Mấy ngày đăng sơn lên thăm núi «Chúa»

     ương khi lửa hạ nấu nung, ở giữa chỗ bụi lầm xe ngựa, cái thú nước biếc non xanh dễ ai không mơ ước. Chiều chiều đứng trên bờ biển Đà Hải, nhìn làn sóng lao xao, ngọn trào xô đẩy, ngoảnh trông về phía tây núi non trùng điệp, đối ngọn Hoành Sơn, thấy một trái núi cao ngất mấy tầng, trót núi như đụng mây xanh, chung quanh thì núi nhỏ xúm xít như đàn con chầu mẹ; núi này đại danh là núi «Chúa», tên thường gọi là «Banà»; đỉnh núi có nhà mát của người Pháp lập lên được ít lâu nay, vì núi «Chúa» có nhiều thắng cảnh và thời tiết khí hậu lại có phần đặc biệt lắm. Mùa đông mây ủ như tuyết sa băng đóng, mùa hè mát mẻ êm đềm như xuân phong hòa khí, cảnh sắc tuyệt trần, không nơi nào sánh kịp.
Tôi sẵn lòng ham mộ được một phen du lãm danh sơn cho biết non sông hoa cỏ, hiềm vì đường đi trắc trở sơn khê, chỗ nghỉ ngơi không tiện, may sao được dịp có người quen, sẵn lòng nhường chỗ ở nghỉ mát ít ngày, mà cái chí đăng sơn của tôi nay mới thực hành.
Vào giữa tháng sáu (juin) 1931, gần ngày hạ chi, ở Tourane dậy sớm, 4 giờ rưỡi sáng đã lên xe ô tô, đi khỏi thành phố một lúc, vừng đông vừa rạng, sương móc chưa tan, đi qua mấy cánh đồng, mục tử đuổi trâu còn ngái ngủ, nông phu gieo mạ hãy vươn vai. Xe cứ ngắm chân núi đi lên quanh mấy làng Tùng Sơn, Phứ Thượng, đã thấy núp con lúp xúp, dẫy bái miên man, phút chốc đã đến chân núi, dừng xe lại thôn cư An Lợi, coi đồng hồ mới ngót một giờ, tính đường đất có hơn 20 cây số (nếu đi ô tô nhà thì lên quá chân núi được 3 cây số nữa, còn xe camion chỉ đến đây mà thôi). Bên đường đã thấy có phu có kiệu, chực sẵn đón khách du sơn.
Mới đến chân đã thấy núi nguy nga tráng lệ, mà cái thế khi khu hiểm trở ba bể liên tiếp với các núi con, một mặt liền với thôn An Lợi, có suối lớn, có hố sâu, thủy thổ rất độc, nước uống sinh bệnh sốt rét vàng da, trong rừng thì lắm thú dữ: sài lang hổ báo, rắn rết chim muông. Núi thì cao (hơn 1.000 thước tây, trông lên muôn trùng vòi vọi, lá thắm cây xanh, cảnh tượng ở dưới chân núi, đối với con mắt người thành thị quen ngắm những chòm ngói đỏ tường vôi, thoạt tiên bước chân đến chỗ thâm sơn này lần thứ nhất, ắt sao cho khỏi ngạc nhiên; nhưng muốn tắm mát lên ngọn sông đào, nếu không có gan mạo hiểm thì sao khám phá được hết cảnh trí thiên nhiên của thợ Tạo. Và chân núi tuy là có nhiều thú dữ và nước độc, song từ Đường Cát là lưng chừng núi trở lên đến trót, thì nước đã hết độc, mà thú dữ vắng tanh, vì trên ấy cao quá không có mồi mở gì, nên thú cầm không thể sinh hoạt được. Đường đi lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già quanh co, hàng mười mấy cây số, trèo non lặn suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được, nên đã có phu kiệu đợi sẵn ở chân núi vì đã dặn trước, giá tiền thì có lệ nhất định, mỗi kiệu dùng sáu người phu, tôi cùng nhà tôi và các trẻ ngồi hai kiệu, cả khách lẫn phu bắt đầu lên núi. Đường đi lên coi cũng tuyệt diệu, có chỗ thì xoáy tròn như trôn ốc, có chỗ thì tréo hình chữ chi Z, nên phải từ từ mà lần bước, tuy khó nhưng nhờ có đường cũng rộng rãi khang trang, qua suối có cầu, lên dốc có bậc, vì mỗi năm đến mùa nghỉ mát khởi từ tháng ba, tư (mars, avril), Chánh phủ đã cho người lên sửa sang đường sá dinh thự, cho nên cũng tiện lắm. Đường núi có nhiều cây cối rậm rạp bùm tum, bóng che mát rợp đường, không phải dương ô đội nón, đến như mấy người khiên gánh nặng nề mà cũng không thấy đổ mồ hôi vì mệt nhọc, càng lên cao thì càng mát, thanh khí nhẹ nhàng, làm cho tinh thần khoan khoái, mưỡng tượng như giữa tiết trời xuân ở xứ hàn đới, khác hẳn với Tourane đương gần ngày hạ chí vậy. Ngồi trên kiệu ngó xuống đường, bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao lớn mọc dẫy la liệt, thành hàng ngay thẳng, ngó chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào; còn các thứ ký sinh như giây tơ hồng, chàm gửi, khô mộc, ổ rồng, bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, trông rất ngoạn mục, có chỗ đi qua mùi thơm sực nức, mà tìm không thấy hoa gì, có lẽ hoa lan mọc trong hang sâu chăng?
Tiếc thay lan mọc trong hang,
Mùi thơm nực mũi ai màng làm chi?
Đem tầm con mắt bao quát núi xanh, thấy trăm ngàn cây chen lá, lá chen hoa, bông thắm nhị vàng, như muôn hồng nghìn tía, mặt trời buổi sớm chênh chếch sườn non, ánh sáng chiếu vào ức triệu hột sương lóng lánh như kim cương giát vào lá ngọc cành vàng. Nước thì trong suốt, suối thi chảy quanh co, hai bên bờ bướm lượn nhởn nhơ, bông thơm cỏ lạ, trên cành ve ngâm chim hót, gió cuốn thông reo, cảnh tượng thiên nhiên như hoa thiêu gấm dệt, như sáo thổi đờn kìm, làm cho tinh thần say mê mải miết, dường như lạc bước thiên thai, kỳ ngộ non thần vậy.
Cái thú đăng sơn hết trông hoa ngắm cảnh, lại nói chuyện cổ tích truyền kỳ. Truyện rằng xưa vua Gia Long chiến tranh với Tây Sơn thua trận, chạy trốn trên núi này, rồi sai quân lính phá núi trồng tỉa các thứ hoa quả lúa má, tạm trú trên trót núi. Ở dưới làng gần đấy có ông phù hộ nghe tiếng vua, bèn đem lúa gạo vật thực đến dâng. Được ít lâu vua về phục quốc, nên đỉnh núi đến nay hãy còn di tích, người ta gọi là núi Gia Long: đó là truyện truyền ngôn, còn thật hay ngoa, thì đã có sử học khảo sát.
Lại truyện «Động tiên» nữa. - Có nhiều người vào rừng rồi đi lạc đến động tiên về thuật truyền rằng: «Động ấy bằng đá, ngó như cái miếu con, trong có bàn thạch vừa chỗ một người nằm ngồi, ngoài có suối nước trong xanh, vườn có hoa quả ngon ngọt, như của ai trồng sẵn, ai lạc đến đấy, đói khát có thể ăn uống no nê, nghỉ ngơi mát mẻ rồi về, được vô sự. Duy một điều lạ: hễ ra khỏi động rồi trở lại thì quên mất lối, không tài nào tái ngộ lại nữa, có người lạc đến thấy cảnh lạ lùng, sẵn sàng quí báu như vậy thì tiềm tâm đánh dấu đường đi, nhưng sau trở lại thì cũng lạc mất; có người ham mộ đem cơm gạo theo ăn năm bảy ngày, tìm kiếm khắp rừng cùng núi, cũng không thấy động, duy có kẻ lỡ đường lạc lối tình cờ mới gặp mà thôi».
Kể truyện thì ai ai cũng muốn mục kích, hiềm vì trại Gia Long còn trên đỉnh núi, đi chưa đến nơi, còn Đào nguyên động tìm không ra lối, nên ghé lại xem đá ông «Phơi». Đá này đứng riêng một góc núi trái về bên đường, nếu không để ý, dẫu có đi qua cũng không biết; dừng kiệu lại xem thấy tảng đá này cao lớn dị thường; rộng ước mấy mẫu, mặt trong thì úp vào núi, mặt ngoài thi giăng giữa trời, trơ trọi không có cây cối gì mọc trên mình được, hình thế đứng dựng như lấp nửa quả núi, thổ dân lấy làm tinh dị, tặng là ông «Phơi». Người ta lại kể truyện rằng: hễ khi nào ông Phơi mốc (nghĩa là khi nào hòn đá ấy dỉ một thứ nước nhờn như dầu, rồi toàn thân trắng ra như mốc) ấy là điềm sắp mưa to, còn khi nào mình hòn đá ấy nổi mốc như hoa vàng, ấy là điềm nắng hạn hán. Những điều thôn dân tin đó, suy ra chưa chắc là ngoa. Nhớ khi tôi còn ở quê nhà thấy bọn nông phu, mỗi khi cày cấy thường hay trông lên núi Chúa xem sắc đá mà chiêm nghiệm nắng mưa, nhiều khi cũng ứng nghiệm lắm. Lấy lý mà đoán có lẽ hòn đá ấy sinh trưởng hàng ngàn vạn năm, trải bao sương tuyết, lâu ngày thành ra chuyển theo thời tiết mà đổi sắc thay màu, ví như người thường nói: đã đổ mồ hôi, cũng có lẽ vậy. Duy có điều khác nhau, nhà khoa học thì xét về cách trí, còn bình dân thì tin tưởng về thần quyền, song cũng có lý cả. Lấy con mắt nhà du lịch thì đá to như hòn đá này cũng hiếm có lắm. Tôi tặng hai câu thơ rằng: 
Trải mật phơi gan cùng nhật nguyệt,
Bền chân đứng vững với sơn khê.
Sự tin tưởng của thôn phu thì vô kể, thảng hoặc con rắn, con rết, cái cây, hòn đá gì mà có khác thường một chút, thì họ sùng bái và gọi là ông ngay; hỏi vì sao, họ trả lời rằng: «Nếu khinh nhờn thì sẽ phải ốm đau tật bệnh, vi núi này thiêng lắm». Vì thế lại có truyện ông «Cụt» và ông «Hang » nữa. Truyền rằng trong núi có một cặp rắn to lắm, một con ngắn và một con dài, mỗi lần nó đi, nổi dông gió ào ào, nên gọi là ông «Cụt», ông «Dài» vậy. Còn ông «Hang» là một hòn đá kỳ dị nằm dưới trũng núi, tôi có ghé lại xem thì thấy hòn đá mình tròn mà đen, thân dài ước 30 thước tây, nằm ngang dưới trũng, đầu ngẩng lên núi, hình cao hơn đường đi, trên lưng đá mọc đầy những cây tóc tiên, lá nhỏ mượt như lông xanh, đầu thì lơ thơ, đuôi thì rậm rịt mà xòe ra như đuôi lân, trông rất đẹp, phía đầu hòn đá ấy lõm sâu xuống thành hang, những người đi làm đường, trải chiếu xuống đó làm chỗ tạm trú, vì dưới hang có nhiều đá bằng phẳng, trên thì cây cối che rợp, không lọt ánh mặt trời, thật là thanh u tao nhã, đứng trên sườn núi ngắm kỹ hình tích đá ấy nghiễm nhiên như lân qui rồng phục vậy, ấy là: 
Chờ mưa ao cạn rồng thu móng,
Đợi gió hang sâu cá xếp vi.
Đỉnh núi chon von, càng lên càng thấy cao, càng đi càng thấy đẹp, nước chảy đá nhô, hoa cười cỏ múa, như đưa đón khách du; đi ngót một buổi, xa xa đã thấy lâu đài nhà mát, mái kẽm tường xanh, lấp ló trên đỉnh núi cao, trước hết thấy đồn lính sơn đá, lần lần đến biệt thự của các sở, có nhiều chỗ đường đi ở dưới, nhà đứng ở trên, mà đi quanh quất mãi mãi mới lên đến cổng, vào tới nhà quen vừa đúng 11 giờ, trả tiền thuê mỗi kiệu ba đồng xong, trông ra đã thấy viên Bang tá đến chơi, chuyện trò một lát, chúng tôi bày tỏ mục đích là đi du lãm, rồi ông ta mới cáo từ.
Mới đến đã thấy mát mẻ bội phần, tuy là đi xa mà không nhọc mệt, cái khổ bị bụi bậm đường trường tuyệt nhiên không thấy, thật là lâng lâng chẳng chút bụi trần, thế những cái thú vị thanh cao có ở lâu mới thưởng thức hết được. Non xanh nước biếc, gió mát hoa thơm, đủ di dưỡng tinh thần cho những người đã chán cảnh phiền hoa, tiêu trừ tật bệnh cho những kẻ ốm đau vất vã, vì ở nơi thoáng khí trong sạch, thời tiết mát mẻ, đương giữa mùa hè mà mây mù sa, gió tây lạnh, hằng ngày phải áo kẹp chăn bông mới chịu được. Nhưng khí lạnh ở đây không phải như mùa đông ở xứ ta đâu, đây là mát lạnh êm đềm, vì trời quang mây tỉnh, đương nắng vụt mưa, mưa không phai hoa lạt nhị, đương nồng vụt gió, gió không gẫy nhánh nghiêng cây, vậy nên các thứ rau, đậu, salade, ở đây họ mới bắt đầu trồng, có thứ đã xanh tốt hoa quả triu trít đầy cành, vì đất đai khí hậu tốt mới được thế.
Ai mới đến non tiên, ắt sao cũng còn quyến luyến cõi trần, trước hết muốn trông về quê nhà, nào có khó gì, hé cửa sổ ra xem, hay là đi ra sân ngó xuống, thì thấy rõ ràng, nào thôn ổ lâu đài, ruộng dâu lúa má, bình địa cao nguyên, chỗ cao chỗ thấp, miếng đỏ miếng vàng, lốm đốm như bức tranh thiên tạo, khe ngòi sông rạch, quanh co uốn khúc, như rắn bạc rồng vàng, thiên hình vạn trạng, la liệt phô bày như ở trước mắt; lạ sao vừa mới ở chốn nồng nàn bực bội vì thán khí ô trọc, tiếp xúc những cảnh phồn hoa bỉ ổi, thốt nhiên một chốc tiêu dao trên khoảng trời xanh, nhìn lại đám hồng trần khói bụi, thì sao khỏi ngạc nhiên, tưởng mình đã lên ở một quả địa cầu nào khác, trông lại cõi trần mà chán!
Chúng tôi đêm nằm ngủ tại nhà tạm vì chật chội, bỗng cảm giác một cảnh ngộ rất thú: trong một gian nhà nhỏ, giường ngủ đóng lên mấy tầng, như trong cabine tầu thủy, phên thì bằng ván sơn xanh, tứ bề khoáng đảng, gió thổi ào ào, lại thêm máy quay nước ngoài sân kêu xình xịch, như máy tầu chạy, thêm gió rung rinh phên ván, nằm tưởng tượng như nằm trong chiếc tầu chạy bồng bềnh trên mặt biển, nghĩ cũng lấy làm tự đắc hơn những người nhà rộng cửa cao, sao được cái thú vị đặc biệt đó.
Mấy hôm đầu vì lạ phong thổ, cho nên tinh thần không được thanh thản, sau quen rồi mạnh mẽ, ăn ngon ngủ kỹ. Nhà tôi vì hết phép nghỉ, nên phải về trước, còn tôi ở lại, ngồi rỗi dắt lũ trẻ đi chơi trong núi, đi chỗ nào cũng có đường sạch sẽ, sườn núi sắn làm đường, bạt đỉnh núi làm nhà, thật có công phu của Nhà nước mới làm được vậy, tô điểm cho vẻ thiên nhiên thêm xinh đẹp, cây cối mọc dưới đường đi, như đi trên ngọn cây tòng bá trúc mai vậy. Kể người Pháp lên ở đây khởi đầu từ sở Kiểm lâm lên làm trụ sở mới năm 1915, rồi sau các công sở mới làm nhà mái tiếp lên đông đúc như bây giờ, song những người ở đây duy có người Pháp còn người Nam chỉ phục dịch mà thôi. Đỉnh núi chia ra từng cụm, cụm nào cũng nhà cửa nguy nga lộng lẫy, đó là biệt thự của các quan chức Đại Pháp, các tòa sở như: Khâm sứ, Đốc lý, Thương chánh, Bưu điện, Y tế; lại còn đồn lính Lê dương, có nhà giam tù quốc phạm, vân vân. Việc cai trị An Nam thì có viên Bang tá, coi việc tuần phòng dân phu. Mỗi năm đến mùa hè thì các quan chức người Pháp lần lượt lên nghỉ mát cho đến tháng mười (octobre) mới thôi, sở nào cũng có nhà riêng; còn như tư gia thì ít lắm, duy có đôi nhà tư bảy và thương mại Pháp-Trung Hoa thì có một sở của người Compradore Ngân hàng mà thôi, còn người Việt Nam ta thì từ nhà quyền quí cho đến nhà tư bản cũng tuyệt nhiên không ai có sở nhà nào cả; không rõ vì khó xin đất, hay là sợ tốn tiền và hủ bại, không biết thưởng thức phong cảnh thiên nhiên và di dưỡng thân thể tịnh thần, thì thật là đáng lấy làm thương tiếc cho họ lắm. Còn về sự thương mại ở đây có hãng Morin frères là đắc thể hơn hết, nhà hôtel hai tầng làm trên đỉnh núi cao chót vót, đứng trên trông được khắp mọi nơi. Trong hàng có cơm ăn, có phòng trọ, có chớp bóng, có thể thao, đủ các cuộc tiêu khiển, lại bao cả việc vận tải thơ từ hàng hóa, và kiêm việc mướn kiệu thuê xe nữa. Vì thế cho nên hễ ai muốn lên ngoạn cảnh cũng phải nhờ hãng Morin thuê mướn xe kiệu cho, còn giá tiền cho thuê phòng ở, cơm ăm rất đắt, mỗi ngày một người phải mất từ tám chín đồng trở lên mới đủ. Vậy nên chỉ tiện cho người Pháp dùng, còn người Nam thì rất khó. Thiết tưởng Chánh phủ mà muốn ra ơn cho được tiện lợi cả hai đàng, thì trong các sở chỗ nào còn dư đất, Chánh phủ cho làm thêm một sở nhà riêng tùng tiệm cho các viên chức tòng sự liên thuộc người An Nam, ai đau ốm mệt nhọc được lên đấy có chỗ nghỉ ngơi điều dưỡng, thì ơn của Chánh phủ ai mà chẳng cảm bội.
Trước cửa nhà hàng Morin có treo tấm bản đồ toàn phong cảnh Banà, khách du có thể xem đó mà biết đường lối đi các chỗ, vả chỗ này sắp đặt như một công viên nhỏ, có bản đồ, có ghế xanh, mé bên hữu có hang gió, lại gần xem gió hiu hiu thổi, tòng bá lay động, vặt áo phất phơ, như quạt máy tự nhiên không phải quay vậy. Ngồi trên ghế xanh ngó xuống, như cửa sổ dòm ra biển rộng, kia vũng Thùng tầu đậu phó ống khói, nọ cầu Thủy Tú xe lửa chạy như rắn bò, núi Ngũ Hành, cầu Cẩm Lệ đành rành trước mắt, tháp nhà thờ Tourane lù lù như hai thầy dòng bận áo trắng đứng im bất động, trong thì bãi cát chạy vòng theo bờ biển, ngoài nữa thì sòng bạc mênh mông không biết đâu là bờ bến, còn ba bề núi non bao bọc liên tiếp với dẫy Hoành Sơn, phía bên kia thuộc về địa phận nước Lào (Laos), còn phía bên này thì thôn cư dân mọi, biệt lập trong khoảng rừng xanh, sinh nhai về nghề trồng tỉa, an cư lạc nghiệp, vui nước thẳm non cao, tính tình chất phác, phong tục đơn sơ, chưa nhiễm mùi phù hoa đen bạc, chưa tiếp thu cái đời cạnh tranh kinh tế, thật là riêng hẳn một bầu trời, mà trong ba phần núi một phần đất, dân tộc Mường Mọi ở khắp các nơi, tuy rằng man di mọi rợ, nhưng chưa chắc đã hèn đã thua ai. Ba bên bốn mặt như thế, còn núi Chúa thì nghiễm nhiên đứng giữa như một vị tướng quân chỉ huy cho đàn tả hữu, hình thể hiểm cố, đáng làm căn cứ cho những bậc anh hùng làm nơi tranh bá đổ vương. 
Tôi ở trên này, ngày ngày du sơn du thủy, bạn với trúc tùng, hết vơ vẩn non sông, lại đi xem khe suối. Từ dưới lên đây khắp các tầng núi, tầng nào cũng có khe suối, nhưng nhiều suối bị cây cối che lấp nên không được đẹp, duy có trên trót núi này có nhiều chỗ đẹp lạ lùng, gần vùng nhà mát đây có một cái suối lớn, mạch từ trong núi chảy ra, miệng suối rộng lớn vùng quanh co ở dưới trũng núi, nước trong suốt đáy, cây lớn sum sê, bóng mát thanh u, rễ đa chằng chịt, ngả nghiêng bên bờ, trèo xuống đứng dưới suối hơi nước bốc lên mát lạnh như ở cung thủy tinh nước đá vậy. Chặng giữa suối người ta xây bể cạn chắn, một bể đọng, một bể chảy, nên giặt rửa bao nhiêu nước ở bể cạn vẫn trong sạch như thường, thế cũng là tiện, nhưng vì người ta đến tắm giặt làm huyên náo luôn, khiến cho vẻ thiên nhiên thanh tĩnh pha lẫn mùi tục lụy trần ai! Khác với câu ca dao rằng: «Con chim kêu trên hòn núi Chúa, suối Thù Dương hạc múa qui chầu; bây giờ phúc thủy nan thâu, điểu than phận điểu, ngư sầu phận ngư!».
Suối Thù Dương là suối nào không rõ, đến như suối này thì: mây bay hạc lánh, vắng biệt tăm hơi, nhác trông cỏ nội hoa ngàn, tính giống côn trùng, rắn rết, vân vân. 
Nhân cuộc đi chơi tôi biết được ít thứ thảo mộc côn trùng kể cũng lắm thứ lạ, như rễ cây bông cỏ dùng làm thuốc nam, có cây ngải cây trầm và các thứ cây khác, kể không xiết. Các nhà bác học Âu Châu đã có người sưu tầm nghiên cứu; còn thôn dân thì hay lên lấy mây và lá nón về làm đồ dùng, trúc thì có thứ nhỏ mình có hoa, dùng làm đũa ăn cơm lên nước rất đẹp, còn hoa quả trong rừng cũng sẵn có nhiều, đủ thứ cần dùng, như cau rừng hột mây, vỏ ăn trầu, các thứ đều khác sản vật dưới đồng vì ngon hơn. Cây gỗ quí cũng không thiếu gì, song vì rừng cấm, cho nên không ai dám lấy. Còn các giống sâu bọ rắn rết ở đây có nhiều loài kỳ hình dị dạng, khác hẳn với loài ở dưới đồng bằng lắm. Nhiều khi người ta giết được con rắn mà không biết tên gọi là rắn gì, vì xem mình nó có bốn chân phía dưới bụng, miệng lại có râu, tựa như rồng con. Lại có giống sâu hễ đụng vào mình nó thì nó cuốn tròn lại như nửa hột đào, vỏ cứng mà đen, nhìn kỹ cũng không thấy đầu đuôi đâu cả. Có con như con cắc kè mà lại có cánh, bay nhảy trên ngọn cây rất giỏi, tên gọi là con «Tích Vĩ» bắt được nó phơi khô ngâm rượu uống khỏi đau xương. Còn nhiều giống thảo mộc côn trùng lạ, nói không hết được.
Một buổi chiều tôi cầm sách ra đồi núi, ngồi dưới gốc tùng xem cho tĩnh mịch, bên mình có lũ trẻ lên 7 lên 8 chạy nhung nhăng hái hoa bắt bướm. Mãi xem, trời vần vũ không hay, một lúc thấy dưới trũng núi, xa xa có một thứ khói như mây trắng bốc lên ngùn ngụt, lúc lâu khói ấy bay tỏa lên không trung, rồi lần lần bao phủ khắp các cụm cây cối nhà cửa, trước còn trông thấy lờ mờ, sau đến cả chỗ mình đứng cũng mù mịt nốt, như bức màn trắng khổng lồ giăng khắp núi non, đến nỗi người ta đứng cách nhau chỉ độ mấy thước cũng không trông rõ mặt; tôi cố đứng lì để xem, sao thấy mù quá, mới rảo bước đi về, lũ trẻ nhanh chân chạy trước lấp trong đám mù, chỉ thấy màu áo xanh đỏ phấp phới, ngắm xem không khác chi một bọn tiên đồng nhởn nhơ thấp thoáng trong mây, thật là tuyệt thú. Lững thững về nhà, vừa bước vô thềm, mưa to liền đổ xuống, mừng may không ướt. Ngồi trước hiên nhìn nước chảy giọt mưa sa, gió hiu hiu thổi la đà cành thông. Mình ở non tiên, thương ai trần thế, cùng một buổi này lửa hạ nấu nung, lò cừ hun đúc, những ai ai còn mài miệt trong đám lợi danh, đắm đuối vào trường vinh nhục, thì giọt nước cam lộ cành dương sao tưới khắp!... Một lúc mưa tạnh mây tan, mặt trời lại chiếu sáng như thường. Sau nghiệm xem mỗi lần có mây mù như thế thì mưa to, mưa tạnh thì mây cũng tan ra nước hết, thế mới biết vì trót núi cao, mây với mù gần nhau, ta ở lẫn trong mây nên trông mù mịt vậy.
Lại một buổi sáng trời thanh mây vắng, dậy sớm lên chỗ cao đứng ngảnh mặt về phương đông xem vừng thái dương mới mọc, thật là một cảnh nên thơ: kia kìa một vành đỏ thắm, xa xa như lướt mấy tầng sóng bạc mà nhô lên, lúc đầu thấy nửa, sau lần lần mọc rõ toàn hình, tròn vành vạnh như cái nong lớn, chung quanh tỉa sáng tỏa ra như hào quang rực rỡ, dưới chân có đám mây sen lẫn như nâng đỡ xe loan, một góc chân trời như ánh lửa từng đỏ chói, mặt biển như tấm thảm vàng kim tuyến, cảnh tượng này duy có trên núi cao mới trông thấy rõ ràng đẹp đẽ, oai nghi vô cùng.
Tôi ở đây mấy hôm tiếc rằng chưa gặp lúc trăng tròn, nhưng cái thú xem trăng trên đỉnh núi, dẫu trăng non tôi cũng không để cho lỡ dịp. Cảnh sắc ban đêm trên đỉnh núi tịch mịch vô cùng, bóng trăng sáng lờ mờ hòa với non sông cây cỏ, càng thêm vắng vẻ thanh tao, một tiếng ngâm thơ tưởng cũng vang động cung Thiềm, tiếc rằng mình không hay thơ, không dám làm rác tai chị Hằng Nga, chỉ riêng bồi hồi cho thân thế, nên ứng khẩu ngâm mấy câu cho tiêu sầu giải muộn:
Đời đáng chán hay chưa đáng chán?
Cuộc bể dâu ngao ngán bấy ông xanh!
Dở dang thay thẹn mặt tài danh, 
Kìa vận hội đã bao phen thi thố;
Thế mới biết nhân tâm nhiều tật đố, 
Mà hay cho tạo vật cũng đa đoan!

Lẽ trong thanh khí, chị Hằng Nga soi thấu cũng châu mày cho nhân loại, vì nam nữ bất bình, mà vấn đề giải phóng phụ nữ biết bao giờ giải quyết cho xong?... Thế mà nữ giới còn ngủ say chưa tỉnh, riêng ta với cô Hằng thao thức canh chầy. Một thời gian ung dung xem khắp các nơi, duy còn núi Gia Long thì hàng ngày trông thấy cây đa cổ đứng trên trót núi, cành lá sum sê, xây tròn như cái tàn, thấy đó mà chưa đi đến nơi, vì nỗi dấu thỏ đường đi, chim kêu vượn hú, tứ bề vắng không, sau nhờ người dẫn lộ mới sang được tới nơi. Kể từ buổi sáng ra đi, băng núi này qua núi no, đường đi đầy những tòng bá trúc mai uốn éo, nhởn nhơ ong buớm bay liệng trên cành, đi quanh quất trong núi, bỗng gặp một cái suối tuyệt đẹp, nước chảy vòng theo sườn núi, cong queo một chỗ có xây bể cạn hứng nước như cái suối đã nói đoạn trước, nhưng suối này vắng vẻ, vì xa nên ít người đến tắm giặt, cho nên thanh tĩnh lắm. Chúng tôi liền ghé lại xem, vóc nước rửa mặt mát lạnh như băng, thấy nói nước suối rửa mặt lặn hết rôm sẩy ghẻ chốc vì mát lắm. Cách suối này đi vòng lên sát núi trên lại thấy một suối nữa to rộng và đẹp hơn, nước ở lưng chừng núi chảy xuống réo rắt như đờn, trắng sóa như căng lụa bạch, phía trên nước đọng lại như ao sâu, phía trên đá nhô ra như che chở lấy mạch nước chảy, trên mặt đá phẳng lỳ nhẫn bóng như ván gỗ, sơn thủy khen ai khéo đặt, tiếc rằng quên đem máy chụp hình; càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say, thật là:
Nước Nhược non Bồng, thiếu nàng tiên tử,
Cao sơn lưu thủy, vắng khách tri âm!
Cảnh quyến người, người luyến cảnh, lưu liên không muốn dời chân, tùy hành giục giã, mặt trời đứng bóng, dặm về còn xa. Bẻ tan vạch cỏ đi ngót mấy giờ nữa mới đến chân núi, trèo những dốc cao như nóc nhà, rồi mới tới đỉnh giữa trót núi, thì cây đa vẫn đứng sừng sững đó, giữa có đám đất vuông bằng phẳng sạch sẽ như cái sân vuông, chung quanh cây cối ngay thẳng như hàng rào sân vườn người ở vậy, lác đác có ít cây chè mọc lẫn với lau cỏ và trúc tùng, lại thêm giống trúc hoa sinh sản ở núi này nhiều hơn cả.
Còn phong cảnh thì tứ bề non cao chồng chất, chớn chở như thành lũy pháo đài, dưới thì làng mọi ruộng nương lúa bắp xanh tốt như chàm. Làng xóm mọi tuy thấy đó mà đi cho đến nơi thật là xa lắm; trông ra cửa biển mênh mông bát ngát, ngó xuống bình nguyên, giang sơn gấm vóc, phô bày giữa quãng trời Nam, mà chính chỗ ta đứng viếng đây, xưa vua Gia Long đồn binh lập trại, ngày nay người Đại Pháp nối gót dựng lên biệt thự thừa lương, một góc giang sơn, tang thương mấy độ! Điếu cổ hoài kim, mình ta với núi!...
Cất ngòi bút láng lai dòng lệ mực!
Đoái non sông man mác khói mây tuôn!...
Viếng núi Gia Long thành tâm có mấy câu cảm khái, mượn núi khe làm kỷ niệm, hỏi cây cỏ làm tri âm, ngoài ra không có giúp thêm cho sự quan sát nữa. Bảng lảng mặt trời đã xế, rủ nhau xuống núi về nhà, hồi tưởng lại cuộc du sơn ngày nay hồ dễ mấy khi tái ngộ. 
Gần nửa tháng trời du lịch trên khoảng không gian, tiếp xúc hết thiên nhiên phong cảnh, những ngỡ bụi trần may dũ sạch, nào hay nợ thế vẫn chưa xong! Vì chỗ ở chật hẹp, mà mình không ưa bó buộc quen, nên vội vàng giã non giã cảnh.
Lúc về đường đi dốc xuống, ngồi kiệu phần khó chịu hơn lúc đi lên, còn phong cảnh lúc đi xuống trông lại càng đẹp hơn. Nhân đêm hôm trước có mưa to, sáng ngày đi sớm hay gặp rắn rết (tiếng Trung kỳ gọi con tít) bò ra đường, nếu vô ý thì dẫm phải, rắn thì không thấy rõ, vì nó chạy mau qua, đến như rết thì con nào cũng lớn bằng lưỡi dao lưỡi liềm, bò nghêu ngao bên sườn núi, vênh râu giơ càng, bày hai hàng chân đều đặn mà vàng thẫm, trông đẹp đẻ mà dữ tợn. Càng xuống thấp, càng thấy nóng, khác hẳn với lúc trên núi ra đi phải khoác áo bông, vì hơi sương lạnh lẽo, khi về đến chân núi thì phải cuốn áo bông, mặc áo mỏng mới chịu được, vì khí nóng bực bội, mặt trời thì le lói, như quạt lửa vào mặt, khí hậu trên đỉnh núi sánh với dưới chân núi thật là khác hẳn như hai bầu thế giới vậy.
Tôi nhân cuộc nghỉ mát được biết một chốn danh sơn, không quản ngòi bút vụng về, cứ sự thực mà chép ra bài du ký này, xin giới thiệu cùng anh em chị em một cảnh Bồng Lai ở dưới trần thế này là phong cảnh núi «Chúa» đó. 
Tourane 12 juillet (tháng 7) 1931
HUỲNH BẢO HÒA

Xem Tiếp: ----