rời chập choạng tối, cụ Giáo Huấn đương nằm thiu thiu ngủ trên cái võng ở ngoài hiên, chợt hai cô bé con cứ đuổi nhau quanh võng, tiếng cười khúc khích làm cho cụ giật mình tỉnh dậy, cụ gọi:
- Thằng cả đâu? Cả... cả. Đồ mất dạy!
Gọi năm bảy tiếng không thấy cậu cả thưa, cụ gắt: «Thế là đã nhẩy rồi đấy! Không biết nó đi đâu mà tối nào cũng khỏe đi thế! Hễ xểnh mình ra một tí là nó lại nhẩy ngay! Con nhà hư quá. Đồ mất dạy! Mình dạy con nhà người ta, tham, phán, giáo, phủ, huyện, bao nhiêu người thành đạt, mà con mình thì thế. Thấy học thì hãi như gà thấy cáo. Trời cũng chơi khăm mình thật!»
Nghe tiếng cụ ông gắt, cụ ba ở đằng sau đi ra, nói:
- Nó vừa mới ở đấy mà.
- Nó vừa mới ở đấy thì bây giờ nó đâu? Nó đi từ tám nẻo rồi còn gì.
- Ô hay! Lúc tôi ra vườn thì nó hãy còn ở đấy mà. Con nhà tệ quá! Thót cái lại nhẩy!
- Bây giờ bà mới biết con bà hư. Trước kia tôi có đánh chửi nó thì bà đã bênh ngay. Bây giờ nó hư quá rồi không thể dạy được nữa thì bà mới chịu nhận là con bà hư. Thật là con hư tại mẹ nhé!
- Vâng, nó hư tại tôi.
- Nó chả hư tại bà thì còn hư tại ai. Mà chính ngay bà cũng bướng bỉnh nữa là nó. Thật là mẹ nào con nấy.
- Mẹ nó làm sao thì con nó làm vậy. Nó chả giống mẹ nó thì nó giống ai. Bao nhiêu cái tốt xin phần ông cả. Nhà chúng tôi chỉ có thế với kém thôi.
- Tại bà cứ chiều nó mãi kia mà. Con một có khác. 
Rồi cụ nói dịu:
- Tôi vẫn luôn miệng bảo bà rằng hai năm nó thi vào trường Sư phạm đã hỏng rồi, chỉ còn năm nay nữa mà không thi vào được thì hết tuổi; cho nên nhân tôi về hưu, mỗi kỳ nghỉ hè tôi rèn thêm cho nó để nó đậu công cua (concours) mà vào trường Sư phạm. Chẳng quan tư gì thì nó cũng có chức nghiệp có địa vị với đời, cho khỏi tủi bà với tôi. Thế mà nó không chịu học thì tôi phải chửi phải đánh chứ không nương được. Thương con thì để trong lòng chứ nương thì hư hỏng ngay. Ấy thế mà hễ tôi có chửi đánh nó thì bà lại bênh ngay chầm chập thì còn dạy dỗ sao được nữa. 
- Cứ kể ra thì tôi bênh nó làm gì, nhưng sao lúc ông đánh nó ông không bắt nó nằm xuống tử tế cho mà đánh, lại cứ vớ được cái gì cũng phang, cũng vụt, cũng quăng, thể nhỡ ra vào chỗ phạm nó chết thì làm sao?
- Nó chết còn hơn để người ta chửi cho là nhà gia giáo mà không biết dạy con.
Hai vợ chồng cụ Giáo đương cãi nhau thì cụ Trợ đẩy cửa bước vào. Chẳng cần phải can gián cho thêm nhọc, cụ Trợ liền cầm lấy khăn và áo dài của cụ Giáo rồi kéo cụ Giáo sang bên nhà chơi.
Hai cụ ngồi chơi uống nước, nói chuyện một lúc rồi rủ nhau thuê xe đi chơi mát, thẳng đường hai cụ bảo kéo lên tỉnh xem hát tuồng cho giải trí.
Tan hát, hai cụ ngại về, bèn gọi cửa vào nhà cô đào quen để ngủ. 
Vào trong nhà, hai cụ chỉ thấy có hai cô đào già, cụ Giáo liền hỏi:
- Lan và Huệ đâu?
- Thưa hai quan, hai dì nó phải tiếp khách trên gác. 
- Khách nào thế?
- Thưa quan, khách ở Hà Nội sang.
- Già hay trẻ.
- Bẩm trẻ ạ.
Cụ Giáo nghĩ mà chán ngắt, rủ cụ Trợ toan ra về, vì không còn ngẫu gì nữa, nhưng hai cô đào già cố mời, hai cụ mới chịu ở lại. Hai cụ chỉ ở lại làm «chầu ngủ» thôi, chứ không hát xướng gì nữa, vì bây giờ cũng đã khuya lắm rồi.
Hai cụ phải nể lời ở lại nên xem ra không được vui.
Lúc cởi áo lên giường ngủ, cụ Giáo còn cố gọi Lan nhưng Lan không nghe tiếng, mà ví Lan có nghe tiếng nữa thì chắc Lan cũng không dám bỏ khach đấy mà xuống tiếp cụ.
Cụ Trợ gàn cụ Giáo đừng gọi nữa và bảo cụ Giáo rằng:
- Thôi thần nào hưởng của ấy, để cho trẻ họ vui với cảnh trẻ, mình già thì vui với cảnh già vậy. 
Rồi hai cụ cùng hai cô đào già cười ồ lên và mỗi cụ ôm một cô lên một giường ngủ.

 

Sáng hôm sau, hai cô đào già trở dậy đi pha nước cho hai cụ xơi. Kể như mọi lần thì hai cụ trở dậy, rửa mặt, rồi uống nước rồi đội khăn mặc áo về ngay. Nhưng vì đêm qua chưa được giáp mặt Lan và Huệ, nên hai cụ phải ngồi rốn lại, chờ hai ả xuống, trách cho hai ả mấy câu rồi mới về được. Trong khi ngồi chờ hai ả xuống, hai cụ cứ phải nói chuyện chay với hai cô đào già cho đỡ buồn.
Một chốc thì thấy Lan và Huệ ở trên gác đi xuống. Hai ả đi ở cầu thang, nét mặt thờ thẫn, tay rụi mắt, chửa biết rằng ở nhà dưới có khách quen.
Hai ả mắt nhắm mắt mở vừa bước chân xuống đất thì cụ Giáo vội nói:
- Hai chị khinh người thật! Chúng tôi đến đây từ đêm đến giờ mà hai chị cứ phe lờ đi chẳng thèm hỏi đến.
Nghe nói, Lan giật mình, nhìn vào rồi vừa đi đến chỗ cụ Giáo vừa nói:
- Ô kia! Hai anh lên bao giờ thế? Em không biết đấy.
Nói rồi, giơ một tay quàng lấy cổ cụ Giáo mà ngồi xuống bên.
Cụ Giáo làm mặt giận, nói:
- Thôi đi đừng bớ lờ nữa, đêm hôm qua người ta gọi ồi ồi mà cũng chẳng thèm xuống.
- Anh gọi nhưng em không nghe tiếng, nếu nghe tiếng thì em xuống ngay.
Rồi ả vừa vỗ tay vào má cụ mà vừa nũng nịu nói:
- Khốn nạn! Đêm qua tôi không biết, để anh tôi ngủ một mình. Anh có ngủ được không hử? Cười đi rồi chốc nữa em đền.
Cụ Giáo ngồi xa Lan ra và nói:
- Thôi đừng nói vuốt đuôi nữa đi! Chị đã có khách Hà Nội rồi thì còn thiết gì đến những thằng khách nhà quê này nữa!
Lan liếc mắt lườm cụ rồi đấm yêu cho cụ một cái. 
Cụ Giáo hẩy tay Lan ra, nói:
- Thôi bây giờ tôi khỏi đau lưng rồi, chị ạ! Giá đêm qua mà được chị đấm cho thế thì còn nói gì nữa.
Lan cau mày, đứng dậy vít cổ cụ Giáo xuống rồi vừa đấm vào lưng cụ thùm thụp vừa nói:
- Này khỏe nói kháy này! Này khỏe nói kháy này! Này... 
Cụ Giáo vừa dơ tay ra gạt tay Lan vừa kêu:
- Ối trời ơi! Thôi mà! Đùa mãi! Đau mà!
- Thế đã chừa chưa?
- Chừa rồi!
Lan bỏ cụ ra. Từ bấy giờ cụ thôi không nói chọc tức Lan nữa, rồi ôm Lan vào lòng mà nói chuyện. Bên kia cụ Trợ cũng ôm Huệ vào lòng. Bốn người ngồi nô đùa với nhau tiếng cười như nắc nẻ.
Sợ hai cụ ngượng, hai cô đào già phải thoái ngay vào nhà trong để cho hai cụ được tự do nô đùa với hai ả Lan và Huệ. Cụ Giáo lại hỏi Lan:
- Khách Hà Nội có sộp lắm không, em?
Lan nũng nịu nói:
- Thưa anh sộp lắm ạ.
Cụ Giáo nguây nguẩy đẩy Lan ra và nói:
- Thôi, chị đi lên với khách sộp của chị đi, chúng tôi «bô» lắm.
Lan lườm cụ rồi lại đấm cho cụ một hồi nữa.
Bốn người đương nô đùa cợt nhả thì nghe trên gác có tiếng giầy đi lịch kịch: hai ông khách Hà Nội đã dậy. Lan bảo Huệ:
- Dì nó chạy ra chân thang gác gọi hai ông ấy xuống đây uống nước nhân thể.
Cụ Giáo cũng bảo Huệ:
- Ừ, phải đấy, em chạy ra gọi họ xuống đây uống nước cho vui.
Huệ chạy ra chân thang gác gọi rồi lại chạy vào bên cụ Trợ ngồi.
Bốn chiếc giầy nện thình thình trên cầu thang, cụ Giáo vừa ôm Lan ở trong lòng vừa ngẩng đầu lên nói:
- Mới hai ông xuống xơi nước.
Hai ông khách Hà Nội chừng không nghe tiếng nên chẳng nói gì. Cụ Giáo tưởng hai ông khách trẻ khinh người, không thèm trả lời, nên cụ cứ ôm chặt lấy Lan và chăm chăm nhìn lên thang gác. Nhưng cái thang gác ấy lại ở ngay mé cửa ngoài mà chỗ tay thang lại có ván bưng kín mít, nên cụ chưa trông thấy. Mãi lúc hai ông khách trẻ gần xuống đến nơi, cụ mới lại nói:
- Mời hai ông xuống xơi nước.
Cụ vừa nói rứt lời thì hai ông khách trẻ vừa bước chân xuống đất. Trông rõ người, cụ bỏ Lan ra, sửng sốt đứng dậy. Cụ Trợ cũng vội bỏ Huệ ra chực đứng dậy. Hai cụ đều dường như ra dáng giận dữ, vừa toan xổ ra giữ lấy hai ông khách để nói gì thì hai ông khách đã ù té chạy mất.
Lan và Huệ cùng ngạc nhiên, không hiểu đầu đuôi ra sao mà hai ông khách Hà Nội lại chạy như thế. Lan liền chạy theo ra cửa, gọi:
- Này, hai ông ơi! Chi tiền hát đi đã chứ.
Lan gọi cũng mặc, hai ông khách Hà Nội chẳng buồn quái cổ lại, cứ cắm đầu chạy nhanh như tầu điện mở bảy, mỗi ông còn bỏ một cái mũ dạ lại.
Cụ Giáo và cụ Trợ nhìn nhau mà thở dài rồi bảo nhau gọi Lan về điều đình để chi tiền hát dùm hai ông khách Hà Nội ấy cho yên. Lúc về, mỗi cụ lại làm ơn mang một cái mũ về cho hai ông, một ông của cụ Trợ, một ông của cụ Giáo. 
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----