Chương thứ mười một, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22
Cái vật thị hiếu của Quí-phi

     uí-phi khi theo cha là Nguyên Đàm làm quan ở đất Thục rất thích ăn quả lệ chi (quả vải), sau khi vào cung, vua Minh-hoàng từng hạ chiếu cho các viên thú thần trong đất Thục cứ mùa lệ chi, thì đem lệ chi tiến phụng.
Có một năm giữa tháng tư, lệ chi đem tiến hiến, vua Minh-hoàng cả mừng, thử ăn một quả, thì thấy vị nó chẳng ngon ngọt gì cho lắm, mà lại có vị chua, mới nghĩ riêng trong bụng rằng Quí-phi lấy cái ích gì ở quả lệ chi mà thường vui vẻ nói đến luôn, coi là một vật trân kỳ dị phẩm, há bởi cái tính thị hiếu của Quí-phi khác người đó dư!
Sau khi lui chầu, vua Minh-hoàng sai kẻ nội thị bưng một cái kim bàn trong chứa đầy lệ chi, đi thẳng đến cung Qúi-phi. Quí-phi nghe báo có thánh giá lại, kịp đi ra nghênh tiếp. Vua với Quí-phi cùng vào trong cung. Ngồi yên vua Minh-hoàng mới mỉm cười ngoảnh về Quí-phi mà nói rằng: «Ngày nay tìm được trân bảo, sẽ khiến Phi-tử nếm một vị lạ. Rồi đoái bảo kẻ nội thị đem mâm vàng dâng lên. Vua Minh-hoàng tự mình mở mâm ra, thì thấy trong mâm chứa đầy những lệ chi liền cành liền lá, ước có mấy trăm quả. Quí-phi trông thấy cả mừng, tức khắc lấy một quả bóc ra ăn, vừa để vào khỏi miệng, liền trau mày nhăn trán đến nửa giờ.
Vua Minh-hoàng lấy làm lạ hỏi rằng: «Phi-tử thích ăn quả lệ chi, đến nỗi hình ra giấc mộng mị, phát ra lời thi ca, nay đã được lệ chi mà ăn, nét mặt lại có sắc chẳng vui, là cớ sao?» Quí-phi tâu rằng: «Lệ chi ở đất Thục, giống nó rất nhiều, hạng tối thượng là giống Trần-gia-tử và giống Luyện-gia-tử, hạng thứ hai là giống Giang-gia-lục; còn hạng kém nữa thì danh mục nó rất nhiều, một lúc không thể thuật ra cho đủ được. Thiếp tôi khi theo cha làm quan ở đất Thục, cha thiếp rất yếu thiếp, biết thiếp thích ăn quả lệ chi, nên chẳng tiếc nhiều tiền, tìm phương kế mua cho lấy được, nghe chốn nào có giống lệ chi tốt, thường cách một năm trước đem tiền đến tận gốc cây định giá mà mua, nên những quả lệ chị thiếp tôi ăn, phần nhiều là hạng thượng phẩm, dù chẳng được thượng phẩm cũng còn được là hạng trung phẩm, nay những quả lệ chi đem lại tiến hiến đây, hình nó tròn dài, sắc nó nhạt mà nhiều gai, người đất Thục gọi nó là hạng lệ chi gai hổ, là hạng rất kém trông giống lệ chi, trách nào vị nó chẳng chua, chẳng thế sao nuốt được. Vả lại vật lệ chi nó là cái vật tối kị để cách ngày; phàm quả nào tự trên cây mới hái xuống thì chất nước nó ở trong phong mãn, ăn vào trong miệng người, đầy miệng ngọt thơm, răng lưỡi đều thanh sảng như là uống nước tiên lộ quỳnh tương vậy. Nếu để cách một hai ngày, thì chất nước của nó dần khô, mà cái vị ngọt thơm của nó cũng dần giảm. Ngoài năm ngày thì không còn chút hương vị gì nữa. Nay thiếp tôi ăn quả lệ chi này, biện biệt cái vị nó, thì đại ước nó đã lìa cây có đến sáu bảy ngày, cho nên cái chân vị của nó đã mất cả rồi, chẳng bằng quả long nhãn vậy». 
Vua Minh-hoàng nghe Quí-phi nói lấy làm thán phục, cười mà nói rằng: «Phi-tử tinh về cách biện vật đến như thế khá gọi là bậc băng tuyết thông minh. Tự nay về sau trẫm sẽ truyền lệnh đặt từng trạm, án từng cung, trỏ từng danh hiệu quả lệ chi, mà bắt địa phương tiến công, như vậy là nên». Quí-phi ngỏ lời cảm tạ hai ba lần.
Sáng ngày mai vua Minh-hoàng ra coi chầu truyền lệnh cho binh bộ phải kiến thiết ra từng điểm trạm, kén lấy hạng tuấn mã trong thiên hạ, để chuyên đệ giống lệ chi, hạn trong năm ngày phải đem đến chốn kinh sư, hễ sai hẹn thì chiểu cái điều lệ làm lỡ việc quân mà luận tội. Nếu hàng quan lại và kẻ nhân dân có người nào làm trở ngại việc lệ chi, hay là làm tổn hại chất lệ chi, những tình hình ấy, thì chiểu cái điều lệ hủy phương cấm vật mà luận tội. Lời chỉ dụ ấy ban ra, nào là kẻ giồng lệ chi, nào là kẻ có chức trách về việc tiến cống, khốn nạn muôn phần. Ngựa thì phải đi cho hết sức ngựa thì mới kịp, hễ chết ngựa ấy lại thay ngựa khác; khổ nhất là gặp khi trời mưa dầm, hay hoặc trời nắng nẫu, thì phần ngày lại đôi ra, mà chất lệ chi lại hỏng đi, không dám tiến nữa; khi đem đến chốn kinh sư, mười phần lệ chi khéo lắm chỉ còn được một phần, phí tổn không biết bao nhiêu mà kể. Rồi thì khoảng đất Mân đất Thục trong dân gian nhiễu nhương tao động, không năm nào được yên.
Than ôi! Vì một cái vật thị hiếu của Quí-phi mà khổ bao nhiêu người, chết bao nhiêu ngựa, tốn bao nhiêu của đến nỗi như thế, cái mầm đại loạn đã gây lên từ đấy vậy. Đời ấy có thơ rằng:
Ngựa hồng trần Phi-tử mỉm cười,
Lệ chi đem lại ai người đã hay.
Là ý chê mát rằng vua Minh-hoàng làm khốn trong thiên hạ, để mua chuộc lấy một tiếng cười Phi-tử, muốn chẳng nguy loạn cũng khó thay!

Chương thứ mười hai

Quí-phi tỏ sự yêu cầu

Quí-phi tự sau khi cùng Mai-phi tiếp kiến, biết rằng dung mạo Mai-phi cũng chẳng kém mình, tuy vua Minh-hoàng nhất thời chẳng sủng ái Mai-phi, nhưng ta đối với Mai-phi chẳng nên chẳng gia ý đề phòng.
Cách ngày chửa bao lâu, trong cung hốt nhiên diễn ra một sự ghen tuông tranh khí nồng nàn khác thường. Vì vua Minh-hoàng cùng với Quí-phi cư xử nhiều ngày, dần dần biết rằng Quí-phi là người cứng cỏi ghen tuông, yêu lâu cũng hơi sinh chán.
Một hôm sau khi chầu, vua Minh-hoàng, ngồi một mình ở chốn tiện điện, hốt nhiên nhớ đến Mai-phi, trong bụng nghĩ riêng rằng tài mạo Mai-phi cũng chẳng kém gì Quí-phi, gia dĩ tính lại mềm mại không cứng cỏi, thanh nhã nồng nàn, chỉ vì bình nhật chẳng khéo phùng nghênh, đến nỗi xếp bỏ ở chốn đông lâu. Mình tự hỏi mình, không khỏi là kẻ bạc tình, chẳng biết trong tâm Mai-phi có oán hận mình không. Vua nghĩ ngợi hai ba lần, cái tâm đối với nghĩa cũ tình xưa không thể át đi được, mới sai viên nội thị đem cho Mai-phi một hộc hạt trân châu, để yên ủi trong khi tĩnh mịch. Mai-phi từ chối chẳng chịu nhận lại làm thơ trần tạ, tình tự bi thiết. Vua Minh-hoàng mười phần cảm động, ngày hôm ấy chẳng đến cùng Qúi-phi mà ở liền ngay chốn tiện điện chờ đợi đến chiều, sai Cao Lực-Sĩ đem xe đón Mai-phi, đến nơi Nhứ-các. Vua với Mai-phi lâu ngày mới tiếp kiến bàn nói sự cũ, thâu đêm chẳng dứt.
Giữa ngày hôm ấy, sau bữa cơm trưa xong, Quí-phi ở trong cung Giao-hoa đốt hương thay áo, chuyên đợi thánh giá lại, đợi mãi đến khi mặt trời đã lặn, mà vẫn y nhiên không thấy tăm hơi gì. Quí-phi mới chợt sinh ra lòng nghi lự, bèn sai kẻ cung nga ra bên ngoài thám thính, chẳng biết đấng vạn tuế vì chính sự phân phồn thế nào mà đến giờ còn ở chỗ tiện điện, được tin gì về báo.
Quí-phi đương dặn dò kẻ cung nga chửa dứt lời, chợt thấy kẻ nội thị đến cung Giao-hoa truyền thánh chỉ rằng: «Đấng vạn tuế vì thánh thể hơi mỏi mệt bất hòa, tối hôm nay nghỉ ngợi ở trong Nhứ-các, chẳng lại cung Giao-hoa, dặn bảo cho bọn cung nhân ở Giao-hoa, cứ sớm sủa đóng cửa cung, bất tất giữ cửa chờ đợi thánh giá». Kẻ nội thị truyền chỉ dụ xong, thì chạy như bay mà đi ngay, Quí-phi không kịp vẫy lại để hỏi. Quí-phi nghĩ bụng rằng thói vua Minh-hoàng xưa nay chẳng một tối nào tia vắng đàn bà, tối hôm nay há có cái lẽ ngủ một mình sao. Cái lời truyền chỉ đó tất là cái lối giả thác văn sức không sai. Quí-phi suốt đêm nghĩ ngợi, chẳng yên giấc ngủ. Đến lúc trời sáng có kẻ cung nga là Niệm-Nô tự bên ngoài đi vào, bí mật tâu rằng: «Tiểu-tỳ nghe đấng vạn tuế tối hôm qua sai người đi triệu Mai-phi đền chầu ở trong Nhứ-các, hiện bây giờ còn chửa trở dậy». Quí-phi cả phát nộ, xuất lĩnh một bọn quan nội giám, vừa kẻ cung nữ đi thẳng đến Nhứ-các
Cao Lực-Sĩ nẻo xa xa trông thấy Quí-phi đến, kịp vội vàng vào trong các đánh thức vua Minh-hoàng, bảo rằng Quí-phi đã đến. Vua Minh-hoàng ngồi choàng dậy, tinh thần bàng hoàng, chân tay luống cuống. May Cao Lực-Sĩ chợt sinh ra được cái trí khôn mau mắn, sai ngay một viên hoàng môn cõng Mai-phi đưa về Đông-lâu đi thẳng. Quí-phi thì ngang nhiên đi vào trong các, nhất diện cả tiếng hờn giận liên thanh, nhất diện sai người đi tra tìm ở trong các, thì ở bên gối vua tìm được một chiếc kim trâm, dưới giường vua tìm được đôi giầy phượng lý. Quí-phi kĩ càng biện nhận, biết rằng là cái vật của Mai-phi. Vua Minh-hoàng khi ấy chỉ giả cách như người si người điếc, chẳng nói ra một lời. Quí-phi rức lác một hồi lâu, rồi nối đến vật vã than khóc. Vua Minh-hoàng không biết làm thế nào, hai ba lần lại trước mặt Quí-phi tạ lỗi. Cao Lực-Sĩ đứng bên cạnh cũng hết sức khuyên giải. Quí-phi mới thừa thế ra oai, đối với vua Minh-hoàng dùng ý hiếp bách, tỏ sự yêu cầu từ nay về sau, vô luận ngày nào có tật bệnh hay là không có tật bệnh, phải đến trong cung Giao-hoa yên ngủ. Còn như Mai-phi phải tức khắc an trí vào nơi lãnh cung, không được lai vãng, mà tước bỏ cái vị hiệu hoàng phi đi. Vua Minh-hoàng sợ oai Quí-phi, phải nhất nhất tuân mệnh, Quí-phi mới hơi dẹp giận làm vui.
Quí-phi từ đấy, trong đã phế truất được Mai-phi, ngoài cậy có thế lực Dương Quốc Trung và Lý Lâm-Phủ, không kiêng sợ gì nữa.

Chương thứ mười ba

Quí-phi cùng Minh-hoàng làm lễ thề nguyền

Quí-phi đã phế truất được Mai-phi, lấy làm xứng tâm khoái ý, không còn có ai xinh đẹp cướp yêu với mình nữa. Duy Quí-phi cũng là người đa sầu đa cảm, tự nghĩ rằng cái phú quí ở kiếp này đành đã mười phần mãn túc, duy những sự kiếp sau còn chửa biết thế nào, vua với mình tuy vợ chồng ân ái nhưng gặp nhau đã muộn, khuôn duyên không khỏi có phần khuy khuyết, không trọn vẹn đủ cả mười phần.
Một hôm, giữa đêm mồng bảy tháng bảy là đêm sao Ngưu sao Nữ cùng nhau hồi hợp, Quí-phi ở trong cung mở tiệc theo tục thường làm lễ khất xảo(1). 
(1) Khất xảo: Xin nghề khéo của vị Thiên tôn tức là sao Chức-nữ. 
Nhân nghĩ thầm rằng: «Ông Ngâu với bà Ngâu tuy hai nơi cách trở, nhưng một năm một lần gặp nhau, nghìn năm muôn kiếp không bao giờ có thời kỳ gián đoạn. Ta với chúa thượng, ngày nay liên ái, ngày khác vô thường, muốn bắt chước ông Ngâu bà Ngâu năm ấy năm khác, mỗi năm một lần hội hợp, há thể được dư? Quí-phi chợt nghĩ đến thế, chẳng khỏi lấy làm đau lòng, hạt lệ thánh thót rơi xuống lúc nào không biết.
Khi đêm ấy đã hơi khuya, Quí-phi đứng tựa vào cái câu lơn bằng ngọc ở bên sân, tự mình đương ngẫm nghĩ, vua Minh-hoàng chợt tự bên ngoài đi vào, vội tiến lại gần, vỗ vào vai Quí-phi mà nói rằng: «Gió thu sương lạnh, Phi-tử đứng lâu ở giữa sân, chẳng hay khí lạnh có xâm phạm đến mình không?» Quí-phi ngảnh đầu lại, trông thấy vua Minh-hoàng, làm bộ gượng cười, nắm lấy tay vua, rồi cùng vua ngồi lên trên hòn đá. Vua Minh-hoàng nói rằng: «Cái diễm khúc của trẫm với Phi-tử cùng hưởng đây, có lẽ khiến cho Ngưu-lang với Chức-nữ ở trên khen mến chẳng xiết. Ta thử nghĩ mà coi, Chức-nữ với Ngưu-lang trong một năm chỉ có một đêm hội hợp, mà trẫm với Phi-tử sớm sớm chiều chiều, không một khắc nào tương li, như vậy thì vui gì cảnh thần tiên, mà người đời chỉ mến cảnh thần tiên đó thay!» Quí-phi nghe lời vua Minh-hoàng nói, đôi mày câu lại, đôi kẽ mắt dường như có hạt lệ tuôn rơi, trông về vua Minh-hoàng, dường như muốn nói điều gì mà lại thôi, như thế đến hai ba lần.
Vua Minh-hoàng lấy làm quái lạ, mới đuổi cả cung nữ đứng hầu ở bên cạnh đi, lúc ấy chỉ có vua với Quí-phi, hai người song song kề vai cùng ngồi. Vua Minh-hoàng nói rằng: «Phi-tử có điều gì khổ hận ở trong lòng, lúc này là lúc bên tả hữu không có người, có thể nói rõ cho trẫm biết đuợc». Quí-phi sa giọt lệ mà nói rằng: «Thiếp tôi quá được sủng ái, chết cũng chẳng quên, duy có nghĩ rằng sao Ngưu sao Nữ tuy nhiên xa cách, nhưng bao giờ cũng vẫn có thời kỳ cùng nhau hội hợp; thiếp tôi với chúa thượng, ngày nay ân ái khác thường, nhất đán thiên thu vạn tuế về sau chắc đâu tránh khỏi sự sinh ly tử biệt, trên trời biếc, dưới suối vàng, không có thời kỳ thấy nhau nữa, há chẳng đau thay! Thiếp tôi xin rằng nhân buổi này là buổi lương tiêu, cùng với chúa thượng cùng thề ở trước mặt hai ngôi sao, nguyền rằng đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng mãi, chưa biết chúa thượng có chịu nghe không?» Vua Minh-hoàng cả mừng nói rằng: «Lời nói ấy của Phi-tử trẫm vốn sở cầu mà chẳng được, há có lẽ chẳng nghe theo!» Vua tức khắc vào trong cung, thay áo đội mũ, cùng với Quí-phi quì ở giữa sân, lòng thành làm lễ khấn bái, cúi xin đôi vị sao chứng minh, kiếp này làm vợ chồng, kiếp sau lại làm vợ chồng. Khấn xong, vua với Quí-phi cùng đứng dậy, vui vẻ khôn xiết, đánh thức mọi kẻ cung nga, cùng vào cung yên nghỉ.

Chương thứ mười ba

Quí-phi đi tránh nắng

Quí-phi vì có thân thể phì nộn, rất sợ khí trời viêm nhiệt. Vua Minh-hoàng mới vì Quí-phi kiến trúc ra một tòa Thanh hoa cung ở dưới núi Ly-sơn; dùng chất bạch ngọc làm thềm, gỗ trầm hương làm câu lơn, xây bằng thứ gạch thủy tinh, che bằng bức binh vân mẫu, cây cối cao tốt um tùm, giữa trưa nắng cũng chẳng lộ thấy sắc mặt trời, đương mùa thịnh hạ, nằm ngồi ở trong cung, rõ ràng là một cái thế giới thanh lương, khác với thế giới người ta ở. Trong cung lại có một sở, gọi là sở ôn toàn, nước suối ở trong núi tuôn ra, thường có khí ấm, có thể làm nước tắm được. Tứ vi cung Thanh-hoa đều đào ao cực rộng, trồng hoa sen khắp cả, trông ra đến vài dặm, những lúc hoa nở, gần xa hương nghi thơm ngát, chẳng khác nào nơi động phủ của thần tiên. Vua Minh-hoàng thường cùng với Quí-phi ra tránh nắng ở nơi đó, chính sự trong triều nhất thiết uỷ cả cho Lý Lâm-Phủ, tuyệt chẳng hỏi qua gì đến.
Vua Minh-hoàng từng tự mình trồng một giây dưa ở ven ao Thanh-hoa, khấn rằng: «Trẫm cùng với phi-tử nếu được bạch đầu giai lão, thì giây dưa này mai kia sẽ kết nên quả, nếu không thì giây dưa này sẽ nên khô chết». Chửa bao lâu giây dưa dần dà thịnh tốt, kết thành vài mươi quả, vua Minh-hoàng với Quí-phi đều cả như ý, sớm chiều đi ra xem, vua với Quí-phi tự mình thân hành múc nước trong tưới dội cho dưa. Kịp giữa tuần tháng sáu, quả dưa đã thành thục, quả lớn nhất nặng được hơn mười cân, bổ ra mà ăn, thì ruột dưa sắc đỏ, ngon ngọt không gì ví bằng. Vua Minh-hoàng mừng lắm, bảo Quí-phi rằng: «Ấy là cái điềm tốt của hai người chúng ta bách niên giai lão vậy». Quí-phi cũng vui vẻ nói rằng: «Nguyện được y như lời thánh chỉ». Vua Minh-hoàng đem dưa cho khắp kẻ quần thần, các quan ai nấy đều phải làm tờ biểu sưng tán chúc mừng. Nhưng biết đâu nhà Đường tự cuối năm Thiên-bảo (niên hiệu vua Minh-hoàng) về sau có loạn An Lộc-Sơn, lại kế tiếp loạn phiên trấn, khoảng hơn một trăm năm, thiên hạ thất phân ngũ liệt, chẳng khác gì quả dưa bổ ra từng miếng, đó chính là cái điềm xấu thiên hạ nhà Đường qua phân vậy, ý trời há có xa đâu đó thay!

Chương thứ mười bốn

Thói dâm đãng của Quí-phi

Tiết tân thu đã qua, khí trời dần lạnh, vua với Quí-phi ở trong cung Thanh-hoa, cây cối um tùm, hơi thấy có cảnh tượng hiu hắt gia dĩ tờ trương sớ của quần thần xin thánh giá về triều, hằng ngày trùng điệp trình tiến. Vua Minh-hoàng vì khí của trời đã chẳng thích nghi, lời nói của người lại khó trái mãi, nhân truyền chỉ dụ khởi hành thánh giá về cung, để ứng với thiên thời mà yên lấy nhân tâm. Vua Minh-hoàng sau khi đã về triều, mới tiếp thụ mọi lễ các quan chầu mừng. Khi ấy có viên Tiết-độ sứ ở đất Phạm-dương là An Lộc-Sơn, chợt về kinh triều kiến. Lộc-Sơn vốn là giống người rợ Hồ, bất học vô thuật, chỉ có vũ lực mà thôi, người rất to béo, bụng phệ ra, dường như che lấp khỏi đùi gối, tính lại gian giảo quỉ quái. Vì Lý Lâm-Phủ lợi dụng Lộc-Sơn là kẻ nòi giống hèn mà dốt nát, không khi nào lập được công lớn ở ngoài biên thùy mà vào triều để thay ngôi tể tướng của mình được. Vậy thời Lý Lâm-Phủ vẫn thường ở trước mặt vua Minh-hoàng tán khen Lộc-Sơn là người trung trực vũ dũng, cho nên vua Minh-hoàng rất yêu Lộc-Sơn, lâu chẳng thấy mặt thì lại nhớ. Nay thấy Lộc-Sơn đường đường tướng mạo đi vào chầu, trong tâm vua Minh-hoàng khôn xiết mừng vui, nhân tuyên chỉ dụ triệu Lộc-Sơn lên điện, cho ghế ngồi ở bên cạnh, hỏi sự tình chốn biên cương, vấn đáp hồi lâu mới lui chầu. 
Quí-phi thấy vua Minh-hoàng tiến vào cung Giao-hoa, liền hỏi cái cớ ngày nay lui chầu quá chậm. Vua Minh-hoàng bảo cho hay rằng vì cớ có viên biên tướng là An Lộc-Sơn vào kinh, nhân cùng viên ấy đàm luận biên sự, cho nên vào cung hơi chậm. Quí-phi nghe Minh-hoàng nói, nét mừng hơi thấy hình ra sắc mặt, tức khắc nói rằng: «Lộc-Sơn là kẻ bầy tôi chống giữ giặc ngoài của bệ hạ, nên khiến kẻ ấy cảm ơn tri ngộ, hết sức làm cho yên tĩnh chốn biên cương, khiến thiếp tôi thường được ưu du chầu bệ hạ ở trong chốn thâm cung. Phen này ý thiếp tôi cũng muốn triệu Lộc-Sơn vào cung, đương mặt tưởng khuyến một vài câu để rõ ra cái ý hậu đãi kẻ công thần, mà dẫn khởi lấy cái tâm đội đức báo ơn, ngậm vành kết cỏ của kẻ ấy, chửa biết bệ hạ có lấy làm nên không?» Vua Minh-hoàng cười nói rằng: «Đứa rợ Hồ ấy nó thông minh lanh lợi, trẫm vốn nuôi nó là nghĩa tử, nay nó tự đường xa lại Kinh, hàn huyên thăm trẫm, trẫm cũng toan triệu nó vào cung, mở tiệc xướng ẩm, để biểu cái ý thân với kẻ xa, vả nó đối với phi tử tất cũng rất là cung thuận, chẳng phải hiềm nghi gì. Phi tử từ nay về sau cũng nên coi nó là con, điều đó cũng chẳng hại gì». 
Vua Minh-hoàng bèn sai Cao Lực-Sĩ mau chóng triệu An Lộc-Sơn vào cung cho triều kiến ở dưới lầu Bách-hoa, nhất diện sai kẻ ngự thiện chỉnh bị những đồ tửu hào phong thịnh, để vì Lộc-Sơn làm lễ tẩy trần.
Nguyên Quí-phi trước kia đã có một thứ tiếp kiến Lộc-Sơn, thấy Lộc-Sơn thân thể hùng tráng, tướng mạo khôi ngô, lại nghe kẻ tả người hữu khen Lộc-Sơn sức mạnh hơn người, nghề võ tuyệt chúng. Lạ gì là thói dâm đãng, Quí-phi từ đấy vẫn hâm mộ Lộc-Sơn chẳng thôi. May sao vua Minh-hoàng lại sủng ái Lộc-Sơn, cho Lộc-Sơn xuất nhập chốn cung cấm, cho nên Quí-phi được thời thường tiếp kiến với Lộc-Sơn, trong tâm Quí-phi liền có ý dan díu, chợt gặp lúc nào vua Minh-hoàng ngảnh mặt trong đi đằng khác, thì Quí-phi đối với Lộc-Sơn làm ra dáng bộ liếc mắt mỉm cười, hiện ra cái thủ đoạn phong tình ngay. Lộc-Sơn vốn là kẻ nòi giống mọi rợ, biết gì là phương điện quốc gia, quân thần luân lý, chỉ là thằng quỉ đói sắc mà thôi. Lộc-Sơn cũng hiểu ý Quí-phi, nhưng vì nỗi trong cung cấm phép tắc nghiêm nhặt, chẳng dám xông pha xuồng xã. Mới ngoài mặt thì giả cách làm ra ngu ngốc để khỏi cho vua Minh-hoàng nghi ngờ, mà trong chốn u ám thì đem số vàng nhiều hối lộ cho những kẻ cung giám, khiến được cùng với Quí-phi truyền thông tiêu tức. 

Chương thứ mười lăm

Quí-phi tắm cho con

Vua Minh-hoàng cùng với Quí-phi đến dưới lầu Bách-hoa, ngồi chẳng bao lâu, kẻ cung giám vào báo rằng: «Có An Lộc-Sơn ở ngoài cửa cung chờ đợi thánh chỉ». Quí-phi chẳng đợi vua Minh-hoàng mở miệng trả lời, kíp tự mình thay truyền ý chỉ nói rằng: «An Lộc-Sơn chẳng phải ví với kẻ ngoại thần khác, đã ở cửa cũng, nên tức khắc cho vào tiếp kiến; từ nay về sau Lộc-Sơn có sự gì tiến cung, có thể cho tiến thoái tự do, bất tất thông báo nữa». Kẻ cung giám vâng lĩnh ý chỉ, một chốc, dẫn Lộc-Sơn đảo nhanh mà vào, thẳng đến dưới lầu Bách-hoa. Vua Minh-hoàng cùng với Quí-phi đều ngồi ở trong rèm trên ghế bạch ngọc, thấy Lộc-Sơn đến, Quí-phi tức khắc truyền mệnh cuốn rèm. Lộc-Sơn tiến lên một bước, thoạt tiên hướng về Quí-phi sụp xuống bái, và miệng nói tôi con này là kẻ bất hiếu, bấy lâu xa cách mặt mẹ, khôn xiết lòng tưởng mến, xin chúc mẹ thiên tuế vạn tuế. Lộc-Sơn bái kiến Quí-phi đã xong, mới hướng về vua Minh-hoàng khấu đầu. Vua Minh-hoàng cười nói rằng: «Lộc-Sơn kia, cớ sao trước bái phi-tử rồi sao mới bái trẫm, ấy là lễ gì vậy?» Lộc-Sơn tâu rằng: «Kẻ tôi con này vốn là người rợ Hồ, tục rợ Hồ trước kính mến mẹ, rồi sau mới kính mến cha, cho nên tôi con này trước bái đức mẹ phi-tử, rồi sau mới bái đức cha hoàng-đế, là chẳng dám trái cái tục lễ của bản quốc vậy».
Vua Minh-hoàng nghe Lộc-Sơn nói, khen là kẻ thành thực không dối trá. Quí-phi trong tâm biết ngầm cớ ấy, vui vẻ truyền lệnh cho Lộc-Sơn ngồi, lấy mắt nhìn kỹ Lộc-Sơn, trong tâm ám hỉ. Ba người cười nói hồi lâu, kẻ nội thị chỉnh biện đồ tửu hào dâng lên. Vua Minh-hoàng cùng Quí-phi sánh vai nam diện cùng ngồi, Lộc-Sơn ngồi hầu ở bên cạnh.
Quí-phi khi ấy men rượu thấm vào ruột tình, mười phần khoái lạc. Quí-phi uống liền mấy chén, trên mặt đỏ bừng như hoa đào, càng thêm vẻ tươi đẹp. Vua Minh-hoàng thì phách đãng hồn mê. Lộc-Sơn thì dâm tâm lay động, cử chỉ thất thường. Vua Minh-hoàng thỉnh thoảng nhắc đến Lộc-Sơn những việc ngoài biên cương, thì thường vua hỏi đi một đàng, Lộc-Sơn lại tấu đối đi một nẻo. Vua Minh-hoàng lấy làm quái. Lộc-Sơn liền tâu rằng: «Kẻ tôi con này lúc ở ngoài trận, nhân người rợ Hồ liền thứ vào cướp, nửa đêm phải đem quân ra đuổi đánh, chợt bị tà khí sở trúng hầu thành ra cái tật si ngốc, may gặp thầy thuốc hay, chửa đến nỗi thành ra phế tật. Ngày nay chợt tiếp kiến thánh thượng, vì sợ hãi mặt rồng, trong tâm chịu mấy phần kích thích kịch liệt, dường như tật cũ lại phát, con may hết sức giữ gìn, cho nên con miễn cưỡng ứng đối được, xin thánh thượng tha cho kẻ tôi con này cái tội sơ mạn». Vua Minh-hoàng nghe lời Lộc-Sơn tấu, khôn xiết thương tiếc, nhân yên ủi cho rằng: «Kẻ ái nhi ta vì nước khó nhọc, đến nỗi mắc tật bệnh, trẫm sao nỡ bắt tội nhà ngươi; nhà ngươi đã có bệnh ấy, kịp nên mau chóng điều trị trừ hết bệnh căn đi, để vì nước lập đại công ở ngoài cõi biên cương, trẫm rất mong đấy». Lộc-Sơn liền vội vàng tạ ân.
Quí-phi nghe nói, chỉ cười nụ mà thôi, vì biết rõ rằng Lộc-Sơn vì cớ mình, cho nên đến nỗi ứng đối sai lầm, mà trong khi thảng thốt, làm ngay ra được lời nói dối ấy, vua Minh-hoàng lại tin cho là thực, há chẳng phải bậc chí ngu?
Sau khi tan tiệc, lại ngồi bàn nói ít lâu, mới sai kẻ nội thị lồng ngọn đuốc kim liên, đưa Lộc-Sơn về nhà riêng. Hay đâu Lộc-Sơn đêm hôm ấy chẳng về nhà riêng, lại ngủ trong phủ Quắc-quốc phu nhân, vì bệnh Quắc-quốc cũng như bệnh Quí-phi, chị em cùng chung một bệnh vậy. Đến ngày hôm sau, Lộc-Sơn buổi sớm chẳng vào chầu, đi lẻn vào cửa cung Giao-hoa, do kẻ nội thị dẫn thẳng vào tận nơi chỗ tẩm cung của Quí-phi. Lúc ấy Quí-phi còn chửa chải đầu, rửa mặt, thấy Lộc-Sơn đến, tức khắc đuổi cả bọn cung nhân nội giám đi, chỉ một mình cùng với Lộc-Sơn thì thầm nói chuyện riêng bày tỏ nỗi khổ khao khát tương tư, nói chẳng dứt chuyện. Mọi kẻ cung nữ và kẻ nội giám khi ấy đều đã chịu vàng hối lộ của Lộc-Sơn rồi, vả lại sợ thế lực Quí-phi to lớn, chẳng ai dám quản lĩnh việc ấy, phó mặc cho hai người ở trong cung Giao-hoa, dường như chẳng nghe biết.
Qua thì giờ đã khi lâu, vua Minh-hoàng lui chầu, đi thẳng vào cung Quí-phi, cách ở đằng xa xa được nghe có tiếng bọn cung nữ reo cười huyên náo trong tâm rất lấy làm nghi hoặc, bắt đầu sai tên nội thị đi thám thính. Phút chốc kẻ nội thị chạy về tấu báo rằng: «Quí-phi lấy bức chăn lớn bằng gấm gói bọc Lộc-Sơn-nhi, tự nói rằng đem tắm cho con yêu, chính thời kỳ đương tắm đấy, bọn cung nhân lấy làm vui vẻ, cho nên có tiếng huyên náo reo cười». Vua Minh-hoàng chẳng những lấy làm cả quái, lại lấy làm cả mừng, tức khắc sai lấy một số kim tiền khá to, ban thưởng cho Quí-phi, để làm cái phí tắm cho con. Bọn hậu cung nghe thấy sự ấy chẳng ai là chẳng bưng miệng lăn cười.
Từ đấy Lộc-Sơn ra vào trong cung cấm, không kiêng sợ gì nữa, tiếng xấu bay khắp ra mọi nơi, gần xa đều biết, chỉ một kẻ ù lì chẳng biết là vua Minh-hoàng mà thôi vậy. Than ôi! Thương thay!

Chương thứ mười sáu

Nghề ca vũ của Quí-phi

Vua Minh-hoàng rất ưa thanh sắc, vả lại trời cho cái kỳ tài, đối với khoa âm nhạc không thứ gì là chẳng tinh. Hễ gặp những buổi lương thần, lúc giai tiết, thì vua tự chế ra ca khúc, khiến bọn tử đệ trong giáo phường gõ phách lựa hát, vua thì tự mình cầm cái phách bằng gỗ đàn để làm tiết tấu cho các con hát. Quí-phi thì đứng ở bên cạnh chỉ giáo. Cho nên thời kỳ năm Thiên-bảo, ca khúc trong cung quán tuyệt một thời.
Quí-phi biết rằng tính vua Minh-hoàng phàm sự đều chán cũ ưa mới, nhân làm cái kế khiến cho bền chặt bề sủng ái của mình, mới tự chế ra một khúc gọi tên là khúc «Nghê-thường vũ-y». Trong khúc từ tiết tấu cho đến cách bộ âm điệu, cốt làm ra vẻ ly kỳ, cho khác với nhạc thường, tốn phí tâm tư vài ba tháng, khúc ấy mới xong. Bọn tử đệ trong Lê-viên cũng phải luyện tập vài ba tháng, mới thành được khúc điệu. Cứ về những tiết trung thu, khí trời thanh sảng, bóng nguyệt đoàn viên. Quí-phi đặt tiệc ở trong cung sai bọn Lê-viên tử đệ và những kẻ tứ tuệ trong hàng cung nữ thổi gõ các loài nhạc khí. Quí-phi thì cùng với bọn niệm nô mặc áo ngũ sắc sán lạn, lên đàn vừa hát vừa múa, lại khiến bọn cung nữ kẻ nào kẻ ấy đều hiến nghề hay. Quả nhiên tiếng vang kim thạch, điệu thấu hành vân, điệu hát với cách múa cùng hưởng ứng nhau, cao thấp nhanh chậm, đắc ở tâm mà ứng ra họng lưỡi chân tay, chẳng khác nào như một đàn phấn điệp dịu dàng bay múa ở khoảng hoa, lại như một đội hoàng oanh réo rắt nỉ non ở trong lá.
Khi ấy vua Minh-hoàng về phần xem, thì xem được mắt choáng hồn mê; về phần nghe, thì nghe được râu bay tóc múa. Hễ đến chốn hay, thì kíp sai rót một chén rượu thật lớn thật đầy, thân hành phụng đưa cho Quí-phi, và cười nói rằng: «Trẫm vẫn tự khoe rằng đối với một nghề ca vũ, bấy lâu hết lòng nghiên cứu, chẳng gì là chẳng thông hiểu cả rồi. Hay đâu ngày nay phi-tử chế ra khúc Nghê-thường vũ-y này lại càng xuất thần nhập diệu; e rằng khúc này không phải là khúc chốn nhân gian thường có, tưởng phi-tử kiếp trước chắc là gã tiên tử trong cung Quảng-hàn, cho nên lấy trộm được lối tiên nhạc của nhà trời, để làm vui cho tai mắt trẫm vậy. Phi-tử nên uống cạn chén này, để đền bù cho sự khó nhọc trong mấy tháng nay chế ra khúc hát».
Quí-phi mỉm cười tiếp thụ chén rượu, uống một hơi cho hết. Tự đấy mỗi một khúc xong, vua Minh-hoàng liền ban thưởng cho Quí-phi một chén rượu đầy, tự mình vua cũng uống một chén rượu đầy, để tỏ ý vì Quí-phi bồi ẩm.
Bọn cung nữ ca vũ đều xong, vua Minh-hoàng liên thanh khen thưởng. Quí-phi nhân khi tửu hứng ngảnh lại bảo kẻ cung nữ rằng: «Lấy cái mâm thúy bàn ra đây, ta sẽ thân hành hiến nghề, để vàng chuộc lấy một tiếng cười của thánh thượng».
Phút chốc kẻ cung nữ mang ra một cái mâm phí thúy đến, lớn như cái bàn tròn, Quí-phi đứng dậy thay áo xong, sai cung nữ bốn người ghé vai đội cái mâm phí thúy lên, Quí-phi đứng ở giữa mâm dịu dàng hát múa. Bắt đầu điệu ức điệu dương, cách tiến cách thoái, người ngoài còn trông rõ lông mày con mắt và hình thể, duy bị áo múa che lấp, chẳng thể trông rõ được mười phần. Kịp đến sau cách múa, trận ấy trận khác, liên tiếp một trận, khẩn lại một trận, lưng liễu càng thấy nhỏ đi, gót sen càng thấy nhẹ dần, thấp thoáng như con kinh hồng, biến hóa như con du long. Múa đến chốn cực diệu, thì người ngoài chỉ hơi hơi trông thấy làn áo xiêm lên xuống bay múa, chứ không trông thấy nét mày con mắt và thân thể nữa. Chẳng khác nào như một đóa thái vân, chỉ thấy năm sắc tơi bời, choáng lộn mặt người mà thôi. Một tiếng phách gõ, ca với vũ đều thôi. Quí-phi từ trên mâm phí thúy bay xuống, cúi rạp xuống đất chúc vua hô vạn tuế, tóc vấn chẳng rối, hơi vẫn chẳng thở, mặt chẳng đổi dáng, quần chẳng đổi nếp, thực là hết được cách khéo trong nghề múa vậy.
Vua Minh-hoàng khi ấy mãn tâm vui vẻ, vỗ tay cả cười mà rằng: «Trẫm trước đọc truyện vua Thành-đế nhà Hán, thấy có sự nàng Triệu Phi-yến khéo múa, múa được ở trên bàn tay người, mà để lại bộ cánh tiên, trong tâm thường lấy làm khen mến. Chẳng ngờ nghề của phi-tử lại thắng Phi-yến vạn bội, ai bảo người này chẳng bằng người xưa». 

Chương thứ mười bảy

Cơn khủng hoảng của Quí-phi

Quí-phi không những đẹp về bề yêu diễm, lại đẹp về bề phong hậu, cho nên vua Minh-hoàng thường ví Quí-phi với cái hoa hải đường.
Một hôm Quí-phi ở trong cung Giao-hoa, mặt trời đã lên cao, Quí-phi còn ngủ chửa trở dậy, vua Minh-hoàng vào tận nơi đánh thức, Quí-phi tuy trở dậy, nhưng còn hiện ra cách bộ ngái ngủ. Vua Minh-hoàng nói rằng: «Hoa hải đường ngủ còn chửa đủ đấy ru!». Câu ấy đời truyền làm câu giai thoại.
Quí-phi bằng tạ cái nền phú quí của đế vương, cầu gì được nấy, muốn gì thỏa nấy, khoảng hơn mười năm kiêu dâm xa xỉ, hưởng hết cái hạnh phúc của nhân gian, hay đâu cảnh tang thương nguyên không nhất định, đường họa phúc vốn cũng vô thường. Đến đây sự vui vừa hết, sự buồn tiếp ngay, đó là cái lệ chung của người đời. Huống chi Quí-phi có sắc mà không có phẩm, có tài mà không có trí, tránh khỏi được sao. Cho nên cổ ngữ có câu rằng: «Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai; dục bất khả túng, dục túng thành tai». Nghĩa là sự vui chẳng nên quá, vui quá dễ hóa ra buồn; lòng dục chẳng nên phóng túng, lòng dục phóng túng thành ra tai vạ.
Nguyên lai An Lộc-Sơn tự khi gặp gỡ cái cơ hội ban thưởng tiền vàng tắm cho con về sau, một là cảm cái ơn khoan đại của Minh-hoàng, hai là mến cái tình tri kỷ của Quí-phi, gia dĩ lại có Quắc-quốc với Tần-quốc hai vị phu nhân là em Quí-phi nữa, hằng ngày chầu chực ở bên tả bên hữu để cung cấp sự vui thú, thằng quỉ đói sắc kia còn tưởng đi đâu nữa. Cho nên Lộc-Sơn vẫn tự nguyện nhàn ở chốn kinh sư để hưởng hết cái diễm phúc vô cùng ấy, chứ chẳng nguyện về trấn Phạm-dương để coi giữ binh quyền mà hi vọng cái phú quí khác nữa. Hay đâu lại có kẻ kích biến, thành ra một cơn dông tố khác thường, khiến cho cái không khí dâm ô ác liệt ở Tây kinh nhất đán tan đi hết sạch sành sanh, há chẳng phải là sự trời?
Kẻ kích biến đó là ai? Lại chính là người anh họ Quí-phi về phe đảng với Quí-phi là Dương Quốc-Trung vậy.
Nguyên lai Dương Quốc-Trung đối với Lộc-Sơn mười phần vẫn ghét nhau cả mười, vì Quốc-Trung cậy mình là kẻ quí thích chốn tiêu phòng; vả lại bệ vệ ngôi tể tướng, các quan phiên trấn bốn phương, chẳng ai là chẳng chịu quyền tiết chế, cho nên Quốc-Trung coi Lộc-Sơn vẫn như là một cái vật không có ở trước mắt.
Về phần Lộc-Sơn thì cho rằng khi Lý Lâm-Phủ còn làm tể tướng, Lý là người cực kỳ gian hiểm, chẳng hết sức xu phụng để phòng sự bất trắc cũng chẳng được. Cho nên khi Lộc-Sơn ở ngoài trấn hễ có sứ giả tiến cống vật vào Kinh thì tất gửi một số trọng kim để đưa riêng cho Lý Lâm-Phủ. Kịp khi Lý Lâm-Phủ chết, Quốc-Trung thay Lý làm tể tướng, Lộc-Sơn khinh Quốc-Trung là hạng người đớn hèn, chẳng qua nhờ thế lực của Quí-phi, được ngồi chức đến tể tướng, chẳng hề phải sợ hãi gì Quốc-Trung, bao nhiêu những lễ biểu tặng trong tuế thời, cũng đều trừ bỏ đi cả Quốc-Trung vì thế càng căm giận Lộc-Sơn.
Khi ấy Quốc-Trung thấy Lộc-Sơn nấn nứa ở chốn Kinh sư mãi, không có lòng về trấn, Quốc-Trung mới ở trước mặt vua Minh-hoàng thanh ngôn rằng Lộc-Sơn tất làm phản. Lộc-Sơn tuy có nghe tiếng, nhưng cậy mình đã có Quí-phi yêu và vua Minh-hoàng tin, vẫn thản nhiên để sự ấy ở ngoài ý.
Quốc-Trung đối với Lộc-Sơn chẳng biết làm thế nào, mới đem lời nguy hiểm để đe dọa Quí-phi rằng: «Cái sự phi-tử với Lộc-Sơn, thánh thượng đã nghe biết rồi, sai tôi để tâm dò xét. Ngày nọ có một tờ sớ của một viên ngự sử, lời trong tờ sớ nói, có quan hệ về phi-tử rất lớn; tôi vì tình thân thích với phi-tử, vậy tôi ném trả tờ sớ của người ấy, chẳng đem tâu vua, nhưng sợ rằng người ấy lui về cung chửa thôi đâu. Nếu chẳng đuổi Lộc-Sơn đi, thì Lộc-Sơn khó khỏi cái vạ chu di, thế là phi-tử yêu nó lại chỉ để làm hại nó, mà chẳng những hại nó mà thôi, phi-tử chẳng nên chẳng nghĩ kỹ».
Quí-phi chợt nghe Quốc-Trung nói, chẳng khác nào lấy cái kim châm vào ruột, cả lấy làm lo lắng ngại ngùng, liền ở trước mặt Lộc-Sơn hơi lộ ý ấy ra, khuyên Lộc-Sơn ra khỏi chốn Kinh sư đi về trấn, đợi Quốc-Trung nguôi giận, sau sẽ tái lại, cũng chưa muộn gì. Lộc-Sơn bất đắc dĩ cũng phải nghe lời, không dám nấn ná nữa, mới quyết kế từ giã trở ra về, cùng với Quí-phi gạt nước mắt ly biệt.
Lộc-Sơn sau khi về Phạm-dương trấn, đối với Quốc-Trung căm giận, sâu vào xương tủy, tưởng đến Quốc-Trung là kẻ chuyên quyền, mới manh động ra cái tâm mưu đồ làm phản. Nhưng đối với vua Minh-hoàng và Quí-phi còn chửa nỡ quên ơn, nhất thời còn do dự chửa vội phát hiện. Hay đâu Quốc-Trung vì mình liền nói Lộc-Sơn tất làm phản, mà vua Minh-hoàng vẫn chẳng tin, mới tất muốn khích nó, khiến nó làm phản để chứng thực lời nói mình; rồi thì thiên phương bách kế, đả kích Lộc-Sơn, khiến Lộc-Sơn lúc nào cũng như bó chông gai ở trên lưng, khó thể yên được, rồi sau cái tâm mưu đồ làm phản của Lộc-Sơn mới quyết.
Năm Thiên-bảo thứ 14 mùa đông tháng 11 An Lộc-Sơn cử binh làm phản ở đất Phạm-dương. Các châu huyện ở phía Hà-bắc, nghe gió mà lướt, như ngói vỡ giải tan. Tờ cảnh báo đến chốn Kinh sư, Quí-phi nghe tin, khôn xiết kinh khủng, thái trạng không biết thế nào mà kể. Nhưng Quí-phi chỉ tâm niệm rằng Lộc-Sơn vốn là kẻ đa tình, sao nhất đàn hung bạo trái ngược như thế; chỉ sợ nhất đàn không địch lại được với quân quan, thì vua Minh-hoàng tất chẳng tha cho tội chết, lúc ấy tự mình cũng không thể cầu thay cho Lộc-Sơn sống được! Lộc-Sơn! Lộc-Sơn! Nay làm thế nào!
Khi ấy Quí-phi một vì cớ Lộc-Sơn mà tỏ nỗi buồn rầu, đối với sơn hà xã tắc nhà Đường, dường như không quan hệ gì cả.
Than ôi! Phàm những kẻ đàn bà bất chính, đắm đuối với người riêng, thường thường đem chữ tình dùng ra điên đảo. Như Quí-phi thuở ấy đã chẳng trách Lộc-Sơn là kẻ vong ân bội nghĩa, chẳng lo vua Minh-hoàng thân bại danh ô, mà chỉ sợ Lộc-Sơn sau khi binh bại, vua Minh-hoàng chẳng tha tội cho, sao lại ở hậu với Lộc-Sơn, mà ở bạc với vua Minh-hoàng thế ru! 

Chương thứ mười tám

Quí-phi đi chạy nạn

An Lộc-Sơn làm phản ở đất Hà-bắc, tự xưng là Đại-yên Hoàng-đế, quân trong bộ thuộc có 15 vạn, thẳng trỏ phương tây tiến phát. An Lộc-Sơn khi mới làm phản, triều đình nghe tin, ai nấy còn cho là cái bệnh chốc ghẻ ở ngoài da, chẳng để ý gì cho lắm. Nhất là Dương Quốc-Trung lại càng dương dương đắc ý nói rằng: «Trước kia ta vẫn nói Lộc-Sơn tất làm phản, ngày nay thử xem lời ta có quả nghiệm không? Đứa Hồ nhi kia lại ghê gớm thế ư? Người nhà cứ thổi cơm, sớm nay ta hẵng đi đánh tan giặc ấy, rồi sẽ về ăn vậy». Chỉ một mình vua Minh-hoàng trong tâm biết rằng Lộc-Sơn chẳng làm phản thì thôi, nếu làm phản, thì tất là cái vạ lớn, vì sự vũ bị chốn trung quốc trễ nải đã lâu, mà bộ thuộc Lộc-Sơn đều là hùng binh mãnh tướng, cả trong nước không quân nào địch nổi.
Vua Minh-hoàng vì thế ngày đêm bàng hoàng, nằm chẳng yên gối, đã toan khiến Thái tử ở nhà giám quốc, tự mình đốc suất đại binh đi thân chính Lộc-Sơn, đợi sau khi sự đã yên định, tức khắc truyền ngôi cho Thái tử. 
Dương Quốc-Trung nghe Minh-hoàng có ý ấy, cả lấy làm sợ, vì Thái tử với họ Dương vốn có hiềm oán, nhất đán Thái tử quyền lớn ở tay, tất nhiên báo lại thù cũ, thì họ Dương chắc không còn nòi giống sót nữa. Quốc-Trung mới miệng thì ngậm hòn hoàng thổ, đầu thì để sõa tóc, vào cung thỉnh mệnh với vua Minh-hoàng, can vua Minh-hoàng không nên đi thân chính Lộc-Sơn và truyền ngôi cho Thái tử. Rồi sự ấy mới nguội lạnh đi chẳng thi hành nữa.
Khi ấy uy thế Lộc-Sơn càng thấy thịnh hơn, hiện đã kéo quân vào Lạc-dương phá vỡ đông đô. Quí-phi làm bức thư riêng đưa cho Lộc-Sơn trách Lộc-Sơn cớ gì cất quân làm phản, phụ bạc cái ân của ta xử đãi ngày trước. Nếu ngày này có thể cởi áo giáp lại về triều, ta sẽ vì nhà ngươi hết sức bảo hộ, muốn phong ấp gì hay là tước gì, thì tùy nhà ngươi sở dục.
Lộc-Sơn cũng phúc thư trả lời rằng: «Ta làm phản, là bởi Dương Quốc-Trung kích thích mà thành. Nhưng ngày nay đã thành ra cái thế cưỡi trên lưng hổ, muốn thôi cũng chẳng được. Đợi ngày ta phá vỡ được Tây kinh, sẽ giết Quốc-Trung để hả giận. Còn như cái ân ái của Quí-phi, thì ta cũng chẳng dám quên, sau này cái ngôi hoàng hậu trong cung ta, xin dành lại để đãi Quí-phi. Đến như ta đối với chúa thượng, cũng xin như cái lệ vua Vũ-đế nhà Tấn đối với ngươi Lưu-Thiện nước Thục, mà phong cho chức An-lạc-công vậy».  
Quí-phi được thư của Lộc-Sơn, khôn xiết hãi hùng, phải giấu đi mà chẳng dám phát lộ.
Năm Thiên-bảo thứ 15, mùa hạ tháng sáu, viên phó-nguyên-súy là Kha Thư-Hàn đốc quân chống giữ Lộc-Sơn, đánh nhau ở đất Linh-bảo, quan quân đại bại, Kha Thư-Hàn đầu hàng với Lộc-Sơn. Lộc-Sơn liền tiến quân vào Đồng quan, thừa thắng thẳng nẻo xâm phạm kinh thành Tràng-an.
Vua Minh-hoàng tụ họp tể tướng và các quan mưu nghị. Dương Quốc-Trung xướng lên cái kế chạy vào Ba-thục. Vua Minh-hoàng rất lấy làm phải, liền sai viên Long-vũ đại tướng quân là Trần-Huyền-Lễ tập hợp sáu quân để phù hộ thánh giá. Tang tảng sáng đi ra, vua Minh-hoàng cùng với chị em Quí-phi và hoàng tử hoàng tôn chư vương công chúa lẫn các quan nữa, do nẻo Diên thu môn chạy ra ngoài thành. Bọn phi tần hoàng tộc và bách quan, người nào không kịp đi theo thánh giá thì đều hãm cả ở trong thành. Những tiếng đau đớn kêu khóc vang cả trong ngoài.
Quí-phi lúc ấy hàng châu lã chã, thê thảm vạn trạng. Than ôi! Cái phú quí lại có thể thường giữ được sao?

Chương thứ mười chín

Sự kết quả của Quí-phi

Trời đất gió bụi, xa giá gập ghềnh, đi một hồi lâu, cách Tây-kinh đã được khi xa xa, đến huyện Kim-thành, ven đường chỗ nào chỗ ấy giặc cướp dấy lên như ong. Những phẩm vật quí trọng của Quí-phi và lũ các quan mang đi, bị loạn dân cướp bóc hết sạch sành sanh. Vua Minh-hoàng cùng Quí-phi trong hai ngày chỉ được ăn có hai bữa cơm gạo chiêm, vì bên đường có người dân đem giá cơm chiêm lên hiến. Tuy rằng thô giáp chẳng thể nuốt được, nhưng trong bụng đói mệt đã quá, vua với Quí-phi phải miễn cưỡng ăn vài miếng mà thôi, rồi trông nhau mà khóc, vô hạn bi thương.
Ngày hôm ấy, tạm nghỉ ở trạm Mã-ngôi, tướng sĩ đói mệt đã quá, chẳng ai là chẳng trỏ tội họ Dương mà tỏ ý oán giận. Trần-Huyền-Lễ cho rằng cái vạ này là do Dương Quốc-Trung trong ỷ thế Quí-phi, ngoài khích biến Lộc-Sơn mà gây nên, muốn giết Quốc-Trung đi để tạ lòng tướng sĩ. Huyền-Lễ nhân nhờ Lý Phụ-Quốc để bảo với Thái-tử, Thái-tử còn do dự chưa quyết. Gặp có hơn hai mươi kẻ sứ giả của rợ Thổ-phồn, ngăn đón ngựa Quốc-Trung để cầu lương ăn, ngựa Quốc-Trung không tiến đi được. Quân sĩ chẳng đợi mệnh lệnh, cả reo lên rằng Dương Quốc-Trung mưu làm phản, tức khắc cùng nhau đánh giết Quốc-Trung, lấy ngọn giáo bêu đầu Quốc-Trung ở ngoài cửa dịch môn, và giết cả Hàn-quốc và Tần-quốc, hai vị phu nhân họ Dương nữa. Vợ con Quốc-Trung với Quắc-quốc phu nhân tránh nạn chạy ra đất Trần-thương. Viên huyện lệnh đất ấy là Tiết Cảnh-Tiên ra cứu, hỏi ra thì là vợ con Quốc-Trung với em gái Quí-phi. Cảnh-Tiên rằng: «Họ Dương lấy nhan sắc làm vạ thiên hạ, nay chết cũng có thừa tội, nhân giết cả đi, thế là một cửa họ Dương chu di hồ hết».
Vua Minh-hoàng nghe tiếng kẻ binh sĩ ồn ào mới đi ra ngoài cửa trạm yên ủi, khiến thu xếp đội ngũ để khởi hành. Bọn binh sĩ chẳng chịu vâng theo thánh chỉ. Vua Minh-hoàng sai Cao Lực-Sĩ ra hỏi binh sĩ ý muốn điều gì. Binh sĩ đồng thanh cả hô lên rằng: «Chẳng giết ả Quí-phi đi, thì chết cũng chẳng bảo hộ thánh giá». Tướng quân là Trần Huyền-Lễ vào tâu rằng: «Quốc-Trung mưu phản hiện đã chu di, Quí-phi là thân thích với Quốc-Trung không nên hầu hạ thánh giá, xin bệ hạ cắt đường ân ái, chính đường hình pháp».
Vua Minh-hoàng nghe lời nói ấy như tiếng sét ngang đầu, cả lấy làm kinh ngạc, vừa khóc vừa nói rằng: «Để trẫm tự khắc có đường phân xử». Vua Minh-hoàng đi vào trong cửa, chống cái gậy cúi đầu xuống mà đứng một hồi lâu, mà ở ngoài cửa thì tiếng reo hò của binh sĩ vang động trời đất. Viên ngự sử là Vi-Ngạc tiến nói rằng: «Nay cái phẩn nộ của kẻ chúng khó súc phạm được, yên hay là nguy liền ở trong khoảnh khắc này, xin bệ hạ mau chống quyết định». Vi-Ngạc nhân rập đầu chẩy máu để cố xin. Vua Minh-hoàng nói rằng: «Quí-phi ở bên tả hữu trẫm, vốn chẳng dự nghe việc ngoài, sự Quốc-Trung mưu phản, cùng với Quí-phi có can thiệp gì». Cao Lực-Sĩ nói rằng: «Quí-phi thực là vô tội, song le tướng sĩ đã giết Quốc-Trung, mà Quí-phi hãy còn, họ há chịu yên tâm, xin bệ hạ nghĩ kỹ, hễ tướng sĩ yên tâm thì bệ hạ yên vậy». Vua Minh-hoàng vẫn không tỏ ý ra bề nào.
Lúc ấy Quí-phi đứng ở đàng sau vua Minh-hoàng, thấy tình hình kẻ chúng như vậy, tự biết mình rằng trong muôn lẽ không một lẽ nào còn sống được nữa, mới lại trước mặt vua khấu đầu thỉnh rằng: «Xin bệ hạ cắt đường ân ái, mau chóng cho thiếp chết, khiến cho thánh giá được an toàn đến đất Thục, thiếp tôi dẫu chết ở dưới chín suối, cũng xin nhắm mắt. Nếu lại trì hoãn phút nào nữa, thì ngọc với đá đều cháy ra gio, càng thêm tội lỗi cho thiếp». Cao Lực-Sĩ nhân nói rằng: «Lời nói Quí-phi thâm minh đại nghĩa, xin thánh thượng nghe theo lời Quí-phi là phải». Vua Minh-hoàng lúc ấy trong tâm rối loạn như mờ bóng bong, muốn khóc không có nước mắt mà khóc, mà cái tiếng binh sĩ ồn ào ở ngoài cửa trạm, một khắc lại khẩn bức một khắc. Vua Minh-hoàng mới sai Cao Lực-Sĩ giúp việc cho Quí-phi tự tận, tự mình thì ngậm nước mắt đứng dậy, lấy ống tay áo ngự bào che mặt lại mà ngảnh đi, không nỡ trông thấy. Rồi Quí-phi tức khắc tự mình thắt cổ ở dưới gốc cây lê, trước chỗ phật đường.
Than ôi! Tuyệt thế mĩ nhân chung qui hoàng thổ là thế. Song le Quí-phi vì cớ kiêu xa phóng túng mà chết một cách thảm đạm thê lương, chỉ khiến cho người đời sau viếng thăm khôn xiết, cảm than khôn cùng, thực là khá thương mà chẳng đủ tiếc vậy.

Chương thứ hai mươi

Minh-hoàng trao ngôi cho Thái-tử

Quí-phi là một người đàn bà khuynh thành khuynh quốc, Quí-phi dẫu chết, nhưng cái làn sống của Quí-phi gây nên đó đã dẹp đâu. Vì cái người quan hệ với lịch sử Quí-phi có ba người là vua Minh-hoàng và An Lộc-Sơn với Lý Lâm-Phủ, phải xem ba người ấy bị cái làn sóng ấy cuốn đi mà kết quả ra sao, thì lịch sử Quí-phi mới có thể kết liễu mà xét định được.
Quí-phi đã chết, vua Minh-hoàng vào Ba-thục. Thương ôi! Đường Thục thì hiểm trở, nước Thục thì biếc, non Thục thì xanh, đấng thánh chúa sớm sớm chiều chiều, biết bao nhiêu tình vậy.
Khi vua Minh-hoàng bắt đầu đi ra chạy nạn, đến đất Hàm-dương, chốn dân gian có một kẻ phụ lão đón xe vua tiến nói rằng: «Quí-phi là con rồng con rắn ở chốn núi sâu chằm lớn, không phải là cái vật thường. Mà Lộc-Sơn nó bao tàng cái dã tâm cũng không phải một ngày. Khi ấy cũng có kẻ đến tận cửa báo với vua, thì nhà vua thường thường giết đi mà chẳng nghe, khiến cho trong thì kẻ khuynh quốc, ngoài thì đứa Hồ nhi được cùng nhau rập cái mưu gian, để đến nỗi nhà vua phải xông pha cơn gió bụi. Cho nên đấng tiên vương ngày xưa cốt đón hỏi kẻ trung trực, để rộng đường thông minh, là vì thế vậy. Tôi còn nhớ khi người Tống Cảnh làm tể tướng, thường tiến lời thẳng, nhà vua không bị thanh sắc mê hoặc gì, thiên hạ nhờ được thái bình. Khoảng ngoài mười năm đến giờ, trong thì thanh sắc làm mê hoặc, ngoài thì kẻ quần thần dua nịnh, lấy nói thẳng lắm kiêng, cho nên tự cửa khuyết trở ra ngoài, nhà vua đều chẳng được biết gì cả. Kẻ bề tôi ở chốn thảo dã này, biết rằng có cái vạ ngày nay đã lâu, chỉ vì muốn cửu trùng nghiêm thẳm, cái lòng nhỏ mọn này không đường nào đạt lên được». Vua Minh-hoàng sa nước mắt nói rằng: «Sự này thực là cái tội trẫm bất minh, hối lại không kịp nữa». 
Vua Minh-hoàng sai Thái-tử (tức sau này là vua Túc-tôn) đi ra yên ủi phụ lão. Phút chốc bọn phụ lão tụ họp đến vài nghìn người, cố khuyên Thái-tử ở lại, đừng bỏ dân mà chạy vào Thục. Thái-tử chẳng nghe nói rằng: «Đấng chí-tôn xa xôi vào chốn hiểm trở, ta há nỡ sớm chiều lìa cách bên tả bên hữu». Thái-tử ruổi ngựa muốn sang phía Tây. Tước Kiến Ninh-vương và tước Quảng Bình-vương là hai con của Thái-tử cầm lấy cương ngựa của Thái-tử mà can rằng: «Quân nghịch Hồ phạm cửa khuyết, bốn bể lở tan; chẳng thuận nhân tình, sao hưng phục được. Nay điện hạ thu nhặt những quân thú biên ở phía tây-bắc, và triệu Quách Tử-Nghi với Lý Quang-Bật ở Sóc-phương Hà-bắc về, cùng nhau gồm sức, chuyển sang phía đông đánh giặc, khôi phục hai kinh, dẹp yên bốn bể, để đón đấng chí tôn về, há chẳng phải là điều hiếu lớn, hà tất đâu đâu những sự ngọt bùi ấm lạnh nhỏ mọn, làm cái thói kẻ đàn bà trẻ con thế ư?». Khi ấy kẻ phụ lão cùng nhau ôm lấy ngựa Thái-tử, ngựa Thái-tử chẳng đi lên được.
Vua Minh-hoàng mới chia quân hậu quân hai nghìn người ở lại theo Thái-tử, lại tuyền chỉ dụ muốn truyền ngôi cho Thái-tử, Thái-tử từ chối chẳng nhận. Thái-tử khi ấy làm chức thiên hạ binh mã đại-nguyên-súy. Quách Tử-Nghi làm chức phó-nguyên-súy, luyện quân ở đất Linh-vũ (nay tỉnh Cam-túc) chuyển đánh sang phía đông.
Thái-tử đi đến Linh-vũ, chư tướng năm lần dâng lời lên Thái-tử, xin theo cái mệnh ở trạm Mã-ngôi lên ngôi hoàng-đế. Thái-tử vẫn chẳng nghe, chức Lưu-hậu đại sứ ở Sóc-phương là Đỗ Hồng-Tiệm và Bùi-Miện nói rằng: «Tướng sĩ đều là người đất Quan-trung, ngày đêm mong về, sở dĩ kỳ khu theo điện hạ ra chốn xa mạc đó, là mong có chút công đấy thôi, nếu nhất đàn lìa tan, không thể tập họp được nữa. Xin điện hạ gắng theo nhân tâm, làm kế lớn cho xã tắc». Thái-tử mới nghe, lên ngôi hoàng đế ở đất Linh-vũ, tôn vua Minh-hoàng là Thái-thượng-hoàng, cho tước Quảng Bình-vương (tức sau này là vua Đại-tôn) và Quách Tử-Nghi cùng làm đại-nguyên-súy, Lý Quang-Bật làm phó-nguyên-súy. Quách Tử-Nghi đem binh năm vạn đến Linh-vũ, quân uy ở Linh-vũ mới thịnh, người ta mới có cái hi vọng hưng phục.
Trước kia vua Minh-hoàng đương lúc sủng ái Quí-phi, mỗi khi yến tiệc, bắt đầu trước khiến bọn lê viên tử đệ tấu nhạc, rồi bày những khúc hồ nhạc ở giáo phường, những trò tạp hí ở châu huyện, lại dùng xe núi thuyền cạn vận trở nhạc khí đi lại, lại đem cung nữ ra múa khúc Nghê-thường vũ-y, lại dạy ngựa biết múa hơn 100 con, miệng ngựa ngậm chén rượu chúc thọ; lại dẫn loài tê loài tượng vào trường múa, loài tê tượng hoặc múa hoặc bái, vua với Quí-phi cùng lấy làm vui. Lộc-Sơn từng được trông thấy mà lấy làm hâm hở vui thích, khi đã phá được Tràng-an, liền sai đi tìm bắt những kẻ nhạc công, vận trở những đồ vũ y nhạc khí, rong ruổi những loài tê loài tượng, loài múa đến đất Lạc-dương là nơi sào huyệt. Lộc-Sơn thiết yến kẻ quần thần ở ao Ngưng-bích, khắp tâu mọi nhạc, tự lấy làm chẳng kém gì vua Minh-hoàng, duy thiếu một người tình cũ là Quí-phi mà thôi.
Khi ấy có một con tượng của vua Minh-hoàng bị Lộc-Sơn ruổi ra sân múa bắt quì bái, con tượng ấy không chịu bái, tỏ ra ý thương mến vua cũ. Than ôi! Một người mà chứa hai tình như Quí-phi, e sao bằng con tượng kia một vật mà mến một chủ vậy.

Chương thứ hai mươi mốt

Nhà Đường khôi phục lưỡng kinh

Năm Chí-đức thứ hai, người con Lộc-Sơn là An-Khánh tự giết bố đi mà tranh ngôi Đại-yên hoàng-đế. Lộc-Sơn là một đứa Hồ nhi, chịu ơn nặng của vua Minh-hoàng, lại là một đứa lấy trộm hương hải đường ở trong cung, đối với vua Minh-hoàng là kẻ vong ân bội nghĩa, mà đối với Quí-phi không khỏi kẻ bạc tình. Lộc-Sơn không đợi bị người khác giết chết, mà bị ngay con giết chết, ôi đạo trời cũng gần thay!
Khi ấy nhà Đường đạo thảo lập triều đình ở Linh-vũ, nghe tin Lộc-Sơn mới chết, ai nấy đều cả mừng, quyết nghị tiến quân. Kẻ Bạch-y sơn nhân là Lý-Bật hiến kế rằng: «Đất Ngư-dương là căn bản của giặc, nay tinh binh của giặc đều ở chốn lưỡng kinh, đất Ngư-dương không hư, xin tiến quân đi lấy Ngư-dương trước, thì giặc ấy chóng tan». Vua Túc-tôn không nghe nói rằng: «Ta vì đấng thượng hoàng xa xôi ở nơi hiểm trở, thiết về sự quyến luyến buổi thần hôn lắm, mong sớm sủa khắc phục lưỡng kinh, để đón thượng hoàng về, không thể chờ đợi đi lấy Ngư-dương trước được». Mới sai Quách Tử-Nghi và Quảng Lĩnh-vương thống lĩnh đại quân và mượn thêm quân Tây-vực nữa, tiến đánh tây-kinh. Quân giặc thua vỡ, lại chạy về đông-kinh. Quách Tử-Nghi thừa thắng chia ba đạo tiến đánh Lạc-dương, liền khắc phục được đông-kinh. An Khánh-Tự chạy về đất Hà-bắc, lấy đất Ngư-dương làm sào-huyệt, chẳng bao lâu An Khánh-Tự lại bị kẻ bộ tướng là Sư Tư-Minh giết chết. Tư-Minh lại là thằng giặc tối kiệt-hiệt, từ đấy phía bắc sông Hoàng-hà đều thuộc về đất giặc, rồi giặc ấy dai-dẳng mãi khó dẹp yên, quả như lời Lý Bật nói.
Vua Túc-tôn đã khôi phục được lưỡng kinh, lấy lời yên ủi Quách Tử-Nghi rằng: «Quốc gia nhà ta, là bởi công nhà ngươi tái tạo». Khi ấy Triều đình có nhiều kẻ nói rằng: «Cái công tái tạo của nhà Đường của Quách Tử-Nghi đã đành, còn cái tội phá hoại nhà Đường là ai?» Là Lý Lâm-Phủ vậy. Lâm-Phủ làm tể tướng mười chín năm, bề trong tiến dẫn Dương Quí-phi, để che tai mắt đấng thượng-hoàng, bề ngoài lợi dụng An Lộc-Sơn, để vững bền cái quyền lợi của mình. Cái vạ lớn ngày nay, toàn là do Lâm-Phủ gây nên cả. Đấng thượng-hoàng là một bậc đế-vương thông-minh, nếu không Lâm-Phủ, thì Quí-phi chung qui là một gái Thục-kỹ đi ôm đàn, Lộc-Sơn chung qui là một đứa Hồ-nhi đi chăn ngựa, ai che tai che mắt mà gây nên cái vạ kinh thiên động địa ấy. Cái ác của Lâm-Phủ, trời cũng chẳng thứ, người cũng chẳng dung, ngày nay nên chính tội Lâm-Phủ».
Khi đó Lý Lâm-Phủ đã chết, nhưng người người ai nấy đều cắn răng oán giận Lý Lâm-Phủ. Triều-đình mới sai đào mả lên, bổ săng ra lấy roi đánh vào xác, đề chính tội Lâm-Phủ.
Than ôi! Người chết thì hết chuyện, như Lý Lâm-Phủ, người đã chết, mà chuyện đã hết đâu. Kẻ tham cái phú quí của mình mà phá loạn thiên hạ, cũng biết răn thay!

Chương thứ hai mươi hai

Sử-giả nhà Đường tiếp mặt Quí-phi

Vua Túc-tôn đã khắc phục được lưỡng kinh, sai bách quân đi vào Ba-thục đón thượng-hoàng về. Đường về lại đi qua trạm Mã-ngôi, xe thượng-hoàng đi đến đấy, chù trừ chẳng thể đi lên được, trông ra vùng đất bùn ở dưới chỗ sơn pha, thì chẳng thấy mặt ngọc kẻ giai nhân mà chỉ thấy chỗ kẻ giai nhân chết; vua với tôi trông nhau, hết thẩy đều nước mắt thắm áo, rồi trở sang phía đông chỗ đô môn mà ruổi ngựa về.
Khi thượng-hoàng về đến tây-kinh, ở cung Cam-lộ, tức là chỗ Nam-nội, trông ra cảnh vườn cảnh ao đều như cũ cả, nào là cây phù dung ở ao Thái-dịch, nào là cây liễu ở cung Vương, hoa phù dung chẳng khác gì nét mặt kẻ giai nhân ngày nọ, lá liễu chẳng khác gì lông mày kẻ giai nhân năm xưa, thượng hoàng đối cảnh ấy, thường thường khôn cầm được nước mắt. Gia dĩ những cảnh hoa đào lý nở về đêm gió xuân, lá ngô đồng rụng về lúc mùa thu, vườn Nam-uyển ở Tây-cung lại nhiều cỏ rậm, lá cỏ rơi đỏ ói đầy thềm, bấy lâu không có người quét. Hỏi đến bọn tử đệ chốn lê viên, thì tóc trắng đã quá nửa vời, hỏi đến cung nữ ở nơi tiêu phòng, thì mày xanh đã toan cảnh lão. Cứ đến chiều tối ở trong cung điện trông ra, thấy những đom đóm bay lập lòe, tình tứ lại càng buồn bã. Thượng-hoàng ngồi một mình với một ngọn đèn, khêu đã hết dầu mà chửa đi ngủ. Cũng có khi ngồi mãi đến tang tảng sáng, trông lên trên trời, vẻ sông Ngân đã nhàn nhạt, lớp ngói uyên ương, giọt sương gieo nặng, bức chân phi thùy, bên gối lạnh lùng. Tưởng đến Quí-phi thì tử sinh đôi ngả, dằng dặc cách biệt đã trải hàng năm, mà hồn phách chẳng từng có khi nào chiêm bao thấy. Có một người đạo sĩ ở đất Lâm-cùng, vốn là người khách hồng đô, có thể dùng tinh thần đem cái hồn phách đến được. Thấy thượng-hoàng tơ tưởng Quí-phi quá lắm cũng đem lòng cảm động, mới vào yết kiến thượng-hoàng, xin sai kẻ phương sĩ đi tìm hỏi Quí-phi nay ở nơi nào. Kẻ đạo sĩ dùng hết phương pháp, sai người làm kẻ sứ giả nhà Đường đi tìm Quí-phi, trên thì cùng nơi trời biếc, dưới thì cực chốn suối vàng, hai chốn mơ màng đều chẳng tìm thấy.
Chợt nghe trên bể Bồng-hải có bầu núi tiên, núi ở về khoảng hư vô phiếu điểu, lầu gác linh lung, năm sắc mây rực rỡ, trong chốn đó thấp thoáng có nhiều tiên tử. Trong bọn tiên tử có một người tên chữ là Ngọc-chân, nhớ ra thì chính là tiểu tự Quí-phi, mà mặt hoa da tuyết, trông ra cũng phảng phất bóng dáng Quí-phi thuở nọ. Kẻ phương sĩ mới đánh bạo đến cửa kim khuyết chỗ Tây-sương, lấy tay gõ then cửa ngọc, liền thấy một vị nữ tiên là Tiểu-ngọc ra chào đón. Tiểu-ngọc mới vào báo tin cho một vị nữ tiên khác là Song-Thành, Song-Thành mới vào báo tin cho Quí-phi hay.
Lúc ấy là lúc cảnh trời mới sáng, Quí-phi, chợt nghe có sứ giả của nhà Đường đến, đương ở trong trướng cửu hoa mơ màng sực tỉnh dậy, phần thì sốc áo, phần thì đẩy gối, ngồi dậy tỏ ý bồi hồi, rồi thì rèm châu bình bạc thứ đệ cuốn mở ra. Vì mới ngủ dậy, tóc mây chưa kịp vén, mũ hoa chưa kịp đội, từ trên nhà bước xuống thềm ngay. Lúc ấy ống tay áo tiên, bị gió thổi lay động, còn tựa như là thuở bình sinh múa nhạc Nghê-thường vũ-y vậy.
Quí-phi khi xuống tiếp sứ giả, thì nét ngọc lặng lẽ, hàng lệ chứa chan, chẳng khác gì cành hoa lê đầm đìa hạt mưa xuân. Rồi Quí-phi ngậm tình ngừng mắt, ngỏ lời với sứ giả giã tạ đấng quân vương, nói rằng: «Thiếp với quân vương tự phen nhất biệt đến giờ, từ dung mạo cho đến thanh âm, đôi bên cùng mù mịt cả. Song le thiếp tôi đối với đường ân ái ở trong điện Chiêu-dương kia đã đoạn tuyệt rồi, đối với cảnh nhật nguyệt ở trong cung Bồng-lai này còn lâu dài mãi. Thiếp tôi nay ngảnh đầu trông xuống cõi nhân gian, chẳng thấy đất Tràng-an đâu, chỉ thấy những sương mù với gió bụi. Thôi thì xin đem cái vật cũ để biểu chút tình sâu, này hộp ngọc với thoa vàng đây, gửi sứ giả mang xuống, thoa thì lưu lại nửa chiếc, hộp thì lưu lại một mảnh, chỉ khiến cái tâm đấng quân vương cũng bền như chiếc thoa vàng mảnh hộp ngọc này, thì thiên thượng với nhân gian dù cách biệt thế nào mặc dầu, sẽ có ngày lại gặp thấy nhau».
Khi sứ giả từ biệt ra về, Quí-phi lại ân cần trịnh trọng gửi lời rằng: «Thiếp tôi với quân vương cùng nhau có lời thề nguyện ở trước điện Tràng-sinh, dưới sao Ngưu sao Nữ về tối mồng bảy tháng bảy, đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng. Lời thề nguyện ấy nửa đêm cùng nhau nói riêng, chỉ thiếp tôi với quân vương tâm tri mà thôi, xin nhờ sứ giả về nhắc lại đấng quân vương, có còn nhớ hay không? Nếu còn nhớ được, thì dù ở trên trời, cũng nguyện làm con chim bay đôi, dù ở dưới đất, cũng nguyện làm cành cây liền thở. Trời đất còn có lúc hết, chứ tấm tình chửa biết bao cùng. Rối sứ giả trở ra về.
Khi kẻ phương sĩ trở về tâu với thượng hoàng, thượng hoàng còn bắt đầu nửa tin nửa ngờ. Kịp nghe thuật đến lời ước nguyện tối mồng 7 tháng 7, thượng hoàng mới cả lấy làm tin. Vì lời ước nguyện ấy chỉ thượng hoàng với Quí-phi biết với nhau mà thôi, thượng hoàng bình nhật chửa từng nói ra với ai. Thế thì cái lời kẻ phương sĩ về tâu đó, há dám cho là một sự huyền ảo thay!
TÙNG VÂN dịch

Xem Tiếp: ----