ỗi lần có việc cần khi đi ngang nhà Hai ông già khó tính trong xóm, bọn trẻ con chúng tôi ngày xưa xem như một cực hình, vì mỗi lần đi qua là đám chó gần chục con của nhà hai ông chạy ra, con thì gầm gừ, con thì sủa ầm lên, có con thì chẳng sủa chẳng gầm gừ, nó nhào ra táp cho một phát khiến chúng tôi thêm phần kinh hãi. Vì là con đường độc đạo trong xóm nên muốn ra đường lộ phía bên ngoài chúng tôi không còn cách lựa chọn nào khác là phải đi qua "Vùng đất chết" này, người lớn trong xóm biết cái nguy hiểm của đám chó đối với mấy đứa con nít tụi tôi, nên có người đánh bạo làm gan đến nhà ông Bảy và ông Sáu để nói lời thiệt hơn với mong ước hai ông vì sự an toàn của bọn trẻ mà bớt bớt lại số lượng chó mà họ đang nuôi, chẳng những hai ông không nghe theo những lời khuyên chân tình mà còn lớn tiếng cho rằng đất của mình, nhà của mình, nên hai ông có quyền muốn nuôi bao nhiêu chó thì tùy ý, nếu chẳng may có đứa trẻ nào bị chó cắn hai ông sẽ sẳn sàng bỏ tiền "Cơm thuốc" ra đền bù, thấy hai ông già khó tính kia không chịu nghe lời thuyết phục của mình nên mọi người cũng đành chấp nhận không kiện cáo "cò bót" để khỏi mất lòng, do vậy bọn nhóc con chúng tôi đành phải "Sống chung" với cái đám chó hung hản kia. Kể cũng lạ đời bởi tính khí của ông Bảy và ông Sáu, hai ông không giao tiếp với bất cứ ai trong xóm, suốt ngày hai ông cứ rị mọ làm công việc của mình, căn nhà gỗ của hai ông nằm trong khu vườn cây ăn trái bao quanh, phía sau nhà là khu đất trống bạt ngàn cỏ tranh, phía cuối khu đất nơi mà bọn con nít chúng tôi chẳng khoái bén mảng đến nơi này, vì đây là nơi yên nghỉ của gần chục người, Tây có, Tàu có, người Việt cũng có, ngôi mộ nào cũng đắp bằng đất cỏ phủ kín cùng rêu xanh, bà con ở làng trên xóm dưới đồn đại rằng:- Hồi xưa chiến tranh loạn lạc, khi Tây còn đóng đồn phía bên kia cầu hang xe lửa, có hôm đánh nhau với mấy ông kháng chiến gì đó, hai bên chết cũng bộn, trận đánh vừa dứt mạnh bên nào bên đó kéo xác đem chôn, mấy cái mả này là những người trong số đó, họ đã chết khá lâu và không có thân nhân nhìn nhận, đến nay không còn ai biết họ là ai, chỉ còn những mộ bia ghi tên và ngày mất có người cũng chẳng ghi năm sinh và ngày mất, kể ra thì mấy người này còn có phước hơn những chiến sỹ vô danh nhiều.Nhưng cái lạ nhất mà đến giờ tôi chẳng hiểu ông Bảy lại là anh của ông Sáu, theo cách gọi ngôi thứ tự bao đời nay trong gia đình người Việt mình thì anh Hai phải là anh lớn hơn anh Ba, thì làm sao có chuyện ông Bảy lại là anh của ông Sáu, chuyện lạ đời này tôi hỏi khắp người trong xóm thì bà con cũng "Bù trân" như tôi. Hai ông có gương mặt không được đẹp chắc do bệnh đậu mùa sinh biến chứng khiến da mặt hai ông sần sùi đã vậy cái mũi to quá khổ khiến cho càng thêm xấu, chính vì thế nên hai ông chẳng có được cô nào để mắt tới, Ông Bảy và ông Sáu cư ngụ nơi này tự bao giờ chẳng ai còn nhớ, một khi nhắc tới hai ông thì bà con lắc đầu le lưỡi tỏ vẻ e dè sợ sệt... Sợ là sợ như vậy nhưng quanh nhà hai ông lúc nào trên các cây trồng thay phiên nhau đơm hoa kết trái, lúc thì Mãng cầu, khi thì ổi, rồi thì Đu đủ xoài, vú sữa... nói chung mùa nào thức ấy đủ thứ trái cây hiện diện ở khu vườn này, nó khiến đám trẻ con chúng tôi ngày trước tên nhóc nào cũng thấy hấp dẫn là do mấy trái lựu chín đỏ nằm cạnh cái bàn ông Thiên trước cửa nhà hai ông, khi cây lựu chín đỏ đầy cành cũng là lúc bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu "dòm ngó" đến chúng, hàng ngày thì sợ đi ngang qua nhà hai ông, vậy mà khi mấy trái lựu chín đỏ oằn cành thì bao nhiêu sợ sệt lủ chó kia cũng vơi đi phần nào trong chúng tôi bởi những trái lựu hấp dẫn vô cùng. Rồi thì chuyện gì đến cũng phải đến, hàng ngày cắp sách đến trường, thầy cô giảng dạy chúng tôi học hành, trong đó có học về giáo dục công dân, môn học này nhằm trang bị cho cho học sinh sống có nhân cách tốt, và đó là hành trang theo mọi người đến suốt cuộc đời, chúng tôi được dạy nào là phải dừng lại và đứng nghiêm khi đi qua các công sở đang cữ hành lễ chào cờ, nào là phải ngã mũ và cúi đầu chào tiển biệt người quá cố khi có xe tang đi ngang qua, rồi kính trên nhường dưới.v.v... vậy mà buổi trưa nọ tan học về khi cơm nước xong chúng tôi tụ tập dưới cây vú sữa rợp mát của nhà ông Sáu Giai ở cạnh khu đất hai ông già khó tính kia, thằng Thành con ông Chín " Tắc xi" nó gom tụi tôi lại ngồi thành vòng tròn để bàn bàn cách thức " hỏi thăm" mấy trái lựu đáng yêu kia, phía bên ngoài đường lộ đất đỏ thỉnh thoảng có những khách bộ hành đội nón lá lụp xụp che khuất khuôn mặt vì sợ nắng, có một vài người nhìn vào như cố ý xem cái đám nhóc con này chơi trò gì giữa buổi trưa nắng nóng, họ cứ ngỡ mấy đứa nhỏ này chơi trò vô thưởng vô phạt như mọi lần nhằm cùng nhau giải trí cho vui, chứ họ đâu biết rằng chúng tôi đang manh nha âm mưu động trời của cái đám "Đạo chích". Khi tề tựu hàng ngũ chỉnh tề với cái vòng tròn do chúng tôi ngồi, thằng Thành lấy cành cây vú sữa nó vẽ sơ đồ gì đó trên mặt đất giống như chủ tướng trong phim ảnh đang họp ba quân tướng sĩ cách phá trận của quân địch, phải công nhận Thành có khiếu chỉ huy, tôi thấy nó vẽ và diễn giải thuần thục cách mà chúng tôi tiến hành hái trộm lựu của ông Bảy và ông Sáu. Khi mặt trời đứng bóng, mọi người trong xóm bắt đầu nghỉ trưa, ngoài đường, trong xóm cũng vắng hoe không một bóng người ngoại trừ đám "Xây lố cố" chúng tôi, thằng Thành quan sát kỹ lưỡng một vòng trước khi chúng tôi hành động, chừng như chắc ăn nó bèn nói: - Vô đi tụi bây, nhớ men theo bức tường của hãng ép dầu Đại Nam, đừng đi lệch ra ngoài giữa hẻm nguy hiểm lắm đó.Thế là cả bọn chúng tôi thi hành răm rắm theo "lệnh" của thằng quỷ Thành, chúng tôi vừa đi vừa hồi hộp cứ sợ bị hai ông già khó tính chộp cổ được thì nguy to, mấy đứa bạn cùng tham gia kia có tâm trạng như thế nào tôi không biết, nhưng tôi đoán chắc tụi nó cũng " Đánh lô tô" trong bụng như tôi, không hiểu vì cái hình tướng và hương vị ngon lành của trái lựu hay vì muốn phá phách chọc ghẹo ông Sáu và ông Bảy khiến chúng tôi có hành động càn quấy như vậy, một chút đắn đo trong lòng và lương tâm cắn rứt khi biết mình sắp làm điều sai quấy khiến tôi chùng chân, tôi rị vai thằng Thành cho nó dừng lại rồi nói nhỏ cho nó nghe: - Thôi tui không tham gia nữa, ba tui biết được là ăn đòn đã luôn.Nghe vậy thằng Thành nói khích tôi: - Hàng ngày ông là ra vẻ anh hùng lắm mà, tự dưng hôm nay nhát gan quá vậy, lúc nãy ngoéo tay rồi, bây giờ ông bỏ về là mấy đứa kia sẽ nghỉ chơi ông luôn đó. Nghe Thành nói bổng dưng máu nóng trong người tôi bắt đầu sôi lên, bao nhiêu sợ sệt tan biến hồi nào không hay, tôi bèn bỏ ý định " Đào ngũ" để theo các bạn đến tận cùng cuộc chơi.Trời càng về trưa càng nóng bức khiến xóm làng càng vắng lặng, đàn cho dữ nhà hai ông cũng trốn nắng nơi xó xỉnh nào trong nhà, đúng là trời cũng giúp cho kẻ gian, đưa tay đẫy cái chốt cửa hàng rào cả bọn ung dung nhào vô hái từng trái lựu, nhìn da lựu căng bóng dưới ánh nắng khiến tôi liên tưởng những hạt lựu mọng nước bên trong tự dưng nước miếng tuôn chảy trong miệng khiến tôi nuốt mấy lần vì quá thèm thuồng. Đang mơ màng sẽ có buổi ăn mấy trái "lựu chùa" ngon lành, bổng dưng trước mặt tôi cái xiêu bàng gốm dùng để sắc thuốc bắc từ đâu bay ra rơi xuống đất bể tan tành ngay trước mặt chúng tôi, thì ra hai ông già kia vẫn còn thức để canh giữ vườn trái cây, thấy chúng tôi đang "Quậy " trong khu vườn nên một hai ông giận quá và tiện tay quơ đại cái xiêu thuốc bắc để ném vào chúng tôi để cảnh cáo, thất kinh hồn vía khi thấy nước thuốc chảy ướt trên sân và ông Bảy xuất hiện bất ngờ với cây bồ cào trên tay đang huơ huơ về phía chúng tôi, tuy sợ gần rớt tim ra ngoài nhưng tôi cũng liên tưởng ông Bảy như Trư Ngộ Năng ( Trư bát giới ) trong truyện Tây du ký đang dùng cây đinh ba để chiến đấu với bọn yêu quái phá phách chuyến thỉnh kinh của Đường Huyền Trang, đang mãi mê với ý nghĩ này thì cây bồ cào của ông Bảy đã móc vào cánh tay của thằng Thành khiến nó đứng chết trân chịu trói tại chổ, đàn chó nghe động tinh bên ngoài chúng lao ra gầm gừ rồi sủa inh ỏi, cái âm thanh đinh tai nhức óc ấy càng làm chúng tôi thúc thủ chịu trận tại chổ, ông Sáu lấy những sợi dây lát nhúng nước cho dây lát được dẻo dai dùng để cột chúng tôi lại và bắt ngồi xấp lớp dưới đất.Ông Bảy nhìn chúng tôi bằng gương mặt thật hả hê, ông đến bên cây chùm ruột bẻ một số nhánh rời ra, ông tuốc hết lá còn trơ lại cái cuống lá dài sọc, ông cằm lăm le trên tay rồi ông tiến đến bên thằng Thành, thì ra ông Bảy dùng cành chùm ruột làm cây roi để tra khảo bọn đạo chích chúng tôi, ông hỏi thằng Thành:- Ê cái thằng kia, mầy cầm đầu mấy thằng này phải không? Khai mau nếu nói xạo tao cho mầy "ăn" hai roi nghe con.Công nhận thằng Thành đúng là đấng " Nam nhi đại trượng phu", ông Bảy vừa dứt lời nó đã nhanh chóng xác nhận: - Dạ con xúi tụi nó hái vài trái lựu ăn chơi thôi chứ đâu có phá phách gì đâu ông Bảy. Ông Bảy nghe Thành nói vậy ông ta quất một roi chùm ruột vô bàn tọa của thằng Thành rồi nói:- Mầy gan quá chừng hả mậy, con nít " hỉ mũi chưa sạch" mà tập làm đầu đảng rồi, một roi cho chừa nghe con, tao giao bây cho ông trưởng ấp nhốt một đêm cho muỗi thui tụi bây một bữa cho biết đá biết vàng. Nghe ông Bảy hăm he đưa chúng tôi ra trụ sở ấp để nhốt, cả đám chúng tôi mặt ai cũng canh như tàu lá chuối vì sợ sệt, bổng tiếng khóc của thằng cu Riêu Vang lên, nó quá sợ hãi sau câu hăm he của ông Bảy, nó và cả đám chúng tôi không biết thoát ra khỏi hoàn cảnh này như thế nào, thời may cho chúng tôi, lúc này Má Hai Vịt đang đẫy xe bánh mỳ về nhà sau khi bán hết hàng, thấy đám " Tù binh " của hai ông già khó tính đang giơ mắt ra cầu cứu, má Hai tức tốc đến bên ông Bảy má can thiệp liền: - Mấy đức nhóc làm gì mà hai anh cột xỏ xâu như ếch vậy?, hai ông già chưa kịp trả lời thì Thành đã vội nói chen vô liền: - Tụi con thèm lựu nên có bẻ mấy trái để ăn chơi, không ngờ hai ông bắt cột tụi con đau quá, mà ông Bảy còn lấy roi đánh con nữa, má Hai cứu tụi con đi. Nghe xong má Hai phản ứng liền:- Tưởng chuyện gì to tác lắm, có mấy trái lựu thôi mà, làm khó mấy đứa mần chi hai ông ơi.Thấy bà hàng xóm bênh chúng tôi, ông Sáu " Nộ khí xung thiên" bèn trả đũa liền: - Bà Hai cứ bênh mấy thằng mắc dịch này hoài nhe, không khó với tụi nó lớn lên ăn cắp quen tay thì nguy to đó bà Hai.- Chèn ơi! Nói gì quá vậy ông Sáu, thôi tha cho mấy đứa một lần đi, ông đền bao nhiêu tiền tui gửi lại cho.Ông Bảy nghe vậy, ông nhào vô tham gia ý kiến:- Bà Hai ơi, bà lo chuyện bao đồng chi vậy, tui chờ tía má tụi nó tới đây nói chuyện phải quấy tui mới thả ra, còn không cho ở đây tới khuya luôn, bà cất tiền vô đi để dành mua gạo, hơi đâu mà lo cho đám này.Biết tính khó khăn của hai ông nên Má Hai đến bên chúng tôi, má nói:- Thôi để má Hai kêu người nhà tụi con qua nói chuyện với mấy ổng, hai cha già "ó đâm" dễ sợ, mai mốt mấy con gà ổng nuôi chạy qua sân nhà má, má phang cho què giò luôn. Khi Má Hai Vịt đi khỏi nơi này, khiến chúng tôi có cảm giác như những kẻ đắm tàu đang bám víu mà bị vuột khỏi chiếc phao khiến phải chơi vơi giữa trùng khơi nổi sóng, cả bọn nhìn nhau không ai thốt lên lời nào, nhưng tôi có cái cảm giác ai trong chúng tôi đều trách móc thằng Thành, cái thằng chuyên bày ra những cuộc chơi hàng ngày cho chúng tôi, riêng tôi thì không mang ý nghĩ đó trong lòng, trong hoàn cảnh này tôi thấy thương và tội nghiệp thằng Thành hơn bao giờ hết, bởi tính tình nó thẳng thắn dám làm dám chịu không đỗ thừa cho người khác khi phạm tội, không gian yên lặng như tờ bổng tiếng ông Bảy nói oang oang làm cả đám chúng tôi giật bắn người: - Sáu nè! Thôi thả tụi nhỏ ra đi, hù chúng nó vậy được rồi, nè mấy đứa lại đây ông Bảy nói cho bây nghe.Còn gì mừng hơn thế nữa, chúng tôi như người chết đi sống lại, gương mặt đứa nào cũng rạng rỡ tưởng đang nằm chiêm bao giữa ban ngày.Ngồi quay quần trên bộ ván gõ nơi hai ông ngã lưng nghỉ ngơi vào buổi trưa, ông Sáu từ sau nhà bước lên mang gần chục trái Lựu đựng trong cái rổ tre đặt xuống trước mặt ông Bảy, ông Bảy lấy lựu chia cho chúng tôi mỗi đứa một trái rồi ông ôn tồn nói: - Không phải hai ông xấu với tụi con đâu, nếu các con thích ăn mà đến hỏi một tiếng thì hai ông cho tụi con ngay, hai ông già rồi con cháu không có, coi như tứ cố vô thân, nên hai ông tiếc gì ba trái cây này, ông biết các con hiếu kỳ thôi chứ không phải cố tình trộm cắp, thôi các con về đi hôm nào rảnh rang thì sang đây chơi với hai ông nhé. Giống như chuyện cổ tích thần thoại nào đó mà tôi đã đọc qua, từ chổ con người mang tiếng hung dữ, vậy mà thái độ hai ông thay đổi ngược lại nhanh chóng khiến chúng tôi thật bất ngờ xem lẫn vui sướng trong lòng, bởi từ đây trở đi chúng tôi sẽ không còn khổ sở với bầy chó dữ, không còn đối diện với gương mặt khó đăm đăm của hai ông, và nhất là chúng tôi sẽ có dịp thưởng thức những trái cây tươi ngon trong vườn nhà hai ông. Vừa lúc này má Hai Vịt cùng người thân chúng tôi cũng vừa đến, thấy cảnh mấy ông cháu ngồi chuyện trò có vẻ rất thân tình khiến má Hai vịt là người ngạc nhiên nhất, đã vậy thấy mỗi đứa cầm trái lựu trên tay lại khiến má càng thêm kinh ngạc, không để cho mọi người băn khoăn ông Bảy lên tiếng: - Chào chị Hai và mấy cô bác, mời ngồi, mời ngồi Sáu ơi lấy nước uống với trái cây lên đãi khách nè em.Khi chủ và khách đã thấu hiểu tình cảnh của nhau, ông Chín Tắc xi nêu cái thắc mắc mà bấy lâu nay không ai có dịp tìm hiểu nên cứ ấm ức mãi trong lòng:- Xin phép tui hỏi thăm, có gì không phải xin hai ông bỏ qua cho, bấy lâu nay bà con mình thắc mắc sao ông Bảy đây lại là anh ông Sáu.Ông Chín Tắc xi vừa dứt lời thì ông Bảy giải tỏa thắc mắc tức thời, ông bèn cười khanh khách một cách sảng khoái, nụ cười mà cư dân vùng này chưa bao giờ thấy được, ông ôn tồn nói: - Có gì lạ đâu ông Chín ơi, tui với thằng Sáu nhà này có phải anh em ruột đâu, thực ra hai thằng tui dân mồ côi ở chung xóm dưới vùng Tháp Mười từ nhỏ, chiến tranh giữa Pháp với Việt Minh khiến gia đình chúng tôi lạc đạn chết ráo trọi, hai đứa tui núp trong "Trảng xê" nên sống nhăn răng tới giờ, từ đó tụi tui kết nghĩa anh em dắt díu nhau lên đây sống đến bây giờ, tui lớn tuổi hơn thằng Sáu nên thằng Bảy tui làm anh là trúng phép rồi phải không.Mọi người cười ồ sau câu nói của ông Bảy khiến không khí buổi họp mặt bất đắc dĩ vui lên hẳn, ông Sáu Bi ba thằng Cao nói chen vô:- Mèn ơi, nếu không có buổi nói chuyện hôm nay thì muôn đời thắc mắc này biết đời nào mà thông, à mà không phải ruột thịt mà sao hai ông giống như hai giọt nước vậy. Ông Bảy lại cười thêm một tràng khiến ông Sáu cũng cười theo khằng khặc, chờ cho cơn xúc động chìm xuống ông Sáu nói:- Anh Bảy tui ảnh ghẹo mấy cô bác đó, hai đứa tui bà con bạn dì, Tui kêu má của anh Bảy là dì Hai còn tui con cậu Ba, có cái gen di truyền nên giống nhau là chuyện đương nhiên rồi.Mọi người lại có dịp vỡ òa ra khi sự thật được hai ông phơi bày, mọi người bàn tán thêm nhiều chuyện thì trời bắt đầu sụp tối nên đành chia tay lưu luyến.