hùng ông người Quảng Bình, có một con giai tên là Tương Như, vốn con nhà học trò.
Phùng ông khi ấy đã gần sáu mươi tuổi, mà tính khí cương ngạnh, nhà vốn nghèo kiết; trong mấy năm giời, vợ và con dâu đều chết luôn mất cả, công việc bếp núc trong nhà hai cha con đều phải làm lấy.
Một đêm kia, Phùng sinh (Tương Như) ngồi chơi dưới bóng giăng, chợt thấy người con gái bên láng giềng qua tường ngó sang. Phùng sinh trông thấy đẹp, bước tới gần, thấy mỉm cười, lấy tay vẫy, thì người con gái chẳng bước tới cũng chẳng bước đi. Phùng sinh cố mời sang, cùng rủ nhau vào nhà trong tự tình, hỏi họ tên, người con gái nói:
- Thiếp tên là Hồng Ngọc, ở bên láng giềng này.
Phùng sinh rất yêu mến, bèn cùng hòa duyên đính ước, người con gái xin vâng, từ đấy cứ đêm nào cũng đi lại với nhau, ước chừng được nửa năm giời.
Một đêm Phùng ông thức giấc dậy, nghe nhà trong có tiếng cười nói, sẽ bước vào xem, thấy có người con gái, ông nỗi giận, gọi Phùng sinh ra, mắng rằng:
- Đồ súc sinh kia, sao mày hư thế? Nhà đã sa sút thế này, mà mày không chịu khó học hành, lại học những thói dâm đãng. Người ta biết ra thì cho mày là con nhà thất đức; người ta không biết ra, thì cũng là tổn thọ cho mày.
Phùng sinh quì lạy, kêu khóc xin chừa, ông bèn mắng người con gái rằng:
- Sao con nhà khuê các không biết giữ nết na, đã làm điếm nhục mình, lại làm điếm nhục cả đến người, nếu lộ truyện ra thì chẳng để nhơ nhuốc cho nhà ta ư?
Ông mắng rồi, lui ra đi nghỉ, Hồng Ngọc rỏ nước mắt nói rằng:
- Nay tôi bị quở trách, xấu hổ vô chừng, thôi nhân duyên đôi ta, đến thế là hết!
Phùng sinh nói:
- Ta trên còn có cha, nên không dám tự chuyện. Nàng nếu có tình yêu ta, thì hãy xin chịu khó nhẫn nhục vậy.
Nhưng Hồng Ngọc cố tính quyết biệt. Phùng sinh rỏ nước mắt khóc. Hồng Ngọc lại khuyên bảo rằng:
- Chàng ơi! Thiếp với chàng không có lời mối lái, không được mệnh cha mẹ, mà chỉ qua tường cất lẻn với nhau, sao hay ăn ở với nhau đến bạc đầu được. Thiếp nghe ở đàng kia có một người con gái đẹp, chàng nên hỏi mà lấy thì hơn.
Phùng sinh ngại rằng nhà mình nghèo, không lấy tiền đâu mà cưới được. Hồng Ngọc nói:
- Tối mai xin đợi, thiếp sẽ lo lắng hộ chàng.
Tối hôm sau quả nhiên Hồng Ngọc lại đến, đưa ra 10 lạng bạc tặng Phùng sinh nói rằng:
- Ngô thôn ở gần đây độ sáu mươi dặm đường, có con gái nhà họ Vệ, mới mười tám tuổi, chỉ vì cao giá, nên chưa đắt chồng, nếu chàng đem trọng lễ đến hỏi thì hẳn là được.
Hồng Ngọc nói rồi từ giả ra về. Phùng sinh nhân lúc thừa nhận thưa truyện với cha, xin đi xem mặt; nhưng món tiền của nàng Hồng Ngọc tặng, vẫn không dám nói cho cha biết. Phùng ông nghĩ rằng nhà mình không sẵn tiền lấy đâu mà cưới, ngăn bảo con thôi đi. Phùng sinh cứ năn nỉ xin đến hỏi thử xem. Phùng ông cũng chiều ý. Phùng sinh bèn mượn đầy tớ xe ngựa đến nhà họ Vệ. Họ Vệ vốn là nông gia. Phùng sinh đến thưa truyện với Vệ ông. Vệ ông biết Phùng sinh là con nhà vọng tộc, lại trông thấy phong độ hiên ngang, trong bụng cũng thuận, nhưng chỉ lo rằng kém tiền; Phùng sinh nghe ý Vệ nói hãy còn hàm hồ, bèn giở túi bạc ra bày lên trên án. Vệ cả mừng, liền mời người học trò bên láng giềng sang để nhờ viết giấy đính ước. Phùng sinh vào nhà trong chào mẹ vợ, vì nhà chật hẹp, người con gái vẫn ngồi nấp đằng sau mẹ; Phùng sinh liếc mắt nom thấy bộ ăn mặc dẫu là áo vải xiêm gai, mà tinh thần tuyệt đẹp; trong bụng cả mừng, nói xin cưới. Vệ đáp rằng:
- Công tử không cần phải đến thân nghinh, xin để sắm sửa xiêm áo nữ trang rồi sẽ đưa đến. Phùng sinh đính hẹn rồi giở về. 
Khi về tới nhà nói với Phùng ông rằng họ Vệ yêu mến nhà mình thanh bạch cũng không có thách tiền cưới xin gì cả. Phùng ông cũng lấy làm mừng.
Thấm thoắt tới kỳ, họ Vệ quả nhiên đưa người con gái đến. Người con gái cần kiệm, nết na, thuần hóa, lấy Phùng sinh được hơn hai năm, vợ chồng vẫn đàn hòa vui vẻ, sinh được đứa con đặt tên là Phúc Nhi.
Một hôm gặp tiết Thanh Minh, Vệ nữ ẵm con tảo mộ. Hôm ấy có ông quan trong làng là Tống Thị, trước làm Ngự sử, bị tham tang phải cách về ở nhà vẫn thường ra oai hống hách trong làng, hôm ấy cũng đi tảo mộ trở về, trông thấy Vệ nữ đẹp, hỏi dò người làng, biết là vợ Phùng sinh, song nghĩ họ Phùng là nhà bần sĩ, giá thử dỗ dành cho nhiều của thì có thể lấy được. Bèn sai gia nhân đến thử ý dỗ dành. Phùng sinh chợt nghe nói nổi giận bừng bừng, nhưng liệu thế mình không địch nổi, phải gượng cười làm tươi; về nhà thuật truyện lại cho Phùng ông biết.
Phùng ông nổi giận, chạy ra, trỏ giời vạch đất, chửi mắng lũ gia nhân cực kỳ xỉ nhục. Lũ gia nhân bẽ mặt phải giở ra về. Tống Thị thấy thế nổi giận, lại sai gia nhân áp đáo đến nhà Phùng, đánh cha con Phùng ông, la thét ầm ào, Vệ nữ ở nhà trong, vội vàng đặt con ở giường, xòa tóc chạy kêu làng nước cứu viện. Lũ gia nhân xúm lại kéo mang đi mất.
Cha con Phùng bị thương đau lắm, rền rĩ nằm lăn dưới đất, còn đứa bé con thì oa oa khóc ở trong giường. Người láng giềng ai cũng thương sót chạy lại đỡ cha con Phùng lên trên giường. Và hôm sau, Phùng sinh đã đỡ đau, nhưng còn phải chống gậy mới đứng dậy được. Phùng ông tức giận quá, không ăn, thổ ra huyết mà chết.
Phùng sinh thương khóc vô cùng, ôm con đi kiện, đã mấy lần thưa đến quan Đốc phủ, mà cũng không kiện nổi, sau nghe tin Vệ nữ không chịu khuất mà chết, lại càng thương xót lắm, oan ức không biết kêu vào đâu. Toan muốn đi đón đường để đâm chết Tống Thị, nhưng lại sợ hắn đầy tớ theo hầu đông, và không biết gửi con cho ai mà đi được; ngày đêm thương khóc, không chợp mắt lúc nào.
Chợt thấy một người trượng phu rậm râu cao lớn vào nhà hỏi thăm, mà xưa nay chưa từng quen biết bao giờ. Phùng sinh mời ngồi, muốn hỏi quê hương thì người khách đã hỏi trước rằng:
- Ngươi có kẻ thù giết cha, cướp vợ, mà đã quên rồi hay sao?
Phùng sinh ngờ là người của Tống Thị cho đến do thám, mới giả lờ là quên. Khách cả giận, trợn ngược mắt lên, bước quay ra mắng rằng:
- Ta tưởng ngươi là giống người, chớ không ngờ là đứa hèn mạt!
Phùng sinh thấy là người lạ, vội vàng quì xuống nắm lại thưa rằng:
- Tôi sợ là người của Tống Thị, sai đến thử tôi. Nếu không phải thì tôi xin thổ lộ tâm phúc, tôi nằm gai nếm mật, căm giận kẻ thù, đã bấy lâu nay, chỉ thương vì đứa con đỏ trong bọc này, sợ rằng sa sút mất tôn diêu, nếu ông đã là người nghĩa sĩ liều chết được như Chử Cữu mà cứu lấy cha con tôi chăng?
Khách nói:
- Những việc đàn bà, con gái, thì ta không làm được, chứ như việc ngươi muốn nhờ người, thì ngươi cứ nhận lấy trách nhiệm ấy; còn cái việc ngươi muốn tự nhận thì để ta giúp hộ cho. 
Phùng sinh nghe nói, vội vàng lạy rập đầu xuống đất, người khách không đoái lại nữa, lui giở ra. Sinh theo hỏi họ tên, thì người khách đáp lại rằng:
- Nếu không xong việc thì cũng mang oán, bằng mà xong ra, ta cũng không cần lấy ơn! 
Nói rất nhời liền đi, Phùng sinh sợ mắc tai vạ, ôm con đi trốn.
Đêm hôm ấy, có người trèo qua hai ba lần tường vào nhà Tống Thị, giết chết ba cha con Tống Ngự sử, và một đứa ở gái, một con dâu. Nhà Tống Thị đầu đơn thưa quan, đổ diệt cho là Phùng sinh giết. Quan sai lại dịch đi bắt Phùng sinh. Sinh trốn biệt mất, không biết đi đâu, bởi thế lại càng thêm nghi tình. Người nhà họ Tống và lại dịch đi dò la khắp các nơi; đương đêm vào đến Nam Sơn, nghe trong núi có tiếng trẻ khóc, theo vào bắt được Phùng sinh, trói đem ra; đứa trẻ lại càng khóc hét mãi lên, chúng xúm lại giật lấy đứa bé quăng bỏ. Phùng sinh bị oan ức, giận ngất người đi. Chúng điệu về trình quan Huyện. Quan hỏi:
- Sao mày dám giết người ta?
Phùng sinh thưa:
- Thực quả là oan, đêm hôm Tống Thị chết, thì ban ngày hôm ấy tôi đã ôm con tôi đi vắng rồi. Vả lại ẵm đứa bé khóc oa oa lên, thì tài nào trèo qua tường vào mà giết người được.
- Không giết người, làm sao lại đi trốn?
Phùng sinh không cãi sao được nữa quan truyền tống giam. Phùng sinh khóc kêu rằng:
- Tôi chết cũng không tiếc gì, chỉ thương đứa trẻ con bồ côi kia, nó có tội gì mà vứt nó đi.
Quan nói:
- Mày giết mấy mạng con người ta, nếu con mày chết, cũng chẳng nên oán hận điều gì nữa.
Một đêm kia, quan huyện đương nằm ngủ, chợt nghe có một vật gì đến gõ vào giường nằm, quan sợ giật mình kêu rầm lên, cả nhà đều thức dậy, đánh đuốc soi tìm thấy một con dao ngắn, lưỡi sắt như gươm, băm vào đầu giường ngập hơn một tấc, rút ra không được, quan trông thấy sợ mất vía, sai tìm khắp các nơi, thì không thấy tang tích gì cả. Bụng đã sinh chợn, sau nghĩ đến chuyện họ Tống chết, cũng không sợ gì nữa, bèn thân trình lên quan trên, xin tha cho Phụng sinh.
Sinh được tha về, cùng cực không còn có lưng cơm thưng gạo nào cả, chỉ có một mình một bóng mà thôi. May nhờ người láng giềng thương hại đưa cho ăn uống, cũng gọi là tạm đỡ qua ngày, chợt nghĩ đến nỗi tai vạ thảm cực, xuýt nữa sa sút mất cửa nhà, thì giọt lệ lại đầm đìa như tưới, lúc lại thương hại cho mình đã nửa đời người nghèo ngặt, chưa nối dõi được tông chi, thuờng thở than khóc lóc một mình, mà không thể nguôi đi được.
Thấm thoát được nửa năm giời, việc nã phạm cũng nguôi dần đi, Phùng sinh bèn kêu quan Huyện xin phán giả hài cốt Vệ thị. Phùng sinh đưa về liệm táng xong, thương khóc ngất đi, dằn dọc trên giường, không thể sống được nữa, chợt nghe có tiếng gõ cửa, lắng tai nghe thì thấy có tiếng người ở ngoài cửa, thì thầm nói với đứa bé con; Phùng sinh kip đứng dậy dòm, thấy có bóng người con gái, mở cửa ra xem, thì người con gái liền hỏi rằng:
- Nỗi oan đã rửa sạch rồi, may cũng không can sao chứ?
Phùng sinh nghe tiếng quen quen mà thảng thốt chưa biết là ai, đốt đèn lên xem thì ra nàng Hồng Ngọc; bên nách ẵm một đứa bé con, hí hởn đùa cười. Phùng sinh chưa kịp hỏi gì cả, nắm ngay lấy đứa con khóc òa lên, đứa con cũng buồn rầu, nàng bèn bảo đứa con rằng:
- Mày quên cha mày rồi ư?
Đứa con nắm lấy áo người con gái, mắt trừng trừng trông Phùng sinh. Sinh nhìn kỹ xem thì là Phúc Nhi, cả kinh, khóc hỏi rằng:
- Tìm thấy con ở đâu?
Người con gái đáp:
- Này thiếp xin nói thực cùng chàng, người con gái láng giềng ngày trước cũng là thiếp, mà thiếp thực là hồ tinh, nhân đêm trước đi chơi, nghe tiếng trẻ khóc ở trong hang, mới ôm nó về nuôi; đến bây giờ nghe đại nạn đã yên rồi, mới ẵm nó lại đây để cùng chàng đoàn tụ vậy.
Phùng sinh gạt nước mắt vái tạ. Đứa bé con vẫn ngồi lòng người con gái, như là ôm ấp lấy mẹ, không biết nhận đến cha nữa.
Giời gần sáng, người con gái vội vàng đứng dậy, Sinh hỏi, đáp rằng:
- Thiếp xin từ biệt mà đi đây.
Sinh quì xuống bên giường, khóc nức nở không ngẩng lên được nữa, người con gái cười rằng:
- Thiếp nói bỡn chàng đó mà thôi, nay nhà ta mới dúm rau dúm bếp, không thức khuya dậy sớm thì không xong. 
Nói rồi bèn đứng dậy đi dọn đẹp cửa nhà, cầm chổi quét tước, làm lụng nhanh nhẹn như con giai. Phùng sinh lo nhà nghèo, không kiếm đủ ăn. Người con gái nói:
- Xin chàng cứ buông màn đọc sách, việc trong nhà thiếu đủ, không cần phải lo đến, không đến nỗi chết đói mà lo.
Người con gái bèn bỏ tiền bạc ra sắm sửa khung cửi, thuê vài mươi mẫu ruộng, mượn người cày cấy; khi mang liềm đi cắt cỏ, khi kéo lá về lợp nhà, hàng ngày như vậy. Làng xóm nghe nàng có đức hiền, ai cũng vui lòng giúp đỡ tiền của cho; chừng được nửa năm, trong nhà đã hưng vượng, chẳng khác gì nhà vẫn phong phú xưa nay, Sinh nói:
- Nhà ta sau khi gió tàn lửa nguội, mà nàng chỉ đôi bàn tay trắng, lại tái tạo được cơ đồ. Nhưng còn một việc này chưa ổn thỏa, biết làm sao đây? 
Người con gái hỏi:
- Việc gì?
Sinh đáp: 
- Nay kỳ thi đã đến nơi, mà ta chưa đi khai phục được tên để ứng thi.
Người con gái cười rằng:
- Trước thiếp đã gửi quan Giáo bốn lạng bạc, đã khai phục tên chàng ở danh sách rồi; nếu đợi chàng nói, thì còn kịp sao được nữa?
Phùng sinh càng lấy làm lạ, khoa ấy thì đỗ hương cống, mới ba mươi sáu tuổi, mà ruộng cả ao liền, nhà ngói cây mít, nhà cửa đã to tày đinh rồi.
Người con gái ấy bóng dáng ẻo lả, gió thổi bạt, mà làm lụng chăm quá kẻ nông gia phụ, dẫu mùa đông rét mướt chăm làm vất vả, mà nhị tay vẫn mềm mại nhoáng như đổ mỡ; nói là đã ba mươi tám tuổi, mà người ta xem ra vẫn thấy thường trẻ như con gái đôi mươi. 
Đông Châu NGUYỄN HỮU TIẾN
(Dịch nôm)

Xem Tiếp: ----