oài Hương” là nhan đề thi tập thứ hai của Đỗ Hữu Tài, sau cuốn “Có những đêm”, xuất bản vào 2008, sáu năm trước đây.“Hoài Hương”, trước hết là tên người. Một người con gái. Đẹp, từ nhan diện tới phẩm cách. Tôi không dám chắc đó là mối tình đầu của tác giả, vì trong thơ của ông thấp thoáng khá nhiều những bóng hồng, từ khi ông còn trẻ, gấm ghé vài cô học trò, rồi “xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Có thể Hoài Hương không phải là mối tình thứ nhất, nhưng là một mối tình lớn, nói là lớn nhất, chắc cũng không ngoa.“Hoài Hương” có nụ cười rất xinh và rất tươi. Hoạ sĩ đã nhìn ra cô Hoài Hương qua sự rung động của tác giả Đỗ Hữu Tài, và sự cảm xúc ấy đã truyền đạt tới người xem tranh…Hoài Hương như là một thiên thần đáp xuống cuộc đời tác giả, lúc đó còn là một chàng trai khỏe mạnh và bình thường, sống trên hoang đảo Mã-lai, đẹp trai nhưng chưa biết làm thơ.Hai người yêu nhau, nhưng rồi vì hoàn cảnh tị nạn, họ đã phải xa nhau. Nàng tái định cư ở Đại Dương Châu, mà chúng ta quen nói gọn là nước Úc; còn chàng trôi giạt tới xứ của tình nhân, tức tiểu bang Virginia, nước Mỹ.Sống ở xứ của tình nhân, mà tình nhân của chàng thì lại xa cách tới nửa vòng trái đất. Chắc vì vậy mà hồn thơ của tác giả bắt đầu chớm nở, vì yêu nhau mà xa nhau, người ta dễ trở thành thi sĩ. Trong thi ca của nhân loại có cả hàng triệu bằng chứng về điều này.Trong những ngày xa cách, chàng đã nhận được một thử thách khác từ trời. Bệnh tật đã biến ông thành toàn thân bất toại. Nói là toàn thân thì cũng không đúng hẳn, vì ông còn cái đầu cử động được và bộ óc cực kỳ minh mẫn. Do đó mà có hai tập thơ, trong khoảng 1000 bài đã ra đời.Đức tin đã nâng đỡ ông trong những ngày an dưỡng ở Alexandria. Thi ca và tình yêu đã truyền cho ông sức sống đã 30 năm. Xin cảm tạ Ơn Trên.Thiên thần của ông đã nương đôi cánh sắt – có thể là của hãng hàng không Qantas – bay qua thăm ông vài lần, có khi ở lại Virginia với ông trong suốt 49 ngày. Bốn mươi chín ngày, không có đêm, vì nhà an dưỡng không có nơi cư trú cho thân nhân thăm nuôi ở lại qua đêm.Để có phương tiện trang trải chi phí, cô đã phải ngồi đạp máy may tới khuya lơ khuya lắc (trang 175). Sang được tới xứ người, dù có thân nhân giúp đỡ một phần, cô vẫn phải chịu khí hậu rét buốt chưa quen, mỗi lần đi thăm nuôi về, phải đi bộ hàng 20 phút ở những khu vực không có đèn đường, hay phải đi xe điện hầm ở Washington DC trong những ngày chưa có an ninh như hiện nay. Đêm về nhà trọ, cô lại cặm cuội và sẽ sàng nấu nướng để sáng hôm sau có món ăn Việt Nam đem đi “thăm nuôi” người yêu lâm nạn. Rồi cô còn bay về Việt Nam thăm mẹ của người yêu, ngoan như một đứa con dâu tinh thần.Sau 28 năm dài, bây giờ thì Hoài Hương cũng đã có gia đình, có con, như phần lớn phụ nữ trên cõi đời này, nhưng thi tập “Hoài Hương” sẽ mãi mãi hiện diện bên tác giả, hằn sâu trong tâm khảm ông, như ông viết trong hai đoạn mở và kết, bài “Hai mươi tám năm”:Trời tháng năm viết vào trang tình sửĐoạn tình buồn đời cô lữ xứ xaÔi nhớ quá thiết tha người thiếu nữĐã một thời ấp ủ trái tim ta…Hăm tám năm viết vào trang tình sửMà nhớ người thiếu nữ thêm vấn vươngThơ tôi viết ôi thương từng con chữThơ ngậm ngùi để giữ mộng Hoài Hương.(Hai mươi tám năm, trang 13)Như Xuân Diệu nhớ người yêu, nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, Đỗ Hữu Tài cũng nhớ và nhớ cả nụ cười, nhớ bàn tay, dáng điệu:Nhớ em nhìn áng mây trờiTôi mơ là gió ru đời mây bayNhớ em thon thả đôi tayTôi như chếnh choáng mê say ngọt ngào.(Nhớ em, trang 23)Xuân hạ thu đông, mùa nào ông cũng nhớ:Đông nay ta vẫn một mìnhNgồi nghe ngọn gió lùa hình bóng điÔm riêng khúc nhạc tình siNghêu ngao ta hát biệt ly một thời.(Mùa đông, trang 32)“Hoài Hương”, tên người yêu, mà đồng thời cũng là nỗi nhớ nhà, nên ông có đoạn thơ:Ánh trăng lẻ bóng nằm cô quạnhSương phủ cô phòng nghe vấn vươngChưa thỏa chí trai cùng vận nướcNỗi thương nhớ mẹ, kẻ tha phương.(Nhớ nhà, trang 19)Rồi ông cũng lần về thăm nhà, tất nhiên là trong mơ. Như Từ Thức về trần, ông lang thang chưa tìm ra ngõ cũ thì chợt nghe tiếng gà gáy sáng làm giật mình tỉnh giấc:Tiếng gà gáy sáng chợt giựt mìnhChưa thấy gia đình thức dậy ngayThì thôi hẹn lại tối nayMá ơi! Chờ nắm bàn tay con khờ.(Tiếng gà gáy, trang 43)Không tự thân về được thì anh nhờ người yêu:Nếu có dịp, em về chơi quê mẹNhớ ghé nhà thăm hỏi má của anhVui vẻ kể loanh quanh vài câu chuyệnNhưng đừng buồn khi má nhắc đến anh.(Về thăm, trang 46)Và ông ước ao cùng người yêu về lại trong chiêm bao:Đành thôi chỉ biết ước aoVề chung một chuyến chiêm bao đêm nàyDặn em cười lúc má rầy“Thằng Năm quên rủ bạn mầy về chơi”(Em có về không, trang 49)Trong cơn thử thách, ông vững tin, tạ ơn Thiên Chúa đã giúp ông cất bớt gánh gian nan:Tạ ơn Chúa ở trên trờiCho con hạnh phúc cuộc đời bình anVượt qua khốn khó gian nanNhận từ bằng hữu chứa chan thân tìnhĐời con không sống một mìnhQuẩn quanh bên cạnh bóng hình bạn xaLuôn luôn an ủi thiết thaGiúp con thêm sức đi qua ngỡ ngàng.(Tình Chúa, trang 57)Và ông không quên tạ ơn đời:Tạ ơn đời chẳng quên tôiBến Sông Mây vẫn lặng trôi con đò…Tạ ơn đời vẫn nhớ tôiHoa Sơn Trang có trăng soi khu vườnTôi đi tìm lại con đườngNơi Lê Văn Duyệt phố phường thênh thang.(Tạ ơn đời, trang 102)