Phần II

      ái khổ của giới có học mà phải chạy xích lô như ông là không còn biết phân biệt ai lớn ai nhỏ trên con đường lịch sử Việt Nam từ ngày đất nước thay ngôi đổi chủ. Nhà Nguyễn trải qua các triều đại liên tiếp hơn ba trăm năm thay nhau kế vị, có công khai sáng mở mang bờ cõi về phía Nam, nhưng không một vua chúa công thần nào nhà Nguyễn được tồn tại sau ngày Sài Gòn giải phóng. Một Hiền Vương, một Gia Long... đều được thay bằng tên một chị Võ thị Sáu, Nguyễn thị Minh Khai nhà quê khố rách áo ôm nào ai biết làm gì ở đâu trong thời Pháp thuộc. Một Tả quân Lê Văn Duyệt Quan trấn thủ Gia Định Thành giữ an bờ cõi chống Chân Lạp, được cách mạng móc nối cho làm “cách mạng tháng tám”. Một Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức có công mở mang bờ cõi về phía Tây được cải tạo thành Huỳnh văn Bánh, cái tên ông quên thì thôi mà hễ nhớ thì lòng cứ ấm ức mãi … Ông lần trong trí để moi ra vài danh nhân đã bị đổi tên đường rồi lấy bút màu ra ghi chú: Đây rồi!
Con đường này trước là của danh tướng Chúa Nguyễn là Trương Minh Giảng, người có công dẹp giặc Xiêm La, bắt người Xiêm phải triều cống các thổ sản cho đem về gây giống tại miền Nam như chuối Xiêm, Dừa Xiêm, Vịt Xiêm để mở mang kinh tế. Trương Minh Ký một học giả lỗi lạc có công phát triển chữ Quốc Ngữ phiên âm chữ nôm ra tiếng La Tinh, nhưng cả hai vị quan văn võ toàn tài này bị Cách mạng “thủ tiêu” thay bằng tên thợ điện khờ khạo hèn nhát Nguyễn văn Trỗi, đã bị Đảng lừa để gây tiếng vang là ra lệnh cho đem mìn đi khơi khơi ra góc cầu Công Lý toan tính gài ám sát Mac-Namara Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, giữa một lực lượng an ninh cảnh sát đông đảo. Nhưng sau Cách mạng thấy Mac-Namara ăn năn hối cải thì ngay lập tức ra lệnh khoan hồng cho thay Nguyễn văn Trỗi bằng một tên khác là Nguyễn văn Sỹ cho “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
Ông ngao ngán vì càng tìm hiểu càng rối mù.
Ông gấp bản đồ lại, thôi thì cứ từ từ.
Nghề dạy nghề lo gì!
Trong tháng đầu chạy xe ông thường nhờ khách chỉ dẫn. Ông cũng không biết một cuốc xe dài ngắn phải nói giá bao nhiêu cho phải nên cũng tuỳ vào lòng độ lượng nơi khách. Gặp ai, ông chỉ biết nói: “Ông bà anh chị thường đi bao nhiêu xin cho tôi bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, vì tình trạng kinh tế chung cả nước đang gặp khó khăn, chung quanh ai cũng nghèo đói, cần phải tính toán chi ly từng đồng từng cắc nên hiếm khi ông gặp được mối khách xộp. Còn một trở ngại to lớn nữa là ai thường dể động lòng trắc ẩn, nhân từ thường ái ngại khi ngồi lên xe cho ông đạp, nhất là những cô học sinh còn trẻ. Đã mấy lần ông mời nhưng khách lắc đầu, rồi sau đó vẫy xe khác… Gương mặt trí thức sáng sủa vầng trán cao với đôi kính nhốp trong hình hài mảnh khảnh và lời nói hiền lành nhỏ nhẹ lễ độ từ tốn, một thói quen của con nhà giáo đôi lúc lại hại chính ông, do đó, lợi tức thu hoạch hàng ngày của ông luôn kém so với đồng nghiệp.
Chạy xích lô cả năm mà hàng xóm vẫn chưa biết nên Công an khu vực cũng không hay, họ tưởng ông là Công nhân viên. Vào lúc bất chợt gặp ai quen trong xóm, ông giật mình như bị chạm điện, kéo mũ xụp xuống ngay, đồng thời quay phắc hướng khác … phần sợ, phần ngượng!
Không có nghề nào hèn, nhưng ông phải sợ, vì không sợ không xong với chính quyền địa phương. Hơn nữa, phải chi ông không có học, không vì sĩ diện thì nỗi sợ hãi sẽ bớt đi …
Nắng đã lên cao, ngoài đường bụi đang bay mù mịt. Ông tà tà đạp xe ngang qua một khu chợ. Thường trong giờ làm việc lẽ ra phải thưa người nhưng ông thấy hầu như mọi người ai cũng túa ra đường ra chợ tìm kế sinh nhai. Muốn sống dưới xã hội chủ nghĩa con người phải ra “đứng đường”; phải có tài mánh mun, phải có khả năng xoay xở lương lẹo làm đủ thứ nghề.
Tóm lại, ai cũng rõ một điều là phải biết lấy gian trá làm khôn ngoan. Nhan nhản trên hè phố, ông thấy có nhiều người hành nghề buôn bán rất lạ lùng chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng hạn như: bơm mực, bơm quẹt Gas, đắp vỏ xe … Còn nhiều dịch vụ sửa chữa, và buôn bán linh tinh đủ mọi thứ trên đời, kể cả việc thu mua giẻ rách …
Trong chợ, ngoài các cửa hàng Quốc Doanh ra thì các sạp tiểu thương đều thưa thớt, nhiều sạp bỏ trống.
Bạn hàng không chịu vào chợ ngồi bỏ sạp ra đứng ngoài chợ trời mua chui bán lủi vì không chịu được tiền thuê sạp cứ tăng dần, tiền thuế không có định mức tiêu chuẩn rõ rệt, tiền hối lộ cho cán bộ ngành thương nghiệp, quản lý thị trường, thuế vụ, Công an … Bao nhiêu tiền bán buôn lời lãi được đều dồn vào miệng cán bộ, ai mà chịu nổi...
Ông tìm một góc chợ cho xe đậu, bước xuống ngồi thụt lõm vào băng ghế trước của khách kín đáo quan sát nghe ngóng hoạt cảnh bát nháo đang diễn ra trước mắt.
Dọc bờ tường bên hông chợ có kẻ khẩu hiệu: “chủ nghĩa mac -Lenin vô địch muôn năm” là nơi mọi người túm năm túm ba tụ tập từng nhóm. Công an đến họ tan ra, Công an đi họ tụ lại…
Có một cái áo cũ do một người nào đó túng quẩn đem bán với giá mười đồng. Chỉ vài phút sau, người mua sang tay một con buôn khác với giá mười lăm đồng, rồi cứ thế luân chuyển sang tay từ người này sang người khác giá cứ tăng dần hai muơi đồng, ba mươi đồng, cho đến cuối ngày cũng cái áo cũ ấy giá đã thành năm mươi đồng. Trong quá trình mua bán chiếc áo ai cũng kiếm lời. Nhưng nếu có hỏi chiếc áo cũ ấy liệu có ai mua về mặc hay không thì không ai biết. Mọi người chỉ rõ một điều là chiếc áo được các người mua bán truyền tay nhau như một phương tiện sinh nhai nhờ chênh lệch giá giữa một thị trường tự do không có cạnh tranh. Chiếc áo cũ mèm ấy có khác gì việc xây dựng chủ nghĩa Xã Hội đang vào thời kỳ quá độ, kinh qua tư bản …?
…Càng nhìn càng ngao ngán!
Nhìn mãi đâm chán, ông lại tiếp tục lên đường và bỗng ông nghiệm ra một điều chạy xe xích lô dù vất vả tấm thân nhưng lại hay, lại giúp lương tâm ông thanh thản, theo đúng bản tính con người lương thiện và hợp với sở nguyện của ông. Dù một năm chạy xe ông vẫn chưa học được mánh khoé nghề nghiệp, vẫn chưa rành đường, vẫn còn ngại chỗ đông người nơi chợ búa bến xe, vẫn còn là tay mơ trong nghề … Nhất là ông chưa biết níu kéo mời chào kỳ kèo giá cả hay nói thách, nhưng ông vẫn không cho đó là việc cần thiết. Ai gọi xe ông chở, không có khách ông tà tà thong dong tìm đạp trên những con đường có hai hàng cây rợp mát như những ngày còn thư sinh dạo phố…Trên những con đường xưa ông vừa đạp xe đi vừa thả hồn tìm về kỷ niệm khi ngang một ngôi trường áo trắng, nơi đã có một thời ông từng ấp ủ nuôi dưỡng một tình yêu..! Tưởng tượng ra lúc ấy trước mặt hình ảnh những tà áo đang tung bay trong gió, những ánh mắt nụ cười dưới nắng xuân. Ôi! một thời xuân sắc, hỡi người áo trắng năm xưa nay đã trôi giạt phương nào.
Khi nắng lên cao, đôi chân đã mỏi, ông tìm đến một chôn yên tĩnh thường đó là một con đường ít người qua lại, dưới một gốc cây với cành lá xum xuê hay một công viên về trưa vắng vẻ cho xe vào nghỉ…
Ngồi vào xe, lôi trong bọc ny lông ra một gói thuốc rê vê vê vấn vấn. Lấy bình đông ra chiêu một hớp trà lạnh. Bật lửa rít một hơi thuốc thả khói lên bầu trời xanh, rồi lôi ra một quyển truyện nào đó lật ngay ra khúc giữa gặp trang nào là đọc ngay trang đó bất kể đầu đuôi. Đọc được vài trang ông gấp sách lại rồi trầm tư tự đoán xem tác giả đã nói gì nơi phần đầu và sẽ nói gì vào phần cuối. Trúng hay sai không là vấn đề mà vấn đề ông muốn thử đặt mình vào cương vị tác giả sẽ nghĩ gì viết gì cho nhân vật. Và với lối đọc đó qua ngày khác ông lại giở sách ra nơi trang khác rồi dựa đó lại đoán non đoán già đầu đuôi cốt chuyện nhưng không bao giờ ông kiểm chứng kết quả công việc mình đoán … Có người cho rằng tính tình ông lập dị, ông chỉ cười xòa rồi nghĩ thầm trên đời này ai mà chẳng dị biệt, vì có ai giống ai đâu!
Chiều xuống, ông giao xe trả chủ cho người chạy ca tối, lấy xe đạp, đạp về nhà. Trên đường về nhà, thỉnh thoảng gặp ngày hên đắt khách ông tạt ngang chợ mua ít thịt bò hay chả lụa, thịt quay về tẩm bổ. Ông chỉ ăn cơm nhà với vợ con vào giấc chiều còn ban trưa thì bạ đâu ăn đấy cơm hàng cháo chợ…
Ông đã yên lòng về cuộc sống tuy vất vả nhưng tràn ngập hạnh phúc gia đình. Trước khi về đến nhà ông đã biết trước vợ ông và thằng con út ra đầu ngõ đón ông. Trong nhà cơm nước đã sẵn sàng …và sau khi ông tắm rửa sạch sẽ, cả nhà quây quần bên bữa cơm thanh đạm nghe ông kể chuyện, mỗi ngày mỗi chuyện khác nhau mà ông được thấy trong ngày.
Bù vào niềm vui tinh thần ngày một lên cao thì thể xác ông ngược lại ngày một tàn tạ. Ông đã phải bán sức lao động, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm cho bốn miệng ăn nên ông ngày càng gầy rạc khiến vợ ông lo nên cố khuyên ông chạy ít thôi nhưng ông có nghe đâu! Bạn ông biết tình trạng ông lao lực quá độ không tốt nên tỏ ý giúp đỡ giới thiệu ông vào làm công cho “Quầy thịt Thanh Niên”. Ông không muốn nhúng tay vào máu, ngày ngày giết heo nên tìm cách từ chối.
Người khác chỉ đường cho ông đi buôn lậu thuốc lá. Ông ngại ngần vì sớm muộn cũng bị bắt mất vốn. Người bày ông chạy mánh móc nối Hải Quan lại hàng nhà nước tịch thu của nước ngoài gửi về cho thân nhân. Ông chỉ im lặng vì không quen luồn cúi và nghĩ không ai sống mãi được với nghề mánh mun lường gạt sẽ có ngày bị bắt. Ra chợ trời, nơi đầy dẫy gian trá, những kẻ sống bám vào đó chuyên bắt bí, lừa bịp những người nghèo, đó là việc làm bất nhân. Có kẻ cười chê ông không thức thời, sống gàn dở. Ông cũng chỉ biết im lặng, ngày ngày sau những lúc khó nhọc vất vả khi về nhà tìm lại được nguồn an ủi thương yêu nơi vợ con, được sống cuộc đời êm ấm bên gia đình, với ông đó là một hạnh phúc chân chính.
Chạy xe long nhong ngoài phố dù sợ gặp người quen trong xóm nhưng cũng vui được gặp lại nhiều bạn cũ. Qua xã giao thăm hỏi ông biết chẳng ai khá cả, cũng nghèo khổ rách nát như ông.
Nhờ chạy xe ông cũng biết được nhiều chuyện lạ giữa một xã hội thượng vàng hạ cám.
Từ một bà vợ thuê xe đi lòng vòng tìm các quán bia ôm đánh ghen, một cô gái giang hồ bao xe đến các điểm hẹn tiếp khách.
Từ một bà nhà quê hôi hám, đến một thiếu phụ xinh đẹp nước hoa thơm phức.
Một cô sinh viên tươi trẻ, một đôi tình nhân nồng nàn; một ông già bệnh lao ho khù khụ, một gã say rượu, một bạn hàng …
Tất cả loại người trong xã hội đều đã ngồi vào xe ông ra giá và biểu ông chở họ đi theo con đường họ muốn.
Mọi quyết định ở họ chứ không nơi ông!
Một hôm như mọi ngày vào giờ tan sở ông đang trên đường về nhà.
Khi chạy xe ngang qua một “Cửa hàng Kim Khí điện máy”, bỗng có một người từ trong chạy vội ra ngoắc ông.
Ông định lắc đầu từ chối nhưng chỉ một tích tắc ông đổi ý vì tiếc cuốc xe nên kéo cần thắng cho xe áp vào lề ngừng lại.
Bà khách chạy lại kêu ông theo bà vào chở cho một ít hàng.
Ông bước vào trong cửa hàng thấy toàn là thùng với thùng mới toanh chưa khui đã xếp gọn gàng.
Nhìn nhãn hiệu biết đó là ruột xe Honda, ruột xe đạp và các phụ tùng đùm, căm …
Bà kêu ông khiêng hàng ra xe chở về cơ quan.
Ông nhìn thoáng trên tay bà đang cầm cuốn “Sổ mua hàng” biết đây là Cán Bộ hậu cần hay tài vụ của cơ quan nào đó!
Ông hỏi “Cơ quan nào?”. Bà trả lời cộc lốc “chạy theo tôi”.
Sau khi chất hàng xong xuôi ông chạy theo xe Honda dame của bà. Xe chạy hết ngã tư này quẹo trái sang ngã tư khác rồi quẹo phải, chạy qua năm bảy ngã tư mất độ nửa giờ và sau cùng mới trên đường hướng về Chợ Lớn đến một con hẻm bà kêu ông chạy sâu vào đến cửa sau một nhà hàng thì ngừng ngay nơi đã đậu sẩn một xích lô khác và có hai thanh niên người Hoa đi xe Honda 67 chạy vội lại cùng với bác xích lô xúm lại khiêng hàng từ xe ông chuyển sang chỉ mất vài giây là xong.
Bà hỏi “ông ăn bao nhiêu?”. Ông lúng túng không biết nói giá nên nói đại “một trăm đồng”.
Bà khách móc bóp trả ngay không hề kỳ kèo một tiếng, rồi lên xe đạp máy bỏ đi …
Hôm ấy ông về nhà muộn hơn thường lệ, thỉnh thoảng ông có về muộn nên đã dặn hờ vợ là sau 6 giờ không thấy ông về, nhà cứ ăn cơm trước khỏi để phần vì ông đi nhậu với bạn bè.
Lần này ông cũng về hơi muộn, thấy ông không có hơi rượu vợ ông ngạc nhiên chưa kịp hỏi, ông lôi ngay câu chuyện ra kể.
Trong bữa cơm ông tuyên bố mai chỉ chạy buổi sáng đến trưa thôi, và sẽ về đưa vợ con đi Sài Gòn sắm sửa quần áo rồi cả nhà vào Chợ Lớn ăn mì vịt tiềm ở Hải Ký.
Ông đã không còn sợ phải giấu giếm xóm giềng hay công an về chuyện ông chạy xe Xích Lô vì ông đã được nhập Hộ khẩu tháng trước… và sau đó ông cũng dành dụm mua riêng cho mình một chiếc xe không cần phải mướn nữa.
Cả nhà đêm ấy tràn ngập hạnh phúc …
Thường việc gì có ăn thiên hạ tràn ra đông, do đó, xe xích lô được đóng thêm và thêm nhiều người hành nghề.
Phần ông, sức khoẻ càng ngày càng kém, chạy ít giờ hơn nên lợi tức chỉ bằng nửa lúc trước.
Vợ thấy ông gầy rạc và người đen như củ súng, thỉnh thoảng đêm đêm nghe ho khù khụ mới mở lời khuyên ông chỉ chạy nửa buổi thôi, còn nửa buổi đem xe cho thuê. Tính ra nhà cũng đủ ăn và nhớ là bỏ hút thuốc tránh dầm mưa dãi nắng …
Trầm ngâm một lát, vợ ngỏ ý xin ông cho ra tủ thuốc lá đầu ngõ ngồi bán kiếm thêm.
Ông cười ôm lấy vợ trấn an.
-  Anh còn khoẻ như trâu! Thấy anh gầy vậy chứ dai sức lắm! Lúc đi tù lao động còn vất vả nặng nhọc hơn nhiều mà lại thiếu ăn mà có sao đâu. Em là cô giáo ra ngồi đầu đường bán thuốc lá không sợ học trò nó cười cho à!
- Em “mất dạy” lâu rồi! từ ngày anh đi tù em có còn được đi dạy, còn là cô giáo nữa đâu! vả lại thời buổi này mà anh! Nhiều cô giáo sau giờ dạy còn mang quà bánh ra bán ngay tại lớp cho học trò nữa kia..!
-  Khuyên chồng cai thuốc mà vợ bán thuốc thì không thể cai được. Hay là để anh cai trước cho dứt hẳn cơn ghiền rồi em ra bán sau cũng không muộn. Nếu không, em bán lời lãi bao nhiêu cũng chỉ để anh hút mà thôi.
Ông nói thế chứ ông nào cai thuốc được, đời thường vẫn lặng lẽ trôi… Nhưng rõ khổ thân ông! muốn sống như là một công dân lương thiện thượng tôn luật pháp cũng không được …
Một hôm thông báo của sở Giao thông vận tải Thành Phố HCM buộc các xe xích lô phải vào hợp tác xã và tài xế phải có giấy đăng ký hành nghề để nhà nước quản lý vấn đề giao thông phân phối nắm vững địa bàn hoạt động trong việc điều hành giao thông …
Ông là người quen sống theo nếp nên vừa nghe thông báo đã vội vàng ra đăng ký theo luật định.
Việc đời không đơn giản như ông tưởng.
Sau nhiều ngày đi lên đi xuống Phường, ông mới được công an chứng nhận lý lịch rồi cho xe ra phường xin đăng ký vào hợp tác xã.
Ông Chủ nhiệm hợp tác xã vốn là một tay du đãng trong xóm nay đã hoàn lương vì chỗ hàng xóm nên rất vui vẻ nhiệt tình chấp nhận ông vào HTX ngay và báo cho ông biết là hàng tháng phải đóng thuế điều hành cho ban HTX với số tiền nhà nước quy định cho mỗi đầu xe. Ai làm ra bao nhiêu tiền không cần khai báo.
Ông chấp nhận đóng tiền xe cho HTX như một cách đóng hụi chết cho nhà nước … Nhưng rõ là cho xe vào HTX là một chuyện, muốn hành nghề hay không là chuyện khác là phải lên Quận xin giấy hành nghề. Không có giấy hành nghề là phạm pháp, gặp Công an giao thông xét không có sẽ giam xe, có khi giam cả người.
Nhiều đồng nghiệp đăng ký sau ông đã có giấy hành nghề, Ông vẫn phải chờ đợi.
Hỏi thăm chỉ khiến cô thư ký bực mình hạch xách lôi thôi đủ thứ, nói “chờ là chờ, khi nào xong thủ tục sẽ báo cho ông”.
Ông hỏi khi nào xong thì cô gắt cứ hỏi vớ vẩn lôi thôi.
Hiện có cả trăm ngàn người đăng ký nào có phải mình ông đâu, cán bộ cần phải có thời gian giải quyết từ từ chứ!
Ông có biết đâu rằng thủ tục “đầu tiên” ông chưa lo thì làm sao đơn đăng ký cúa ông được cứu xét. Ông vẫn nhẫn nại chờ một việc chẳng bao giờ đến!
Gần một tháng ông không dám ra xe vì trên đường phố công an giao thông tràn ra bắt giữ nhiều xe không đăng ký vào Hợp Tác Xã và phạt tù những người hành nghề bất hợp pháp.
Ông lo ngại nhưng cả nhà chỉ biết trông vào cái cần câu cơm là chiếc xe đã bị bỏ xó gần tháng.
Được một đồng nghiệp mách nước là cứ ra xe, hễ gặp công an nhờ khách nói là chở người nhà nhưng ông có biết đâu công an nó lưu manh hơn.
Ai nói thế nó cho khách ra một nơi tài xế một chỗ tra hỏi nếu lòi ra gian dối nó bỏ tù thì đói …
Đã nhiều người bị rồi nên ông không dám.
Ông chỉ còn mỗi việc liều là cứ chạy nếu bị thổi thì hối lộ là xong, và ông thấy cách này nhiều đồng nghiệp đã làm và có kết quả tốt. Nhờ sự thông cảm và dễ dãi nhận tiền của công an nên ông cho xe hoạt động trở lại…
Bếp nhà ông lại ngày hai bữa được đỏ lửa …và ông được trở lại với đường phố với bụi đời dù nay vất vả khó khăn hơn vì ngoài bốn miệng ăn gia đình, ông còn phải nuôi thêm HTX và công an giao thông cho đúng chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm …!
Cuộc sống cứ thế kéo dài thêm nửa năm.
Cho đến một ngày kia bầu trời chuyển bão mưa, đang đạp xe trên đường ông cảm thấy đau nhói nơi hạ bộ nên cho xe về sớm.
Đêm đó ông lên cơn sốt dữ dội, vợ hoảng hốt vội gọi xe đưa ông vào nhà thương.
Sau khi thử nước tiểu, bác sĩ xác định ông bị bệnh tuyến tiền liệt cần phải cắt bỏ bộ phận sinh dục ….
Vợ ông phải kêu người bán xe lấy tiền trị bệnh thuốc thang cho ông đến lúc hết sạch tiền thì may mắn thay sức khoẻ ông hồi phục được. Bác sĩ cho xuất viện, nhưng mãi mãi từ đó ông chỉ sống như một phế nhân …
Vợ ông lại phải thay ông ra chợ trời, trên tay với cái áo cũ mua đi bán lại sống đắp đổi qua ngày cho đến một hôm ông trở bệnh qua đời. Thân xác ông được đưa vào lò thiêu bên Phú Lâm và tro cốt đem vào chùa Xá Lợi, nơi xưa kia ông thường ra đó đứng trông vời áo tiểu thư …

HẾT


Xem Tiếp: ----