ỉ khưu ni là cái danh hiệu chung của hạng người đàn bà xuất gia tu hành trong cõi Phật. Làng ni là một cái xã hội bọn sư đàn bà. Trong xã hội ấy từ xưa cũng không thiếu gì các vai nữ lưu hoặc là trí tuệ, hoặc là từ thiện, hoặc là can đảm, hoặc là tài tình, hoặc là những vai nhan sắc tuyệt trần chẳng kém gì Tây Thi Ngọc Hoàn, hoặc là những vai văn chương tuyệt thế chẳng kém gì nàng Ban Ả Tạ.
Duy hạng người ấy đã là hạng người xuất thế xuất gia, đem chất bồ liễu hiến vào cửa không, thực đã đúng như câu: «Thuộc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chửa lãng uyển bồng hồ nhưng thoát tục», mà thực cũng đã trái hẳn cái tâm lý người thường như câu: «Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không phong hoa tuyết nguyệt chẳng nên đời».
Những hạng tu hành giả dối thì không kể, còn thì những hạng chân tu ra, tuy phù dung là nét mặt, dương liễu là lông mi, mà thực ra thì đã lấy chất thu thủy làm tinh thần, lấy chất băng ngọc làm cốt cách. Cho nên người đời thưởng thức đến những hạng người ấy, chẳng khác nào thưởng thức cái hoa sen ở trong nước, cái hoa mai ở trong tuyết; lại chẳng khác nào thưởng thức chị Hằng ở trên cung trăng. Kẻ thưởng thức cũng nên có một cách thoát tục xuất trần, sẽ thưởng thức được những hạng danh hương trong Phật quốc ấy.
Những hạng danh hương trong Phật quốc ấy, sở dĩ quí báu thơm đẹp, khiến người ta sùng bái yêu mến chẳng thôi đó, là vì hạng ấy đối với cuộc đời đã dứt được tấm lửa lòng. Lửa lòng là gì? Tức là một bầu lợi dục chứa ở trong lòng người ta. Cổ có câu rằng: «Lợi dục khu nhân vạn hỏa ngưu», nghĩa là cái lợi dục nó xui khiến thúc giục người, ví như hàng vạn con trâu đàng đuôi đã bị lửa đốt, đàng đầu cứ việc quàng xiên tán loạn chạy đi mà chẳng biết ngảnh lại. Ấy là cái giống lửa lòng có phần nguy hiểm là thế. Than ôi! Thương thay!
Nên chi đối với giống lửa lòng ấy có ba hạng người: trong trí não tự nhiên chẳng chút lửa lòng là hạng người tiên Phật; trí não bị cái lửa lòng nó xui khiến là hạng người ngu si; trí não với lửa lòng giao chiến luôn luôn mà kết quả trí não được phần thắng lợi là hạng người tu hành. Xưa nay những nhà nói về nghĩa tu hành mà chăm chăm quả quyết nói đi nói lại về sự dứt lửa lòng, thì không ai bằng cụ Tiên Điền. Như đã nói rằng: «Cho hay giọt nước cành dương, lửa lòng rửa hết mọi đường trần duyên». Rồi lại nói rằng: «Trần duyên đã dứt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!». Đã hay rằng người ta đối với cuộc đời trong đám bụi hồng cũng không thể sao toàn tránh được hết, nhưng lại chẳng nên đem ít nhiều giọt nước trên cành dương để vãn bồi bổ cứu đấy hay sao!
Nhất là ngày nay, loài người hết thẩy đều đã nhiễm cái không khí tự do, mê cái chủ nghĩa khai phóng, xô nhau về đường vật chất quá lắm. Thậm chí có một hạng người đàn bà nước kia, vận động một cách vô sỉ, đường vật chất chẳng đạt được đến cực điểm chẳng thôi. May mà chính phủ nước ấy đã sớm sủa ngăn cấm đi, nếu không thế, thì loài người mấy nỗi chẳng biến ra loài vật! Người đời còn mê mộng cái văn minh vật chất nữa hay thôi! Nên chi những người thức giả bên Âu Mĩ đã có người rắp đem cái tinh thần Phật học để bổ cứu cho phần vật chất thái quá, đó cũng là một vị thuốc cần kíp cho loài người ngày nay.
Nước ta lâu nay, tân văn nọ sách vở kia, nói về vấn đề phụ nữ tưởng cũng chẳng ít. Duy có một hạng người phụ nữ tu hành thì chửa có ai đã từng nói đến, há chẳng phải là một điều còn khuyết đó dư? Duyệt giả nên biết rằng không phải là bảo cho ai nấy đều xuất gia tu hành cả được. Song những kẻ xuất gia tu hành kia nghiễm nhiên là một áng danh hoa trong Phật quốc chẳng chút bụi trần, há chẳng đủ làm gương cho khách hồng quần đó thay! Cũng ví như trời mùa hạ, không có thể làm cho ai nấy đều trừ bỏ cho hết được cái khí viêm nhiệt, song một vật nước đá kia, mát lạnh trong sạch, khiến cho người ta lòng phiền nhiệt dễ tiêu tán, há chẳng phải là một vật cần kíp cho trời mùa hạ đó thay! Nhân khi thong thả, trộm lưu tâm đến vấn đề Phật học trong nữ giới, tìm ra được một hạng người tu hành chân chính trong cửa không, mà cũng có lắm vẻ thú vị li kỳ, gồm có mấy truyện, nhân xếp đặt thành từng bài mà kể ra để làm gương cho phụ nữ, duyệt giả cho là thế nào? Truyện kể như sau:

I

Bà sư Tiểu Vân

Bà sư Tiểu Vân nguyên là một vị sư tu hành chân chính ở chùa Gia Hưng, sắc đẹp lạ thường, trông như người ngọc, chẳng khác gì một vị thiên tiên. Khéo làm văn, thông kinh điển, nghề thơ lại càng ít người theo kịp. Song Tiểu Vân vốn tính khiêm nhường, hễ nghe có người khen đến cái tài mình thì tỏ ra ý tứ nhún nhường, tự mình lấy làm hổ thẹn.
Một hôm có một người danh sĩ vốn thuộc về phái nhà Nho đến thăm chùa Gia Hưng, cầu tiếp kiến Tiểu Vân. Tiểu Vân ra tiếp kiến, người danh sĩ mới nghe vài lời chào hỏi đã biết ngay là kẻ văn học phi thường. Nhân hỏi rằng: 
- Trộm nghe sư bà là bậc thiên tài, những thơ của sư bà làm ra bấy lâu, hiện có tồn cảo không?
Tiểu Vân đáp rằng:
- Tôi là một kẻ ở ngoài cuộc đời, theo đòi việc nghiên bút cũng hơi biết làm thơ. Nhưng mỗi khi thảo thành, lại đem đốt đi, chứ không muốn đem vết chân chim hồng trong đám bùn tuyết linh tinh ấy, mà lưu lại cái vết lãng mạn ở trong chốn nhân gian, để cung cho kẻ thức giả chê cười.
Tiểu Vân nói thế là ý khiêm nhường, không muốn đem nghề thơ khoa trương, khiến cho trọn cái chủ nghĩa thanh tĩnh huyền mặc của nhà Phật, chứ kỳ thực thơ Tiểu Vân vẫn có tồn cảo.
Cuối cùng người danh sĩ phải gác để sự thơ không dám hỏi đến nữa, mới hỏi đến nghĩa kinh rằng: 
- Kinh điển nhà Phật ý nghĩa cao siêu, chúng tôi ngu độn không lĩnh hội được chốn huyền diệu, sư bà có hiểu rõ được chí lý đấy không? Xin đừng tiếc lời vàng ngọc.
Tiểu Vân liền đáp rằng:
- Nghĩa lý nhà Phật với nghĩa lý nhà Nho cũng giống nhau, nguyên không có chốn gì khó hiểu. Trong kinh Phật những chốn hiển minh mà dễ hiểu, thì không gì bằng lời nói trong Đa Tâm Kinh. Ngài có biết cái chốn diệu của nhà chùa đấy không? Này lục căn nếu mà chửa hết, trách nào sắc tướng khó vào cõi không. Lục căn là gì? Lục căn tức là lục dục, lục dục tức là lục tặc, lục tặc tức là lục chướng, trừ khử được lục chướng tức là lục thông. Như là muốn trông sắc đẹp, đó là giặc mắt xui nên; muốn nghe tiếng dâm, đó là giặc tai xui nên; muốn ngửi hương nồng, đó là giặc mũi xui nên; muốn ăn thức ngon, muốn biện lời nói, đó là giặc lưỡi xui nên; sợ đau sợ chết, sợ rét sợ nực, đó là giặc thân xui nên; cái lòng tham dục nó vô cùng, chẳng tranh cướp chẳng thôi, đó là giặc ý xui nên. Muốn trông thấy cái chân tướng chân tâm, trước hết phải cùng với sáu thứ giặc ấy chiến thắng, để tuyệt đường ma chướng. Cho nên phải lấy sáu phép trong Tâm kinh là phép không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân, không ý, để tóm lại hết thẩy trong đường tu.
Người danh sĩ liền hỏi:
- Thế nào là phép không mắt?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không mắt, nghĩa là không mắt tục đấy mà thôi. Như là đối với cảnh sáng láng, khi đã ngắm soi thì coi mình cũng như vẻ nguyệt ban đêm; đối với cảnh phồn hoa trong khi mộng tỉnh, thì coi nó cũng như vẻ hoa bốn mùa.
Lại hỏi:
- Thế nào là phép không tai?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không tai, nghĩa là không tai trần đấy mà thôi, như là tiếng chim vui cảnh sớm, tiếng suối đáp chuông chiều, nhớ những tiếng ấy mà quên được lòng lợi danh.
Lại hỏi:
- Thế nào là phép không mũi?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không mũi, nghĩa là không mũi hôn trọc đấy mà thôi. Như là khói trầm buổi sớm, thiếu gì sực nức tàm hương, mùi sạ ban đêm, khôn nhiễm nồng nàn tình ái.
Lại hỏi:
- Thế nào là phép không lưỡi?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không lưỡi, nghĩa là không lưỡi ngu si đấy mà thôi. Như là biện luận càng nhiều càng thấy loạn, ngọt ngon chẳng giảm chẳng thành tu.
Lại hỏi:
- Thế nào là phép không thân?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không thân, nghĩa là không thân ác liệt đấy mà thôi. Như là thân vàng sợ gì đau, thân đá sợ gì chết, mùa hè thắng được cái nực, mùa đông thắng được cái rét.
Lại hỏi:
- Thế nào là phép không ý?
Tiểu Vân đáp:
- Người tu há không ý, nghĩa là không ý tham lam đấy mà thôi. Như là tát cạn bể tham để vào nước cực lạc, rập tắt lửa dục để lên cõi liên hoa. Cho nên người ta chẳng trông thấy sự gì lợi dục, thì cái tâm thường như nước lặng, hễ thấy một sự lợi dục thì cái tâm liền như nước sôi. Ôi! Cái tâm đã như nước sôi chẳng yên lặng được, thì cái bệnh ma chướng theo đó mà sinh, cái nghiệp phù vân theo đó mà khởi. Cho nên nhất thiết đối với những phần sắc tướng ở nhân gian, nên dùng định thức và định lực để chế trị nó đi. Cũng ví như thanh bảo kiếm chém đứt mớ loạn ti mà không quản ngại, chất hàn băng tiêu tan lò thân hỏa mà chẳng nhiệt phiền đó vậy.
Người danh sĩ nghe nói, cả lấy làm kính phục mà than khen rằng:
- Bà sư Tiểu Vân chẳng khác nào một vị sinh phật ra thuyết pháp, chắc là sở đắc được chốn đích xác cao siêu, chẳng phải những kẻ ngoài miệng Nam vô kia có thể vi được. Vả lại miệng như hoa sen nở, tài tựa bông liễu bay, so vào trong bọn tỉ khuu mới đây, thực là tuyệt không người nào, mà chỉ có người ấy vậy. 

II

Bà sư Tuệ Không

Chùa Phúc Thọ có bà sư tên là Tuệ Không, cũng là một đóa diễm chất trong thiền môn. Mặt phù dung, mày dương liễu, xinh sắn nhẹ nhàng, đi trong luồng gió tựa như người bay. Sắc đã có một, tài cũng không hai. Thơ hay vẽ khéo, chữ lại càng tốt. Chữ thì học lối chữ ông Triệu Tùng Tuyết nhà Tống, mà vẻ tú nhuận diễm lệ lại có phần hơn. Duy Tuệ Không thanh giá tự xử quá cao, một mảnh giấy một nét chữ chửa từng khinh dị đem ra cho người. Những người quan sang hào nhã đua nhau đến xin tranh xin chữ, cửa thiền cơ hồ không ngày nào vắng người. Hễ được một bức thư hay là một bức họa của Tuệ Không, thì coi như một vật chi bảo, giá đáng liên thành. Mà Tuệ Không thì trước sau không hề lấy tiền thu tặng của ai cả, vì thế người ta lại càng ngưỡng mộ.
Một hôm Tuệ Không đi ra ngoài vân du, ven đường gặp một ông lão ăn mày tỏ ý kêu nài. Tuệ Không hẹn rằng: «Ngày mai đến chùa tôi, tôi sẽ bố thí cho». Lão ăn mày y hẹn mà đến, Tuệ Không tịnh chẳng bố thí cho tiền gạo gì cả, chỉ đưa cho một vài tờ giấy, trong có ít nhiều nét chữ nét vẽ gì đó. Lão ăn mày lấy làm ngần ngại, lại tỏ ý kêu nài. Tuệ Không bảo rằng: 
- Ông cứ cầm mảnh giấy ấy đi đến các nhà hào phú mà tiêu dao như trước, hễ ai hỏi mua thì ông bán đi làm phương tế độ cho hàng ngày, hễ hết thì tôi lại cho.
Lão ăn mài nghe nói, đi tiêu dao các nơi, kẻ hào phú tranh nhau mua, giá được rất đắt. Người ta đều lấy làm quái rằng lão ấy bởi đâu mà được nét chữ nét vẽ của Tuệ Không, thậm chí có kẻ ngờ rằng lão ấy ăn cắp của Tuệ Không mà được. Chẳng bao lâu lão ăn mày ấy đã trở nên một hạng người lúc nào túi tiền cũng rung rinh, thừa ăn thừa mặc, sức vóc lại khỏe mạnh hơn người. Lão ấy cám ơn Tuệ Không, nhưng không biết lấy gì báo đáp, mới kết một cái thảo lư ở ngoài cửa tam quan xin làm người thủ hộ.
Tuệ Không vì cớ nghiêm khắc thanh cao, không chiều thói tục, cho nên bọn thổ hào ở gần miền lấy làm căm giận, muốn rửa hờn cho bõ ghét, bèn thuê một bọn côn đồ thừa cơ làm cho Tuệ Không một phen quẫn nhục.
Một hôm Tuệ Không một mình đi chơi núi cách chùa đã hơi xa. Bọn côn đồ theo gót đến nơi thấy Tuệ Không có một mình, liền vây lại bức bách, nào là giọng đùa tiếng cợt, khó kham được vào tai. Tuệ Không khi ấy khôn xiết quẫn cấp, vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời, chỉ đối với bọn vô lại van vỉ xin tha. Bọn vô lại không những chẳng nghe, lại muốn ra tay thị hùng. Tuệ Không đương trong cơn nguy bạch ấy, chợt gặp lão ăn mày kia ở đâu đến, trông thấy tình hình, đùng đùng nổi giận, tức khắc giơ tay đánh lui bọn côn đồ mà họ tống Tuệ Không đi về chùa. Tuệ Không lại muốn báo ơn lại lão ấy, nên tự đấy bức thư nét họa thường thường kế tiếp cho luôn.
Về sau lão ăn mày ấy đã trở nên một người tiểu phú mà suốt đời chẳng đi đâu nữa.
Người ta bảo rằng Tuệ Không là một vị Quan Âm tại thế, mà lão ăn mày kia là một vị Hộ Pháp tiền thân vậy.
III
Cô tiểu Tu Tâm
Tu Tâm là một cô tiểu ở chùa Vĩnh Hưng, vì tuổi còn nhỏ, chưa được liệt vào hàng chư ni. Song Tu Tâm sinh ra, vốn là kẻ linh lợi khác thường, tuổi dẫu bé mà đã hơn người, dáng đã xinh đẹp, miệng lại có tài biện thuyết, tâm lại có kế hoạch khéo khôn; con mắt rất tinh đời, xem người như trông thấy gan ruột, tính lại u tĩnh, suốt ngày ở trong phòng thiền, ít người nghe thấy tiếng. Vì cớ ấy người sư già ở chùa đó tuy kính trọng Tu Tâm, mà kỳ thực rất ghen ghét Tu Tâm.
Nguyên người sư già chùa ấy có tính tham lận, coi đồng tiền như tính mệnh, thường nhờ việc kỷ niệm ngày sinh nhật đức Quan Âm bồ tát, giả danh cầu Phật dùng kế thu tiền. Tu Tâm thường ngỏ lời chê sư già rằng: «Người nhà Phật chỉ nên tùy duyên mà độ nhật, nay so kè từng đồng, chứa vào cho đầy túi tham ấy, toan để làm gì? Chỗ Phật là chỗ rất thanh tĩnh mà bị cái hơi đồng ấy nó hun xông, thì bóng Phật cũng mờ ám đi mà không còn sắc tướng gì nữa».
Một hôm người sư già tuyên ngôn với người rằng: «Đức Quan Âm đại sĩ trong chùa ta, thường trong lúc ban đêm phát hiện ra ánh sáng. Lão ni này khi bước lên điện, thường nghe tiếng đức đại sĩ phán lời phạn âm, v.v.».
Tu Tâm biết rằng lời ấy là lời bịa đặt để nói dối kẻ ngu đấy thôi, đối với những lời bịa đặt ấy thường tỏ ý khinh bỉ mà mỉm cười. Song Tu Tâm lại nghĩ rằng mình cũng là đệ tử trong cửa Phật, không tiện bộc bạch những điều gian ác của sư già, trong lòng mới sinh ra một kế, cứ về khoảng ban đêm nghe trộm cái cách của sư già hành động thế nào, thì thấy trên điện chỉ có một mình sư già tự nói lầm rầm, dường như đối với người mà nói. Sư già làm ra như thế là ý muốn khiến cho người khác biệt, tự nhiên kẻ xướng  người họa để thần diệu cho cái thuyết của mình.
Tu Tâm thì đã đi guốc ở trong bụng sư già, mới bày ra một trò ác để mua một trận cười. Đến hôm sau vào lúc hoàng hôn, Tu Tâm vào nép mình trước ở đàng sau lưng khám Phật. Kịp khi sư già đến, lễ bái xong, lầm rầm khấn cáo và kêu cầu với Phật xá cho cái tội nói càn. Tu Tâm nghe nói lấy làm bật cười, mới tự trong khám ngó đầu ra ngoài bức màn mà sẽ nói rằng: «Ừ thì xá tội cho mày, nhưng từ nay về sau mày không được thế nữa». Người sư già cả kinh hãi chẳng kịp phản biện hư thực, ôm đầu như chuột trốn mà đi. Sáng ngày mai sư già đem sự đêm qua có đức Quan Âm hiển hiện bảo với chư ni, ai nấy cũng đều kinh hãi. Tu Tâm thì chỉ bưng miệng cười thầm mà thôi. Rồi tự đấy người sư già cũng chừa được cái máu tham ấy đi, thấy hơi đồng không dám mê lắm nữa, khiến cho cảnh Phật lại được thanh tĩnh. Than ôi! Cô tiểu Tu Tâm há chẳng phải thực là Quan Âm hiển hiện thuyết pháp, ai bảo là Quan Âm giả đó thay!

IV

Cô sư Ngộ Đàm

Am Hưng Phúc ở chùa Bảo Sơn, chư ni ở chùa đó đều để tóc mà tu hành, người nào người ấy mặt hoa tươi đẹp, tóc mây xanh dờn, cũng là một sự đặc biệt trong làng ni. Trong đó có một người sư tuổi còn trẻ tên là Ngộ Đàm, đẹp như người ngọc, phong vân thanh tân, sở trường lối hãn mặc, tinh khéo nghề thơ văn. Kẻ sĩ phong nhã nhiều người đến kết bạn giao du, đưa thơ xướng họa đã thành sự quen, nhưng thủy chung đều lấy lễ giữ gìn, chửa từng chút sai khuôn phép.
Có một chàng văn sĩ kia, hành vi khinh bạc, vốn đã bị người trong nước xem khinh. Chàng ấy mộ cái sắc của Ngộ Đàm, thường tỏ ý trêu ghẹo. Ngộ Đàm trước sau chẳng chút động tâm. 
Một hôm chợt có một phong thư đưa lại, ngoài bì chẳng đề chỗ ở và người phát thư, chỉ đề mấy chữ: «Hưng phúc am Ngộ Đàm ni thu nhận», nét bút thì hùng tú, rõ ràng là nét chữ của đàn ông, bọn chư ni trong tâm cũng trộm lấy làm ngờ. Thích ngộ khi ấy Ngộ Đàm đi đâu vắng mặt, chư ni mở trộm phong thư ra xem, nhưng chư ni bình nhất chỉ là hạng người hơi biết chữ mà thôi, khi đó trông vào bức thư, mắt nhìn tròng trọc không hiểu gì cả, mới cầm bức thư ấy lên trình người sư già trong am. Người sư già xem xong vỗ xuống án kinh, đùng đùng cả giận, vì trong thư không có lời gì khác, chỉ rành rành là một bài thơ tình vậy. Thơ rằng:
Tuổi vàng đá biết kể từ phen, 
Đôi ngả tương tư đã mấy niên;
Chỉ nguyện hóa thân làm nệm gấm,
Đêm đêm cho khách khỏi sầu miên.
Dưới thơ đề ba chữ «Đa tình nhân». Lời thơ rất là suồng sã vô lễ. 
Một lúc Ngộ Đàm trở về, sư già đưa thơ cho Ngộ Đàm xem, cơn giận chưa ngớt, trách mắng Ngộ Đàm vô hạnh. Ngộ Đàm khi ấy như gặp một tiếng sét, bàng hoàng chẳng biết thế nào, vội vàng khóc òa lên. Chư ni kẻ nào kẻ nấy đều bưng miệng cười.
Ngộ Đàm tự nghĩ rằng mình gặp cái oan khó bạch, chỉ có một sự chết là có thể bạch được mà thôi. Song lại nghĩ đi nghĩ lại rằng bà Thị Kính ngày xưa, «thuở làm vợ thì chồng ngờ thất tiết; lúc làm trai thì gái đổ oan tình». Thị Kính sở dĩ thành Phật là vì nhẫn được, ta ngày nay lại chẳng nhẫn được hay sao? Chỉ học bà Thị Kính là đủ, còn tiếng thị phi đành để mái ngoài.
Sau cũng có kẻ vì Ngộ Đàm giải oan mà hiểu cho sư già rằng: «Cây quế ở trên cung trăng có thể ngăn cấm được người lên cung trăng mà vịn bẻ, chứ có thể ngăn cấm được người đứng dưới đất mà trêu cợt được không?» Người sư già sau cùng tỉnh ngộ ra, lại kính đãi Ngộ Đàm như trước. Nhưng Ngộ Đàm từ đấy khép cửa phòng văn, lấy sự làm thơ làm sự đại giới. Trong am Hưng Phúc trước kia vui vẻ lí thú chừng nào, sau này u sầu tịch mịch đường nào, ai nấy đều thóa mạ chàng văn sĩ ấy. 

V

Cô sư Ngọa Vân

Ngọa Vân là một người đẹp trong cửa Không, tuy mầu thiền ăn mặc chỉ ưa nâu sồng, nhưng vẫn hiện ra một chiều phong vận, một dáng thanh tân, hai làn thu thủy, đôi nét xuân sơn cũng đủ khiến người hồn xiêu phách lạc.
Gần miền ấy có một ông nhà giàu là Lục Cẩm Xuân, thói thường đến chơi chỗ cảnh thiền của Ngọa Vân ở, trông thấy Ngọa Vân, kinh dị cho là người trời, nhằm lâu chẳng chớp mắt, đứng ngây như người gỗ. Ngọa Vân thấy dáng bộ Cẩm Xuân đáng nực cười, liền mỉm miệng một cười. Cẩm Xuân tưởng rằng Ngọa Vân có ý với mình khôn xiết mừng rỡ. Duy ngại vì tai mặt người khác, chửa dám cùng với Ngọa Vân chuyện trò.
Sau khi Cẩm Xuân đã về nhà, mộng hồn điên đảo, tâm ý động lay. Từ đấy Cẩm Xuân đền chùa luôn luôn, giả danh ngoạn cảnh, nhưng thực thì chí Cẩm Xuân chẳng ở cảnh chùa mà ở cảnh khác vậy. Cẩm Xuân cũng có lúc chợt gặp Ngọa Vân, hai người nói chuyện, Cẩm Xuân hỏi thì Ngọa Vân đáp, hễ Cẩm Xuân hơi thiệp đến giọng lả lơi, thì tức khắc quay đầu rảo bước đi, vốn nghiễm nhiên là bậc thanh tu không thể xâm phạm được. 
Như thế đã hơn một năm. Chợt gặp năm ấy là năm mất mùa, giá thóc rất cao, dân ăn không đủ, mà nhà giàu thì vẫn chứa thóc làm cao không chịu bán. Cẩm Xuân cũng chứa thóc mấy kho, giữ làm của quí. Ngọa Vân nghe biết Cẩm Xuân có nhiều thóc, vùng đứng lên nói rằng: «Ta chẳng cứu dân đói, dân đói nguy cả đến nơi», mới văng mình đi đến nhà Cẩm Xuân. Cẩm Xuân kinh ngạc hỏi cớ Ngọa Vân lại, Ngọa Vân đáp rằng:
- Ông có tình với tôi đã lâu, tôi há chẳng biết, nhưng tôi nghĩ rằng đã vào cửa Không, lục căn đã thanh tĩnh, cho nên chẳng dám chút manh ra cái niệm tà. Chẳng ngờ đêm hôm qua tôi nằm mộng thấy đức Quan Âm đại sĩ bảo tôi rằng: «Mày với Phật vô duyên, nên hoàn tục làm lẽ mọn nhà giàu, sớm sủa sinh ra con quí. Duy phải sửa sang chùa tháp, tô lại tượng vàng. Mày với Cẩm Xuân vốn có túc duyên, nên đem cái thân của mày đổi lấy thóc người ấy, được số thóc bao nhiêu, mày sẽ đem kinh lý về việc ấy». Tôi vì cớ thế cho nên đường đột tỏ bày, xin làm vợ mọn ông, ông có thể thu chứa được không?
Cẩm Xuân cho rằng tương tư tương mộ đã nhiều ngày, mà nhất đán được như nguyện ngay, tức khắc khảng khái nghe lời. Ngọa Vân mới sai người đi chở thóc ở nhà Cẩm Xuân về chùa để chẩn cấp cho bọn dân đói. Sự xong Ngọa Vân liền lánh đi phương khác. Kịp khi Cẩm Xuân nghe tin, thì tung tích Ngọa Vân đã mù mịt như chim hoàng hạc bay đi rồi, chẳng biết đâu mà tìm nữa, chỉ kêu rằng mắc lừa mà thôi.
Ôi! Sách Phật chỉ dạy nói thật, không dạy nói dối, chỉ dạy cứu người không dạy lừa người. Song chẳng nói dối sao phá được kho thóc của kẻ lận, chẳng lừa một người sao cứu được mệnh chết của muôn người. Như cô Ngọa Vân kia há chẳng phải là con nhà tu hành mà kiêm có tính cách quyền biến đấy ư?

VI

Cô sư Tuệ Nhân

Am Đinh Phúc có người ni tên là Tuệ Nhân, tuổi mới mười sáu, dung quang yểu điệu, sắc đẹp có thể làm no được người. Tính đoan trang nghiêm khắc, cả ngày không có dáng cười, chỉ suốt ngày tĩnh tọa đốt hương, lặng lẽ không nói một lời gì cả. Người ta khen cô là người tu hành đã có định lực, nhưng không biết rằng kẻ thương tâm ấy có nông nỗi riêng, thường sa nước mắt lúc vắng người. Những giọt hoen ố ở bên gối đó, đều là giọt huyết lệ vậy, có nét mặt vui vẻ gì để mở ra với người. Trời tình khó vá, bể hận ai khơi, ấy Tuệ Nhân sở dĩ suốt ngày chẳng nói chẳng phải là không có cớ.
Vì Tuệ Nhận vốn là con nhà giàu, đọc sách biết chữ, lấy lễ giữ mình. Trông thấy con gái tục hư bỏ cả lễ giáo, lấy làm đau xót, chẳng muốn theo đời, cam tâm trái tục, đối với những hạng phụ nữ lẳng lơ trong hiện thời, không giao du với ai cả.
Nhưng khốn thay người thanh phẩm lạ, kẻ biết thì ít, kẻ ghét thì nhiều, lời gièm pha vì thế dấy lên.
Nguyên Tuệ Nhân đã cùng với một chàng họ Hà ước thề sự hôn nhân, hai người vốn quen biết nhau, chỉ là vị hôn phu thê đấy mà thôi. Lạ gì «cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha». Bọn phụ nữ kiêu ngoa kia, vì cớ ghét Tuệ Nhận là kẻ bất hợp thời, nhân đặt điều cho Tuệ Nhận là kẻ có ngoại tình, mục đích là để phá hoại sự lương duyên của Tuệ Nhân. Trước khi lời gièm pha mới khởi lên, chàng họ Hà còn chưa thật lấy làm tin, về sau điều tiếng dăng dăng, miệng kẻ chúng làm chẩy được vàng, chàng họ Hà mới cả phát giận, vội đi đến nhà Tuệ Nhân bảo Tuệ Nhân rằng:
- Bên ngoài đồn dậy việc nàng đấy, nàng có biết không? Tôi đã không thể kham được, cho nên lại đây để hỏi nàng. 
Tuệ Nhân không biết nói thế nào, chỉ trỏ thề trời đất, hết sức biện bạch là người ngoài vu oan. Gã họ Hà cười nhạt nói rằng: «Tuy rằng sự ấy không chứng cớ gì thật, nhưng thế gian chẳng ít thì nhiều, không đúng ai dễ dặt điều cho ai. Bọn kia với nàng không ân oán gì cả, mà lại vu oan cho nàng là ý làm sao? Tôi muốn để bụng không nói ra cũng không thể được. Tôi đi về đây, tùy nàng muốn làm thế nào thì làm».
Chàng họ Hà nói xong ngậm ngùi trở ra về. Tuệ Nhân biết rằng sự khó biện bạch, mới thở dài tự nói một mình rằng: «Đời người còn dài, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, tưởng cũng khó ăn ở lâu với người ấy được. Xem ra chàng họ Hà cũng là một người ngu, rồng vàng có thể tắm nước ao tù được chăng? Nhưng ta với người ấy, tuy chưa chăn gối cũng đã vợ chồng, một quả chuông mà đem đi treo mấy cửa chùa, thì sao đủ làm gương thế tục. Chi bằng ta nên cầu lấy một cái kế sách tự toàn. 
Tuệ Nhân nghĩ đi nghĩ lại chưa được kế sách gì, chợt tỉnh ngộ ra mà nói rằng: «Được rồi!» Nói xong liền cầm dao đem mái tóc xanh như mây ở trên đầu cắt bỏ đi, lánh thân vào chùa học đạo làm ni.
Sau chàng họ Hà nghe tin Tuệ Nhân đã thí phát tu hành, cả lấy làm hối lại, đến chùa thỉnh tội cầu xá. Tuệ Nhân ở trong am, trừ việc tụng kinh niệm Phật ra, trong tâm còn mang một khối uất uất. Người ta bảo rằng chàng họ Hà là Thiện sĩ tái thế, mà Tuệ Nhân là Thị Kính hậu thân. 
NGUYỄN ĐÔN PHỤC
 

Xem Tiếp: ----