hìn chiếc xuồng của thằng Năm con mình vừa về đến, trên xuồng nó chở về một ít Bồn bồn vài con cá nhỏ và một mớ cua đồng. Con phèn thấy ông Tư Cường tía thằng Nam đang vẫy tay kêu nó phía trên bờ, Phèn rít lên mừng rỡ nó quắc cái đuôi liên tục rồi chồm ra be xuồng tìm cách lên bờ, nó cứ loay hoay mãi mà chẳng dám phóng lên bờ để ông Tư vuốt ve nó như mọi khi, bởi chiếc xuồng nằm dưới con kênh chỉ còn lại dòng nước nhỏ đục ngầu, trên thân thể con kênh giờ đây chỉ đủ sức nâng con xuồng bé như xuồng của thằng Năm mà thôi, còn mấy chiếc ghe to hay chở Dừa thường đi ngang đây thì chịu thua.
Bắt cái thang dã chiến từ trên bờ xuống gần chiếc thuyền của thằng Nam, ông Tư tặc lưỡi và búng tay ra hiệu cho con Phèn theo đó mà lên bờ, hiểu ý chủ nó mừng rỡ sủa gâu gâu rồi thu mình phóng lên cái thang rồi nhanh chóng nó nhảy lên bờ và vồ lấy thân hình ông Tư trông giống như đứa trẻ ôm mừng người thân khi nó đi xa trở về nhà.
Từ khi còn nhỏ cho đến giờ, chưa khi nào ông Tư Cường thấy vùng sông nước ở miền Tây quê ông gặp cảnh hạn hán kinh hoàng như hiện nay, mới sáng này thôi nơi quán cà phê trong xóm nhỏ của mình, ông tư cùng một số bà con chòm xóm vừa nhâm nhi cà phê vừa bàn thảo việc thiên tai đang trải rộng khắp các miền đất nước, ông Hai Bưu điện là người rành rẽ tin tức thời sự nhất trong xóm, vì mỗi sáng ông ra làm việc bưu điện tận ngoài chợ huyện, ở đây ông có điều kiện nghe ngóng được mọi tin tức các nơi qua cái Televison đặt nơi phòng làm việc, ông thu thập hết mọi chuyện vô "Bộ nhớ" trong đầu, để rồi sáng sớn hôm sau ông sẽ tuần tự thuật lại các tin này cho mấy bạn già khi tề tựu tại quán cà phê cóc của bà Năm mập, có câu chuyện nào hay, lạ mà họ chưa hiểu hết thì ông Hai bưu điện sẽ giải thích, vậy đó mà mấy ông bạn gìa đều phục ông Hai sát đất, họ xem ông như một nhà thông thái của thế kỷ hai mươi mốt ở cái xứ "khỉ ho cò gáy"này, qua vụ hạn hán năm nay ông có nhận định:
- Mấy ông biết sao hông, cái vụ hạn hán ở mấy vùng quê mình hiện nay nó bị nhiều nguyên nhân, mưa dứt sớm nè, lượng mưa trong năm theo Vũ lượng kế đo được nó ít hơn mọi năm.
Chưa kịp kể các nguyên nhân gây hạn hán tiếp theo thì ông Hai phải nhường lời cho bà Ba cá thắc mắc:
- Anh Hai nó ơi, Vũ lượng kế là cái giống gì anh mần ơn nó rõ đi, chứ anh xài chữ của bác học thì tụi tui bù trất hà, hahaha.
Ông Hai cũng cười, rồi ông giải thich:
- Gì đâu mà bác học bà Ba ơi, nó là cái dụng cụ để đo số lượng nước mưa rơi xuống khu vực nào đó trong thời gian cơn mưa hoạt động, vậy thôi, cái tên Vũ lượng kế là từ hồi xa lắc xa lơ người ta gọi rồi, chắc bà tối ngày lo lội ruộng bắt cá nên bà không để ý đó thôi.
Ông Tư Cường nói chen vô:
- Cái vụ đó dễ ẹc mà bà còn thắc mắc, để anh Hai ảnh nói tiếp coi tại cái giống gì nữa, tiếp đi anh Hai.
Ông Hai Bưu điện thấy Ông Tư hối thúc, ông liền nói tiếp:
- Kế đến là hệ thống sông ngòi bị chặn dòng nhiều quá, mấy ông bà biết cái sông Cửu long của mình nó phát nguyên từ đây không? Tui nghe trong vô tuyến người ta nói đâu ở tuốt luốt bên tàu lận, trên núi cao tên gì tui quên phức rồi, nó chảy trong nội địa của mấy ông Chệt họ thì họi gọi là sông Lan Thương, nó cách mình đây bốn năm ngàn cây số lận đó.
Bà Ba cá ngắt lời:
- Anh Hai nói gọn gọn để tui đi quơ ba con cá về ăn, anh kể xong chắc nước dưới kênh khô cạn hết thì khổ tui nghe anh Hai.
Ông Hai trọng nổi tiếng là ông già khó tánh, nghe bà ba làm gián đoạn câu chuyện hoài khiến ông bực mình:
- Cái bà này kỳ nha, để anh Hai kể mình nghe mở mang đầu óc, bà cứ nhào vô họng ảnh hoài thì tết "Ma rốc" cũng chưa rồi nữa.
Ông Hai nói tiếp:
- Sông Lan Thương chảy hết đất tàu thì các nước còn lại trên con sông này đi qua họ gọi là sông Cửu Long, các nước trên thượng nguồn bắt đầu ngăn lại xây rất nhiều con đập lớn, họ làm thủy điện có lợi cho họ, cho nên nguồn nước đâu còn lại bai nhiêu cho nước cuối nguồn như nước mình.
Ông Hai Trọng nghe xong tức giận bèn lấy tay đập mạnh mặt bàn khiến ly cà phê đen chưa kịp uống văng tung tóe dưới đất, ông nói:
- Hèn chi, mẹ tổ nó nước là của trời đất thiên nhiên ban tặng, nó chảy chung qua các nước cùng xài, vậy mà cái cha nội ba tàu ỷ thế mần ăn thất đức quá, khổ cho dân mình rồi, lúa má chết vàng đồng rồi, nay mai thằng con nó biên thư về xin tiền đóng tiền học chắc tui trốn luôn, tiền bạc đâu nữa mà cho con cái ăn học đây mấy ông mấy bà.
Cay cú vì bị ông Hai Trọng sửa lưng khi nãy, bà Ba cá chọt vô:
- Lúc mần ăn được ông không chịu thủ lại một mớ, giờ than thân trách phận sao được.
Thấy bà Ba cá "Châm dầu vào lửa", ông Hai Trọng "sì nẹt " bà liền:
- Bà nói câu đó tui tưởng bà ở hành tinh nào mới xuống, nông dân mình bao đời nay sống theo cây lúa, con tôm con cá, bà thấy vụ mùa nào mà nông dân mình có được cái nụ cười " Xả giàn" đâu? Cái điệp khúc buồn "được mùa thì mất giá", mần cái gì ra bán giá rẻ bèo luôn.
Trước đây tuy mùa lũ về cuộc sống có đôi phần bất tiện, vì bà con phải cơi nới nhà, đi lại khó khăn, nhưng bù lại dòng lũ đục ngầu kia, tuy nó hung hãn đáng sợ nhưng nó lại mang phù sa, mang đầy tôm cá cho nơi đây để bà con có nguồn lợi để trồng trọt, nuôi và đánh cá, vậy mà giờ đây kênh thì khô trơ đáy, ruộng đồng thì khô khốc khiến cuộc sống chật vật miền quê càng thêm khốn khó.
Đang ngồi ngoài hàng ba trước nhà, ông Tư Cường đưa mắt nhìn lên bầu trời qua kẽ hở giữa những cây dừa cao vút, bầu trời xanh thẫm không một gợn mây, bất chợt trong đầu ông nhớ lại những chuyện cầu mưa của mấy tay pháp sư thời xa xưa mà ông được ông nội mình kể lại trong truyện Phong Kiếm xuân Thu, hoặc Tôn Tẩn Bàng Quyên gi đó mà ông cũng không rõ lắm, ông ước ao mình có phép thuật như vậy ông sẽ đi khắp nước để " Cầu đão" cho mưa thuận gió hòa giúp cho vựa lúa miền nam còn con đường vươn lên.
Nhìn lại thực tại chưa có cách nào cứu lúa ngoài đồng khỏi chết cháy, ông móc gói thuốc rê ra và quấn một điếu to bằng ngón tay cái, ông châm lửa đốt rồi rít một hơi dài, khi đám khói thuốc được ông nhả nó nhanh chóng bay lên và mất hút, ông tưởng tượng đám khói nhỏ kia sẽ hòa vào đám mây nào đó trên không để tạo ra cơn mưa cứu hạn, đang thả hồn cho những ý tưởng mông lung thì thằng Năm nó làm ông giật mình:
- Thôi tiêu rồi tía ơi, cá dưới đìa sau nhà mình nó nổi bụng chết trắng hếu kìa. Con đem cái lưới ra tía phụ vớt lên xẻ phơi khô liền, chậm chút nữa coi như đỗ bỏ.
Ông Tư Cường chới với hỏi vặn lại thằng Năm:
- Con biết sao cá chết không?
Chừng nhớ chực lại khiến ông Tư Cường giậm cẳng kêu trời:
- Thấy tía tao rồi, trên Ấp thông báo nước mặn từ sông đã xâm nhập vộ mấy con kênh rồi, họ kêu nhà nào nhà nấy tự lo ngăn cống lại không cho nước mặn vô ao đìa, vậy mà lo ba cây lúa nên quên bà nó rồi, thôi coi như trắng tay chuyến này.
Nghe chồng và con đối đáp, bà Tư nói xen vô:
- Thôi ông ơi! Than thở mần chi đây là số trời, còn nước còn tác ông xẻ ba con cá làm khô để dành ăn, chuyện gì thì tính sau, coi như đám cưới thằng Năm phải chậm chậm lại chờ mùa sau rồi.
Nghe má nói vậy Năm hốt hoảng:
- Ý dậy đâu có được má, Tính ngày giờ hết rồi hoãn lại kỳ lắm, tía vợ con ổng quê lên ổng gả em Linh cho thằng khác là thúi đời con luôn á.
- Chứ giờ tính sao con, nhà mình nghèo phải chịu, giờ mang công mượn nợ mà tình cảnh như vầy rồi lấy tiền đâu mà trả, không khéo bị cười chê thì nhục lắm con à.
Năm cố níu kéo:
- Mình mượn tạm đi, có tiền mừng cưới trả lại cho họ được mà má.
Biết vậy nhưng lỡ thiếu hụt lấy đâu bù vô con, không lẽ đãi bằng đồ chay cho nó rẻ.
Nghe má nói, Năm chụp ngay ý này liền:
- Được đó má, con thấy xóm mình à con ăn "lạt" khá nhiều, thịt thà ăn hoài không tốt, mà bây giờ họ chăn nuôi bằng hóa chất nhiều quá, ăn vô ung thư cái chắc.
Nghe lý luận cùng của thằng con, bà Tư cốc vô mỏ ác nó một cái:
- Cái thằng, vậy mà cũng nói được, thôi để tía má liệu, ghẹo bây thử coi sao chứ tiền đó tía má lo sẳn rồi, nước tới trôn nhảy sao kịp hả con.
- Má này, làm con hết hồn.
Thằng Năm hứng chí vì đám cưới sẽ được theo đúng kế hoạch, nên sau câu nói trên nó phóng cái rột ra sau nhà vừa đi vừa hát khẻ " Ngựa phi ngựa phi đường xa.Tiến lên đường nắng chói chói lóa..."
Đang cầm cây chổi tàu cau quét gom lá cây rụng đầy sân, chợt ngoài ngỏ có tiếng gọi tên mình, bà Tư Cường lững thững bước ra gặp cô gái nọ đầu đội nón lá, mặt thì trùm khăn kín mít như mấy Người Ninja trong những phim của Người nhật, bà Tư cất tiếng hỏi:
- Ai dậy, kiếm tui có chuyện gì không?
Người bịt mặt trả lời:
- Con Là Lài con ông Ba Khía nè Bà Tư.
- Chèn đét ơi, bây mần tao hết hồn tưởng mấy người xã hội đen đi xiết nợ không hà, bây tới nần chi mà đem theo bình nhựa lủ khủ dậy?
Cô Lài kéo cái khăn che mặt ra đáp:
- Bà Tư còn nước ngọt hông, cho tía con xin mấy bình về uống, nhà con sạch nhách không còn một giọt, mùa khô năm nay khổ bộn nha bà Tư.
Nghe Cô Lài muốn xin ít nước ngọt về xài, bà Tư hơi lưỡng lự, nhưng trong phút chốc bà quyết định luôn:
- Nhà bà còn không nhiều nhưng thấy tía con bây khát mà làm ngơ sao đành, bây vô lấy đi, chổ cái lu da bò đó, lấy xong nhớ đậy kín lại cho bà.
Mừng như bắt được vàng, cô Lài tranh thủ đong đầy mấy can nhựa những giọt nước mưa trong veo mát lạnh và ngọt lịm.
Lài xin phép bà Tư quay về, trước khi đi lài phân bua với bà Tư:
- Bà Tư biết sao không, tía con ổng nói năm nay lần đầu tiên gần cả trăm năm mới có trận hạn hán kinh hoàng, thuở đời nay dân miền Tây mình chết khát giữa bốn bề sông nước.
Bà Tư nói vuốt theo cô Lài:
- Bởi vậy bây giờ kiếm nước uống đỏ con mắt đó bây, uống tiết kiệm nhe. Hahaha bà Tư nói chơi cho dui, chứ tía bây với bà như cật với ruột, uống hết ghé qua lấy tiếp, đừng ngại nhe bây.
Cô Lài trong bụng vô cùng vì trong khó khăn hoạn nạn cô mới thấy ai tốt ai xấu với mình.
Như thường lệ cứ chừng nửa tháng Năm đạp xe xuống thăm vợ sắp cưới của mình, dựng chiếc xe đạp bên gốc dừa trước sân nhà Linh, Năm gỡ cái giỏ đệm treo ở ghi đông trong đó con gà luộc chín da vàng ươm, Năm biếu cho tía vợ làm mồi nhậu với bạn bè.
Thấy nhà vắng hoe,Năm bước vô cửa dự định cất tiếng gọi Linh, bổng dưng có ai đó sau lưng Năm quàng hai tay bịt mắt Năm lại, nó đoán chắc ngoài Linh chẳng ai chơi cái trò này,Năm nói:
- Em hả, tính hù cho anh đứng tim anh chết là em ở giá đó nghe.
Không nghe trả lời, và đôi tay ai đó cũng buông lỏng đôi mắt Năm ra, nhưng nó nghe đau nhói ở sau lưng do ai đó đấm thật mạnh vào sau lưng.
Chừng quay lưng lại đúng là Linh với gương mặt dỗi hờn, hoảng quá Năm hỏi:
- Anh nói giỡn cho vui mà giận thiệt hả, anh xin lỗi đó để anh đền cho nè,
Chưa kịp phản ứng sau câu nói của Năm thì Linh bị Năm ghì chặt người vào rồi Năm hôn tới tấp trên môi trên má nàng.
Ông Chín Khế tía vợ tương lại bất chợt xuất hiện, gặp cảnh hai trẻ đang âu yếm, lỡ bộ ông "tằng hắng" một tiếng như báo hiệu sự có mặt của mình khiến cho đôi uyên ương bối rối ngượng ngập vô cùng, thấy hai con còn áy náy ông Chín đánh trống lãng:
- Hôm nay bây ở chơi nhậu với tía cùng mấy chú bác cho vui, có xỉn ở lại đây mai về, có gì tía kêu con linh nó chăm sóc cho, bây cứ xả láng sáng về sớm.
Nghe tía nói vậy hai đứa thật vui, đem con gà xuống bếp chặt để chuẩn bị tiệc nhậu trưa nay, trong lúc làm việc dưới bếp hai đứa cũng tranh thủ trao nhau những ánh mắt yêu thương và những nụ hôn tình tứ.
Sau cuộc nhậu khách khứa lần lượt rút lui, lúc này chàng rể và tía vợ tương lai đang bàn bạc việc ao cá sau nhà bị trộm viếng cách đây ít hôm, do bực bội và hơn nữa có chút men trong người nên ông Chín nói:
- Tức quá, tối nay tía tính giăng dây điện quanh ao, thằng nào vô trộm điện giật chết ráng chịu.
Giật mình với toan tính của tía vợ:
- Không được làm vậy nghe tía, họ bị điện giật chết là mình bị tù đó.
Là nông dân lương thiện, khi nghe đến tù tội thì ông Chín Khế hơi ớn trong bụng:
- Vậy hả bây, chứ mất của phải trân mình ra chịu hả.
- Tía phải canh chừng, nếu bắt được thì giao cho mấy ông ở ấp đứng ra xử.
Người ta thường nói," Ăn quen chồn đèn mắc bẩy". Y như rằng thấy nhà ông Chín nhậu nhẹt lúc trưa thì đêm về cả nhà sẽ chỏng cẳng ngủ, tên trộm mò vô nhào xuống ao cá kéo lưới bắt trộm, hai tên đang hí hửng lượm cá bỏ vô cái đụt đeo ở lưng quần bổng dưng đèn pin rực sáng rọi thẳng vào mặt khiến hai tên đứng yên nhừ trời trồng dưới ao, chừng khi đưa họ lên bờ ông Chín Khế nhận ra anh em thằng Lượm kế bên đất nhà ông là thủ phạm.
Sau một hồi tra vấn, ông Chín Khế mới biết nhà thằng lượm đang có nguy cơ chết đói, ruộng lúa cháy vàng, công việc làm không có, tiền bạc cũng không, nhà cửa trống không chẳng có của cải gì, hơn nữa căn bịnh phổi của tía thằng Lượm tái phát không tiền chữa trị, " Bần cùng sinh đạo tặc" anh em thằng Lượm đành nhắm mắt đưa chân làm liều.
Vét khạp gạo còn vài lít, gom ít tiền dành dụm để trao cho hai tên trộm, ông Chín Khế nói:
- Ông Chín không bắt tội hai thằng bây đâu, có chút đỉnh tụi con cầm về tạm đi, ông chín tìm phương kế giúp cho nhà bây sau, nhớ có đói có khổ đến đâu cũng đừng để tay nhúng chàm nghe bây.
Hai anh em thằng Lượm mừng vui khóc như mưa, nhận món quà trên tay tuy không nhiều nhưng nó mang nặng tình nghĩa đồng bào giúp nhau trong thời buổi khốn khó.
Anh em thằng Lượm lui về nhà, ông Chín Khế hơi mệt nên ông tiếp tục leo lên giường ngủ, trên sân còn lại Năm và Linh hai đứa chưa hết ngỡ ngàng với cái cư xữ đầy tình người của ông già tíaà mình, tự dưng không hẹn mà hai đứa thốt lên một câu y như có thần giao cách cảm:
- Tía tui number one.
Viết xong 22.3.2016