am đứng tựa “lan can”, đôi mắt nhìn thật sâu trong rừng lá xanh um của Thảo Cầm Viên. Giá Saigon cũng có mùa Đông như Hà Nội thì có lẽ giờ phút nầy Lam đang ngồi bên cạnh lò sưởi hoặc đã nằm quấn chăn thật kỹ rồi. Một vài tia nắng yếu ớt rót xuống đỉnh đầu Lam, Lam vui thích hong mình trong sợi nắng vàng hắt hiu như đang tìm hơi ấm nồng nàn của một vòng tay ôm.Sân trường hôm nay nhộn nhịp khác thường, sinh hoạt gần Tết bao giờ cũng vậy. Học trò dường như vui hơn lên, không hiểu vì những ngày Xuân tươi thắm hay những ngày nghỉ thoải mái, êm ả nhẹ nhàng?Bốn mùa Xuân qua, bốn năm ấp ủ thương yêu dưới mái trường nhiều kỷ niệm đẹp này. Lam thấy mình lớn hẳn lên theo tháng ngày đong đưa lướt trên tà áo trắng trinh nguyên của tuổi học trò.Chỉ còn hai năm nữa Lam sẽ phải từ bỏ ngôi trường này, không khí thân yêu này để tập tễnh bước vào cuộc đời sinh viên. Hai năm! Đối với mọi người có lẽ lâu lắm thì phải? Nhưng với Lam, thời gian nghe sao gần gũi quá. Lam sợ và không muốn ngày đó đến với mình.Lam thích học buổi chiều, buổi chiều bao giờ cũng đẹp và hiền hòa hơn buổi sáng. Ngày đâu tiên đi học buổi sáng, Lam đã nói đùa với các bạn: “Kể từ hôm nay mình bắt đầu là nữ sinh cựu, đàn chị của trường này nhé!” Các bạn Lam cười đùa thật hồn nhiên, riêng Lam, không được vui cho lắm. Lam cũng chẳng hiểu tâm trạng mình ra sao, khi thì thích thế này, khi thì mong thế nọ. Có lúc Lam muốnđược mọi người xem mình là người lớn, cũng có lúc Lam chỉ muốn bé mãi mà thôi! Tư tưởng thật quái gở, luôn luôn bắt Lam phải lựa chọn, và chưa bao giờ Lam quyết định thẳng thắn rằng Lam thích cái nào? Hỏi bạn bè thì đứa thích làm người lớn, đứa thích làm trẻ con và luôn luôn lũ thích làm người lớn chiếm đa số!Lam nhìn ra ngoài đường, con đường mà học sinh đã đổi tên là “khu vườn thỏ bạch”. Hàng quà bao giờ cũng đông khách. Chả trách người ta bảo con gái hay ăn quà vặt là phải lắm. Chẳng oan tí nào cả!Những tà áo trắng phất phơ dưới đường trông đẹp làm sao! Giá đừng có bức tường của Thảo Cầm Viên nằm trơ trẽn phân chia ranh giới thì Lam đã tưởng tượng đây là khu vườn riêng biệt của một đàn thỏ bạch rồi! Bức tường vô duyên quá đỗi! Thật tình cờ, Lam nhận diện được vẻ đẹp thầm kín của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai hàng cây me chạy dài trên suốt con đường, tàng lá xanh um che kín mặt trời, con đường sâu thăm thẳm trông như một lối đi dẫn vào một cõi xa xăm huyền ảo nào đó. Giá đừng có ai cả, nghĩa là con đường thật vắng, chỉ mình Lam thôi, Lam sẽ bước thật nhẹ nhàng, thật êm ái để nghe bước chân mình đang hòa nhịp với tiếng đàn thánh thót của cây cỏ và tiếng hát nức nở của chim muông. Ôi! Còn gì đẹp bằng.Đằng xa, mấy chàng nam sinh Võ Trường Toản muôn đời vẫn thế! Đến thật sớm, ngồi rải rác hai bên lề đường trêu ghẹo bọn nữ sinh trường Lam. Lam nghe các chị lớp lớn nói rằng đó là cửa ải mà nữ sinh Trưng Vương rất đau khổ mỗi lần đi ngang! Ngày trước, con đường Lê Thánh Tôn còn lưu thông được, cô bé nào muốn tránh cửa ải đều dùng con đường này. Nhưng bây giờ người ta đã rào thật kỹ, Lam nghe nói đó là lãnh thổ của Hải Quân, mỗi lần đọc hàng chữ “khu vực bất khả xâm phạm, vượt qua binh sĩ sẽ nổ súng” nghe mà phát ớn!Tự dung Lam thấy ghét cay ghét đắng những cuộn concertina trơ tráo đó. Trông nó hung dữ vô cùng, một hiện tượng đau lòng mà hàng ngày Lam phải đối diện. Giữa thành phố còn có bộ mặt của chiến tranh hiện diện nữa là nói chi đến những vùng thôn quê hẻo lánh! Những phút thanh bình của dòng tư tưởng chưa bao giờ ngự trị thật lâu trong tiềm thức Lam. Bởi những con mắt kẽm gai đục ngầu lửa đỏ nằm đó luôn luôn nhìn Lam bằng những tia không thiện cảm mặc dù nó là vật vô tri!...Không khí bây gờ ồn ào hơn lúc nãy, từng đám đứng líu lo nói chuyện trông yêu đời hơn bao giờ hết, Lam vui lây với cái không khí ồn ào náo nhiệt của một ngày gần Tết.Thảo từ ngoài cổng trường đi vào, con bé hôm nay trông diện ác! Chiếc áo len trắng khoác hững hờ trên người làm tăng thêm vẻ thùy mị của Thảo. Lam ngắm Thảo không chớp mắt, dáng đi của con bé trông thảnh thơi và yêu đời lạ.Thảo là bạn thân của Lam từ lớp đệ thất cho đến bây giờ, ít khi nào người ta thấy hai đứa rời nhau, bạn bè vẩn gọi đùa Lam Thảo là “Trương Chi-Mỵ Nương”. Lam và Thảo rất hãnh diện với cái tên này vì đó là bằng chứng nói lên tình bạn thân thiết của hai đứa.Chưa bao giờ Lam và Thảo giận nhau thật lâu vì luôn luôn có một người nhận lỗi sau cơn nóng nảy. Một đức tính tốt, một “giao ước” mà Lam và Thảo đã đặt ra khi hai đứa kết bạn với nhau.Tình bạn của Lam và Thảo cũng đã được năm tuổi như thời gian Lam trưởng thành dưới mái trường này. Mỗi năm, Lam và Thảo đều tổ chức ăn mừng sinh nhật tình bạn của hai đứa. Đó là ngày vui nhất trong đời của Lam và Thảo.Vừa trông thấy Lam, Thảo cười duyên hỏi:- Có gì vui mà trông mày hớn hở thế?Lam nhìn bạn trả lời:- Sắp được “lì xì”.- Bé nhỉ!- Chứ đòi lớn với ai?Thảo đưa tay gạt nhẹ những sợi tóc phủ xòa trên mặt:- Chờ chút nghe. Chị vào cất cặp cái đã.- Chị cái này này!Lam vừa nói vừa vỗ tay vào cùi chỏ, Thảo cười thật nhí nhảnh, bước nhanh vào lớp. Một lúc sau, Thảo trở ra với gói ô mai trên tay, Thảo chìa ra trêu tức Lam rồi nói:- Xin đi chị cho!- Còn lâu! Bữa nay mắc chứng gì mà mày lên mặt chị với tao hoài vậy?- Tại mày đòi làm em bé!- Vô duyên! Đòi bao giờ?- Vừa lúc nãy!... Để Tết chị “lì xì” cho!- Im đi!Thảo cười, dúi gói ô mai vào tay Lam, hai cô bé lơ đãng nhìn những tà áo trắng nhởn nhơ, đùa giỡn trong sân trường. Một vài cô tinh nghịch, cột đuôi áo dài chơi nhảy dây, trông thật buồn cười hết sức. Lam có cảm tưởng chừng hôm nay là ngày triển lãm áo len của các nàng, những chiếc áo xanh đỏ tím vàng, đủ màu sặc sỡ làm tăng thêm vẻ tươi vui của những ngày vừa học vừa chơi.Bọn Lam vẫn thường gọi đùa những buổi học gần Tết như vậy vì chẳng có đứa nào chịu học cả, vừa thấy cô bước vào lớp, chúng đã nhao nhao lên xin cô cho nghỉ, ngồi nói chuyện gẫu chơi! Và bây giờ nếu đi lục từng cái cặp một, chắc chắn khó mà tìm thấy cái cặp nào không có gói hạt dưa nằm thật khêu gợi trong đó! Những ngày tâm sự giáp Tết, gần như là một thông lệ mà cho đến bây giờ Lam vẫn chưa hiểu nó xuất phát từ đâu? Và từ bao giờ?Thảo để mặc Lam theo đuổi với những ý nghĩ trong đầu, chưa bao giờ Thảo phá Lam trong những giây phút yên lặng này vì Thảo biết Lam quý nó lắm và riêng Thảo, Thảo cũng tôn trọng vô cùng. Một vài con én bay thảnh thơi giữa bầu trời trong xanh không vẩn đục. Những buổi sáng như thế này không còn gì tuyệt diệu bằng! Thảo mơ màng nhìn đôi cánh én bay lẻ loi, tách rời đồng bọn, Thảo chợt ước ao giá có một bà Tiên huyền diệu nào đó ban cho Thảo và Lam một đôi cánh, hai đứa sẽ bay lên tận đỉnh trời để xem mây nó ra làm sao? Thảo còn nghe người ta nói mây có chín từng cơ! Một từng đã xa lắc xa lơ như thế kia rồi, lên được chín từng chắc là vất vả lắm! Thảo thầm nghĩ như vậy và giấc mơ lên thăm mây thăm trời vẫn không bao giờ chết trong tâm hồn của Thảo.“Apollo còn lên đến mặt trăng nữa là!”, Thảo vẫn thường bảo đùa với Lam như vậy. Con người bây giờ văn minh thật và khoa học tiến bộ không thể tưởng. Những bài hát tưởng tượng viếng cung trăng dành cho nhi đồng trong mùa Trung Thu bây giờ đâu còn giá trị như ngày xưa nữa? Giấc mơ thành sự thật không thích thú và lôi cuốn bằng giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Biết thế nhưng Thảo vẫn muốn ước mơ phải thành sự thật. Tuổi trẻ thường háo hức và tham lam vô cùng, câu nói của ai Thảo quên mất rồi và Thảo thấy đúng lắm.Bây giờ lại đến lượt Lam ngạc nhiên theo dõi Thảo. Thường thì Lam thấy Thảo vô tư lắm, ít khi Thảo chịu suy nghĩ về bất cứ một chuyện gì. “Một hiện tượng lạ” Lam nhẩm trong đầu một câu nói khoa học và mỉm cười kín đáo. Lam vẫn thường thắc mắc đến cái tuổi biết suy tư và ngày đó đến với Lam tự bao giờ, lúc nào Lam cũng không hề hay biết. Cho đến một hôm, Thảo nói với Lam: “Người lớn nhỉ! Biết suy tư rồi cơ à?”, Lam mới giật mình thật và sửng sốt, không biết có phải mình đã đến tuổi biết suy tư chưa?Lam ngậm nốt miếng ô mai cuối cùng rồi thả bao ny lon bay lơ lửng trên lầu hai xuống. Trò chơi này vẫn bị bà Tổng Giám Thị lưu ý luôn thế mà bọn học sinh nào có sợ! Vẫn nghịch ngợm như thường và đứa nào vô phước bị bắt quả tang, chắc chắn lãnh đủ ba ngày nằm “dưỡng lão”! Học sinh vẫn gọi đùa những ngày bị đuổi học là những ngày dưỡng lão.Một vài cái đầu ở lầu một nhô ra ngước nhìn lên, Lam không quan tâm mấy vì đã quá quen với những khuôn mặt đanh đá này, không gì xấu bằng cảnh hai đứa con gái cãi nhau. Lam nghĩ vậy và Lam rất sợ những cuộc đấu võ mồm như thế. Thà hùng hổ, đấm đá như bọn con trai coi còn đẹp mắt hơn, nhưng con gái mà đánh nhau thì hết chỗ nói rồi. Bản tính Lam vốn rất hiền hòa, nên Lam thường bị Thảo mắng mỏ là hèn, nhu nhược. Chưa bao giờ Lam cãi lại để dành thiên chức “anh hùng”, con gái mà cứ đòi làm anh hùng như con trai coi sao được!?Những con mắt khó chịu, đanh đá ở lầu một cắt đứt tư tưởng đang luân lưu trong đầu Thảo. Thảo nhìn lại, khiêu chiến. Mỗi bên trả lời nhau một cái bĩu môi rồi cùng quay đi chỗ khác. Thảo không đanh đá nhưng Thảo cũng chẳng chịu lép vế trước một ai. Thật buồn cười và Thảo vẫn biện luận rằng hành động của Thảo là bản năng tự vệ, chống lại sự khiếp nhược!Lam biết tính Thảo hay cãi vã, và đã cãi là phải cãi cho bằng được vì thế luôn luôn Lam lên mặt đàn chị nhường nhịn Thảo. Thảo thắng cuộc nhưng tức vô cùng vì ngẫm cho kỹ thì người ta nhịn mình chứ không phải người ta thua! Lam vẫn thường cho Thảo là háo thắng và sau mỗi lần cãi vã kịch liệt, hai đứa chỉ nhìn nhau cười xòa vì đứa nào cũng ngang, đứa nào cũng có lý, cãi nhau đến mai cũng chưa xong.Lam tì một tay lên lưng Thảo hỏi:- Mày nhận được báo biếu chưa?Thảo nhìn bâng quơ trả lời:- Rồi!- Sao tao chưa có?- Lại gặp chị Trưởng ban báo chí mà lấy!- Xuân năm nay ế phải không mày?- Ừ! Thời buổi khó khăn, ăn còn chưa xong nữa lấy tiền đâu mua báo?- Mày đã dự định tổ chức tất niên chưa?- Tụi nó giao cho mày mà?- Mình tao lo sao xuể? Cả mày nữa chứ!- Tí nữa vào lớp tính!Chuông reo, báo hiệu đến giờ học, Lam và Thảo đứng xếp hàng chung với các bạn ngay cửa lớp. Cái cảnh xếp hàng bao giờ cũng thật uể oải và nhàm chán, nhưng đó là kỷ luật chung của các trường, học trò bất đắc dĩ phải tuân theo!Lam thấy thà rằng cứ để học sinh tự ghép mình vào kỷ luật còn hơn là ép buộc để học sinh phải thi hành một cách miễn cưỡng. Hàng lối lệch lạc, “xóm nhà lá” khúc đuôi bao giờ cũng ồn ào, một vài đứa đùa nghịch xô đẩy nhau, tiếng cười đùa oang oang muốn nói chuyện phải hét thật to họa may bạn bè mới nghe thấy. Mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng từ người Hà tỏa ra làm Lam thấy dễ chịu đôi chút.Lam huých nhẹ Hà trêu chọc:- “Thằng” nào cho?- Cho cái gì?- Nước hoa!Hà tròn xoe đôi mắt, cốc nhẹ vào đầu Lam rồi trả lời:- Nói bậy! Tao mới mua!- Loại nào?- “Ta-Bu”!- Sang thế!?- Chuyện! Tết mà!Lại Tết! Cái gì cũng Tết! Ngày xưa thì Lam thích Tết thật, nhưng bây giờ lớn rồi, Lam không còn háo hức, mong đợi như trẻ con nữa.Thảo nhìn Lam, hai đứa cùng cười với nhau, cái cười đồng lõa không có ý nghĩa thường có ở hai đứa. Lam vẫn thường thắc mắc về nụ cười này và có lần Lam hỏi Thảo ý nghĩa của nụ cười đó ra sao? Cả hai đứa đều chịu, không thể giải thích được và Lam đặt cho nó cái tên “nụ cười giao duyên”. Thảo thấy hay hay nên dùng quen mồm và có lần Thảo bị hố to, Lam được một phen cười, chết thôi.Hôm đó tan học, Lam và Thảo đợi cho bạn bè về hết, hai đứa mới bắt đầu thả bộ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đi ngang trường Võ Trường Toản, một vài cậu quần xanh áo trắng kè theo trêu ghẹo. Lam và Thảo đều buồn cười trước những lời tán đầy tính chất cải lương của bọn con trai, nhịn không được, Thảo bật cười. Một thằng trong bọn hỏi:- Cười gì thế cô em?Thảo quen mồm trả lời tuốt luốt:- Cười giao duyên!Bọn con trai nghe trả lời thích quá, tấn công mạnh hơn, Lam và Thảo một phen hú vía, bấn cả lên, cắm đầu đi cứ như là chạy. Từ hôm đó, Thảo cẩn thận hơn, không dám dùng thường xuyên ba chữ “cười giao duyên” nữa.Cô Nguyệt vừa xuất hiện ở cuối hành lang, cả bọn im thin thít, cái “kỷ luật tự động” của đám học trò. Lam thích cái kỷ luật tự động nầy hơn là sự bắt buộc, gò bó.Cô Nguyệt cho học trò vào lớp, từng hàng nối đuôi nhau, công việc này, học sinh thuộc lòng và thi hành như một cái máy. Lam và Thảo ngồi ngay bàn đầu, thỉnh thoảng một vài đứa đi ngang, tinh nghịch tát mạnh Lam hay Thảo một cái rồi lẩn nhanh về chỗ. Lam và Thảo đã quá quen với cử chỉ đùa yêu của bạn bè nên hai đứa không bao giờ giận mà lại còn vui nữa là đằng khác.Ngồi bên cạnh Lam là Hà và cạnh Thảo là Thủy, bốn đứa nổi tiếng là hiền và ngoan nhất lớp nên năm nào bọn Lam cũng được xếp ngồi chung với nhau ở bàn đầu. Cả lớp đứng lên cho đến lúc cô Nguyệt bước lên bục, cho học sinh ngồi xuống.Tiếng nói chuyện lại nổi lên tứ phía, Tuyết ở cuối lớp nói vọng lên:- Hôm nay giờ cuối của cô, cô cho tụi em nghỉ đi cô!Cô Nguyệt cười, để lộ hai chiếc rang khểnh thật xinh. Diễm nịnh:- Cô đẹp quá!Phượng xen vào:- Cô đẹp nhất trường! Tụi em bầu cô làm hoa hậu đó cô!Cô Nguyệt vẫn giữ nụ cười trên môi hỏi:- Học đi chứ! Không lẽ nói chuyện gẫu cho hết giờ sao?Tuyết trả lời:- Học chán lắm cô ơi! Gần Tết rồi tụi em học không vô!Cả lớp cười, cô Nguyệt khẽ hất đầu, gạt mấy sợi tóc ra đằng sau, nhìn quanh lớp rồi cất tiếng:- Thế các em muốn nói chuyện gì nào?Diễm trả lời thật nhanh như đọc một bài học thuộc lòng:- Chuyện tình cảm của cô ạ!- Cô làm gì có chuyện tình cảm!- Dạ! Phải có chứ ạ! Vì tụi em còn có nữa là huống chi cô!Cô Nguyệt gài bẫy:- Thế em có không?Diễm vẫn vô tình:- Dạ, có chứ ạ!- Nếu có thì em kể chuyện tình cảm của em trước đi rồi cô sẽ kể chuyện của cô sau.Cả lớp cười, vỗ tay ủng hộ lời cô Nguyệt. Diễm bấn cả lên, không biết xoay sở đường nào, đã vậy còn bị mấy đứa bạn ngồi bên cạnh kéo đứng dậy, đẩy ra khỏi chỗ.Diễm níu mép bàn, cố ghì người lại ở lối đi giữa lớp. Hàng trăm con mắt đổ dồn về phía Diễm, con bé ngượng chín người nhất định không lên, cố gắng chống chỏi sự lôi kéo của bạn bè.Chợt cô Nguyệt nói:- Lên đây Diễm! Em kể chuyện tình cảm của cho cô và các bạn nghe với nào!Tiếng vỗ tay lại nổi lên, lời nói của cô Nguyệt như một động lực thúc đẩy Diễm, trong một thoáng lì lợm, Diễm buông mép bàn, bình tĩnh bước lên bục đứng ngang với cô Nguyệt. Nhiều tiếng hoan hô vang dậy, Diễm không còn lo sợ và thẹn thùng, bình tĩnh xoay qua cô Nguyệt xin phép rồi hướng về các bạn mở đầu câu chuyện:- Thưa cô, thưa các bạn! Năm hết Tết đến, thời buổi kiệm ước song hành, không biết mừng tuổi cô và các bạn cái gì! Diễm chỉ có một câu chuyện tình cảm vui vui, xin kể để gọi là quà biếu cô và các bạn nhân dịp Xuân về. Thưa các bạn!... Tình cảm là cái gì?Tiếng cười lại rộn lên, từ nãy đến giờ Lam, Thảo, Hà, Thủy vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện. Lam có vẻ thích thú và nghĩ rằng mình sắp được nghe một vài kinh nghiệm của con “quỷ sứ”.Thỉnh thoảng Lam vẫn đọc một vài quyển truyện tình cảm nhẹ nhàng loại Hoa Tím của Tuổi Hoa. Lam không thích đọc những quyển tiểu thuyết tình cảm xã hội vì Lam nghĩ rằng tuổi của Lam chưa được phép đọc những chuyện tình cảm lăng nhăng đó. Những nhân vật trong truyện thường lôi cuốn Lam một cách kỳ lạ vì vai chính thường là những cô bé ở lứa tuổi vừa lớn như Lam. Lam và Thảo vẫn hằng thắc mắc về hai chữ “tình cảm” và hai đứa cũng đang hồi hộp chờ chuyện tình cảm đến với mình không biết giờ phút nào? Ngày nào?Giọng Tuyết thật chanh chua:- Thì cứ hiểu đại khái tình cảm là một thứ tình thương “đặc biệt” đi.Diễm tiếp:- Vâng, thì đặc biệt. Thưa các bạn! Từ xưa truyền rằng hễ cứ dính dấp vào chuyện tình cảm thì rắc rối và lôi thôi lắm. Danh từ thời đại chúng ta dùng là “nhức đầu”. Tình cảm thì phức tạp vô cùng, thế nhưng không ai tránh khỏi cả. Vấn đề đặt ra là nó đến không biết lúc nào, sớm hay muộn mà thôi. Thưa các bạn! Hẳn tất cả các bạn có mặt trong lớp hôm nay, đa số đang hồi hộp chờ đợi cái tình cảm vô hình đó. Và riêng Diễm, nó đã đến với Diễm lúc nào Diễm cũng chẳng hay, chỉ biết rằng chuyện xảy ra như thế này!...- Y như bà cụ non. Văn chương đâu mà lưu loát thế!Hà lẩm bẩm phê bình, Lam cũng nhận thấy Diễm hôm nay ăn nói trôi chảy thật. Lam kiểm soát từng khuôn mặt trong lớp, hai phần ba chăm chú theo dõi, còn một phần ba thì đùa cợt. “Chắc cái đám này sành sỏi lắm hay sao mà tỉnh thế không biết nữa!” Lam nghĩ thầm như vậy.Cô Nguyệt vẫn ngồi trong tư thế thật thảnh thơi, đôi mắt cô không rời Diễm. Thỉnh thoảng cô gõ nhẹ cây bút nguyên tử xuống bàn như đang gõ nhịp.Theo như lời giới thiệu của cô hôm đầu năm thì Xuân này cô vừa tròn hai mươi bốn tuổi! cô còn quá trẻ, có thể nói là cô trẻ nhất trong tất cả các giáo sư dạy ở trường. Lam vẫn nể phục cô và rất thích cương vị của cô hiện tại. Lam ao ước sau này lên Đại Học, Lam cũng sẽ chọn văn khoa và đi dạy học như cô. Cô Nguyệt hiền và rất thương học trò vì thế chưa bao giờ lũ bạn của Lam đùa giỡn quá trớn. Chính vì đức tính biết kềm hãm đúng lúc này mà lớp của Lam được cô Nguyệt thương yêu nhất...Phượng nôn nóng:- Tiếp đi chứ?Diễm nhìn lên trần nhà, chớp chớp đôi mắt trả lời:- Để hồi tưởng cái đã nào!Cô Nguyệt bật cười trước câu nói khôi hài của Diễm, Diễm tiếp:- Thưa các bạn! Chuyện xảy ra như thế này... Số là Diễm có một anh bạn rất thân, chơi với nhau từ bé cho đến bây giờ, nhà anh ta ở bên cạnh nhà Diễm. Từ trước đến giờ Diễm và anh ta chỉ xem nhau như bạn bè thế thôi... Cho đến một hôm, trong một buổi nói chuyện, Diễm chợt nhận thấy cử chỉ lúng túng, e thẹn khác lạ của anh ta và riêng Diễm cũng xấu hổ và ngượng ngùng làm sao ấy!...Tuyết xen vào:- Cảm tình “đặc biệt” rồi!Diễm nói:- Vâng! Anh ấp a ấp úng mãi, Diễm chỉ nghe được một câu như “tớ thích Diễm lắm”!...Cả lớp cười ồ! Phượng phát biểu ý kiến:- “Quê” quá vậy!? Thời buổi này mà còn “tớ” với “tiếc” à?Tuyết hét lên:- “Nhi đồng Giao Chỉ mà!”Tiếng cười lớn hơn nữa, Diễm đứng yên, chờ cho ồn ào lắng xuống rồi mới tiếp:- Và cũng từ hôm đó, Diễm thấy mình có vẻ mến anh ta nhiều hơn!... Thưa cô, thưa các bạn! Chuyện tình cảm của Diễm đến đây là hết! Không biết đó có phải là “tình cảm đặc biệt” đã đến với Diễm không? Xin cô và các bạn giải đáp dùm! Kính chào cô, chào các bạn...Tràng pháo tay nổi lên, Diễm bước xuống bục trở về chỗ ngồi. Cô Nguyệt rời ghế đứng dậy, nhìn xuống cuối lớp cất tiếng hỏi:- Em nào giải đáp được thắc mắc của Diễm?Tuyết giơ tay xin phát biểu ý kiến. Cô Nguyệt gật đầu ra hiệu cho Tuyết đứng lên, Tuyết cất giọng:- Thưa cô. Thưa các bạn! Theo em thì “tình cảm đặc biệt” đã đến với Diễm vì nếu chỉ là một tình bạn thông thường thì Diễm đã không có những cử chỉ e thẹn và anh chàng kia cũng vậy, làm gì phải lúng túng khi đứng nói chuyện với một người bạn?Phượng phản đối kịch liệt:- Bậy! Thưa cô, em bác bỏ lập luận của Tuyết. Đó không phải là tình cảm đặc biệt mà là một phản ứng tự nhiên khi hai bên chợt nhận thấy rằng mình đã lớn.Hà lên tiếng:- Sai bét? Thưa cô, theo em đó không phải là tình cảm đặc biệt mà cũng chẳng là phản ứng tự nhiên gì cả? Một sự “bất bình thường” chợt có giữa hai tâm hồn đang ở trong lứa tuổi vừa lớn.Thủy đứng dậy:- Thưa cô, theo em đó là sự e thẹn tự nhiên phải có giữa một “anh” và một “chị”.Thảo khôi hài:- Thưa cô, đó là “phản xạ tự nhiên” của những tia nhìn bất chánh!Cả lớp được một phen cười vỡ bụng, cô Nguyệt cũng vui lây với những ý kiến thật ngộ nghĩnh của đám học trò.Cô vẫn ngồi yên để mặc cho học sinh tha hồ bàn cãi. Mỗi đứa một lý lẽ, đứa nào cũng muốn lý của mình phải, lý của mình đúng, không khí trở nên sôi động và gay cấn hơn.Lam, Thảo, Hà, Thủy ngồi châu đầu với nhau, phân tách từng ý kiến. Hà có vẻ liến thoắng nhất trong bọn, vừa nói vừa chìa tay, trông cứ y như một nữ luật sư đang hùng biện trước tòa. Thỉnh thoảng một vài đứa đứng dậy góp ý kiến rồi lại ngồi xuống bàn cãi tiếp. Thời gian trôi qua thật mau, chỉ còn khoảng hai mươi phút nữa thì hết giờ.Bỗng Lam đứng dậy xin phát biểu ý kiến:Thưa cô, theo ý kiến của riêng em thì không thể quyết định vội vàng đó là “tình cảm đặc biệt” được! Tình cảm theo đúng nghĩa đặc biệt của nó thì điều quan trọng và căn bản là thời gian. Chỉ có thời gian mới xác định được rằng tình cảm đó có đặc biệt hay không mà thôi! Không phải chỉ một tia mắt, chỉ một thoáng nghĩ, chỉ một cử chỉ mà chúng ta đã quả quyết rằng đó là “tình cảm đặc biệt” được! Và thưa cô! Theo em, tình cảm không có tiếng sét! Nếu bảo rằng tiếng sét đã đến với ta thật bất ngờ thì tình cảm cũng ra đi thật nhanh chóng! Kết luận: cảm tình đặc biệt phải được xây dựng bằng thời gian!Tiếng vỗ tay vang dội khi Lam vừa nói dứt câu, những tràng pháo tay thật dài không chấm dứt là những câu khen tặng âm thầm đầy ý nghĩa dành cho Lam. Một chút hãnh diện chợt dâng lên trong Lam và chính Lam, Lam cũng không hiểu tại sao? Động lực nào? Đã thúc đẩy Lam nói được những câu quá ư là hay như vậy?Thảo, Hà, Thủy vỗ tay to nhất và lâu nhất. Tự dưng Thảo phục Lam kinh khủng, “con bé nầy ghê thật! Thế mà mình cứ tưởng nó khờ khạo lắm!” Thảo thầm nghĩ như vậy.Lam ngượng chín người, mặt ửng đỏ, cúi gầm xuống trong khi bạn bè được thể, cố tình vỗ tay lâu hơn.Cô Nguyệt thì không ngạc nhiên cho lắm vì từ lâu cô vẫn nghĩ rằng Lam rất tinh khôn và chín chắn. Cô thương Lam nhất lớp vì Lam có đầy đủ đức tính của một đứa học trò vừa ngoan vừa giỏi. Cô nhìn Lam trìu mến và cử chỉ e thẹn của Lam đã khiến cô quả quyết rằng lời nói của Lam thật vô tư chứ không phải lời nói của một nữ sinh đang chứa chấp tình cảm đặc biệt trong tâm hồn.Đợi cho tiếng vỗ tay ngừng hẳn, cô Nguyệt mới cất tiếng nói:Từ nãy đến giờ, cô được nghe các em phát biểu ý kiến, mỗi người một lý và lý của ai cũng có phần đúng cả. Theo ý kiến của riêng cô thì cô cũng đồng ý với em Lam, lập luận của Lam xác đáng nhất, nghĩa là chúng ta không nên vội vàng, hấp tấp kết luận ngay đó là “tình cảm đặc biệt”! Điều quan trọng vẫn là thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề được đặt ra để bàn cãi vui chơi thôi. Các em không nên để ý, thắc mắc đến làm gì. Điều cần thiết nhất, bắt buộc các em phải lưu tâm tới vẫn là việc học!Cô Nguyệt vừa nói dứt câu, tiếng vỗ tay hoan hô lại vang lên rộn rã. Cùng lúc đó, chuông vang, chấm dứt hai giờ sinh hoạt thật vui tươi thật thoải mái...Lam, Thảo, Hà, Thủy vẫn ngồi yên một chỗ, bạn bè bu quanh bốn đứa nói chuyện tíu tít. Lam bình thản đón nhận những lời khen tặng pha chút đùa cợt của đám bạn phá như quỉ! Thỉnh thoảng Lam đáp lễ bằng một nụ cười thật hiền!Không khí trong lớp học bây giờ khá yên tĩnh so với không khí của sân trường trong giờ ra chơi. Lam vẫn để mười ngón tay nghịch ngợm với cây bút Pilot trên mặt bàn, đôi mắt nhìn thật sâu, không kích thước, mái tóc dài che phủ nửa khuôn mặt tạo cho Lam một nét thật đẹp.Thảo nhìn đăm chiêu, cô bé đang bận rộn với những tư tưởng luân lưu trong đầu. Hà và Thủy đấu hót luôn mồm với lũ bạn, trông hai con bé có vẻ lém lỉnh và chanh chua vô cùng. Kẻ nói nhiều nhất vẫn là Tuyết, nói ào ào không biết mệt!Thảo vỗ nhẹ vai Lam hỏi:Vụ tất niên làm sao?Lam quay lại nhìn Thảo trả lời:- Ừ! Quên mất! Tí nữa bảo tụi nó đóng tiền!- Mày dự định bao nhiêu?- Xoàng thôi! Khoảng hai trăm!- Hai trăm mà xoàng à?- Chứ to với ai? Không bằng hai chục ngày xưa!Đám Hà và Thủy ngưng nói dóc, theo dõi câu chuyện của Lam và Thảo. Thủy góp ý kiến:- Làm thường thôi! Rình rang lắm chỉ tổ tốn tiền.Diễm xen vào:- Hai trăm được rồi, còn thua một vé xi nê mà!Tuyết lườm Diễm:- Vừa phải thôi chứ!? Đối với mày không bằng một vé xi nê nhưng đối với những đứa nghèo thì là cả một vấn đề. Hiểu chưa?Lam nói:- Tao định như thế này. Định giá hai trăm cho những đứa có gia cảnh trung bình trở lên. Còn những đứa nghèo, tùy khả năng đóng góp.Thảo hỏi:- Làm sao biết được đứa nào giàu, đứa nào nghèo?Lam trả lời:- Biết chứ! Bạn bè với nhau mà không biết sao được? Vả lại danh sách đóng góp chuyền tay công khai mà. Đứa nào mặt mo mới giở trò “ma giáo”.Hà vỗ nhẹ vào tay Lam hỏi:- Có mời giáo sư không?- Có chứ! Mời hết!Tuyết khôi hài:- Có chương trình văn nghệ giúp vui không? Tao làm sáu câu vọng cổ cho.Diễm nguýt:- Mày mà hát có trâu nghe.Phượng vẫn đứng im, bây giờ mới lên tiếng:- Câm đi hai con “chằng”! Người ta bàn chuyện đứng đắn mà chúng mày cứ đùa cợt mãi.Diễm lên mặt anh chị:- Con này “ngon” ta! Dám “kên” mình chứ!Lam phá ngang:- Thôi đừng đùa nữa. Phần văn nghệ tao giao cho con Hà, con Thủy; còn con Phượng, con Diễm, con Tuyết “xẹc-via”.Thảo nói:- Coi như xong. Tí nữa tao bắt đầu thâu “thuế”.Phần bàn thảo chương trình tất niên ngưng; Diễm, Tuyết, Phượng nô đùa, đuổi nhau chạy quanh lớp. Lam, Thảo, Hà, Thủy đứng dậy, bước ra ngoài.