áng tinh mơ khi những hạt sương khuya còn đọng lại trên cành cây kẽ lá, vài cánh vạc ăn đêm vội vã quay về trước khi trời sáng, xóm làng thật yên tĩnh như mặt nước hồ thu không gợn sóng, cảnh vật êm đềm và nên thơ này ai nhìn vào cũng tưởng rằng đây là nơi bình yên lặng gió, nhưng họ đâu có ngờ chính nơi đây đang có những đợt sóng ngầm hoành hành, nó đã cuốn đi bao gia đình êm ấm một thời, nó nhấn chìm nhiều tài sản của họ và nhất là nó cướp đi sự hồn nhiên, chân chất của những con người nơi đây, nó như dòng thác lũ trên nguồn đỗ về khó lòng ngăn lại được...

  Từ lúc xóm làng nơi đây mọc ra một tiệm cầm đồ với cái bảng hiệu họ trương lên, khi nhìn vào bảng hiệu này mọi người tưởng bao nhiêu yêu thương của chủ tiệm dành cho khách hàng nằm trong đó, tiệm cầm đồ mang tên " Nhân ái" do một tay anh chị trên tỉnh dạt về tá túc và làm ăn, cũng là lúc nhiều thói hư tật xấu bắt đầu thấm thấu vào lối sống của dân làng nơi này, " Tám Cầu cảng" tên của gã chủ tiệm cầm đồ, tuy mặt mày không bậm trợn như những tay giang hồ thứ thiệt khác, không xâm mình, không lớn tiếng hù dọa ai, thậm chí gã ăn nói trơn tru,theo cách nói đại khái của dân gian ví rằng khi hắn mở miệng nói điều gì với ai, cho dù là người khó tánh cách mấy cũng phải xiêu lòng đến mức độ  khiến cho " Kiến trong hang cũng phải bò ra", vì vậy hắn chẳng cần nuôi đám đàn em trong nhà để đi đòi và thanh toán những con nợ cố tình dây dưa chậm trả như những tiệm cầm đồ khác.

Quán nước của chú Hai già cũng như mọi ngày, cứ sáng sớm thì người trong xóm hay gặp nhau nơi đây, họ tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, chuyện đông chuyện tây, chuyện nam chuyện bắc đều được đem ra luận bàn, thậm chí chuyện mê tín dị đoan xưa nay chưa từng thấy bà con nói tới, vậy mà bây giờ họ bàn bạc về phong thủy, về cúng bái kiểu đồng bóng lạ lẫm vô cùng, cũng nhờ vậy mới có một số người nương theo sống nhờ vào những chuyện này, sáng nọ tôi cùng thằng Đàng lần mò vào quán chú Hai uống cà phê, tôi không phải người sống ở đây, Hè đến được rảnh rang vì không phải đứng lớp "gỏ đầu trẻ" nên tôi theo Đàng về quê thăm nhà của nó, nó muốn tôi về để thưởng thức gió mát của đồng nội, để tận mắt thây cái mênh mông của những cánh đồng cò bay thẳng cánh, với những thức ăn ngon, và nhất là sẽ được sống trong cái tình người đúng nghĩa của xóm làng ở đây, bởi họ có cái lối sống rất khác với cách sống của phần đông người dân nơi phố thị.
  Trời càng về sáng quán chú Hai càng đông khách, mấy cái bàn trong quán đông nghẹt người, chú Hai phải kê thêm vài cái bàn ngoài sân cạnh con lộ trải đá đỏ, mỗi lần có chiếc xe nào chạy qua bụi đường tung bay trong gió, khách phải giơ hai bàn tay bụm miệng ly và phê lại cho bụi khỏi bay vào, nhưng mũi thì vẫn hít thở cái đám bụi ấy vào buồng phổi mà chẳng thấy ai than phiền bao giờ, tôi tự hỏi:
  " Quán cà phê chú Hai chắc ngon lắm đây, chắc là nhất hạng so với mấy quán quanh đây, vì thế nên phần lớn họ tụ tập lại  để ăn uống nói cười rôm rả".
Vừa hớp một ngụm cà phê nóng vô miệng tôi mới thấy suy nghĩ của tôi khi nãy trật lất, vì hương vị cà phê của chú Hai bán còn thua nước (Gião) của mấy tiệm người Hoa ở Sài gòn, nếu như thế thì tại sao nó lôi cuốn khách đến quán chú Hai một cách bất thường như vậy, tôi bắt đầu chú ý và tự tìm  câu giải đáp cho mình, đang tưởng tượng sẽ khám phá ra điều bí ẩn của quán chú Hai, rồi tự thỏa mãn với cách nhìn nhận của mình là quán chú Hai nhất định có chuyện gì đó bí mật thì thằng Đàng nó khều nhẹ tôi nó nói:
  -  Trong quán này có em nào Hoa hậu đâu mà ông trầm ngâm dữ vậy?.
  Tôi giật mình vì nó ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, tôi nói nhỏ với nó:
-  Cái ông này, ông làm như tui "Tuổi Mùi" hay thả dê lắm hả, có trầm ngâm gì đâu, tui đang thắc mắc sao quán chú Hai đắc khách dữ thần vầy nè.
Đàng thản nhiên đáp:
  -  Ừ tại quán chú Hai là quán lâu đời nhất trong xóm, chú thím buôn  bán thật thà nên mọi người mến thương và ủng hộ, có vậy mà ông cũng thắc mắc.
Nghe thằng Đàng giải thích tôi cũng gật gù ra vẻ đồng ý, chưa kịp trao đỗi thêm với nhau thì cái bàn sau lưng chúng tôi gồm những bà sồn sồn ngồi với nhau, một bà  trong đám cất tiếng nói:
  -  Sao rồi chị Sáu, hôm nay có theo "Con Rùa" (27) nữa không, tui nghe bà Hai xóm trên bả nhờ thầy Tám Tiền bấm độn và cho số rồi, thầy Tám nói "chắc như đinh đóng cột", chiều nay chắc chắn con Rùa về nhập vô buổi xổ số của tỉnh mình đó, thầy còn nói thòng thêm, muốn chắc ăn thì Rùa lớn rùa nhỏ, rùa cha rùa con gì cũng hốt hết.
  Nghe bà nọ nói oang oang trong quán, câu nói của bà đã tự khai họ đang bàn số đề, nghe họ công khai bàn tán cờ bạc khiến tôi thầm nghĩ:
  "Hèn chi quán chú Hai đông nghẹt cũng phải, bởi mấy người có "máu đỏ đen" họ xúm lại thành từng nhóm để bàn đề, phải công nhận mấy bà này gan thiệt, đánh số đề là phạm pháp, thời nào mấy ông cảnh sát, công an cũng bắt bớ hết, vậy mà làm như họ có đóng "môn bài" cho việc này nên mới tự nhiên bàn bạc  như chốn không người".
  Bà Sáu nghe bà nọ kêu mình tiếp tục "Nuôi" con Rùa thì thiếu điều bà Sáu muốn nhảy dựng lên:
  -  Mèn ơi! Hôm nay chị còn kêu tui nuôi con Rùa nữa hả, cả nửa tháng nay con rùa quỷ này nó ngốn của tui cả triệu đồng rồi chứ ít gì đâu, còn ông Tám Tiền nữa,  ổng cho số "ba trợn" gần chết, mấy bà nghe ổng riết có ngày bán lúa giống luôn đó nghe.
  Nghe bà Sáu nói kiểu "Phang ngang bổ củi" bà nọ tức mình cãi lại:
  -  Chị Sáu nói thầy Tám vậy sao được, hôm trước ổng cho bà số con Rồng (26) bà chộp đánh liền, chiều đó bà hốt bộn bạc luôn, bà khen ổng dữ dội, rồi hôm nay bà lại cho thầy là "ba trợn", ở đời có lúc vầy lúc khác, thần thánh cho bà trúng hoài ai chịu đời cho thấu với bà chứ, đúng không?.
  Ông Chín Phàn, người ở sát vách nhà thằng Đàng, hay qua lại đối ẩm với ông Bảy Bó tía của thằng Đàng mỗi ngày, ông Chín có tính cộc cằn, khi có chuyện không vừa ý thì ông phản ứng liền, do tính khí như vậy nên lối xóm không gọi ông là Chín Phàn nữa, họ gán cho ông bằng biệt danh khác, Chín Trương Phi ( Đây là một nhân vật trong truyện Tam quốc chí diễn nghĩa, tính tình cương trực và nóng nảy), đang ngồi uống cà phê gần đó, nghe mấy bà bàn bạc đề đóm khiến ông bực mình ông nói chen vô:
  -  Nè cái con gì mới xúi con Sáu nhỏ vợ thằng Đực quánh đề dậy? Tao nói cho bây biết nha, chổ này quán anh Hai là nơi công cộng, bà con gặp nhau buổi sáng để tâm tình, phụ giúp bày vẽ cho nhau cách chăn nuôi và trồng trọt, bây có mê cờ bạc quá thì rủ cái hội tụi bây ra ngoài gốc me sau hè mặc sức mà bàn.
Dường như đã nư, ông Chín Phàn còn đế thêm một câu xanh dờn:
  -  Tao nói hôm nay là bữa cuối, bây còn tụ tập bàn đề trong quán là tao kêu mấy ông trên ấp xuống hốt tụi bây về trễn hết ráo, lúc đó bây đừng có ăn năn hay "ăn củ sắn" gì hết nghe.
  Chú Hai nghe ông Chín Phàn "dợt" đám khách ruột của mình, chú lật đật bỏ cái vợt cà phê đang pha dang dở, chú đi nhanh đến chổ ông Chín đang ngồi, kéo cái ghế đẩu sề vô sát chổ ông Chín, chú Hai vừa ngồi xuống vừa vỗ nhẹ vai ông Chín chú Hai nói nhỏ:
  -  Ông Chín nói vậy phải rồi, nhưng ông Chín ơi, mấy bả chơi cho vui chứ đâu phải dân cờ bạc chuyên môn đâu, ông Chín làm mấy bả quá trời mấy bả bỏ quán tui đi chổ khác thì coi như "bể nồi cơm" tui rồi ông Chín.
  Nghe Chú Hai nói chuyện phải quấy cho mình nghe, một chút suy tư rồi ông Chín nói:
  -  Ông Hai biết không, bà con trong ấp mình bây giờ không lo sản xuất chăm chỉ như hồi trước, tối ngày cứ lao đầu vô ba con số, hết vé số kiến thiết giờ quay ra đề đóm, con cái nheo nhóc, ruộng vườn bỏ thí, đồ đạc trong nhà cứ như có cẳng nó chạy vô tiệm cầm đồ của thằng "Tám cầu cảng" ráo trọi, vậy đó không nói không được.
Chú Hai chống chế thêm sau câu nói trên của ông Chín:
-  Biết vậy rồi, bây giờ không cho họ ngồi đây bàn tán thì họ qua quán khác, nếu vậy trước tiên là quán tui ế chõng gọng luôn ông Chín ơi.
Hơi xiêu lòng khi nghe chú Hai phân  tích như trên, ông Chín Phàn nhượng bộ:
  -  Thấy tức thì nói dậy thôi, tui biết chắc mấy bả đâu có ngán, tụi chủ đề thường thì tụi đó móc nối với mấy tay có thế lực để mần ăn, dẹp tụi này khó dàn trời chứ không dễ đâu ông Hai, nó giống như mấy con chằn tinh trong truyện cổ tích, chặt đầu này nó mọc đầu khác, nhiều khi nó hiện thêm ba đầu sáu tay ghê lắm ông ơi.
Chú Hai thở khì sau câu nói của ông Chín Phàn, chú rút gói thuốc "Hero" trong túi quần rồi dúi vào tay ông Chín, chú Hai phân bua:
  -  Ông Chín giữ gói thuốc hút chơi, loại này thơm ác ôn mà còn phê nữa, thuốc này mấy đứa ở biên giới Thái lan nó đem về tặng tui đó.
  Ông Chín Phàn vừa ngạc nhiên vừa vui trong bụng, ông đáp:
  -  Có gì đâu mà ông Hai "lo lót" cho thằng già này, thôi tui làm một điếu cho ông vui thôi, bà con lối xóm ai nỡ lòng nào úp nồi cơm của ông, nhưng thiệt lòng tui ức vụ này lắm.
  Hai ông già vừa uống trà vừa nói chuyện thời sự cho nhau nghe, họ tạm quên câu chuyện không vui vừa rồi, qua chuyện cự nự của ông Chín Phàn mấy bà cũng tỏ vẻ ngán ngán nên họ không còn nói oang oang như lúc nãy, không khí trong tiệm như lắng động lại nhường cho tiếng còi tàu ngoài sông cái kêu vọng đến, bổng dưng có một cô gái mặc bộ đồ bà ba chạy u vào quán, với gương mặt hớt hải cô gái chạy đến chổ bà Sáu đang ngồi, cô ta nói lớn:
  -  Bà Sáu, bà Sáu dìa gấp, chị Đẹp con bà Sáu uống thuốc rầy tự vận rồi kìa.
Nghe như có dòng điện chạm vào người khiến bà Sáu giật bắn người sau câu nói của cô gái, hốt hoảng không kịp hỏi han sự tình, bà Sáu đứng lên chạy tức tốc về nhà không kịp chào cái hội bàn đề của mình một tiếng, trong lúc gấp gáp bà Sáu vô tình làm đỗ ly cà phê văng trúng một bà ngồi bên cạnh, bà ta vừa giận vừa nỗi sùng trong bụng vì bà Sáu vô tình làm bộ đồ mới mặc lần đầu của mình bị nhuộm đen, bà buông ra một câu ngắn gọn dành cho bà Sáu:
-  Đàn bà gì sớn sác quá trời.

  Chôn cất con gái xong, bà Sáu như người mất hồn, nằm nhà mấy hôm rồi bà lại nhớ cái quán  cà phê, nhớ mấy bà bạn trong cái hội bàn đề của mình nên sáng nọ bà lò mò đến quán chú Hai, vừa thấy mặt bà sáu mấy bà reo lên:
  -  Chị Sáu tới rồi.
  Sau một hồi hỏi han tâm sự với nhau, một bà nói như trách móc:
  -  Chị Sáu thấy không, chị trách làm thầy Tám của tụi mình rồi, chị nhớ hôm vụ thầy cho số 27(Con rùa) hông dậy, bữa đó chị lu bu vụ sắp nhỏ ở nhà, tụi tui quyết định quánh con 27 và bao hết các lô luôn, chiều đó đài sổ ra y chang con số thầy Tám đã phán, thầy Tám linh ứng vô cùng chị Sáu ơi, bữa nào bà sắm lễ vật theo tụi tui đến tạ lỗi và sám hối với thầy đi.
  Bà Sáu nghe mấy chị em đồng Hội đồng thuyền cho biết kết quả xổ số hôm nọ thì trong lòng lấy làm tiếc rẻ, chẳng phải bà không có lòng tin vào lời của thầy Tám, chẳng qua do từ lúc thầy cho số, bà thua nhiều hơn thắng nên lúc đang bực bội bà đã lỡ lời, tai vách mạch rừng câu nói đó đến tai thầy Tám, thầy chẳng phản ứng gì nhiều, thầy chỉ nhắn cho đám bạn của bà rằng thầy cấm tiệt bà Sáu được phép bén mảng đến cái am thờ của thầy lần nữa, bà Sáu thanh minh:
  -Tui thua hoài quẩn trí quá mới nói vậy, chứ thật lòng tui quý Thầy Tám lắm, thôi hôm nào tui đến tạ lỗi với thầy...
 
Khi biết được nguyên do cô Đẹp tự nguyện chia tay với trần gian, tôi nói thằng Đàng:
  -  Mẹ ghiền số đề, con can gián không được nên quyên sinh, tội cho cô ta quá, không biết bà Sáu còn dây dưa với con ma đề đến khi nào nữa đây
  Thằng Đàng đưa ra nhận xét:
-  khi nào " Tây ăn Trầu" thì họ sẽ không chơi số đề nữa.

Đang ngồi ăn cơm trưa với bác Bảy Bó ở nhà sau, nồi canh chua cá lóc bay mùi thơm nức mũi, lâu lắm rồi tôi mới được ăn lại món canh này, thằng Đàng cùng tôi chan vào chén cho ngập nước canh, hai đứa tôi thi nhau húp rồn rột khiến bác Bảy bật cười, ông nói:
  -  Thấy hai đứa bây ăn kiểu này bác biết tụi con thèm lắm phải không, con cá lóc này ngon lắm đó, con Hai nhà Bác nó bắt được hôm qua, bây giờ cá ngoài thiên nhiên híếm hoi lắm, còn ba con cá nuôi trong ao hồ thịt bở rẹt ăn chán lắm.
  Tôi góp lời:
-  Dạ ngon lắm Bác Bảy, ở Thành phố tụi con ăn cơm quán bình dân họ nấu cho có chứ không ngon như nhà mình đâu.
  Vừa ăn vừa trò chuyện, chúng tôi dự định báo cho bác Bảy chúng tôi sẽ trở lại thành phố sau cả chục ngày ăn cơm "khính" ở nhà bác Bảy. Bổng tiếng chân chạy rầm rập phía ngoài đường ven kinh trước nhà Bác Bảy, rồi tiếng la của ai đó vang lên:
  -  Trộm trộm bắt nó bà con ơi!
  Thoáng thấy một bóng người chạy ngang qua, với đôi mắt thật tinh anh thằng Đàng la lên:
  -  Tía ơi, ai như thằng cu Đực ở xóm dưới mới chạy ngang, không lẽ thằng này ăn trộm hả tía.
  Ông Bảy hững hờ nói:
-  Ối bây giờ trộm cắp lềnh khênh bây ơi, đứa nào cũng không loại trừ, đó cũng tại ba cái đề đóm mới sanh ra trộm cắp, chưa đâu nghe bây, đám lóc nhóc bây giờ ghê lắm, tao nghe tụi nó hút hít bồ đà bồ điếc gì đó, hết tiền lên cơn ghiền rồi làm càn làm bướng.
  Quả thật cặp mắt của thằng Đàng thật tinh anh,tên trộm không ai khác là thằng Cu Đực, nó chẳng những ham mê đánh đề mà còn vướng vào hút hít, thấy mấy ông ấp xóm trói chặt tay nó ra phía sau dẫn giải về trụ sở ông Bảy lắc đầu rồi lên tiếng;
-  Uổng công cha mẹ nuôi nấng lớn khôn, chưa báo đáp mà gây ra tội lỗi rồi, riết rồi tao muốn bán nhà dời tuốt vô trong bưng trong biền ở cho khỏi chướng tai gai mắt.
  Thằng Đàng nghe Tía nói nó hết hồn liền can ngăn:
  - Kệ nó Tía tội ai làm nấy chịu, mắc mớ gì tía dọn nhà, cờ bạc hoài thua hết vốn thì họ nghỉ thôi, tiền đâu chơi hoài.
Ông Bảy nói:
-  Đâu có đơn giản vậy bây, nó thua nó sẽ "Chà đồ nhôm" hết rồi nó qua nhà hàng xóm lấy cắp, nhiều khi còn giết người cướp của nữa, thời buổi bây giờ ớn lắm, thôi mai bây dìa trễn lại đi, có gì tía biên thơ báo tin cho.

Gần nửa tháng trời ăn cơm "khính" nhà bác Bảy, cái ước muốn của thằng Đàng giúp cho tôi thấy được cách sống của người dân quê như diễn tả, vậy mà thực tế thật trớ trêu, làng xóm nơi quê nhà không còn bình yên như thuở nào, còn đâu cảnh gái trai hò hẹn  giữa những đêm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, còn đâu tình nghĩa xóm làng giúp nhau lúc tối lửa tắt đèn, những gì tốt đẹp của ngày xưa đã lùi dần vào quá khứ khiến nó và tôi cứ ray rứt mãi trong lòng trên chuyến xe đò trở về nơi ồn ào vùng phố thị.
  Vài tháng sau, tôi đang ngồi chấm bài trong phòng, thằng Đàng xô cửa vào, nó đưa lá thư của Bác Bảy gửi lên, tôi mở ra xem:
..... ngày.tháng năm..
Đàng con.
  Như đã hứa, Tía viết thư này cho con Và Chú Tính bạn con được rõ.
  Các con biết không, cái tệ nạn nó tràn lan ở quê mình như con và chú Tính đã biết, Bà Sáu sau khi con gái mất, không còn người khuyên bảo can gián nên bà càng lún thêm vào vũng bùn tội lỗi, bà bán sạch mọi thứ kể cả căn nhà và mấy công ruộng vườn, phần đề ăn, phần cái Tiệm cầm đồ của thằng Tám cầu cảng nó lấy phân lời ác nhơn thất đức khiến bà Sáu trắng tay, hiện bà sống lay lắt không nhà không cửa thật thương tâm,có hôm bà Sáu ghé vô xin cơm ăn, tía cho bà ăn bà khóc nức nở bà rất hối hận nhưng quá muộn màng, bà còn kể một chi tiết mà tía cho là thú vị nên tía kể lại cho con nè:
  Có hôm bà Sáu chạm mặt ông Chín Phàn trên một quảng đường đê, bà than van về cuộc sống hiện tại nghèo nàn đói khổ, sau một hồi khuyên bảo ông chín Phàn nói thêm:
  -  Con Sáu nè, sự thể đã rồi bây giờ muốn làm lại từ đầu khó lắm, phải chi trước đây bây thức tĩnh sớm thì chồng bây đâu có ly dị, con Đẹp đâu có chết oan uổng, rồi tài sản đâu có chắp cánh bay đi, phải chi lúc trước bây bỏ ra một số tiền lớn, coi như tiền bây thua đề, bây đem số tiền đó dẫn cả nhà bây đi du lịch đâu đó, ở khách sạn cao cấp, ăn uống phủ phê một chuyến thì dù bây có mất số tiền lớn nhưng hạnh phúc gia đình bây được gắn bó hơn lên, bây cờ bạc làm chi để tiền không còn gia đình thì tan nát thử hỏi bây giờ bây có cam lòng hay không?
Đàng ơi!
  Nghe Bà Sáu kể lại lời khuyên của ông Chín Phàn tía cảm thấy rất đúng, vì cuộc sống con người hiện tại, với bao  bề bộn lo toan nên người ta ít quan tâm đến người thân của mình, rồi cộng với những ham muốn của cá nhân khiến cho gia đình rơi vào bao nghịch cảnh như nhà bà Sáu,còn nhiều cảnh đời éo le dưới quê mình tía không thể kể hết được, khi nào con với chú Tính về đây tía sẽ kể thêm.
  Con giữ sức khỏe, nhớ đừng sa ngã như bà Sáu tía buồn lắm nghe con
Tía của con.

  Bức thư của bác Bảy khi đọc xong tôi rất thán phục, vì một người nông dân như bác lại có cái suy nghĩ thật tuyệt vời để làm cho sợi dây thiêng liêng gắn bó các thành viên trong gia đình không bị đứt đoạn  bởi những tệ nạn và ham muốn tầm thường trong mỗi con người trong cuộc sống hôm nay, bất chợt hình ảnh ông Chín Trương Phi hiện ra trong tâm trí tôi, giá mà dân tình nơi ấy chịu nghe lời can gián của ông chín Phàn thì cái xấu, cái ác sẽ không có chổ để dung thân.
  Viết xong 07.04.2016

Xem Tiếp: ----