Chương 2

     hỉ còn khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa chuyến bay Saigon-Đalat cất cánh, như thế mà ba và tôi vẫn còn loanh quanh trong nhà với đống đồ đạc xáo trộn, bừa bãi. Những hộc tủ bàn ghế được bới móc lục lạo thật kỹ. Vì hai tấm vé máy bay không biết lạc mất ở chỗ nào?! Thật khổ! Trong khi ba xáo trộn lục lạo, tôi lại phải thu dọn lại cho ngay ngắn.
Nhìn đồng hồ tôi nôn nóng:
- Hay là ba để quên trong một túi áo nào đã bỏ tiệm giặt rồi!
Đẩy ngăn tủ vào giọng ba chắc nịch:
- Ba nhớ để trong ngăn kéo này, đâu có ai vào đây lục lạo mà làm cho lạc đi.
Tôi đứng lên bước lại bàn làm việc của ba, những tài liệu viết phóng sự, những chồng bản thảo bừa bộn ra đó, xếp lại chồng bản thảo cho ngăn nắp, bỗng tôi bắt gặp hai tấm vé màu xanh đang nằm thật gọn trong đó. Tôi reo lên:
- Đây nè ba!
Ba thở phào nhẹ nhỏm:
- Thôi lẹ đi con cho kịp chuyến bay.
Thật buồn cười, vậy mà ba nhất định hai tấm vé máy bay để trong ngăn kéo. Ông già chưa già tí nào mã đã lãng trí. Vĩ nhân có khác?!
Ba và tôi đến phi trường, cũng vừa lúc hành khác đang tuần tự lên máy bay. Ba nắm tay tôi chạy nhanh cho kịp máy bay đóng cửa. Vừa leo lên khỏi những bậc thang vào bên trong thì máy bay đóng cửa, và động cơ bắt đầu nổ. Thật hú vía!!
Hai cô chiêu đãi, trong chiếc áo màu xanh dịu dàng, nở nụ cười thật tươi chào ba, hình như họ đã quen ba trong những dịp đi đây đó như hôm nay. Ngồi lõm vào trong lòng chiếc ghế nệm màu đỏ, tôi theo ba buộc sợi dây an toàn ngang bụng. Không quen, nên tôi nghe mệt như trong người đang bị cơn sốt hành hạ
Chỉ một thoáng thôi, người tôi lại bắt đầu lâng lâng nhẹ hẳn. Qua cửa kính những gì ngang tầm mắt tôi dần dần tuột xuống, và tôi như lên cao, lên cao.
Tôi dướn mình nhìn qua cửa kính ngang hông. Saigon, thành phố của nhưng tiếng động, của những phiền toái mệt mỏi, thu gọn lại thật nhỏ như một mô hình kiến trúc. Dần dần Saigon và những vùng phụ cận mất hẳn, nhường chỗ cho những đám mây dày đặc lênh đênh như những tảng bông gòn. Nếu như tôi được nắm những tảng bông gòn đó trong tay chắc chắn là phải thích thú lắm?!
Ba đưa mắt nhìn tôi:
- Chút nữa thôi, con sẽ đặt chân đến một thành phố khác. Đà Lạt, thành phố thật dễ thương như đứa con gái mới lớn thẹn thùng, và những cánh hoa anh đào con thích.
Tôi cảm thấy như bắt đầu lạnh, hai mắt như muốn sụp xuống đưa tôi vào giấc ngủ dịu dàng. Ba vẫn tỉnh táo ngồi hút thuốc, thỉnh thoảng xoay lui, xoay tới nói chuyện với một hành khách. Nụ cười thật tươi của ba không tắt trên môi khi những cô chiêu đãi đem bánh ngọt đến mời hành khách.
Ba bảo tôi ăn cho vui miệng trong lúc chờ đợi máy bay đưa đến thành phố mà tôi thích. Bánh thơm nức mùi sữa, thật ngon, nhưng tôi không nuốt nổi nửa cái, trong dịp khác những mẩu bánh thơm ngon đó không còn lại như thế này. Người tôi thừ ra, hai mắt nhắm lại như đang ngủ thật say, nhưng thực ra đầu óc tôi lang mang đủ thứ chuyện. Như những ngày 16 đầy dẫy phiến trời mộng, những phiến trời thương yêu.
Tôi đang bay trong khung trời 16 đó. Những gì chung quanh tôi lướt đi như những tảng bông gòn ngoài cửa sổ. Mới hôm qua còn ở trong cái không khí oi bức của những cơn mưa bất thường đổ về thành phố Saigon. Chút nữa đây tôi sẽ sống trong cái không khí dễ chịu đáng yêu. Saigon-Đàlạt tính đường chim bay không bao xa, nhưng tôi cảm tưởng như mình đang trên đường đến một thành phố nào đó thật là xa mà từ nhỏ đến bây giờ chưa một lần biết đến.
Hôm nay và ngày mai khoảng đường thật gần gũi, mà cũng thật xa vời. Thật gần như ba, nhưng thật xa vời với tuổi 16 của tôi.
Cuộc sống ngày ngày của tôi như bao đứa con gái đồng lứa, nhưng tôi có một cái gì thật khác xa chúng. Cái gì đó phải chăng tôi có một người ba thật tuyệt, tuyệt đến nỗi ba hầu như luôn luôn sống trong một thế giới khác hẳn thế giới của tôi. Nơi ba là những chuyến đi dài, những cuộc tìm tòi, khảo cứu, săn tin tức thật kỳ thú. Nơi ba còn là sự hiểu biết bao quát nhiều vấn đề. Ba là một trong những “vĩ nhân” mà tôi chọn đầu tiên để ngưỡng mộ, nếu như có ai hỏi tôi ngưỡng mộ vĩ nhân nào nhất. Ngày của tôi thật cô quạnh trong ngôi nhà rộng rãi: bàn ngế, sách báo và khung cửa sổ nhìn xuống đường. Thế giới cô quạnh đó thường được che lấp bởi tiếng nhạc thanh thoát của chiếc máy “ma-nhê”. Ngày của ba dành hết thời giờ cho việc làm của mình, trọn vẹn cho một số lớn độc giả không biết mặt, không biết tên. Có thể tôi là một trong những độc giả ái mộ ba. Ừ thì tôi cũng là một độc giả như bao độc giả khác: Những thần tượng của tuổi trẻ, những người hùng tiền tuyến, những hoặc cảnh mỹ miều của non sông này, tất cả đều được diễn tả qua ngòi bút linh động của ba và tôi muốn được thưởng thức những thứ đó cũng phải bỏ ra mấy chục đồng tiền túi, tiền nhịn ăn quà vặt hằng ngày gửi cho cô sạp báo ở đầu đường là có thể biết ngay, tôi không phiền hà gì ở ba hết như đã nói ba như ở một thế giới nào đó xa tôi. Mấy tháng hè cũng như thế, tôi cách xa ba hoàn toàn khi phải ra ở nhà người dì ngoài Vũng Tàu. Sóng biển, cát mịn và những lúc đùa giỡn trong lòng nước ngoài Bãi Dâu, cũng như những vụ “pic-nic” với lũ bạn tại các vùng phụ cận Saigon như Vườn Bách Thảo, Thủ Đức, Biên Hòa sau mỗi kỳ thi tam cá nguyệt, trong tất cả những dịp vui chơi bay nhảy đó cuộc sống hiện ra trước mắt tôi qua lăng kính màu tuyệt đẹp, không phải mất công tìm kiếm: Những con bạn của tôi thật nhí nhảnh dễ thương. Những thằng con trai đều có cái gì thật tình, trong dáng dấp kiểu cách. Có một cái gì thật xao xuyến qua vùng trời 16 của tôi.

 

Rời khỏi thành phố Saigon, dù thời gian dài hay ngắn, tôi không nỡ dấu nhẹm chuyến đi này với Hoài. Buổi trưa đi học về tôi ghé phòng điện thoại công cộng gọi đến chỗ làm của Hoài. Giọng của Hoài ở đầu dây nghe lạnh lùng và xa vắng làm sao! Tưởng như Hoài trút trên tôi những bực bội mà ba đã làm khó Hoài trong lần Hoài đến thăm tôi ở nhà.
Thiệt là ghét! Một chút gì bực tức đang ầm ĩ trong tôi. Hoài làm như tôi đồng lõa với ba để gây khó dễ cho Hoài không bằng. Giận hờn, hình như chỉ dành riêng cho bọn con gái chúng tôi mà thôi, con trai đầy ắp “lý tưởng” như Hoài cũng bày đặt giận hờn theo kiểu con gái. Tức ghê đi! Tôi không muốn nói cho Hoài biết chuyến đi Đà Lạt của mình nữa. Định đến thăm Hoài ở tận nhà anh và nói ra chắc cũng không muộn.
Buổi chiều, tôi tìm đến căn gác của Hoài. Con đường Nguyễn Thông thật ngắn ngủn, những con ngõ hẹp của nó sao dài lê thê. Những ngôi nhà nằm chi chít bên trong, những con số chồng chất lên nhau thật khó tìm.
Cuối cùng tôi cũng tìm được căn gác của Hoài. Chỗ trọ thật lý tưởng với những người con trai có nếp sống phóng khoáng. Tôi có cảm tưởng như mình đang đặt chân vào cái “lò bánh mì” vì căn gác vuông vức và nóng hầm. Nhưng cũng chính nơi đây có nhiều khuôn mặt, nếp sống khác nhau, đôi khi có cái vẻ lập dị của những tâm hồn bất cần đời. Có những lần Hoài nói với tôi về những thằng bạn cùng chui rúc trong gác trọ này - “Căn gác bé nhỏ, nhưng chứa đựng toàn là những tâm hồn lớn” - Câu nói có vẻ bông đùa nhưng thực cũng không ngoa chút nào. Những người có mặt trong căn gác này chiều hôm nay có cái vẻ gì bất cần. Sự có mặt của tôi họ không mảy may biết tới, đã chứng minh một phần nào điều đó.
Tôi tới vào lúc căn gác đang nhộn nhịp, và có lẽ gần đầy đủ hết những bạn bè của Hoài. Phía cửa cầu thang lên gác, một khoảng lan can nhỏ chìa ra bên ngoài ngõ hẹp. Một anh chàng con trai cỡ tuổi tôi, mái tóc che xuống trán như muốn lấp kín đôi mắt sáng rỡ, đang chú mục vào bức tranh trước mặt, trên tay cây cọ với những mảnh màu nhòe nhoẹt. Một mảng màu tím được phết lên màu trời của bức tranh đang vẽ một cô gái ngồi giữa vườn hoa. Vẽ chi mà kỳ cục, cái cổ của cô gái cao lêu ngêu, cái mặt hình tam giác với đôi mắt thật to sâu thẳm, và cái miệng nhỏ xíu. Còn con đường thời nằm vắt ngang giòng sông. Màu tím và màu xanh được sử dụng nhiều nhất cho bức tranh này.
Giữa căn gác, trên cái ghế đẩu chông chênh, một anh chàng thật trẻ có khuôn mặt dễ thương như một đứa con gái, trên tay cây đờn Guitar để che hết một phần trước ngực. Tiếng nhạc vang vang nhẹ theo tiếng hát trầm ấm, một bản nhạc gì gì đó... của Phạm Duy, rồi liên tục đến bản khác, tôi không thể nhớ hết. Giọng hát của gã con trai này đã gây trong tôi thật nhiều cảm tình, dù chỉ mới gặp lần đầu.
Sau lưng của gã con trai đánh đờn, đối diện với cánh cửa sổ mở ra bên ngoài bầu trời màu xanh: một anh chàng đeo mắt kiếng cao lêu ngêu đang ví von thật nhiều chuyện với hai cô gái trước mặt. Tôi cố nghe những điều của gã nói, nhưng chịu, những điều gì đó thật xa, vượt quá ý nghĩ của tôi. Tôi nhớ đã có lần gặp anh chàng này ở đâu đó, trong quán nhạc, hay trên đường phố những lần đi chơi với Hoài?
Riêng Hoài, y như bất cứ lần nào gặp nhau cũng... chiếc máy ảnh trên tay. Hoài đang khom lưng, vặn vặn ống kính của chiếc máy. Ống kính màu tím ngắt được trịnh trọng tháo ra, lắp vào, lau chùi thật kỹ. Anh quá quý chiếc máy ảnh của anh.
Tôi đi nhẹ đến bên Hoài, Hoài ngẩn lên:
- Kim Anh mới tới?
- Ghé thăm anh cho biết cái “lò bánh mì” dễ yêu này.
Thật thản nhiên, Hoài nói:
- Đến đây em đã xin phép ông già chưa?
Tôi tì tay trên thành cửa sổ nhìn Hoài. Anh vẫn tiếp tục công việc sửa sang cho chiếc máy ảnh, làm như sự có mặt của tôi có hay không cũng không cần thiết. Nhưng Hoài cũng không quên kéo lại mái tóc xõa trước trán, sửa lại thế ngồi cho có vẻ kiểu cách hơn. Trên khuôn mặt, và trong mỗi cử chỉ của Hoài, luôn luôn có cái dáng vẻ vừa mềm mại vừa cương quyết tự tin. Mẫu người con trai như Hoài thật đáng yêu, mà cũng thật đáng ghét!
Một thoáng, Hoài ngước lên nhìn tôi bằng nụ cười nửa miệng:
- Ba Kim Anh vẫn thường chứ? Vẫn luôn luôn bận rộn và sợ người khác quấy rầy?
Một chút gì mỉa mai trong câu nói của Hoài. Tôi nheo mắt thật sắc nhìn và gật đầu đồng ý với câu nói của Hoài. Tôi đi đi lại lại một khoảng thật ngắn trước mặt Hoài, ý nghĩ tôi xoay quanh trên sự lạnh nhạt của Hoài. Đôi mắt không nhất thiết đặt trên một vị trí nào của căn gác. Hoài cười cười hỏi:
- Kim Anh thấy căn gác này thế nào?
Tôi lặp lại ý nghĩ lúc đầu đặt chân tới căn gác này, nói với Hoài:
- Giống cái lò bánh mì!
- Nhưng cái lò bánh mì này đáng yêu?!
Tôi bật cười lớn:
- Với anh và những “tâm hồn lớn” đang hiện diện trong căn gác này? Căn gác của những “vĩ nhân” kỳ quái!
Hoài:
- Có thể như thế! Kỳ quái vì họ muốn sống thực, rất thực...
Không hiểu ý nghĩ của Hoài muốn nói gì. Như muốn cho tôi thấy phần nào cái “sống thực” đó, Hoài hất đầu nhìn ra phía sau lưng tôi:
- Như hai chú lính đó, có cái kỳ quái, vì họ muốn sống thực.
Tôi quay nhìn cuối góc phòng, trong khoảng nhá nhem tối sáng, hai chú lính Biệt Động, nước da đen sạm nắng làm lộ hẳn nét phong trần, mặc dù hai chú còn trẻ lắm! Có lẽ họ mới được đi phép sau một cuộc hành quân.
Một người mình trần, mặc chiếc quần rằn ri nằm ngay trên sàn nhà ngủ như chết, trên khuôn mặt dày dạn do ngày tháng lam lũ tạo nên còn một chút tuổi thơ còn sót lại qua giấc ngủ thật tự nhiên, ngon lành.
Cạnh đó người lính thứ hai đang ngồi trên chiếc nón sắt, dựa lưng vào chiếc ba-lô dày cộm, nghiêng mình qua một bên, trong tay cầm cầm cây que nhỏ khươi khươi những mẩu thuốc lá nằm dưới những kẹt. Mở những mẫu thuốc khươi được ra, anh chàng dồn những số thuốc còn lại vào một tấm giấy lịch và vấn hút ngon lành.
Tôi quay lại nhìn Hoài cười. Không hiểu Hoài có nhìn thấy nụ cười của tôi không trong khi anh đang nhìn một cô gái đứng cuối phòng. Nãy giờ bị thu hút bỡi những ồn ào, không khí mới mẻ quái dị của “những tâm hồn lớn” tôi không để ý đến cô gái đó.
Thấy tôi nhìn cô gái với vẻ thắc mắc. Hoài đưa mắt tình tứ về cô ta, nụ cười có cái gì hài lòng và phản bội, anh nói:
- Người mẫu chụp hình của anh đó. Khuôn mặt thật ăn ảnh, như nữ minh tinh màn bạc. Kim Anh thấy cô ta thế nào?
Tôi buông thỏng:
- Đẹp lắm!
Quả thực cô gái đó có một vẻ đẹp thật lôi cuốn người nhìn, dù khó tính mấy đi nữa. Đôi mắt mở to, hàng lông mi cong vút. Vẻ đẹp của một bức họa chân dung hoặc trên những sách báo ngoại quốc bày ngổn ngang ở đường Lê-Lợi, trong những nhà sách lớn. Vẻ đẹp mà tôi hằng mơ ước từ lâu...
Bỗng dưng tôi cảm thấy ghét cô nàng thậm tệ! Ở nơi cô ta có một cái gì làm tôi bực bội. Tôi nói cộc lốc:
- Cô nàng tên gì vậy anh?
- Ánh Nga.
- Cái tên có vẻ đài các, kiêu căng.
Hoài trầm giọng:
- Sao Kim Anh lại nói như thế?
-...!!!
Không trả lời tôi nhìn thẳng vào Hoài, bĩu môi. Thái độ của tôi không hợp một tí nào, nhưng cần gì! Tôi muốn nói với Hoài cô ta đẹp lắm, cô ta đài các như một bà hoàng trong những phim vua chúa thời xưa. Ánh Nga đẹp ghê! Chiếc Mini-Jupe cũn cỡn, và chiếc áo thun màu lá mạ non bó sát thân hình, thật hấp dẫn, khiêu khích. Đôi mắt của Ánh Nga đen lánh, cũng như bờ môi ươn ướt quyến rũ làm sao.
Tôi cười khẩy:
- Đó là tác phẩm do anh tìm tòi để làm người mẫu?
- Một người làm mẫu mà anh thích!
- Như vậy em đến đây có là quấy rộn anh không?
Hoài ngần ngừ không nói. Tôi gằng giọng:
- Thôi, anh lo chụp ảnh làm mẫu cho Ánh Nga của anh đi, tôi phải về, xin phép anh.
Hoài đứng lên chặn ngang trước mặt tôi:
- Kim Anh, em hiểu cho anh, chút nữa anh phải chụp hình cho cô ấy để làm mẫu trên một hộp bánh của nhà hàng T.T. Luôn tiệm để dành làm Album cho cô ta.
- Đó là quyền của anh, em cũng... phải về!
- Ừ, Kim Anh đến đây tìm anh có chuyện gì? Chưa chi mà em đã về rồi!
Chúng tôi yên lặng, giây phút yên lặng thật ngột ngạt, khó chịu. À té ra thế. Hoài muốn cho tôi hiểu chính tôi tìm đến anh trong căn gác này, trong cái thế giới bé nhỏ này anh là một nhà nhiếp ảnh tài hoa. Anh muốn chứng tỏ khả năng của anh, khả năng mà ba tôi coi thường không thường tí nào cả. Điều chứng tỏ đó anh cho tôi thấy qua sự tìm kiếm một hoa khôi như Ánh Nga bằng cái nhìn nghệ thuật của anh. Sao anh không mói thẳng ra với tôi như thế mà bảo làm album cho Ánh Nga. Sao không nói làm “hôn thú” luôn cho được việc.
Tôi bình thản nghếch mặt nhìn anh, dáng điệu ngổ ngáo của tôi chắc hẳn phải tức cười lắm. Tôi chậm rãi:
- Kể cũng đúng lúc em phải về. Vì hiện thời anh bận quá nhiều công việc. Cũng như anh, giờ phút này em không rảnh rang gì. Em phải ra phố chiều nay mua một vài thứ đồ dùng cần thiết. Một chiếc áo ấm màu tím nhạt cho thật mốt hợp với phong cảnh Đà Lạt mà nay mai em sẽ đặt chân đến...
-...!!!
- Dù sao đi nữa em cũng là con của một ký giả nổi danh mà anh thường chầu chực để hỏi qua ý kiến về những tác phẩm của anh. Không thể ăn mặc xềnh xoàng được, nhất là phụ tá ba đi đây đó.
Hoài ngẩn ngơ một chút, bộ mặt dễ thương và buồn cười làm sao. Tôi thấy tự ái được vuốt ve đôi chút. Khi nãy tôi muốn chết đứng vì tức cái “tác phẩm Ánh Nga” của anh. Bây giờ đến lượt anh hốt hoảng, đôi mắt anh như xa xôi hơn. Hoài trầm giọng xuống:
- Em đi Đà Lạt thật sao?!
- Đến đây là cốt ý nói với anh điều đó.
- Chừng bao lâu nữa?
- Ngày mai, ba dẫn em lên đó để làm phụ tá ông việc cho ba.
- Sao sớm quá vậy?!
Hoài nói như có một điều gì hối tiếc, khuôn mặt để lộ hẳn nét buồn. Trong tôi như được vuốt ve thỏa đáng! Như thế xa tôi Hoài cũng buồn, chứ không riêng gì tôi. Chúng tôi không nói gì với nhau trong đôi phút, trong khoảng yên lặng đó chúng tôi hiểu nhau thật nhiều và chân thành êm ái.
Giọng Hoài tự tin và cứng rắn:
- Nghề nghiệp ít ra cũng phải nên đi đây đó cho biết, nhất lại là nghề ký giả như ông Nghiêm và Kim Anh coi như đang tập tểnh. Anh cũng sắp đi Nha Trang, Phan Rang và những nơi nào có cảnh thiên nhiên phong phú, những di tích lịch sử oai hùng. Chẳng hạn như tháp Chàm của Chiêm Thành, hoặc thành phố Huế với những đổ nát vừa qua của nó. Người mẫu của anh vẫn là Ánh Nga... Em thấy được không?
Tôi không nói gì, nhìn ra ngoài cửa sổ căn gác. Hoài bước theo, anh đến sau lưng tôi. Dù đang dõi mắt nhìn bên ngoài nhưng tôi nghe hơi thở của Hoài nồng nàn trên mái tóc tôi. Một cảm giác nhẹ nhàng như mây lờn vờn, cợt đùa qua mắt tôi và qua mắt Hoài. Bàn tay của Hoài tìm lấy tay tôi, những ngón tay đan nhau như một khắng khít không rời.
Lần đầu tiên tôi nghe niềm vui thật trọn vẹn! Nghe như có một tiếng nhạc nào đó từ chiếc kèn trompette sáng loáng thổi những âm thanh thật cao, thật hùng dũng. Nhưng chỉ có tôi và Hoài nghe thấy tiếng nhạc hạnh phúc đó thôi.
Những người hiện diện trong căn gác này không ai chú ý đến chúng tôi hết. Ánh Nga đang dán mắt lựa chọn những tấm hình Hoài đã chụp. Anh chàng đánh đàn guitar vẫn tiếp tục hát, và gảy đàn. Anh chàng họa sĩ vẫn thản nhiên vẽ.
Những nhân vật trong căn gác này thật độc đáo và dễ yêu...
Bàn tay của Hoài rời khỏi bàn tay tôi, âu yếm:
- Em đi bằng yên, nhớ gởi cho anh những bài phóng sự em viết.
Tôi cúi xuống, nói thật nhỏ:
- Thôi em về.
- Tạm biệt!
Rời khỏi ngõ hẻm nhỏ hẹp có căn gác thân yêu của Hoài nằm trong đó, bước chân tôi mỗi lúc mỗi nhanh trên con đường lộ bên ngoài, tưởng như mình đang mọc cánh. Một cái gì đến với tôi thật thích thú của buổi chiều hôm nay. Tôi không còn là tôi nữa. Trí óc tôi cứ phải lẩm nhẩm: “Kim Anh, con của ông Lê Viết Nghiêm, vừa tròn 18 tuổi, cao một thước 58, nặng 41 ký và... gì gì nữa... 18 tuổi được quyền thương yêu chứ?!”
Đà Lạt nơi tôi sắp đặt chân đến chỉ còn vài phút nữa thôi. Đà Lạt của những cô bé có đôi má hồng như gấc, những chiếc áo ấm màu tím nhạt thanh thang như chiều hết nắng. Chào mừng Đà Lạt nơi tôi sắp đặt chân đến...
Kim Anh cô nữ phóng viên trẻ tuổi của ba và của Hoài... ý nghĩ này làm tôi thích thú mở bừng mắt dậy.

 

Ba đang ngồi bên cạnh, xoay lại nhìn tôi âu yếm:
- Cưng của ba dậy rồi hả?
Đôi mắt của ba nhìn qua cánh của phi cơ. Đồi núi sương mù đang lờn vờn ở đó, giọng ba reo vui tiếp:
- Liên Khương kia kìa... vài phút nữa con sẽ đặt chân xuống Đà Lạt.
Theo hướng mắt của ba, tôi nhìn những chấm đen lố nhố trong những đám mây xám đục. Những chấm đen bắt đầu to dần... to dần...
Hai phút sau phi cơ nghiêng mình như đang dần đi xuống độ thấp. Tiếng kêu rè rè mệt mỏi vang lên. Tôi có cảm tưởng như con vật khổng lồ sau những giờ làm việc mệt mỏi thở dốc để tìm chỗ nghỉ. Một bên cửa sổ là trời mây trắng đục, nhạt mờ cả khung kính. Còn một bên đỉnh núi, và sương mù xám đục. Chúng hiện ra thật rõ, thật rõ như luồng gió đang ào đến trước mặt... Tôi lo ngay ngáy, cứ lầm bầm trong miệng: “Vái trời đừng cho ông phi công đâm đầu vào núi”. Tiếng người chiêu đãi viên thật trong, thật ấm vang lên trong chiếc máy phóng thanh:
- Kính thưa quý khách! Phi cơ đang rời độ cao để đáp xuống phi trường. Yêu cầu quý khách buộc lại dây an toàn và tắt thuốc.
Sau đó những tiếng kêu khô khan, và máy bay đã lấy lại thăng bằng, lướt nhẹ theo phi đạo, từ từ dừng lại.
Tôi theo ba và đám hành khách bước xuống phi cơ. Phi trường Liên Khương thật trái hẳn với phi trường Tân Sơn Nhứt. Nó không lớn, không rộn vui bằng. Ở đây buồn tẻ và hiu quạnh. Vào đến hành lang phòng khách, mọi người chộn rộn dành nhau lên xe về thành phố. Ba vẫn đứng yên, đưa mắt nhìn ra xa, bình thản hút thuốc. Tôi đặt hai chiếc va-li nặng trĩu xuống bên cạnh, nhìn nét mặt bình thản trên khuôn mặt ba. Không hiểu sao ba không lên xe về thành phố như mọi người, mà chần chừ ở đây chi vậy nhỉ? Thật mâu thuẩn hết sức! Khi còn trên phi cơ tôi nghĩ đặt chân xuống đây phải có nhiều thích thú lắm, nhưng bây giờ thời sự mỏi chán đã dấy lên trong tôi. Tôi đưa mắt bâng quơ nhìn ra phi trường, mang ý nghĩa này, nhưng không muốn hỏi ba tại sao!
Từ xa một chiếc xe nhà chạy tới. Trên xe có một cô gái bước xuống. Nhìn quanh quất một thoáng cô tiến lại chỗ ba và tôi. Thật tự nhiên với nụ cười mở rộng, cô chào ba:
- Chào ông Nghiêm, tôi là Sa Lyn, thư ký của ông Hùng. Tôi được tin ông lên đây nên ra đón.
- Chào cô. Nghe ông Hùng nói nhiều về cô, hôm nay mới được gặp.
- Nãy giờ ông và cô chắc đợi đây lâu lắm?
Cô gái nhìn tôi một thoáng. Ba mỉm cười nắm tay tôi nói với cô gái:
- Xin giới thiệu với Sa Lyn. Kim Anh con gái tôi.
Sa Lyn bước lại gần tôi:
- Hân hạnh được biết Kim Anh... Chắc Kim Anh đi máy bay mệt lắm?
- Không có gì chị!
Tôi lí nhí trong miệng, có lẽ vì Sa Lyn tự nhiên quá đã làm tôi lúng túng. Cả ba chúng tôi bước ra xe. Ba bảo tôi lên ngồi trước với anh tài xế để ngắm phong cảnh. Còn ba và Sa Lyn ngồi sau.
Người tài xế cho xe rời khỏi phi trường. Chiếc xe bon bon trên những con đường vắng. Lâu lâu một vài chiếc xe hàng to lớn từ chợ mới đi ngược về. Tôi lừng khừng nhìn qua kính chắn gió của xe. Bên ngoài gió ù ù thổi lộng tóc tôi bay lên từng cuộn. Ở Saigon tôi mơ ước ra đây để nhìn tận mắt những phong cảnh: đồi thông chạy dài từng hàng, những suối nước lởm chởm đá... Thế mà giờ đây những thứ đó hiện ra trước mắt, tôi lại không quan tâm một chút nào.
Sau lưng tôi ba nói chuyện huyên thuyên với Sa Lyn, giọng ba ấm và tự nhiên quá đỗi. Ba ngồi như thu mình vào một góc, hai chân vắt lên nhau, một tay xỏ vào áo vét khiến cho chiếc áo xề ra, một tay cầm ống pipe hút. Chiếc cà vạt đỏ, chạy một đường chỉ trắng bay phất phới trông ba oai ra phết. Sa Lyn vẫn ngồi thẳng người, hai tay vòng trước ngực, mặt xoay về phía ba.. Khi gặp ở phi trường tôi không kịp nhìn kỹ Sa Lyn, bây giờ qua tấm kính chiếu hậu gắn trên đầu xe, khuôn mặt Sa Lyn hiện ra thật rõ và gọn gàng. Người Sa Lyn như bất động, nhưng diện mạo thật tự nhiên trong từng tia nhìn. Ở Sa Lyn có nhiều nét thật khó tìm nơi những người con gái khác mà tôi thường bắt gặp. Ở họ mỗi lần nói chuyện y như rụt rè làm đầu và nét mặt chết đờ lúng túng, hoặc nhiều khi cố gắng tỏ ra linh động, nhí nhảnh một cách quá lố. Ở Sa Lyn là tất cả những gì sống động mà người đối diện nhìn thấy qua ánh mắt, qua những cái gật đầu mỉm cười, đi đôi với những lời đối đáp thực vắn gọn, đã cho người đối diện thấy sự thông minh và hiểu biết của mình. Không riêng gì những nét tự nhiên đó, Sa Lyn còn có khuôn mặt thật dễ thương: bờ môi nhỏ hình vòng cung kẻ thêm một đường son lợt, sống mũi cao và có hàng lông mi vảnh cong lên như đường bay của một loài chim. Nét đẹp này chỉ có trong những bức tranh chân dung vẽ những nàng công chúa, những hoàng hậu của ngàn xưa. Chính cái tên Sa Lyn cũng mang một cái gì huyền bí và dễ thương.
Ba ngồi nhìn thẳng ra phía trước hỏi Sa-Lyn:
- Ông Hùng vẫn nói với tôi về cô. Nhưng sao mỗi lần đến thăm ông ấy tại văn phòng làm việc ở Saigon tôi không được hân hạnh gặp cô?
Sa-Lyn cười nửa miệng:
- Dạ thưa, tôi ít khi xuống Saigon, vì còn bao nhiêu công việc ở trên này mỗi khi vắng mặt ông Hùng.
- Ông ấy vẫn thường đi đi về về?
- Dạ còn tùy, có tháng ông ở luôn trên này năm bảy hôm. Có tháng lưu lại một hai ngày là về liền. Có khi bận rộn quá không về được, ông cho người liên lạc về đây để thu xếp những công việc ở đây mà tôi làm không xuể.
- Cô thông minh, và duyên dáng, việc gì là không xong?
- Ông khen quá lời đó chứ!
Xe đã vào thành phố. Trời phảng phất mưa, con đường trước mặt tôi loang loáng ướt. Trên cao những hạt mưa thật nhỏ li ti đan vào nhau nhẹ phớt như tấm lụa, phớt qua mặt tôi nghe lành lạnh. Tôi kéo cổ áo lên cao như không muốn hòa chung với cái lạnh bên ngoài.
Hai bên đường nữ sinh đi học về, cô nào cũng thật dễ thương trong những chiếc áo len trắng, tím, hồng. Đôi má hồng lên như trái mận vừa chín tới. Dọc hai bên đường những hàng cây lưa thưa lá và những vườn hoa thật êm đềm đang hứng mưa bụi.
Ba nhìn ra ngoài trời nói một mình:
- Tôi mà ở địa vị ông Hùng chắc phải nằm lì trên này, Saigon mưa thời đổ như tưới, nắng thời đi muốn phỏng đầu. Còn không khí ồn ào như cuốn mình mất hút vào những tiếng động mệt nhoài đó. Mình có cảm tưởng như một người làm ăn phải bôn ba và lo lắng. Ở đây mới hợp với những tâm hồn nghệ sĩ. Khí hậu, cảnh vật và người, tât cả đều đẹp!
Tôi có cảm tưởng như ba đang sống hẳn trong một thế giới êm đềm nhẹ nhàng của giấc mộng. Ba không còn là một “vĩ nhân” dưới mắt tôi hằng ngày của ba trong thế giới người lớn, với những ngôn từ lớn, luôn luôn hăng say với nghề nghiệp. Giờ đây ba như đang sống lại thời quá khứ của một thanh niên hăng say và hào hoa đang nói chuyện với một thiếu nữ đồng trang, đồng giáng.
Xe vô đến khách sạn Hòa-Bình. Nhân viên ở đây mang hành lý của chúng tôi lên lầu. Theo ý muốn của tôi ba dành cho tôi một căn phòng nhìn ra đường: căn phòng trang hoàng thật đẹp có bàn viết, chưng bình hoa trắng bên trên. Cửa sổ của căn phòng được treo màn đỏ. Tất cả nơi đây làm cho tôi mang một cảm giác lạ. Tôi nhớ đến căn phòng quen thuộc của tôi hằng ngày, những tiếng động bên ngoài chìm lỉm vì nhạc được mở phủ kín gian phòng. Tôi bước lại của sổ nhìn xuống đường Đalạt trước mắt, tôi không còn thích thú như mới hôm qua chưa đặt chân tới với bao ý nghĩ háo hức. Thật mệt mỏi, chán nản. Tôi chống tay xuống thành cửa nghĩ đến tiệc vui của ông Hùng đãi cha con chúng tôi tối nay.
Tôi quay trở vào lăn ra giường, cố nhắm mắt tống khứ những mệt mỏi trong người đi. Không khí lành lạnh đã đưa tôi vào giấc ngủ thật đầy.