nh lửa bập bùng soi lung linh trước sân căn chòi lá. Ngọn lửa nhảy múa, soi lên gương mặt từng người lúc sáng lúc tối, như những hình nhân biết lay động trong không gian bát ngát của đồng nội. Tối nào tôi cũng cùng bè bạn đến đây ngồi kháo chuyện trước lúc đi thăm câu. Biết làm gì hơn trong cái tối như bưng của đồng vắng. Những lúc như thế này bạn thường quý trọng sự giao lưu và coi đó như một món quà vô giá trước sự vắng vẻ của đêm đen… Ngồi cạnh tôi là thằng Mười mập lúc nào cũng láu táu không yên. Phía bên kia thằng cu Đen không mấy khi rời khỏi cha mình. Chú Chín đã lớn tuổi lại muộn con. Ngoài năm mươi chú mới có thằng con quý tử, nhưng phải cái nó đen như cột nhà cháy nên mọi người thường gọi đùa là thằng cu Đen. Cứ vậy lâu ngày thành thói quen, không ai nấu chè đặt tên mà thằng nhỏ có cái danh của thiên hạ… Thường tụ tập bên nhau vào buổi tối, nên nói bao nhiêu câu chuyện rồi cũng nhạt. Tôi không thể tưởng, suốt ba tháng của mùa hè mà lại có “nhiều vấn đề” được cả đám đem ra khảo luận tận tình như thế. Mấy bà biết chuyện thường gọi bọn tôi là mấy “ông tám”, hơn đứt đuôi bọn đàn bà… Nhưng không phải lúc nào câu chuyện cũng vô vị. Trong cái mớ bòng bong ấy, có khi tôi bắt gặp một câu chuyện hay để đời. Cứ như thế, lúc chén trà khi ly rượu, căn chòi chú Chín đã trở thành “tụ nghĩa đường” của những anh chàng ngưỡng mộ nghề hạ bạc… Bên thái dương chú Chín không hiểu vì sao có một vết sẹo nhỏ bằng hai ngón tay. Và thật kỳ lạ khi biết rằng cả hai bên đều như thế! Thật ra chú có đi kháng chiến nhưng chẳng bị thương gì. Bởi chú chưa nổ được phát súng nào thì nước nhà đã độc lập… Nhìn vết sẹo ấy đôi khi tôi tò mò muốn hỏi, lại cảm thấy “thiếu tế nhị” khi xâm phạm đời tư người khác. Nhưng có tâm sự mà để trong lòng như cái gai trong bọc, lâu ngày tất sẽ lòi ra. Cũng may tôi chưa “bộc lộ thân phận” thì trong một câu chuyện bên đống lửa đã nói ra tất cả… Hôm ấy tôi và thằng Mười mập đi thăm câu sớm, trúng được vài con cá lóc nên nhờ thím Chín nấu một nồi cháo cá, ăn lót dạ buổi đêm. Sẵn lúc chiều nhà tôi có tiệc, dư lại chai rượu nên đem ra đãi chú Chín một phen. Qua vài chung lâng lâng, thằng Mười mập bỗng lên tiếng: - Nói hoài những chuyện cũ đâm chán. Hôm nay mình chuyển đề tài sang “chuyện ma” đi! Vừa nghe nói đến chữ “ma” thằng cu Đen đã co mình lại, rút vào lòng chú Chín. Tuy thái độ nó có vẻ sợ nhưng lại háo hức muốn được nghe. Không biết đúng sai như thế nào, những chuyện thuộc về thể loại ma quái thường cuốn hút người nghe đến mê mệt. Dù sợ vẫn thích nghe. Nghe xong không dám đi “tè” thì cặp bạn mà đi. Và thường câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu vào buổi đêm mới lạ… Chú Chín nghe thằng Mười nói, chợt ngó đăm đăm hai đứa tôi. Dường như chú muốn cân nhắc xem nên nói chuyện gì cho xứng tầm chai rượu, hay… muốn cân đo sự can đảm của hai thằng tôi, để rồi không phải tốn bó đuốc… đưa hai đứa về nhà… Và câu chuyện bắt đầu… …Anh Năm lấy vợ từ lúc mười tám, nhưng lại muộn con. Không phải muộn vì sanh sau đẻ muộn, mà là có con nhưng không nuôi được. Đứa con đầu lòng ra đời trong cảnh nghèo khó, nhưng mang lại sự vui mừng lớn lao. Bởi vì một lẽ, anh là đứa con duy nhất trong cái gia đình ba người, ai lại không mong có nhiều con để được “Hào con thì hào của”… Đứa bé ra đời không bao lâu thì bạo bệnh mà mất. Hai vợ chồng trẻ khóc ngất vì vuột mất món quà đầu tiên trong đời. Năm sau đứa nhỏ thứ hai lại ra đời, cũng là một đứa bé trai bụ bẫm dễ thương. Khi nhìn đứa bé anh Năm cảm thấy rất vui, vì nó giống đứa ban đầu như đúc. Nhưng thật họa vô đơn chí. Đứa nhỏ sống không được bao lâu thì cũng theo anh… Hai năm sau, một đứa trẻ lại được chào đời. Lần này hai vợ chồng trẻ chăm chút từng li, từng tí, với mong mỏi được sự bù đắp của trời cao. Hàng xóm xa gần đều biết nên rất mừng cho họ, nhưng cũng lắm tiếng xầm xì khi thấy đứa nhỏ quá giống hai đứa ban đầu… Và… nó giống thật… khi không sống được… Cái lưng của anh thanh niên giỏi giang việc đồng áng như còng xuống với những chiều đi ruộng về. Anh buồn. Và vợ anh cũng buồn lắm, khi hiểu ước mơ cháy bỏng của chồng. Năm sau một đứa trẻ khác lại chào đời. Hôm nó sanh ra, ông già Sáu bên nhà qua thăm. Vừa nhìn thấy đứa trẻ ông lắc đầu ngán ngẩm… Tinh ý anh Năm mời ông lên bàn giữa hỏi việc. Nhưng dù nài nỉ cách nào ông Sáu vẫn không chịu nói ra suy nghĩ của mình. - Lúc này tôi không thể nói với chú được. Hôm nào rảnh rỗi chú ghé sang tôi có chút việc… cần bàn… Nói là nói vậy, chứ mấy hôm liền anh ghé qua nhà mà ông già vẫn không chịu hé răng. Ngày lại qua ngày, rồi thằng bé mới sanh không uống được sữa… Đêm khuya nhà bên, ông Sáu cứ đi ra đi vào như có điều bứt rứt trong lòng… - Thằng Năm sang tao nói cho chuyện này. Anh Năm chạy sang nhà ông hàng xóm với mong mỏi có một phương thuốc chạy chữa cho con. Anh ngồi trên cái ghế đẩu lặng thinh chờ nghe chỉ dạy. - Tao thấy thằng con bây khó nuôi lắm, nhưng ngặt nỗi khó mở lời. Tính ra bây đã có tới bốn đứa con nhưng đã mất ba. Thằng bé lần này… tao nghĩ không xong. Trong dân gian người ta hay nói về con ranh, con lộn… Ông già nói đến đây đã bị anh Năm cắt lời: - Con ranh, con lộn là sao hở ông Sáu? - Là những đứa con sanh ra đều là một. Nó chết nhưng không tan. Cứ chui vào bụng vợ bây cầu sinh mãi. Cái số nó không sống được thì dù giành chỗ của đứa khác cũng vô ích. Chính vì điều này mà tao thấy không ổn cho đứa con tụi bây… Tiếng nói anh Năm run run hoảng sợ: - Như vậy làm sao mình ngăn được? Ông già rót nước vào tách trà trước mặt cả hai, rồi ngập ngừng nói: - Người ta nói, khi thấy những đứa trẻ sinh ra đều giống nhau mà không nuôi được thì đó là hiện tượng “con ranh, con lộn”. Muốn ngăn nó, phải đem đứa nhỏ chôn ở chuồng trâu, cho trâu bò giẫm đạp để nó không trồi lên được. Như vậy đứa trẻ sau mới không phải là nó… Ông già nói đến đây đã nghe tiếng khóc của chị Năm bên nhà vọng qua. Người chồng lật đật chạy về mà không kịp chào chủ. Đêm đó với sự chỉ dẫn của ông già Sáu, anh Năm đem đứa bé xấu số chôn ngay dưới nền chuồng trâu nhà mình… Phải ba năm sau hai vợ chồng mới có đứa con thứ năm. Vừa sinh ra trên người thằng bé đã có những vết móp như bị ai lấy chày vỗ vào. Nhìn những vết ấy, giống như dấu chân trâu bò giẫm đạp vậy. Anh Năm và ông Sáu cùng nhìn nhau thở dài. “Thế là nó lại chui lên nữa rồi!”. Anh Năm hỏi nhỏ ông già: - Lần này không xong thì sao hở ông Sáu? Ông Sáu liếc nhìn người vợ rồi kéo anh Năm ra ngoài: - Nó lì như vậy thì sau này… có gì… mày kiếm ô rô (một loại cỏ nước sống ven bờ, lá dài, có gai ở cạnh) quấn nó lại, hãy… Ông già bỏ lửng câu vì không dám nói tiếp. Mấy tháng sau, anh thanh niên lại đi đóng quách chôn con. Lần này anh bứt ô rô quấn dày xung quanh đứa nhỏ với câu than thở: “Mày hãy tha cho vợ chồng tao và làm ơn đừng quấy phá nữa”. Bốn năm sau chị Năm lại sinh một đứa trai. Kỳ lạ một điều là mình thằng bé lại đầy vết gai của ô rô… Anh Năm đi ra đi vào. Ông già Sáu bứt tóc, bứt tai. Và chuyện gì đến lại đến… Lần này cả hai ông cháu đi đến một quyết định thật kinh khủng: Chặt đứa bé ra làm hai, lật nửa trên úp xuống đáy quách trước khi chôn xuống đất. Dĩ nhiên khi làm điều này chị Năm đã được dìu ra ngoài. Ngoài ông Sáu và anh Năm không ai biết việc gì… Đứa bé chị Năm sinh ra lần này xinh đẹp, nhưng lúc tắm cho nó lại có một sợi “dây chuyền” quanh nơi bụng. Đó chính là vết sẹo của nhát phảng chém xuống năm nào. Nhìn nó ông già Sáu gục gặc đầu. “Xem ra đã ổn rồi đó thằng Năm…” Đến ngày thôi nôi cho đứa bé, anh Năm nhìn ông Sáu ra chiều biết ơn vô vàn. Nhưng… nó… nó... chẳng ở lại với vợ chồng anh nông dân khốn khổ đến hai năm… Cả xóm đều buồn. Cả làng đều hay… Cuối cùng cả xứ đều cảm thông cho hai vợ chồng, từ trẻ hóa già mà vẫn chưa có mụn con để hủ hỉ… Đến lúc chị Năm ba mươi sáu tuổi mới lại sinh con. Cuối cùng cũng có một đứa nuôi được, sống đến lúc trưởng thành… Ước nguyện bao năm mới có được. Hai vợ chồng anh Năm cưng đứa bé như vàng, như ngọc… Nhưng phải cái nó… đen đúa, không giống mấy đứa trước… …Khi chú Chín dứt lời, tôi trông thấy thằng Đen đã nhảy vô lòng ngồi từ lúc nào. Thằng Mười mập, bạn tôi mặt tái xanh trong ánh lửa bập bùng, mắt không dám nhìn tôi. Tôi muốn cười nó mà thấy tay mình gai gai, những sợi tóc dựng lên như lúa non gặp mưa, trong một câu chuyện chết lặng cả người… Tuổi trẻ thường hay thắc mắc với những nghi vấn. Qua cơn khủng hoảng tôi nêu ra ý nghĩ của mình: - Nhưng ông già Sáu đã nói gì với anh Năm trong cái đêm chôn đứa con sau… cùng? Đôi mắt chú Chín mơ màng nhìn lên rặng trâm bầu. Bàn tay chú thong thả bốc cái bịch thuốc rê, quấn một điếu thuốc to đại. Khói thuốc hăng hăng bay trong gió nội đồng. - Ông già đã bảo… Chú Chín vừa nói đến đây, đã nghe thấy tiếng thím Chín vọng ra từ sau chòi: - Tụi bây vô dọn chén ra mà ăn cháo. Cứ mãi nghe ổng nói chuyện xửa chuyện xưa, nồi cháo của tao nguội mất. Còn thằng Đen nữa, sao không vào phụ các chú… Tôi và thằng Mười nhìn nhau, cùng một cảm nghĩ: “Cái nồi cháo đúng là kẻ phá bĩnh. Không sớm cũng không muộn, lại chín tới ngay lúc khẩn yếu nhất của câu chuyện”. Tôi và thằng Mười mập ăn xong thì đi thăm câu, nhưng trong đầu còn chất chứa những tình tiết của câu chuyện. Hình ảnh những đứa bé sơ sinh, sống chưa được bao lâu đã bị dày vò bằng nhiều cách, khiến tôi thấy bất nhẫn. Nhưng… sự tái hiện vết sẹo trên thân các đứa nhỏ khiến người ta phải ớn lạnh… Rồi không biết có phải bị ám ảnh bởi câu chuyện, xung quanh hai đứa tôi gió rít lên như tiếng gào khóc của trẻ nhỏ. Ngọn đèn ngược gió cứ tắt hoài. Thằng Mười tay cứ run run quẹt từng que diêm để đốt lại. Tay nó run bần bật nên ánh lửa vừa lóe lên lại tắt ngóm trong cái tối đen như mực… Những ngôi mộ trắng toát nằm ngoài đồng thấp thoáng trong bóng đêm như nhảy múa, dọa nhát hai đứa tôi… Tôi nhiều lần đi cắm câu đêm, nhưng chưa có buổi thăm câu nào như cái đêm hôm đó. Nếu biết trước mọi chuyện, thà cứ ở nhà trùm mền ngủ cho yên. Thăm qua loa mấy mươi cây câu, cả hai đứa không ai bảo ai cùng chạy về cái chòi của chú Chín… Thằng Đen đã đi ngủ. Cái bếp lửa bằng ba cái chân ông táo, nắn bằng đất sét trộn với tro trấu, vẫn ngùn ngụt cháy bởi mấy thanh củi gộc. Chú Chín ngồi đó, đầu ngoảnh vào đêm tối như ôn lại những chuyện trong quá khứ. Nhìn chú mông lung như có chút xót xa… Tôi nửa muốn chờ nghe kết cục câu chuyện lại nửa muốn thôi, khi nghĩ đến quãng đường phải… về nhà. Dù sao ở cái tuổi mười tám, đôi mươi, tâm tính bất thường. Miệng thì nói cứng nhưng trong bụng lại toàn rơm… Chú Chín như hiểu được tâm trạng của bọn tôi nên mỉm cười độ lượng. Chú biết rằng hôm nay không nói thì ngày khác hai đứa tôi cũng nhắc lại, mặc dù rất sợ như… chú ngày xưa, khi buổi đầu nghe chuyện… Tiếng nói chú Chín lại trầm trầm bên khói thuốc: - Ông Sáu đã bảo anh Năm là dùng mũi mác xốc thẳng vào trong quách. Cứ đâm đại vào phần trên đầu, không cần phải suy tính… Ánh mắt thằng Mười trắng dã. Nó nói như hơi thở: - Không tính toán mà đâm đại thì biết vào đâu? Có khi không trúng nữa là… Giọng chú Chín thật rắn rỏi: - Mũi mác đó trúng đích. Nó xuyên qua đầu của đứa bé… Tôi thảng thốt nói: - Làm sao mà biết được? Lâu lắm tôi mới nghe thấy lời chú: - Lúc nhìn vào đứa bé sinh ra sau đó, anh Năm thấy một vết sẹo bằng hai ngón tay, xuyên từ thái dương qua trán bên kia… Tôi rụng rời cả người và chết lặng nhìn lên khuôn mặt của chú Chín. Như thế… Như thế vết sẹo ấy…? Rồi bỗng nhiên trong cơn sợ hãi tôi tính rất nhanh. Bốn đứa trẻ đầu anh Năm không nuôi được… Ba đứa sau: đứa có dấu chân trâu giẫm, đứa bị vết gai, bị chặt… và đứa cuối cùng… Cộng tất cả lại là tám… Theo cách tính của vùng nam bộ thì đứa con đầu là thứ hai, đến đứa sống sót được là… thứ chín. Vậy… Ôi trời! Không lẽ… không lẽ chú Chín là… Tôi không muốn tin mà người cứ run lên bần bật… Một câu chuyện có thật, với lời kể của chính nhân chứng sau cùng trong một thảm cảnh đáng sợ… Không cần phải nghi ngờ gì nữa. Chú Chín chính là đứa bé ngày ấy! Điều này giải thích vì sao hằng năm vào ngày đưa ông táo về trời, chú lại đi làm cỏ mộ của ông Sáu nhà bên. Phải chăng nghĩa cử đó là nhằm thể hiện ơn sâu đối với một người, mà không có người đó thì chú Chín không thể có mặt để kể câu chuyện này… Đồng nội bỗng chốc nổi cơn giông gió. Mây đen từ đâu kéo tới phủ khắp không gian. Trong tiếng gió rít lẫn ánh chớp, tôi thấy đồng lúa như ngã rạp xuống, uốn lượn như những cơn sóng dữ dội. Cái bếp lửa bùng lên với những tiếng nổ đôm đốp, bắn lên không nhiều đóm lửa xoáy tròn trong cơn gió giật… Thằng Mười nhìn tôi giọng run run: - Đến lúc về… rồi chưa hở mậy? - Ờ… Mầy muốn về hay ngủ lại đây luôn?… Chú Chín nhìn bọn tôi nhưng không cười như mọi khi. Có thể chú cho rằng, cười vào lúc này là không đúng chỗ. “Bởi hai thằng nhỏ đang rất sợ hãi”. Chú biết vậy nên lẳng lặng lấy lá dừa khô buộc thành bó đuốc… Thằng Mười bỗng nói: - Chú cho tụi con thêm một bó nữa, phòng rủi như gió… Nó nói đến đây tiếng đã nghẹn lại. Tôi và thằng Mười tựa vào nhau trong tiếng gió gầm rít. Những hạt mưa to bắt đầu rơi xuống mặt, rát rạt như những hạt cát bắn vào… Cái đêm ấy quả để đời đối với hai thằng tôi, mãi đến tận bây giờ… Sau này khi lớn lên chút nữa, tôi mới có dịp tiếp xúc với nhiều tài liệu nói về những hiện tượng kỳ lạ mà khoa học chưa giải thích được. Có rất nhiều quan điểm về hồn ma. Người nói có! Kẻ nói không! Nhưng… cuối cùng đó vẫn là quan điểm do nhận định, chứ không chứng minh được đúng sai… Và đối với các nhà nghiên cứu khoa học thì muốn cho họ gật đầu rất khó… Nhưng bản thân họ… cũng khó lắc đầu phủ nhận… Bình Tân 18.06.2011 MacDung