à Liên ngẩng đầu lên nhìn kim đồng hồ chỉ hơn bảy giờ. Bầu trời qua cánh cửa sổ còn lờ mờ. Buổi sáng thật yên lặng. Chồng bà đã đi làm. Có tiếng mưa rơi nhẹ trên mái nhà. Mùa Tết năm nào cũng mưa, tuyết, hoặc thật lạnh lẽo, không có nắng ấm như xuân xưa trên quê hương. Thời tiết tháng hai vùng Hoa Thịnh Đốn là như vậy!
Bà bước xuống giường, mở máy vi tính để nó tự động tải nhu liệu xuống trong lúc bà làm vệ sinh buổi sáng. Bà bấm nút hai ba lần, màn hình vẫn bất động. À, bà quên nó đã bị trục trặc từ tối hôm qua. Bà hành động theo thói quen nên không suy nghĩ. Bà cũng nhớ đã điện thoại cho thằng cháu gọi bằng dì, nhờ chiều nay đến sửa máy...
Mỗi năm trước Tết, nhà cửa thường đuợc trang trí rộn ràng với những câu đối bằng khung đỏ chữ vàng, hoa cúc, bánh mứt… còn thiếu món nào thì mấy em gái hoặc em dâu đem đến sau. Năm nay nhà yên như tờ. Bà không thiết tha làm gì hết. Bà cũng không cho đám em út, vợ chồng, con cái tụi nó tới họp mặt đón giao thừa như mọi năm. Bà đang giận!
Đầu đuôi cũng tại con Thủy, đứa con đầu lòng của bà, có thằng bồ người Nam Mỹ. Bà không thích đàn ông người Nam Mỹ. Bà cấm không cho nó lai vãng đến nhà. Đời sống con Thuỷ cũng không lấy gì êm ả. Nó li dị, có con nhỏ. Bà đem cháu ngoại về nuôi dưỡng lúc con bé mới lên hai, thấm thoát đã mười hai năm. Cấm con Thủy đem bạn trai tới nhà thì tụi nó xách gói đi mướn chỗ khác để sống chung, bắt luôn cả cháu ngoại của bà theo.
Bà có thành kiến với đàn ông người Nam Mỹ. Lúc con Thủy mới mười chín tuổi, nó đã từng chống lại sự ngăn cản của bà, bỏ học, lấy chồng là dân vùng đó. Thằng chồng nó lăng nhăng, bồ bịch, có con với người khác trong khi vẫn còn hôn thú với con Thủy. Hai mẹ con dọn về nhà bà sau khi li dị. Chuyện đã rồi, thương con, bà chấp nhận cho nó về, khuyến khích nó đi học lại. Bà nghỉ làm, ở nhà giữ cháu nhỏ để con gái rảnh rang đi học.
Bà tưởng một lần lầm lỡ đã quá đủ, ai ngờ học hành xong xuôi, con Thủy lại lao đầu vào cuộc tình với một người đàn ông Nam Mỹ khác. Bà không muốn tỏ ra kỳ thị và cố gắng thông cảm với con nhưng khó quá. Vấn đề ngoại tình của đàn ông Nam Mỹ dường như do nếp sống văn hóa của họ; thích chinh phục phụ nữ bất kể trong hoặc ngoài hôn nhân, giống như đàn ông Tây Ban Nha. Nhằm thỏa mãn mặc cảm giống đực, họ xun xoe, lượn quanh phụ nữ chẳng khác gì những con hồng hạc bị kích thích lúc chớm xuân. Có lẽ sau bốn thế kỷ bị người Tây Ban Nha đô hộ, họ đã bị mẫu quốc đồng hoá.
Đám em út ít khi nào làm trái ý bà. Vậy mà gần đây, mỗi khi họp mặt gia đình cứ mời hai đứa nó tới chơi. Thậm chí còn tổ chức đám hỏi cho con Thuỷ mà không thông qua bà một tiếng. Bà giận lắm. Giận tụi nó dám chen vô nội bộ gia đình bà, còn giúp đỡ, khuyến khích cho hai đứa kia gần nhau. Bà đã lên tiếng cảnh cáo các em, nếu còn tiếp tục thì đừng bao giờ đặt chân lên thềm cửa nhà bà. Đám em nghĩ bà quá khắt khe với con cái nên làm ngơ như không nghe.
Từ khi đứa cháu ngoại đi theo má nó, nhà trống trơn. Mười mấy năm hai bà cháu quấn quít nhau, tự nhiên không còn nữa, cảnh nhà đối với bà thật là buồn. Càng buồn bà càng đâm ra giận hơn…
***
Phần mềm của máy vi tính bị vi rút phá hoại. Loay hoay đến mười giờ đêm mới sửa xong, thằng cháu còn chần chờ chưa muốn về. Bà hỏi:
-Cháu cần sửa thêm gì nữa hả?
Thằng Tính ngần ngừ:
-Thưa dì, không ạ. Cháu muốn hỏi dì chuyện họp mặt gia đình đêm giao thừa đó mà.
-Ừ, thì không họp gì hết.
Bà trả lời ngắn gọn làm thằng cháu hơi bối rối.
-Cháu biết ai cũng buồn chuyện này hết. Chính cháu cũng buồn nữa huống chi má cháu và mấy dì, mấy cậu.
Giọng bà đầy giận dỗi:
-Không họp ở nhà dì thì họp ở nhà má cháu, có sao đâu.
-Thưa dì, không giản dị vậy đâu.
Thằng Tính nuốt nước bọt xong nói tiếp:
-Họp ở nhà dì đã thành một truyền thống. Con đã trên ba mươi, từ nhỏ tới giờ chỉ biết đêm giao thừa là tới nhà dì. Buổi họp mặt đêm giao thừa đem lại sự ấm cúng cho đại gia đình mình. Nó như sợi dây kết nối bốn thế hệ. Ông ngoại mới chết, còn lại ba đời.
Bà không bao giờ nghĩ thằng cháu sinh ra ở Mỹ lại có những suy nghĩ như vậy. Nó tiếp tục:
-Má cháu kể ngày xưa ở Việt Nam, dì đi làm xa, nếu dì không về là nhà không có không khí Tết. Bà ngoại mất sớm. Ông ngoại là đàn ông không tạo được sự ấm cúng trong gia đình như kho nồi thịt, nấu nồi chè chẳng hạn. Má cháu với các dì cậu còn quá nhỏ để bảo lãnh phần Tết. Tuổi dì mới trên dưới hai mươi nhưng dì như người mẹ thứ hai vậy.
-Làm sao có thể là người mẹ thứ hai khi dì đi làm xa, mỗi năm chỉ về thăm có đôi ba lần?
-Dì về không thường nhưng dì lo liệu cho kinh tế gia đình. Dì không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng. Lương hằng tháng của ông ngoại chỉ đủ mua một tạ gạo, tất cả chi phí còn lại như học phí cho các em, thức ăn mỗi ngày đều từ tay dì hết. Má cháu kể thêm, tới mùa Tết, má và các dì cậu chờ dì về để đi mua quần áo mới, mua bánh mứt, trái cây… Tết không có dì chỉ vỏn vẹn có bánh tét ông ngoại gói…
Bà ngồi thừ ra, nhớ lại hoàn cảnh gia đình hồi nhỏ. Má bà bịnh rồi chết lúc bà mới mười bốn tuổi. Bầy em sáu đứa, nhỏ nhất hai tuổi. Má chăn nuôi, buôn bán góp vô kinh tế gia đình nên đời sống tạm đủ. Má mất đi, lương ba không thấm vào đâu. Một thời gian sau ba lấy vợ lại, có con riêng.  Bà thôi học năm lớp chín đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhờ bạn bè giới thiệu, bà đi hát cho chương trình Xây Dựng Nông Thôn Đà Lạt vài năm. Sau đó xin vô sở Mỹ làm thời khoá biểu máy bay, lương tháng gấp năm lần lương công chức cùng thời.
Vừa làm vừa học ban đêm, bà đã thi đỗ tú tài cùng lúc với bạn bè cùng lứa. Bà ghi tên tiếp tục học luật hàm thụ Sài Gòn. Mỗi khi bài vở, công ăn việc làm cho phép, và máy bay trực thăng có chỗ trống vào cuối tuần, bà nắm lấy cơ hội về thăm nhà vài ba tiếng đồng hồ hoặc qua đêm. Bà nhớ sự vui mừng của bầy em lắm chứ. Thường thường bà mua kẹo cao su, sô cô la, đồ hộp… ở PX của lính Mỹ làm quà cho ba và đám em. Những khuôn mặt rạng rỡ khi thấy chị mình về làm bà ấm lòng biết bao nhiêu.
Đầu tháng ba năm bảy lăm, thời thế hỗn loạn, từng đoàn người từ thành phố Đà Lạt lũ lượt di tản. Họ bồng bế nhau ra đi bằng xe hơi, xe đò, xe gắn máy, xe đạp, đi bộ… Đang làm việc ở Nha Trang, tìm máy bay về nhà không được, bà một thân một mình mướn nguyên chiếc xe đò về Đà Lạt, đón gia đình xuống Nha Trang. Giữa tháng ba, thành phố Nha Trang bắt đầu lộn xộn, bà nhờ máy bay quân sự Mỹ đưa cả nhà vô Sài Gòn. Khi tình hình ở Sài Gòn không ổn bà lại đưa cả bầy em vô toà đại sứ Mỹ, rồi phi trường Tân Sơn Nhất, rồi Guam, rồi trại Pendleton California, rồi định cư ở tiểu bang Virginia. Lúc đó bà mới hai mươi ba tuổi. Dì ghẻ đang tới thời kỳ sinh nở nên ba ở lại Sài Gòn. Mười năm sau bà mới bảo lãnh ba, dì ghẻ và mấy em qua Mỹ được.
Thằng cháu nói bà là người mẹ thứ hai cho các em cũng không sai. Chín năm ở Việt Nam sau khi má mất, gần bốn mươi năm ở Mỹ, những quyết định lớn như học hành, mua nhà, gả chồng, cưới vợ cho đám em đều có ý kiến hoặc quyết định từ bà. Bây giờ tất cả tóc đã lấm tấm sương mà bà vẫn còn giữ vai trò bảo bọc, lo lắng...
Giọng thằng Tính vẫn đều đều bên tai:
-Má cháu nói sự hy sinh của dì không sao đền đáp cho vừa. Thí dụ, có cơ hội đi du học ở Mỹ, dì từ chối; có lời cầu hôn dì cũng không nhận vì kinh tế gia đình tuỳ thuộc vào dì quá nhiều...
Quả vậy, lúc mới đậu tú tài xong, nhờ làm sở Mỹ, tiếng Anh khá giỏi. Ông xếp thấy bà thông minh, lanh lợi, tỏ ý muốn đài thọ cho bà qua Mỹ học chung với con gái ông ta ở Texas. Một cơ hội ngàn vàng nhưng suy đi nghĩ lại về đám em chắc phải nghỉ học để kiếm tiền lo thân, bà đành từ chối. Chuyện tình duyên gia đạo bà còn nhớ rõ lắm chứ. Luật sư Thông ngỏ lời cầu hôn. Bà ngại trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, sẽ phải nghỉ việc, không có tiền giúp đỡ gia đình. Bà lần lữa rồi cuộc tình tan vỡ vì biến cố ba mươi tháng tư.
-Má cháu nói nhiều người trong trường hợp như dì có phương tiện, có giấy tờ hợp lệ để di tản thì dắt theo bạn trai. Còn dì, dì mang đám em đi, trách nhiệm thật nặng nề.
Chợt nhớ lại lý do tại sao không họp giao thừa ở nhà bà. Bà nói:
-Dì hiểu cháu chứ, nhưng dì không hài lòng với cách cư xử của má cháu và các dì cậu về con Thủy.
Thằng cháu ngập ngừng:
-Cháu xin lỗi dì. Cháu thì lại đồng ý với má cháu chuyện chị Thủy.
Bà có vẻ bắt đầu khó chịu:
-Có gì mà đồng ý chứ. Con Thủy theo trai mà cháu cho là phải à?
Thằng cháu cẩn thận hơn trước khi trả lời:
-Cháu sẽ cắt nghĩa ý cháu nhưng xin dì đừng giận.
-Cháu cứ nói!
-Cháu nghĩ chị Thủy trải qua quá nhiều thử thách trong đời sống, cả thể xác cũng như tinh thần, sống chết không biết ngày nào. Chị ấy có chút hạnh phúc thì nên để chị ấy hưởng.
Bà chợt nghĩ tới bịnh tình của con Thủy. Nó bị tiểu đường bẩm sinh cách đây hai mươi bảy năm lúc mới lên tám, mỗi ngày phải lấy máu và thử máu ba lần rồi chích insulin. Vài năm gần đây thận suy, mắt kém phải làm phẫu thuật thay lá mía, xong phải uống thuốc chống phản ứng của cơ thể. Nó ra vô nhà thương như cơm bữa. Thay lá mía, theo thống kê, thì chỉ sống thêm chừng mười năm trừ khi thay lại cái mới.
Bà vẫn không thích thằng bồ của nó:
-Con Thủy bịnh nhưng có ăn nhằm gì tới thằng Juan đâu.
-Thưa dì, anh Juan lo lắng cho chị Thủy chu đáo lắm.
Bà bực bội:
-Bộ dì không lo cho nó à?
Từ ngày con Thủy mắt kém không lái xe được, bà mướn cho nó căn phòng gần trạm xe điện để tiện đi làm. Vợ chồng bà bán nhà cũ và mua nhà gần đó để dễ bề đưa đón con đi bác sĩ. Căn nhà cũ chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, chồng bà không muốn rời nó nếu không vì bệnh tình của con. Sau khi bán nhà và dọn nhà thì nó bắt đầu thân với thằng Juan.
-Dì lo được chứ, nhưng không giống như anh Juan. Tình cảm từ cha mẹ khác với tình yêu trai gái. Chị Thủy năm nay hơn ba mươi. Cháu nghĩ chị ấy cũng mong có một mái ấm riêng. Anh Juan đi làm, mỗi ngày chịu khó đưa đón chị Thủy ở trạm xe điện hoặc đưa chị ấy đi tới sở; đi bác sĩ hoặc đi bệnh viện anh Juan cũng chu đáo như vậy. Lúc chị Thủy phải giải phẫu thay lá mía, đêm nào anh Juan cũng trực cả đêm ở nhà thương. Dì còn nhớ không?
Lẽ dĩ nhiên là bà nhớ thời gian con Thủy nằm ở bệnh viện. Bà công nhận là thằng Juan chăm chút cho con Thủy từng li từng tí trong khoảng thời gian đó. Bây giờ khi tới thăm bà vào lúc trời chạng vạng tối, con Thủy mắt kém không thấy rõ, thằng Juan dắt nó đến tận cửa rồi lủi thủi trở lại xe ngồi chờ. Khi con Thủy muốn về, nó dìu con gái bà xuống từng bậc cấp rồi dìu lên xe cẩn thận lắm.
-Cháu thấy sức khỏe của chị Thủy như vậy mà anh Juan vẫn đem lòng yêu mến, đáng quí lắm. Từ ngày có anh Juan bên cạnh, chị ấy tươi hẳn lên.
Tâm bà có vẻ dịu xuống khi nghe thằng cháu phân tích. Bà vẫn còn hờn chuyện đám em tổ chức đám hỏi cho con Thủy mà không thông qua bà. Bà thẳng thắn nói cho thằng Tính nghe. Nó cười cười:
-Dì à, dì đã cấm không cho anh Juan tới nhà, lẽ nào dì lại cho tổ chức. Má cháu và mấy dì cậu làm theo sự khẩn khoản của chị Thủy. Tất cả đều nghĩ không lay chuyển được ý của dì nên mới...làm đại rồi chịu tội sau. Cháu biết chị Thủy mong mỏi có sự đồng ý của dì về chuyện đám hỏi cũng như đám cưới. Chị ấy còn rất muốn dì là người chủ xướng.
Thằng Tính lấy hơi rồi nói tiếp:
-Trong xã hội này, tự do lấy nhau không cần hỏi ý kiến cha mẹ là chuyện vẫn xảy ra luôn. Riêng chị Thủy, dù sinh trưởng ở Mỹ nhưng ảnh hưởng lối sống gia đình Á đông nên rất muốn có sự chấp thuận của cha mẹ. Chị ấy mong dì coi Juan như là một thành phần trong gia đình. Nếu dì không đồng ý và từ chối chấp nhận Juan, chị Thủy vẫn tự ý lấy anh Juan. Con theo mẹ mà mẹ lại theo chồng, từ từ hai mẹ con chị Thủy sẽ ít tới lui thăm dì.
Bà Liên suy nghĩ. Câu cuối cùng thằng Tính nói thấm thía lắm. Bà chống lại hôn nhân của tụi nó thì chẳng những mất con, mà còn mất luôn cả cháu. Bà đâu có muốn sống quãng đời còn lại không có con cháu bên cạnh.
Bà nhìn đồng hồ, mới đó mà đã quá nửa đêm. Thằng Tính phải về ngủ để mai còn đi làm. Bà giục:
-Thôi khuya rồi. Cháu về ngủ đi...
Bà lên giường nhưng trằn trọc, suy nghĩ về cuộc đối thoại với thằng cháu vừa rồi. Bà không thoát ra được bản năng che chở, bảo bọc các em nhiều năm qua. Ý nguyện bảo bọc em út, con cái, cháu chắt đã như thấm vào trong xương tủy. Bà nhìn xa vấn đề để tránh nguy cơ có thể xảy tới. Bà không muốn con Thủy thêm một lần nữa lở dở tình duyên. Bà có cẩn trọng quá đáng không?
Mấy đứa em muốn tập trung vào cháu Thy, cháu ngoại bà. Tụi nó quan niệm chuyện gì không thể thay đổi được thì cố gắng tạo hoàn cảnh cho vấn đề hanh thông hơn. Không ngăn được con Thủy lấy thằng Juan thì xây dựng cho tụi nó được hạnh phúc để cháu Thy cũng có một mái ấm gia đình bên mẹ nó. Vì sự chống đối của bà, cháu Thy thấy má nó buồn, nó buồn theo thấy rõ. Mới tuổi mười mấy mà nó hay ngồi yên lặng trong trạng thái suy tư, không năng động như trước.
Bà thương cháu như con. Bà nghĩ nó ở với bà tốt hơn vì má nó bịnh hoạn. Bà cũng giằng co với con Thủy về vấn đề này. Đám em không đồng ý. Cháu Thy muốn gần má nó là theo định luật của thiên nhiên thôi.
Bà trăn trở. Bà suy nghĩ. Bà so sánh. Đàn ông ở Việt Nam chỉ được lấy một vợ trên phương diện pháp lý bắt đầu tư gần cuối thập niên năm mươi, nhưng câu “trai năm thê bảy thiếp” đã ăn sâu trong văn hóa nước ta từ đời nào. Có lắm người đàn ông đang ở Mỹ nhưng sinh trưởng ở Việt Nam vẫn còn nếp suy nghĩ đó. Tuy nhiên với những cậu nhỏ sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở đây thì quan niệm thê thiếp đã mất hẳn. Bà hy vọng thằng Juan hội nhập vào xã hội này lâu năm đã được ảnh hưởng văn hóa Mỹ, không có thói chấp chới như đàn ông Nam Mỹ thuần túy. Bà thấy cách nó ân cần chăm sóc, thương yêu con Thủy như con trai Mỹ, bà đã có phần ngấm ngầm hài lòng. Ở tuổi về hưu, có lẽ bà nên đặt tin tưởng vào sự trưởng thành và quyết định của con Thủy để nó tự vươn cánh bay xa. Bà không sống mãi để lo cho nó luôn được.
Cháu ngoại, bà thương nó. Bà cũng phải theo tâm lý tự nhiên để hai mẹ con nó sống chung. Có lẽ bà nên tập trung và vui với vai trò làm bà ngoại...
Bà từ từ chìm vào giấc ngủ…
***
Bà Liên đếm lại bao lì xì đỏ. Khi đồng hồ gõ tiếng thứ mười hai, sau vài phút đọc kinh cầu nguyện trước bàn thờ gia tiên, tạ ơn Thiên Chúa, con cháu sẽ xúng xính trong những chiếc áo dài lụng thụng mới mua, xếp hàng nhỏ trước lớn sau chờ lì xì, chúc Tết.
Bà nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, kim ngắn chỉ số mười một, kim dài chỉ số mười hai. Không thấy bóng con Thủy và đứa cháu ngoại, bà vội vả hối chồng:
-Anh đi đón con Thủy...
Thấy ông chồng vội vàng quày quả bước ra cửa, bà dặn với theo:
- Nhớ biểu thằng Juan...qua luôn!
Như thằng Tính nói, buổi họp mặt Giao Thừa ở nhà bà như là một truyền thống gia đình. Bà phải tập cho con cháu nốt tiếp truyền thống đó, nhứt là thằng Juan, nó phải nhập gia tùy tục chứ!
Miên Kim 

Xem Tiếp: ----