ũ sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Duy Xuyên, phía nam của thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Vũ phải bỏ học sau lớp mười một để giúp cha mẹ làm nông kiếm sống. Duy Xuyên nhờ dọc theo bờ sông Thu Bồn phù sa màu mỡ nên lúa ngô tươi tốt. Dòng sông Thu Bồn có thể là dòng sữa ngọt ngào, hiền từ nhưng cũng là bùn non lũ dữ trong mùa mưa cuốn đi tài sản, lúa giống của dân cư Duy Xuyên. Những trận lụt lớn mấy mươi năm gần đây làm cho những gia đình vốn đã nghèo như nhà Vũ càng khốn đốn hơn.
Duy Xuyên mùa nắng hừng hực, những cơn gió Nam Lào thổi qua nóng hôi hổi, khắc nghiệt; mùa mưa dầm dề, bão tố, lụt lội. Tuy nhiên Duy Xuyên có nhiều di tích lịch sử từ vương quốc Chàm xa xưa như thánh địa Mỹ Sơn với hơn bảy mươi công trình kiến trúc đền tháp; kinh thành Trà Kiệu do vua Bhadvarman khởi đầu xây cất hồi giữa thế kỷ thứ tư, nằm bên bờ sông Thu Bồn. Duy Xuyên còn nổi tiếng về học sinh giỏi và thi đỗ cao.
Dân Duy Xuyên sau những cơn lũ lụt, nhà tan cửa nát lại cố gắng níu kéo, hồi phục xây cất. Ba Vũ tuổi đã về chiều, mệt mỏi với cảnh cái khó bó cái khôn, khuyên ba đứa con, Vũ và hai em gái, vào Sài Gòn lập nghiệp. Các con nghe lời bỏ xứ ra đi được mười năm.
Những năm đầu tiên ở Sài Gòn, Vũ làm cho hãng may đồ trẻ nít công nghiệp chuyên về lên lai áo. Mỗi ngày làm trung bình từ mười đến mười hai tiếng; mỗi tháng Vũ lãnh hơn hai trăm đô, tiện tặn cũng đủ ngày hai bữa cơm và chỗ ngủ hằng đêm. Nơi đây Vũ đã gặp vợ là Vân.
Sau khi quen với đường lối và nếp sống ở thành phố mới, nhờ người chỉ dẫn, Vũ đi học, lấy bằng lái tắc-xi và chuyển nghề. Lái tắc-xi nhàn hạ và khá hơn, mỗi tháng sau khi ăn chia với chủ và trả tiền xăng cũng còn hơn lương cũ cả trăm đô, cộng với đồng lương của Vân, đời sống của Vũ dễ chịu hơn nhiều so với thời gian ở ngoài Trung.
Vân người Bình Thuận, phía cực nam của miền Trung, cũng vì kinh tế gia đình eo hẹp nên về Sài Gòn kiếm sống. Gia cảnh hai vợ chồng tương tự nhau nên Vũ và Vân sống rất hạnh phúc. Lấy nhau được một thời gian ngắn thì bé Tường Vy ra đời. Hai vợ chồng càng gắn bó hơn.
Cuộc đời thăng trầm, sóng gió đã qua, khi bé Tường Vy được hơn một tuổi, Vân nghi có chuyện không được bình thường với con. Nó không phản ứng tự nhiên như các trẻ sơ sinh khác. Hai vợ chồng đưa con đi khám nghiệm mới biết đứa con yêu quí bị khiếm thính, điếc bẩm sinh.
Bao nhiêu dự tính tương lai cho con sụp đổ trước mặt. Vân buồn bã thấy rõ. Nàng thèm nghe tiếng con thơ bập bẹ “ba ba, má má”. Vũ cố gắng giữ vững cột trụ gia đình. Anh buồn nhưng không lộ ra. Anh hiểu đây là bịnh di truyền vì ông bác cũng cùng cảnh ngộ. Hai vợ chồng cố gắng chạy chữa trong khả năng của mình. Bác sĩ cho ý kiến nên thử gắn máy trợ thính con. Vũ ngần ngại vì mua xong không trả lại được, thêm nữa tỉ lệ thành công có một phần ba.
Máy trợ thính đắt hơn cả gia tài của hai vợ chồng dành dụm bấy lâu nay. Vân thương con nên muốn liều vay tiền mua để thử. Vũ là dân Quảng, đối phó với thiên tai nhiều, lúc nào cũng muốn thủ cho tương lai nên không đồng ý. Lỡ không thành công vợ chồng sẽ trắng tay lại thêm nợ nần.
Vũ biết sự bất đồng ý kiến đã tạo một khoảng cách vô hình giữa chàng và Vân. Đôi khi thấy người bạn đời buồn bã, u sầu Vũ cũng muốn chìu vợ nhưng sự sợ hãi không mái nhà che nắng che mưa làm anh chùn bước. Anh chỉ biết âm thầm xót xa cho vợ cho con.
* * *
Hôm nay là ngày trước Giáng Sinh, một ngày trọng đại cho Vũ và gia đình. Anh chỉ chạy tắc-xi nửa ngày, nửa ngày còn lại để chuẩn bị một món quà rất lớn cho vợ con. Món quà tình cờ anh đã nhận được từ một người khách lạ.
Cách đây ba tuần vào một sáng chủ nhật, sau khi đưa khách về từ phi trường, Vũ đậu tắc-xi bên mé Khách sạn Inter-Continental Asiana nằm trên đường Hai Bà Trưng, cách nhà thờ Đức Bà không xa lắm để chờ khách khác. Đây là một khách sạn năm sao sang trọng. Khách phần đông là ngoại quốc từ các xứ Hoa Kỳ, Pháp, Hương Cảng, Đài Loan, Nhật,..
Có tiếng gọi từ khách sạn để đưa khách. Vũ ngưng sự trầm tư và rồ máy. Khách là một người Á châu giống như người Đài Loan. Vũ ngừng xe, chạy vòng qua sau để mở cửa. Người đàn ông lên tiếng:
- Chào em!
Vũ ngạc nhiên. Ông khách không giống người Việt mà lại nói tiếng Việt. Vũ chào lại:
- Thưa anh!
Sau khi hai người đã ngồi vô xe, ông khách đưa cho Vũ tấm giấy có ghi địa chỉ và nói:
- Em đưa anh tới đây!
Vũ cầm lấy tờ giấy đọc… địa chỉ không quen thuộc lắm. Giọng chàng có vẻ khẩn khoản:
- Anh cho em vài phút để suy nghĩ đường sá nhé.
Ông khách dễ dãi:
- Ừ, không sao, em cứ thong thả.
Vũ nhắm mắt lại. Bản đồ thành phố Sài Gòn với những con đường chính, đường phụ, hẻm to, hẻm nhỏ bắt đầu hiện ra trong bộ óc. Sau khi đã định được hướng Vũ mở mắt và nói:
- Em đưa tới trước hẻm rồi anh tự đi bộ vô nhà nhé vì hẻm nhỏ xe khó vô ra.
- Được!
Ông khách trả lời ngắn gọn. Khi thấy Vũ đã thoải mái với đường đi nước bước, ông khách lên tiếng hỏi thăm:
- Em lái tắc-xi bao nhiêu lâu rồi? Quê ở đâu? Nghe giọng nói, em không phải là người Sài Gòn?
Vũ hơi tò mò về ông khách. Đưa đón khách ngoại quốc, Vũ gần như câm vì tiếng Anh không rành. Khách Việt Nam phần đông là Việt Kiều về, ở nhà bà con, có hỏi thăm thì cũng qua loa về chuyện lưu thông, mưa nắng hay chợ búa. Ít ai quan tâm tới quê quán, gia đình con cái của tài xế tắc xi. Nghe Vũ trả lời là người Duy Xuyên, ông khách nói:
- Anh cũng là người Quảng Nam. Quê ba là Đại Lộc, quê mẹ Hội An. Anh sinh ra ở Hội An, vô Nam hồi năm tuổi. Vài năm trước anh có về thăm Hội An nhưng Đại Lộc thì không rõ ở hướng nào.
Vũ bắt đầu cảm thấy thoải mái với ông khách, thì ra là người cùng quê.
- Đại Lộc giáp ranh phía Tây của Duy Xuyên. Muốn tới Hội An từ Đại Lộc phải đi qua Điện Bàn hoặc Duy Xuyên.
Vũ bạo dạn hơn, nói tiếp:
- Anh xa quê bao nhiêu lâu mà giọng Quảng còn nặng hơn em?
- Anh ở Mỹ hơn ba mươi năm. Chắc tại không giao thiệp nhiều với người Việt nên giọng ít thay đổi.
Ông khách nói có lý. Ở trong Nam hơn mười năm, lâu lâu về thăm quê Vũ cũng nhận xét giọng Quảng của mình không còn nặng như giọng của cha mẹ nữa. Vũ khám phá ông khách là Việt kiều ở Mỹ. Vũ hỏi thăm lại:
- Anh về thăm nhà hay đi du lịch?
- Anh đi công tác ở Đài Loan tiện đường bay về đây thăm bà thím vài ngày. Ngày mai về lại Đài Loan.
Không để Vũ hỏi lại, ông khách lại ân cần hỏi về gia cảnh của Vũ, vợ làm gì, con ra sao, công việc làm có đủ sống không... Nghe ông khách thăm hỏi, lòng Vũ bất chợt chùng xuống, một nỗi buồn dâng lên khi nghĩ đến đứa con bị điếc của mình, rồi nghĩ đến khuôn mặt u sầu của vợ. Bao năm nay không có ai hỏi thăm đến bịnh tình của con. Vũ hiểu, sống trong khu lao động, ai cũng tất bật kiếm miếng ăn, đâu có ai dư thì giờ để ý tới con cái người khác. Tự nhiên Vũ cảm động khi nghe ông khách hỏi thăm. Chàng thật thà nói:
- Lương hai vợ chồng em cũng đủ sống. Bây giờ có nhà riêng nên mỗi tháng cũng có dư chút đỉnh. Vợ em may đồ công nghiệp. Con gái em được tám tuổi. Nó bị điếc nên tụi em buồn lắm, nhất là vợ em.
Nói có nhà riêng cho oai chứ nó như một cái chòi tôn trên nóc và bốn phía. Ban ngày nóng hổi không ở được, cách trung tâm Sài Gòn ba chục cây số. Vũ kể sơ về sự bất đồng giữa hai vợ chồng chuyện không mua máy trợ thính như thế nào. Ông khách có vẻ chăm chú nghe. Ông hỏi:
- Rồi cháu có đi học ở đâu không?
- Dạ thưa không. Em có người cô. Ban ngày cháu tới giữ em cho cô ấy. Tối em đón nó về.
Ông khách nói:
- Vài năm trước anh có đi thăm một trường câm điếc ở Bảo Lộc do mấy sơ dòng Mến Thánh Giá đảm trách. Em tìm cách liên lạc với trung tâm đó xem sao.
Vũ hỏi thăm về trường câm điếc đó như thế nào nhưng ông khách không rõ tường tận cho lắm.
- Dạ, em sẽ tìm hiểu thêm về trường đó.
Nói hết câu thì Vũ cũng từ từ dừng xe lại trước một con hẻm. Ông khách nhìn con số trên đồng hồ, lấy tiền ra trả. Vũ cầm lấy và đếm. Số tiền nhiều hơn lộ phí đã định. Vũ ngỡ ông khách đưa lộn nên trả lại phần dư. Ông khách xua tay:
- Không, không đó là tiền thưởng của em. Còn đây là một trăm đô la, em đưa cháu đi khám bác sĩ rồi cho anh biết kết quả như thế nào.
Vũ giật mình, mở cửa xe, nhảy xuống, đi vòng ra phía sau mở cửa xe cho ông khách. Chờ cho khách ra khỏi tắc-xi, Vũ khẩn khoản:
- Em không dám nhận tiền này. Anh cho em tiền thưởng đã nhiều rồi.
- Tiền một trăm đô này là anh tặng cho cháu mà. Em giữ lấy. Sau khi khám bác sĩ xong thì liên lạc với anh theo số điện thoại này.
Ông khách đưa cho Vũ tấm thiếp có ghi tên Nguyễn Văn Vinh và số điện thoại ở Mỹ.
- Cám ơn anh.
Vũ cảm động và chỉ nói được có thế.
Ông Vinh quay lại:
- À, ngày mai anh ra phi trường. Em tới đón anh ở khách sạn lúc tám giờ sáng nhé!
- Dạ! Chào anh. Ngày mai em tới khách sạn lúc tám giờ.
Vũ chào ông Vinh thêm một lần nữa. Chờ ông khách dễ thương quay gót, anh mới nổ máy xe.
Vũ không nói gì với vợ về một trăm đô và cuộc đối thoại với ông Việt kiều sáng nay. Anh suy nghĩ lung lắm. Đưa con đi khám mà hoàn toàn thất bại thì Vân sẽ thất vọng đến dường nào. Gần tám năm nay hai vợ chồng chấp nhận sự tật nguyền của con nhưng cũng âm thầm hy vọng có một phép lạ nào đó xảy ra. Vũ không muốn phá vỡ niềm hy vọng của vợ. Vân rất dễ bị xúc động.
Vũ quyết định tự dẫn con đi chuyên khoa tai mắt mũi họng để tư vấn với bác sĩ trong giờ Vân làm việc. Đo nhĩ lượng và thính lực xong, bác sĩ đề nghị cho bé Tường Vy thử ba loại máy trợ thính tùy theo kinh tế gia đình, rẻ nhất là ba trăm đô, mắc nhất là hơn ba ngàn đô của hãng Thụy Sĩ.
Vũ cũng tự tiến hành chuyện tìm hiểu trường câm điếc ở Bảo Lộc. Trường này chỉ nhận học trò từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần cha mẹ phải đón con về. Về địa lý, chuyện đưa đón con không thể nào thực hiện được vì trường cách nhà hai trăm cây số. Các bà sơ thông cảm và giới thiệu Vũ đến truờng câm điếc ở Sài Gòn.
Vũ ghé trường Sài Gòn. Bé Tường Vy có thể đến trường ở này để học ra dấu tay như những bé câm điếc khác. Vũ đưa toa bác sĩ cho mấy bà sơ coi. Các sơ tặng cho Vũ phiếu giảm giá một phần tư khi mua máy trợ thính, vì trung tâm được sự yểm trợ của công ty làm máy ở Thụy Sĩ.
Vũ mừng rỡ, vội vàng liên lạc với ông Vinh để hỏi ý kiến.
Ông Vinh đề nghị chỉ nên mua một chiếc cho một tai trước, hứa sẽ gởi tiền cho Vũ vào ngày hôm sau, và hứa sẽ tặng thêm tiền cho chiếc thứ hai nếu cuộc thử nghiệm thành công. Nhận được tiền, Vũ đưa con trở lại phòng mạch bác sĩ để lấy khuôn tai rồi lấy hẹn trở lại để thử.
Trong thời gian chờ đợi thử máy trợ thính cho con, Vũ hồi hộp, tâm trí khổ sở vì không chia sẻ được với Vân. Tới ngày thử nghiệm, vị bác sĩ đeo máy trợ thính cho bé Tường Vy, xong ông đi lùi mười bước và kêu lớn:
- Tường Vy!
Bé Tường Vy quay người lại nhìn ông. Vũ trố mắt. Có lẽ nào con mình đã nghe được? Vị bác sĩ la lớn thêm một lần nữa:
- Tường Vy!
Bé Tường Vy ngoảnh đầu, mắt hướng về tiếng gọi. Vũ bắt chước gọi:
- Tường Vy, Tường Vy!
Bé Tường Vy quay về hướng cha. Vũ chạy lại ôm chầm lấy con. Vài giây sau nước mắt sung sướng của người cha bắt đầu chảy trên hai gò má.
Vì giờ giấc khác biệt, tối hôm đó Vũ mới điện thoại cho ông Vinh được. Chàng thuật lại những gì đã xảy ra hồi sáng trong cơn xúc động. Anh cứ cám ơn ông Vinh riết. Vũ cũng cảm được sự vui mừng từ ông Vinh qua điện thoại.Vũ cho ông Vinh biết con mình phải cần đeo hai bên tai còn không thính giác bên không đeo sẽ bị hư. Ông Vinh nói:
- Ngày mai anh sẽ gởi tiền để em mua cái thứ hai cho cháu.
Vũ cám ơn. Anh cảm động với tấm lòng tốt của ông Vinh.
Hôm sau nhận được thêm tiền, Vũ đưa con đi làm khuôn như lần trước. Ngày thử máy, anh muốn sẽ là một ngày rất đặc biệt. Anh sẽ đưa Vân đi theo. Ông Vinh có nói ông là người Công giáo; các bà sơ dòng Mến Thánh Giá là người Công giáo. Còn vài ngày nữa là Giáng Sinh, Vũ có ý định đưa vợ con vô Giáo Đường. Vũ sẽ nghỉ làm nửa buổi ngày hôm đó. Vũ sẽ nói Vân xin nghỉ làm nửa buổi với lý do để anh có cơ hội đưa hai mẹ con đi chơi.
Như dự đoán của Vũ, Vân lấy làm lạ tự nhiên hai vợ chồng xin nghỉ làm để đi chơi. Thấy chồng có vẻ quyết liệt, nàng đành nghe theo. Mặc dù không hài lòng nhưng Vân vẫn sửa soạn quần áo đẹp cho mình và cho con.
Đường sá trước ngày Giáng Sinh tấp nập người đi, kẻ lại. Người đứng chụp hình ông già Noel trước mấy cửa tiệm; người thì chụp hình trước cây thông... Vũ chạy xe Honda đèo theo vợ con lái xiên qua, xẹo lại để tránh người đi đường. Chàng cũng không muốn đến phòng mạch bác sĩ trễ quá. Mặc cho Vân thắc mắc hỏi đi đâu, Vũ chỉ ậm ự biểu chờ sẽ biết.
Đậu và gởi xe xong, Vũ cho Vân biết là đưa con đi thử tai. Trong lúc chờ đến lượt mình, Vũ kể cho Vân nghe câu chuyện về ông Việt Kiều. Vân xúc động thấy rõ. Nàng ôm chặt lấy con ve vuốt. Niềm hy vọng rạng rỡ trên khuôn mặt dịu hiền.
Tường Vy không ngỡ ngàng vì đã đến phòng mạch này rồi và tự động ngồi lên chiếc ghế để sẵn. Vị bác sĩ mở hộp và lấy hai chiếc máy trợ thính móc lên hai vành tai của cô bé. Ông đi lùi khoảng mươi bước rồi kêu:
- Tường Vy!
Tường Vy xoay đầu về phía có tiếng kêu.
Vị bác sĩ lùi thêm dăm bước nữa:
- Tường Vy!
Mắt Tường Vy lại hướng về phía có tiếng kêu.
Vân chạy lại ôm chầm lấy con khóc nức nở, giọt nước mắt hạnh phúc tưởng không bao giờ rơi được… và bé Tường Vy, từ giây phút đó cứ ôm chặt hai tai như sợ ai lấy mất máy nghe của mình đi.
Đêm Giáng Sinh hôm đó, Vũ, một người chưa từng đặt chân vô giáo đường, quì gối cùng gia đình cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế và ân nhân…
Hai ngày sau bé Tường Vy bập bẹ “ba, ba”, “ má, má”..
Ôi! Hai tiếng "ba, má" đơn giản nhưng đối với Vân và Vũ, nghe thật nhiệm mầu. Hai vợ chồng nhắm mắt mỉm cười sung sướng, không biết để tận hưởng những âm thanh gắn bó, tin yêu ấy hay để giữ lại những giọt nước mắt vui mừng lại sắp ứa ra.../.
Miên Kim
 

Xem Tiếp: ----