INH ĐƯA MẮT NHÌN LÊN BẾN TẦU, phía trên cao. Chỉ còn vài gia đình từ chiếc xe Ca cuối cùng đang tất tả khuân đồ đạc trên mui xuống. Những người cán bộ Khối Chiến Tranh Chính Trị vẫn nhẫn nại ghi ghi chép chép và phát phiếu thực phẩm cho người xuống tầu dưới ánh đèn vàng vọt. Những “hành khách đau khổ trở về quê Mẹ” hấp tấp một cách đáng thương, ôm cái nọ kéo cái kia, tay bồng tay bế dắt díu nhau xuống cầu bến. Họ có dáng dấp sợ hãi như chỉ sợ bị tầu bỏ lại. Bến tầu ở Nam Vang cao hơn mực nước đến hàng chục thước, từ dưới tầu nhìn lên thành phố trên cao tuyệt đẹp. Minh phải thành thật công nhận như thế ngay ngày đầu con tầu quẹo từ ngã ba vào giòng Tonlé-Sap. Thành phố của những dinh thự cổ, những chùa chiền, những lăng tẩm, những đền đài vua chúa với muôn mầu sắc trông thật quyến rũ ; chẳng cần có những buildings cao ngất như Sàigòn. Mà Sàigòn cũng chẳng thể nào so sánh được với thành phố này, Minh nghĩ thế. Một thành phố từ bao nhiêu năm chưa hề biết chiến tranh, dưới sự lãnh đạo khéo léo như ma quỷ của một ông Hoàng, bỗng nhiên như bừng tỉnh dậy và đổi một khuôn mặt khác, vào một ngày.Minh không bao giờ ngờ được rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời thủy thủ của mình lại là chuyến vượt biên không chiếu khán sang xứ Chùa Tháp. Chính hàng bao nhiêu ngàn người cũng nghĩ như chàng, vì sang Mỹ, sang Nhật thì còn dễ chứ sang Miên thì chả bao giờ ai nghĩ tới. Minh bật cười, mai mốt mình sẽ tìm cách thưởng thức món mắm bồ hóc của xứ này mới được.Các gia đình cuối cùng chen lấn nhau để leo lên tầu bị dồn cục ngay giữa hạm kiều. Tiếng cãi cọ vang lên chí chóe. Minh xắn cao tay áo, nắm chặt sợi dây vịn và tuột xuống cầu bến một cách thành thạo. Minh khiêng giúp hai chiếc va ly lớn cho một ông già, lối đi không còn tắc nghẽn. Mọi người nối đuôi nhau bước lên. Minh cúi nhìn một bà mẹ ẵm đứa con chừng mười mấy tháng, tay kia xách chiếc giỏ đan đựng quần áo, một đứa trẻ chừng bốn năm tuổi nắm chặt lấy ống quần thiếu phụ. Ba mẹ con lúng túng, loay hoay ở chân hạm kiều. Minh bước xuống, vui vẻ:- Chị ẵm cháu nhỏ lên trước đi, để cháu lớn tôi đưa lên cho.Người đàn bà tươi nét mặt, nhỏ nhẹ cám ơn:- Dạ, cám ơn chú.Minh cúi mình nhấc bổng đứa nhỏ lên cao. Thằng bé không biết sợ, nhoẻn miệng cười trong lúc Minh lắc lắc hai tay dọa nó. Bất chợt Minh rùng mình. Đứa bé trai thật xinh, mắt to và ngơ ngác, hai tay quơ quơ về trước như muốn ôm lấy đầu Minh để làm điểm tựa cho khỏi té. Hình ảnh ấy nhắc Minh vụt trở về kí ức vàng son tuổi nhỏ, một dĩ vãng đầy kỷ niệm vui buồn, hình ảnh đậm đà nhất là chuyến di cư vào Nam ngày Minh còn nhỏ.Ngày đó Minh cũng chừng tuổi đó. Nhưng lúc xuống tầu Minh lại sợ hãi, không như đứa nhỏ bây giờ. Leo từ chiếc “tầu há mồm” sang chiếc hàng không mẩu hạm Boa Boa Lô cao vòi vọi. Minh có cảm giác đang leo trên ngọn cây ở quê nhà, những chiều gió lồng lộng thổi, cành cây như đưa võng.Một người thủy thủ trẻ tuổi, như Minh bây giờ, đã cúi xuống nhấc bổng Minh lên, lắc lắc như Minh đã trêu đứa bé. Đứa bé cười nhưng lúc đó Minh òa lên khóc. Người thủy thủ cười phá lên, ôm chặt Minh vào ngực gã rồi nhởn nhơ bước trên hạm kiều chênh vênh, lên tầu.Hình ảnh trở lại bất chợt đó khiến Minh lặng người cảm động. Minh không ngờ mười mấy năm sau Minh lại được đóng vai người thủy thủ đó, đón đưa những người ruột thịt bỏ nơi ăn chốn ở bao đời để về một nơi xa lạ.Bỗng nhiên Minh cũng ôm chặt đứa nhỏ vào ngực mình và bước lên tầu. Minh cũng có cảm giác bước chân mình thật nhởn nhơ, thành thạo trên chiếc cầu gỗ mong manh.Minh dắt người đàn bà len vào boong tả hạm, giữa rừng người nằm ngồi đặc nghẹt. Người mẹ có vẻ mệt mỏi, lếch thếch đi theo, Minh tìm cho ba mẹ con một chỗ nằm tạm bên cửa vào phòng vô tuyến, gần thang lên đài chỉ huy. Minh đứng yên nhìn chị trải vội manh chiếu rách rồi ba mẹ con cùng nằm xuống, co rút vào nhau. Thiếu phụ mỉm cười với Minh tỏ vẻ biết ơn. Minh cười lại, dặn dò:- Chị nằm nghỉ nhé, lâu lâu tôi đi ngang đây chị cần gì cứ cho tôi hay.Thiếu phụ đáp nhỏ:- Dạ, cám ơn chú. Chú tử tế quá, chúa sẽ ban phước cho chú nhiều.Minh nhìn hơi lâu thiếu phụ đó. Khuôn mặt đẹp, hơi quê mùa, thật hiền lành, đôi mắt nhắm lại ôm vòng lấy hai đứa nhỏ. Minh lặng lẽ quay đi, nói thầm:- Tôi theo Phật giáo chị ạ. Nhưng dù Chúa hay Phật ban ơn, ban phước tôi đều nhận hết.Con tầu ồn ào như khu chợ nhỏ. Mọi người hối hả tìm một chỗ vừa ý, trải manh chiếu rách ra giữ chỗ rồi vợ chồng con cái dìu nhau ngồi ngả nghiêng. Dưới ánh sáng vàng rực của hai ngọn đèn pha ngắn hai bên hông tầu, Minh trông họ tiều tụy đau khổ không kém gì những người miền Bắc vào Nam trong cuộc di cư năm năm mươi bốn. Họ hầu hết đều nghèo, lại không mang theo được gì trong chuyến trở về này. Chỉ còn một gói quần áo nhỏ, vài cái giỏ rách đựng bên trong lỏng chỏng cái nồi, nắm cơm nguội, chai nước mắm. Có người ôm theo một manh chiếu cùng một con chó, hay một con gà, con heo.Nhân viên chiến hạm được lệnh rút hạm kiều. Vài phút sau, tầu kéo còi vận chuyển. Mọi người ngơ ngác lắng nghe tiếng dây kéo neo nghiến ken két trên trục quay, rồi cơn mệt mỏi ùa đến, họ nằm ngả nghiêng, lăn lóc ngủ. Chốc lát con tầu trở lại lặng lẽ – ngoài tiếng máy – Minh tin rằng nếu ai giàu tình cảm nhìn thấy quang cảnh đó ắt phải buồn muốn khóc.Minh thong thả bước len qua từng manh chiếu, đi về phía cửa Ram. Minh leo thang lên ổ súng 40 ly đôi trên cao mũi tầu, tìm một chỗ khuất gió châm điếu thuốc. Hình ảnh những người khốn khổ ở bên dưới vẫn ám ảnh Minh mạnh mẽ. Minh đứng tựa vào thành sắt nhìn xuống đám người ngổn ngang dưới đó, trông họ tả tơi như chiếc lá khô gặp gió mưa tàn bạo. Minh thấy xót xa và quá khứ xa xưa lại chập chờn trở lại.Minh quay lại, tới nằm dài trên đống bố bao cây súng Bô Pho. Trời đêm lành lạnh, gió nhẹ phất khói thuốc quyện theo hai bên má Minh trước khi mất hút vào đêm. Minh nằm ngửa, nhìn thẳng lên trời cao. Bầu trời đầy sao, nhấp nháy. Một chùm sao tụ lại giống như một cành hoa thật đẹp, tia sáng óng ánh như những giọt sương mai đọng trên cánh hoa lấp lánh dưới ánh bình minh. Bất chợt Minh khám phá ra rằng bông hoa sao đó giống hệt cành hoa của cây Mơ mà mình thường ước ao nhìn lại. Cây Mơ có những trái mơ mịn phấn, sương sớm nhỏ li ti đọng kín chung quanh. Cây mơ của khu vườn bát ngát nhà chàng, bên quê nội, vào thủa tuổi thơ chưa qua.