đám đông, Người Rừng đang khuỳnh tay huých vai, chân nhấp nhổm chen huỳnh huỵch. Thiên hạ la oai oái:
- Ông này chen đi đâu dữ vậy?
- Ði... mua vé.
- Mua vé phải xếp thứ tự chớ.
- Bà có xếp thứ tự không?
- Có chớ sao không?
- Vậy thì mời bà lụi lại đằng sau mà xếp thứ tự. Ðằng trước này dành riêng cho người không biết xếp thứ tự. Hừm, mua vé chợ đen cả chục cái một lúc, ra bán cắt cổ người ta, lấy... thịt đè người, mà còn biết đòi xếp thứ tự hở?
Người đàn bà tịt mất, mặt hầm hầm. Bich Hải cười một mình, trách thầm âu yếm:
- Anh... lẻo mép ghê cơ.
Tiếng Người Rừng ngổ ngáo:
- Bán cho hai vé trên lầu, đúng giá...
Cô bán vé cau mày:
- Thì vẫn đúng giá...
Người Rừng cười khẩy:
- Ðồng ý. Vé hai trăm, phụ thu cứu trợ nạn nhân bão lụt và cây mùa xuân chiến sĩ nữa là hai trăm mốt. Hai vé bốn tăm hai, xin đừng cầm nhầm thành bốn trăm rưỡi.
Mấy mụ đàn bà chen lấn mua vé chợ đen bị một cảnh sát bà lôi ra khỏi đám đông, đầu tóc rối bù, áo tung cả nút, thỗn thển, vung tay xỉa xói:
- Ừa, tui mua chợ đen đó. Tui nghèo nên tui làm vậy. Nhưng mấy con nhỏ đó, nó đi bán giấy mướn, lãnh lương tháng của người ta giàu thấy mụ nội mà sao cũng ăn xiết họng. A, tui mua mười mấy giấy trên lầu, nó lấy đủ hai ngàn hai năm chục đó chớ... A, bà cảnh sát coi, nó ngồi không mà cũng ăn công khai của người ta nữa, sao nhà nước không bắt nó đi. A...
Bà Cảnh Sát nhìn Bích Hải nói trống không:
- Mấy người bán chợ đen cũng không trách được vì ở trong bán ra ăn chận đầu đuôi của họ rồi, chỉ chết khán giả đi coi thôi...
Người Rừng chen ra, vung vẩy hai cái vé. Quần áo nhầu nát, xốc xếch:
- Biết vậy mua... cha nó sáu trăm hai cái vé chợ đen cho khỏe. Ở đây nó bán ra bốn trăm tư rồi, có bán đúng giá cóc khô đâu.
Bích Hải vội nắm tay người Rừng:
- Thôi anh. Kệ người ta.
Cơn giận làm Vũ càu nhàu thêm một câu:
- Có lần anh vô coi bằng thiệp mời đình huỳnh. Vậy mà nó bán vé trên lầu cho mấy con mẹ chợ đen hết, tống mình xuống dưới nhà. Tới chừng vào rạp mới biết chỗ ngồi gần dí mũi vào màn ảnh: một ghế chính, một ghế súp. Y cờ rách 15 và 15 bít.
Bích Hải phì cười:
- Thôi, vào đi anh. Ðồng ý rồi.
- Vậy mà quý anh Cảnh Sát đứng đó không hốt chúng nó cho rồi.
Hai người dắt díu nhau lên lầu. Khán giả đứng lố nhố ngay đầu cầu thang, chật cứng. Vũ dắt tay Bích Hải chen vào. Người Rừng hỏi:
Thấy gì không em?
- Thấy. Phim hay đấy chứ. Toàn lưng với lưng.
Người Rừng càu nhàu:
- Cái rạp này bán vé... vô tổ chức. Anh mà có quyền...
Bích Hải rỉ tai:
- Anh không nên có quyền ở đây. Anh chỉ nên có quyền ở rừng thôi. Ở đây dành cho Cảnh Sát. Dẫm chân nhau khó làm việc.
Vũ phì cười. Hai người lại len lỏi, nhấp nha nhấp nhổm ngó lên màn ảnh. Một lúc “vãn hát” thiên hạ ùn ùn kéo ra. Bích Hải chập choạng bước theo Người Rừng tìm lấy số ghế.
- Mỏi chân ghê!
- Anh... bóp chân cho em nhé!
Bích Hải dẫy nẫy:
- Ðừng... nhí nhảnh. Ở đây đông, người ta cười chết.
- Ai cười hở mười cái răng...
Vũ kín đáo bóp hai chân Bích Hải, dĩ nhiên từ đâu gối trở xuống. Bích Hải cười thầm, thấy thương Vũ ghê. Bất ngờ Vũ ngậm răng vào vai Hải cắn một cái. Bích Hải đau điếng người kêu lên nho nhỏ. Ðau muốn khóc được. Mắt Hải đỏ hoe, ứa nước mắt, nhìn Người Rừng phụng phịu:
- Anh ác!
Người Rừng cười thật tình tứ:
- Ðể em nhớ anh hoài. Ðể em nhớ mãi buổi chiều hôm nay.
Bích Hải đưa tay tìm tay Người Rừng, xiết chặt. Em sẽ nhớ mãi, nhớ cho tới lúc anh trở về rừng, và cả cho tới khi anh từ rừng trở về với em lần tới.
Ðèn chợt tắt. Bắt đầu những mục quảng cáo. Bích Hải nhìn lên, nhưng lại thấy mình và Người Rừng đang khoác tay nhau thơ thẩn trước các cửa hàng bên đường Nguyễn Huệ, và trời thật đẹp.
Buổi chiều cũng sắp tắt. Ráng trời đỏ quạch, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm mọi người chóang váng. Toán quân vẫn lầm lũi di chuyển về phía Nam ngọn đồi.
Vũ móc ống liên hợp vào chiếc máy trên lưng người Hạ sĩ quan truyền tin. Lệnh Ðại Bàng phải cấp tốc lọt vào khu rừng cây trước mặt khi tối mịt. Vũ đưa ống viễn kính lên ngang mắt. Ngọn đồi như sừng sững trước mắt: Mặt Nam và Bắc đứng dựng như vách núi, chỉ có mặt phía Tây là thoai thoải. Càng nhìn lâu Vũ càng thấy Ðại Bàng quả là tay cáo già trên mặt trận: nếu có một cuộc tấn công của địc quân, mặt phía Tây sẽ nặng nhất, và tất cả mũi dùi của địch sẽ đồng thời đánh thốc lên.
Buổi trưa trong cuộc họp khẩn cấp, Ðại Bàng đã nhắc đến điều đó và cho biết trên ngọn đồi có một đơn vị pháo binh để yểm trở các lực lượng lưu động vòng ngoài Tchepone. Ðại Ðội Vũ được lệnh trấn giữ phía Nam, khu rừng cây nhấp nhô sau vách thẳng đứng. Ở vị trí này đơn vị Vũ vừa có thể quan sát bao quát chung quanh, vừa có địa thế tốt để tránh những trận mưa pháo kích của địch.
Toán quân đã tiến vào trong khu rừng. Im lặng, lạnh lẽo đến độ làm mọi người cùng có ý nghĩ đang tiến vào đất chết.
Vũ ngồi dựa vào gốc cây, mở chiếc nón sắt đặt sang bên, Vũ có cảm giác những đốt sống lưng muốn rã rời gẫy vụn, chàng vặn mình qua lại cho nhẹ bớt cảm giác ấy. Ðoạn, châm một điếu Bastos. Khói thuốc oằn oại trong tiết trời ẩm thấp lạnh một cách khó chịu.
Chương, viên Thiếu Úy Ðại Ðội Phó nằm dài ra cạnh Vũ, cây M.79 đặt ngang bụng. Chương khoái nhất là xử dụng M.79, hắn có thể bắn viên sau ra khỏi nòng trướng khi viên trước rơi xuống mục tiêu.
Mọi người lục bao gạo xấy và cá hộp Sardine ra ăn. Chương xuýt xoa:
- Mẹ, gần ba tháng nay “cầm canh” với mấy thứ này, ăn vô mà chẳng thấy... ra chút nào hết.
Người Hạ sĩ quan truyền tin và toán y tá bọc quanh chỗ Vũ ngồi. Vũ vẫn ngồi im lặng kéo dài từng hơi thuốc. Tiếng người lao xao, xa vắng. Vũ chợt thấy thèm một giấc ngủ bình yên ở một chỗ nào đó thật thoáng mát. Ở đây trời lành lạnh, mùi cỏ cây mục rữa và mùi “núi xác người” cách chân đồi chừng cây số bốc lên theo gió lùa vào rừng làm mọi người muốn nôn mữa.
Từ hơn hai tháng nay, sau khi Vũ chia tay với Bích Hải, Tiểu Ðoàn được lệnh bí mật di chuyển ra Quảng Trị. Nằm dài một tháng ở đây, Tiểu Ðoàn Vũ cùng các đơn vị khác thực sự được tung ra chiến trường Hạ Lào. Nơi đầu tiên xung trận là Lang Vey. Nghe địa danh này Vũ hiểu rằng mình đang tiến vào vùng trước đó nữa tháng sôi sục vì trận đánh hai đồi 30 và 31 của đồng đội.
Vừa nằm lại đây chưa đầy bốn mươi tám tiếng, địch đã kéo tới như ma quỷ. Trận đụng độ đầu tiên của Tiểu Ðoàn đã làm ngót ba mươi “con” chết và bị thương.
Sau trận đụng địch ấy, Tiểu Doàn di chuyển liên miên, lúc thì bám sát địch đánh những trận bất ngờ, cũng có lúc bị địch bao vây, vừa đánh vừa chạy trối chết. Giữa vùng trận chiến đã tàn xác mới chồng chất lên xác cũ. Mọi người không còn kịp nghĩ gì hơn đánh và nghỉ. Trong cuộc họp tại Tiểu Ðoàn, Ðại Bàng đưa ra một phỏng đoán hấp dẫn:
- Có lẽ mình sắp được rút về nghỉ. Mặt Trời ước tính chậm nhất mười hôm nữa có một Trung Ðoàn Bộ Binh qua trấn vùng này, các lực lượng BÐQ sẽ rút dần về biên giới.
Vũ nghĩ đơn vị chàng sẽ trở về Quảng Trị, hoặc Khe Sanh.
Nghĩ tới đó, Vũ chợt liên tưởng đến Bích Hải. Một lần bích Hải kể rằng đã có thời gian nàng sống ở Khe Sanh, khoảng hai năm. Ông thân nàng làm tại Ty Quan Thuế ở đây. “Ở đó buồn hiu”, Bích Hải nói vậy khi được Vũ cho biết đã trở đi trở lại nơi đó nhiều lần.
Chương vỗ đùi Vũ:
- Xin cụ một “khẩu dược”!
Vũ rút điếu thuốc đưa cho hắn, vẫn lặng lẽ. Nguời Hạ sĩ quan truyền tin loay hoay bên chiếc máy liên lạc. Hắn chợt lên tiếng:
- Ông thầy. Ðại Bàng hỏi có gì báo cáo?
Chương thay Vũ trả lời Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn, rồi trao ống liên hợp cho viên Trung sĩ. Nét mặt Chương thoáng lộ vẻ đăm chiêu dưới ánh lửa bếp le lói của anh Y tá đang nấu nước pha cà phê bột.
- Tôi thấy có gì là lạ không ổn.
Vũ cười khì:
- Là cái chắc, lúc nào mà chẳng có tụi nó sẵn sàng bên cạnh để giao duyên với mình.
- Nghĩ lại những ngày qua cũng thấy “teo” thật. Ðụng liên miên, đến độ không nghĩ được là mình còn sống hay đã chết nữa. Thần trí cơ hồ tê liệt cả, chỉ còn phải ứng theo bản năng tự nhiên.
Một người lên tiếng:
- Tôi hết muốn nghĩ tới chuyện đó rồi, Thiếu Úy. Sợ quá nên mình thành lỳ lợm. Không hiểu sao khi nhìn xác chết cao lểu nghểu tôi lại không thấy lợm giọng mà còn nghĩ tới biếng “bíp tếch” xào tỏi thật ngon.
Mọi người ồ lên, Vũ phì cười:
- Ý nghĩ kỳ cục!
Một anh khác tiếp theo:
- Tôi chỉ thèm tắm một cái cho khỏe. Quần áo bây giờ cứng như mo nang. Ðất bụi, mồi hôi, xình lầy, máu óc và thịt người bết lên thấy ớn.
- Chương quay lại Vũ:
- Tôi thì nghĩ tới hai đứa con.
Vũ thấy thấm thía câu nói đó. Chương đang lo sợ vu vơ.
Chương tiếp:
- Còn Trung Úy?
Vũ chậm chạp:
- Chả nghĩ gì cả.
Người Hạ sĩ quan truyền tin cười hề hề:
- Ông thầy dấu hoài. Em biết Trung Úy đang nghĩ tới cô... gì đó ở Khánh Hội chớ gì. Cái cô mà hôm trước Trung Úy nhờ mang thư đến nhà đó.
Vũ mỉm cười. Bích Hải. Bích Hải và căn nhà xinh xắn sau chợ Xóm Chiều. Những buổi tối đến chơi khuya Vũ không dám vào sợ ông cụ bực, đứng ngoài huýt sáo miệng gọi Hải. Bích Hải từ trên lầu chạy xuống, mặc đồ ngủ len lén bước ra, mắng yêu:
- Lang bang ở đâu mà mãi giờ ngày mới đến hở ông?
Vũ thì thầm:
- Ðến... đá lông nheo (liếc) bà một phát cho đỡ nhớ.
Bích Hải gắt nhẹ:
- Cậu la chết.
- Không sao, đã có mợ rồi.
- Mợ sao?
- Mợ... la lại cậu.
Bích Hải đấm nhẹ vào lưng Vũ:
- Anh thật... ăn nói kỳ cục.
Hai người chậm rãi đi cạnh nhau. Chín mười giờ tối chợ Xóm Chiều vẫn còn đông khách nhậu nhẹt. Vũ thường kéo Bích Hải vào đó ăn. Có lần Bích Hải phải kêu lên:
- Ðàn ông con trai gì mà lê lết hết hàng này sang hàng nọ.
Vũ tỉnh bơ:
- Ăn cho bõ những ngày ngồi tưởng tượng trong rừng.
Cho đến khi về nhà, cửa đã đóng đèn đã tắt. Chỉ còn ánh đèn ngủ lờ mờ hắt qua khe cửa sổ.
Bích Hải lo lắng:
- Chết rồi, tại anh đó.
Vũ bước tới gần nút chuông. Bích Hải vội vàng cản lại:
- Ðiên à. Cậu dậy thì chết.
- Ai chết.
- Anh!
- Còn em thì không?
- Em... chết trước anh!
Cả hai cười rúch rích. Bích Hải ghé miệng vào khe cửa gọi khẽ, rồi lớn dần:
- Hà ơi, Hà. Mở cửa cho tao với.
Vũ thỉnh thoảng làm bộ ho lên một tiếng thật to, khiến Bích Hải giật thót mình, quay lại nguýt dài. Ðến khi Hà ra mở cửa, Vũ cúi gập mình xá dài hai chị em rồi đi giật lùi ra giữa đường. Hai chị em cùng nhìn theo cười thương mến.
Những lần sau này Vũ không phải đến len lén như trước nữa. Sau lần chạm ngõ và đám hỏi, ông cụ không còn để ý tới sự đến chơi khuya của chàng rể tương lai. Vũ đã... ở lại ăn cơm, một đôi khi ngủ trưa nữa. Những lúc đó Vũ thích thú nghĩ đến những thân thiết gắn bó giữa mình với gia đình nhà vợ, những ấm cúng thứ hai sau gia đình chàng.
Trong lá thư viết cho Bích Hải khi nằm ở Quảng Trị trước đây hơn một tháng, Vũ đã đề cập tới chuyện hôn nhân:
“Anh tính kỳ này về sẽ nói với gia đình em cho anh ‘xin bàn tay’ em. Mấy tháng nay anh để dành được khoảng ba chục ngàn, cộng với tiền bán chiếc Vespa khi về chắc cũng đủ để làm đám cưới, bé nhỉ. Những ngày ở đây anh đang để ý tìm một món quà kỷ niệm, một món quà đặc biệt để làm quà cưới cho cô bé đó”.
Vũ bảo người phụ trách truyền tin:
- Tao khoái lấy vợ!
Mọi người chung quanh cười òa. Một người nói lớn:
- Ông thầy ngon quá ta. Ðẹp trai vậy mà lấy vợ sớm chi cho uổng. Ðể chừng nào chơi cho đã rồi hãy kiếm vợ có phải hơn không?
Anh y tá phản đối:
- Nói vậy đâu được. Ai người ta chịu cho... mình lai rai. Họ phải nắm chắc mình chớ sức mấy mà họ dễ dãi, để mình muốn làm gì thì làm.
Người kia cười đểu:
- Tui nói chơi là ăn chơi bay bướm chơ đâu phải cái... vụ kia. Mà dù là cái vụ kia cũng đâu ai chịu, trừ mấy con... xe ủi đất. Ðụng vào mấy mẹ đó có đường kiếm anh xin “bi” đều đều.
Ðám người vây quanh cười hăng hắc. Vũ mỉm cười, không rầy la. Trong sự nguy hiểm tột cùng trước cái chết bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, những người lính thường thích nói đùa đến mức trắng trợn tục tĩu. Nhưng không ai giận khi bạn gái, bồ, người yêu mình bị bạn đồng đội đem ra làm đề tài riễu cợt. Vì ai cũng hiểu lối nói đó chỉ có giá trị bông đùa vô hại, không nhằm ác ý gì ngoài việc đẩy lui ám ảnh của thần chết.
Anh y tá long trọng:
- Nãy giờ nghe mấy “thầy” phát biểu ý kiến, bây giờ tới phiên nhà cháu. Lúc này nhà cháu chỉ khoái một đĩa tiết canh chó, và một chầu rựa mận.
- Tại sao vậy?
- Cứ mỗi lần nhìn thấy thằng Việt Cộng bị bắn rụng tự nhiên tôi lại có ý tưởng giá mình có một con dao phay.
Chương Ngạc nhiên:
- Chi rứa?
- Cắt họng nó, đánh... tiết canh nó.
Mọi người nhao nhao cười nói:
- Chúa Phật ôi, thằng này nó mơ làm đồ tể.
- Mầy khát máu dữ vậy?
- Sao hồi đó cha không xin vô làm ở lò heo Chánh Hưng mà lại hành nghê Y tá, hai nghề chọi nhau chan chát?
Anh Y tá thản nhiên:
- Xin mấy cha dẹp đạo đức lại. Hằng ngày giết cả trăm ngàn thằng giặc thì không phải là đồ tể à. Giết bằng cách này hay cách khác cũng vậy thôi. Từ xưa tới nay người ta đã ra khẩu hiệu kêu gọi, hô hào qua báo chí, hình ảnh, âm nhạc... đòi phanh thây uống máu quân thù thì mấy anh nói sao? Mình giết kẻ thù chớ bộ giết anh em mình sao?
Mọi người dễ dãi chấp nhận lý luận giản dị của anh y tá. Vũ thấy tức cười. Một người chuyên môn lo việc cứu chữa cầm giữ máu cho người khỏi chết thì lại thích cắt cổ giặc. Người nhìn xác giặc lại nghĩ tới miếng bít tết xào tỏi thơm lừng. Những ý tưởng thật là kỳ cục nhưng quả thật là họ đã nghĩ tới một cách rất thành thật. Ðó mới thực là những người lính chiến đấu. Ðánh, giết để tìm cho mình sự sống còn trước đã. Sau đó là để cho mình được nghỉ ngơi, được yên ổn bên những người thân yêu. Còn những cái gì gọi là Tổ Quốc, Chính Nghĩa, Quốc Gia, Cách Mạng, Hoà Bình đều là tiếng sáo diều mùa hạ. Không có gì phải bận tâm vì những thứ đó, vì chẳng một ai trong chúng ta thực lòng và thành khẩn chiến đấu cho những tiếng sáo diều ấy. Chẳng một ai, kể từ những người quyền khuynh thiên hạ đến những kẻ khổ rách áo ôm.
Vũ khoát tay bảo mọi người:
- Anh em trở về vị trí đi. Chương kiểm soát việc tuần phòng an toàn nhé.
Và Vũ lấy chiếc võng ra buộc vào hai thân cây, nằm đu đưa. Mọi người lục tục đi thu dọn cho mình một chỗ ngủ.

*

Tiếng chim líu lo trên ngọn cây làm Vũ tỉnh giấc. Trời mới ửng hồng ở cuối chân mây. Vũ ngước mắt tìm một loài chim lạ dậy sớm, nhưng chỉ thấy lá rừng chen nhau trên cao. Vũ bước khỏi võng, lấy bi đông nước hớp một hớp xúc miệng, rồi đổ một ít ra tay chà lên hai mắt cho tỉnh. Rửa mặt như thế là xong. Vũ bật cười nghĩ thầm:
- Bi giờ mà ngồi gần em nào là em ấy nghe mùi... chuột chết liền, chả cần phải “mi” em mới khiếp.
Mọi người đã thức dậy từ lâu, yên lặng ngồi sau những thân cây, điểm tâm bằng gạo nếp đậu xanh xấy với muối. Người Hạ sĩ quan truyền tin đưa cho Vũ ca cà phê Mỹ vừa pha, nói:
- Trung Úy, Ðại Bàng ra lện chuẩn bị. Thiếu úy Chương đã cho sửa soạn sẵn sàng.
Vũ ra lệnh lên đường. Ðoàn quân chậm chạp leo lên con dốc thoai thoải dẫn lên đồi phía Tây Nam. Len lỏi giữa những cụm cây rừng. Ðến địa điểm dừng quân, Vũ báo máy về Ðại Bàng.
Ðột nhiên tiếng đại bác rít lên xoe xóe trong gió sớm, tiếng nổ đầu tiên thật gần làm Vũ cảm thấy nghẹt thở. Toán quân phản ứng như máy, phân tán ra chung quanh, nép mình sau các thân cây và hang hốc. Trận mưa pháo kích của địch bắt đầu. Chưa đầy năm phút sau, pháo binh trên đỉnh đồi bắt đầu phản pháo.
Tiếng đại bác rền vang, mọi người không còn nghe thấy một âm thanh nào khác ngoài những tiếng gầm thét của trọng pháo hai bên. Chợt tiếng đạn pháo kích của địch lắng dần và tiếng súng nhỏ bắt đâu nổ ròn tan. Vũ nhỏm dậy chiếu ống viễn kính quan sát. Trên lưng đồi hướng Tây, quân địch không rõ từ hang hốc nào chui ra đông như kiến đang lao lên đồi như điên. Tiếng hô xung phong man rợ vang đến tai chàng. Vũ nhủ thầm:
- Chúng nó đông quá xá.
Ðại Bàng gọi trong máy. Vũ với lấy ống nghe, nhận lệnh đánh ngang hông địch, trong lúc Ðại Ðội 2 nhử cho địch bám sát về hướng Bắc. Trận chiến bắt đầu. Vừa xung trận, Vũ đã thấy những tổ đại liên của mình quạt gục hàng chục tên. Bị đánh bất ngờ, địch rối loạn một chút rồi tách làm ba, áp dụng chiến thuật biển người cố hữu. Trận chiến dằng dai cơ hồ bất tận. Chương hết cả đạn bèn chửi thề thật tục và quơ lấy cây trung liên của một người lính vừa gục ngã, quạt điên cuồng.
Vũ hét vào máy, xin lệnh mới. Quyết định của Ðại Bàng khiến Vũ chột dạ, lo ngại không còn kịp nữa. Chàng được lệnh cấp tốc rút lên đồi, lập vòng đai thứ hai, án gữ trước đơn vị pháo binh. Ðơn vị Vũ vừa cầm cự vừa lui dần lên. Ðịch vẫn còn bám sát, nhưng phần lớn đám biển người lúc nhúc ấy chĩa mũi dùi về phía chân đồi phía Bắc, định bao vây làm thịt Ðại Ðội 2 của Quang.
Vũ thầm lo âu cho bạn.
Trên lưng trời có tiếng xé gió. Chớp mắt tiếng bom rung chuyển cả núi rừng, đầu óc mọi người cơ hồ nổ tung ra. Vũ ngã chúi đầu vào gốc cây, nằm ép xuống. Chàng cố ngóc đầu lên. Lửa và khói đen bốc lên cuồng cuộn. Vũ la lên:
- Ê, tụi Mẽo bỏ trốc đầu bọn thằng Quang rồi Chương ơi.
Không nghe tiếng trả lời. Vũ chồm dậy, nhìn quanh. Tiếng đạn giao tranh giữa hai bên vẫn lao xao vọng lên trong khoảng cách những tiếng nổ kinh hồn của bom B52. Vũ quạt một băng M.16 về trước, ở lưng chừng đồi. Mấy cái đầu vừa nhô lên hàu như nổ tan thành mảnh vụn. Vũ gầm thét như điên dại, đứng lên lao về phía Chương. Chương đang ngồi tựa gốc cây, mắt mở nhìn Vũ thản nhiên, cây Trung liên nằm chếch trên đùi. Vũ gọi:
- Chương, bị thương hay sao thế?
Chương vẫn lặng lẽ. Vũ lay mạnh tay bạn. Chương đổ ập xuống, viên đạn xuyên từ nách trái qua chếch lưng bên phải trổ ra to bằng cái bát, máu tuôn như suối. Vũ xốc Chương lên một cách tuyệt vọng.
Trong chớm mắt, Vũ thấy lữa lóe sáng đỏ rực trước mắt và một bên sườn nhói lên rồi tê dại. Chưa kịp nhận biết, chân Vũ đã khuỵu xuống và Vũ mơ hồ thấy mình bay bổng là là trên ngọn cây cao.
- Thôi em, anh không ăn nữa đâu.
- Ăn nữa, công người ta mua táo mãi trên chợ Sàigòn.
- Em gọt hết mấy quả kia đi...
Bích Hải ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Ðể anh ăn cho hết, bõ công em đi mua.
Bích Hải phì cười:
- Móc họng tui há?
- Ai bảo người ta no rồi mà cứ ép.
Bích Hải dồn đống vỏ vào bao, ngồi ghé xuống một bên thành giường.
- Bác sĩ nói hôm nào thì tháo băng hở anh?
- Chừng một tuần nữa. Còn chân kể như lành rồi.
- Vết thương có ảnh hưởng gì nặng không?
Vũ làm ra vẻ quan trọng:
- Mảnh đạn cắt đứt một một khúc của hai giẽ xương sườn. Bác Sĩ bắt phải kiêng cữ...
- Kiêng gì hả anh?
- Kiêng... hôn và cải nhau với đàn bà lắm miệng.
Bích Hải “hừ” một tiếng, giận dỗi quay đi. Vũ mỉm cuười không thèm dỗ. Chàng ngước lên trần. Vết loang lổ trên trần không hiểu sao đã gợi cho chàng hình ảnh trận đánh ở đồi Sophia hơn hai tháng trước. Mọi hình ảnh hiện ra tuần tự và tàn khốc. Chương ngồi “nhìn” chàng. Ðại Ðội Quang bị vây vào giữa và B52 thả bom xuống đám người lúc nhúc. Y hệt trận đánh bên đồi 30 lúc trước. Bác Sĩ kể cho Vũ biết ta vẫn giữ được ngọn đồi ấy nhưng thiệt hại nhiều. Vũ nghĩ tới ÐÐ Quang. Buồn buồn, chàng cũng chắng rõ Ðại Ðội mình sau đó ra sao, còn những ai.
Vũ muốn quên tất cả, cứ nghĩ tới hoài chắc mình phát điên mất.
Thấy Vũ nằm im, Bích Hải sốt ruột:
- Ê bồ, xin lỗi tôi chớ?
Vũ cười, lắc đầu. Bích Hải cười cười:
- Xin lỗi đi mà, năn nỉ đó. Hông thôi tui dìa à.
Hải nói nhái theo giọng Nam nghe thật dễ thương. Vũ nắm tay nàng:
- Bé này, em còn nhớ lá thư anh gửi cho em từ Quảng Trị chứ?
Bích Hải đỏ mặt:
- Nhớ.
- Khi anh khỏe lại, chúng mình... lấy nhau nhé?
Bích Hải giựt tay lại:
- Còn đang nằm đó mà ham... lấy. Mà anh vua xạo, bao nhiêu lần...
Vũ cười thoải mái:
- Lần này anh nói thật. Anh cũng vẫn nhớ tới món quà đặc biệt làm quà cưới cho cô bé đây.
Vũ rút dưới gối ra một gói nhỏ, ra vẻ trịnh trọng, trao cho Bích Hải và nói, em mở ra coi. Bích Hải mở tung gói giấy. Trong hộp chỉ vỏn vẹn hai miếng gì khô và đen xám. Bích Hải e ngại hỏi:
- Cái gì vậy anh?
- Hai miếng xương sườn của anh bị mảnh đạn cắt ra đó.
Bích Hải rú lên thảy gói giấy xuống giường, ôm chầm lấy Vũ. Vũ la oái oái:
- Ối, đau. Em đụng vào vết thương.
Bích Hải vội vàng ngồi dậy. Mặt Vũ xanh đi, toát mồ hôi. Bích Hải lí nhí nói “em xin lỗi”. Vũ cười “anh xin lỗi”. Bích Hải dơ nắm tay dọa:
- Mai mốt khỏi rồi, biết tay em.
Vũ quàng tay ra sau lưng Bích Hải, vuốt nhè nhẹ: Em đừng sợ, miếng xương lúc nãy là sườn... heo đấy, anh lấy ở phần ăn của ông sĩ quan nằm giường bên kia, rửa sạch, phơi khô để... dành cho em. Ðặc biệt không em? Ở rừng không có thứ quà nào cả.
Bích Hải nhìn gói xương, mỉm cười. Trong thoáng chốc Vũ hiện ra trước mắt nàng, với dáng thật lính, thật rừng. Vũ... hư đủ thứ: rắn mắt, kỳ cục, bê bối, lì lợm, bốc đồng. Nhưng Bích Hải yêu Người Rừng vì thế. Bích Hải chấp nhận và tha thứ hết. Những cấi xấu đó mới làm cho Vũ và Bích Hải gần nhau như hòa làm một, không còn là thứ thần tượng hão huyền mà các cô gái hằng mơ ước. Con trai phải như thế đó, lính vậy đó. Và, khi yêu lâu rồi người ta đối với nhau bằng cử chỉ, ngôn ngữ rất thật đó, không cần du dương bay bướm lịch sự, như lúc mới tán nhau, mê nhau. Nhất là khi người ta sắp lấy nhau. Bích Hải nói một câu thật “vợ lính”.
- Khỏe sớm đi bồ. Mạnh lại để bát Lê Lợi “đá lông nheo” thiên hạ chứ. Kẻo mai mốt chẳng còn cơ hội...
Vũ nhìn vào mắt Bích Hải, tình tứ:
- Tụi mình lấy nhau nhé em, anh chẳng tiếc gì nữa cả.
Bích Hải muốn tan biến vào ánh mắt si mê của Người Rừng.

Dung Sàigòn & Võ Hà Anh


Xem Tiếp: ----