ội Trí-tri mở ra cuộc diễn thuyết mỗi tháng là hai kỳ, cử một người đứng lên, đem chuyện gì có nghĩa lý mà nói chuyện, trước là để các ngài đến đông đúc cho vui hội, sau là cũng một cái dịp để bổ ích cho sự kiến thức chung cả.
Kỳ trước ông Phạm-Quỳnh đã diễn thuyết về chuyện Kim-Vân-Kiều, kể rõ cái tinh thần và cái tài tình của trước giả là cụ Nguyễn-Du, thật là một bài diễn thuyết rất đích đáng.
Nay đến lượt tôi, thì tôi lấy làm bối rối lắm: đem những chuyện lảm nhảm mà nói thì chẳng bỏ làm mất công các ngài đến đông đúc như thế này mà nói những chuyện khó khăn xa lạ, thì sợ cái sức tôi không đủ, lỡ có lầm lỗi thì làm sao? Nghĩ đi nghĩ lại tôi lấy làm khó lắm. Sau tôi thiết tưởng rằng nước mình là một nước theo nho học đã hơn 2.000 năm nay, đến bây giờ cái phong trào mới mỗi ngày mỗi khác mà nho học thì phai nhạt dần dần đi. Chi bằng ta đem chuyện Khổng-phu-tử là ông thánh đạo nho mà nói, để nhắc lại cái sự nghiệp và cái công đức của một đấng thánh nhân đã gây nên cái mối chính trị và luân lý của mấy dân tộc ở phương Viễn-đông này.
Nói chuyện đức Khổng-tử thì chắc các ngài đây có nhiều ông cũng đã biết rồi, chẳng qua là một sự nhắc lại mà thôi; nhưng trong bọn thiếu niên ta có nhiều người vì phải theo tân học, cho nên không có thì giờ mà biết được chuyện của các đấng thánh hiền ngày trước. Vậy hôm nay nói chuyện Khổng-phu-tử thì cũng không phải là một sự vô ích.

 

Khổng-phu-tử là người nước Lỗ, ở làng Xương-bình, huyện Khúc-phụ, nay thuộc về phủ Duyên-châu phía nam tỉnh Sơn-đông bên Tầu. Ngài là dòng dõi người nước Tống, tức là vào quảng Khai-phong phủ tỉnh Hà-nNam, đến ông tổ ba đời mới dời sang ở nước Lỗ.
Ông thân phụ ngài là Thúc-lương-Ngật, làm quan võ, lấy người vợ trước đẻ được 9 người con gái mà không có con trai, người vợ lẽ đẻ được người Mạnh-Bì, nhưng lại có tật ở chân. Sau đã già rồi ông Thúc-lương-Ngật mới lấy bà Nhan-thị sinh ra ngài. Ngài sinh vào tháng 10 năm canh tuất, là năm thứ 21 đời vua Linh-vương nhà Chu, sánh với lịch tây là năm 551 trước Thiên-Chúa Gia-Tô.
Phàm những bậc vua chúa hay là bậc thánh hiền đời trước mà đã làm được công cuộc gì to tát, hay là đã gây nên một tôn giáo nào, thì hậu thế hay bịa đặt ra một vài chuyện để làm cho những bậc ấy khác với người thường. Đến như chuyện đức Khổng tử là chuyện một ông thánh dạy người ta lấy sự thực mà theo cái lý đương nhiên của trời đất, mà cũng còn có những sự huyền hoặc như là bà Nhan-thị trước lúc sinh ra ngài thấy có con kỳ lân nhã tờ ngọc thư có chữ đề rằng: «Thủy-tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương», nghĩa là con nhà Thủy-tinh kế nhà Chu đã suy, mà làm vua không ngôi. Bà Nhan-thị lấy làm lạ bèn lấy dây lụa mà buộc sừng con Kỳ lân lại; được mấy hôm rồi nó đi mất. Lại có truyện rằng khi sinh ra ngài thì có hai con rồng xuống quấn chung quanh nhà, và có năm ông lão là 5 vì sao trên trời xuống đứng giữa sân, mà ở trong phòng bà Nhan-thị thì nghe trên trời có nhạc âm, và có tiếng nói rằng: «Thiên cảm sinh thánh tử» (Trời cảm lòng cầu nguyện cho sinh ra đứa con thánh). 
Những chuyện ấy là chuyện huyền người ta đặt ra, ta cũng nên biết thế mà thôi, chứ cũng không nên tin là thực có. Ta chỉ nên biết rằng: Khổng-phu-tử có là thánh, là bởi vì cái công việc của ngài làm, và cái đạo của ngài dạy người ta, chứ không phải tại những điềm ấy mới là thánh đâu.
Bà Nhan-thị có lên cầu tự ở trên núi Ni-khâu, cho nên mới nhân điều ấy mà đặt tên cho ngài là Khâu, và tên chữ là Trọng-Ni. Có sách lại chép rằng ngài sinh ra có cái trán cao và gồ lên, cho nên mới nhân đó mà đặt tên là Khâu.
Ngài lên 3 tuổi thì ông thân phụ mất. Còn từ lúc nhỏ cho đến lúc khôn lớn, sách chỉ chép rằng: Thủa ngài hãy còn nhỏ chơi với trẻ thường hay bày nhưng đồ tế lễ, và hay bắt chước những cách cúng vái. Một điều nhỏ mọn như thế, nhưng là một cái quan niệm lớn khiến ta hiểu được cái bản tính của ngài trọng về lễ nghĩa, mà cái đạo của ngài dạy người ta cũng cốt ở sự lễ nghĩa hơn cả.
19 tuổi thì ngài thành gia thất, nhưng nhà ngài cũng bình thường, có lẽ nghèo thì phải cho nên ngài có nhận chức Uỷ-lại, là người trông nom sự gặt lương thóc ở kho, rồi lại làm Tư-chức-lại, là người coi chỗ nuôi bò dê để dùng về việc cúng tế.

 

Lúc ấy tuy ngài còn trẻ tuổi, chức còn nhỏ, nhưng đã nổi tiếng là người sành về việc lễ nghĩa, cho nên quan nước Lỗ là ông Trọng-tôn-Cồ cho con là bọn Hà-Kỵ và Nam- cung-Quát đến học lễ ở ngài. 
Tính ngài vốn trọng về đường lễ nghĩa, và sùng kính những phép tắc đời xưa, cho nên sự học của ngài chỉ chuyên về mặt khảo cổ. Thủa ngài 28, 29 tuổi, ngài muốn đi xem chỗ kinh sư là chỗ vua nhà Chu đóng ở Lạc-ấp, tức là thành Lạc-dương, tỉnh Hà- nam bây giờ. Nhưng vì đường thì xa, mà có lẽ phí tốn cũng nhiều, cho nên ngài phải trù tính việc đi kinh. Học trò ngài là Nam-cung-Quát đem việc ấy bẩm với Lỗ-Hầu, là vua nước Lỗ. Lỗ-Hầu cho xe và ngựa đưa ngài đi.
Vào đến kinh thì ngài đến nhà Minh-đường khảo cứu những luật phép, những tượng cổ và đồ cổ để chứa trong nhà ấy. Nhà Minh-đường là nhà của ông Chu-Công lập ra cũng tự hồ nhà Musée của Tây bây giờ, để chứa những luật pháp, những đồ đạc, và tượng của các bậc thánh hiền đời trước. Ngài lại đi xem những chế độ ở nơi triều miếu, và những chỗ tế giao, tế xã. Phàm ở đâu có việc gì quan hệ đến sự tế lễ là ngài cũng đi xem xét tường tận.
Bấy giờ ở kinh có ai là người có danh tiếng thì ngài cùng đi hỏi mà học về những việc lễ nhạc. Như ngài đến hỏi lễ ông Lão-tử, hỏi nhạc ông Chành-Hoằng.
Ngài ở kinh được ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Từ đó cái tiếng ngài đã vang khắp ra cả mọi nơi, cho nên học trò ngài càng ngày càng đông. Nhưng cái chủ nghĩa của ngài là muốn giúp đời chứ không muốn chuyên một nghề dạy học trò mà thôi.
Ta phải biết rằng đạo ngài không phải chủ sự ẩn dật, cầu sự đạm bạc vô vi như đạo Lão, đạo Phật, đạo ngài là chủ sự hành động, làm người phải đem cái trí lự của mình ra mà làm những điều có ích cho nhân loại, bởi vậy suốt đời ngài là chỉ muốn gặp được ông vua biết dùng ngài để ngài đem đạo của ngài ra mà thi hành ở đời. Mà cái đạo của ngài thì ngài chắc là hay, cho nên ngài quả quyết mà nói với môn đề rằng: «Ai dùng ta thì trong mấy tháng đã nên được việc lớn, mà trong ba năm thì việc gì cũng hoàn toàn được». Vậy muốn biết cái sự trạng của Khổng-phu-tử thì phải biết cái tình thế nước Tầu lúc bấy giờ ra thế nào.
Nước Tầu về đời nhà Chu thì chỉ có một quãng ở vùng sông Hoàng-hà mà thôi, nghĩa là vào chừng độ 5, 6 tỉnh ở bên Tầu bây giờ.
Lúc đầu nhà Chu mới được thiên hạ thì chia nước ra phong cho những con cháu và những người công thần đến hơn 70 nước làm chư hầu; đến đời Xuân-thu là đời đức Khổng-tử thì tính cả thảy đến 160 nước. Những nước ấy to thì bằng một vài tỉnh của ta, nhỏ thì bằng một phủ, một huyện gì đấy. Hãy xem về sau nói rằng Khổng-phu-tử đi qua nước Tề, nước Vệ, nước Trịnh, nước Trần, v.v., người không biết thì tưởng đi nước nọ qua nước kia như thế, có lẽ xa xôi lắm, nhưng xem trong bản đồ bây giờ thì chẳng qua chỉ cũng quanh quẩn ở trong tỉnh Sơn-tây và tỉnh Hà-nam mà thôi.

 

Những nước chư hầu được quyền tự chủ trong nước, nhưng phải triều cống vua nhà Chu, và khi có sự chinh phạt gì thì các nước chư hầu phải theo mệnh lịnh của Thiên-tử, mà đem bình đi tòng chinh. Ấy cái tình trạng nước Tầu về buổi đầu nhà Chu là thế, nhưng về sau nhà vua suy nhược, chư hầu nước nọ kiêm tính nước kia, mệnh lịnh nhà vua ra không ai tuân kính nữa, mà nhà vua cũng phải khoanh tay mà chịu không làm sao được.
Các nước chư hầu, hễ nước nào khỏe là nước ấy làm bá cả một phương, như nước Tề, nước Tấn, nước Tống, nước Tần, nước Sở, nước Ngô, nước Việt, v.v. Sự chiến tranh mỗi ngày một nhiều: hết nước này đánh nước nọ, thì nước nọ đánh nước kia. Thiên-tử thì bị chư hầu áp chế; chư hầu lại bị quan Đại-phu áp chế. Dân sự thì bị giết hại tàn phá, cực khổ vô cùng, trong thiên hạ không còn có kỷ cương gì nữa cả. Ấy là một buổi đại loạn trong nước Tầu vậy.
Trong thời bấy giờ có nhiều người thấy cuộc đời điên đảo như thế, thường hay lấy sự ẩn dật làm một chủ nghĩa, cho cuộc đời là một cái ảo tưởng, không muốn dính giáng đến làm gì. Nhưng đức Khổng-tử ngài không nghĩ thế, ngài cho cái bụng yếm thế của các bậc ẩn dật ấy là một cái tội đối với xã hội, vì người ta ai cũng có nghĩa vụ đối với đời, mà trốn không làm cái nghĩa vụ của mình tức là một điều không hợp với đạo làm người. 
Ngài càng thấy cuộc đời loạn lạc, phong tục bại hoại, thì ngài càng muốn ra sức mà đổi loạn ra trị. Ngài nói rằng: «Nếu thiên hạ đã thịnh rồi, thì ta đây có cần gì phải cải lương nữa».
Muốn làm được việc cải lương ấy thì tất phải có quyền thế mới làm được, chứ chỉ lấy lời mà nói không thì không bao giờ thành công được. Bởi vậy ngài cố tìm được ông vua nào biết ngài, mà giao cho ngài cái quyền tước để sửa đổi cái phong tục và việc chính trị thời bấy giờ để làm cái gương cho các nước khác bắt chước.
Khốn thay! Ông Trời đã sinh ra đấng Thánh-nhân mà lại không cho đấng Thánh-nhân được cơ hội để thi hành cái đạo của mình, thành ra từ khi ngài ở kinh về nước Lỗ, vua nước Lỗ không biết dùng ngài. Được mấy năm nước Lỗ lại loạn ngài phải bỏ sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề-hầu đón ngài đến hỏi việc chính sự, ngài nói chuyện gì cũng vừa ý Tề-hầu, Tề-hầu đã toan lấy đất Ni-khê mà phong cho ngài, nhưng bấy giờ có quan đại phu nước Tề là Yến-Anh không thuận, can ngăn Tề-hầu không cho. Ngài thấy thế bèn bỏ nước Tề về nước Lỗ. Bấy giờ ngài đã 35, 36 tuổi rồi, ngài về nước dạy học trò và luyện tập thêm cho hoàn toàn cái đạo mình.
Mãi đến năm thứ 19 đời vua Kinh-vương nhà Chu, ngài đã 51 tuổi, vua nước Lỗ dùng ngài làm quan Trung-đô-tể, tức như là quan phủ doãn ở chỗ kinh thành. Được một năm ngài làm quan Đại-tư khấu, tự hồ như bây giờ là quan Thượng-thư bộ Hình.
Bấy giờ là một cái cơ hội cho ngài để thi hành những sự cải lương. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, đặt ra pháp tắc để tống táng người chết, lớn nhỏ phân
biệt, trai gái không lẫn lộn. Cứ như sử Tầu chép thì cái chính sách của ngài thành được cái hiệu quả rất to, trong nước thịnh trị, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian phi không có, hình pháp đặt ra không hề phải dùng đến.
Ngài làm Đại-tư-khấu được 4 năm, vua nước Lỗ cho ngài nhiếp-tướng-sự, nghĩa là để ngài quyền nhiếp việc quan tể tướng. Được 7 ngày thì ngài giết người Thiếu-Chính-Mão là một người gian ác thời bấy giờ, được ba tháng thì việc cải lương của ngài thật là hoàn toàn: việc gì cũng có trật tự, con trai thì chuộng trung tín, con gái thì chuộng trinh thuận. Cái cảnh thịnh trị thật là rực rỡ lắm.
Ấy là lời của nhà làm sử Tầu chép lại như thế. Dẫu thế nào mặc lòng, cũng vì ngài khéo trị nước Lỗ, cho nên nước Tề là nước lân bang sợ nước Lỗ thịnh lên thì lâm nguy cho mình, bèn tìm cách để phá hoại những công việc của ngài. Nước Tề chọn lấy 80 người con gái ăn mặc rất đẹp, múa hát rất giỏi, và 30 con ngựa tốt đem sang bày ở cửa Nam-thành nước Lỗ để dâng cho vua nước Lỗ.
Thời bấy giờ các nước chư hầu có nhiều nước có vua và lại có quan đại phu, là một bậc quyền thần trong nước, cũng hơi giống như vua Lê chúa Trịnh của ta ngày trước. Quan Đại-phu nước Lỗ là Qui-tôn-Tư đi ra xem hai ba lần, và có ý muốn nhận những đồ ấy, bèn vào bẩm với Lỗ-hầu và đem Lỗ-hầu ra xem. Lỗ-hầu xem lấy làm thích lắm, bỏ việc ba ngày không ra thính chính.
Khổng-phu-tử thấy vua vì sự vui chơi bỏ trễ việc nước như thế chắc là việc gì cũng hỏng cả, ngài bèn từ chức mà bỏ sang nước Vệ. Ngài cũng tưởng rằng vua nước này không dùng được ngài có lẽ vua nước khác dùng được, cho nên ngài đi hết nước nọ qua nước kia. Trong mấy ông vua đã đón rước ngài, ông thì thấy công việc to quá, sợ làm không nổi, nói thoái thác là tuổi đã già rồi, thi hành cái đạo của ngài không kịp nữa; ông thì bị những quan đại phu sợ ngài tranh đoạt mất quyền lợi, xui đừng dùng ngài.
Lại có một lẽ tại làm sao mà các nước Chư-hầu không dám dùng ngài là thời bấy giờ các nước Chư-hầu còn muốn lấn quyền của Thiên-tử, mà cái chủ nghĩa của ngài thì lại cốt tôn phù ngôi Thiên-tử, giảm bớt cái quyền của Chư-hầu. Ngài nói rằng: «Việc lễ nhạc, sự chinh phạt ở Thiên-tử ra thì thiên hạ trị, việc lễ nhạc, sự chinh phạt ở các nước Chư-hầu ra thì thiên hạ loạn». Vì cái chủ nghĩa của ngài như thế cho nên công việc của ngài lại càng khó lắm nữa.
Ngài ở nước Vệ được 10 tháng, vua nước Vệ không dùng, ngài định sang nước Trần, đi qua đến nước Khuông; người nước Khuông nhận lầm ngài là người Dương-Hổ (2), bèn đến vây chỗ ngài ở để bắt. Lúc ấy trong bọn môn đệ theo ngài có thầy Tử-Lộ muốn ra kháng cự, nhưng ngài không cho, ngài bảo thầy Tử-Lộ đánh đàn mà hát để ngài cùng hòa với. Người nước Khuông nghe tiếng đàn hát biết là lầm mới giải vây rút quân về. 
Ngài thấy đi mà gặp sự ngăn trở như thế, lại trở về nước Vệ. Lần này vua nước Vệ, có người vợ tên là Nam-tử nhan sắc rực rỡ, mà lại dâm đảng vô cùng. Nàng ấy muốn tiếp ngài, trước ngài đã từ chối, nhưng sau bất đắc dĩ ngài phải đến hầu chuyện, vì rằng theo tục bấy giờ ai đã đến nhận chức gì ở nước nào, thì ra mặt vợ ông vua nước ấy. Thầy Tử-Lộ thấy thầy vào hầu Nam-Tử lấy làm không bằng lòng. Ngài phải thề rằng: «Nếu ta có làm điều trái đạo, thì trời bỏ ta». Vua nước Vệ lại chiều nàng Nam-tử, bắt ngài đi xe theo trong thành phố, người ta trông thấy ai cũng cười, có người chê báng nói rằng: «Kìa cái đạo đức chạy theo cái nhan sắc kia kìa». Ngài cũng lấy làm xấu hổ mà than rằng: «Ta chưa thấy ai yêu điều đạo đức được như là yêu cái nhan sắc».
Ngài ở nước Vệ phải những điều khó chịu như thế, cho nên sang năm sau ngài bỏ qua nước Tống, lại bị quan Tư-mã nước Tống là Hoàn-Khôi muốn giết ngài, ngài lại bỏ sang nước Trần. 
Ngài ở nước Trần được 3 năm, vua nước Trần đãi ngài cũng tử tế, nhưng nước Trần cứ bị giặc dã luôn, ngài lại trở về nước Vệ.
Sách Gia-ngữ nói rằng khi ngài ở nước Trần về nước Vệ đi qua nước Bồ, bị họ Công-Tôn là phản thần nước Vệ giữ ngài, bắt ngài phải thề không được trở lại nước Vệ, thì nó mới cho đi. Ngài phải thề nó. Nhưng ngài đi khỏi đất Bồ lại quay về nước Vệ, những môn đệ thấy ngài trái với lời thề như thế ai cũng lấy làm ngạc nhiên mà hỏi ngài, thì ngài đáp lại rằng: «Người ta bắt ép mình mà mình phải thề, thì lời thề ấy có phải là cái nghĩa đâu mà ta phải giữ». Chỗ này các nhà bác sĩ bên Tây xem đến đấy ai cũng lấy làm lạ cho lời ông Thánh dạy người ta bội mình như thế. Cứ cái lý đương nhiên thì điều ấy không được chinh thật, nhưng phải biết rằng Khổng-phu-tử không chuyên dạy người ta một đường chấp kinh mà thôi, ngài vẫn cho người ta được có lúc tòng quyền. Vả chăng sự gì mà bị người ta ức hiếp là việc bất đắc dĩ, chứ có phải tự bản tâm mình đâu.
Ngài về nước Vệ, vua nước Vệ vẫn trọng đãi ngài, nhưng vẫn không dùng ngài.
Lúc bấy giờ xem chừng như ngài có ý buồn bực lắm.  Sách Khổng-tử gia-ngữ có chép rằng: «Một lần ngài đi sang nước Trịnh, thầy trò lạc mất cả, ngài đi lơ phơ một mình ở ngoài cửa thành. Học trò ngài là thầy Tử-Cống đi tìm gặp một người, hỏi thì người ấy nói rằng: ở cửa Đông có một người hình dáng là thế, mà lũy nhiên như táng gia chi cẩu, nghĩa là ngơ ngác như con chó mất chủ». Thầy Tử-Cống sau đem chuyện ấy thuật lại cho ngài nghe, ngài mỉm cười mà thở dài rằng: «Hình dáng thì không đúng, nhưng nói giống như con chó thì thật phải, thật phải!». Nghe lời ấy thì biết cái bụng ngài buồn bã là bao nhiêu! Ngài đi nước nọ qua nước kia, chỉ muốn dùng cái đạo của mình mà giúp đời, mà mãi không thành công gì cả, thì cũng buồn thật. Ngài đi đi về về nước Vệ lần ấy đã là ba lần rồi, mà vua nước Vệ vẫn không dùng. Ngài thì một tuổi một già, có lúc ngài bực mình đã toan sang giúp người bạn thân là Phật-Bật. Bấy giờ có thầy Tử-Lộ hỏi ngài rằng: «Ngày trước đệ tử được nghe Phu tử dạy rằng: người quân tử không có nhập đảng với người nào đã làm điều bất thiện, nay người Phật-Bật lấy đất
Trung-mâu, làm sự phản nghịch, mà Phu tử lại định sang giúp nó là nghĩa làm sao? - Ngài trả lời rằng: «Ta có nói điều đó thật nhưng ta cũng có nói rằng vật gì đã cứng, thì dẫu có mài cũng không mòn được, mà vật gì đã trong sạch thì dẫu có dấn vào chỗ đen chỗ bẩn, cũng không đen và bẩn được. Ta đây há lại là quả dưa chỉ để treo mà không ăn được hay sao?». Ý ngài muốn nói rằng ngài là người ngay người chính, tuy có theo giúp người Phật-Bật là người phản thần để khiến nó bỏ tà sang chính thì cái lòng ngay chính của ngài có mất đâu. Làm người thì phải đem cái tài trí của mình ra mà dùng, chứ để bỏ mất không hay sao? Ngài nói thế nhưng rồi ngài cũng không đi. Sau ngài lại định sang với quan đại phu nước Tấn là Triệu-Uổng, nhưng đi đến sông Hoàng-hà nghe tin người Đậu-minh-Độc và người Thuấn-Hoa chết, ngài lại trở về nước Vệ.
Ngài ở nước Vệ lần này được non ba năm, một hôm vua nước Vệ mời ngài đến bàn việc binh. Đang ngồi nói chuyện, vua nước Vệ thấy đàn chim nhạn bay trên trời, ngửng lên trông không nghe chuyện ngài nói. Ngài thấy vua nước Vệ không có ý dùng ngài, ngài bèn bỏ đi sang nước Trần. Ngay năm ấy quan Đại-phu nước Lỗ là Quí-Tôn-Tử chết, dặn con là Quí-Tôn-Phì đón ngài về làm tướng giúp nước. Người con không nghe lời dặn ấy, lại cho đón người học trò ngài là thầy Nhiêm-Cầu. Được ít lâu ngài bỏ nước Trần đi sang nước Thái, qua đến nước Giẹp thì vua nước Sở cho người đi đón ngài và định lấy 700 dặm đất mà phong cho ngài, nhưng lại bị quan linh doạn là Tử-Tây can ngăn đi, ngài lại trở về nước Vệ, lần này nữa là lần thứ năm.
Từ đó ngài thấy đi đâu cũng chẳng thành công gì, ngài bèn ở nước Vệ đến 5, 6 năm. Mãi đến khi ngài đã 68 tuổi, quan đại phu nước Lỗ là Quí-Tôn-Phì cho người sang đón ngài về nước Lỗ. Ngài bỏ nước Lỗ đi tất cả là 14 năm. Bấy giờ ngài cũng biết mình đã già rồi, cho nên ngài cũng không cầu ra làm quan nữa. Ngài chỉ chuyện về việc dạy học trò và làm sách. Ngài soạn lại kinh Thư, là một bộ sách cổ nhất nước Tầu: sách ấy chép những chuyện quan hệ đến quyền lợi và nghĩa vụ của vua quan và của thứ dân, và những pháp luật từ đời thượng cổ đến đời Đông-Chu là thế nào.
Ngài xếp đặt lại kinh Thi chép những lời ca dao quan hệ đến phong tục và chính trị của nhà Chu và của các nước chư hầu về đời bấy giờ. Ngài chính lại kinh Lễ và kinh Nhạc, là hai bộ sách chép những lễ như là lễ tế trời, tế đất và hôn, tang v.v. và những ca nhạc trong lúc tế tự và vui mừng. Ngài cắt nghĩa kinh Dịch là một bộ sách thuộc về môn lý học của đời trước để lại, nói về lẽ âm dương để giải thích cái hiện tượng của trời đất và muôn vật.
Ngài làm một bộ sử gọi là kinh Xuân-thu, chép chuyện nước Lỗ và chuyện các nước đời bấy giờ kể từ ông Mục-công cho đến ông Ai-công nước Lỗ, cả thảy là 12 đời và 242 năm (722-481). Khi ngài đang làm bộ sách này thì người nước Lỗ đi săn bắt được con kỳ lân què một chân, ai cũng cho là điềm không lành, đem bỏ ra ở ngoài đồng. Ngài đi xem trông thấy thì bưng mặt mà khóc rằng: «Ngô đạo cùng hĩ», nghĩa là cái đạo của ta cùng rồi. Kinh Xuân-thu chép đến chuyện ấy là hết.
Khi chưa sinh ngài thì có Kỳ-lân ra nhả ngọc thư, nay ngài sắp mất thì Kỳ-lân ra mà lại què một chân. Vậy con Kỳ-lân ấy quan hệ đến cái số hệ của ngài là thế nào thì ta không biết, mà con Kỳ-lân ra thế thế nào thì dễ thường xưa nay cũng chưa ai trông thấy.
Lúc bấy giờ học trò ngài có đến 3.000 người, mà những bậc tinh thông được lục nghệ thì được 72 người. Ngài dạy học trò đông thế mà ai cũng tôn kính và yêu mến ngài như là cha sinh ra vậy.
Một buổi sáng thầy Tử-Cống trông thấy ngài vắt tay sau lưng kéo lê cái gậy, thủng thỉnh đi ngoài cửa ngâm rằng:
Thái-sơn đổ,
Lương-mộc nát,
Triết-nhân sắp đã héo tàn hay sao?
Hát xong, ngài vào, bệnh mỗi ngày một nặng được bảy ngày thì mất. Bấy giờ là năm thứ 41, đời vua Kinh-vương nhà Chu, tức là năm 478 trước Thiên-chúa Gia-tô giáng sinh.
Học trò ngài thương tiếc vô cùng để tâm tang ba năm. Thầy Tử-Cống làm nhà trên mộ ở đến sáu năm mới thôi.
Mộ ngài nay ở chỗ gọi là Khổng-lâm, cách huyện Khúc-phụ hai dặm, có cây cối sầm uất, nay người ngoại quốc đi viếng thăm cũng nhiều.
Ấy cái lịch sử của Khổng-phu-tử trước sau là thế, ta có biết rõ cái lịch sử ấy thì ta mới hiểu được cái đạo của ngài chủ về điều gì.
Đạo Khổng-phu-tử là đạo luân lý, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm ngũ thường mà dạy người ta ở đời, lấy vua toi, cha con, vợ chồng làm tam cương mà ràng buộc cái nhân luân ở trong xã hội. Ngài chủ lấy những điều quan hệ đến sự người ta làm ăn mà dạy người, chứ không nói đến sự viển vông khó khăn, hoặc là điều cao xa kỳ dị. Môn đệ ngài nói rằng: «Phu tử không nói đến những sự quái lạ, những việc bạo hành, những việc phản bội và những việc quỉ thần». Cái nền luân lý của ngài là ở trong tâm tính người ta, chứ không ở đâu xa. Muốn sửa người ta thì lấy những việc người ta hằng làm, hằng trông thấy mà dạy người ta là được. Ngài nói rằng: «Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo»: Cái đạo không xa cái tính tự nhiên người ta, hễ vì cái đạo mà làm cho người ta xa cái tính tự nhiên của mình, thì không phải là đạo.
Nếu lấy việc người mà dạy người, thì phải lấy việc gì làm gương, lấy ai làm tiêu biểu để cho người ta noi theo mà bắt chước? Chỉ có những bậc đế vương đời trước đã làm những việc rất lành, rất hay, thì ta cứ nên bắt chước những bậc ấy mà làm. Đế vương đời trước thì sùng bái quỉ thần, ta nay cũng sùng bái quỉ thần. Nhưng việc quỉ thần là việc khó, ta chỉ sùng bái mà thôi, chứ cũng không cần biết cho rõ có quỉ thần hay
không. Mà biết thế nào được? Mình chưa biết thờ người thì đã biết thờ thế nào được quỉ thần. Vả chăng những bậc thánh nhân đời trước, là bậc sánh ngang với trời đất mà còn chưa biết được quỉ thần, thì ta biết làm sao được, mà muốn biết cho mất công. Bởi vậy ngài nói rằng: «Quỉ thần kính nhi viễn chi»: Quỉ thần thì cứ kính thờ, nhưng không nên gần».
Không những là việc sùng tín mà thôi, đến việc tề gia trị quốc cũng nên theo cổ. Vì rằng theo cổ thì mình đã biết những việc cổ nhân làm đã có công hiệu là thế nào rồi, chứ những việc mới chưa tầng làm bao giờ thì cái kết quả nó ra làm sao, mình chưa biết được; thành ra cứ theo những điều hay của cổ nhân mà làm thì hơn.
Nhưng đây ta phải hiểu rằng cái ý sùng cổ của Khổng phu Tử là muốn viện cái thế lực cổ nhân để khiến người ta làm điều hay điều lành cho dễ, chứ không phải là ngài chuyên hẳn về một mặt thủ cựu. Chính ngài cả đời chỉ muốn có cái quyền tước để cải lương việc đời. Tuy việc gì ngài cũng nhắc đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, nhưng ngài muốn theo là theo cái cách của những đấng thánh nhân ấy đã dùng mà sửa đổi việc đời, chứ không phải là cổ nhân đã định ra thế nào thì cứ thế mà theo. Ngài muốn cho người ta ai cũng như vua Thang đề cao cái thùng tắm, là chỗ ngày nào mình cũng trông thấy, rằng: «Cầu nhật tân, nhất nhật tân, hựu nhật tân». Nghĩa là một ngày là một mới, ngày ngày càng mới thêm, đã mới rồi lại mới nữa. Cái tôn chỉ của Khổng phu Tử là thế, không biết về sau làm thế nào mà hiểu lầm, rồi chỉ thiên về một mặt thủ cựu hẹp hòi. Cái lối thủ cựu của Tầu và của ta là cũng do sự hiểu lầm ấy, cho nên mới thành ra một sự ngăn trở cho sự tiến bộ ở phương Á đông này. Phàm đã thiên về mặt thủ cựu thì làm việc gì cũng trông gương cổ mà bắt chước: bắt chước được đúng lắm là hay lắm; bắt chước được đúng vừa thì hay vừa. Thành thử cái hay của mình chỉ hay được bằng cái hay đời trước mà thôi, chứ không hay hơn được. Như thế thì còn tiến bộ làm sao được. Một cái sự học lầm ấy làm cho xã hội của mình phải thiệt thòi biết bao nhiêu!
Khổng phu Tử thì thật có lòng sùng bái những bậc thánh quân hiền tướng đời trước, vì rằng những bậc ấy đã đem những việc hay việc lành khiến cho thiên hạ được sung sướng thái bình. Nhưng mà những bậc ấy bao giờ cũng là cái phần ít ở trong loài người ta. Bởi vậy cho nên về đường chính trị, ngài chỉ muốn lọc lấy cái phần ít rất hay rất tốt mà giao cho giữ lấy quyền bính, để trị thiên hạ, như là giao cầm lấy bó đuốc để soi cho thiên hạ biết đường mà đi vậy. Cái phần ít ấy tức là bậc thượng lưu trong xã hội, tức là người học rộng tài cao, người đạo đức, biết lấy điều nhân nghĩa mà ăn ở với người ta. Cái phần ít ấy là người hiểu được thiên lý và suất được nhân sự, cho nên phải để cho cái phần ít ấy sai khiến người ta. Còn cái phần nhiều là người thường dân thì chỉ nên noi theo những người ấy mà ăn ở thì chắc là thiên hạ được thịnh trị. «Dân khả sử do chi, nhi bất khả sử tri chi», chính là cái nghĩa như thế.
Những người được quyền cai trị người ta không phải là bởi mình đã được cái địa vị ấy, thì muốn làm gì thì làm đâu: phải theo cái mạnh trời mà đối với những kẻ chịu
quyền cai trị của mình. Đạo làm người là ai cũng phải cố gắng để khiến mình thành được chí thiện. Mà người có chí thiện thì trời mới giao cái quyền cho được trị thiên hạ. Nhưng «duy mệnh bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi». Nghĩa là cái quyền ấy không có nhất định, đã cho ai thì cho mãi đâu, ai có mà làm điều lành thì trời mới cho, mà không làm điều lành thì trời cất đi không cho nữa. Vậy làm ông vua hay làm ông tướng, tuy rằng có cái oai quyền rất to, cái thế lực rất mạnh, nhưng trời vẫn không cho được dùng cái oai quyền, cái thế lực ấy mà làm điều ác điều bậy. Hễ ông vua nào không chịu theo mạnh trời thì trời khiến lòng người tỏ cho ông vua ấy biết là mình đã làm điều không phải, nếu không sửa đổi đi thì chắc là có tai vạ.
Mà ông trời thì ở đâu? «Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính». Dân trông thấy là trời trông thấy, dân nghe thấy là trời nghe thấy: Trời tức ở dân.
Xem như thế thì cái chính trị của Khổng phu Tử tuy vốn là cái chính trị quân chủ, mà tựu trung có cái phần dân quyền rất to. Bởi vậy những ông vua những nước theo nho giáo, tuy là áp chế, nhưng không có mấy ông áp chế thái quá như các nước khác. 
Khổng phu Tử thường hay bàn về chính trị, vì rằng ngài cho là một sự rất quan hệ đến vận mệnh của xã hội. Nhưng ngài có một cái quan niệm rằng chính trị dẫu hay đến đâu mà phong tục trong nước không tốt, trật tự không rõ ràng, tôn ti không phân biệt, thì không sao tránh khỏi được sự biến loạn. Bởi vậy nhất thiết điều gì ngài cũng lấy lễ làm trọng.
Lễ là cái kỷ luật để ràng buộc cái phong tục, khiến cho sự hành vi của người ta ở trong xã hội bao giờ cũng có cái nền nếp. Mà phàm những lễ nghi là không phải cái qui thức của một ai tự dựng đặt ra được; lễ nghi là do những bậc thánh hiền đời trước xướng suất lên, rồi đời nọ qua đời kia, đã sửa sang lại, cho nên người ta đã noi theo một cách rất cung kính. Có sự cung kính thì mọi người ai cũng phục tùng, chứ không phải cưỡng bách. Vì rằng dẫu có luật pháp nghiêm khắc thế nào thì cũng chỉ làm cho người ta sợ ở bề ngoài mà thôi, chứ trong bụng người ta không phục. Bụng người ta đã không phục thì làm cái gì cũng là giả dối, không phải là đạo đức nữa.
Bởi thế cho nên Khổng phu Tử trọng lễ lắm, ngài dạy ai thì cũng: «Tiên học lễ, nhi hậu học văn», có biết lễ rồi thì mới nên biết văn chương xảo kỹ. Đã là lễ thì trên phải ra trên, dưới phải ra dưới, cái địa vị ai ở đâu phải ở đấy, không có hỗn độn được. Nhưng cứ một lễ không thì nhân loại ở với nhau phân biệt quá, phải có cái gì cho nó có thể hòa trên với dưới được, khiến cho người ta ở với nhau tuy phân nhưng vẫn hợp, tuy trên dưới khác nhau, nhưng vẫn là một đoàn thể. Ai cũng có nghĩa vụ phải làm, rồi vui cùng vui, khổ cùng khổ, ai ai cũng cùng với nhau mà hưởng thụ cái kết quả về sự hành vi của cả đoàn thể. Cái để hòa trên dưới ấy tức là nhạc. «Lẽ dĩ kính vi bản, nhạc dĩ hòa vi bản», cái chủ nghĩa lễ nhạc là cốt ở sự kính và sự hòa. Hễ có kính mà có hòa thì việc gì cũng có trật tự mà lại êm đềm, không có phiền phức chút nào cả.
Ấy là cái đạo của Khổng phu Tử về đàng xã hội là thế, bao giờ chính trị và luân lý cũng là một, mà không là một nửa, thì cũng là phải phụ thuộc vào với nhau một cách rất mật thiết. Có luân lý thì chính trị mới có nghĩa mà có chính trị thì luân lý mở mang ra được.
Còn cái đạo của Phu tử về đường tu thân thì ngài chỉ lấy sự thành. «Thành giả thiên chi đạo giã, thành chi giả nhân chi đạo giã»: sự hoàn toàn là đạo của trời, sự cố gắng của mình cho được hoàn toàn là đạo của người. Nghĩa chữ thành là hoàn toàn.
Cứ như cái ý kiến của ngài thì người ta bẩm sinh ra vốn đã có tính lành, vì mình không giữ gìn để cái dục tình nó đè nén, làm cho cái tính thành ấy suy nhược đi. Vậy muốn sửa mình thì phải học tập để nhận biết được cái bản tính của mình, nhận biết được cái bản tính của mình là lành thì tự khắc là mình biết được cái nghĩa vụ của mình ở đời là thế nào. Đối với thân mình thì phải «thành kỳ ý, chính kỳ tâm, tu kỳ thân», khiến cho người ta càng ngày càng lên cho đến gần bậc chí thiện chí đạo. Làm việc gì cũng phải lấy việc nghĩa làm đầu. Thấy việc nghĩa mà không làm là người hèn. Bởi vậy kẻ chí sĩ hoặc người quân tử không có tham sống mà hại đạo, «có khi xả thân đi mà làm cho trọn đạo cũng nên». 
Phàm là người đã biết trọng nghĩa thì biết khinh lợi, bởi vậy cho nên bao giờ người quân tử cũng trọng nghĩa, mà tiểu nhân thì trọng lợi.
Người ta đối với sự phú quí thì ai chẳng muốn, nhưng nếu theo đường chính mà không được, thì không nên cầu làm gì; người ta đối với sự bần tiện ai chẳng sợ, nhưng nếu theo đường chính mà phải bần tiện thì cũng không nên sợ làm gì. Người quân tử không bao giờ thấy điều lợi mà quên được việc nghĩa. Thường làm sự phi nghĩa mà được phú quí thì đành chịu bần tiện còn hơn. Bởi vậy Phu tử nói rằng: «Ăn gạo xấu uống nước lã, gặp cánh tay làm gối nằm, như thế cũng còn sung sướng; chứ cái phú quí bởi sự phi nghĩa mà được thì ta coi như đám phù vân vậy».
Ấy là đạo làm người đối với thân mình thì phải tu tỉnh cho nên người hoàn toàn, đối với công việc mình làm thì phải trọng việc nghĩa hơn việc lợi. Ở trong gia đình thì phải có hiếu đễ: hiếu là thờ kính cha mẹ, đễ là tôn nhường kẻ huynh trưởng, hòa thuận với kẻ dưới mình. Phụ từ, tử hiếu, phu xướng, phụ tòng, ấy thế là một nhà hoàn toàn. Còn đối với mọi người thì Phu tử nói rằng: «Tứ hải chi nội đại huynh đệ», người trong bốn bể đều là anh em cả, ta phải thương yêu nhau, điều gì mà mình không muốn người ta làm cho mình thì mình đừng có làm cho ai bao giờ. Ăn ở với người ta thì cốt lấy sự tín cẩn thành thực, không có lừa đảo dan dối ai bao giờ. Ai giữ được bấy nhiêu điều thì có thể thành được người đạo đức hoàn toàn.
Đấy là nói đại lược cái đạo của Khổng phu Tử là thế. Các ngài xét đấy thì biết rằng đạo Phu tử là một đạo xử thế, chứ không có điều gì cao xa sớt cả. Mà không phải là ngài không biết được điều cao xa, nhưng cái chủ ý của ngài là chỉ muốn lấy những điều bình thường giản dị để dạy người ta, để ai ai cũng hiểu được, và lại có thể thích hợp  với sự thực hơn là nói những chuyện viển vông. Việc gì ngài cũng lấy trung dung làm quí chứ không muốn điều gì thái quá. Ngài nói rằng: «Người quân tử phải tùy cái địa vị mình mà khiến sự ăn ở của mình, đừng có muốn điều gì quá ra ngoài cái cảnh ngộ của mình: phú quí thì mình ăn ở theo cái cảnh ngộ phú quí, bần tiện thì mình ăn ở theo cái cảnh ngộ bần tiện, ở với mọi rợ thì phải ăn ở hợp với cái cảnh ngộ mọi rợ; lâm hoạn nạn thì phải theo cái cảnh ngộ hoạn nạn. Bất kỳ ở đâu, người quân tử vào cái cảnh ngộ nào cùng giữ được tròn cái bổn phận của mình cả».
Đến việc dậy người ta làm điều lành, Phu tử cũng giữ lấy đạo Trung dung. Có một người hỏi ngài rằng: «Lấy đức mà báo oán thì sao?» Ngài trả lời rằng: «Thế thì lấy gì mà báo đức? Chỉ nên lấy thẳng mà báo oán, lấy đức mà báo đức». Điều ấy thì thật là vừa vặn, thật là trung dung, khác với những người nói lấy đức mà báo oán thì cao quá, e nhiều người không làm nổi; hay là nói lấy oán mà báo oán thì thấp quá, không nên làm. 
Người ta bảo: «tam tư nhi hậu hành», ngài bảo rằng: «tái tư khả hĩ». Làm việc gì mà nghĩ qua một lần thì không được kỹ, nghĩ đến ba lần thì quá, thành ra quẩn, nghĩ hai lần thì phải.
Cải đạo của ngài êm ái dịu giàng như thế cho nên những người thân cận như là môn đệ ngài ai cũng yêu kính ngài một cách rất khác thường. Chẳng thế mà khi ngài mất rồi hơn 3.000 học trò đều để tâm tang ba năm, có người thương khóc ngài hơn là thương khóc cha mẹ. Một người có cái đức vọng to tát như thế, không những là làm cho người đương thời phải cảm phục, mà đến muôn đời về sau càng ngày người ta càng cảm phục hơn, như thế thì chỉ bậc chí thánh không có ai nữa.
Ngài mất rồi đạo ngài cũng chia ra năm bảy phái, nhưng cốt nhất là phái thầy Tăng- Sâm làm đầu, và phái thầy Tử-Hạ làm đầu. Thầy Tăng-Sâm làm sách Đại học rồi truyền đạo cho cháu Khổng phu Tử là Thầy Khổng-Cấp, làm sách Trung dung. Thầy Khổng-Cấp lại truyền đạo cho thầy Mạnh-Kha tức là Mạnh-tử. Phái này là phái chính, nhưng chỉ truyền đến thầy Mạnh-tử thì hết. Về sau hậu nho theo phái Mạnh-tử, nhưng cứ mỗi ngày một hẹp lại, nhất là đến Tống-nho là bọn ông Trình-Gi, và ông Chu-Hi thì đạo nho thành ra đạo thủ cựu, làm cho ngăn trở sự tiến hóa. Còn phái thầy Tử-Hạ thì về sau cũng chia ra làm mấy phái, một phái thì truyền cho Tuân-Khanh, Tuân-Khanh truyền cho bọn Hàn-Phi, Lý-Tư là bọn pháp gia. Một phái thì truyền cho Điền-tử-Phương, Điền-tử-Phương truyền cho Trang-tử, rồi sáp nhập vào phái Lão-gia.
Những sách vở của ngài làm ra hay là sửa sang lại, thì có 6 kinh là kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Nhạc, kinh Dịch, và kinh Xuân Thu. Những kinh ấy trừ kinh Nhạc ra, thì tôi đã nói qua những cái đại ý cho các ngài nghe lúc nãy rồi. 
Về sau, khi ngài mất rồi các môn đệ mới thuật những lời ngài dạy bảo, chép thành một quyển
tử tức là thầy Tăng-Sâm làm sách Đại học, giải bày cái lẽ người ta phải học tập cho cách vật tri tri để chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Rồi đến thầy Tử-tư, tức là thầy Khổng-Cấp làm sách Trung dung giảng rõ cái nghĩa đạo Trung dung của Khổng-phu-tử. Sau cùng là thầy Mạnh-tử làm sách Mạnh-tử, thuật những điều chính thầy Mạnh-tử đã đối đáp với vương hầu lúc bấy giờ, hoặc là đã giảng dạy cho môn đệ. Thầy Mạnh-tử cũng theo cái tôn chỉ Khổng-phu-tử mà phu diễn thêm ra để dạy người ta lấy điều nhân nghĩa. Trong chư hiền kế đạo thống của Khổng-phu-tử thì có thầy Mạnh-tử là người thắc mắc hơn và lại hiểu được đạo của ngài hơn cả. Văn từ lại hoạt bát, ngôn ngữ hùng biện, cho nên hậu thế gọi là á thánh.
Sáu quyển sách của Khổng-tử để lại gọi là lục kinh, còn 4 quyển sách của các môn đệ làm ra gọi là tứ thư. Nhưng sách ấy truyền đến đời nhà Tần, bị vua Thủy-Hoàng nghe lời quan tể tướng là Lý-Tư đem đốt cả đi. Về sau đến đời nhà Tây Hán các nho gia mới nhặt nhạnh lại thì mất hẳn kinh Nhạc, còn các kinh khác, thì thiếu thốn mất nhiều chỗ. Bởi thế hậu nho có người ngờ rằng những ngũ kinh và tứ thư chưa chắc đã đúng được như lúc chưa bị đốt. Dẫu thế nào mặc lòng, nho giáo từ xưa đến nay chỉ cốt ở trong ngũ kinh là kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch và kinh Xuân Thu, và tứ thư là Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.
Tóm lại mà nói đức Khổng-tử lúc sinh thời ngài làm những công việc gì, cái đạo của ngài dạy người ta ra làm sao, những môn đồ của ngài là ai đã kế được đạo của ngài, và những sách vở của ngài để lại có bao nhiêu, thì tôi đã nói cái đại lược để các ngài nghe. Vậy lời tổng kết phải thế nào? Lấy sự kết quả của nho học về sau mà xét thì tôi e rằng có nhiều người tân học bây giờ muốn đổ lỗi cho cái đạo của Khổng-phu-tử làm thiệt thòi cho những dân tộc ở phương Viễn đông này, phải chịu kém về đường học vấn và đường tiến hóa ở trong xã hội. Nhưng xét cho kỹ, thì cái lỗi ấy là tại những người theo nho học về sau hiểu lầm cái tôn chỉ của phu tử, chứ không phải là tại phu tử. Phu tử là người muốn sự tiến hóa, miễn là cứ tiến hóa lần lần cho đến bậc chí thiện, chí mĩ, chớ không bạo động thì thôi. Ở thời nào phải theo thời ấy mà biến đổi cho hợp thời. Bởi vậy phu tử nói rằng: «Tùy thời chi nghĩa đại hỷ tai», một lời nói ấy có thể làm cho ta nên được rất thịnh, rất hay, thế mà ta không nên được, là tại ta, mà ta lại là mắc tội với Khổng-phu-tử chứ còn trách ai được!
Một người lúc sinh thời cũng làm ăn như mọi người, mà rồi về sau bao nhiêu những công việc mình đã làm, bao những lời mình đã nói, thành ra luật phép cho bốn năm trăm triệu người phải theo trong khoảng hơn 2400 năm nay, mà cái danh vọng ngày càng tôn trọng thêm lên, thì người ấy là người thế nào? Tất phải là một bậc chí thánh thì mới được như thế.
Bậc chí thánh ấy đã làm cho những dân tộc ở Viễn đông này, tuy về sau học vấn có lầm sai, mà cái xã hội vẫn duy trì được mãi mãi; đến bây giờ là thời buổi bị mưa Âu gió Mỹ bắt người phải thay đổi hết cả mọi đường, thế mà có nhiều người thay đổi xong rồisách gọi là Luận ngữ. Quyển sách này tuy rằng chép lỗ mỗ, không ra cương ra mục gì, nhưng xem kỹ thì cũng biết rõ cái tôn chỉ Khổng-phu-tử. Sau đến thầy Tăng- 
ngồi nghĩ lại, tiếc cái đạo của bậc chí thánh ấy có lẽ lại thật hơn và phải hơn những điều mình đã đổi.
Nếu như vậy thì ta đây há lại không nên thắp hương mà khấn ông thánh nhân nước Lỗ, mà ta vừa kể chuyện xong, phù trì cho chúng ta được theo ngài mà cố gắng sự học tập để cho nên người hay người lành. Sự cầu nguyện ấy, cốt ở lòng ta. Ta nên cố gắng làm. 
TRẦN TRỌNG KIM
Chú thích:
(1) Bài diễn thuyết ở Hội Trí Tri ngày 9 septembre 1920.
(2) Dương-Hổ là một người tàn bạo người nước Khuông ghét lắm.

Xem Tiếp: ----