Gần đây thấy điện báo bên Tây sang nói rằng có bộ tiểu thuyết của một viên quan sở Thương chính tả về phong tục An Nam mới được phần thưởng to của bộ Thuộc địa và Hội văn sĩ nước Pháp. Ký giả xin thú thật rằng xưa nay phàm những sách du ký, tiểu thuyết, v.v. của người quí quốc nói về An Nam ta, trừ một vài quyển văn chương hay, còn ký giả không thường đọc bao giờ. Là bởi phần nhiều các ông làm sách ấy phán đoán về dân An Nam sai lầm thiên lệch quá, người mình đọc tưởng không có hứng thú gì, không những không hứng thú gì, lắm khi không khỏi tức mình mà sinh ác cảm với người làm sách. Còn nhớ năm xưa có một ông đốc tây ở Hà Nội làm bộ sách tập đọc cho học trò trường Pháp-Việt, trong sách có một bài nói về tính xấu người An Nam, từ đầu chí cuối toàn là một giọng thóa mạ: «người An Nam gian trá, biển lận, hay nói dối, hay ăn cắp, hay lừa thày, hay phản chủ, v.v.», cứ thế suốt một trang. Bài đó là dạy về tiếng adjectifs: các cậu học trò ta nhờ tiên sinh bữa ấy học được một mớ adjectifs hay!... Nhưng lần này thấy bộ tiểu thuyết mới này được phần thưởng to, lại thấy các báo tây tán dương nhiều, chắc là sách hay, vậy cũng thử độc. Đọc quả thấy hay thật, đọc xong thời như có cảm tình lai láng, phảng phất hình như cái hồn của Việt Nam cố quốc ta mập mờ thấp thoáng ở đâu trên khoảng mực đen giấy trắng vậy. Sách của người ngoại quốc mà khiến cho người bản quốc đọc có cảm động như thế, thời đủ biết là sách có giá trị vậy. Sách đề nhan là «Từ đồng bằng lên mạn ngược» (De la rizière à la montagne), có ý gồm hai cái cảnh tượng khác nhau như xứ Bắc kỳ ta, cảnh trung châu và cảnh thượng du. Nhưng nhan sách ấy tưởng còn có một ý nghĩa bóng bảy sâu xa hơn nữa: hồn người Nam Việt cũng ví như đất xứ Bắc Kỳ, có một phần bình địa, có một phần cao nguyên, phần bình địa là sự sinh hoạt hằng ngày, phần cao nguyên là tấm quốc hồn cố hữu, người biết quan sát thời đúng dưới đồng bằng có thể trông thấy cảnh núi, - cũng như những khi trời quang mây tạnh nhìn lên phía trên sông Nhị Hà trông thấy xanh dì đằng xa, bên này sông là dãy Tam Đảo, bên kia sông là ngọn Ba Vì, - và xét sự sinh hoạt hằng ngày trong dân gian, có thể đoán được tấm hồn cố hữu của loài giống. Ấy sách sở dĩ có giá trị cũng là bởi tác dụng biết khéo tả những việc tầm thường hằng ngày xảy ra trong dân quê xứ Bắc kỳ mà biểu lộ được tính tình tâm lý cùng những tư tưởng xa, phong thói cũ của một dân tộc đã sinh trưởng ở trên cõi đất này trong hơn hai mười thế kỷ nay, khiến cho người đọc có một cái cảm giác như gần như xa, như mắt thấy tai nghe những sự hiển nhiên trước mắt mà tinh thần mơ tưởng những truyện cổ tích đời xưa... Truyện là một bức tả chân cái tình cảnh dân nhà quê ở Bắc Kỳ, truyện rất tầm thường, tưởng tóm tắc lại cho người An Nam ta nghe thời không có thú vị gì, vậy mà có một cái ý nghĩa sâu xa ở đó. Truyện như thế này. Bố đĩ Nguyên là con nhà nghèo làm ruộng, ở một làng trong tỉnh Hà Đông, thủa nhỏ cha mẹ đặt tên là «Thằng Cò». Lên năm đã phải thay chị gái là «Cái Đĩ» đi chăn trâu. Lên chín cho đi học thày đồ trong làng, để biết năm ba chữ mà ngày sau thay cha già khấn vái tổ tiên những ngày giỗ tết. Nhưng nhà nghèo không lấy đâu học được nhiều, được ít lâu phải về đỡ cha làm ruộng, tập lấy cái nghề nhọc nhằn cực khổ là nghiệp nông phu ở nước Nam này. Trên nắng trang trang, dưới bùn đến bẹn, hò trâu kéo cầy, suốt ngày đến tối; hai bữa được mấy bát cơm hẩm, mấy quả cà chua, tối nằm trong nhà tranh vách đất; thân phận kẻ làm ruộng ở nhà quê thiệt cũng khổ lắm thay. Nhưng Nguyên vốn sinh trưởng ở chốn thôn quê, đã chịu quen sự khó nhọc, cũng an phận, không phàn nàn. Song nhà nghèo quá, có được mảnh vườn với mấy thửa ruộng, cha con trần lực ra làm mới gọi là tùng tiệm đủ ăn, có đâu là dư dật. Một hôm tình cờ, Nguyên bắt được con khướu đen biết nói, nhân ngày phiên đem lên chợ bán được chục bạc, trở về mua cho cha một cái quan tài bằng gỗ giổi. Phận làm con mong báo hiệu cho cha mẹ, lo được chút này cũng khoan khoái trong lòng. Nguyên đã mười sáu tuổi, cha mẹ định lo vợ cho. Ông chú là ông Xuân mách có con gái lớn ông Rị làm thợ ngói, nhà nghèo nhưng con bé cũng ngoan, vả lại biết làm mũ mã, sau này có thể đỡ chồng kiếm thêm được ít nhiều. Đem trầu cau sang hỏi, ông Rị nhận lời, được ít lâu xin cưới. Hai nhà cùng nghèo, lễ cưới làm xoàng cho đủ lệ mà thôi, nhưng họ hàng làng nước cũng thết đãi được phu pha cả, không đến nỗi để cho người ta nói vào. Vợ chồng mới cũng có ý thương yêu nhau. Bố đĩ Nguyên ngày đi làm, tối về chuyện trò cùng vợ cũng khuây khỏa được những nỗi nhọc nhằn. Chợt trong vùng ấy xảy ra bệnh dịch tả: không đầy một tuần hai ông bà cùng với chị con gái lớn đều mắc bệnh chết. Gặp lúc cát cứ, lại vừa lo cái cưới phí tổn mất nhiều, trong nhà khánh kiệt, không lấy đâu mà tống táng cho phải phép, thôi thì đưa ông bà và chị ra đồng, gọi là đào sâu chôn chặt. Trong nhà ba cái tang luôn, một đồng một chữ không có, thật cùng bực mình. Một hôm nhân ngày tuần, Bố đĩ Nguyên đem cái vàng mã ra mộ đốt, khi trở về thấy con lợn của Bố đĩ Thục bên láng giềng sang rũi bừa cả mấy luống khoai nhà mình. Hai nhà vốn xưa nay vẫn bất bình nhau. Nguyên thấy thế càng tức lắm, sẵn cái thuổng ở đấy, vác nện cho con lợn một cái gẫy chân. Nghe tiếng lợn kêu, vợ chồng con cái nhà Thục chạy ùa ra, nào chửi nào rủa om sòm cả lên. Xong rời Bố đĩ Thục cậy có của dọa Bố đĩ Nguyên rằng: «Tao lên huyện thưa quan cho mày xem». Ông Xuân nghe rõ đầu đuôi, gọi nhỏ Bỏ đĩ Nguyên vào bảo: «Mày phải đi kiện trước mới được». Rồi ông thảo cho cái đơn thưa quan và cho vay nam đồng bạc đến ngày mùa trả. Nguyên ngay đêm hôm ấy lên thẳng huyện để sáng được vào hầu quan sớm. Đến huyện đưa cậu lệ hào bạc được vào hầu ngay. Đầu đơn trước quan, lại kèm thêm mấy đồng bạc lễ, quan phụ mẫu nhận đơn thu bạc, rồi truyền cho về, hai ngày nữa sẽ xử. Hai ngày thời quan sức về xử hòa, vì một bên chết mất con lợn, mà một bên thiệt mấy luống khoai. Người làng ai cũng lấy làm lạ, vì vẫn chắc rằng Bố đĩ Thục giầu hơn tất được kiện. Thục cũng tức lắm, cố chí báo thù. - Bây giờ giữa mùa nước lên, trống hộ đê đánh liên thanh như ếch kêu. Đương đêm có lệnh hỏa tốc của quan về sức kíp bắt dân phu lên đắp đê, vì nước lên mạnh quá, đã thẩm lậu qua đê. Nguyên nghèo không có tiền chuộc, cũng phải vác xẻng cuốc theo dân làng lên đê. Trên đê hơn một nghình con người đang làm nhật da luôn sáu ngày sáu đêm. Sau dần dần không thấy nước thấm nữa, quan truyền cho dân làng nào ở xa về trước. Nguyên được vào số thải trước. Về đến cổng làng người ta mách: «Anh Nguyên, nhà anh có việc gì mà trẻ con trong làng đến xem đông cả?» Tất tả chạy về, kinh ngạc trông thấy một ông Tây và hai người lính nhà Đoan, thấy chủ nhà về nắm ngay cổ áo, dẫn đến góc vườn, chỉ vào hai chĩnh bã rượu giấu ở dưới đống khoai sọ. Trời đất ơi! Nhà Bố đĩ Nguyên xưa nay nấu rượu lậu bao giờ mà kẻ nào độc ác vu oan giá họa cho như thế! Vợ chồng van lậy ông Tây và hai thầy đội, ông không nghe, truyền giải ngay về Hà Nội. Một thầy lính vào nắm lấy chực điệu đi. Nguyên tức quá nóng tiết lên văng khuỷu tay vào mũi thầy đổ máu cam ra. Nhưng chạy sao được, bị nắm lại, lấy khăn trói dật cánh khỉ, rồi áp điệu đi như thằng giặc thằng cướp vậy. Đi qua cửa nhà Bố đĩ Thục, thấy trong nhà khúc khích cười. Bấy giờ mới tỉnh ngộ: oan này là tự tay nhà Thục gây ra! - Về Hà Nội bỏ vào nhà pha Hỏa Lò. Thế là từ nay Bố đĩ Nguyên là một anh nhà quê hiền lành lương thiện, bỗng dưng thành một kẻ tội nhân của xã hội, bị giam cầm trong ngục tối, rồi đến đem thân đi vùi rập ở chốn đèo heo hút gió. Thương thay! - Vào Hỏa Lò, thầy cai coi nhà pha hỏi có tiền thời đưa thầy mười đồng để thầy chạy ông Phán Bùi làm thông ngôn ở tòa án cho, chắc được tha. Nhưng Bố đĩ Nguyên thật thà, chắc bụng rằng mình oan, thế nào quan Tây cũng minh sát cho. Ngờ đâu đến bữa ra tòa bị quan tòa xử phạt bạc năm trăm quan tiền tây, phạt giam sáu tháng tù, vì tội đánh lính nhà Đoan. Năm trăm quan tiền tây, cả tiền lệ phí thành bốn trăm năm mươi đồng bạc, Bố đĩ Nguyên làm đến già đời cũng không sao có được món tiền ấy, lấy đâu mà nộp phạt bây giờ! Nhưng không có tiền thời phải chịu tù một năm rưỡi. - Từ khi vào tù, chỉ cầu nguyện một điều, là Trời để cho đừng chết, để mãn hạn về làng, trả thù Bố đĩ Thục mới cam tâm. Chợt có lệnh Nhà nước thấy nhà pha Hỏa Lò chật quá, truyền tù nào phải quá một năm thời đem lên mạn ngược để làm đường. Sáu mươi tên phải đem lên Hà Giang, Nguyên vào số đó. Thượng du ma thiêng nước độc, lam chướng hại người, trước những nghe nói đến đã rùng mình, nay phải lên khổ sai trên ấy, kinh hãi biết dường nào! Sáu mươi tên đi, lên đến Hà Giang, chết dọc đường mất năm, còn có năm mươi nhăm tên. Tới nơi phân phát mỗi toán một việc. Nguyên cùng mấy tên nữa phải lên núi khoan đá để đánh cốt mìn. Núi có thần thiêng, người vùng ấy sợ hãi lắm, nhưng làm thân thằng tù đi khổ sai, sai đâu đi đó, dẫu nguy hiểm mà dám từ. Vậy ngày đi khoan đá, tối về nằm cùm, lắm khi đêm khuya nằm trong ngục tối, sốt rét cầm cập, nghĩ đến thân, nghĩ đến vợ, nghĩ đến cửa nhà làng nước, nghĩ đến cha mẹ tổ tiên nay vắng người giỗ tết phụng thờ, càng nghĩ càng đau lòng xót ruột, bổi hổi bồi hồi. Chỉ cầu Trời cho khỏi chết đề về trả thù Bố đĩ Thục cho cam! Một buổi đi làm về, thấy thầy Cai nhà tù đưa cho cái thư ở nhà gửi lên, thư quan đã bóc để kiểm duyệt rồi. Thư này của ông Xuân là ông chú viết. Trong thư nói rằng từ khi Nguyên bị án thời ở nhà được giấy tỉnh sức tịch ký gia tài, đem bán để đấu giá, để lấy tiền nộp phạt: cái nhà bán được 20 đồng, thửa ruộng 25 đồng, con trâu già với con lợn con 15 đồng, được bao nhiêu lý lịch thu nộp vào Nhà nước hết. Vợ Nguyên và em Nguyên thời về ở nhà ông. Ông vốn không có con trai, định nuôi thằng Cu Ba là em trai Nguyên làm con nuôi, rồi cho ăn thừa tự. Còn vợ Nguyên thời ở nhà được nửa tháng xin đi, sau được tin rằng thầy đội Bính làm đội lệ ở huyện lấy làm vợ hai. Ông cũng muốn đi kiện thầy đội cướp vợ người ta, nhưng thầy đội vừa có tiền vừa có quyền, thế ông địch không nỗi, đành phải chịu vậy. Ấy tình cảnh ở nhà từ khi Nguyên đi là thế. - Nguyên đọc thư xong toát mồ hôi ra. Thôi, thế là thôi! Nhà mất, ruộng mất, vợ mất, còn sống làm chi nữa! Nhưng mà không, phải sống để báo thù, thù này mà chưa trả được, thời chết đi cũng đến mang nặng oan hồn. - Một hôm bọn tù đương khoan đá trên núi, một tên lính Thổ canh ngồi buồn kể cho nghe truyện thần núi ấy. Thần này là một vị long sà, giữ một kho vàng ở trong động núi. Bây giờ lên đào sẻ trên núi, làm động long mạch như thế này, chắc có tai họa. Vừa nghe truyện, bọn tù vừa khoan xong mấy lỗ. Thày đội cho nạp cốt mìn, châm bấc cháy, rồi ai nấy tránh ra xa. Nhưng cả thảy có bốn lỗ, mà chỉ nghe thấy ba tiếng nổ, đợi mấy phút không thấy gì, thày đội sai Nguyên lại gần xem. Tới nơi thời vừa nổ, nghe tiếng «đùng» một cái, ai nấy chạy lại, thấy Nguyên nằm soài trên đá, toác mất cánh tay, vừa rên vừa khóc, nghĩ trong bụng rằng: «ông Long Thần làm hại ta». Khiên vào nhà thương, quan thày thuốc bảo phải cắt cánh tay đi. Trời ơi! Cắt cánh tay đi thời sau này làm ăn bằng gì? Đến phải đi ăn mày giọc đường mất thôi! Nhưng thày anh-phia-mê (infirmier) bảo nhỏ rằng: «Mày cứ để quan cắt, rồi sau Nhà nước nuôi mày, chớ gì!» Nguyên cũng tưởng thật. Nhưng từ khi cắt tay thời mỗi ngày một sốt nặng lên, thường khát nước quá, trông thấy chén nước chè trên đầu giường mà thày anh-phia-mê không cho uống, nhất định đòi hai su một chén!... Bệnh mỗi ngày một tăng, thuốc thang không có, một hôm thày anh-phia-mê đi thăm sớm thấy tên tù số 41 (tức là Nguyên) đã chết cóng tự bao giờ. Sờ trong thắt lưng thấy được hai đồng kẽm, thày bỏ túi, rồi cầm chén nước chè vẫn để trên đầu giường từ bữa trước, hắt ra ngoài cửa sổ, xong chạy lên trình quan. 5 giờ chiều hôm ấy, bốn tên tù với hai người lính khố xanh đem một cái xác bó chiếu lên chôn trên cái đồi cạnh đó: xác ấy là xác Bố đĩ Nguyên, người làng Ngọc Kiệu tỉnh Hà Đông vậy... Sách tuy kể luôn là một truyện, nhưng có thể chia làm ba phần. Phần tóm lược đó là phần thứ nhất, đến hồi Bố đĩ Nguyên chết ở nhà thương Hà Giang là hết. - Phần thứ nhì kể về em Nguyên là Cu Ba, từ khi sang làm con nuôi chú là ông Xuân, ở với chú hết đạo làm con, vẫn có cái chí muốn làm nên công nọ việc kia để trước là chấn khởi nghiệp nhà, sau là được bằng đẳng như người ta, khỏi phải làm thân đàn em suốt đời; sau đi lính nhà nước, tòng chinh bị thương, được thưởng tòng bát phẩm đội trưởng, dự ngôi kỳ mục trong làng; thế là sự hi vọng bình sinh đã được thành đạt, duy còn chút bận lòng, là hài cốt anh còn bị bỏ trên đường ngược, không kẻ đoái người thăm, phải làm thế nào đem về dưới này được thời mới yên lòng, vậy khánh kiệt gia tài, mướn chiếc thuyền buôn, mượn người chỉ nẻo, vượt thác qua đèo, lên đến Hà Giang, bốc được di hài anh đem về; thật là tỏ ra một người trung hậu đáng khen. - Phần thứ ba là kể về Thị Lục là con người con gái ông Xuân, tức là cháu gọi ông Bát (tức Cu Ba) bằng bác, bố mẹ nghèo, hồi ông Xuân mất phải đem bán cho bà hàng quán lấy tiền để cùng với ông Bát (bấy giờ chưa được là ông Bát, còn đương làm lính ở Hà Nội) làm ma ông; sau ở với bà quán, một hôm gặp mẹ mìn trông thấy xinh xắn dỗ đem đi bán cho Khách, ông Bát cậy thày cậy thợ đi tầm nã mãi mới tìm thấy cùng với mấy đứa con gái nữa ở trong một cái cù lao trong vịnh Hạ Long, giữa lúc mẹ mìn sắp giao cho tên Khách buôn người chở thuyền đem sang Tàu; sau về nhà, đến năm mười ba tuổi, gã cho ông Chúp người thôn trên làm vợ lẽ, v.v. - Phần trên đã tóm tắc rõ ràng, hai phần dưới gọi là nói qua loa như thế, cho độc giả biết đại ý mà thôi. Coi đó thời biết truyện rất là tầm thường giản dị, toàn là những việc hằng ngày xảy ra trong dân gian nhà quê. Cứ lấy từng việc một thời không có gì là lạ, nhưng gồm cả bấy nhiêu việc, như kết sợi thành tấm, thời tổ chức nên một tấm thân thể rất là bi đát thảm thương, khiến cho chúng ta nghĩ đến số phận kẻ đồng bào ở chốn thôn quê không thể không tự nhiên nẩy ra một mối thương tâm vô hạn vậy. Ấy sự sinh hoạt của dân nhà quê ta bần cùng eo hẹp, khốn nạn long đong như thế. Mà số dân ấy có phải là số ít đâu. Người nước ta mười phần thời ở thành thị chỉ một phần, ở nhà quê đến chín phần, trong chín phần ấy, làm ăn no đủ, không đến nỗi thiếu thốn khó khăn, họa may được bốn phần, còn năm phần là như Bố đĩ Nguyên cả. Như vậy thời nửa phần người An Nam ta đều như để thân trong cái cảnh huống oan uổng khốn cùng ấy cả. Có lẽ suốt trong thế giới không dân nào làm ăn khổ sở mà hưởng sống hẹp hòi như dân ta. Mà cái cảnh huống ấy có phải mới bắt đầu tự bây giờ đâu, cái cảnh huống ấy đã có tự bao giờ rồi, hầu thành như một cảnh vô cùng tận vậy. Mà cái cảnh huống ấy có phải lỗi tại dân ta đâu, lỗi tại thiên nhiên một phần, lỗi tại bọn thượng lưu ta bội phần vậy. Nào lụt, nào hạn, nào ôn dịch, nào trộm cướp (trộm cướp cũng có thể cho là bởi thiên thời được, vì chỉ những năm mất mùa đói kém mới có giặc cướp nhiều), không kể những nỗi cực khổ làm ăn hằng ngày, đời người nhà quê thật là một sự khủng hoảng vô hồi, vô hạn. Nhưng thứ nhất là lỗi tại bọn thượng lưu không có lòng thương kẻ đồng loại, chỉ biết lợi dụng cho kỳ cùng, biến người nhà quê thành con vật để đóng góp, thành cái máy để làm công! Ôi! Phương ngôn có câu: «có bột gột lên hồ»; dân là gốc của nước, muốn cho quốc gia mạnh phải có quốc dân tốt; dân ta thật là một dân tốt quá; cần cù, nhẫn nhục, kính cẩn, trung thành, thứ nhất là dễ bảo, dễ dạy, tưởng trong thế giới không có một dân nào thuần và dễ dạy như dân ta, vậy mà bọn thượng lưu có trách cầm nước từ xưa đến nay không biết khéo dùng để mà gây dựng lấy một quốc gia phú cường, không những thế, lại đè nén, lại áp chế, để cho ngu dốt, không chịu khai thông, đặt ra những tục lệ tần phiền khả ố để giam cầm bó buộc cho không mở mặt cất đầu lên được, đến nỗi uổng mất nhân tài, lỡ mất cơ hội, để nước nhà vào một địa vị kém hèn, đặt dân em vào một cảnh ngộ eo hẹp, kẻ sĩ phu trong nước ta từ xưa đến nay thật đã phạm tội nặng với đồng bào, với tổ quốc vậy... Ký giả nhân đọc bộ tiểu thuyết mới của ông Marquet mà ngồi nghĩ lan man như vậy, bất giác thấy có cái cảm tình vô hạn. Vậy có lời cám ơn tác giả đã làm được bộ sách hay, không những làm bộ sách hay, mà lại làm được một việc có ích nữa, có ích cho cái tiền đồ sự giao thiệp của hai giống Pháp-Nam ta. Gần đây, nhiều người xướng chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề; chủ nghĩa ấy vẫn là hay lắm, nhưng muốn cho hai giống đề huề thời người hai giống phải am hiểu nhau, phải biết tính tình phong tục của nhau. Xưa nay người Tây vẫn phàn nàn rằng tính tình người Nam-Việt khó hiểu lắm, khác nào như có cái màn che kín mít, người ngoài khó lòng mà trông qua được. Nếu quả như vậy thời ông Marquet viết bộ tiểu thuyết này thật đã hé được cái màn cho người quí quốc trông thấy cái tình cảnh đáng thương của kẻ nông dân ở nước Việt Nam này vậy.