uán tên Cúc Quỳ, một loài hoa dại miền Tây Bắc. Quán nhỏ ấm cúng, nằm lưng chừng dốc. Kiến trúc mang dáng nét nhà sàn người Thái, nhất là dãy lan can mặt tiền. Trong quán, từ trên lan can, hay qua các ô cửa kính, nhìn ngay thấy ngọn đồi đối diện và kế tiếp lô xô những núi cùng đồi một màu xanh rì, mướt mát nương chè, vạt đào, vạt mận. Xa xa nữa là nhấp nhô, trập trùng rừng thông vi vút. Thật là cảnh sắc chốn bồng lai. Ngay dưới chân đồi trước quán trải dài cánh đồng cải một màu hoa trắng muốt. Quốc lộ vắt ngang, mềm mại uốn lượn như dải lụa chạy dài xa tít tắp. Người Cao nguyên thường bảo, đường ấy lên mường trời đấy. Tôi đến quán lúc chiều muộn. Chọn đặt một bàn, rồi lạo dạo ra lan can ngắm hoàng hôn. Đâu đó phía triền núi xa xa sương mù là là quẩn lượn. Mây chiều gió núi bảng lảng. Chiều muộn, cao nguyên gió ào ạt thổi, phả cái rét se se không khỏi làm lữ khách thoáng rùng mình. Tôi trở vào quán. Không khí quán ấm cúng của một tối thực khách vui vẻ, ngon miệng. Quán có đôi mươi khách: Âu có, Việt có, ngồi quần tụ theo nhóm. Chỉ có tôi là ông khách đơn lẻ, một góc, một bàn,... Bài trí, kiểu dáng trong quán mang phong cách Âu châu: bàn, ghế, kể cả lớp gỗ ốp tường là những thân cây tròn xẻ ngang, đóng úp, bôi quết sơn với gam màu thẫm cánh gián. Trong ánh đèn sáng mờ, lấp loáng ngọn lửa bếp hồng, cuốn cuộn theo mùi khói củi, làm không khí thêm ấm áp giữa tiết cao nguyên lạnh giá. Trên tường treo bức tranh ông già và chú bé đang ngồi ôm đàn, làm tôi liên tưởng đến ông già nghệ sỹ Vi ta li và cậu bé Rê mi ở một ngôi quán nào đó trên con đường lãng du của họ, trong tiểu thuyết Không gia đình của tác giả Hedor Malot. - Ông dùng món gì ông ơi? Cô cháu gái má đỏ hây, niềm nở chào mời khách. Nghe, nhìn, thấy nét thân quen - quen ngữ điều, ngôn từ, chất giọng đơn đớt tiếng Kinh của đồng bào Mông. Cháu gái tuổi trăng tròn. Làm sao mình quen được cô cháu nhỉ? - Tôi thoáng nghĩ. - Quán nhà cháu có cá suối nướng, thịt trâu gác bếp, bê chao, cải Mông,…. - Ờ…. Cháu gái cho đĩa bê chao,... đĩa thịt trâu gác bếp. À, đĩa nhỏ thôi nhá. Có gì tý nữa bác gọi thêm. Còn rượu.. - Quán cháu có rượu ngô, rượu mận… Tợp ngụm rượu, cảm nhận hương vị men lá - ngai ngái vùng cao, nó làm tôi bâng khuâng nhớ về quãng thời gian gần bốn chục năm trước. Đang chìm đắm trong hồi tưởng và khi đã làm đôi ba chén, tâm thần nâng nâng: - Bác dùng gì nữa ạ? Món bê chao giờ là đặc sản Mộc châu đấy! Lần này không phải cô cháu gái, mà là người đàn bà xấp xỉ tuổi tôi, chắc là chủ quán, vì lúc trước thấy bà ta bận rộn điều hành mấy cháu chạy bàn và còn tự tay pha chế, nấu nướng. Giờ đã rỗi việc, bà chủ tranh thủ chạy ra với khách. Nhìn dáng hình bà ta tôi cũng thấy quen quen: Má ửng đỏ từ bếp lửa ra; giọng nói, khóe cười… - một phụ nữ chắc cũng một thời mặn mà, xuân sắc. Chợt nghĩ: ô hay, cứ đàn bà, con gái,... mình hay vơ vào quen. Nghĩ vậy tôi thoáng cười. Thấy thế, người đàn bà xăm xắn bắt chuyện: - Bác đến du lịch, hay có việc ở Mộc Châu ta? - Tôi… - Em nhìn bác, như thấy quen quen ấy! Ô hay, người ta cũng bảo rằng quen mình a? Đúng là… Nhưng thôi: người bán hàng bao giờ chả lấy lòng khách; khách nhớ ông lái đò, mấy khi ông lái nhớ hết mặt khách sang sông. -Thịt bê tươi lắm! Giờ thị trấn nhiều nhà chăn nuôi, cung cấp sữa cho Công ty. Hôm qua đúng kỳ, lắm nhà bán bê quá…. Nếu sinh ra bê cái, thì cô bê được diễm phúc phục vụ người đời bằng dòng sữa tươi mát; còn nếu hài nhi là phận chú bê, thì chỉ sống sót mươi ngày, rồi bị đem đi giết thịt. Thân hình nhúng tươi vào chảo mỡ sôi xục, thành ra món bê chao được bày trên đĩa, mà tôi đang thưởng thức đây. Nhóm sinh viên chúng tôi thực tập gồm năm đứa, hai nữ, ba nam và được chia thành hai tốp. Anh bạn tên Huân và tôi được phân xuống một trại nuôi bò của nông trường. Nơi chúng tôi nghỉ ngơi và làm viêc là trụ sở của trại. Gọi trụ sở trại cho oai, chứ thực ra, đấy chỉ là mấy gian nhà tạm, nửa là kho đựng dụng cụ, nửa là nơi dành cho anh em công nhân nghỉ lúc giải lao. Nay "tòa" trụ sở dẹp lại một góc cho hai gã sinh viên làm việc. Riêng việc ăn uống, hai đứa cuộc bộ tới nhà ăn của đội ở góc bên kia đồi. Trại gần như chỉ toàn nữ giới, trừ vị Trưởng trại đàn ông - tên Nem. Ông này gốc gác nông dân vùng xuôi; tham gia cuộc kháng chiến Chống Pháp chín năm, khi thành lập Nông trường năm 1958, thì được điều động về đây. Gần như suốt thời gian thực tập, trong số chị em, tôi chơi thân nhất với Sim - cô công nhân của trại. Em không xinh, không xấu, người thấp đậm, nước da trắng hồng của con gái xứ cao nguyên. Thân với Sim lý do thật giản đơn. Khi chúng tôi vừa đặt chân đến nông trường bộ, em đã đón đưa tốp hai đứa chúng tôi về trại. Chiều ấy đã muộn, chúng tôi cuốc bộ theo em dăm, bảy cây số. Trên đường đi em chỉ chỏ, giới thiệu hết trại này, sang đội kia. Sau rồi em chỉ tay về hướng khu nhà nằm trơ vơ trên đỉnh đồi trước mặt: “Kia là Trụ sở trại. Sắp đến nhà mình rồi”. Nói xong, chợt em thoáng như lúng túng. Đường mòn leo thẳng lên đỉnh đồi không đi, em lại dẫn chúng tôi men theo con đường vòng vòng, xa xa thêm tẹo nũa. Trước đó phía xa xa, tôi thoáng thấy bóng hình một phụ nữ. Người ấy sao không mảnh vải che thân, lõa lồ tòa thiên nhiên trắng đến rờ rợ. Nàng rập rờn vờn múa, uyển chuyển lướt bước trên thảm cỏ xanh ngắt giữa cánh đồi cao nguyên. Sau này Sim như hướng dẫn viên, giải thích, giới thiệu về những điều khác lạ của vùng cao cho hai kẻ thực tập chúng tôi - hai đứa đều ăp ắp kiến thức sách vở, nhưng mù mờ trước thực tế cuộc sống thật giản đơn trên cao nguyên này. Từ địa danh quanh vùng: Bản Suối Thín, bản Nậm Dên, bản Hin Pén, rồi đồng bào Mông sống trên núi cao, còn người Thái cư trú ở vùng thấp, ven sông suối. Thậm chí cả kiến thức giản đơn là lứa sữa đầu, lũ sinh viên trong trường học thuộc lòng như cháo chảy, nay mới tận mắt chứng kiến, được thưởng thức thứ sữa quý hiếm màu trắng đục, đã bị đun nóng đông vón lại, nhìn như miếng đậu phụ. Tôi thân Sim còn bởi cảm phục trí nhớ, con mắt quan sát tinh tường của em. Trại có hơn hai trăm con bò, Sim biết mặt, nhớ tên đến từng con: con Bướng Bỉnh, số 70, giống lang đen trắng – từ Ba Vì đưa lên; con Hiền Thục, số 34 – giống bò nội. Em nhớ cả lượng sữa vắt hằng ngày của mỗi con. Một lần hai đứa ngồi chăn bò trên đỉnh đồi, xa xa đàn bò mải mê gặm cỏ. Để kiểm tra trí nhớ của em, tôi chỉ tay: - Hai con kia kìa… đấy, …? Theo hướng tay tôi, em nói ngay số hiệu của từng con. Để kiểm tra độ chính xác, tôi và em cuốc bộ đến tận nơi. Quả đúng như lời Sim nói. - Sao tên là Sim, quê em tận tỉnh lúa Thái Bình cơ mà? Sim kể: “Bố em hồi bộ đội chống Pháp, từng đóng quân ở vùng trung du, hành quân qua bạt ngàn đồi sim tím. Sau trận giải phóng Điện Biên, hòa bình, bố ra quân, về làm cán bộ nông trường, rồi lập gia đình và em được sinh ra trên miền đất này." Đã có lần Sim thổ lộ: - Ước mơ sau này em có tấm chồng là công nhân nông trường. Nông trường chia cho khoảnh đất, rồi dựng nhà, trồng dãy đào, mận. Sau này dịp tết, anh nhớ lên, em sẽ tặng cho cành đào nhé! Và Sim cười, tiếng cười trong văn vắt. Tôi đùa: - Sao Sim không ước tấm chồng là chàng công an, anh sỹ quan bộ đội, hay chí ít cũng là gã sinh viên nghèo như bọn anh? - Em chả dám với cao...