ặt cái nhan đề "Nghèo ơi, chào mi!" là lúc bỗng dưng tôi nhớ lại cuốn phim "Bonjour tristesse" (ngày đó được dịch là "Buồn ơi, chào mi") được chiếu suốt cả chục ngày tại mấy rạp xi nê ở Nha trang vào khoảng đầu thập niên 1970. Phim này được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nữ người Pháp: Françoise Sagan, sản xuất từ năm 1958... Thiệt ra phim này khá hay nhưng có lẽ bối cảnh hơi xưa so với lứa tuổi nên hồi đó chúng tôi không cảm nhận hết được. Chỉ đến khi phim "Love Story" ra đời (1970) và trình chiếu ở VN khoảng năm 1973, chúng tôi khoái chí lắm... Chẳng mấy chốc bài nhạc phim "Chuyện Tình" được phổ biến rộng rãi trong giới trẻ. Và suốt nhiều năm sau, có lẽ không cô bé cậu bé nào tập đàn ghi ta mà không từng tưng cái hợp hợp âm la thứ chậm rãi này: "Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá...". Mấy bạn trai lớp tôi thích ê a lời tiếng Anh: "Where do I begin, to tell the story of how greatful love can be...". Tôi lúc đó đang học ban Anh văn nhưng cũng thích ở nhóm nhạc Pháp: "Une histoire d'amour ou chaque jour devient pour nous le dernier jour...". Thiệt ra, đây là một bản nhạc Pháp (Une histoire d’amour) do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác. Có một câu nói trong phim mà về sau không một người trẻ tuổi nào ở miền nam không biết: "Love means never having to say you're sorry"... 
         Lan man chuyện cũ cho vui...  Nhớ hồi gần năm bảy lăm, nền kinh tế miền nam suy sụp kinh khủng. Khi ba tôi thuyên chuyển đơn vị từ Nha trang lên Ban mê thuộc là lúc nhà tôi cũng dạt về một vùng nông thôn để sống, chỉ có tôi và nhỏ em đang học trung học là được gởi lại Nha trang để tiếp tục  theo trường cũ. Rồi tới "giải phóng", chuyện này khỏi kể vì ai cũng biết, chỉ biết tất cả đều trở nên nghèo khổ: cơm không có ăn, áo không có mặc. Mới đây đọc tin, thấy có ông này ông kia giàu sụ, xạo, mấy chả cũng đã từng rất nghèo, chắc luôn, kể cả mấy ông lãnh đạo. Còn bây giờ sao tự nhiên giàu, ai biết, chỉ biết chả phải của ông bà tổ tiên gì để lại, vì ở VN làm gì có người giàu. Nhìn lại lịch sử thì biết miền bắc sau 1954, miền nam sau 1975, tất cả đều nghèo như nhau...
         Sau khi đất nước đã được "giải phóng" rồi, nhà tôi (và nhiều nhà khác) khổ nghèo kinh khủng. Miền quê tôi ở toàn là cát, chỉ trồng được củ mì. Củ mì gòn ăn được nhưng sản lượng ít, chuyển sang mì Ấn độ. Mì Ấn độ củ nhiều nhưng ăn dở, sớn sát là ngộ độc (say), chỉ dùng để làm bột mì. Má tôi kiếm gạch, đất sét và thùng tôn làm một lò tráng bánh, tôi lên núi vác củi, mấy đứa em đem mì khô ra nhà máy xay thành bột... để sản xuất bánh tráng mì. Bánh tráng mì lâu lâu nướng một cái ăn cũng thơm ngon, nhưng ăn nhiều ớn lắm. Má và em gái tráng bánh, tôi và em trai dán vào vỉ rồi đem phơi, chiều bánh khô đem vô nhà gở ra xếp lại, làm thành từng chồng để mai đem ra chợ bán. Có lẽ chồng bánh này sẽ được chuyển về một vùng thiếu ăn nào đó.
         Những ngày đó tụi tôi thèm cơm lắm. Thức ăn thì miễn bàn vì nói tới nó có vẻ như là xa xỉ. Ớn bánh tráng mì quá nên trong xóm phát kiến ra bún mì, tức là cũng bột mì nhưng không làm bánh tráng mà làm sợi bún cho dễ ăn. Thương mấy đứa nhỏ, dù bánh tráng hay bún thì cũng là từ sắn mì mà ra, sao không ớn...
         Quần áo mặc cũng vậy, năm đầu quần áo lính của quân đội Sài Gòn nay "hòa bình" nên đem ra mặc đi làm rẫy. Rồi cũng rách, tìm không có gì thay thế, người anh em miền bắc cũng rách như mình. May có mấy kho hàng phế liệu của "thằng Mỹ" bao cát còn nhiều. Bao cát là thứ để người ta đổ cát vào rồi chất lên làm hàng rào phòng ngự trong chiến tranh, nay bao cát may thành áo mặc đi làm rẫy, vừa che nắng vừa mát mẽ vì sợi thưa. Ký ức tôi vẫn còn lại hình ảnh ba tôi vui vẻ và yên phận trong chiếc áo bao cát này!

 

         Nghèo thì phải khổ, vì nghèo mà không khổ là có chuyện. Năm 1978 tôi ra Tuy hòa học trung học sư phạm. Một lần kia, nhà nước bán cho mỗi giáo sinh một thước vải Sa vi ốt màu xanh để may quần tây. Mấy hôm sau cả phòng nội trú bị mất cắp, vật ăn cắp là toàn bộ tấm vải này. Mọi người đi học về ngớ ngẩn nhìn nhau, tìm tòi hồi lậu nhưng không biết ai là người ăn cắp. Dĩ nhiên tấm vải của tôi cũng cũng không nằm ngoài sự mất nhưng tôi chả buồn nhiều, cứ nghĩ mất thì thôi chớ biết sao. Té ra sau đó trong các cuộc họp chi đoàn rồi cán bộ lớp, tụi nó nghi ngờ tôi là người ăn cắp, với lý luận thằng này không phải đoàn viên và chiều chiều hay xuống phố uống cà phê cà pháo, phong cách tiểu tư sản lắm... Tôi chỉ biết thở dài và tự thương mình. Tụi nó đâu có biết tôi và mấy thằng bạn đi tìm chút không khí thoải mái và riêng tư, dù có khi hai ba đứa uống chung một ly cà phê trong cửa hàng mậu dịch. Tụi nó càng không biết tôi đang là "thi sĩ" với mấy câu lục bát đọc một mình. Bài này tôi viết tặng anh Lộc, một người bạn lớn tuổi ở lớp A trong một chiều cà phê như vậy:
NHƯ LOÀI DI TRÚ
  Chim bay đã mõi cánh rồi 
Như loài di trú khóc đời lãng du 
Soi gương vuốt mặt ngậm ngùi 
Mỗi con nước chảy mỗi đời riêng nhau 
Ba mươi năm tóc xanh màu 
Ba mươi năm vẫn công hầu trắng tay 
Đợi chờ người bạc tóc bay 
Ngồi trông nhân thế ô hay bật cười 
Phải ta đứng giữa đất trời 
Hay ta đứng hát bên đời trẻ thơ 
Chiều đi xuống quán bất ngờ 
Trông người như thể ta hờ hững quên 
Rồi có khi tôi nhớ nhà:
NHỚ MẸ
  Buồn trông ra phố chiều hôm 
Hoàng hôn cũng lắng tiếng thơm ngọt ngào 
Quê xưa xa vắng trời nào 
Ở đây con nhớ mẹ rào rạt tim 
Thuở ngày xưa biết đâu tìm
Đường bay đã mõi cánh chim vượt ngàn 
Lệ khô vắng cả đôi hàng 
Chiều nay thuyền viễn xứ càng buồn thêm 

 

         Tới hồi đi kinh tế mới, cũng vui, mỗi người lớn được nhà nước hỗ trợ cho 16 ký lương thực mỗi tháng (giới hạn trong 6 tháng), trẻ em ít hơn một chút. Quốc lộ 25 bây giờ chắc sẽ không bao giờ quên đoàn người lũ lượt từ Hòa nguyên đổ về kho lương thực ở dốc Suối Bùn mỗi đầu tháng để mang vác về ít gạo, ít mì, khoai lang, bắp, bo bo... Trong lũ lượt người đó, có cả đám giáo viên tụi tôi...
         Có một mùa hè, mấy thằng bạn tôi quê Cam Ranh về nghỉ hè cho lại tôi mấy cái phiếu thực phẩm (thịt heo, mắm, muối v.v...) để xài. Đầu năm học tiếp theo, kiểm tra lại thiếu mất một cái, anh V.H. hiệu trưởng cứ nghĩ là tôi lấy. Tôi rất giận, lấy tờ giấy viết mấy chữ sai học trò đem về trường chính cho anh ấy: "Anh H à, tôi chỉ dùng những tem phiếu được cho, không lấy của ai bất cứ thứ gì. Tôi vẫn hiểu con người ngoài địa vị xã hội còn có cái giá trị nhân phẩm nữa..." Anh ấy viết giấy trả lời, đại ý nói nhân phẩm con người được đánh giá qua hiệu quả công tác gì gì đó...
         Hồi đầu năm 1986, tôi lập gia đình. Phải dành nguyên xi hai tháng lương mới sắm nổi một cái quần tây tươm tất cho đám cưới. Đó là chưa kể phải nói nói cười cười tỏ ra dễ thương với mấy cô bán cửa hàng thương nghiệp. Rồi sau đó có một lần cô nhân viên cửa hàng thịt thối dư cho tôi khoảng hai mươi mấy đồng bạc, cũng khá lớn. Tôi đem tới trả lại, cô ấy cảm ơn rối rít. Tôi đã từng nghĩ chắc là mình cao thượng như mấy thằng cha Paven, bây giờ nhớ lại tôi biết đó là chút lương tâm của nền giáo dục miền nam còn sót lại, như bây giờ thì đừng hòng, hic hic.
      Thiệt ra cái nghèo khổ của chúng tôi ngày đó có thể chẳng thấm tháp gì so với cái nghèo khổ của phần đông đồng bào nông thôn miền bắc XHCN trong nhiều năm chiến tranh trước đó. Chỉ khác một điều họ nghèo khổ nhưng không biết chính xác là tại sao, còn tôi thì biết.
          Hồi còn dạy học ở KTM Hòa nguyên tôi có quen một cô gái, là chị của đứa học trò. Cô ấy cũng dạy học ở một thành phố xa, chỉ tết và mùa hè mới về thăm nhà. Nhà cô ấy đi KTM vì có ông anh là sĩ quan của quân đội Sài Gòn, thiếu úy hay trung úy gì đó... Hai đứa quen rồi yêu nhau. Một tối mùa hè tôi đến nhà chơi, ngồi nói chuyện trước sân cho tới tận khuya. Rồi hai đứa ôm nhau. Tôi đưa tay vào trong áo và thấy là lạ. Cô ấy giải thích: cái áo ngực này là do em móc bằng sợi đó. Tôi biết cách móc sợi này rồi. Thường người ta dùng sợi vải này để móc những vật trang trí như rèm cửa sổ hoặc làm tấm lót bình cắm hoa. Tôi cảm nhân được những mũi kim dù rất khéo nhưng cũng để lại trên bầu ngực cô ấy những vết hằn ngang dọc. May lúc đó là ban đêm nên cô ấy không thấy tôi đang rơm rớm nước mắt vì buồn. Tôi thương cô ấy, tôi thương tôi, thương cả một thế hệ tuổi mình không may mắn.
Lê Phú Hải

Xem Tiếp: ----