áng chủ nhật hôm nay sau một đêm giông bão, tôi bước ra sân buồn rầu và ngạc nhiên khi trông thấy cành cây sồi trước cổng gãy đổ chắn ngang garage. Cành cây to tướng mới hôm qua đầy lá lảu sum suê khỏe mạnh và chắc nịch như một gã trai tơ đang tuổi rậm rật, còn vắt ngang qua sân trước che rợp bóng mát trước sân sáng nay thì đã như một người quả phụ khóc chồng nằm rũ rượi, xác lá tan tác tơi bời rụng khắp lối đi. Tôi tản bộ quanh khu xóm, bàng hoàng trước kết quả cơn cuồng nộ của Thủy Tinh hồi đêm qua. Hầu hết cây cối khu tôi đều bị gãy cành; nhà cửa không sập nhưng nhiều căn cũng thiệt hại nhẹ như tróc mái rơi máng xối hay lung lay cửa sổ.
Trong lúc tôi còn đang phân vân chưa biết giải quyết ra sao với cành cây khổng lồ nằm một cách hỗn láo trước garage, thì một chiếc vận tải hốt rác của city - loại xe có gọng bốc đồ phế thải cỡ lớn chạy tới. Người tài xế to mập ngừng xe lại trước mặt tôi, đưa đôi mắt trắng dã nhìn cành cây sồi, rồi trề cái môi dầy cộm ra có vẻ suy nghĩ một chút. Gã ngần ngại khi thấy cành cây to quá khổ. Tôi sốt ruột bèn mở miệng, ngôn ngữ có phần hơi bất lịch sự:
- Nhà ngươi còn chờ gì nữa mà không lụm cái của nợ trời đánh này đi?
(Nguyên văn tiếng Hợp-Chủng-Quốc của tôi là what you waiting for not pick-up this gawd-damned son-of-the-gun? Nhưng từ phút này trong truyện của moi, tức của Nguyên Cương Andy, sẽ không phụ đề tiếng Anh nữa vì vốn liếng Ăng Lê của mỗ rất bồi, vừa grammatically challenged vừa cục mịch như bổ củi, thà dịch sát nghĩa ra tiếng Việt như các đài phát thanh Việt Ngữ địa phương tuy ngô nghê mà nghe còn xuôi tai hơn. Cái khổ nhất là viết truyện mà có nhân vật ngoại quốc phát ngôn vài câu. Hừm hừm. Ðể tiếng Anh thì sợ không đúng, mà dịch ra tiếng ta thì luộm thà luộm thuộm. Thầy Khương dạy sinh ngữ lớp đệ nhất ngày xưa - người luôn luôn đề cao văn chương bác học - hiện đang sống ở cùng thành phố này nếu đọc được mấy câu Anh Văn "giả chữ cho thày" của mỗ bảo đảm thầy sẽ gọi phone từ mặt đứa học trò đã bôi gio trát trấu vào thanh danh sư phạm của ông).
Gã tài xế lừ cặp mắt nhiều tròng trắng nhìn tôi:
- Mày phải cắt ra từng khúc bốn feet thì tao mới có thể lấy, người đàn ông.
Tôi phản đối ngay:
- Cắt? Tao không có cưa máy mà cũng không biết cưa.
- Rất tiếc. Xa xa như tao quan ngại (lại dịch theo kiểu đài VOA và các la-dô Việt Ngữ hải ngoại cụm "as far as I am concerned"), đó là cái vấn nạn (!) của riêng mày.
Nói xong, gã mập tủm tỉm cười, đôi mắt nheo nheo như hứa hẹn điều chẳng lành cho đối phương:
- Trong vài hôm nếu cành cây gẫy còn ở đây, Hội Chủ Gia Cư sẽ gửi giấy phạt. Nếu mày không đóng phạt trong một thời hạn nào đó mà lại còn để cành cây chưa dẹp, thì có thể bị ra tòa, tiền phạt sẽ tăng gấp đôi. Nếu xe cộ đụng phải cành cây của mày, mày sẽ phải bồi thường hết đó người đàn ông!
Nói xong bản luận tội dài dằng dặc như Cáo Trạng Số Một của LM Trần Hữu Thanh ngày xưa tố TT Nguyễn Văn Thiệu, rồi không muốn nghe tôi tìm lời chống đối thêm, gã tài xế đen mập nhấn ga cho chiếc xe tải vọt đi.
Còn lại mình tôi tần ngần nhìn đống cành lá trước sân, rồi ngước lên ngắm thân cây, một vết gãy trắng xóa như vết thương ứa máu trông đến tang thương, để lại khoảng trống sáng sủa thật lớn trước sân. Bây giờ mặt tiền căn nhà tôi sao nom vô duyên quá, bao nhiêu tấm ngói cũ, cột kèo tróc sơn, gạch đỏ rêu mốc và kiến trúc kém mỹ thuật trước kia được che khuất đi bởi tàn cây rợp lá bây giờ bị phơi bầy ra một cách trơ trẽn sống sượng. Cứ y như một anh trung niên diện mạo khiêm tốn trước kia phải nhờ mái tóc rậm che đi cái trán thiếu thông minh, bộ râu rậm phủ đi cặp môi thô tục phàm phũ, nay bỗng dưng đau ban cua rụng hết râu tóc để lộ ra một gã Trương Chi, mà lại tiếc rằng không biết thổi sáo!
Gần trưa thì có vài chú Mễ gõ cửa để xin cắt thuê khúc cây đổ. Tên nào cũng đòi một số tiền công mà giả sử hàng xóm muốn trả tôi với nửa giá ấy là tôi sẽ làm liền... Lẽ dĩ nhiên là tôi không chịu.
Mãi đến chiều, có một người Việt đi ngang qua trước cửa trong lúc tôi còn đang đứng chống nạnh chau mày hậm hực nhìn đống cây gẫy. Ông ta vào khoảng độ xấp xỉ lục tuần nhưng dáng dấp vẫn còn khỏe mạnh, mặc quần jean áo thung cũ bạc màu ngập ngừng nhìn tôi một giây như để thẩm định nguồn gốc người đối diện. Rồi đoán là gặp đồng hương, ông ta bạo dạn lên tiếng:
- Cần dọn cây không anh?
Thấy ông ta không mang theo đồ nghề, tôi hỏi:
- Bác là thợ cưa hả?
Người kia cười lúng túng:
- À...không, tôi hổng chuyên môn cưa cắt gì hết trơn á. Tôi mới qua Mỹ, chuyện gì tôi cũng làm, kiếm chút đỉnh nuôi con vậy mà.
Tôi muốn từ chối và bảo ông đi chỗ khác chơi. Vì trong thâm tâm của một người giai cấp thượng lưu lập cư gần ba mươi năm, tôi không có cảm tình với những người mới sang. Ðối với dân Mỹ như tôi, đủ mọi thứ phiền toái có thể xẩy đến nếu dây dưa với mấy người này. Họ không được văn minh lắm; vì đã ở lâu năm trong một thế giới lạc hậu. Họ trông lem nhem luộm thuộm, nhắc cho tôi hình ảnh của chính tôi ngày mới đặt chân lên đất hứa hồi trước, hình ảnh mà tôi lúc nào cũng cố quên đi trong tâm trí. Và nhất là họ hay ở tụ tập vào một vài xóm nhà lá trong thành phố, những nơi khi tôi lái xe ngang qua là phóng cho thật lẹ, kéo kính lên và khóa chốt cửa lại...
Cái ông người Việt Nam này có lẽ hội đủ tất cả những điều kiện cho tôi có quyền kết luận ông thuộc loại oriental wetback, loại FOB chính cống bà lang trọc, những người mà hầu hết đám Vietnamese American đang sống trên đất Hoa Kỳ không muốn nhìn nhận là đồng hương. Nhưng trong đôi mắt của ông ta, tôi bỗng nhận ra một vẻ quen thuộc nào đó. Ðứng im một lúc để cố nhớ lại những hình ảnh nhập nhòe trong quá khứ, một tia sáng mờ mờ bỗng lóe lên trong tiềm thức.
- Thầy Lung! Có phải thầy Hoàng Lung không?
Kẻ kia dừng bước, vẻ mặt kinh ngạc. Ông ta sững người đôi chút rồi hỏi lại tôi:
- Anh là ai?
Tôi đáp mau, giọng run run:
- Em là Cương, học trò ghi ta ở Gò-Vấp của thầy đây.
Ðứng lặng yên giây lát, người đàn ông nở nụ cười trên khuôn mặt sạm nắng:
- Cương hồi đó học lớp trên gác nhà tui, hay đi theo tán con nhỏ... con nhỏ tên gì ta? À con nhỏ Mỹ Dung.
Tôi chớp mắt, ngắm người thầy cũ thêm vài giây. Nét phong sương đã in những vết khó ngộ nhận trên hình hài một người trông dáng như đã trải qua năm chìm bảy nổi. Quá khứ của những năm xưa ngày còn ở khóa cuối trung học bỗng nhiên thức dậy trong tôi, ngày tôi còn cuốc xe đạp vào lối ngõ quanh co gần khu ngã ba chú Ía, một địa danh nổi tiếng thời trước gần Trung Tâm Tiếp Huyết ở cổng Phi Long đường Võ Di Nguy lối lên Phú Nhuận để tầm sư học đạo.
Căn gác của thầy Hoàng Lung năm ấy nằm ngay bên cạnh sân gôn. Từ khung cửa sổ bên hông căn gác, mỗi chiều lũ học trò chúng tôi có thể trông thấy hàng cây um tùm trải bóng trên thảm cỏ xanh rì lúc nào cũng được toán lao công cắt tỉa thẳng thớm, nhan nhản những hồng mao golfers gò lưng putt những trái banh trắng tinh vào lỗ dậu; các annam man tử caddies cũng bằng tuổi tôi thời đó đứng chầu chực bên cạnh túi golf một tay ôm khăn tay kia giữ cốc bia lạnh cho ngài chủ nhân; và các Ðại Việt cung phi mặc mini jupes ngồi trên thảm cỏ chờ hồng mao thái thú golf xong để còn lên xe mang nhau đến đệ nhất khách sạn đi mây về gió.
Thầy Hoàng Lung hồi ấy là một nhạc sĩ không gặp thời. Tốt nghiệp quốc gia âm nhạc môn tây ban cầm, thầy đã cố thử thời vận trong các vũ trường Sài Gòn nhưng ngón nghề nhạc công thiếu sáng tạo tuy đủ sống cũng chỉ mang lại cho thầy những giây phút chán chường trống rỗng. Thầy có sáng tác nhạc nhưng vào những năm đó, bản thảo ca khúc phải được các đàn anh chấp thuận và lăng xê. Vào ban chính huấn cục tâm lý chiến, sau khi đem nộp lên được vài bài xin giấy phép bị trả lại, thầy bỏ ý định trở thành nhạc sĩ nổi tiếng và dọn về mở lớp dạy nhạc ở căn gác ngã ba chú Ía đầu con ngõ lầy lội, làm bạn hàng xóm với đủ mọi thành phần tệ đoan xã hội, nơi cung cấp dịch vụ giải trí cho cả Mỹ lẫn Việt. Thầy có cây đàn ghi-ta thuộc loại danh cầm đặt tên là cây Bá Nha, do một nghệ nhân ông Liệu "Fa Thăng" lừng danh vùng Nguyễn Thiện Thuật sản suất vào năm 1968. Ông này nổi tiếng Sài Gòn vì đã từng làm đàn cho nhiều tay tây ban cầm tài danh nhất thành đô, chuyên sử dụng phương pháp thủ công đặc biệt từ đẽo gọt gỗ và đánh bóng; cho đến cách ngâm gỗ trong loại dung dịch hóa chất gia truyền để tiếng đàn được ấm và ngọt. Tổng cộng mất đến ba tháng mới xong một chiếc, nên cả đời ông chỉ làm được vài chục "con" ghi-ta. Âm thanh phát ra từ cây đàn do Fa Thăng sản xuất, theo huyền thoại của giới trong nghề bảo nhau, thì không có bút mực nào tả được. Mà không phải ai cũng có duyên "đặt hàng" với lão Liệu Fa Thăng. Lão tốc kê lạ đời, không ham làm tiền, mặc dầu đàn lão bán giá cao một cách kỳ quặc. Lão có một cây "trưởng lớp" treo trên tường không bán, ít người được chạm tay đánh thử. Sự tích truyền tụng rằng, năm 1970 một du khách nhạc sĩ người Tây Ban Nha nghe danh Liệu Fa Thăng tìm đến để so sánh tiếng đàn cây Ramirez classic mà ông ta đã đổi bên Tây bằng chiếc Mercedes vài năm trước đó, với cây đàn của lão nghệ nhân vùng Nguyễn Thiện Thuật. Kết quả, sau khi chơi thử cây "trưởng lớp" của bố già Liệu Fa Thăng, vị nhạc sĩ Tây Ban Nha đã nằng nặc khẩn khoản xin trao đổi, và ông ta đã để lại "thằng" Ramirez trị giá bằng một căn nhà rồi hân hoan mang cây "trưởng lớp" của lão Liệu về nước.
Trên căn gác trong khu Bình Khang Chú Ía ngày ấy, thầy Hoàng Lung của tôi đã bao lần ôm cây Bá Nha, một hậu duệ của cây "trưởng lớp" năm nào, vừa gảy vừa say sưa giảng cho lũ nhạc sinh chúng tôi về cách trình tấu một khúc ghi ta thế nào cho tươi; hay cách soạn lại hợp âm cho một bản nhạc đã bị soạn sai; hoặc kỹ thuật lên dây đàn mà không cần nghe nốt chủ.
Dĩ nhiên, những điều bổ ích trên tôi chẳng học được tí gì. Vì mục đích đến với thầy Lung của tôi không phải để học đàn, mà là để có hy vọng gần gũi vơ vẩn với Mỹ Dung người em sầu mộng, họa may ra được nàng để mắt đến trong những lúc dạo đàn trả bài cho thầy mỗi buổi chiều tối.
Mỹ Dung người thiếu nữ trăng tròn nhà ở Thông Tây Hội, cũng là đệ tử thầy Lung. Nàng không học ghi ta, chỉ chuyên học thanh nhạc, với hy vọng ngày sau sẽ thành ca sĩ nên ra công rèn luyện thành thuộc những ca khúc của Vinh Sử, Bằng Giang và Tú Nhi, quyết theo chân Giáng Thu hay Phương Hồng Quế. Mỹ Dung có mái tóc búp bê, khóe miệng hay cười, hàm răng đều đặn hay cắn những miếng cóc ngâm dòn tan tuy thầy bảo đừng ăn của chua nhiều có hại cho chất giọng.
- Thày đửng lo thày. Ăng hớt trái cóc rồi cái em ngẳm chúc nức múi là hổng shao hớt trơn á, ca hay liềng hà...
Giọng miền nam của Mỹ Dung nghe ngọt lịm, nhất là chữ á ngân dài, chữ hà luyến láy như những nốt nhạc xê xang, làm mấy anh trai non chúng tôi bao phen trong lòng xao xuyến. Trong lớp học ghi ta có bốn đứa: Hoài, Lê Phát, Ðắc-Lộ và tôi - thì Hoài kiểng trai nhất. Hắn dáng lãng tử khuôn mặt sáng sủa để tóc dài che kín cổ áo, sơ mi luôn thẳng nếp quần bát dây lưng da dầy cộm đúng nét nghệ sĩ. Còn Lê Phát tuy hơi lùn, thì lại là con nhà giầu khu Ông Tạ, dân trường Ta-Be đi học bằng xe vespa, tấm lắc vàng chóe nặng chĩu cổ tay mỗi lần trê-mô-lô nó phải từ từ tháo ra nhét túi. Nhưng học giỏi và tài nghệ nhất phải kể là thằng Ðắc Lộ. Thằng này cứ im ỉm cả ngày không mở miệng cóc nhưng đã xong cái tú tài văn chương đang năm thứ hai đại học - nghĩa là trên chân bọn chúng tôi một cách đáng nể. Ðó là chưa kể tiếng đàn Ðắc-Lộ được xem là "đạt" nhất, bằng chứng là đã được thầy Lung chấm là diễn tả được tình cảm của tác phẩm. Lời khen này xuất phát từ một ông thầy âm nhạc dĩ nhiên rất ư là nặng ký, bằng chứng là sau khi Mỹ Dung nghe được lời thầy Lung khen Ðắc Lộ nàng không thèm nói chuyện với tôi nữa, và quay qua gần gũi thân thiết với gã mắt kiếng đít chai, mặc kệ cho tôi phóng sang những tia nhìn hậm hực.
Thành thực mà nói, tôi là kẻ "yếu" nhất về mọi mặt trong đám học trò guitar của thầy Lung. Bộ mã không bằng Hoài, nhà nghèo không sánh được với Lê Phát và tài nghệ cùng học vấn thì thua xa Ðắc Lộ. Nhưng cũng không sao. Tôi chẳng phải kẻ đa tình nhất là gì? Về bộ môn lì tán thì theo thiển ý, tôi có thể đậu tới mảnh bằng phó tiến sĩ đệ tam cấp. Ðó là chưa kể những ngón gian manh vặt như biết đường tiến thoái và triệt hạ đối phương, như mỗi khi thằng Ðắc Lộ "tỉa" xong một bài tuyệt kỹ thì đừng có thò mặt vào mà dơ dáng; hoặc hôm nào thằng Hoài mặc áo không ủi, tóc quên không bôi bi-ăng-tin thì phải cố gắng kiếm ra một câu phê bình nêu lên khuyết điểm của nó, và nói cho rõ to để Mỹ Dung có thể nghe được.
Còn nhớ một hôm tôi nghĩ ra kế mọn trong cuộc chạy đua vào trái tim vàng của Mỹ Dung. Tôi nhờ thầy bí mật dạy trước bản Rô Măng, một bản classic theo ý tôi là lãng mạn vào hạng nhất trên chốn giang hồ. Ðáng lẽ bản này đến cuối tháng sau mới được học nhưng vì tôi năn nỉ quá sức nên thầy Lung sau rốt cũng mềm lòng. Thầy còn cho tôi mượn cây Bá Nha để tập. Có lẽ vì đối với thầy, khi một đứa cần tán gái thì he must have the best equipment available to do the task. Kết quả là Hoài, Lê Phát và Ðắc Lộ đã tròn mắt ngạc nhiên hôm dượt thử, không hiểu tại sao mới chỉ tập có vài ngày mà con nhà Cương bình thường thì bất tài vô dụng mà hôm nay chơi "chiến" không chịu được. Còn nàng ca sĩ mầm non Mỹ Dung, sao nàng chẳng nói năng chi, cứ ngồi nhìn xuống sân gôn ngắm nghía những tàn cây xanh rì, tôi cho là có lẽ tâm tư nàng đang bay bổng với tiếng đàn tôi cao vút...
Nhưng người ta thường nói mưu sự tại nhân. Mặc cho tôi có trăm phương ngàn kế, ra công theo đuổi bằng đủ mọi gian nan, Mỹ Dung - người đẹp với niềm mơ ước trở thành Giáng Thu thứ hai - đã chẳng bao giờ để ý đến tôi. Khởi đầu, nàng cặp với Hoài. Ðược nửa năm nhận thấy cái mã đẹp trai của Hoài không đem mài ra được; nàng chuyển qua Lê Phát để có những món quà tặng đắt giá như mấy bộ đồ bộ mỹ-a trắng muốt và chiếc nhẫn nạm cẩm thạch. Nhưng cũng chỉ được khoảng bốn tháng. Khi chiếc vespa của Lê Phát cùng với chiếc lắc vàng nặng chĩu của nó ra đi đến khu chợ trời Tạ Thu Thâu không trở lại (tên chợ này hay thật, đã thu thâu cả một tạ rồi thì làm sao quay trở lại), thì Mỹ Dung có lẽ ngộ ra rằng trong đời người, nghệ thuật là quan trọng hơn cả. Thế là nàng và thằng Ðắc Lộ một hôm bỏ khu Chú Ía, hai đứa dắt nhau về Cần Thơ - quê nàng - để sinh sống. Về sau, nghe đâu nàng mở một quán cà phê nhạc gần bến Ninh Kiều, chắc để tiếng đàn tài hoa của Ðắc Lộ đêm đêm nỉ non quyện với tiếng hát Mỹ Dung lan ra mãi mặt nước Hậu Giang bềnh bồng gợn sóng.
Hôm nay, gặp lại thầy Lung nghe lại kỷ niệm xưa có nhắc đến tên Mỹ Dung khiến tôi bùi ngùi trong dạ. Thế là tôi mời thầy Lung vào nhà, nấu bình trà nóng để hai người kể lại chuyện đời lâm ly bát ngát. Qua làn khói thuốc tôi vẫn nhận ra nét phong trần của thầy Hoàng Lung trên vầng trán nếp nhăn đã song song đóng tầng, trên hai đuôi mắt dấu chân chim đã rẽ nhánh hằn sâu mấy vệt. Tôi bỗng chợt nhớ ra một thắc mắc mà tôi quên từ ngày còn thụ giáo chưa có dịp hỏi:
- Sao hồi đó thầy lại lấy tên là Hoàng Lung?
- Tao tên Lung, hổng lấy Lung chớ lấy gì mày?
- Sao thầy không lấy Hoàng Long, Hoàng Lam hay Hoàng Linh vậy đó?
Cười lớn thầy đưa tay khoát khoát:
- Mấy cái tên đó... nghe ra vẻ nghệ sĩ, nhưng cũng có vẻ tầm thường. Tao thì tao thích những gì bất thường mà mộc mạc.
Rồi thầy Hoàng Lung nhìn ra ngoài cửa sổ, thở dài nhè nhẹ.
- Số mệnh hết! Tao cả đời mơ làm nghệ sĩ mà mộng lớn mộng nhỏ cũng tàn phai. Kể mày nghe nghe... Sau 75 tao đi kinh tế mới. Ban ngày cày cuốc vậy chớ mà ban đêm tao vẫn ngâm tay nước muối cho mềm ngón, vẫn dạo ba bốn bài ghi-ta rồi mới chịu đi ngủ. Vì tao vẫn còn nuôi hy vọng có ngày trở lại Sài Gòn chơi đờn. Thế rồi mấy năm sau, tao thực hiện ước mơ. Bỏ hết nhà cửa ruộng vườn ở kinh tế mới tao về sống lây lất ở khu Trương Minh Giảng, rồi khu Giòng Chúa Cứu Thế. Mà hồi đó đâu có ai mướn nhạc công. Cơm hổng có ăn ai rảnh nghe nhạc mậy! Cho nên cũng cực. Ðến 85, đỡ đỡ một chút thì đột nhiên vợ tao bịnh có một tháng rồi "đi" luôn. Chắc nó nhiễm cái nước độc hồi trên vùng kinh tế mới Tây Ninh...
Thầy uống cạn lon bia. Rồi nhìn thấy cây đàn ghi-ta tôi gác trên giá để trong góc nhà, thầy hỏi:
- Nghề mày tới đâu rồi? Chắc bây giờ tao hổng bén gót.
Tôi ngượng ngập:
- Em bây giờ có đờn địch gì đâu. Chỉ để đó làm kiểng.
- Còn nhớ cây đàn Bá Nha của tao hồi đó không mày? Hồi đi tao gởi thằng em, bây giờ nghĩ lại mới thấy tiếc. Có khi ngồi buồn muốn chơi vài bản gặp mấy cây bên đây cà khịa chơi không được, mà thứ đằng đặng thì mình lại hổng dám rớ vô...
Lại nhìn quanh thầy Lung hỏi tiếp:
- Thế còn cái giá cắm mười tám môn binh khí kia? Thằng Cương này đa tài thiệt, văn võ song toàn. Mày trước theo lò Sa Long Cương hay là Tây Sơn Nhạn?
Ðưa tay gãi trán, tôi cười gượng:
- Ðâu có... Mấy đồ đó bán ngoài chợ Tầu, thấy hay hay em mua đại về chưng.
Nhưng thầy Lung chưa hết tò mò. Thầy chỉ vào tấm hình phóng lớn khung sơn son thếp vàng treo giữa nhà. Trong hình là tôi mặc khăn đống áo dài đứng cạnh tổng thống Mỹ, chụp mấy tháng trước hôm ông Bush về Louisiana gây quỹ tranh cử.
- Ủa, hình mày đó ha Cương? Sao ngon vậy?
Tôi chỉ chờ đến đấy. Thế là bao nhiêu câu chuyện về cái hôm vinh dự kia được tôi hãnh diện kể lại không sót một chi tiết, từ cái bắt tay chắc nịch đến những câu nói của ngài tổng thống mà tôi không hiểu rõ lắm; từ việc phải đóng mấy bớp để được nhận vào "The Banquet Golden Guest Club" mới có thiệp đi dự gây quỹ v.v... đều được tôi hăng say tường thuật như thể mới kể ra lần đầu.
Thực tế là ngày hôm đó không phải tên an-nam-mít nào cứ hễ đóng tiền là vào được cái sảnh đường trang trọng ấy mà chụp chung hình được với tông tông đâu! Nếu không có bộ óc nhiều sáng kiến giời cho thì cũng hoài công, cũng chẳng nước mẫu gì! Tôi biết mấy anh Mẽo hay sính của lạ. Giả sử tôi cứ mặc vét-tông như thường lệ, thì với khuôn mặt thiểu số tối tăm, vầng trán đã bắt đầu thưa tóc và cái vóc vạc khiêm tốn chắc tôi dù có đeo bạc giấy xanh lè từ đầu xuống chân cũng vẫn bị mật vụ túm cổ quẳng ra ngoài khách sạn như Eddie Murphy bị bọn mobsters quăng qua cửa kính trong phim Beverly Hills Cop.
Thế nhưng, may nhờ phước đức tiền nhân và hồn thiêng sông núi, trái táo Newton đã lóe sáng trong đầu tôi sau ba đêm suy nghĩ: Tôi bèn ra phố vào tiệm cho thuê đồ cưới, khẩn khoản xin mua lại một bộ áo the thụng quần sa tanh có cả chiếc khăn đống xanh bóng, "thắng" thử vào trước gương và thấy rằng ngày được kề cận long nhan đã sắp thành sự thực. Thế là tôi mặc vào bộ ấy đi apply được cái thiệp mời khá dễ dàng vì y phục đại diện được cho một khối dân Á Châu khá đông đảo, và rồi hôm đại lễ tôi hiên ngang trong bộ quốc phục tay cầm cờ Mỹ bước vào sảnh đường, các anh cảnh sát liên bang cũng chỉ nhìn tôi bằng những cặp mắt lạ lùng mà không ai ngăn cản vì chiếc cạc to tướng có tên của tôi đã được ghim lên ngực áo. Trong buổi đại yến, tôi được bắt tay cả trăm người, xã giao thì chỉ cần nụ cười giả lả cố hữu là xong. Nhìn quanh, tôi vui mừng khi nhận ra mình không phải là kẻ đơn độc: có một anh nom như da đỏ (không biết thật hay giả) mặc bộ đồ giống như Daniel Boone với hai chùm tóc buộc hai bên đứng cạnh một anh khác đen nhẻm diện chiếc khăn Phi-Châu rằn ri quanh cổ và cái mũ ống; lại còn một chị Trung Ðông trùm mền toàn thân kín mít chỉ hở nửa mặt. Thế là các máy thu hình đã chiếu cố đến các bộ đồ lạ lẫm của tôi và mấy quái nhân kia một cách đặc biệt, vì chưng đó là biểu tượng của "Minorities Supporting The GOP" mà các Republicans có thể mang ra khoe rằng đảng của họ không hề kỳ thị chủng tộc như bọn xấu mồm vẫn thường hay rêu rao tuyên truyền thất thiệt!
Cả tuần hôm sau, chiếc phone trong nhà không ngừng réo toang vì bạn bè đã nhận ra mặt tôi trong phần tin tức của các đài truyền hình địa phương. Ðứa khen ngợi đứa chửi rủa, nhưng nào có hề gì! Tôi bây giờ đã thành ra người nổi tiếng trong cái cộng đồng bát nháo.
Thầy Lung tới hôm nay đã dọn về ở nhà tôi được gần năm. Mời thầy đến ở chung vì tôi vốn người tam cương, trọng quân sư phụ. Với lại, thầy Hoàng Lung tứ cố vô thân cả nước Mỹ không có lấy một người bà con dòng tộc, sang đây chỉ mang hai đứa một trai một gái còn trung học. Tôi cũng chỉ một mình, còn mụ vợ khốn lịn trước mà tôi đã ngu dại vượt bao nhiêu cửa ải hành chính khuân từ Biên Hòa qua đây được một thời gian chăn gối mặn nồng tự nhiên cách đây ba năm dở chứng đòi trở về Việt Nam - và mụ đã về thật - nên nhà tôi cũng neo người. Tôi đi làm từ sáng đến chiều; căn nhà vắng lặng nay có bố con thầy Lung cũng vui lên. Hai đứa con thầy Lung ngoan ngoãn chăm học nghe lời bố, và thầy cũng kiếm được chân chạy bàn trong tiệm hủ tiếu Thanh Xuân ngoài phố nên chúng tôi sống cũng không đến nỗi nào.
Nhắc đến mối duyên hờ Việt Mỹ (giữa Ánh Hồng mụ vợ Duyệt Nàm Dần và tôi một người quốc tịch Hoa Kỳ), bản tòa vẫn còn thấy bực tức trong lòng như bị ai đấm một quả vào giữa ruột.
Ai đời, mình đã cất công lặn lội về một đất nước lạc hậu để cứu vớt cuộc đời cho nó sang đây mà biết với năm châu thế giới, được lên xe xuống ngựa, thì nó lại giả ơn bằng cách cho mình ôm gối nằm không sau khi đã bòn rút của mình đến hơn cả bạc nghìn! Cái cá tính lạc hậu của những "hạng" còn trong nước cộng với mấy tập tục vừa học đòi được ở bên đây như buộc mình phải bỏ rượu; mỗi ngày đều phải tắm; tối bắt mình phải về trước nửa đêm; cuối tuần phải chở nó đi ăn một lần; hay khi hút thuốc lá phải ra vườn sau đã làm mỗ cực kỳ khó chịu. Nếu cưỡng lại mụ, mình sẽ lãnh ngay những ngôn ngữ san sát khó nghe mà đã dính chặt từ bao giờ vào lưỡi mụ, cách chi cũng không cạo tróc ra được. Bản tòa phân vân tự hỏi kiếp trước phải chăng mình là quân đạo chích cướp của giết người nên kiếp này mới vớ phải độc cô ác phụ để mà trả nợ oan khiên?
Nhưng thôi, giấc mơ hồi hương của y thị đã hoàn tất. Mụ về Biên Hòa có tái xe duyên với Taiwanese hay Tây ba lô thì cũng mặc xác mụ, tớ cóc có ghi-vơ-đem. Ngày lên xe chở của nợ ra phi trường xong, tôi về nhà gom góp hết những bộ quần áo cũ mụ còn bỏ lại tống ra trước cửa, tổng cộng gần hai mươi túi, chờ heavy-trash pickup (cũng cái thằng hắc diện đầu đà mà tôi đã đề cập ở phần mở truyện) đến nhặt. Xong tôi lôi chai mác-ten ra, một mình với hai con khô mực nướng thơm phức nhâm nhi cho thỏa chí tang bồng mấy năm giời kềm kẹp dưới chế độ lao tù của la sát đại sư mẫu. Ôi đời đẹp làm sao! Con tim Nguyên Cương giờ đã vui trở lại...
Ðang nghĩ về chuyện cũ, tôi giật mình trông ra vì có tiếng mở cửa. Thầy Lung đi đâu từ sáng đã trở về, ôm trong tay một chiếc thùng cát tông khá lớn. Ðặt chiếc thùng xuống sàn nhà, thầy chậm rãi xé băng keo và mở nắp, ngước lên nhìn gương mặt dò hỏi của tôi:
- Mấy hôm trước tao được tin vui tính dấu mày chơi.
Chiếc túi được lôi ra, thầy nhẹ nhàng ve vuốt lên mặt vải.
- Còn nhớ cây Bá Nha hồi đó của tao không mày? Nó đây nè. Thằng em tao mới gởi qua nè...
Hình dáng cây tây ban cầm quen thuộc ngày xưa của thầy Hoàng Lung hiện ra trước mắt tôi. Vẫn mầu nâu đậm bóng vẹc ni, vẫn chiếc cần đờn thẳng tắp với từng phím đánh dấu tròn trắng bằng ngà, lại còn lớp viền xung quanh lỗ đàn hình triện tầu ngũ sắc đặc trưng Liệu Fa Thăng, tất cả những thứ ấy làm lòng tôi nhớ lại cả một thời tuổi trẻ, khi tâm hồn còn trong sáng và hay mơ màng theo từng phiến âm thanh quyến rũ.
Thầy Lung ngồi so lại dây. Rồi ôm cây Bá Nha vào lòng, chân trái gác lên chiếc ottoman thầy nhè nhẹ nắn buông vài tiếng. Âm thanh ngọt ngào từ chiếc thùng đàn vang ra, bài Rô Măng của một ngày cũ. Tôi nằm dựa vào sofa mắt khẽ nhắm lại. Thoang thoảng mơ hồ tôi thấy mình trở về ngõ cổng Phi Long, và bóng Mỹ Dung tha thướt trên căn gác ngày xưa, miệng chúm chím cười giọng mềm như mía lụi:
- Bảng Gô Măng ăn Cương ảnh guánh em nghe thấy thương ghê, ngọọc thiệêêêệc là ngoooooooọc vậy đó....

Xem Tiếp: ----