- 4 -
Những ngày cuối cùng của bà Thuyết

     huyết khóc nhiều quá, đâm ra lòa.
Và ốm một trận thật nặng, lúc khỏi, bà thành lẩn thẩn.
Trừ khi kể lại những sự đau đớn trong đời bà là được rành mạch, còn câu nào bà nói cũng như người mất trí.
Bà không còn một đồng một chữ làm vốn, và cũng không thể làm được việc gì để kiếm ra tiền.
Bà ở với rể.
Chiều chiều, nếu không đợi được thằng Cún nó dắt, thì một mình, bà lấy gậy để dò đường. Bà đi lẩn vào những lối khuất, tránh các nhà bà còn chịu tiền. Ai nỡ đòi bà nữa, song bà vẫn còn sáng suốt ở chỗ lo nợ.
Bà đi như thế để ra đồng, thăm mả con gái. Lúc ấy, giữa chỗ hiu quạnh, nổi lên tiếng khóc thảm thiết, giọng khà khàn và run run.
Bà khóc con gái. Bà khóc con trai. Bà khóc chồng. Bà lại khóc bà.
Người ta an ủi bà rằng số Hồ chết nên đã định lên bờ, thuê thuyền nan đi với bà rồi lại thôi.
Nhưng bà bảo trời muốn đày đọa bà, nên xui người lái đò đuổi bà lên, để bà không những không được chết mà còn trông thấy con chết.
Bà mong được chết. Một ngày của bà sống thêm là một ngày thảm.
Bà thèm về Phượng và về Rừng để trối già, nhưng không có tiền, ngửa tay xin rể, bà ngượng.
Thành ra bà đành ở Tru để ôm cháu nội cháu ngoại mà khóc, khóc để hai mắt hóa thong manh.

 

Một hôm, bà sực nhớ đến ông Cả Sinh.
Tự nhiên bà muốn đến thăm ông ấy.
Không hiểu vì bà lẩn thẩn, hay cái gì nó xui giục bà đi.
Bà lấy lúm gạo, thổi cơm để nắm. Và chờ Bách đi vắng, bà bổ ống tiền của thằng Cún lấy hào bảy và chẳng dặn dò gì ai, bà bắt đầu lên đường.
Ngày ấy vào tháng Năm.
Trời nắng chang chang.
Nhưng đầu không nón, bà cứ đi, dò gậy để ì ạch lê từng bước.
Đường dài hai mươi nhăm cây số, bà đi mất ba ngày.
Nhưng ông bà Cả Sinh sang ăn giỗ bên nhạc, từ hôm trước.
Người nhà vì biết bà, nên mời vào.
Bà thở than là đen. Ở đó đến sáng hôm sau, bà sồn sồn đòi về, kêu là nóng ruột. Tính, con ông Cả, trước kia đã hỏi Hồ làm vợ, cố mời bà:
- Cụ cứ ở chơi, cậu mợ cháu chiều nay thể nào cũng về.
Bà xua tay:
- Thôi, bác cứ để tôi đi, tôi nhớ các cháu lắm. Tưởng được gặp ông bà một lần để nói chuyện, nhưng ông bà đi vắng, thì thế cũng là tôi thành tâm rồi. Mấy chiều nay, không được ra mộ con gái tôi, tôi thấy tôi xa nó quá.
- Cụ ở đây vài hôm nữa. Cụ nên đi chơi cho khuây, chứ cứ ở nhà thì buồn, rồi cũng đến chết.
Bà thở dài, ứa nước mắt:
- Chứ bác mong tôi sống nữa làm gì, để chịu thêm cái khổ nữa à? Còn gì để tôi khổ nữa mà phải sống!
- Cụ đừng nói thế. Biết đâu rồi trời đền cho cụ những gì. Mấy hôm nay, nắng quá, nếu để cụ đi, thì cậu mợ cháu về, cháu phải mắng.
Bất đắc dĩ, bà ở lại.
Bữa cơm chiều hôm sau, người nhà bưng mâm lên.
Thấy có đĩa xôi đậu, bà hỏi:
- Quái, hôm nay mồng một không phải, rằm không phải, sao có xôi nhỉ?
- Đây là xôi bác Tụng biếu, tôi dọn cụ xơi.
Bà nhìn người nhà bằng đôi mắt trắng bệch:
- Bác Tụng nào, tôi nghe tên đến quen.
- Bác ta ở nhà bên kia ao.
Bà sực nhớ. Người ấy đã cho con bà bú. Người ấy đã đến dỗ bà lấy kế ông Cả Sinh. Bà nghẹn ngào, hỏi:
- Bác Tụng làm gì mà biếu?
- Hôm nay là ba ngày chồng bác ấy.
- Chồng bác ấy chết rồi à? Khốn nạn, thế thì đưa chồng bác ấy giữa hôm tôi đến đây à?
- Vâng, buổi sáng.
- Chốc nữa tôi phải sang hỏi thăm bác ấy một lúc.
Người nhà lắc đầu, ngăn:
- Cụ đừng nên sang, chồng bác ta chết về bệnh kia đấy mà.
- Bệnh gì?
- Bệnh đi tả, chóng quá, có một đêm.
- Ồ, chết đã có số, mà ai mới sợ chết, chứ tôi đang mong chết không được đây.
Ăn xong, bà nhờ người dắt sang bác Tụng. Bà và bác ta cùng khóc, mỗi người khóc một cảnh.
Khi bà trở về, vừa gặp vợ chồng ông Cả Sinh đến nhà. Ông Cả trông thấy bà, kinh ngạc:
- Trời ơi, mới mấy năm không gặp bà, bây giờ tôi trông bà khác hẳn đi.
Bà mếu máo:
- Còn gì nữa mà chưa được là cái xác chết hở ông.
Bà kể lể gia cảnh cho ông bà Cả Sinh nghe. Hai vợ chồng chủ thở dài, an ủi:
- Người như bà, lúc về già phải khổ thì thật lạ. Nhưng biết đâu được với Trời. Ngộ ông ấy đền bà cái khác chăng.
- Tôi cũng mong thế, chẳng biết có được hay không.
Rồi bà bần thần, ngồi ngẩn ra, miệng lẩm bẩm một mình những gì không ai nghe rõ.
Trưa hôm ấy bà thấy dấm dẳn đau bụng, nhưng bà không nói. Bà đi tả. Bà cũng giấu. Bà cứ gượng đứng, gượng ngồi.
Mãi đến khi không còn sức nữa, bà nằm, nhưng lại kêu rằng mệt xoàng.
Đến lúc ông Cả Sinh thấy bà đi tả đến ba lượt liền mới hơi nghi. Ông hỏi Tính, thấy mách bà ăn xôi biếu và đến thăm bác Tụng. Ông mới đoan chắc bà mắt bệnh thời khí.
Ông cho bà rượu thuốc, nhưng không công hiệu.
Bà đi đến hai mươi lần nữa.
Mới vài giờ, mặt bà đã xám, lưỡi bà đã rụt.
Ông Cả sợ, biết không cứu được, bèn hỏi:
- Bà muốn gì, xin cứ nói.
Bà ú ớ:
- Tôi muốn về Tru.
Ông vội vàng cho người ra ga gọi xe, đắt mấy cũng thuê. Ông tính bà Thuyết đi xe với đầy tớ ông ngồi cạnh để giữ, một người kéo, hai người đẩy, thì về Tru còn kịp, cho chậm lắm, hai giờ đồng hồ là đến nơi.
Ông dặn người thuê xe, nói rằng kéo người ốm, chứ đừng bảo ốm bệnh gì.
Phu xe, vì phải đi đêm, bắt chẹt hai đồng bạc. Nhưng đến lúc người nhà uống rượu say, bê bà lên xe, thì bà đã mệt quá, lả như con gà chết.
Ông Cả sai đầy tớ, một người đi mua gỗ xẻ ván đóng áo quan, một người đi xe ấy khứ hồi, sang Tru gọi Bách.
Nhưng Bách đến không kịp. Độ hơn một giờ sau, bà thở hơi cuối cùng.
Ngay nửa đêm hôm ấy, bà ra đồng.
Đám ma không có gì là phiền phức.
Vì bọn đầy tớ sợ, trốn biệt cả, nên Bách và Tính phải khâm liệm bà.
Ông Cả bàn hẵng đưa ra đến ruộng, rồi đào huyệt sau.
Đám ma ấy gồm có ba người, người nào cũng một việc quan trọng. Cả ba đều sặc mùi rượu. Ông Cả đi trước, vai vác cuốc, mai, vồ, tay cầm bó hương và đuốc để soi đường. Áo quan thì xỏ vào dây chão để hai người gánh. Một đầu đòn là Tính, một đầu đòn là Bách.
Chó trong xóm sủa rinh.
Sáu gót chân thình thịch bước thật nhanh.
Không thừa một ai đi đưa đám. Không thừa một ai nổi tiếng khóc.
Hay tại lúc sinh thời, người ấy đã đưa đám và đã khóc nhiều?

HẾT


Xem Tiếp: ----