ó cô em gởi cho nghe một bài hát vui.
Trong khoảng không gian yên tĩnh nơi xứ người, vào những ngày xuân hoa vàng nở thắm khắp vườn, nghe được bài hát "Lối Về Xóm Nhỏ" do một anh Tây hát, thiệt là vui, làm mình chợt nhớ về quê cũ. Anh ni, miệng cuời toe, hát tiếng Việt Nam mà dẻo quẹo, dễ thương ghê, thiệt là duyên dáng. Dù cho " tướng tá anh có hơi trặm triạ ", nhưng khi tròng vô chiếc áo bà ba màu nâu sẩm, vẫn thấy dễ thương như thường...
Thi nghe đi nghe lại câu "tầm mai chín gởi anh, dâng mẹ hiền" mà lòng chùng xuống. Mình giờ đây, còn mẹ đâu nữa để mà dâng một chút gì. Hết thật rồi!
Thấy anh Tây ni hát tiếng Việt giỏi quá khiến Thi liên tuởng tới anh "chồng Tây " của mình, nói tiếng Việt cũng dẻo quẹo như kẹo kéo quay tơ. Cả ngày cứ "em ơi, em hởi, cưng ơi, cưng à ", dẻo còn hơn mấy anh chồng Việt nịnh vợ nữa.
Nhớ lại, cũng do bởi cái anh chồng Tây ni mà một thuở, còn làm con gái, Thi đã không nghe lời mẹ dạy.
Cái thuở Mẹ và Thi mới định cư ở xứ người, xong trung học, Thi vừa đi làm vừa ghi tên vào đại học để học thêm. Ở trường, trên sở đều có vài anh bạn trai người ngoại quốc theo đuổi. Con gái Việt Nam mà! Tây mê chết luôn. Mẹ nghe được, mẹ rầu lắm, cứ hăm he hoài:
- Con ơi, tuy nay ở xứ người rồi nhưng không thiếu chi người Việt con à, có thương ai thì kiếm người mình mà thương. Đừng lấy Tây nghe con.
- Dạ, mẹ,
lần mô mẹ dặn, Thi cũng mạnh miệng "dạ, mẹ", rất là ngoan, vì hồi đó chưa có thương ai hết mà!
Một lần kia, bạn bè rủ về Việt Nam chơi, nhân tiện thăm bà con. Mời mẹ cùng đi, nhưng Mẹ vốn hay buồn, nỗi buồn bỏ xứ ra đi, lại thường suy nghĩ chuyện xưa, nhất định không về. Thương họ hàng bà con, mẹ gói ghém một ít tiền bạc, dành dụm bấy lâu, dặn Thi đưa cho người này một ít, tặng cho người kia một ít. Trước khi Thi lên đường ra sân bay, mẹ thắp nhang khấn vái Ba đi theo phò hộ giúp con gái chuyến ni về quê, gặp được một người chồng... Việt Nam. Mẹ khấn nhỏ nhỏ, lí nhí trong miệng, thì thầm nói riêng với Ba như không muốn cho người khác nghe được:
- không thôi bên ni hắn sẽ... lấy Tây ông ơi, phiền lắm.
Thi không biết phiền là phiền cái chi? nghĩ thầm, - Ui, mẹ mình xưa rích, rầu ghê! Mẹ lại sợ mình...ế chồng chắc?
Về tới Việt Nam, gặp lại bạn cũ thời trung học, đứa thì nay đã tay bế tay bồng, đứa vẫn còn độc thân, đứa thành đạt trên thương trường, trong nghề nghiệp... Bạn bè mới, cũ tổ chức cho đi chơi tưng bừng, hết Nha Trang tới Đà lạt, về Cần Thơ, ra Hội An, rồi Hà Nội.
Chuyến thăm vịnh Hạ Long, hai ngày hai đêm thiệt là nhớ đời. Tại đó, tôm cua sò hến ăn thả dàn, ngày nào cũng ngồi câu tôm câu tép quanh mấy cái chuồng tre họ nuôi hải sản, vui quá là vui. Các món ăn, thì hết hấp tới luộc, hết xào tới chiên. Chủ ghe bày ra đủ thứ cho mình ăn ngon, rồi ngắm cảnh đẹp. Hết ngắm cảnh bình minh phía này, họ chèo ghe qua cho ngắm cảnh hoàng hôn phía khác. Và tiền đô la mình đem theo cứ thế mà rủng rỉnh rớt ra dài dài. Nhưng nghĩ cho cùng, thôi đi chơi, mua vui mà!
Khi máy bay về tới phi truờng Tân Sơn Nhất Saigon, trời nóng, mồ hôi ướt nhẹp, bỗng dưng cảm thấy tay chân, mình mẩy phát ngứa chịu không nổi. Cả đêm trăn trở, mất ngủ. Sáng mai vừa thức dậy, soi guơng thấy mặt mày, tay chân đỏ loe như con ghẹ luộc. Thi phát hoảng, phone xuống réception của hôtel, nhờ kiếm dùm cho một bác sĩ để đi khám bịnh gấp. May làm sao, trong hotel có nhiều du khách ngoại quốc, họ chỉ vẻ Thi vào thẳng văn phòng bác sĩ bên trong toà đại sứ của xứ mình ở.
Lấy được cái hẹn, Thi tới gặp bác sĩ tại toà Lãnh sự trên đuờng Hồng Thập Tự. Bác sĩ ở đây thiệt là hay, chắc vì đã thuộc rành những căn bệnh địa phương nên khám xong, vị nữ bác sĩ an ủi Thi
- Không có sao đâu, cho mấy liếp thuốc và sirop đem về uống là hết.
Thi mừng, nhận lấy bịch thuốc, vẫn chưa dứt băn khoăn:
- Bác sĩ ơi, người đỏ như con ghẹ luộc ri, rồi khi nào mới hết bệnh?
Bà bác sĩ cười hiền lành:
- Sẽ hết mau thôi, nhớ uống thuốc đúng giờ!
Vừa ra khỏi cửa văn phòng Thi chạm mặt một con ghẹ khác, cũng đỏ chóe.
Nhìn thấy Thi, "con ghẹ bạn" vội vung tay múa chân, hét toáng lên:
- Ùa? Thi! đi mô đây? Ê! Ê! vô đây chờ ta một phút được không. Một phút thôi. Ta vô xin thuốc ta ra liền. Nghe, OK? OK?
Nói chưa xong câu, con ghẹ bạn đâm đầu chạy vô văn phòng bác sĩ.
Thi ngồi chờ ở phòng khách. Thấy có mấy tạp chí nước ngoài và vài bản tin để trên bàn, Thi lật vài trang xem thử. Phần lớn là thông tin địa phương kêu gọi người nước ngoài tới bỏ vốn đầu tư trên đất nước Việt Nam. Thông tin nào cũng toàn là hình ảnh đẹp, bờ biển dài ngút ngàn, sông hồ thác nước mênh mông, vườn cây nặng trỉu trái, lại còn những cô gái đẹp thướt tha, yêu kiều nữa... Thi thầm nghĩ đất nước mình như ri đây, đẹp thiệt là đẹp. Để cho mất đi, uổng ghê! Thiệt buồn tê tái...
Tới hơn mười lăm phút sau, con ghẹ bạn mới bước ra, dáo dác tìm Thi, mặt mày coi bộ có lại hồn, tỉnh táo hơn hồi nãy. Hai đứa ngồi tí toe khai bịnh cho nhau nghe. Hóa ra đồng bệnh! cả hai đều vì chuyện ham ăn tôm cua sò ốc mà bị ngộ độc. Bác sĩ nói đây là một bịnh rất thông thường của khách du lịch tới Việt nam.(chắc vì ham... đi ăn bậy!)
Con ghẹ đỏ này tên là Carine, một đồng môn của Thi ở Đại Học.
Nhỏ ni mê tít người Việt Nam và mê văn hóa Việt như điếu đổ, nên rất thân với Thi. Hắn cứ ngồi mơ màng, ao ước, giá chi trong cuộc đời hắn mà có được một anh chồng Việt thì hắn sẽ hạnh phúc biết mấy!!!
Về nhà Thi chơi, được gặp Mẹ, hắn cũng mê tít, từ những câu chuyện kể về quê hương, đến các món ăn mẹ nấu...hì hì...Thi nghĩ hay là nên cho hắn ở lại chơi với mẹ Thi, vì hai nguời ni có cùng ước vọng. Có lẽ vì cái đam mê đó mà con ghẹ ni cứ năm mô cũng bò về Việt Nam chơi hoài. Thi lo, không biết hắn có thể kiếm ra hàng "thứ thiệt" ở ​bên đó không nữa? Chớ mà nhằm "đồ dõm" chắc là khổ cho đời hắn lắm.
Ra truờng, hắn làm việc cho hãng thiết kế Chanel. Mỗi mùa bán solde cho nhân viên, hắn cứ đem sac, bóp về cho Thi xài đã đời.
Hai con ghẹ đỏ ngồi khai bệnh với nhau một hồi, rồi rủ nhau đi ăn bún bò Huế, rủ nhau cùng uống thuốc. Trên đường Hồng Thập Tự, gần toà lãnh sự, có một quán bún bò Huế ngon lừng danh, ăn bún bò giò heo chung với chả Huế, gói trong lá chuối xanh, hình ​dạng ​thanh thanh, ​nhỏ nhắn đúng kiểu "cung đình​"...
Carine vừa ăn, vừa hít hà vì ớt cay, chợt nói:
- Thi ơi, ta có cái giấy mời của Unesco vụ Hoàng Thành Huế,​ tối mai,​ hai đứa mình đi nghe.​
Đang húp xì xụp tô bún, vừa mò mò kiếm cái khăn lau mũi, vừa hỏi:
- ​Ở đâu​?​
- Thì ở Huế, sáng mai hai đứa mình bay ra đó.
Trợn tròn con mắt, - đúng là cái con nhỏ ni, cả đời hắn cứ đi mây về gió!
Công việc chi của hắn không biết mà thấy hắn cứ leo lên, leo xuống máy bay như đi chợ!
Thi nhất định từ chối thẳng thừng, vì đang còn ngứa ngáy chịu không nổi, và mặt mày tay chân thì đỏ như con ghẹ luộc ri mà đi chi. Mời với lại không mời, mệt lắm cái con khỉ ni!
Carine ​ỉ ôi nài nỉ:
- Mình mới uống thuốc rồi đó, còn ba xuất nữa, uống xong, nếu sáng mai mình lành thì trưa mai đi. OK? OK?
Thi ậm ừ cho qua chuyện chớ không thôi hắn nói dai, òn ỉ mãi, nghe bực quá.
- Chừ ta phải về nghỉ trưa đã, ăn bún bò no, mệt rồi, buồn ngủ quá.
Thi về Hotel nằm, đánh một giấc cho tới tối. ​C​on ghẹ đỏ bò tới, g​õ​ cửa tốc tốc, rủ đi ăn khuya.
Hắn khoe hắn uống hai lần thuốc, đã hết ngứa và cái mặt cũng nhạt dần rồi. Thi nghe vậy, nhảy ba bước vô phòng tắm, dòm vô kiếng.
Thì ra, cái mặt cũng đã nhạt đi, không còn đỏ au như hồi sáng nữa, nhưng vẫn còn hơi ngứa. Mừng quá sức là mừng. Giờ thì hai đứa đã trở thành hai con ghẹ hồng!! Thì ra, mấy viên thuốc đó nó bắt cho mình ngủ, và cho qua cơn...đỡ ngứa.
Giữ lời đã lỡ hứa với Carine và theo đúng lịch trình, trưa hôm sau hai đứa leo lên máy bay, vù ra Huế dự buổi tiếp tân của Unesco trong một khách sạn to lớn, sang trọng nằm bên bờ Huơng Giang.
Vì đi du lịch tham quan và không đem theo trang phục cho những buổi hội hè dạ tiệc nên hai đứa ăn mặc rất bình thuờng giản dị. Nhưng nhìn đi, nhìn lại cũng không đến nỗi nào. Carine thì làm trong giới thời trang, ăn mặc dù có đơn giản, lúc nào cũng lịch sự, trang nhã, thanh tao. Còn Thi thì thôi... dân Huế mà, điệu chết đi đuợc, khỏi nói. Lại đuợc trở về trong lòng xứ Huế, trên bến sông Hương, như cá gặp nước, như chim gặp đàn. Tinh hoa phát tiết từ trong giọng nói, tới tiếng cười, sự duyên dáng ngập tràn trên khuôn mặt rạng rỡ của người con gái xứ thần kinh.
Chung quanh, ai cũng nhìn " hai con ghẹ ". Coi ra, vô cùng ngưỡng mộ!
Sau lời giới thiệu của nguời d​ẫ​n chuơng trình, một người đàn ông trung niên, cao ráo, dáng chững chạc, lên trình bày món quà của Unesco dành cho xứ Huế. Không, phải nói là dành cho Hoàng Thành Huế, cố đô được xếp vào hàng Di Sản của Liên Hiệp Quốc.
Ông nói năng lưu loát, duyên dáng và hấp dẫn, trình bày khúc chiết, r​õ​ ràng tất cả chương trình, dự án và cuối cùng, tuyên bố luôn cả ngân sách Unesco dự trù dành tặng cho Hoàng thành Huế trong 5 năm tới. Mọi người vỗ tay rào rào, nhiệt liệt tán thưởng.
Thi nghĩ, cái anh chàng ni coi bộ cũng có kiến thức rộng rãi đây! Lẽ dĩ nhiên là kiến thức về Huế, về một xứ sở yêu kiều, ngàn năm thơ mộng.
Nguời dẫn chương trình tiếp lời cảm tạ và mời quan khách nhập tiệc. Vừa dứt lời thì xa xa, hai ba chục thanh niên phục vụ, mặc áo xanh thêu chữ thọ cùng màu, xếp hàng đi ra như đàn bướm, trên tay là những khay bằng bạc sắp đầy coupe champagne và đủ thứ thức ăn, bánh mặn trông vô cùng hấp dẫn... Quan khách cứ tha hồ chuyện trò thoải mái, người phục vụ cứ bưng mâm đi vòng quanh để thay phiên mời quan khách thưởng thức.
Tiếp theo sau ​là ​một đoàn phụ nữ, khăn vành trên đầu, rực rỡ trong tà ​áo dài vàng tươi, ​màu vàng​ vua chúa​, bưng ra các mâm toàn đầy đồ ngọt. Đủ thứ bánh trái, vừa đẹp mắt, vừa ngon lành. Ai nhìn vào cũng công nhận là rất mỹ thuật, lại đậm màu hoàng cung.
Nhìn cách tổ chức này, Thi nhận thấy đây thật là một ý tưởng rất phong phú...
Carine và Thi đang chuyện trò cùng một nhóm bạn trẻ đồng trang lứa mới quen. Quan khách phần đông là người ngoại quốc.Từ xa nguời đàn ông lúc nãy phát biểu trên khán đài, bước tới, hai tay cầm hai coupe champagne, tươi cười huớng thẳng đến Carine và Thi.
Không phải là người quen của Thi rồi đó. Thi vội đứng né sang một bên, nhường đường đi cho ông ta.
Nhưng ông ta cứ phăng phăng đi tới. Thi nhìn Carine, ngụ ý:
- Mình nên tránh ra đi, kiếm chổ khác mà đứng bạn ơi.
Ai dè hắn đã không tránh ra, mà hắn còn nhe răng khểnh ra cười toe toét với cái ông đó. Thi nói thầm trong bụng:
- Thôi hiểu rồi! Hèn chi mà hôm qua cả người còn đỏ loe như con ghẹ luộc, mà một một, hai hai đòi đi Huế cho được. Té ra là hắn ra đây gặp bồ. May phước cho hắn chơ, ngày ni cái mặt hắn trắng ra rồi!
Để cô bạn tự nhiên, Thi rời bước, đến đứng gần cửa sổ, nhìn xuống mặt sông Hương.
Tối nay, trên dòng sông Hương có ánh trăng vàng soi lấp lánh. Cảnh Huế về đêm đẹp tuyệt vời, như mộng ảo, như trong tranh vậy. Ý tưởng sống xa quê hương gần nửa vòng ​trái đất, ​vận nước còn long đong, dân tình khổ sở...
Lại buồn ngẩn ngơ... tiếc nuối ngày xanh, tiếc nuối... những ngày qua.
Kỷ niệm tràn về, lòng rưng rưng chùng xuống, mắt cay xè.
Quay lại định đi tìm cái khăn để lau mấy giọt nuớc mắt vương vướng trên mi.
Giựt mình đánh thót một cái, khi thấy con ghẹ trắng, đứng ngay sau lưng Thi, hắn vẫn nhe răng ra cười, hí hởn.
Nhớ như mình đã tránh ra xa xa cho hắn xí xọn với bồ rồi mà, muốn kiếm chuyện gì nữa đây?
Trong khi con Carine cười hì hì, thì người đàn ông đó nhìn Thi, đang thảm sầu với hai con mắt ướt tèm nhèm, với vẻ... ái ngại.
Đưa vội coupe champagne cho con Carine cầm và rút trong túi áo veste ra chiếc khăn mùi soa trắng, "bồ của con Carine" đưa cho Thi chặm nước mắt. Thi nói tiếng cám ơn, ngượng ngùng.
Rồi sau đó, ôi chao ơi, Thi quê một cục, muốn độn thổ luôn cho rồi khi con ghẹ trắng cầm tay Thi giới thiệu:
- Anh hai mình đây Thi, Philippe. Còn đây là Thi, bạn học của em.
Thi lí nhí chào trong cổ, trong khi hắn toe toe kể tiếp:
- Đây là con người cứ đi hết xứ này qua xứ khác. Một năm không gặp được ảnh tới hai lần. Ảnh đi tìm Di sản cho Liên Hiệp Quốc trên toàn thế giới đó Thi, bỏ mẹ già mình và bỏ đứa em gái ni ở nhà bơ vơ, không ai lo tới! hu hu.
Anh hai hắn nghe vậy, mỉm cười, hiền khô... Chắc quá rành cô em gái mình hay nói xiên, nói xéo.
Tự nhiên, Thi cảm thấy có chút cảm tình với "con người hiền khô" như vậy.
Thế là, duyên nợ tự kiếp nào thắt gút không biết mà Mối Tình Dị Chủng của Thi thinh không bắt đầu. Mối Tình Dị Chủng mà ngày đêm Mẹ Thi lo sợ không thua chi cơn ác mộng kinh hoàng ngày "​bọn đó" mới vô Nam!!!
Từ cái buổi tối bắt gặp Thi khóc bên bờ sông Hương buồn lảng đãng đó, trong khung cảnh nên thơ, êm đềm của xứ hoàng thành cổ kính, anh hai của con ghẹ không chịu rời Thi nữa. Đã thế, vì anh hắn phải đi làm xa, nên Thi đi đâu, con ghẹ cũng tò tò đi theo giữ chặt cứng dùm anh hắn. Đám này khôn ghê!
Ông anh thì cứ năm ngày một lá thư tình, hoa tươi gởi tới đều đều, đánh tới tấp.
Thi không thở kịp​.
Mẹ nói, nhà nay sao nhiều hoa đẹp!
Mà Thi thì có chết cũng không dám đem bồ về giới thiệu.
Cũng sợ lắm chớ, thương ông Tây mà. Mẹ già thì xưa quá.
Ôi, vậy đó, Mẹ thì già rồi, mà thiệt là hay. Mẹ tinh anh chịu không nỗi, không có chi qua mắt ​M​ẹ được. Thấy Thi ngày nào cũng mặt mày hí ha hí hởn, một bữa, hai mẹ con ngồi ăn cơm tối, ​M​ẹ hỏi:
- Bao nhiêu người đi theo lúc ni mà con đã lựa được ai chưa?
Thấy Thi chần chờ không nói, mẹ hỏi tiếp cái đùng:
- ​Người mình hay Tây,con?
Thi trả lời nhỏ nhẹ mà mong mẹ không nghe
- Dạ...Tây, mẹ.
Mẹ đang ngồi yên lành trên ghế, bung ra như cái lò xo:
- Ui chao ơi, con ơi, bộ không có người Việt Nam hay răng mà phải ưng Tây, vậy con?​ Răng mà khổ ri chơ trời?
Thi vừa sợ mà cũng phải phì cười:
- Mẹ ơi, mẹ làm như năm bảy chục năm về trước, con phải đi làm me Tây vậy đó.
Mẹ chép miệng,
- Về nước du lịch thăm bà con mấy chuyến mà không gặp được ai, răng mà phải lấy Tây rứa con? Bên ni cũng không có Việt Nam, bên nớ cũng không có Việt Nam à?
Chừ thì Thi nhịn cười hết nỗi:
- Mẹ ơi, cũng vì cái chuyện về Việt nam, mà ra cớ sự như ri đây mẹ.
Con cũng đâu có dè...
Từ đó, thấy mẹ không hài lòng, rầu rầu. Thi cũng không vui lắm.​
Tâm sự với Carine, chắc ta với anh của bồ không thành đâu. Nhà có một mẹ một con, mai mốt ta lấy ông Tây, mẹ ta ngồi chèo queo không ai nói chuyện chắc Mẹ ta buồn lắm. Thôi, ta không lấy chồng Tây đâu. Ta lấy một người đồng hương, mà ở gần gần một chút đặng có người phụ ta chăm sóc ​Mẹ
ta và nói chuyện tiếng Việt cho Mẹ ta vui, mi ơi.
Hắn nghe vậy, mặt mày buồn hiu. Về tâu với anh hắn, chắc anh hắn cũng buồn hiu!
Không biết "anh em con ghẹ" về suy nghĩ bàn tính làm răng với nhau mà hể cứ rảnh rang một chút là con ghẹ, hắn bò tới nhà Thi, ngồi lân la nói chuyện với Mẹ. Hai người ríu ra, ríu rít vui như hội, ăn chung, làm bếp chung, rửa bát chung. Mẹ thích lắm vì có bạn mới, chê Thi đi làm về, ru rú trong phòng bỏ Mẹ một mình. Hắn còn hẹn hò, xách giỏ, ​chủ nhât ​đón Mẹ Thi đi chợ trời nữa chớ. Thi nghĩ, tức cười chưa, mình đâu có anh em trai chi mà hắn tới làm dâu kỹ quá vậy ta?
Mấy tháng sau, ​một hôm ​tình cờ​,​ nghe mẹ với con ghẹ trắng ngồi nói tiếng ​T​ây (bồi) với nhau như điên, nào bon, nào pas bon, merci chérie, bonsoir, à demain, bisous, bisous …
Nói với Thi, ​M​ẹ ​cũng bắt đầu chêm vào tiếng ​T​ây: nào là du lait, de l'eau, glaçons, concombre. Mẹ biểu pha trà cho Mẹ uống mà Mẹ nói, pha une tasse de thé cho Mẹ coi. Biểu đưa đuờng thì nói, lấy un peu de sucre cho mẹ, con. Pas beaucoup há.
Trời đất ơi, Trời đất!
Thôi rồi, đây là hai anh em con ghẹ đây.
Anh con ghẹ về làm việc bên cái xứ đó, học theo cái đám đó, nghĩ ra cách đó, bày cho con ghẹ. Con ghẹ về, đem mẹ đi học tập cải tạo rồi đây!
Cả tháng trời, sùng quá, Thi không đọc thơ, cũng không thèm trả lời thơ cho anh hắn.
Còn con ghẹ thì cứ tỉnh bơ, lui lui, tới tới nhà Thi tự nhiên như nhà hắn vậy, bìu ríu theo mẹ Thi, giống hệt như hai mẹ con thiệt vậy. Chán ghê!
Rồi tới một ngày chủ nhật đẹp trời đầu Xuân, có nắng vàng ấm áp, chim hót riú rít bên hông nhà, tự nhiên thấy con ghẹ bò tới thăm. Hôm nay hắn chưng diện thiệt đẹp, má hồng môi đỏ, với một bó hoa tươi thắm to tướng trong tay. Không tới một mình đâu nghe, mà còn có ông anh con ghẹ đi theo, ôm một đống quà cao ngất đến đầu luôn. Thi nhướng nhướng mắt nhìn, thấy lạ. Rồi như từ trên trời rớt cái bịch xuống đất, Thi thấy anh của con ghẹ, từ từ nhẹ nhàng, cung kính đặt quà lên bàn, từ từ xốc lại bộ đồ tây com​plet​, sửa lại cà vạt nghiêm chỉnh, rồi vòng tay như con nít trước thầy giáo, lễ phép nói với mẹ bằng tiếng Việt chon chỏn:
- Thưa Mẹ, con là Philippe, con xin phép đến thăm mẹ.
Còn mẹ thì, (Trời, Đất, Phật, Thánh, Chúa ơi) mẹ đưa tay ra nói như bà đầm
- Bonjour me xừ, comment allez - vous? (Coi ngon lành không?)
Mẹ còn nhắc Thi đi làm tasse de thé nữa chớ.
Lại xây qua hỏi anh con ghẹ - thé ou café?
Thi tức cười quá, bỏ vô phòng, cho mẹ và anh em con ghẹ ngồi nói chuyện, nửa ​V​iệt, nửa ​T​ây bồi với nhau, khó khăn không hiểu nhau thì có con ghẹ đứng ra làm... thông dịch.
Anh con ghẹ thấy Thi giận bỏ đi, chạy theo kêu ơi ới - em ơi, em ơi, cưng ơi, cưng à.
Nói tiếng việt chon chỏn. Cái miệng dẻo quẹo, Thi ghét đui không thèm ngó lại.
Khi khách (là anh em con ghẹ nớ đó) về rồi, mẹ kêu Thi ra, nghiêm mặt la cho một trận. Mẹ nói Thi là bất lịch sự, không sợ Tây nó cười cho!!! Mẹ hỏi Thi:
- Chớ con "còn đòi hỏi vô cái thứ chi nữa chớ "? Nì, tuần sau, Bà mẹ của hai đứa xin qua thăm Mẹ đó.
Thi hoảng hồn, thần kinh tản loạn, ​than thầm trong bụng:
- Chết, quên hết! mẹ quên hết rồi! Chết, ây-dem-mơ rồi đây! Mẹ quên là hồi đó cứ bắt mình lấy chồng Việt Nam mà!
Mẹ cầm cái "tasse de thé" lên, mẹ uống từng ngụm, thong thả nói tiếp:
- Hắn tới xin phép mẹ, hắn đòi xin cưới con, hắn xin cho mẹ hắn qua thăm mẹ đó.
Rồi Mẹ nhắp thêm ngụm nữa, tằng hắng nói tiếp, giọng mơ màng:
- Hắn nói hắn vẫn còn làm ở Unesco, mà không làm bên nớ nữa, xin đổi về đây cho gần Mẹ và gần con, lo cho mẹ, cho con. Hắn sẽ về đây làm việc, hắn nói hắn sẽ mua nhà có cái vườn thiệt rộng, thiệt nhiều đất để xây cho con cái hồ sen như trong nội.(Trời đất, ​có ​điên ​không đây? Trời?)​
Mẹ quậy quậy un peu de sucre trong cái tasse de thé của mẹ và cười hiền hoà, tiếp
- Hắn nói với mẹ là hắn sẽ "xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân".
Mẹ chìa xấp thơ ra, trong khi lòng Thi thì ngao ngán:
- Đây, hắn viết hết trong thơ, nì. Hắn nói chừ con không chịu đọc thơ hắn.
Nì, nì, con đọc đi rồi biết.
Thằng Philippe hắn cũng đọc thuộc lòng cho mẹ nghe hết rồi.
Ơi chao ơi, răng mà cái thằng chi, hắn dễ thương rứa không biết.
Mẹ chưa thấy Tây mô mà nói tiếng Việt giỏi như rứa a tề!!!!
Hàng Bè
5/2016

Xem Tiếp: ----