Dịch giả: Hồng Nhân

     hiếu niên có một cái bệnh, là bệnh tình. Bệnh này từ xưa đến nay bao nhiêu tay danh y trong thiên hạ chữa cũng không khỏi được. Nó thiên hình vạn trạng, nó phảng phất mơ màng, nó như con rắn trăm đầu trong truyện truyền ký Hi Lạp, đánh rập đầu này, nó ngoi đầu khác. Khó chữa nhất là cái trứng «tình si»: đa tình mà lại si, thời thuốc tiên cũng phải chịu. Nay có Georges Courteline tiên sinh là một tay «ngoại khoa» trước danh ở nước Pháp, có tài riêng về thuật trâm trích, nghĩ được bài thuốc như sau này, xét ra cũng linh hiệu, tôi xin dịch đây, để cống hiến các hàng thanh niên trong nước.
Gọi tiên sinh là một tay «ngoại khoa» là lấy nghĩa riêng rằng tiên sinh vốn không phải là y gia chuyên môn. Tiên sinh chỉ sở trường về nghề tiểu thuyết, nhưng mỗi bản tiểu thuyết của tiên sinh, dù trường thiên, dù đoản thiên, chính là một bài thuốc để chữa những tật điên dồ khờ dại của người đời. Thuốc của tiên sinh có tiếng là cay đắng vô cùng, nhưng mà cũng công hiệu vô cùng. Phần nhiều các đơn của tiên sinh là kê theo một phương «hoạt kê» gia giảm cả. Xin các ngài thử nghiệm bài sau này xem phương thuốc trị có hay không. 
Dịch giả chi.
(1) Ông Georges Courteline làm bài đoản thiên tiểu thuyết dịch thuật trên này là một nhà văn sĩ trước danh ở nước Pháp. Ông làm nhiều những đoản thiên kịch bản và đoản thiên tiểu thuyết, sở trường về lối hoạt kê. Sách ông đều có ý chào phúng, về người đời, thói đời một cách rất thâm trầm, rất độc địa, ông đã tả người nào thời đến khốc liệt, như đánh dấu chàm vào mặt, không còn lẫn được nữa. Văn chương tự nhiên lưu loát, đọc vui lắm. Trong lối văn hoạt kê đời nay, ông là một tay cự phách. Nhân đây xin giới thiệu sách ông cho các nhà tây học trong nước.

 

I

Bạn tôi là bác Cồ Đô, chúng tôi thường gọi đùa là «Anh Cồ béo», vì bác ta to lớn phục phịch, nói to như người tức giận:
- À! Phải, tuổi thiếu niên dại thật! Dại thật!... Thiếu niên mà đã dại thật là dại vô ngần! Thật, các anh ạ, ngày nay có lúc hồi tưởng đến thủa trước mà tôi đỏ mặt lên, tức mình giận mình làm sao mà khờ dại đến nước ấy, làm sao mà si ngốc đến bậc ấy, làm sao mà ngờ nghệch một cách tệ lậu đến thế! Chà! Chà! Bây giờ mà lại phải thế nữa...
 Bác ta không nói hết, nhếch miệng cười, cũng hiểu ý. Lấy tay đập cái nõ điếu vào thành điã rầm, tàn thuốc lá rơi ra rông rổng, khói xanh sám bốc lên ngùn ngụt, như đá lửa trong núi lửa phun lên; rồi nói tiếp:
- Này, hồi tưởng đến thủa nhỏ, tôi còn nhớ nhất là một chuyện này... Chuyện đem lên bia cũng đáng! Bấy giờ tôi học gần hết ban văn chương ở trường trung học Công-đô-xê, hồi ấy còn gọi tên là trường Bô-na-bạt. Tôi có một người bạn học ngồi gần ghế tên là Lê-cự-yết, người ngoan lắm, học đụt nhưng tính khá. Cha anh ta là một tay bợm già láu cá làm chủ nhà «Tân-kỳ-hí-viện» ở phố «Thánh-Để-ni». Đó là một cái nhà hát nhỏ, chỉ thuần diễn hài kịch, lại có ca nhạc. Chắc các bác không biết đâu, các bác còn trẻ tuổi. Tôi nói đây là nói chuyện ba mươi năm về trước, hồi các bác còn chưa đẻ, lão Lê-cự-yết đã bị tù vì vỡ nợ rồi.
Lão Lê-cự-yết, thật là thằng keo già. Sỏ lá đến nước!
Điên đảo không ai bằng, lường gạt thật có một, nói dối như vẹm, giảo quyệt như ma, cách sinh nhai của lão thật là lạ quá, thuần thị những mưu gian chuốc dối cả. Đến cái gian dối thời lão thật là vô sở bất vi, từ cách dùng dao cạo cạo sổ cái để soáy từng trăm từng chục, cho đến cách thò tay vào bị lão ăn mày để nhặt lấy mấy su! Ô uế, bỉ tiện đến lão là cùng, là cực, tưởng thóa mạ đến thế nào cũng chưa đáng. Nhưng lão sở trường nhất, không ai sánh bằng, là ở cái nghề lợi dụng đàn bà con gái.   
Thôi, nghề này thì lão tuyệt trần.
Lão đi nhặt đi kiếm chỗ này chỗ khác, họp được một đội con gái trong cũng sạch mặt, lão trả công cho mỗi ngày mười một su, mà phạt cũng khốn nạn, những tiền phạt trừ được đến hai ba trăm quan một tháng; đi ra ngoài mà về chậm phạt năm quan; phải đóng vai mà thiếu mặt, phạt mười quan; mỉm cười với bác quản cả, hay liếc mắt nhìn người khách nào trong rạp, phạt hai mươi quan. Thật là một nghề buôn thịt bán người. Lại còn đến nước thế này nữa: trong những người làm việc với lão, người nào tìm cách phạt được bọn con hát, mỗi cái phạt lão cho năm phần (5%) hoa hồng! Các bác tưởng tôi nói đùa đấy? Thật thế, không sai: chính anh quản ca đã thú thật rằng chỉ một khoảng hoa hồng đó mỗi năm anh thu được ngàn rưởi quan. Coi thế thời biết phần lão thu tiền phạt được bao nhiêu. Tiền ấy lão cứ nghiễm nhiên bỏ túi. Có ai thương hại bọn kia, cất lời trách lão: «Này, cụ Lê, cụ làm thế nghiệt quá!...», thời lão trả lời rằng: «Việc gì đến bọn đó đấy. Đã có nhân ngãi chúng nó nộp phạt!». 
Ấy ông lão già nói thế đấy, mà nói một cách điềm nhiên, mặt nửa như thật thà, nửa như sỏ lá, không biết nên hôn cho hai má hay nhổ vào đầy mặt! Thật là đê mạt đến cùng! Tuy vậy, mà người cũng biết điều. Lão biết tôi là bạn của con, lão cũng có bụng yêu; một hôm lão bảo tôi rằng:
- Này, anh đồ, có muốn vào xem phòng con hát của mỗ, cứ việc mà vào.
Phòng con hát!...
Bấy giờ tôi đã mười bảy tuổi, nhưng trông người chỉ bằng mười bốn; tôi có con em gái kém tôi mười tám tháng mà có lẽ tôi lại thật thà hơn nó.
Lão cho phép, tôi nhận lời ngay: ngay chiều hôm ấy tôi vào xem phòng con hát của lão.

II

Hai bên sân khấu có hai ngõ hẻm đi vào, rồi vào trong chen chúc những lối giọc buồng ngang, tối tăm khúc khuỷu, bước lên hai bậc cao thời vào đến phòng con hát, là một gian buồng trong có treo một cái gương rạn, chiếu khắp cả buồng, trông bẩn thỉu lạ. Đó là chỗ cứ tối đến từ chín giờ đến nửa đêm, các chị con hát hội họp cả ở đấy, người thì mặc yếm sa mỏng, người thì để cánh tay trần, quần áo phất phơ, như là bươm bướm. Kẻ vào người ra, kẻ nói người chạy, kẻ tập nhảy, người nháy gương; ở ngoài lại có tiếng một lão thày dạy múa người Ý-Đại-Lợi cứ hét luôn: «Trời đất ơi!», trong này văng vẳng đáp lại: «Sao khong gọi mẹ lên nữa?» Trông chân các chị cứ như choi choi cả: đôi thì mập, đôi thì mảnh, có đôi mảnh rẻ ẻo lả như cuống hoa huệ; kẻ nhảy người chạy, cứ rối cả lên, mình phải khép nép đứng tránh luôn, để cho khỏi vướng chân họ.
Người ta mà phải cái tình cả thẹn thật như mang cái tật trong mình, bức tức một mình mà không thước nào chữa được, khác nào như người trễ môi hay trĩ mũi. 
Ấy tôi cũng phải cái tính cả thẹn như vậy. 
Tôi đứng trong buồng con hát đó, khổ không biết chừng nào!
Vì các cô ấy tựa hồ như cho mình là một cái vật lạ. Thấy một anh chàng lễ phép, khép nép, chải chuốt, sạch sẽ, không biết tên là gì, không nói năng gì cả, cứ cả buổi tối hết đứng góc tường này lại sang só cửa nọ, đực mặt ra để nhìn bọn họ, họ cũng lấy làm lạ thật và không hiểu ra làm sao. Nhưng nhất là có hai đứa, tôi lấy làm tức quá, vì nó ra giáng chế nhạo mình, làm ra bộ cắn môi để nhịn cười không được. Nó nhạo mình mà nó lại không lộ ra, mình mới tức chứ, tức quá cho đến nỗi nguyền cho chúng nó chết ngay lập tức! Thật thế! Giá ai bán cái chết của chúng nó mà phải mua bằng linh hồn của tôi, tôi cũng xin mua ngay, không ngần ngại!
Tội nghiệp!
Mà tức giận đến thế chỉ là bởi mình không dám sấn sổ nắm lấy cổ tay chúng nó mà thôi!
Chắc các bác bảo: 
- Đã tồi như thế thời ở nhà, đến làm gì.
Vẫn biết thế, nhưng mình lại phải lòng chúng nó thời nghĩ sao?
Mà thật, tôi phải lòng thật. 
Các bác phải biết đến ai như tôi cũng phải mắc, vì nó đẹp quá!
Tên nó là Cô Mã-Liên, nó đóng vai «Mụ La-sát» trong bản kịch đương diễn bấy giờ. Người không thấp, không cao, không gầy, không béo, không phải đẹp ra lối mĩ miều yểu điệu, mà đẹp ra lối cứng cáp mạnh mẽ, cổ tay tròn, bắp chân thẳng, nét mặt thẳng thắng nghiêm trang; thật là đẹp như cái tượng bà thần Gia nông ngày xưa. Trai tân mà gặp được gái ấy, còn gì tốt bằng. Cho nên tôi mê đặc.
Nhưng các bác cũng hiểu rằng mê thì mê mà nào có dám rỉ răng với ai.
Không những không dám rỉ răng mà lại cố giữ kín trong lòng, như một cái của báu, như một sự bí mật. Tưởng mình như con sâu đất say mê một vì sao trên trời, ngày đêm chỉ tơ tưởng được trông thấy thời vui sướng vô cùng, không trông thấy thời sầu khổ vô hạn, chưa được nhìn mặt thời nóng ruột sốt lòng, đã được nhìn rồi thời mát mẻ khoan khoái.
Ái tình là gì? Ái tình chẳng qua là lòng mình tưởng tượng. Mỗi người tưởng tượng ra một cách, tùy lòng mình cho nó là việc trọng hay cho nó là sự khinh. Các bác ở đời này cho ái tình là một sự bất túc khinh trọng, có lẽ là phải đấy; tôi thời tôi phải cái tật đa tình quá, thành ra si ngốc. Tôi là một thằng «si» đến nỗi giá phải lòng cô con gái nào có thể mua ngay cái đờn cắp đến ngồi dưới cửa sổ nhà ai nương mà gẩy được đó! Mà bằng ngần này rồi! Mà bốn mươi bảy tuổi đầu rồi!... Mà mặt mũi như thế này đây!...
Coi đó thời biết rằng tôi mê cô Mã Liên đến thế nào. Nhiều khi làm thơ để tặng cô, gửi đến nhà hát, ký tên là Mỗ.
Nhưng ngoại giả không có chuyện gì cả, chỉ mỗi lần có đi qua trong phòng con hát, mắt choáng lên, chân lùi lại, như đứng trước «Kiệu Thánh», đến lúc đã đi qua rồi, mắt mình vẫn còn nhìn theo cái đuôi áo thướt tha, như một cái đuôi vô hình nữa nối sau. Tưởng cứ thế được mãi. Nhưng đàn bà đến chuyện tình là họ tinh lắm, người mê gái giá chôn mình xuống đất, xây gạch lên trên, gái nó cũng biết! Một tối cô Mã Liên, bỗng dưng đứng dựng lại trước mặt tôi, con mắt lim dim, hỏi to lên rằng:
- Thằng bé này nó làm gì mà nó cứ nhìn mình tròng trọc thế này?
Bấy giờ vụt chốc tôi thấy như máu tôi sôi lên sùng sục, đất dưới chân như chuyển động cả. Tôi ngơ ngác, nói không thành câu:
- Tôi?... tôi ấy à?
Chị ta nói:
- Phải, anh, chứ ai! Ừ, mà thằng bé này kỳ ngộ thật! Dễ nó có ý gì mình không biết, chắc.
Người đứng chung quanh cười ồ cả lên. Sợ quá thành ra đánh bạo, tôi liền nói:
- Ừ, mà có ý thật đấy! Tôi phải lòng chị thời chị bảo sao?
- Phải lòng!...
- Thật chứ bỡn à? Chị mĩ miều thế, phải lòng cũng đáng. Mà tôi tưởng chẳng phải một mình tôi đâu, chị ạ!
- À, cái đó đã hẳn rồi!
Nói thế rồi, chị há miệng ra, hai hàm răng trắng như hai chuỗi hạt châu đựng ở trong hộp, há miệng ra mà cười, Trời ơi, là cười!... Mơ mộng đến tưởng chỉ có một mình mình là phải lòng chị, chị lấy cái đó làm kỳ khôi, làm nực cười, làm một câu chuyện thú nhất trần đời, nên mới cười, cười sặc cười sụa, cười vỡ cười lở, như bao nhiêu cái khí tục tằn thô bỉ di truyền đã từ đời ông đời cha đến giờ vẫn ngấm ngầm ở trong mạch máu, chạy khắp thân thể như những con thằn lằn xanh, bấy giờ bỗng sôi nổi cả lên mà phát tiết ra cái giọng cười trượng phu đó! Cười mãi như thế, có khác gì như chửi mình không, chửi mình là thằng dại, danh con mà đã tập giọng ghen tuông. Không thể nhịn được, tôi đã toan văng cho một câu: «Cô im cười đi, cô. Cô cười thế tôi không chịu được. Giá có đàn chó đực nó theo đuôi cô, cô cũng nên im đi, mới là người tu sỉ». Nhưng tôi chưa kịp nói, chợt có người nhà hát hé cửa gọi:
- Mụ La-Sát đâu ra trò, mau lên!
Mã Liên ở trong thưa:
- Tôi đây.
Nói chưa dứt lời, đã vụt chạy. Tôi không thấy chị đứng đấy nữa, tôi có một cái cảm giác phiền phức, không thể nói ra được, tựa hồ như nhẹ mình, mà lại ân hận. Khi về nhà thấy trong lòng bối rối quá.
Tối hôm sau, tôi vào phòng con hát, thấy chị đứng một mình, sắn tay áo, đương soa mặt ở trước gương. Chị ngoảnh lại nói:
- À, anh nhân tình bé của tôi đây.
Tôi nói:
- Chào chị.
- Không dám, chào anh. Mạnh giỏi không?
- Cám ơn. Chị cũng mạnh chớ?
Thế là hai người thành bạn, cùng nhau tủm tỉm cười. Cái gương phản chiếu hai khuôn mặt, tức là phản chiếu hai nụ cười.

III

Tấm lòng thanh tân của người con trai, không khác gì một bông hoa thơm, tấm thân mĩ miều của người con gái cũng không khác gì một bông hoa thơm. Môi nọ áp môi kia, kết thành bó hoa phưng phức.
Chị Mã với tôi, hai người gây nên một cuộc ái tình, ái tình của một cô con gái lớn với một cậu con trai bé, bên chị thời yêu đương mà có ý xấc nghịch, bên tôi thời yêu dấu mà có ý nâng niu, cái tình ái của tôi có ý thanh cao hơn. Mẹ tôi khốn nạn làm cả ngày để ra được hai hào cho con đi học ăn quà, có hai hào ấy mà nghĩ cũng khéo thay! Ngày nào tôi đến thăm chị trong túi cũng đầy những kẹo đường bánh ngọt, chị trông thấy là vơ lấy vơ để, nhai ngốn ngồm ngoàm. Tôi xét ra đàn bà con gái họ có một cái tinh thú, là mình đãi họ cái gì, dù vật to vật nhỏ, họ cũng một lòng vui vẻ cả, thuê xe song mã chở đi chơi hay là mua cho gói kẹo, cũng vui vẻ như thế mà thôi.
Xét như thế thì chị Mã là người tốt lắm. 
Tối nào cũng thế.
Tôi đến.
Chị hỏi:
- Kẹo tôi đâu?
- Kẹo của chị! Kẹo nào? Tôi không hiểu chị nói gì. Tôi có kẹo đâu mà cho chị.
Bấy giờ chị làm ra dáng mĩ miều, cười hì hì như người biết rằng người ta nói bỡn, hiểu ý nói bỡn, và cố làm mặt nhu mì, biết rằng không ai cầm lòng được. Mà quả, tôi không thể cầm lòng được lâu nữa; kẹo tôi, tôi phải thò ra, nhưng cứ ít một, giá các bác bây giờ thời cho là sỉn quá. Móc trong túi ra dáng khó khăn lắm, đưa cho từng cái một, như người dử mồi.
Này tôi còn nhớ như văng vẳng bên tai cái tiếng kêu vui vẻ của chị một hôm tôi cho chị một thỏi bánh đường dài; lại một buổi chiều tôi cho chị một gói kẹo sô-cô-la buộc bằng cái dây pha-vơ đỏ, chị cám ơn tôi một tiếng rất là cảm động, ngày nay tôi vẫn còn nhớ. 
Lớn người mà tính trẻ con lạ!
Hắn vào hạng những con gái đến mười một mười hai tuổi, vào tuần «rước lễ», thời hình như đứng dừng lại không tiến nữa, tinh thần trí tuệ đến thế là cực điểm, không còn hơn nữa.
Thường thường thấy có một vài đứa con gái như thế.
Cái kho trí khôn của chúng nó như đến khoảng mười một mười hai tuổi đã đầy rồi, rồi từ đấy cho đến già, cho đến chết, cũng chỉ có bấy nhiêu mà thôi, mà sống ở đời vẫn ngang nhiên tự đắc, nhưng thực ngu xuẩn vô tri, đeo đẳng một cái đời «tầm thường» như câu chuyện anh thợ cạo, nhận kỹ ra chỉ thấy lúc nhúc láo nháo những cái dồ, cái dại, cái dởm, cái khờ, như sự yên trí xuẩn, sực hấp nê gàn, ngứa miệng muốn nói mà nói chẳng vào đâu, sẵn lòng thương yêu mà thương bậy thương bạ, cái đáng thương không thương; với cái tính chết mê chết mệt, nhỏ dớt nhỏ rãi vì chút bánh ngọt, vì câu chuyện dởm, vì cái trò lố. Mặt mũi đẹp thật, kể đẹp thời quả là đẹp, nhưng mà trong óc rỗng tếch! Thất thế, có một vài đứa con gái như thế thật.
Song về phần cô Mã Liên thời phải lấy sự công bằng mà biết cho cô rằng: trong đội quân những gái lơ láo, cô cũng có thể đóng được một đội, một là bởi cái sức vóc cô to lớn, hai là bởi cái trí tuệ cô bần cùn.
Nói cho thực, tôi không hề coi cô là người nhân ngãi bao giờ. Bởi sao? Tôi cũng chẳng biết nữa, vì giá tôi có muốn thời cũng dễ dàng, có chi mà khó. Song cái ái tình thứ nhất của người ta, lúc tuổi còn thanh tân, nó nhũn nhà, nó trong sạch biết bao nhiêu, bút nào mà tả cho được, thơ nào mà vịnh cho xứng! Tôi yêu cô Mã Liên khác nào như mấy anh già gân kia cứ ngày ngày đến trước bức tranh tố nữ mà ngắm nghía thở than, nhưng giá ai bảo rằng có thể đem cô tố nữ ấy về nhà được thời tủm tỉm cười, cho là nơi bỡn, không dám tin. Có một ngày tôi đánh bạo gọi cô là «Mã thắc, mình ơi!»  (Mã thắc là tiểu tự của cô), lúc bấy giờ tôi tưởng như cô là người của tôi rồi, ở trong tay tôi rồi, bấy giờ trong giây phút, mắt mơ màng, như cái dục tình nó mờ ám cả.
Kỳ thực thời tôi mộng tưởng những sự đâu đâu, lặn lội trong những cảnh hư huyền không thực nào: như tưởng tượng hai người cùng nhau đối diện đàm tâm, ở nơi xa khuất, người ngoài không biết, lại cùng nhau thơ thẩn trong rừng rậm, dưới bóng cây, nghe tiếng chim kêu vượn hót, v.v.; thôi thì bao nhiêu cái mơ màng ở trong óc một anh trai tân lúng túng loạn sạ cả, dại biết bao là dại, nhưng thú cũng thật là thú. Song trong bấy nhiêu sự mơ màng, chỉ có một sự thiết tha hơn cả: là làm thế nào mời được chị đi ăn cơm một hôm! Mời vào chỗ nào? Lấy tiền đâu mà mời? Thật chưa nghĩ tới, mà nghĩ cũng khó thay!... Nhưng mà trẻ danh dại muốn làm bộ trưởng giả, muốn bắt chước những thói bốc đời của bác giàu sụ kia, mời những bà mĩ miều đi ăn tiệc, đi coi hát, làm ra mặt hào hoa phóng khoáng, tự đắc, làm liền.
Thành ra nói chuyện gì rút cũng đến câu mời ăn:
- Này chị Mã thắc! Chị đi ăn cơm với tôi nhé? Chị đi ăn cơm với tôi thời tôi vui lắm. 
Lần nào chị cũng nói: «Thôi, tôi xin kiếu, tôi xin kiếu!» mà tôi thì cứ nằn nì: «Không, chị cứ đi, chị cứ đi!», thật là thằng đồ khốn chỉ hăm hở muốn lòe người, có nghĩ đâu đến câu rằng: «Mỗi ngày chỉ có hai hào của mẹ cho, nếu mà nó nhận đi ăn cơm thật thời làm thế nào??». 
Một hôm chị nhận lời thật:
- Ừ, thế được. Ngày mai, ở nhà Kim lâu khách sạn, đúng 12 giờ trưa.
Tôi nói:
- Tôi sẽ đợi đấy.
Bấy giờ máu tôi như đọng cả trong mạch máu, vậy mà còn cái can đảm lạ lùng dám cầm lấy đầu ngón tay chị hôn một cái để cám ơn, nói rằng: «Chị tử tế quá!»; trong lúc ấy thời đầu như búa bổ, ngực như trống thùng, lo lo sợ sợ, không biết lấy tiền đâu mà biệu được bữa cơm ấy bây giờ, bèn chợt nghĩ ra đến vay lão Lê-cự-yết năm mươi quan để bảo hàng cơm dọn bữa tiệc.
Tôi bước vào thời thấy lão đương loáy hoáy, sóa sóa viết viết, ở dưới ánh sáng trắng một cây đèn để ngay cạnh khuỷu tay; chắc là lão đương giả mạo sổ sách gì đây. Lão thấy tôi đường đột chạy vào, lão sửng sốt lên, đứng phắt giậy, mặt sám xanh, tay run cầm cập. Nói:
- Trời, rõ bậy chửa!... Trời, rõ bậy chửa!...
Tôi chắc lão tưởng là «sen đầm» vào bắt lão. Trông rõ rồi, lão tỉnh lại ngay; nét mặt lại dịu dàng vui vẻ, tủm tỉm cười mà nói:
- À! Cậu đấy à! Chào cậu! Cậu muốn cậy gì lão?
Tôi bèn kể sự tình cho lão nghe. Tôi nói rằng:
- Tôi phải mời một vị phu nhân ăn cơm khách ngày mai. Phải mất chừng năm mươi quan mà tôi không có một đồng xu nhỏ. Tôi biết rằng lúc nào cụ cũng sẵn tiền, chắc cụ sẵn lòng cho tôi vay. Cụ cho con vay, con xin trả cụ phân minh, con thề con xin trả cụ mỗi tuần lễ năm quan...
Lão nghe đến đây sắc mặt đã thấy biến, rồi làm ngay ra bộ não nùng, vừa nói vừa như người mếu máo:
- Năm mươi quan!... Trời ơi, tôi kiếm đâu được năm mươi quan bây giờ?... Cậu bảo tôi cho cậu vay năm mươi quan? Tôi ấy ư?... Hai ngày hôm nay tôi chạy khắp thành Paris không tìm đâu được năm mươi quan, cậu ạ!
Cái bộ mếu máo ấy tức là một cái xảo thuật giao tế của lão đó. Lão vừa nói mà vừa chảy ngay nước mắt ra được, rõ thật thằng bợm già! Lão khóc thành nước mắt thật, không phải nói bỡn, rồi xuống từng giọt thánh thót như hạt châu sa, tôi trông thấy mà cũng thấy não nuột trong lòng.
Sau tôi phải nói:
- Thôi xin cụ đừng phiền lòng. Con cũng biết cụ có bụng tốt muốn giúp con, chỉ vì cụ không sẵn tiền thôi.
Lão thở dài: 
- Trời ơi!
Rồi lão mới giở cái khóe sỏ lá của lão ra mà bày mưu hộ tôi, bấy giờ tôi chẳng hiểu là gì cả, đến sau nghĩ ra mới rõ là lão khuyên như thế này: Cứ cùng với phu nhân vào hàng biểu dọn tiệc, ăn uống đâu đấy rồi, đến khi nhà hàng chìa đơn lấy tiền, làm ra mặt hốt hoảng sửng sốt, như người mới đánh mất ví tiền, thọc các túi không tìm thấy đâu,... bấy giờ phu nhân tất phải động lòng, mở túi bạc mà nói: «Mình cần độ cái giấy một trăm nhé... Đây, cứ cầm lấy mà tiêu, rồi trả tôi sau cũng được...»; kế đó thật diệu! Tôi bảo các bác cái bụng lão già ấy chứa những đất bùn, chớ không phải chơi! - Tuy vậy, bước ở nhà lão ra, lòng tôi lại áy náy hơn là lúc bước chân vào, vì hai tay cũng vẫn vô xu!

IV

Người ta nói ngồi một mình hay nghĩ bậy.
Tôi tưởng ngủ không được lại bậy hơn nữa.
Hai giờ rưỡi sáng mới đặt mình xuống giường, tự lúc ấy cho đến lúc đạp chăn ngồi phắt giậy, chà chà! Giấc ngủ mới nghiêu khê chứ!
Gọi là giấc ngủ, tưởng cũng quá, vì nào có thành giấc đâu; kể đến mười lăm hai mươi giấc cỏn con, làm cho người như dừ, như dần, như bị đòn, bị đánh, mà trong trí thời nghĩ vẩn, nghĩ vơ, nghĩ vờ, nghĩ vật, nghĩ hảo, nghĩ huyền, nghĩ quanh, nghĩ quất, nghĩ ra cách nào cũng hay cũng tốt cả, mà xét ra cách nào cũng không làm được, nên lòng vẫn không yên.
Có lúc thời nghĩ gửi cái giây thép cho cô mà nói rằng: «Ngăn trở không thể lại được, xin đừng đợi nữa». Nhưng mà viết bấy nhiêu chữ rồi đọc thì thấy những nét chữ xanh đậm ở trên mảnh giấy giây thép xanh nhạt, cứ phai dần mãi đi, cho đến cùng một sắc với giấy, không đọc ra chữ gì nữa. Bấy giờ nửa mê nửa tỉnh, lẩm bẩm nói rằng: «Mình mộng mị rồi, phải ngủ đi mới được». Nói xong tưởng ngủ vất ngay đi được, ai ngờ chưa nhắp mắt được một phút đã thức giậy rồi, nằm ngửa trên gối, mắt trừng trừng nhìn vào chỗ bóng sáng cửa sổ. Lại lúc thời tưởng tượng mình với cô Mã đã ăn cơm xong rồi, ở trong khách sạn bước ra, hai người khoác tay nhau cùng đi. Thế còn cái đơn nhà hàng đã trả chưa!?... Ấy mới bé cái quên!... Có lẽ đã trả rồi mới ung dung đi ra như thế, nhưng ai trả? Tay thần nào trả giùm cho mình? Hay là mình đã điều đình với nhà hàng xong rồi chắc; hay là mình mê ngủ, cũng có lẽ! Bấy giờ càng nghĩ càng biết là mình mê ngủ. Rồi vụt cái: thấy trước mắt có một miếng sáng vuông tờ mờ (là cái ảnh cửa chớp); lại thấy dưới gối êm êm ấm ấm... Thế là mình lại tỉnh rồi! Thở dài một cái:
- Trời ơi!
Nhẩy trên giường xuống, người toát mồ hôi.
- Mấy giờ rồi?  - Ba giờ kém một khắc!... Thế ra mình ngủ có mấy phút đồng hồ sao?
Nhưng mà trong các mộng mị đêm hôm ấy, có một cái mộng nó ám ảnh tôi mãi không thôi, như một con ác vật gì nó cầm cái cưa mà cưa mình ra từng mảnh. Các bác chắc đã biết cái mộng ấy: là cái mộng tiền bạc trên trời mưa xuống như chút. Trước còn ít: một đồng, hai đồng, năm đồng, hai mươi đồng, sau đến trăm đồng, nghìn đồng! Mình trông thấy thế không lấy làm lạ, mà lấy làm mừng, chỉ lạ rằng người đi qua lại ngoài đường không ai trông thấy, duy có một mình, chạy ra nhặt lấy nhặt để, nhặt đầy bàn tay, để vào trong túi thời thấy túi đã đầy bạc tự bao giờ rồi, không biết bạc ấy ở đâu mà lại, hay cũng thiên thần đem xuống! Bấy giờ nhét vào túi quần áo, dần dần cũng đầy hết cả, vui sướng quá, rùng cả mình, bụng bảo dạ rằng: «Thôi, thế này thì thừa đủ». Nhưng mà đương lúc ấy thầy dần dần cái mộng phai nhạt đi, rồi tối sập xuống, không trông rõ nữa. Trong lòng lại thấy áy náy, sợ hãi, như sợ mình mơ mộng mà ngỡ là thực... Sự sinh hoạt như bị ngất đi một lúc, bây giờ lại hồi lại, chỉ còn lại một chút mơ màng như đám sương mờ chưa tan hết mà thôi; càng tỉnh ra mới biết rằng: - Thôi mình mơ ngủ rồi!
Mơ ngủ mà nào có ngủ đâu!
Trời ơi! Đêm thế mới gọi là đêm!
Một đêm ít đến mười lần như thế, đương mộng mị chợt tỉnh dậy, đương tỉnh thức lại mơ màng.
Vẫn biết rằng sáng ngày ra chỉ đánh cho cô Mã cái giây thép mấy chữ: «Xin đừng đợi, tôi bị ngăn trở, không lại được», thế là xong chuyện. Nhưng mà khốn nạn, giống người lại là giống tự tôn tự đại! Người ta đã có tính tự đại tự tôn, cũng không thể nhất đán khước bỏ đi được. Để cho cô Mã ngờ mình là thế nọ hay thế kia ư? Để cho cô ấy biết rõ sự tình mà đem lòng khinh mình ư?
Không có đời nào chịu thế rồi!
Nghĩ đến thế cũng đã xôn xáo trong lòng lên rồi; nào sợ mình mất danh giá, nào sợ người ta cười, nào sợ người khinh là con trẻ, nào sợ người mỉa là không tiền, thật là đường kia nỗi nọ ngổn ngang trong lòng! Với lại trừ cái khoản tiền, khoản đó tựa hồ như không cần phải đề cập đến nữa, chỉ nghĩ đến rằng mình sẽ được ngồi đối diện với cô Mã, thế là cũng đủ quằn quại trong lòng, băn khoăn tấc dạ, đến thành ra đau bụng được! Thật! Không có cái ương ngạnh nào tệ bằng cái ương ngạnh thằng khờ, vì ương ngạnh mà không biết rằng ương ngạnh, vô tài vô lực, ngu xuẩn u mê mà vẫn cứ khăng khăng không chịu, thậm chí đến suốt đêm trằn trọc mà hễ mỗi lần phảng phất nghĩ đến câu: «Thế nào, tiền? Biết kiếm tiền ở đâu bây giờ?», thời lại hình như nghe thấy tự mình văng vẳng đáp lại: «Tiền? Có tiền! Không phải lo!».
Mà quả có tiền thật, có tiền ngay ở đây, chỉ bước hai bước, sang bên buồng kia, là có tiền ngay, khó gì!
Ôi! Cái rương con bằng gỗ trắng kia, không có khóa vặn, không có then cài, ấy chính là chỗ mẹ tôi ngày ngày kiếm dư dật được đồng nào kí cóp để vào đó!
Sự cám dỗ nó mạnh quá tôi không thể chống lại được.
Tôi đứng giậy, tới đẩy cửa, sè sẽ cho cửa không kêu, rồi tôi dón dén bước vào, tay run như thằng ăn trộm, đến gần cái giường, mở nắp ra, thò vào lấy ra một cái giấy bạc một trăm quan. Nhưng mà khốn nạn cho tôi, tôi làm sự gian ác ấy tôi đau đớn quá, vừa làm vừa ngậm hơi nín tiếng, lại sợ mẹ tôi thức giậy biết, hầu như ngất người đi, thành ra tự bấy giờ đâm trứng đau tim, đã ba mươi năm nay chữa không khỏi, rồi cũng có ngày ngất đi lần nữa mà chết lăn ngay ra đây như cái bọt sà phòng tan, cũng không biết đâu!

V

Hôm sau tôi đến chỗ hẹn trước hai mươi phút, thấy chị chưa tới đấy; tôi đã hơi lấy làm lạ. Tôi vào có hai tên bồi ra đón.
Một tên đến gần tôi để chực sai.
- Thưa ngài sơi cơm?
- Lát nữa, tôi còn đợi người khách.
Tên bồi cúi đầu lùi ra.
Kể là anh bồi, những mà ra giáng trưởng giả lắm; thái độ nghiêm trang, không khác gì một ông sứ thần. Hắn giơ tay chỉ cho tôi một cái bàn hai người, ở gần cửa chớp, nói:
- Ông với Bà ngồi đây thời tốt lắm.
... Với Bà!
Thằng cha tinh phạm; mình nghe nó nói mà phục là con người tinh đời, lại nghe nói thế mà sướng nở mũi lên. Bèn trả lời:
- Được.
Tôi ngồi vào cái bàn hắn chỉ cho ấy, và trong năm phút đồng hồ tôi thấy có cái cảm giác êm đềm thanh thú lạ: là cái cảm giác con người ăn sung ở sướng trên đời.
Chao ôi! Còn cảnh nào đẹp bằng cảnh thành Paris buổi sớm, có mặt trời! - Nhìn ngay trước mắt là trông thấy cái cảnh vui vẻ sầm uất ấy; biết bao nhiêu là hạng người ngổn ngang trên đường cái, kẻ đi người lại, ô trắng dù xanh, thấp thoáng qua cửa kính, loang loáng bên sườn những xe cộ sơn đen: đó là cái cảnh sán lạn bên ngoài đường phố; nhìn đến trong nhà hàng, trên bàn ăn, lại ra một cái cảnh sán lạn tinh tế hơn nữa, nào là những đĩa bát men trắng chỉ vàng lấp la lấp lánh; nào là những bình cốc thủy tinh pha lê, phản chiếu ánh áng; cho đến những cái mạng cầu bằng kim tuyến bọc quanh những cái bình muối xắc xanh ngắt như màu nước bể. Nhìn vào chỗ góc trần thời thấy bóng cái cốc rượu «áp sanh» tôi vừa bảo lấy để nhắp trước khi ăn cơm cho ra cách lịch sự, mỗi lần xe ngựa chạy ngoài đường, cái cốc lại rung động, bóng trên trần cũng nhấp nhánh như con bướm to đập cánh bay một chỗ. Trong năm phút đồng hồ ấy tôi thật đã được tận hưởng cái lạc thú nhân sinh.
Lại thứ nhất là được cái vui này nữa: tôi có hỏi cái biểu kê đồ ăn để giả danh là lựa món ăn, nhưng kỳ thực để cho biết giá, thời thấy cái giá biên đấy với cái giá mình tưởng tượng có khác nhau. Mình chưa ăn hàng bao giờ, thật thà tưởng mỗi khoanh dồi họ tính đến đồng bạc! May sao, nhìn qua một lượt, thật thấy tỉnh người. Một bữa cơm lịch sử bất quá đến hai đồng, ba đồng là cực điểm.
Chỉ phiền là sao mãi không thấy có khách mình đến. Mười hai giờ trưa đã đánh rồi, mà khách vẫn chưa thấy tăm hơi; rồi đến mười hai giờ một khắc, cũng không thấy người đến. Trong bụng đã thấy xôn sao kinh ngạc:
- Quái! Nó làm gì mà không thấy đến? Không biết nó làm cái gì ở nhà?
Năm sáu lần thấy xe đỗ ngoài thềm: nhìn thấy những ống chân bịt tất của đàn bà nhẩy trên xe xuống, nhưng trông lên thời là mặt mũi những ai ai cả. Ôi! Không cái gì khổ bằng cái khổ chờ đợi, lại thêm những nông nỗi hấc lờ mới bực mình chớ! Lòng hi vọng biết bao nhiêu lượt bị kích thích lên, lại biết bao nhiêu lượt bị thu giẹp xuống! Như trông thấy đôi giầy vàng quen hạ xuống bậc xe, rồi đến mảnh quần vẽ hình miếng chàm to cũng là mảnh quần quen... tưởng là sắp thấy mặt người quen, ai ngờ lại là mặt những khách đâu đâu! Lại nhìn mặt chú bồi bàn, như có ý cười thầm mình, mà hễ thấy mặt mình thời trông lảng đi, sợ mình hiểu ý họ muốn chế nhạo rằng: 
- Thôi! Thôi!... Lại sai hẹn mắc lừa rồi!...
Đồng hồ vừa đúng mười hai giờ rưỡi, chú bồi lúc nãy lại đến gần tôi, lại hỏi câu lúc nãy một cách rất cẩn trọng nghiêm trang:
- Thưa ngài sơi cơm?
Tôi trả lời ra cách nói sẵng:
- Tôi đã bảo chốc nữa mà!
Nhưng lúc anh ta bước ra, tôi lại gọi lại hỏi:
- Này, bồi, từ nãy có ai hỏi tôi không?
Anh ta trả lời: «Thưa không», một cách rất êm đềm kín đáo, ra dáng người đã quen cái nội dung các trò đời, có thể lấy lời giễu cợt mà nói với mình, nhưng không, vẫn hết sức cung kính, thấy thế tôi cũng có bụng yêu. Nghĩ cũng thương tình anh chàng này, mình ở đâu đến ngồi chiếm mất một cái bàn mà chỉ dùng có một hào rượu, ít ỏi quá, tôi bèn bảo:
- Ừ, mà dọn ăn đi! Muốn dọn gì cũng được, không cần. Bánh mì, «cốt lết» (côtelette).
Chắc anh ta cũng hiểu sự tức mình của tôi, vì vừa đẩy cái đĩa sứ có hiệu nhà hàng vào trước mặt tôi, anh ta vừa nói nhỏ rằng:
- Dễ bà se mình không tới được.
Tôi làm ra bộ không cần, đưa hàm không trả lời; nhưng kỳ thực vẫn còn mong mỏi, tưởng như giữa lúc mình không ngờ, chị ta ở đâu đến, tủm tỉm cười mà chạy lại mình chăng. Nhưng mà đến lúc kim đồng hồ đã đánh một giờ, bấy giờ mỗi miếng ăn như có vị cay đắng, bấy giờ mới biết rằng chị thật không tới, và từ hôm qua đến nay chắc có xảy ra sự gì phi thường.
Sự phi thường cũng có lẽ; nhưng mà sự gì?
Bèn nghĩ quẩn nghĩ quanh: hay là mắc bệnh, hay là ốm đau, hay là tự tử, hay là bị giết, hay là bị đứa nào bắt cóc mất?? Trong óc nóng lên bừng bừng, tơ tưởng những sự cuồng dại, như óc đứa con trẻ đa cảm mà lại có bụng tốt.
Cố cầm lòng lại, nhưng sau cực quá, không thể sao được. Gọi bồi trả tiền ăn, rồi nhảy lên xe đi.
Cô Mã Liên ở đường Mạnh Mã Thắc, tôi còn nhớ đâu số nhà 26, ở vào từng gác thứ ba. Tôi bấm chuông. Mụ già ra mở cửa.
- Cô Mã Liên ở đây có phải không?
- Phải.
- Cô có nhà không?
- Cô tôi đi rồi.
- Đi rồi!...
- Thưa vâng.
- Đi bao giờ?
- Sớm hôm nay!
- Thế à!
Tôi ngừng một chốc, rồi hỏi rằng:
- Này! Thế buổi sáng hôm nay lúc cô đi ra, cô mạnh khỏe chứ?
- Thưa vâng. Vẫn mạnh khỏe chứ. Sao vậy?
- Hỏi để biết thế. Này, thế già có chắc từ hôm qua đến giờ cô không có sự gì cả chứ? Không có việc gì ngăn trở? Không có việc gì ngộ biến? Không có tin tang tóc gì ở nhà? Không có gì cả chứ?
- Tôi không thấy có chuyện gì cả.
- Được. Tôi cám ơn.
- Con xin chào ông.
Cửa đóng lại. Tôi đứng lặng một mình.
Quái! Ốm không! Chết không!... Thế thời là chuyện gì? Cớ sao lại không đến?
Suốt ngày hôm ấy tôi như quằn quại trong lòng, chiều đến vội vàng chạy đến nhà Tân kỳ hý viện.
Nhà hát ở vào góc đường Nhà Máy nước, lúc vừa quanh con đường ấy thời tôi chợt mê người đi, hoảng hốt như trông thấy rào sắt đóng và trên cái bảng yết thị để ngang mấy chữ to tướng:

NGHỈ HÁT

Trán tôi toát mồ hôi, quả tim tôi đau như dần, đập chuyển động cả, ngực như nghe thấy từng tiếng lốc bốc; không thể đi được nữa, tôi phải dừng lại nghỉ một lát.
Tới nơi thời không thấy gì lạ cả, vẫn như thường hết. Trên cái khuôn cửa cuốn ở chỗ đường vào buồng Kiểm vé vẫn thấy sáng quắc bốn chữ to Tân kỳ hý viện, và ở dưới thời một tờ yết thị tướng giấy đỏ mực đen, đọc thấy rõ ràng tên cô Mã-Liên-nê.
Đến nơi thở hồng hộc như người chạy nhọc.
Trong nhà hát vừa mới bắt đầu diễn hồi thứ nhất. Qua cái trấn song ngăn buồng cà phê của nhà hát, còn nghe thấy tiếng rung chuông ánh ỏi gọi khách.
Tôi vội vàng bước vào. Đi qua cửa nách, vào sau sân khấu, đẩy các cửa ngăn, bước vào tới nơi, trông thấy hình ảnh mĩ nhân, vui sướng vô cùng.
Cô Mã Liên đương uốn éo nhẩy trước cái gương, có bà anh chàng công tử nào đứng xem, nói bẩn nói bỡn, và con mắt nhìn tròng trọc.
Phải biết cho chị rằng chị đối với tôi vẫn tử tế lắm. Mắt chị tuy cận thị mà tinh phạm, nhấp nháy mà nhìn mau lạ, khác nào con mắt anh chơi đồ cổ trông thấy cái đồ quí biết ngay nó quí về cái gì; vậy tôi vừa bước chân vào, chị đã trông thấy ngay. Chị liền quay mặt lại tôi, mặt chị bao giờ cũng tựa hồ như tủm tỉm cười, thấy tôi thời lại tủm tỉm hơn lên chút, và khẽ gật chào.
Song chị chào, tôi không đáp, chị lấy làm lạ. Hai con mắt chị lim dim lại, trông chỉ như hai nét mực đen mà chung quanh sầm sẫm, như con mắt có ý tìm tòi.
Chị còn đứng xa, hỏi to lên rằng:
- Thế nào? Có chuyện gì đấy?
Tôi chưa kịp trả lời, chị ngoảnh lại với ba chàng kia nói: «Cho tôi vô phép, chạy ra một tí», rồi chị chạy lại tôi, mặt vẫn tủm tỉm cười:
- Thế nào? Cậu có gì hỏi tôi?
Tôi phàn nàn trách chị, nhưng giọng vẫn âu yếm, không có chua cay:
- Sao trưa hôm nay mình không lại?
Chị đáp lại một cách rất là tự nhiên, không thể ngờ là lời nói bỡn:
- Lại?... Lại đâu?
Tôi nói:
- Lại đâu thì biết đấy.
- Tôi ấy à?
- Mình thử nhớ lại xem... Chiều hôm qua ấy mà... Ở ngay chỗ này mà...
Chị ra dáng không hiểu gì cả. Tôi phải nói rõ:
- Chiều hôm qua mình đã có bụng tốt nhận lời trưa hôm nay đi ăn cơm với tôi mà.
Nhắc đến đấy, chị vơ vẩn nghĩ. Hai bà lần chị lắp đi lắp lại câu tôi vừa nói, như cố nghĩ xem có nhớ không:
- Đi ăn cơm?... Đi ăn cơm với cậu?...
Vụt vỗ tay nọ vào tay kia, cười cười nói nói:
- À, tôi nhớ rồi. Phải! Té ra tôi quên hẳn đấy.
Thế rồi nói thêm một câu:
- Cậu thứ cho tôi, nhé? Tôi có mấy ông khách đợi.
Ấy đó!
Thế là mình mất một trăm quan - mà một trăm quan ấy lấy ở đâu, Trời ơi - mất hai mươi bốn giờ đồng hồ những lo những sợ, nào khổ nào nhục, lại mất mấy tuần lễ chỉ chăm chăm chí chí không một giây phút nào là không nghĩ tới Hằng Nga! Chắc là tôi cũng không nghĩ đâu rằng hắn có ái tình gì với tôi (con trẻ còn hăng hái chỉ biết yêu người, chớ không hề mong người yêu), song dù không thương yêu gì, tưởng cũng có ơn nghĩa chút đỉnh, và mình đã chu chi đem tấc lòng làm như cái ổ ấm áp để cho con chim xanh kia nó nằm, tưởng nó nằm ấm không nỡ đâu đến quên mình; ai ngờ!... Ai ngờ nó có thiết chi! Bấy giờ tôi mới tỉnh ngộ, lấy làm đau đớn tức tối vô cùng, như người mới bị tàn nhục đánh đập vậy. Thấy trong người như rơi đổ loảng soảng không biết mấy trăm nghìn những cái vật gì mỏng mỏng mảnh mảnh như đống pha lê thủy tinh chạm vào nhau vỡ tan nát vậy. Khác nào như người mê ngủ mới mở mắt ra, trông rõ cái vô hạn, bạc tình, vô hạn độc ác, - bạc tình mà tự nhiên, độc ác không cố ý - của một người đàn bà vốn nó không hiểm độc, miệng nó vẫn tươi cười, mà nó làm được cho người ta khổ đến thế!
Đương lúc bấy giờ thấy người gọi hát đứng ở cửa phòng gọi thét vang cả cửa kính cửa chớp:
- Mụ La-Sát đâu ra trò, mau lên!
Mã Liên bấy giờ mới đứng giậy đi ra cửa, không có ý vội vàng gì, vừa đi vừa nói:
- Tôi ra đây!
Đi ngang qua tôi, hắn dùng cái khuỷu tay trấn vào người tôi, nói:
- Vô phép cậu!
Vừa nói vừa tủm tỉm cười, vẫn cái cười âu yếm, cái cười êm ái mỗi buổi chiều.
Máu tôi bấy giờ bừng bừng lên, nghĩ đến cái nhục mình trẻ tuổi nó khinh nhờn, hình như cái nhục ấy nó kêu oan mà bảo mình: - Nhẩy vào mà tát cho nó một cái! - lại nghĩ đến cái lòng chung ái thành thực của mình mà nó không thèm đoái hoài đến, hình như cái lòng chung ái ấy cũng xui mình: - Nắm lấy mà rập đầu nó xuống!
Tôi phân vân không biết nên tát cho mấy cái hay rầm đầu xuống đánh, nhưng tôi bẩm tính ôn hòa, nghĩ lại chỉ có một cách hả giận: là khóc! Bèn lui lủi dón dén bước ra, lẻn vào trong một cái ngách tối, tay đặt vào tường, trán để lên tay, rồi khóc, khóc âm khóc thầm, khóc thảm khóc thiết, không đến giờ lâu, khóc nỗi tiền mất, hoa hoài, mà hạt châu châu đem ném cho đồ chó lợn... 
HỒNG NHÂN dịch

Xem Tiếp: ----