Năm 1967, một cơn sốt bại liệt hủy hoại đôi chân của tôi. Lớn lên bằng đôi nạng gỗ. Tôi chưa hình dung hết những bất hạnh của tương lai qua ánh mắt, tiếng thở dài và những giọt nước mắt của mẹ. Tám tuổi, tôi đến trường và trở thành trung tâm chọc ghẹo của bạn bè. Đó là nỗi buồn đầu tiên gây ra những vết xước trong tâm hồn. Tôi xa lánh chúng bạn và gắn bó với sách vở. Suốt mười hai năm học, tôi luôn luôn đứng đầu lớp, đầu trường trong sự yêu mến của thầy cô và sự nể phục của bạn bè. Tôi lấy lại được cân bằng trong lòng, tạm quên đi bệnh tật, cho đến khi phát hiện ra mình đã yêu, và yêu một cách tội nghiệp. So với trước, đây là chướng ngại khủng khiếp nhất trong đời. Năm ấy tôi đã hai mươi, sắp tốt nghiệp phổ thông. Mặc cảm trong tôi lại trỗi dậy, dày vò, biến tôi thành kẻ cô đơn, không nơi chia sẻ và nương tựa. Chuyện học hành sa sút dần. Mỗi lần nhìn Thảo - thần tượng của tôi - ngực tôi như bị ai bóp nghẹt. Thảo là bạn gái trong nhóm học tập và cũng là một kiện tướng học tập, lại dễ thương nhất, nhì trường. Tôi nhớ mãi buổi chiều ấy, cái buổi chiều muà đông mưa dầm lầy lội, Thảo tìm đến căn nhà trọ của tôi (ở quê tôi, trường cấp ba ở rất xa nhà) và nói: "Thảo sẽ cùng học với anh, kể từ hôm nay!". Tôi bàng hoàng và xúc động, nhưng mặc cảm không vì thế mà giảm: "Tôi không cần". Thảo tròn xoe mắt đẹp, rồi bật khóc, vụt chạy xa, dầm mưa về thẳng. Tôi biết mình sai... Mùa hè năm ấy, ở lại trường, chúng tôi cùng học với nhau dưới ánh đèn dầu. Thảo hay nhặt những cánh hoa phượng, kết thành những con bướm nhỏ, ép vào tập của tôi. Dường như trang vở nào cũng có. Bạn bè trong trường xì xầm bàn tán và không ít lời độc địa. Tôi tìm cách cắt đứt "Thảo cứ mặc tôi, học... nhóm thế này không có hiệu quả". Thảo lắc đầu: "Anh mặc kệ chúng nó". Năm ấy, may mắn tôi đậu đại học. Thảo thi rớt. Ngày chia tay, chúng tôi ngồi bên nhau dưới gốc phượng già giữa sân trường. Hai đứa cùng im lặng. Những cánh hoa đỏ cứ lả tả rơi xuống, thay cho nỗi buồn nào đó cứ quanh quất nơi đây. Tôi lì lợm đè nén điều muốn nói xuống tận đáy sâu. Tôi đã đi làm sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi đã đủ bình tĩnh để chấp nhận thực tế một cách chín chắn. Nhưng Thảo lên tận thành phố tìm, trao tận tay tôi tấm thiệp cưới, mĩm cười và nói: "Anh có nhớ Thảo đã ép bao nhiêu con bướm trong tập của anh không?". Đến bây giờ tôi vẫn còn choáng váng vì không trả lời được có bao nhiêu con bướm. Chuyện đã qua lâu rồi nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Thảo ơi! Dù sao tôi cũng tạ ơn em!