oàn tàu ngừng lại ở ga xe lửa tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Colorado lúc 5 giờ chiều. Mặt trời vẫn còn lơ lửng ở cuối chân trời. Mầu tím, hồng, vàng của những giải mây vắt ngang, uốn khúc sau những đỉnh núi một ngày cuối hạ.Mùi khói tàu còn thoang thoảng trong không gian khi đoàn người lũ lượt đổ xuống. Tất cả đều như choàng tỉnh, hối hả nhập vào cái khoảng không hơi lành lạnh. Và rồi cũng đột ngột, tất cả trở lại yên lặng. Sân ga chợt rộng hẳn ra với những khoảng trống mà đoàn hành khách đã bỏ lại. Chỉ còn lại vài người khách ngồi trên những băng ghế gỗ cạnh đám hành lý như chờ đợi người thân đến đón. Lân cũng là một trong những người còn lại ở sân ga vắng vẻ. Nhưng chàng không chờ đợi ai. Chẳng một người quen biết trong thành phố nhỏ bé này. Đây chỉ là một trạm đừng chân trên đoạn đường của Lân.Lân chăm chỉ nghiên cứu bản đồ. Chàng lẩm nhẩm những nơi chốn, địa danh sẽ đến. Chàng thấy mình còn rất nhiều thời giờ mặc dù một tháng nghỉ hè chỉ còn lại vỏn vẹn có 10 ngày. Cậu thanh niên vừa tốt nghiệp đại học đã tự cho phép mình nghỉ ngơi sau những năm tháng miệt mài với sách vở trước khi bắt tay vào công việc mới. Chiếc máy ảnh trên vai, một túi xách, Lân thong dong đứng dậy ra khỏi sân ga.Thay vì tìm tắc-xi để về phố chính, Lân lững thững đi men theo nhà ga. Trời chiều còn quá lộng lẫy để chàng phải chui vào một khách sạn bên đường nào đó! Không khí của miền núi mát rượi, ánh nắng chiều đã dịu hẳn xuống. Cái nắng có màu vàng óng ả ở sau những rặng núi đã ngả mầu sậm làm thành những đường viền với mầu sắc kỳ dị. Chàng ghi nhận từng hình ảnh chung quanh vào trí nhớ vì biết chẳng bao giờ có dịp trở lại. Cũng những con đường sắt, nhà ga, đoàn tàu, cây cỏ, người đi, kẻ đến, nhưng vẫn là những hình ảnh mới lạ, khác hẳn với hình ảnh một nhà ga, đoàn tàu trong trí nhớ của Lân vào những năm tháng ấu thơ, ở một phần đời khác, ở quê nhà xa lắc có chú bé ngỡ ngàng nhìn con tàu khổng lồ chậm chạp lê bước, thả những cụm khói xám xịt và để lại những tiếng động hỗn độn của những tiếng rao mời chào quà bánh hai bên đường. Ở đây, là những trật tự, máy móc, ngay cả thời gian cũng vào một khuôn nếp nhất định như ngày hôm nay là ngày cuối Hạ, để rồi sau đó chuyển bước sang mùa Thu ở vào một ngày giờ đã được biết trước, định sẵn.Mắt Lân chợt dừng lại ở một hình ảnh thật lạ. Đó là một cô gái, không, một người đàn bà với chiếc bụng tròn nhô ra ở phía trước. Mái tóc dài bay trong gió. Người đàn bà đứng dựa vào thân trụ cuối cùng của nhà ga. Phía sau là khoảng trống thênh thang cho đến tận chân núi. Ở tư thế đứng như vậy, chiếc bụng của người đàn bà mang thai lại càng rõ ràng hơn, làm thành một hình vòng cung tròn trịa. Những cơn gió vô tình thổi vờn qua vờn lại dày xéo chiếc váy của người đàn bà, nhưng người đàn bà vẫn đứng yên, yên như một pho tượng, yên như trời đất, không gian này của riêng mình.Khoảng cách càng thu ngắn, khuôn mặt người đàn bà càng rõ, dù những sợi tóc dài đen nhánh thỉnh thoảng lại che bớt một phần. Nhìn nghiêng, với bề cao của chiếc mũi, màu tóc, đây là một phụ nữ Á Đông. Hình như cô ta không biết đến sự có mặt của Lân, người thứ hai, ở đây. Mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước. Chiếc váy mầu trắng nổi bật trong trời chiều hoàng hôn. Mầu trắng, trắng toát như một điểm lạnh lẽo duy nhất của một ngày cuối Hè.Lân thấy ngạc nhiên về sự so sánh của mình. Nhưng quả thực, sự tương phản đó quá rõ ràng, mầu trắng hình như trắng hơn, sáng hơn, trong khoảng ánh sáng đang sắp sửa lặn dần sau rặng núi ở xa xa. Hình ảnh này Lân không muốn chỉ muốn thu vào trí nhớ mà còn muốn thu vào ống kính của chiếc máy ảnh chàng đang đeo trên vai. Và điểm trắng toát đó thu hút Lân như một con lốc xóay, kéo chàng lại gần, gần hơn.Và vẫn thế. Người đàn bà vẫn nhìn thẳng về trước mắt, qua con đường rầy xe lửa, và xa tít mãi. Lân ngừng lại ở một khoảng cách mà chàng nghĩ là cần thiết. Lân cũng đứng yên lặng ngắm hình ảnh trước mặt. Đối với chàng, đây là một hình ảnh, vì không phải chỉ vóc dáng của người đàn bà không thôi, mà còn biết bao thứ kết hợp chung quanh cô ta để làm nên một hình ảnh đặc biệt. Chàng chờ đợi một phản ứng, một cái xoay người, một cái nhìn, một cái gì đó.. Nhưng, cũng như rặng núi ở xa xa kia, hình thể đó vẫn bất động. Và ánh sáng ở cuối chân trời đang nhạt dần. Lân vội vã lấy máy ảnh để chụp ngay. Tiếng bấm máy nhỏ xíu và ánh chớp lóe lên vẫn không làm người đàn bà quay lại. Lân chụp thêm một tấm nữa khi cơn gió thổi bạt mái tóc người đàn bà ra phía sau để lộ gương mặt nhìn nghiêng còn trẻ, rất trẻ.Trong giây phút dường như không có thực ấy, một tiếng nói vang lên sau lưng Lân làm chàng giật mình:“Hey! What are you doing?Lân quay lại. Một người đàn bà Á Đông, tầm thước, đang soi mói nhìn chàng. Mắt bà ta ánh lên tia lửa nửa như giận dữ, nửa như ngờ vực. Tay vẫn còn cầm máy ảnh, Lân bối rối chưa biết phải trả lời như thế nào. Câu trả lời nào cũng đều không ổn! Hành động trước mắt hiển nhiên là một sự chụp hình lén! Làm sao Lân có thể giải thích cho bà ta hiểu về cái đẹp trước mắt dưới cái nhìn của chàng. Một cái đẹp tổng hợp mà tình cờ chàng bắt gặp trong không gian, thời gian thoáng qua này?Nhìn thấy sự luống cuống trên khuôn mặt chàng trai trẻ, người đàn bà dịu giọng:“Are you Chinese, Vietnamese or Filippino?”Thấy thái độ bà ta thay đổi, Lân hơi nhếch miệng cười đáp:“I am Vietnamese”.Tất cả những nét nhíu mày, tia mắt ngờ vực, sự khó chịu dường như tan biến mất. Khuôn mặt bà ta chợt như dãn ra, không còn nét cau có và đôi môi run run mấp máy:“Tôi cũng là người Việt Nam.. Cậu nói tiếng Việt được không?”Lần này thì Lân nở một nụ cười thật tươi:“Dạ, cháu nói được chứ..”Chỉ bằng hai câu trao đổi bằng một thứ ngôn ngữ lạc loài giữa trời đất xa lạ, cả hai người đều thấy khoảng cách được thu hẹp lại. Chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ quen mà rồi đột nhiên lại thấy như quen biết ở đâu rồi, gặp gỡ một lần nào đó! Cả Lân và bà ta cùng há miệng chực nói một điều gì, nhưng lại nhường nhau và chợt cả hai đều cười thành tiếng. Tiếng cười tuy không lớn nhưng trong buổi chiều gần tắt nắng giữa một sân ga vắng tanh nghe rõ mồn một. Người đàn bà trẻ với cái bụng chửa chợt đổi tư thế và nhìn quanh quất.Không! Đó là một người con gái thì đúng hơn. Lân tự xác định lại điều này. Trông cô ta chỉ chừng 16, 17 là cùng! Khuôn mặt giống hệt người đàn bà trước mặt, chỉ trẻ hơn rất nhiều. Cô gái nhìn Lân rồi nhìn người đàn bà với cặp mắt mơ màng, tưởng như nhìn đó, cười đó mà dường như chẳng phải đang nhìn những người đối diện. Đôi mắt to, đen và tròn trịa như cặp mắt của những con búp-bê trong tủ kính. Cô bé nhìn cả hai rất lâu, mãi mới chớp mắt, và yên lặng. Yên lặng như trời chiều đang âm thầm phủ lấy sân ga với ánh sáng yếu ớt như muốn thu hẹp lại mọi khoảng cách chung quanh.Người đàn bà lên tiếng:“Đây là con gái tôi, Nghi. Còn cậu..”Lân nhanh nhẩu đáp nhưng mắt vẫn không rời khuôn mặt cô bé:“Cháu là Lân..”Cô bé vẫn không nói gì, một nụ cười, một cử động nhỏ cũng không! Người đàn bà dường như không chú ý đến thái độ của con gái, hỏi Lân:“Chắc cậu ở xa tới? Tôi chưa gặp người Việt Nam nào ở đây cả!”“Vâng. Cháu chỉ ghé ngang đây trên đường đi. Chẳng quen ai ở đây hết.”“Cậu định ở đâu?”Lân nhún vai đáp:“Dạ, chắc kiếm khách sạn nào ở qua đêm. Cháu không ở đây lâu.”Người đàn bà tiếp tục tò mò hỏi:“Cậu đi chơi hay vì công việc?”Vẫn thói quen nhún vai như mọi người Mỹ thêm vào câu trả lời:“Cháu vừa tốt nghiệp đại học xong nên đi chơi một chuyến trước khi bắt đầu với công việc mới. Bây giờ còn rảnh cháu muốn đi đây đó cho biết. Với lại cháu học về nhiếp ảnh nên vừa đi chơi vừa thu hình nữa.”Trông bà ta có vẻ thoải mái hẳn ra:“Thành thử khi nãy cậu chụp hình là vì vậy phải không?Lân chợt nhớ đến câu hỏi đầu tiên của bà ta, chàng cố giải thích:“Dạ, dạ đúng vậy. Trong nghề của cháu, hình ảnh đẹp mà có sẵn máy ảnh trong tay, không chụp được, uổng lắm!” – Trả lời xong, Lân bối rối nếu bà ta hỏi tiếp và bắt chàng phân tích vì sao hình ảnh một cô bé đang mang bầu đứng trong sân ga có gì đẹp, thì chàng phải giải thích thế nào?Người đàn bà dường như quên mất về hành động chụp ảnh vừa qua của cậu thiếu niên. Sự tình cờ gặp gỡ một người cùng mầu da, tiếng nói, như một cơn mưa mà trời đã ban cho sau những ngày hạn hán. Bà ta nhìn Lân với một vẻ trìu mến khó hiểu, cái nhìn săm soi như muốn đi lần qua từng manh áo, như đụng chạm vào thịt da làm Lân thấy nhột nhạt. Chàng cảm thấy chân tay thừa thãi, luống cuống thế nào.Bà ta chợt mỉm cười và đề nghị:“Cậu về nhà tôi ở không? Nhà tôi chỉ có tôi và con gái tôi thôi. Cũng rộng rãi. Lâu lắm tôi không gặp người Việt Nam nào..”Sự mời mọc đột ngột, nhưng thành thực và tuy giọng nói của bà ấy – bà ta tên gì đến giờ Lân vẫn chưa biết” hơi trầm, khó nghe, nhưng giữa một trời đất hoang vu và đã sâm sẩm tối, và cô gái với vẻ mặt kỳ lạ làm Lân cũng thấy tò mò.Lân ngần ngừ:“Có phiền gì bác với cô đây không?”Bà ta vui vẻ xua tay:“Chẳng phiền gì hết! Cậu cứ ở lại qua đêm, không thích thì ngày mai đi. Có sao đâu?”Lân thầm nghĩ: “Có sao đâu!” và chàng nhận lời. Nhưng Lân cũng quay lại xem phản ứng của Nghi ra sao. Nhưng cô gái vẫn y như thế, nét mặt không thay đổi và dù trời đã không còn sáng như lúc trước nhưng Lân cũng nhận thấy là cô ta chẳng tỏ một thái độ nào và tuyệt nhiên không nói câu nào.Bà ta chỉ về phía cổng nhà ga:“Tôi đậu xe đàng kia. Cậu có cần phải chờ lấy đồ gì không?”“Dạ không bác! Cháu chỉ có túi xách này thôi.”Ra đến xe, người đàn bà mở cửa trước. Nghi yên lặng, ngoan ngoãn lên xe ngồi ở băng trước. Từ cử động đến điệu bộ của nàng làm cho Lân có cảm tưởng đây chỉ là một chiếc bóng trắng di động trong một cuốn phim câm không đối thoại mà chàng đã xem từ thuở nhỏ. Sự tò mò trong chàng mỗi lúc một tăng. Lân ngồi ở băng ghế sau. Chàng nhìn hai hình bóng trước mặt, hai cái gáy, một già một trẻ, hai mầu áo, một đen một trắng, một bờ vai suông đuột, một bờ vai ngang cứng cỏi. Quá nhiều sự tương phản giữa hai mẹ con!Bà ta yên lặng lái xe. Hai bên đường đèn đã bật sáng, những đường phố vắng hoe, của đóng im ỉm, xe cộ thưa thớt. Xa xa trên đồi, những ánh đèn vàng đã bắt đầu xuất hiện như chấm sáng của những tinh cầu xa lạ. Thành phố miền núi buồn thật! Chiếc xe quẹo vào một con đường vòng lên dốc thoai thoải. Nhà cửa nơi đây nằm cách nhau khá xa vì đất rộng mênh mông. Thấp thoáng mới thấy một ánh đèn. Bà ta ngừng xe lại ở cuối đường. Lân xuống xe và nhanh nhẹn mở cửa cho Nghi. Cô ta bước xuống, chẳng nhìn Lân mà cũng chẳng hề cảm ơn. Lân cũng không dám nói gì với Nghi.Người đàn bà đi trước và nhanh nhẹn vào mở cửa, bật đèn. Ngôi nhà nhỏ xinh xắn và ấm cúng hẳn với ánh sáng vàng rực lên. Bà ta vui vẻ nắm tay Lân và kéo vào trong nhà.“Phòng này là phòng đọc sách, nhưng chiếc sofa này kéo ra thành giường được. Cậu nghỉ đỡ đêm nay.”Thái độ vồn vã của bà ta làm Lân tưởng đâu mình là đứa con đi xa mới trở về. Chàng thấy cảm động và không biết phải nói thế nào. Lân ấp úng:“Bác tử tế quá!... Cháu ngủ đâu cũng được mà!”“Trong phòng này có buồng tắm riêng, hơi nhỏ thôi. Cậu tắm cho khỏe rồi ăn tối”.Một lúc sau Lân ngửi thấy mùi phở! Đúng là mùi phở! Không thể tưởng tượng nổi!!Ở đâu có người Việt Nam, ở đó có phở! Lân tủm tỉm cười một mình thích thú. Khi Lân ra đến bếp đã thấy bầy sẵn chén bát, lại có cả đĩa rau húng mới lạ lùng chứ! Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Lân, bà ta cười thành tiếng:“Húng tôi trồng đấy. Mùa nào thức nấy! Không có những thứ này chắc tôi sống không nổi!”Khi nói đến đó khuôn mặt đang tươi vui của bà ta chợt tối sầm lại như bầu trời đang nắng bỗng bị mây đen kéo đến nghìn nghịt! Nhưng chỉ thoáng qua thôi, bà ta nói với Lân:“Ngồi đây! Cậu ăn thử phở tôi nấu. Ngon hay dở cũng cứ nói nhé.”Lân nói thật tình:“Cháu chưa nếm nhưng ngửi thấy thơm lắm, chắc chắn là phải ngon.”Bữa ăn diễn ra trong yên lặng vì Nghi cắm cúi ăn, bà ta cũng thế. Có một cái gì nặng nề trong bữa ăn, dù tô phở thật ngon. Có lẽ mỗi gia đình có một thói quen khác nhau. Nhà Lân thì không thế. Bữa cơm trong gia đình chàng rất ồn ào. Anh em đông, cha mẹ chàng cũng dễ tính nên bữa cơm thường là lúc mà mọi người thay phiên nhau kể chuyện trong ngày. Còn đây, dường như không có ai cấm đoán nhưng cũng chẳng ai khuyến khích. Bữa ăn diễn ra trong im lặng và buồn tẻ. Tiếng động duy nhất là tiếng nhai và tiếng húp nước phở.Sự có mặt của Nghi như là một vật gì ngăn trở làm bà mẹ ít nói hẳn. Và có một điều lạ, hai mẹ con chẳng nói với nhau một lời! Ăn xong, Nghi lẳng lặng vào phòng, chẳng hề giúp bà mẹ dọn dẹp. Lân thấy một nỗi khó chịu khó tả! Chàng yên lặng giúp bà ta dọn dẹp. Như một người khác hẳn trong bữa ăn tối vừa qua, người đàn bà trở lại vui vẻ và nói nhiều. Thái độ của bà ta cho Lân cái cảm tưởng là bà ta cần nói cho một người thứ hai nghe. Dường như giữa bà ta và cô con gái có một cái gì?Bà ta kể đủ thứ chuyện về thành phố này, về thời gian khi mới đến đây, về khí hậu nơi đây khắc nghiệt, về một người chồng đã chết cách đây vài năm. Bà ta kể rất nhiều chuyện nhưng không hề nhắc đến Nghi. Làm như cô gái mới từ đâu xuất hiện chứ trong suốt thời gian vừa qua không hề có. Lân không nén nổi sự tò mò, chàng hỏi:“Cô Nghi ít nói quá hả bác?”Bà ta khựng lại, nhìn Lân. Chỉ trong một thoáng ngắn ngủi, mắt bà ta long lanh và có chút nước mắt ứa ra ở hai bên khóe mắt. Lân hối hận và luống cuống không biết phải làm gì. Chàng không nên hỏi câu này, nhưng như một mũi tên đã bắn đi, không lấy lại được nữa!Lân vội quay sang nhìn chỗ khác và đánh trống lảng:“Thế mùa Đông bác trồng rau sao được?”Bà ta không trả lời Lân. Chàng quay lại nhìn. Gương mặt người đàn bà buồn bã với vẻ chịu đựng. Bà ta mím môi, hai gò má hơi rung rung, và giọt nước mắt kia đã thành vệt dài trên khuôn mặt đã bắt đầu có vết nhăn. Lân lúng túng không biết phải làm thế nào. Nếu là mẹ chàng, Lân đã ôm lấy mẹ an ủi. Còn đây chỉ là một người lạ, ngay đến cả cái tên của bà ta Lân còn chưa biết.Bà ta ngồi xuống ghế ngay gần đó, tay còn cầm cái khăn để lau bàn. Lân đứng yên không dám nhúc nhích. Căn nhà im phăng phắc. Ngoài tiếng máy lạnh chạy rì rì, Lân không còn nghe thấy tiếng gì khác. Hình như chàng nghe thấy cả tiếng thở nhẹ của mình nữa!Bà ta chợt nói, tiếng nói bình thường đã trầm nay lại khàn đặc:“Nó bị câm từ nhỏ! Nó không nói được mà nó cũng chẳng biết khóc hay cười.. Nó có đó mà như không có..”Lời giải thích giản dị của bà ta và vẻ mặt cam chịu, nhẫn nhục như chừng muốn gói ghém hết và nuốt trọn. Khó nuốt nhưng phải nuốt. Trôi qua cần cổ rồi nằm đâu đó trong người khi vui thì thôi, khi buồn lại cấu xé. Mà cấu xé thật! Lân thấy mặt bà ta chợt nhăn lại, nhắm nghiền mắt, hàm bạnh ra, môi mím chặt. Có một vẻ gì dữ dội trong đó làm Lân hơi sợ hãi. Hèn gì, Nghi như một cái bóng! Nhưng còn cái bụng bầu? Tại sao? Ở đâu? Làm thế nào nhỉ? Lân thấy mình quá tò mò!Chàng tìm cách nói lảng sang chuyện khác:“Ở đây buồn quá, sao bác không dọn nơi nào có đông người Việt?Nhưng như một giòng sông chảy xuôi... không thể ngược dòng, bà ta vẫn trở lại vấn đề mà Lân né tránh, làm như không thể có cách nào khác:“Cũng vì nó mà tôi không thể bỏ nơi này được. Cậu có thấy cái bụng chửa của nó không? Không biết từ đâu mà có, mà có với ai? Tôi cũng phải đi làm kiếm sống, rồi bỗng dưng xảy ra như vậy! Từ ngày đó đến nay, ngày nào nó cũng lôi tôi ra xe, chỉ đường đến sân ga.. như ngày hôm nay cậu lại thấy đó.. Để làm gì tôi không hiểu nữa! Trông chờ một cái gì? Trông đợi ai chăng? Nhưng ngày nào mưa gió không đi, ở nhà nó như phát điên!... Một thứ oan nghiệt! Tôi có nó đó mà cũng như không! Mẹ con chẳng hề nói với nhau được lời nào. Mẹ chẳng hiểu con, con chẳng hiểu mẹ. Nếu tôi không đi làm gì cũng có ngày tôi cũng thành câm như nó..”Nói đến đây chợt bà ta cười thành tiếng nho nhỏ. Nụ cười chua chát trên gương mặt héo hon:“Mà biết đâu cái oan nghiệt đó lại trở thành một cái gạch nối giữa tôi và nó. Hay chỉ có cái gạch nối giữa tôi và đứa nhỏ mà thôi? Ông trời sinh ra con người ta chi cho nó khổ!”Bà ta chợt xua tay:“Thôi, cậu đi nghỉ đi, đừng nghe bà già này nói lảm nhảm nữa!”Lân ngần ngừ. Chàng muốn nói một cái gì hay bày tỏ một thái độ nào đó để an ủi nhưng chưa bao giờ gặp một hoàn cảnh như vậy nên Lân cứ nghĩ mà vẫn không sao nói được lời nào.Hình như bà ta đón biết nên đến gần Lân, nắm tay chàng bóp mạnh nói:“Cám ơn cậu nhiều.. cậu ngủ đi, khuya rồi!”Tuy nói thế nhưng bàn tay bà ta vẫn nắm tay Lân. Chàng không nỡ buông tay ra mà chỉ nói nhỏ:“Bác cũng đi nghỉ.. cho khỏe.. Chuyện gì rồi cũng qua!”Bà ta cười gượng và quay đi vào phòng. Đôi vai ngang hơi trĩu xuống.Cái câu: “Chuyện gì rồi cũng qua” của mẹ chàng hay nói, áp dụng trong trường hợp này đúng quá.Sáng hôm sau khi bà ta chở Lân ra phố trước khi đi làm, chàng đã đột ngột ôm nhẹ bà để từ giã và cám ơn. Bà ta dang hai tay ôm chặt lấy Lân, mãi không buông ra, như một người níu lấy được một điểm tựa và bấu víu không muốn rời ra nữa. Rồi người bà ta chợt run lên, đẩy nhẹ Lân ra rồi quay quả trở vào ngồi trong xe. Chiếc xe lao đi, để lại một lằn bụi đỏ mờ mờ trong sớm mai!Chiếc xe của bà đã đi mất hút mà Lân vẫn còn đứng đó. Trên vai chàng còn lẩn quất đâu đó cái sức nặng của sự bấu víu và Lân tiếc chưa kịp nói với bà ta câu nào và chàng cũng quên chưa hỏi tên bà ấy!Mặc Bích