Khu vườn bé tẹo, đầy dây dại âm u. Chúng tôi dựa xe vào một gốc mận èo uột với những túm hoa trắng lèo tèo, đi ngang qua vuông sân nhà. Con Lô ốm nhóc nhách hục hặc trong cỏ, đưa mắt nhìn chúng tôi ai oán. Hân đá nhẹ vào hông con Lô lẩm bẩm "Mày lúc nào cũng thế, không khá lên nổi." Rồi tiếp tục ư ử một bài hát vui nhộn. Tôi quay lại cười "Sao hôm nay lạ thế". Hân mủm mỉm "Vừa kiếm được mối làm ăn" và chìa trước mặt tôi tấm giấy đỏ in đầy chữ Tây Tàu xanh đỏ. "Vẽ bảng quảng cáo một hiệu bánh của Tàu". "Rồi sao nữả". "Phải nghỉ học mấy ngày nhưng sống thêm được mấy tháng". Hân lại cười đưa tay cài cúc áo ngực. Tôi nhăn mặt. Tôi không thích Hân thế này. Bụi đời, bất cần. Như thế hợp với Hân nhiều hơn. Ông giáo đứng đợi ở cửa, áo quần là phẳng phiu, nhưng cũ mèm và tiều tụy. Chúng tôi chào "Thưa Thầy", kéo ghế ngồi lọc xọc. Mỗi lần đến đây học, vào tối thứ bảy, tôi như bị hút vào bàn thờ đặt ở góc nhà. Lúc nào cũng tối tăm, mờ mịt khói. Với tấm hình chụp chân dung người thiếu phụ trẻ nhìn thẳng, mắt to mày dài. Một vẻ đẹp dài dại và lạnh lẽo. Hân bảo "Bà ấy bị điên". Rồi lơ mơ nhìn qua cửa sổ "Như thế lại tốt. Chẳng phải lo gì, nghĩ gì". Tôi cười "Phải không?". Tự nghĩ thầm, chẳng thể nào là phải được. Người ta ít khi nào bằng lòng với bản thân, chỉ thích đứng núi này trông núi nọ và mơ ước những điều rất viễn vông. Ông giáo viết bài lên bảng, tiếng phấn cạ vào thớ gõ ken két. Hân quay sang hỏi: "Tối nay học xong đi đâu?" "Không, chỉ về nhà". "Vậy cà phê nhé. Có thằng bạn mới mở quán dưới Thanh Ða. Thời buổi này người ta làm ăn kinh lắm". Ông giáo gõ thước lạch cạch "Anh chị đọc đi". Chúng tôi ê a đọc những câu tiếng Pháp, cảm thấy thời gian như dài mãi ra. Và căn nhà này ngày càng trở nên nhỏ bé, thanh bình. Khoảng bảy giờ Lam vào lớp, mồ hôi nhỏ nhểu nhảo. Thầy hỏi, giọng ấm áp, chậm rãi "Trông anh có vẻ mệt. Bận nhiều công việc lắm à?" Lam mở túi lấy ra cuốn tập nhàu nát dính đầy vệt sơn dầu "Em có một cuộc hẹn Thầy ạ". Hân hấp háy mắt "Với em Ngần phải không?". Lam gật đầu, mặt rạng rỡ, đầy tự tin. Tôi cúi gầm mặt vào hàng chữ nghiêng ngả, tự nhiên thấy cay đắng. Một nỗi chua xót dâng dần trong lòng giống như mình vừa ráng hết sức chạy xong một cuộc marathon, mà khi về đến nơi, mọi người đã về đến đích tự lúc nào. Tôi lắc mạnh đầu. Chuyện tình cảm, yêu đơn phương là một điều thật vô lý và vô vọng. Vậy mà người ta vẫn cứ chạy theo và chờ đợi để làm gì? Ông giáo ra bài luận "Tả chân dung người bạn của anh (chị)". Hân hớn hở nhìn tôi "Tụi mình tả lẫn nhau nhá". "Không – Lam lắc đầu – tả người mình yêu nhất. Tao muốn tả Ngần". Tôi im lặng. Nếu thế, chắc tôi sẽ tả Lam. Lam tóc quăn, mặt trắng, dáng thư sinh, luôn tỏ ra nhạt nhẽo với mọi thứ. À, nhưng có lẽ bây giờ đã khác. Ngần đến thay đổi tất cả trong Lam. Kể cả ánh mắt thờ ơ đến một mục đích sống không rõ rệt. Tôi lén nhìn Lam, bỗng nhiên thấy chưa bao giờ tội nghiệp Hân thế này. Lúc nào Hân cũng muốn tôi vui. Cho dù niềm vui ấy không mang lại gì cho tình cảm của chúng tôi cả. Mất điện. Ông giáo mò mẫm đốt cây đèn dầu bé xíu trên bàn thờ, thở dài "Ðợi thêm vài phút, chắc có điện lại". Chúng tôi kéo nhau ra ngồi ngòai sân. Gió thổi như bão. Lá khô rụng cuốn vào sân lào xào. Tôi hỏi khẽ "Ngần đẹp không Lam?" Lam cười "Không đẹp nhưng dễ thương. Mình có vẽ Ngần mấy bức. Hôm nào lại xem". Tôi gượng gạo "Ờ, tất nhiên". Trong bụng lại nghĩ "Tôi ư, chắc chắn là không thể xem được rồi. Anh ngốc lắm, anh chẳng hiểu gì cả". Hân khịt mũi, kéo mạnh áo tôi "Xem kià". Tôi giương mắt nhìn theo hướng Hân chỉ. Ở góc vườn hiện lên một bóng trắng vật vờ. Nom cô đơn, lạc lõng. Nó đi lom khom dưới những tàn cây, tiến lại gần chúng tôi. Hệt như bức chân dung trên bàn thờ, mắt to mày dài lạnh lẽo và ngây dại, cô nhìn chúng tôi cười ngơ ngẩn. Dưới ánh trăng mới lờ mờ tôi mới tin đó là người thật. Cổ họng đắng nghét vì sợ hãi, tôi chụp vội tay Hân "Ai thế". Lam cười nhẹ "Con gái ruột của Thầy". Hân thêm, giọng không tỏ một thái độ Nào "Cô ấy bị điên, điên bẩm sinh, giống như bà mẹ". Cô gái lại cười. Lần này nụ cười có vẻ tỉnh táo hơn. Nó như được soi rọi bằng một thứ ánh sáng vô cùng ấm áp lên gương mặt tiều tụy, đờ đẫn của cô. Tôi quay lại. Ông giáo đứng sau lưng, tay cầm ngọn đèn lồng đỏ và cười "Con gái của tôi. Hai mươi lăm tuổi rồi. Vẫn thế", giọng không hề mệt mỏi, buồn bã. Ông giáo cầm tay con dẫn vào nhà. Cô gái đi, ngây thơ như trẻ con. Tôi nhìn theo ứa nước mắt, lờ mờ hiểu ra con người sống với nhau không phải chỉ vì những duyên nợ kiếp trước mà còn vì một chữ tình người ẩn sâu đâu đó tận tâm hồn. Mà đôi khi vì cuộc sống gạo tiền xô đẩy, bỗng trở nên nhạt nhẽo và thay đổi gần hết. Quán cà phê của người bạn Hân mới mở, sơ sài, lèo tèo khách. Chúng tôi ngồi sát bờ sông, nghe rõ tiếng nước vỗ vào bờ róc rách. Tôi yêu không khí tĩnh lặng như thế. Cảm giác như mình đang lần mò về thời thơ ấu, xa hẳn những ồn ào của thành phố. Hân nhìn tôi dè dặt "Hiên đi hai tháng rồi. Có thư từ gì không?". "Hiên than buồn - tôi ngọ ngoạy người - Biết sao được… ở nước ngòai đâu cũng thế cả". Chúng tôi im lặng. Trên mặt sông, một đàn dơi bay qua. Chúng mất hút vào đem và không để lại một cái gì. Lam bảo "Thứ bảy tuần sau mình nghỉ. Mà có lẽ cũng nghỉ luôn. Cả tuần chỉ còn ngày thứ bảy để chơi". "Ừ phải - Hân gật gù - Bây giờ tối thứ bảy cũng phải kiếm sống. Dù sao cũng nên nói với Thầy một tiếng". Tôi nhìn ra sông chán ngán. Phía bên trái, cầu Bình Triệu lô nhô những bóng đèn xe bé xíu. Kinh thật, cuộc sống thì vĩ đại đến thế, mà con người li ti như kiến, luẩn quẩn loanh quoanh không thể định hướng được cuộc đời của mình. Họ bám đuôi nhau, cắm cúi hòa mình vào những bon chen của cuộc sống. Chúng tôi ngồi đây, vẫn đau đớn nhận ra mình đang bị chìm dần trong dòng lũ đó. Tôi khẽ thở dài, những người như con gái của ông giáo, có lẽ Hân đã đúng phần nào, khi cho rằng họ đã thật hạnh phúc. Cô như một chiếc đèn lồng treo cao, sống trong cuộc sống đó mà tách rời tất cả. Vô tư, ngơ ngác. Cảm nhận về cuộc sống với cô, vẫn mãi chỉ là cái tình nơi người cha già của mình mà thôi. Mấy tuần sau tôi đến lớp học một mình. Ông giáo vẫn chỉnh tề trong bộ quần áo cũ, say mê giảng cho tôi những bài tập đọc vỡ lòng cảm động. Tôi ngồi nhìn qua khung cửa sổ bé tẹo, lâu lâu lại thấy con gái Thầy đi qua, tay cầm chiếc đèn lồng, mặt mày ngơ ngẩn và thanh thản. Tôi nghĩ, giờ này chắc Lam đang đèo Ngần lang thang qua các phố có nhiều cây và người. Còn Hân đang gò lưng hòan thành nốt bảng hiệu bánh Tàu xanh đỏ. Ðể ngày kia vào lớp, mặt võ vàng "Vừa nhận thêm mối mới. Ðành phải nghỉ thêm mấy ngày nữa để sống thêm được mấy tháng". Rồi cuộc sống những ngày sau nữa vẫn chỉ tiếp theo như vậy. Học thêm hai tuần, tôi xin nghỉ. Ngày xưa tôi đến lớp vì có Lam. Hoặc vì tôi luôn muốn giết thời giờ bằng những công việc khởi sự từ sự tò mò. Cuối cùng thì đã chẳng có gì níu chân tôi lại. Ngày giáp Tết, Hân chở tôi đến thăm Thầy. Cây mận èo uột đậu vài chùm trái teo quắt. Một người đàn ông ngồi tỉa lá mai, nhìn chúng tôi dò xét. Hân hỏi, nhã nhặn "Thưa ông, chủ nhà này đâu ạ?". Người đàn ông cau có cắm mặt vào những móng tay đen sì: "Tai nạn giao thông. Chết từ hồi Noel. À, con gái hả? Vào nhà thương điên lâu rồi". Tôi bủn rủn tay chân. Không khóc, không nói được. Chỉ thấy như mình đang bồng bềnh trôi trên một dòng nước không có bến đậu. Buổi tối, tôi tắt đèn, mở cửa trông xuống đường. Về khuya Sài Gòn yên tĩnh hẳn. Một vẻ bình yên rất thật lòng. Trong mơ màng, tôi lại nhìn thấy bóng trắng nhỏ bé của con gái thầy tôi, bơ vơ giữa những tòa nhà bệnh viện, đi tìm chiếc đèn lồng bằng giấy màu đỏ. Chiếc đèn lồng bằng giấy mà có lần tôi đã thấy thầy nâng niu treo lên đầu nhà vào đêm Trunh Thu. Một ngôi nhà ẩm mốc và cũ kỹ. Từ nơi đó, tôi đã học được câu tiếng Pháp vỡ lòng đầu tiên trong đời đầy vui sướng. "Bonjour monsieur. Comment çavả" Chào thầy. Thầy khoẻ không ạ?
Nguyễn Thị Châu Giang