ng kéo xe trong mười hai năm giời mà sống được thì tôi chắc tôi có làm nghề này cũng không đến nỗi chết. Hôm nay còn mệt lắm mà tiền ăn cũng chưa cần phải kiếm, tôi muốn nghỉ một buổi ở nhà với ông. Đây, lúc ở Thái xuôi, trừ tiền ô tô, quà bánh, còn thừa hai đồng. Tôi muốn hút chơi vài điếu cho lại người, tiền đây, ông bảo ai đi mua thuốc.Tôi đưa ra cho anh Tư một tờ giấy bạc.Đỡ lấy tiền, anh ta vắt chiếc khăn mặt nâu lên vai, co ro từ trên giường bước xuống, tay vơ ở khay đèn chiếc hến, miệng cất giọng nói khàn khàn:- Bác ở nhà sửa lại bấc đèn, để tôi phải đi mua lấy mới được thứ thuốc tốt.... Ngang hay hộp?- Ngang nhưng bền lắm, xái tư còn con ong.... Nhân thể, ông xem còn dầu không?- Phải, mà tí nữa quên, bác với cho tôi cái lọ ở chân chõng.Nửa giờ sau, anh ta đem về một lọ dầu, một hến thuốc với một gói đến hai chục chiếc kẹo bột.- Phiện say mà hãm cái này thì phải biết! Bác xem tích nước còn nóng không.Tôi cầm ấm tích, mở chiếc nắp sắt tây - cái nắp hộp sữa bột Nestlé - dốc ra, chỉ còn được vài giọt nước đỏ lòm.- Hết rồi à? Để tôi đi đun. Bác đổ chỗ nước vừa rót vào, cốt còn đặc chán!Anh ta bệ chiếc hỏa lò cụt với mấy thanh đóm nứa để ngay lên trên chõng. Nửa tươi, lửa khó bén, khói om.Tôi rót dầu vào chiếc phao sắt tây gỉ, rồi đánh lửa châm đèn. Lắp lọ, bắt thử đầu xe trên vành môi thâm, anh ta khen cái vấu của anh ta tuy xấu mã nhưng kín mà nhiều cao lắm.Bây giờ, tôi với anh Tư cùng vén đùi, nằm tréo kheo mỗi người một bên khay đèn thuốc phiện.Trên lửa đèn, que thuốc nở như quả táo nướng; bên hến thuốc, câu chuyện của anh Tư cũng nở như gạo rang.- Làm nghề xe kéo, suốt ngày vất vả, ăn uống cũng lật đật, chỉ có lúc nằm bên bàn đèn thuốc phiện là được nhàn.Rồi anh ta nheo má lại mà cười:- Cũng là kéo xe sao kéo xe lọ thì khoan khoái nhẹ nhàng, mà kéo xe người thì ê chề, trầy trật!Anh ta ra ý hả lắm. Tiêm xong điếu thuốc mời anh ta lấy trước, tôi làm bộ dớ dan, phàn nàn:... Tôi mới kéo có một buổi hôm qua mà khắp mình đau như dần. Đâu xương đầu cốt như sai khóp bong gân, nhất là hai bụng chân, đến bây giờ vẫn còn nhức buốt.- Mới đi kéo lần đầu, ai giữ khỏi đau được. Nhưng biết cách kéo, biết xoa bóp, cũng đỡ được nhiều.... Thế làm như thế nào? Ông bảo cho tôi theo.- Bác cứ yên tâm, ở đây với tôi không bao lâu là bác thạo.... Mình mẩy tôi bây giờ nhức nhối lắm, ông bảo làm thế nào thì đỡ đau!- Bác cứ tiêm nốt điêu ấy đi nào! Tôi đã có cách, không phải bảo.Hút luôn một chập chừng mươi điếu, anh Tư đứng dậy, đi ra sau.Lúc lên, anh ta cầm cái mảnh nồi, trong có một chất gì như bã nâu, xâm xấp nước. Đặt mảnh nồi lên hỏa lò, anh ta cầm que đóm lửa hơ hơ dưới đít. Chất kia bốc hơi, xông lên một mùi khang khảng, khai mà hắc như mùi cặn nước tiểu pha lẫn với hồng hoàng.Đổ cái bã ấy vào một mảnh vải bẩn, anh ta đưa cho tôi, bảo cầm túm lại, xát mạnh vào những chỗ đau và hai ống chân.Tôi cũng theo như thế mà làm, vừa xát vừa hỏi dò môn thuốc.- Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, rồi bác thấy mình mẩy dãn dần ra hết. Thứ thuốc bóp ấy, ai làm cũng được. Đẽo ít vỏ cây gạo giã nhỏ ra, đổ nước tiểu vào rồi đem sao lên. Mỏi gân mỏi cốt hay bị đánh đòn, cứ đem xoa là khỏi tất!... Chỉ thế thôi?- Nếu uống được nước lá tre thì càng hay. Bứt ít lá tre nõn đem phơi. Thấy lá đã hơi héo rồi thì rửa sạch cho vào cấp siêu sắc lên, uống lấy độ vài bát.Vặn mình bẻ khục rồi, tôi lại ghé đầu, nằm xuống.Tiêm luôn thuốc cho anh Tư hút, tôi hỏi luôn về cách kéo xe.- “Kéo xe cũng là một nghề. Đã đành cầm đến cái tay gỗ thì ai cũng kéo, ai cũng đi, nhưng phải kéo làm sao, đi làm sao cho đỡ vất vả.‘‘Tôi chắc bác chạy một cuốc xong, thế nào bác cũng phải thở dốc một hồi, lúc mới buông hai chiếc tay xe ra. Thế là không biết kéo rồi, người kéo thạo tuy cũng thở, nhưng không phải thở dốc ra như thế.« Làm cái nghề chạy quanh năm suốt ngày này, người đã không thể nhớn lên được, cứ cọc dần đi, nếu không biết chạy mà lần nào cũng thở hồng hộc như bò thì phổi mình phải yếu dần đi, rồi đến mắc ho mắc suyễn. Ăn đã chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dẫm mưa, phơi sương phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đày vào kiếp ấy, cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy”.Nói đến đấy, chẳng biết cảm động thế nào mà anh Tư nhỏm dậy, cầm tích nước, tu thẳng một hơi.Bây giờ thì anh ta ngồi, nhón chiếc kẹo bỏ vào mồm, nhai rau ráu rồi lại nói:- “Cầm hai chiếc tay xe lên, phải liệu xem khách ngồi chiêu nào, định trước cho cân rồi hãy chạy. Người ta ngồi ngả vào đệm dựa, thì phải cầm dài; ngồi giữa đệm thì cầm giữa càng; ngồi tì đệm tai (hai cái đệm con để tựa khuỷu tay) thì cầm ngắn. Trước khi chạy phải dún càng xe lấy mực rồi hãy bước. Cầm tay xe, không nên cầm tay dài tay ngắn vì lúc chạy ngoắt đường này sang đường khác, đà xe đang mạnh, mình giữ không vững, xe phải lật nghiêng. Không nên ăn no, phải thắt chặt dây lưng; thắt lưng không chặt thì ruột vặn từ rốn đưa lên; ngon miệng ăn no thì bụng xóc. Lúc chạy phải mím môi lại, chỉ được thở bẳng mũi, đừng thở bằng miệng. Cầm hơi như thế, sức bao giờ cũng mạnh, hễ há hốc luôn miệng mà thở là thấy mệt liền. Giữ như thế cho đến lúc thật tức hơi thì há mồm thở phào ra một cái thật mạnh rồi lại phải mím miệng lại liền; lấy hơi vào, phải thở luôn bằng mũi.‘‘Xe dừng lại, khách xuống rồi, bấy giờ tha hồ mà thở, nhưng không nên ngồi nghỉ ngay. Phải bước một mà đi cho chân khỏi chồn, lúc thuận chân hãy ngồi nghỉ lại. Quạt cho ráo mồ hôi rồi hãy uống nước; uống nước vội đã chẳng đỡ khát, lại thêm mồ hôi...”Bài học vỡ lòng ấy, anh Tư giảng giải cho tôi nghe làm nhiều đoạn, nhiều hồi.Mỗi điếu thuốc là một cái chấm xuống dòng! Mỗi chiếc kẹo là một cái chấm phẩy!Nhưng, nó khô khan làm sao! Suốt năm sáu mươi dòng chữ mà không có một cái chấm hỏi (?) hay cái chấm tình (!).Trong chiếc hến, anh Tư đã xếp cho tôi một bài học vỡ lòng.Thuộc bài đầu rồi, tôi còn được học thêm nhiều bài khác khó hơn... trong nhiều chiếc hến khác...