Chỉ còn ít hôm là tôi sẽ trở lên thành phố tiếp tục năm cuối cùng đại học. Chiều. Tôi mặc bộ đồ lao động đi ra cánh đồng rộng của quê hương. Tôi dự định sẽ làm sạch mớ cỏ lúa của ruộng nhà tôi trước khi trở lên thành phố học. Tôi đi trên bờ ranh nhỏ, thở hít làn không khí trong lành. Mặt trời chiều đã trốn mất sau những đám mây. Cánh đồng trông quạnh quẽ. Xa xa có bóng vài người đang cuốc đất đắp bờ. Tôi bỗng phát hiện một chiếc nón lá đang nhấp nhô giữa đồng. Tự dưng, tôi nghe một niềm vui len nhẹ qua hồn. Mỉm cười, tôi ngó bâng quơ lên bầu trời đang lãng đãng những bóng mây. - Hù! Nón lá kéo nghiên để lộ một khuôn mặt với nụ cười tươi tắn. - Khỏi có giật mình đi. Thi thấy anh lâu rồi! Tôi cười: - Bao giờ? - Hồi anh mới ra khỏi bờ dừa. Tôi nheo mắt nhìn thửa ruộng nhỏ đang làm cỏ. - Sao hôm nay Thi siêng vậy? - Thi phải cố gắng hoàn tất trước khi vào năm học mới với đám học trò chứ anh. Tôi lẳng lặng bước xuống thửa ruộng của mình, chỉ cách ruộng nhà Thi một bờ ranh. Thi hỏi: - Bao giờ anh trở lên trường? - Sáng mốt! Thi là cô bạn gái thân nhất của tôi. Từ nhỏ chúng tôi đã chơi thân với nhau. Thi kém tôi hai tuổi. Lúc tôi vào đại học được một năm thì Thi cũng vừa tốt nghiệp cấp ba. Gia đình không muốn cô đi xa nên cô nàng thi vào trường Trung học sư phạm tỉnh. Ra trường, nhỏ xin về dạy học ở trường gần nhà. Thi đã leo lên bờ ranh, đứng ngắm “thành quả” của mình. Cô xoa xoa tay nói: - Xong! Thi ngồi xuống bờ ranh quay mặt về hướng tôi. - Ruộng anh còn nhóc cỏ. Nàng lại nheo mắt: - Năn nỉ đi, em phụ cho. Ôm dống cỏ xếp lên bờ ranh, tôi nói: - Anh không cần năn nỉ cũng biết Thi sẽ phụ vì em rất tốt, hay giúp đỡ mọi người. Cô nàng chun mũi: - Thôi đừng có nịnh, “ông Khinh” ơi! Cô nhỏ lại kêu tôi: - Anh Thanh, nghỉ tay chút lên Thi nói cái này cho nghe. Tôi lên ngồi cạnh cô nàng: - Nói gì? - Anh hay gì chưa? Thấy dáng điệu trịnh trọng của Thi tôi “ém” cười. - Chưa! - Thằng cha Vũ “coi mắt” Thi. Tôi giật mình ngó Thi chăm chăm: - Bác sĩ Vũ? - Ờ! - Thi chịu không? Nhỏ nháy mắt: - Em “ưng”! Nỗi bực dọc ghen hờn bỗng trào lên trong tôi. Thi nói tiếng “ưng” sao mà nghe trơn tru quá vậy? Tôi nghĩ thầm: Phải rồi. Bác sĩ, danh nghe “le” lắm. Hơn nữa ở thôn quê bác sĩ còn hiếm. Mở phòng mạch kiếm thêm, giàu chán. Hèn chi từ bấy lâu nay Thi có xem tôi ra gì đâu! Chua chát, tôi nói: - Thành thật chúc mừng Thi. Rồi tôi ngồi im, “ngầu” mặt. Ðợi tôi “ngầu” một lúc, Thi bỗng chỉa ngón tay trỏ vào hông làm tôi nhột điếng. Nhỏ nói: Con người gì dễ bị tác động. Mới nghe đã vội tin. Sao anh không nhớ là Thi đâu có ưa thằng cha Vũ. Hồi nhỏ, hắn hay bắt nạt, lấy sâu nhát Thi. Rồi có lần hắn còn đánh anh nữa đó. Nghe Thi nói, tôi ngó trân cô nàng. Nhớ lúc nhỏ, ba chúng tôi chơi thân với nhau. Vũ lớn hơn tôi mấy tuổi. Nó ỉ lớn nên hay bắt nạt bọn tôi và sáng tác nhiều trò nghịch. Còn nhớ có lần nhà tôi có đám giỗ. Ðêm trước đó má Vũ với má Thi đến phụ má tôi làm bánh ích. Bọn tôi chơi ở trước sân. tôi kêu bọn nó chờ để tôi vào nhà xinh bánh ra ăn. Khi trở ra không thấy chúng đâu mà ở góc tố bên hè, tiếng nhỏ Thi ré lên kinh hãi. Vũ đốt cây nhang ngậm phần cháy vào trong họng rồi nhăn răng “khè khè”. Ánh sáng làm răng nó đỏ và to bằng ngón tay. Trông mặt Vũ y như mặt quỉ. Thấy Thi đang bụm mặt run lẩy bẩy, tôi tức, dọng Vũ một cái. Nó trả đũa bằng cách tát vô mặt làm tôi chảy máu mũi. Từ đó Thi ghét Vũ luôn. Thấy mặt nó là cô nàng nguýt, háy như thù lắm. tôi không ngờ Thi lại nhớ dai dễ sợ. Mấy hôm trước tôi có gặp Vũ. Anh chàng giờ cao lớn và bảnh trai. Nghề nghiệp cũng ổn định. Vậy mà sao Thi không chịu vậy cà? Tôi thăm dò: - Anh thấy Vũ rất đầy đủ điều kiện để lo cho Thi. Làm bác sĩ cũng “le” nữa. Anh nghĩ Thi nên chịu... Cô nàng bỗng trợn mắt nổi nóng: - Chịu... chịu... cái gì. “Ông” làm như “tui” ham “le” lắm vậy. Chọn chồng cho “tui” chứ bộ cho... “ông” hả? Lãng xẹt! Tôi ngồi im, nhìn Thi giận mà mở cờ trong bụng. Cô nàng bình thường rất dịu dàng nhưng khi phật ý rất dễ nỗi nóng. Cách xưng hô “ông, tui” cho thấy là nàng đang giận lắm. Thi có lối nói chuyện rất tự nhiên. Nàng hay gọi tôi là “ông Khinh, cha nội...” Vì vậy mà tôi thấy Thi “rất riêng”. Thi còn có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thi luôn trân trọng niềm vui và nỗi buồn của người khác. Chính vì vậy mà đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều cô gái, vậy mà tôi vẫn luôn nhớ đến Thi, nhớ đến quê nhà. - Thôi anh biết rồi. Ðừng nổi nóng nữa cô nhỏ ạ. Tôi đưa tay bẹo má cô nàng. Quên tay tôi đang dính bùn nên mặt nàng “lảnh đủ”. Tôi lật lưng bàn tay cọ cọ vết bùn. Một cảm giác nhẹ nhàng, êm ái dâng lên, làm tôi cứ... cọ mãi. Cô nàng bỗng xô tay tôi ra: - Thôi đi, đừng có lợi dụng. Rồi nàng cười: - Mình làm cỏ tiếp, anh Thanh. Kẻo tối. Hai đứa chúng tôi cùng đứng trên một thửa ruộng, vừa nhổ cỏ vừa rì ràm trò chuyện. Chiều lướt êm trên đầu bọn tôi. Ruộng đã sạch cỏ, chỉ còn những hàng lúa xanh tươi đang rập rờn theo chiều gió. Tôi và Thi đến mương nước rửa tay chân rồi cùng ngồi trên bãi cỏ. Hoàng hôn chầm chậm trôi. Một cơn gió lướt tới, Thi ngửa mặt lên trời kêu lên: - Mát quá! Nàng bỗng lay tay tôi: - Kìa anh nhìn xem, giống con trâu ghê! Theo hướng tay Thi chỉ, tôi nhìn nơi cuối chân trời, một đám mây mang hình con thú. Nhớ lúc còn thơ, buổi chiều bọn tôi thường ra đồng chơi, cũng nhìn lên những đám mây rồi cãi nhau bảo giống con này con nọ. Có lần Thi nói con bò, tôi nói con trâu. Hai đứa tranh cãi. Rốt cuộc tôi phải thua Thi vì lối nhận xét của nàng: - Con bò, sừng của nó cụt hơn sừng trâu... Thi bỗng chép miệng: - Chiều quê êm ã và đẹp làm sao! Tôi cũng đồng tình: - Ðúng, nhất là ngồi giữa tĩnh yên thế này, càng thấy lòng thanh thản, không gợn một chút bon chen lợi dụng đời thường. - Chính vì vậy mà Thi yêu quê. Mãi mãi gắn chặt với quê hương mình, không muốn đi đâu xa hết. Tôi cũng tiếp: - Anh cũng vậy. Mai này ra trường, anh sẽ xin về đây. Thi ngó tôi: - Liệu có được không? - Chắc được thôi. Vì quê mình còn nghèo, đất cần phải được nghiên cứu tăng năng suất, mà nghề của anh là thuộc về nông nghiệp mà! Thi lại ngó mênh mông. Nàng chợt lay cánh tay tôi, chỉ: - Anh nhìn nơi ruộng bác Bảy Thinh. Có nhớ gì không? - À, nhớ chứ! Trên cánh đồng này lúc xưa ruộng bác Bảy là nhiều cua, nhiều ốc nhất. Cho nên mỗi lần xách thùng ra là anh em mình chạy đến ruộng bác trước. - Anh còn nói cua, ốc rủ nhau đến đấy “ăn giỗ”! Tôi ngó cô nàng: - Và anh còn nhớ cả nét mặt Thi rạng rỡ khi anh xớt thêm cho Thi mớ cua, ốc lúc trở về. Cô nàng cười nheo nheo mắt ngó tôi: - Nhớ dai quá vậy “ông”? Tôi cũng nheo nheo: - Không nhớ sao được. Kỷ niệm đẹp mà! Mải nói chuyện mà hoàng hôn dã tím chẳng hay. Thi kêu lên: - Tối rồi. Về anh Thanh ơi. Còn tắm rửa, ăn cơm. Thi đói bụng quá trời. Tôi và Thi bước đi. Hương đồng nội đang thấm đẫm trong gió, mùi hương dịu dàng êm ái thật dể thương như mối tình chơn chất của chúng tôi. Chợt dưng dội trong tôi hình ảnh những ngày thơ. Cũng trên mênh mông cánh đồng này những chiều chúng tôi đã đi với nhau. Bao giờ cũng vậy, Thi trước tôi sau. Rồi bây giờ cũng thế, và tôi mơ ước mãi mãi về sau chúng tôi sẽ đi cùng nhau trên cánh đồng này, đi suốt cả cuộc đời. Qua khỏi bờ dừa đã thấy lố nhố những ngôi nhà. Tôi bỗng chồm tới chộp tay Thi dặn dò: - Nhớ không được ưng ai hết. Chờ ra trường anh về anh cưới. Nghe chưa? Cô nàng nheo mắt, chun mũi trong bóng tối mờ mờ trông thật dễ thương. - Biết rồi! Khổ quá! Nói mãi. Thi lại chỉa ngón tay trỏ vào tôi: - Còn anh, lên thành phố mà lang quạng với cô nào, là em... em... - Em sao? - Chặt anh làm... ba khúc! Nói xong, cô nàng quay đầu chạy miết vào một ngõ trồng toàn hoa dâm bụt. Tôi ngó theo, bỗng mỉm cười thầm nhủ: “Tướng này trồng ớt cay lắm chớ chẳng chơi!”
Nguyễn Thị Thanh Nga