Phần II

     ạ Quỳnh như được tình yêu tiếp thêm sinh lực, càng ngày càng rạng rỡ, yêu kiều. Nhưng việc học tỷ lệ nghịch, càng ngày càng yếu. Tôi nhắc nhở thì cô cười chống chế:
 -- Con gái mà học giỏi quá, mai mốt ế chồng. Bồ lúc nào cũng học với học, coi chừng đó.
Một mặt tôi mừng cho hạnh phúc của bạn, mặt khác tôi hơi chán vì cô ấy không còn hứng thú với những câu chuyện mà chắc cô cho là chỉ dành cho trẻ con của tôi nữa. Những lúc ấy cô chỉ nghe chiếu lệ, ậm ừ trả lời mà đầu óc thì lang thang nơi khác.
Trong đầu cô giờ chỉ có “anh Quang” và tình-yêu là hai chủ đề đáng nói thôi. Tôi vẫn chịu khó nghe cô thủ thỉ kể chi tiết lúc hai người hẹn hò, từng câu trao đổi, bài thơ anh Quang viết tặng về mái tóc thề,nụ cười e ấp, giọng nói như điệu hát Nam Ai...về cảm giác của cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn phớt trên má....Vì thực ra tuy tôi rất sợ “có bồ “ nhưng cũng tò mò, cái tò mò của tuổi mới lớn.
Giống như một vùng đất hoang sơ lạ lẫm vừa thu hút vừa khiến ta ngại ngần dấn bước. Thôi thì thẹn thò kiểu của thi sĩ Hồ Dzếnh:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân....
....Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đổ
Cho nghìn sau lơ lững với nghìn xưa.
Tôi nói điều này với bạn,thì cô ấy chỉ lắc đầu tặc lưỡi:
 --Bồ còn lãng mạn gấp mười lần ta nửa, có điều cái lãng mạn của bồ là cái siêu thực, ảo mộng, muốn đạt tới Chân, Thiện, Mỹ. Ta e là trên đời này không dễ đạt được đâu.
--Thì chính vì ta cũng nghĩ như vậy nên ta không dám yêu đó. Thà là ta cứ thần-tượng-hoá một người không có thực còn hơn là bị vỡ mộng. Thử tưởng tượng một chàng tuổi trẻ phương phi tuấn kiệt,hào hoa phong nhã, đàn hát tài ba... mà bị bịnh cảm cúm lúc dẩn ta đi chơi đang lúc ăn kem nhìn nhau tình tứ bỗng sổ mũi rút khăn ra hỉ mủi rồn rột thì còn gì là thơ mộng nửa. Tệ hơn, có thể chàng còn mắc chứng hắc lào gì đó...
--- Ha ha ha, bồ làm ta cười chết đi được. T.H dí dỏm quá. Mà đó là chuyện tự nhiên ai mà không có lúc bị bịnh. Nhỡ chính bồ là người bị sổ mũi thì sao?
Hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẽo với hình ảnh kém thi vị vừa gợi ra.
Tóm lại cả hai chúng tôi đều bước vào đường yêu, nhưng mỗi người theo mỗi lối riêng. Dạ Quỳnh thì tìm được một nửa của mình bằng xương thịt nơi trần thế. Còn tôi thì yêu một người do mình tự tạo, ở góc nào đó trên vườn Eden mà chính tôi cũng chưa tương ngộ bao giờ. Tôi mượn hai câu thơ của thi sĩ Tạ Chí Thiện để nói dùm tâm trạng tôi (lúc đó), chỉ đổi danh xưng: 
Có phải anh là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim
May thay, nhiều năm sau này khi tôi bớt lý-tưởng-hoá cuộc đời thì tôi đã gặp một người chồng tuyệt vời với Nghĩa và Tình trọn vẹn, chứ không thì tôi thành một bà cô già chua chát rồi còn đâu. Vì mình đòi đối tượng phải hoàn hảo mà chính bản thân thì khuyết điểm đủ đường!
Mùa hè đến. Cũng là mùa thi. Riêng lớp chúng tôi chuyển qua Đệ Nhị Cấp,  đệ tam (lớp 10) không phải thi nên cũng nhàn hạ.
Mối tình của Dạ Quỳnh càng thắm thiết với thời gian. Anh Quang của bạn tôi thi đậu Tú Tài 2, chuyển lên Saigon học tiếp Đại học Khoa Học. Hai người viết thư tình cho nhau đều đặn. Ba mạ Dạ Quỳnh biết chuyện nhưng không ngăn cấm, chỉ khuyên là phải lo học để kiếm một cái nghề sau này nuôi thân. Lần nào được thơ thì cô ấy đem vào đọc cho tôi nghe, hai má hồng lên khi tới những đoạn tình tứ. Tôi cũng vui lây.
Thời gian êm đềm trôi theo đời học sinh thêu hoa dệt mộng. Tới bãi trường năm đệ tam, tôi hết được rảnh rang ngồi làm thơ viết truyện tình mà bắt đầu theo các lớp luyện thi Tú Tài 1. Mục đích gần của tôi là phải thi đậu để tiếp tục học lên cao, không uổng công ông bà ngoại ba má hy sinh cực khổ nuôi nấng. Rồi từ đó mới có thể tiến bước qua mục đích xa hơn là đi du học – mà phải là du học Thuỵ Sĩ cơ—Không hiểu vì sao tôi lại thích quốc gia Thuỵ Sĩ từ thời ấy, có lẽ từ những bài học về địa lý thế giới mà thầy giảng, một quốc gia trung lập,thanh bình với núi rừng, sông hồ tuyệt đẹp và cơ cấu tổ chức chính phủ đặc biệt, tôn trọng ý kiến và chăm lo cho dân hết mực.
Tôi yêu quê hương và gắn bó với gia đình, nhưng luôn ôm mộng được học hành và sống trên xứ sở phù hợp với lý tưởng của mình.
Nhiều năm sau tôi thực hiện được nguyện vọng nhưng không phải bằng con đường du học mà bằng việc xách valise theo chàng về dinh.
Trong thời gian ấy, tôi bắt đầu chú ý về chiến tranh, nhưng chỉ giới hạn ở chỗ nhìn thấy thỉnh thoảng có các cuộc hành quân thì nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng, caribou...lên xuống ầm ỉ ở phi trường tỉnh, hoặc từng đoàn xe thiết giáp, xe jeep, xe GMC chở quân chạy ngang nhà. Có đôi lần nghe tiếng đại bác bắn, xa xa vọng lại. Hoặc nghe tin tức qua radio, đọc báo. Hoặc khi các người lính trở về sau cuộc hành quân, tràn ngập trên phố. Nhìn thấy họ rất hiên ngang nhưng cư xử lễ phép với người lớn, vui đùa với trẻ con, nét mặt hiền hậu (có điều các anh ấy khi gặp các nữ sinh thì thái độ khá đa tình, giống như mọi chàng trai trẻ khác. Chính bản thân tôi cũng nhiều lần bị các anh đi theo làm quen khi đi học về, khiến tôi sợ xanh mặt, tay chân run rẫy).
Sắp tới hè chuẩn bị thi Tú Tài 1, tôi ngày đêm chúi đầu vào sách vở trong khi Dạ Quỳnh thản nhiên như không. Hình như chuyện yêu đương đã choáng hết tâm trí cô ấy rồi.
Kết quả kỳ thi năm đó Dạ Quỳnh rớt, cô cũng không buồn lắm, nói:
--Mình sẽ xin đi học y tá hoặc cô giáo dạy các em lớp tiểu học, mộng của mình bình thường thôi, mình muốn như bao người phụ nữ khác....
--Như bao phụ nữ khác là thế nào? Là “mống chuồn” đó hả?
Cô đỏ mặt,giơ tay đánh vào vai tôi:
--Chà bồ cũng biết nói lái nửa đó, ghê thật.
--Bồ ghê thì có, chưa được mười tám tuổi đã toan tính chuyện lấy chồng rồi.
Thế là hai chúng tôi không còn chung trường chung lớp, gặp nhau hằng ngày nửa. Tôi theo người chị lên Saigon học tiếp lớp đệ nhất, vì chị tôi vào đại học, ba má tôi không muốn chị tôi thân gái một mình. Dạ Quỳnh phải sang tỉnh khác có khoá đào tạo y tá. Chúng tôi liên lạc qua thư từ, chỉ dịp tết về nhà thì chúng tôi mới gặp nhau.
Mối tình của Dạ Quỳnh càng sâu đậm. Giờ cô ấy học xa nhà nên thỉnh thoảng lén lút cuối tuần trốn lên Saigon gặp anh Quang, hai người đưa nhau đi dạo phố ăn kem hoặc vào rạp Rex xem phim Cleopatre do Elisabeth Taylor đóng. Lúc đó cô cùng người yêu có ghé qua nơi tôi trọ để thăm.
Cô có vẻ khôn ngoan già dặn so với tuổi. Trong cái nhìn của cô ấy, tôi chỉ là một cô gái ngây thơ khờ khạo, chỉ biết sách vở chứ chả có chút vốn sống nào. Tuy vậy chúng tôi vẫn giử được tình thân thiết như ngày xưa.
Một năm sau, tôi giờ là cô sinh viên năm thứ nhất Văn Khoa Saigon. Cái mộng du học không thành vì tôi không đủ tiêu chuẩn, Dạ Quỳnh năm cuối khoá y tá.
Một hôm tôi nhận được thơ Dạ Quỳnh thông báo là gia đình anh Quang đã lên tiếng dạm hỏi, được ba mạ cô đồng ý chỉ còn chờ cả hai ra trường: người đi dạy, người làm trong bịnh viện là cưới.
Tưởng mọi sự an bài theo ý định của con người, nhưng cuộc đời không là quyển tiểu thuyết mà ta có thể viết như mong muốn. Dạ Quỳnh chưa kịp mặc chiếc áo trắng của cô y tá lẫn áo trắng tinh khiết của cô dâu thì Tháng Tư Đen làm chia ly tan tác mọi gia đình. (Tôi không cần phải tả lại giai đoạn này nửa vì ai cũng quá thấu hiểu). Chị em tôi thu xếp quần áo sách vở lếch thếch về quê.
Tôi chạy đại vào tiểu khu tỉnh tìm gia đình Dạ Quỳnh thì chỉ gặp những khuôn mặt lạ lẫm. Người cũ tứ tán đâu hết. Tôi mất liên lạc với cô luôn, đoán hay là gia đình cô trở về Huế? Hay đã kịp theo tàu nhỏ chạy ra biển lên hạm đội của Hải Quân mà di tản rồi? Tôi cũng không hề gặp anh Quang, gia đình của anh thì tôi không quen biết nên không thể hỏi tin tức từ ai được.

 

25 năm sau.
Tuy muộn màng, nhưng giờ đây tôi đã đạt được hai ước mộng thời con gái: hạnh phúc bên người chồng hiểu biết, nhân hậu và sống trên xứ sở Thuỵ Sĩ đẹp như trong carte postale từ 10 năm nay.
Tuy nhiên vẩn còn thấy thiếu, vì không có gia đình và bạn xưa bên cạnh. Tôi luôn nhớ Dạ Quỳnh, tự hỏi bây giờ cô ở đâu? Sao cô biến mất khỏi đời tôi không hề để lại chút dấu vết nào?
Rồi Đức Phật như hiểu thấu lòng nên cho tôi toại nguyện
Thường mỗi khi chuông điện thoại reo là chồng tôi bắt máy, hôm ấy
 anh nghe rồi trao cho tôi, nói:
-- Có ai gọi em đó, xưng là bạn em.
--Allo? Tôi hỏi
--Chào T.H, biết ai đây không? Tiếng trong máy nghe reo vui
--Xin lỗi, ai vậy?
--Không đoán ra à? Giọng nói chuyển sang âm điệu xứ Huế
--Ô, Dạ Quỳnh phải không?
Tiếng cười dòn tan:
--Mình đây chứ còn ai.
Tôi gần như hét lên khiến chồng tôi giật mình tưởng tôi điên. Tôi hỏi dồn dập khiến cô không biết phải bắt đầu từ đâu. Mừng vui khôn xiết.
Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 3 giờ. May mà lúc ấy ngành viễn thông đã có tiến bộ gọi bằng thẻ nên tiết kiệm chứ không thì cô phải nhịn ăn mất hai, ba tuần tiền chợ.
Cô kể rằngcuối tháng 4 năm ấy, khoảng ngày 28, cô đang ngồi trong lớp học thì gia đình gởi đứa em trai kế của cô lại trường tìm bảo cô thu xếp quần áo sách vở về nhà ngay tức khắc không được chậm trễ, nói đây là lời ba dặn phải bằng mọi giá đón xe về nội trong ngày. Hiểu tình hình đã vô cùng trầm trọng nên mới có sự gấp rút như thế. Khi hai chị em về tới tiểu khu đã chiều tối. Bước vô căn phòng dành cho gia đình cô ở, mạ và các em nai nịt gọn gàng, mấy ba lô túi xách nằm trơ trỏng, mạ thở ra như trút nổi lo âu khi thấy hai chị em cô:
-- Mạ lo từ sáng đến giờ, chỉ sợ hai đứa về không kịp hôm nay.
 – Mạ, có chuyện gì vậy? Mình chuẩn bị đi đâu thế?
 Mạ nhỏ giọng thì thầm, phải kê sát tai mới nghe rỏ:
-- Suỵt đừng nói lớn, mấy em con nó nghe không tốt. Rồi giả bộ nói to lên:
-- Chờ ba về chở mạ con mình ra bến xe về Huế thăm ông bà.
Mạ kéo cô ra sau, và nói là lát nửa ba chở mấy mẹ con ra bến, tàu của Hải quân đang đậu ngoài ấy sẽ đưa ra biển, có hạm đội lớn đón đi.
--Hả? Mình sẽ bỏ nước mà đi luôn hả mạ? Ba cũng cùng đi với mạ con mình? Cô thảng thốt hỏi
--Không đâu, chỉ mấy mạ con đi thôi. Ba ở lại cùng đồng đội. Mạ oà lên khóc nức nở.
Thế rồi cuộc sinh ly tử biệt cũng đến. Ba về ôm hôn từng đứa con, ôm mẹ thật lâu trong cánh tay. Lần đầu tiên Dạ Quỳnh thấy ba khóc. Lòng cô tan nát gấp đôi vì không gặp người yêu. Ba nói để ba nói chuyện với gia đình anh Quang, cô viết vội vài dòng nhắn lại.
Bỏ qua những chi tiết mà nhiều cuộc điện đàm tiếp theo chúng tôi mới đủ thời gian kể lể, cô vắn tắt là mẹ con cô sang Mỹ, các em đều đổ đạt thành tài. Còn cô chỉ học thêm vài năm chi đó cố thi lấy cái bằng y tá rồi vào làm trong bịnh viện đến tận giờ để phụ giúp mẹ nuôi các em và đại gia đình bên Vietnam. Phần ba thì đi cải tạo 12 năm, sau mẹ con cô làm giấy bảo lãnh giờ cũng sum hợp gia đình. Mẹ còn khoẻ, nhưng ba thì bịnh yếu nhiều.Cách nay 9 năm, cô mới lập gia đình, có hai con gái 8 và 6 tuổi.
Tôi hỏi:
 --Thế chồng bồ là...?
-- Không phải anh Quang mô, người khác.
Ba cô trước khi vào trại cải tạo có đến gia đình anh Quang, chỉ gặp ba mẹ anh còn anh vẩn kẹt ở Saigon chưa về nhà. Sau 12 năm, thì ba cô phải về nguyên quán ngoài Huế sống, không liên lạc được với họ nên mất dấu luôn. Bên Mỹ cô thử gởi thư nhiều lần mà chẳng bao giờ có hồi âm. Cô nghĩ chắc họ cũng vượt biên.
Cô chờ đợi 16 năm, vẩn không tin tức gì.
--Mạ nói con gái có thời, mà chồng mình đã theo đuổi mình từ khi hai đứa mới sang đây. Anh biết tình yêu của mình dành cho anh Quang nhưng vẩn bền lòng nên cuối cùng mình chấp thuận làm vợ anh. Anh là người tốt, nhưng hình như ngọn lửa tình mình đã trao hết cho anh Quang rồi nên giờ đây mình sống với anh vì nghĩa vì tình thương chứ không thể nào giống tình yêu mà mình cảm nhận như với anh Quang được.
--  Trời, bồ chung tình dữ đa.
Cô mới cùng chồng con về VN thăm gia đình bên chồng, nhân dịp ghé tìm tôi mới hay tôi đã sang bên này. Ba má tôi cho địa chỉ và số điện thoại nên cô gọi cho tôi.
 – Vậy trong 25 năm, sao bồ không gởi thư về nhà ta?
--Lúc đầu thì ai mà dám gởi thơ từ gì. Vài năm sau ta có gởi thì địa chỉ đã thay đổi đâu còn tên đường phố cũ. Ta không nhận được hồi âm, rồi có người qua sau đồn rằng gia đình T.H đi kinh tế mới hết trơn.
Dạ Quỳnh cũng đi tìm anh Quang nhưng hàng xóm nói gia đình anh dời nhà đi về miền Đông từ lâu rồi. Giờ người mới họ không biết gì hết.
--Nhưng mình sẽ không bỏ cuộc đâu, Dạ Quỳnh nói thêm. Mình có liên lạc với nhiều người quen, bạn cũ để lại số điện thoại và địa chỉ để nếu họ có tin gì thì cho mình hay.
--Bồ vẫn yêu và nhớ ảnh à?
--Ừa mình không quên được, nhất quyết phải tìm cho được ảnh.
--Nếu tìm được thì bồ làm gì? Bỏ chồng để trở về với anh à? Chưa kể chắc chắn là anh đã lấy vợ rồi nữa.
Dạ Quỳnh ngập ngừng:
--Chưa biết sẽ thế nào, nhưng trước nhất là phải tìm được anh rồi tính tiếp.
Vợ chồng tôi có qua Mỹ thăm vợ chồng Dạ Quỳnh và ngược lại.
Anh Tiến chồng Dạ Quỳnh là người hiền hậu, dáng gầy tóc bạc nhiều, hơi khép kín, ít biểu lộ tình cảm qua lời nói hay cử chỉ. Nhưng rất nhẹ nhàng lịch sự trong giao tiếp với bạn của vợ. Làm việc trong ngành vi tính:
--Ông đi làm thì thôi, về tới nhà là ru rú trong phòng ôm cái computer
ấy, mê cái máy hơn vợ. Việc nhà mặc kệ mình muốn làm sao thì làm. Khi nào lên tiếng nhờ thì ông mới nhúng tay vào. Dạ Quỳnh kể lể, rồi thêm:
--Nhưng về tiền bạc thì ổng cũng chẳng màng tới. Con cái thì ông chỉ lo dạy dỗ giúp làm bài tập, chứ ít khi đưa mẹ con mình đi ra ngoài giải trí cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Khi nào nói quá thì mới chịu dắt vợ con đi chơi. Đôi lúc mình bực nói thôi đổi vai trò, em làm chồng anh làm vợ cho rồi. Vợ đẹp con ngoan mà bộ anh xấu hổ sao không chịu đi chung sợ người ta thấy.  Anh chống chế: thì em và con thích gì phải nói anh mới biết mà chìu chứ. Bồ coi ổng cù lần như vậy đó. Nếu là anh Quang thì đã khác rồi, anh Quang rất tâm lý, tế nhị...
Rồi cô nhắc lại một lô những kỷ niệm ngày xưa, được người yêu chìu chuộng từng li tí thế nào, đoán tâm trạng của cô vui buồn mà xử sự ra sao...