Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

     iếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh chẳng mò ra đứa bạn nào. Nó nhìn sang bên phải, sát cửa sổ, một cô bé, tay quay quay bút, nhìn ra ngoài suy tư. Những hạt mưa lất phất bay qua khung cửa không khép đến với quyển vở trắng của cô bé. Việt Anh xé một tờ giấy, cắm cúi viết rồi gửi đi:
Lưa thưa mưa qua cửa lớp
Láng giềng ơi, ngồi xích lại đây
Đằng ấy ướt, mình cũng lạnh thay
Chỗ rộng chán, ngồi gần cho... ấm
Cô bé đọc, bật cười, rồi viết lại ngay:
Cám ơn nha, mưa đâu có thấm
Mười bảy rồi, không sợ bão bùng!
Bỗng đâu sấm dậy, chớp sáng bừng, cái mười bảy giật mình lúng túng, vô tình xích lại gần hàng xóm. Hàng xóm cười chế giễu:
“Mười bảy ơi...”.

 

Việt Anh và Thảo quen nhau như thế, đẹp và tình cờ như những cơn mưa đầu hạ, mà đơn giản chân thành như một bài thơ...
Một cách đầy đủ trong giấy khai sinh là gì? Ừm, Nguyễn Thu Kỳ Thảo. Ui, cái tên đẹp quá! “17 tuổi thật ư? Thế sao em lại ở lớp ôn thi đại học này?” - “Em đi học sớm một năm” - “Tuổi nhỏ chí lớn nhỉ?” - “À, năm nay anh thi trường nào?” - “Khối D - Ngoại thương!” - “Con trai mà thi khối D ư?” - Thảo khúc khích cười làm Việt Anh đỏ mặt - “Khối D thì sao chứ? Còn em?” - Thảo nhìn vào mắt Việt Anh trong giây lát rồi quay đi: “Em cũng vậy. Khối D. Ngoại thương”. Việt Anh cười sung sướng: “Vậy thì tuyệt quá! Anh và em sẽ học cùng trường”. Nó lắc lắc tay Thảo: “Cùng cố nhé!”. Thảo cũng cười, nụ cười khó hiểu: “Ừ, phải cố đấy!”

 

Những buổi học dường như có ý nghĩa hơn với Việt Anh. Nó học như... chạy sô mà chẳng hề biết mệt mỏi. Một tuần gặp nhau một buổi, hai đứa vẫn chuyền tay nhau những mẩu giấy ghi vội vàng những lời trêu chọc, kiểu như:
Nguời ta miệng rộng thì sang,
Còn em miệng rộng: ăn hàng linh tinh
Thảo phản công ngay:
Người ta để tóc đẹp trai,
Còn anh để tóc: ổ chim rối bời!
Việt Anh trả đũa:
Người ta êm dịu từng lời,
Còn em chua chát mỗi lần... phản công!
Thảo chứng tỏ nó cũng là dân khối D:
Người ta học giỏi là thiêng,
Còn anh đã kém lại hay kiêu ngầm...
Những cuộc đấu khẩu bằng “thơ” ngày càng nhiều hơn thì Việt Anh học càng hăng hơn. Càng thấm thía một câu nó đọc ở đâu đó: Khi có niềm tin và mục đích, người ta mạnh mẽ hơn!

 

Việt Anh phát hiện ra Thảo rất hay... cười một mình. Nó nói với thằng bạn thì thằng này phán xanh rờn: Kiểu ấy thường làm khổ con trai! Việt Anh phớt lờ. Trước mặt nó giờ đây chỉ còn là cái đích Ngoại Thương, nơi nó sẽ ngày ngày đi học với Thảo, và biết đâu lúc ấy, nụ cười một mình của Thảo sẽ dành cho... nó?
Cái gã quậy phá và ham chơi hơn học ngày nào đã thay đổi nhanh không ngờ. Nó chỉ còn say mê với những bài toán hóc búa, những cấu trúc ngữ pháp Tiếng Anh loằng ngoằng, hay những đoạn giảng văn dài bất tử. Với cái sức tiếp thu cực tốt cộng với lượng thời gian học kinh hồn, Việt Anh nhanh chóng ổn định lại toàn bộ những cái nó rơi vãi trong những cuộc chơi liên miên thâu đêm suốt sáng, những lúc mài đũng quần ở các hàng nước và cả trong những giấc ngủ ngon lành trên lớp...
Thằng bạn hỏi Việt Anh sao không nói cho Thảo biết tình cảm của mình, nó chỉ cười, ngả mình xuống giường, ngâm một câu cổ xưa trong giới học sinh:
Tình trong như đã, ngoài e ấp
Bởi còn vướng bận chuyện mùa thi!

 

Ngày thi tới. Trước đó vài hôm, Thảo nhắn Việt Anh: “Mấy ngày thi, anh đừng tìm em. Em muốn tập trung tư tưởng. Anh cũng cố lên nhé. Có điểm rồi gặp nhau ở nhà em nhé. Địa chỉ đây...”. Việt Anh không muốn trái ý Thảo nên nó không tìm Thảo, chỉ định xem số báo danh, nhưng nhìn ba trang liền những người tên Thảo, nó nản luôn, hơn nữa nó chẳng biết gì ngoài họ tên, nên đành thôi...
Ngày thi đến nhanh không ngờ, và cũng qua nhanh không ngờ. Nhưng cái thời gian chờ kết quả thì sao đằng đẵng như hàng thế kỷ. Việt Anh chỉ ở nhà: ngủ, xem băng và chờ thứ nhiều người khác chờ... Nhiều lần, nó cũng muốn tìm Thảo lắm nhưng cũng muốn giữ đúng lời hứa của một thằng con trai nên lại nhất quyết kiềm chế lòng mình...
Lâu, rồi thì cũng đến. Điểm thi, rồi điểm chuẩn lần lượt có hết. Ông trời công bằng với nó! Và sau khi gào khản cổ vì sung sướng, nó vồ lấy xe máy phóng thẳng đến địa chỉ trong giấy để tìm Thảo, bỏ lại sau lưng ánh mắt kinh hoàng của hai vị phụ mẫu về thằng con nghịch nổ trời và lười có ílếng đỗ thừa 2 điểm Ngoại thương (!)
Việt Anh dừng xe ở một căn nhà sơn xanh da trời, có hàng dâm bụt ngay cổng. Nó bấm chuông trong niềm hân hoan lạ thường. Mở cửa là một cô gái tóc cắt ngắn: “Anh tìm ai?”. Việt Anh hơi ngập ngừng trước câu hỏi ngoài dự tính: “Xin lỗi cho mình hỏi ở đây có ai tên là Thảo không?”. Hơi nhíu mày một chút, cô gái à lên một tiếng: “Anh có phải là Việt Anh không?”. Việt Anh mừng như bắt được vàng, gật đầu ngay. Cô gái bảo nó chờ một lát, chạy vụt vào nhà, rồi trở ra với một tờ giấy màu hồng: “Em là bạn Thảo, nó nhờ em đứa anh cái này...”.
Việt Anh cảm giác như hai chân nặng trịch khi đọc tờ giấy:
“Anh đỗ phải không? Tiếc thay em lại không thể thi cùng anh. Năm năm du học. Quá dài anh nhỉ! Và em không có đủ can đảm để nói thật với anh. Tha lỗi cho em nhé! Đây là những dòng thơ cuối cùng em có thể viết cho anh:
Không có anh lấy ai đưa em đi học,
Lấy ai viết thư đọc trong lớp mỗi ngày
Ai lau mắt cho em ngồi khóc,
Ai đưa em đi chơi tong chiều mưa...
Việt Anh nhắm mắt lại, tưởng như tất cả chỉ là một giấc mơ...
Ở một nơi nào
Những cơn mưa đầu hạ, có biết chờ?
Em đi
Một khoảng trời vời vợi,
Những con đường nằm đợi bước người qua...
Ừ, có lẽ thế thật! Việt Anh sẽ chờ, sẽ chờ cho đến lúc Thảo quay về. Nó sẽ chờ trong những cơn mưa đầu hạ đã đem cô gái có cái tên Nguyễn Thu Kỳ Thảo đến với nó!
Chợt, Việt Anh thấy nhớ những câu thơ Thảo hay khắc lên bàn:
Hoa phượng nở bất ngờ hoa phương rụng
Tiếng ve gần bất chợt hóa xa xôi
Ngẩn ngơ lòng vô cớ những buồn vui
Tập nhật ký dịu dàng dòng mực tím,
Từng trang viết bàng hoàng bao kỷ niệm
Về thân thương, một mùa hạ đầu đời...
Bây giờ nó mới hiểu hết chăng?