ã mười hai năm nay, bấy giờ tôi cũng như bác bây giờ, bỏ cửa bỏ nhà, đi vã bộ từ Thái Bình lên đây mất ba hôm, định bụng tìm lấy một nghề mà làm để lần hồi cho qua bữa. « Bỏ cửa bỏ nhà! - Thật ra thì nhà cửa nhà tôi bấy giờ bị người ta cướp mất cả rồi, còn đâu nữa! ‘‘Thầy tôi xưa làm ông đồ dạy chúng tôi học chữ nho ở ngay Tân Đệ. Sau vì phạm vào tội khắc con dấu giả, bị nhà nước bắt đày đi ở Sơn La rồi chết ở trên đó. Tôi, con một, nhà còn có mẹ. Mẹ tôi thương thầy tôi quá, tuổi đã già mà đêm nào cũng khóc lóc, sau cả hai mắt đến lòa. Bấy giờ nhà cửa còn vật gì, tôi đem bán lao bành cờ hiệu cả đi để lấy tiền chữa chạy cho mẹ. ‘‘Tiền hết mà mẹ tôi, mù vẫn hoàn mù. ‘‘Năm ấy, thật tôi điêu đứng quá, trên đẫu còn được có một nếp nhà. Tạng con nhà học trò trói chẳng nổi con gà, còn biết làm gì nuôi mẹ. Học trò của thầy tôi, bấy giờ cũng tan nát mỗi người một ngả. Cùng kế, tôi lên tỉnh, lĩnh một chiếc xe về kéo lần hồi cho qua. ‘‘Kéo xe ở các phủ huyện, bấy giờ không như bây giờ. Đi làm xe mà vẫn mặc áo thâm dài vắt vạt lên gài vào thắt lưng, đầu lại chít khăn, đội nón sơn tử tế. Xe mình lĩnh, người ta cũng cho mình trả tiền dần rồi lấy hẳn về. Hồi ấy, ở nhà quê, người nào có được một cái xe kéo cũng không khác người có một chiếc đò. Chở đò thế nào thì kéo xe cũng thế, làm ăn tuy vất vả nhưng chẳng ai cười chê, nhất mình lại là con nhà học trò, gặp bước đường cùng, ai người ta cũng rõ. ‘‘Hai năm kéo xe nuôi mẹ, tôi dành ra số tiền góp, cũng lĩnh được hẳn chiếc xe về. Thấy mẹ già được ấm no, tôi cũng chẳng quản gì vất vả. ‘‘Nhưng, thật là cái số, bác ạ. Một hôm lính Đoan về khám rượu, chẳng biết thế nào lại bắt được thúng cơm bã ở sau vườn nhà. Thế là tôi bị bắt luôn đi, mà lớp nhà lá ba gian với chiếc xe cũng bị tịch ký cả. ‘‘ Tình cảnh mẹ tôi bấy giờ thế nào, lúc đi rồi, tôi không được rõ. ‘‘Bị giam ở lao tỉnh mất ba tháng, lúc được tha về nhà thăm mẹ thì nhà đã người khác ở, mà mẹ cũng đã chết từ bao giờ. ‘‘Hỏi bà cụ hàng nước ở ngay bến thì bà kể cho nghe: nhà tôi, chức dịch trong làng rao bán, ông Lý Cựu đã mua; còn mẹ tôi thấy tôi vướng vào cảnh tội tù, mới xa tôi được năm, sáu hôm thì chết. Làng xóm thương tình, mua cho cỗ ván gạo tống táng, còn họ hàng thì lảng xa hết, lại tiếng bấc tiếng chì. ‘‘Tôi hỏi thăm đến chỗ chôn mẹ, rồi ngay hôm ấy, gạt nước mắt, xách khăn gói ra đi, bấy giờ bốn bể không nhà, còn biết cậy vào ai mà ăn, trông vào đâu mà ở. ừ Tân Đệ lên Nam, ngủ vạ ngủ vật ở ngoài đường một đêm, tảng sáng hôm sau, tôi lại đổ bộ lên Phủ Lý. Ngủ Phủ Lý một đêm ở nhà trọ, tiền ăn không có, tôi phải lạy van nhà hàng xin gán áo lại mới được người ta buông tha cho đi. ‘‘Nghĩ chuyện trước, tôi còn xấu hổ đến bây giờ. Khốn nạn, chỉ vì ba bát cơm hẩm với mấy ngọn rau muống không đáng năm xu mà người ta chửi bới đến tiên tổ nhà mình, lại bắt cái áo thâm dài bán rẻ cũng còn được dăm hào chỉ. ‘‘Tôi nghĩ thương thân, muốn khóc mà không còn nước mắt nữa. ‘‘Hai mươi tám tuổi đầu!...” ... Không thấy anh Tư nói nữa, tôi ngừng tiêm lại, trông theo. Trong cặp mắt sâu hoắm như hai cái lỗ đáo ở chiếc đầu lâu, anh ta để roi xuống mấy giọt nước mắt khô khan như pha lẫn máu. Tôi cũng lặng thinh không nói, lại lăn tròn điếu xái trên ngọn lửa lạnh lẽo chiếc đèn dầu. Anh Tư thì ngồi lên, xỉ mũi vào chiếc khăn tay nâu, uống xong hớp nước lại ghé nằm, chờ hút điếu xái bao tôi đang xoe vào nhĩ lọ.