Thu An phóng tác

     rời vào tiết cuối thu, mưa gió bão bùng luôn. Cả ngày hôm ấy gió thổi mạnh và mưa đập đều vào kính cửa sổ. Ở ngay giữa thành phố Luân Đôn mà chúng tôi cũng còn phải ngạc nhiên vì sức mạnh vũ bão của thiên nhiên tấn công loài người bất kể những sự bảo vệ của nền văn minh nhân loại. Trời càng tối bão càng lớn thêm. Gió gào thét trong ống khói lò sưởi, như tiếng trẻ khóc. Sĩ Lâm ngồi lầm lì cạnh đống lửa ghi chép, trong khi tôi khoan khoái ngồi đọc để thưởng thức những chuyện phiêu lưu trên biển cả: Cảnh bão bùng ngoài trời cũng hợp với cảnh trong bản văn, và tiếng gió hòa điệu với tiếng sóng vỗ. Vợ tôi đi thăm bà cô từ mấy bữa nay, vì vậy tôi về đây sống mấy ngày cùng với Sĩ Lâm như hồi xưa.
Bỗng nhiên nghe có tiếng chuông reo, tôi ngước nhìn Sĩ Lâm:
- Chuông reo kìa, ai mà lại đến đây vào giờ này thế nhỉ? Bạn anh đó chắc?
Anh ta trả lời:
- Ngoài anh ra, tôi không có người bạn nào nữa hết. Và tôi cũng không hay tiếp những kẻ tò mò.
- Vậy chắc là khách hàng chăng?
- Nếu đó là một người khách, thì hẳn là phải có chuyện quan trọng lắm, hắn mới đến đây vào lúc trời đất như thế này...
Có tiếng chân người trong hành lang rồi tiếng gõ cửa. Sĩ Lâm giơ tay lên xoay lại ngọn đèn, không cho nó hướng về trang giấy nữa, mà hướng về cái ghế trước mặt, dành cho người khách sắp đến. Anh nói:
- Xin mời vào!
Người đàn ông bước vào còn trẻ lắm, chỉ độ hai mươi hay hăm hai tuổi là cùng. Anh ta ăn mặc sạch sẽ, có vẻ chải chuốt nữa là khác. Cử chỉ của anh ta ra dáng là một người con nhà nền nếp. Tay cầm ô ướt sũng nước và cái áo mưa bóng loáng chứng tỏ anh ta vừa phải đối đầu với cơn giông tố. Dưới ánh đèn, anh nhìn quanh. Trông anh ta có vẻ rất lo lắng: Mặt tái nhợt, và đôi mắt mệt mỏi tối sầm như mắt của một người vừa bị một sự sợ hãi đè nặng lên tâm trí.
Anh ta vừa đeo cặp kiếng gọng vàng lên mắt vừa nói:
- Xin lỗi các ông. Mong rằng tôi không làm phiền các ông nhiều.
Sĩ Lâm nói:
- Đưa tôi chiếc áo mưa và cái ô để tôi treo vào mắc, lát nữa sẽ khô ngay. Ông vừa từ phía Tây Nam tới đây, phải không?
- Vâng, ở khu Hồ Sam.
- Trông giầy ông có dấu đất sét và dấu vôi là tôi biết ngay ông vừa đến từ vùng đó.
- Tôi tới đây để nhờ ông khuyên bảo một việc.
- Chuyện đó dễ lắm.
- Và để nhờ ông giúp đỡ.
- Vậy thì khó hơn chút rồi đấy!
- Tôi đã được nghe nói về ông, ông Sĩ Lâm ạ. Ông hội trưởng Phan Danh đã cho tôi biết ông đã cứu ông ấy trong vụ tai tiếng ở hội quán Tăng Vinh.
- À, đúng rồi! Ông ta bị gán cho là đã đánh bạc bịp mà thật ra thì không phải như vậy.
- Ông ta bảo tôi rằng ông có thể giải đáp được tất cả mọi bài toán.
- Ông ta đã nói quá lời đấy.
- Rằng ông chưa bao giờ chịu thua lần nào.
- Thực ra tôi đã bị thua bốn lần: Ba lần bởi đàn ông, và một lần thua trí một người đàn bà.
- So với những lần ông thành công thì con số đó chẳng có nghĩa gì cả.
- Cũng đúng, vì thường thì tôi thành công.
- Vậy thì chắc ông có thể thành công với tôi chăng?
- Mời ông kéo ghế xích lại gần bên lửa, và kể cho tôi nghe câu chuyện của ông xem.
- Chuyện này không phải tầm thường đâu!
- Khi người ta nhờ đến tôi, thì không phải là những chuyện tầm thường. Tôi có vẻ như là miếng ván cuối cùng cho người bị đắm tàu vậy.
- Dầu vậy, tôi cũng không hiểu là trong suốt những năm kinh nghiệm của ông, đã có bao giờ ông gặp được những chuyện kỳ bí và khó hiểu, như những chuyện đã xảy ra tuần tự trong gia đình tôi chưa.
Sĩ Lâm nói:
- Ông làm tôi thêm tò mò. Ông có thể kể sơ những chuyện chính yếu đã xảy ra từ lúc đầu không? Sau đó tôi sẽ đặt câu hỏi nếu thấy chỗ nào quan trọng cần biết thêm.
Anh chàng kia kéo ghế lại gần lò lửa và đặt cặp chân ướt sũng lên bệ gạch. Anh ta nói:
- Tôi tên là Giang Âu. Nhưng thật ra tôi thiết tưởng bản thân tôi không có liên hệ bao nhiêu đến những chuyện thê thảm mà tôi sắp kể cho ông nghe.
Ông nội tôi sinh được hai người con trai: Ông bác tôi tên là Anh Lý và cha tôi là Doanh.
Cha tôi có một căn xưởng nhỏ ở Cô Văng. Khi các xe đạp bắt đầu được thịnh hành thì xưởng của cha tôi bắt đầu phát đạt. Ông đã có bằng cầu chứng về bánh xe không bể của họ Giang, và công việc rất phát triển đến nỗi sau đó lúc bán lại thì ông thu được một gia tài kha khá.
Bác Anh Lý của tôi sang Mỹ Châu từ hồi ông còn trẻ. Ông trở thành chủ nông trại ở miền Phô Rít (Floride), và cũng rất khá giả.
Vào khoảng năm 1869 hay 1870, bác tôi trở về Âu Châu và mua một miếng đất ở gần Hồ Sam. Hồi ở Hoa Kỳ, bác tôi đã kiếm được một gia tài khá đồ sộ; bác từ giã Châu Mỹ vì lẽ ghét những người da đen giải phóng, và ghét chính phủ Mỹ đã cho họ quyền bầu phiếu. Bác tôi là một người bất thường: Sôi nổi, dữ tợn khi nổi giận, nhưng lại rất kín đáo. Trong những năm sống ở Hồ Sam, tôi chắc bác không bao giờ đặt chân lên thành phố. Quanh nhà ông có một khu vườn, với hai ba cánh đồng. Khi muốn tập thể dục, thì bác tôi rảo bước đi bộ ở đó, nhưng thường thì có khi đến hàng mấy tuần lễ, ông ở lỳ không ra khỏi phòng. Bác uống rượu cô-nhắc bằng ly lớn, hút thuốc liên miên, nhưng không tiếp ai cả: Bác tôi không cần bạn bè và cũng không cảm thấy nhớ người em trai.
Bác tôi không bao giờ lo cho tôi, nhưng bỗng một hôm bác lại đổi ý: Lúc tôi gặp bác lần đầu, tôi được mười hai tuổi, và bác tôi đã sống ở Anh từ tám chín năm rồi. Bác xin cha tôi cho tôi về sống với ông, và đối xử với tôi rất tử tế theo cách riêng của ông. Khi nào không uống rượu, ông thích chúng tôi chơi cờ hay bài tây với nhau, và ông để tôi thay mặt ông tiếp xúc với những người bán hàng và gia nhân. Khi được mười sáu tuổi, tôi đã thành chủ gia đình. Tôi là người giữ tất cả tay hòm chìa khóa, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, chỉ có một điều kiện duy nhất: Tôi không được phép quấy rầy ông những lúc ông muốn ở yên một mình. Thế nhưng cũng có một ngoại lệ: Có một căn buồng, một loại buồng kho làm dưới mái nhà, lúc nào cũng được khóa kỹ, và tôi cũng bị cấm vào đó như mọi người khác. Hồi còn nhỏ, tò mò, tôi có ghé mắt nhìn vào lỗ khóa xem ở trong có gì, nhưng tôi chỉ thấy đầy những thùng và rương cũ: Quang cảnh hoàn toàn thích hợp với một căn phòng như vậy.
Một hôm, vào tháng ba năm 1883, bác tôi nhận được một bức thư có dán tem ở ngoại quốc. Ông rất ít khi nhận được thư, vì không mua chịu ai bao giờ, và ông cũng chẳng có bạn bè gì cả. Ông kêu lên khi cầm lấy bức thư đó:
- Thư gửi từ Ấn Độ tới! Lạ nhỉ! Họ muốn gì tôi ở đó?
Bác tôi vội vàng mở ra, và từ bao thư, năm hột cam rơi ra vung vãi trên cái đĩa của bác. Tôi bắt đầu cười rộ, nhưng vội ngưng bặt khi trông thấy nét mặt bác tôi biến đổi: miệng bác há hốc ra, hai mắt thất thần và da mặt thì trắng bệch như vôi, bác tôi vẫn còn nhìn cái bao thư cầm trong lòng bàn tay run rẩy. Bác kêu lên:
- K. K. K. Trời, trời ơi, tội lỗi của ta đã đuổi theo đến tận đây!
Tôi hỏi:
- Chuyện gì đó, bác?
Bác trả lời:
- Tử thần!
Bác rời bàn ngay và vào phòng nghỉ. Tôi kinh sợ, tuy vậy tôi cũng cầm lấy bao thư, và tôi đọc thấy ở mé trong bao thư ngay phía trên chỗ dán keo, có ba chữ K viết bằng mực đỏ. Ngoài ra chẳng có gì cả, trừ năm hột cam đã khô queo. Tại sao bác tôi lại sợ chết khiếp đi như thế? Tôi rời bàn và lên gác, nhưng tôi gặp bác đang đi xuống, một tay bác cầm một cái chìa khóa cũ đã rỉ sét, chắc phải là chìa khóa của căn buồng kho đóng kín, và tay kia cầm một cái hộp nhỏ bằng đồng như một hộp đựng tiền.
Bác vừa chửi thề, vừa nói:
- Bọn chúng muốn làm gì thì làm nhưng ta vẫn quyết làm cho bọn chúng phải thất bại! Nói với chị Sen là bác muốn đốt lò sưởi trong phòng hôm nay và cho người đi mời Phú hãn, chưởng khế ở Hồ Sam đến đây.
Tôi tuân lệnh ông. Khi viên chưởng khế đến nơi, bác tôi kêu tôi lên phòng. Bác tôi nói:
- Giang Âu, bác kêu cháu lên đây là để làm chứng nhân cho tờ chúc thư của bác. Bác để lại tất cả gia tài, cả những cái hay và dở, cho em bác, tức là cha cháu, và lẽ tất nhiên là sau này cháu sẽ được thừa hưởng. Nếu cháu muốn hưởng thì tốt lắm! Bằng nếu cháu nhận thấy là không thể thụ hưởng yên lành được, thì cháu nên nghe lời bác: nhường nó lại cho kẻ thù của cháu. Bác lấy làm tiếc mà cho cháu một món quà có cả điều lợi lẫn điều hại như vậy, nhưng bác cũng không biết trước được việc gì sẽ xảy ra. Cháu có chịu ký tên chỗ dưới này theo lời chỉ dẫn của ông Phú Hãn không?
Tôi ký tên lên tấm giấy, và sau đó viên chưởng khế mang hồ sơ đi. Chắc ông cũng đoán biết là câu chuyện này đã gây ấn tượng cho tôi đến bực nào: Tôi nghĩ đi nghĩ lại về những câu nói của bác tôi, mà vẫn không hiểu được gì cả! Tôi không thể cởi bỏ được một cảm giác sợ hãi mơ hồ nhưng cảm giác đó cũng nhạt dần, sau nhiều tuần lễ trôi qua và không có gì xảy tới thay đổi đời sống hàng ngày của tôi. Tuy nhiên tôi cũng nhận ra ở bác tôi có sự thay đổi: bác tôi uống rượu nhiều hơn bao giờ hết, càng ngày bác càng ít tiếp xúc với người khác. Cả ngày ông ở trong phòng, khóa cửa thật chặt. Nhưng đôi khi, uống rượu say quá, bác tôi như điên lên: Bác chạy ra vườn, tay cầm súng lục, vừa chạy vừa hét lên rằng bác không hề sợ ai và bác không chịu để cho ai nhốt mình lại như nhốt con gà, dẫu người ấy có là ma quỷ đi nữa. Khi bác hết cơn sôi máu, bác chạy vội về phòng, và cài then cửa kỹ lại như một người không thể tỏ vẻ cứng dắn được nữa trước sự sợ hãi xâm chiếm đến tận gốc rễ của tâm hồn.
Trong những lúc như thế, tôi thấy mặt bác ướt đẫm mồ hôi: Như vừa nhúng vào một chậu nước vậy.
Đến đây tôi xin vắn tắt để khỏi làm ông sốt ruột, thưa ông Sĩ Lâm. Một đêm kia, bác tôi cũng lại say sưa như vậy nữa, nhưng ông chết ngay trong đêm đó. Khi chúng tôi đi tìm, thì thấy ông nằm cắm đầu vào một cái ao nhỏ nước xanh lè ở cuối vườn. Trên mình ông không có một vết tích, và nước ao chỉ sâu có sáu mươi phân. Vì thế mà quan tòa, biết rõ tính tình kỳ dị của ông, đã nói rằng ông tự sát chết. Nhưng tôi, tôi biết rằng ông rất thù ghét ý nghĩ rằng một ngày kia sẽ phải chết, và tôi không tin nổi là ông đã cố tâm đi tìm cái chết trong vụ này. Tuy vậy câu chuyện cũng qua đi và sau đó cha tôi lãnh căn trại và lối mười bốn nghìn bảng mà bác tôi để lại trong ngân hàng.
Sĩ Lâm can thiệp:
- Xin lỗi ông một chút. Câu chuyện ông đang thuật thật hết sức đặc biệt trong số những câu chuyện mà tôi đã được nghe. Bác ông nhận được bức thư vào ngày nào và ông... tự tử vào ngày nào?
- Bức thư tới ngày 10 tháng ba năm 1883. Ông mất bảy tuần sau đó, trong đêm 2 tháng năm.
- Cám ơn. Xin ông thuật tiếp đi.
- Khi cha tôi đã tới nhận căn nhà ở Hồ Sam, thì tôi có yêu cầu ông xem xét kỹ căn phòng kho dưới mái nhà, cửa vẫn khóa chặt. Chúng tôi thấy có một cái rương đồng, dầu giấy tờ chứa bên trong đã bị đốt hết. Phía trong nắp rương có mang một tờ nhãn hiệu, với ba chữ K. K. K. và những chữ: “Thư từ, sổ sách, biên lai, hồ sơ” viết bên dưới, chắc là để chỉ dẫn về loại của những thứ giấy tờ đã bị bác tôi đốt. Phần còn lại trong phòng thì không có gì đặc sắc hết, trừ những tuần báo và nhật báo, có nói về bác tôi hồi bác sống bên Mỹ. Vài tờ có từ hồi chiến tranh và chứng tỏ rằng bác đã làm hết bổn phận, và được ngợi khen là một người can đảm. Tờ khác, ra hồi thiết lập lại chế độ ở miền Nam Hoa Kỳ, và toàn nói về chính trị, vì bác tôi hồi ấy đã kịch liệt chống lại những ứng cử dân biểu nguồn gốc miền Bắc.
Hồi đầu năm 1884, cha tôi tới ở Hồ Sam, và mọi việc rất tốt đẹp cho đến tháng giêng năm 1885. Ngày mồng bốn đầu năm, khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn, tôi bỗng nghe cha tôi kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Đến giờ đây tôi còn như thấy trước mắt hình ảnh của cha tôi, một tay cầm một bao thư, tay kia cầm năm hột cam khô. Lúc trước, khi nghe tôi kể lại chuyện này, cha tôi vẫn thường cười chế nhạo, cho là tôi bịa đặt, nhưng lần này khi nó xảy đến cho chính ông làm ông trở nên nghiêm trọng và bối rối.
- Thế này có nghĩa là gì vậy, Giang Âu?
Tim tôi như ngừng đập trong vài giây. Tôi nói:
- Đó là bọn K. K. K.
Ông nhìn vào phía trong bao thư rồi la lên:
- Đúng rồi, cũng những chữ đó... Nhưng phía trên có viết gì?
Tôi nhìn qua vai ông, đọc:
- Đặt những giấy tờ trên cái đồng hồ mặt trời.
Ba tôi nói:
- Nhưng tờ nào? Đồng hồ mặt trời nào?
Tôi trả lời:
- Cái đồng hồ mặt trời trong vườn, chẳng có cái nào khác! Còn về giấy tờ, chắc đó là những giấy má đã bị đốt.
Ba tôi gắng gượng giữ can đảm. Ông nói:
- Kệ. Mình đang ở đây trong một xứ văn minh chả nên để ý đến thứ chuyện bịp bợm như vậy. Thư gửi tới từ nơi nào?
- Ở Đăng Đế.
Ông nói:
- Trò chơi vớ vẩn. Ta thì ăn nhập gì đến cái đồng hồ mặt trời và những giấy tờ đó? Ba không thèm để ý đến chuyện ngu ngốc đó!
Tôi e ngại:
- Ba phải đi báo cảnh sát mới được.
- Để cả xứ họ cười cho ấy à? Không khi nào!
- Thế để con đi báo.
- Không, ba cấm con. Ba không muốn gây rắc rối vì một chuyện ngốc nghếch như vậy.
Vì ba tôi rất cứng đầu, tôi hiểu rằng không nên nói thêm nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tâm hồn nặng trĩu.
Ba ngày sau khi nhận được lá thư đó, ba tôi đi thăm một người bạn cũ, ở một ngọn đồi gần đấy. Tôi rất lấy làm mừng về chuyến thăm viếng này của ba tôi, vì tôi nghĩ là nếu ông đi xa nhà thì sẽ bớt nguy hiểm cho ông hơn. Ngày hôm sau khi ba tôi đi, thì tôi nhận được một bức điện tín của ông bạn ba tôi, bảo tôi phải tới ngay. Ba tôi đã bị ngã xuống một cái vực đá vôi và ở quanh vùng có rất nhiều vực như vậy. Lúc người ta mang lên thì ông đã bất động, sọ bị vỡ! Tôi tới ngay, nhưng ông mất luôn sau đó, không tỉnh lại nữa. Trông bề ngoài thì ông đang trên đường về nhà, vào buổi chiều, và ông không quen đường xá, cái vực lại không có hàng rào chắc chắn; vì thế không ngần ngại, quan tòa nói ông bị tai nạn chết. Tôi cố gắng gán ghép lại tất cả những chuyện liên quan đến cái chết của ông, mà cũng không tìm ra dấu hiệu nào chứng tỏ rằng ông đã bị giết.
Không có dấu hiệu bạo hành nào, không có dấu chân người, ông không bị móc túi và người ta cũng không thấy có kẻ lạ mặt đi dạo quanh vùng. Nhưng chắc chả cần nói, ông cũng hiểu rằng tôi không tìm thấy sự yên ổn, và tôi vẫn tin chắc rằng ông là nạn nhân của một vụ mưu sát.
Cha tôi mất tháng giêng năm 1885. Hai năm và tám tháng đã trôi qua. Tôi ở Hồ Sam yên lành, và bắt đầu mong chuyện xui xẻo đó không còn xảy đến cho gia đình tôi nữa, và nó đã chấm dứt, cùng lúc với sự chết chóc thảm thương của những người trong thế hệ trước. Nhưng hỡi ôi, tôi đã tin tưởng vội quá. Sáng qua, chuyện đã xảy ra cho cha tôi, lại đến với tôi.
Người thanh niên rút trong túi áo khoác ra một bao thư nhàu nát, và đổ trong ấy ra năm hột cam đã khô. Anh ta tiếp:
- Đây là cái bao thư, dấu in trên con niêm là ở Luân Đôn. Ở trong cũng có ba chữ K. K. K. và những chữ: “Đặt các giấy tờ trên cái đồng hồ mặt trời” như những chữ cha tôi đã nhận được.
Sĩ Lâm hỏi:
- Thế anh đã làm gì rồi?
- Chưa làm gì cả.
- Chưa làm gì?
Anh ta giấu mặt vào đôi bàn tay, thầm thì:
- Để trút cạn hết nỗi lòng cho ông nghe, tôi cảm thấy tuyệt vọng rồi! Y hệt như những con thú đã bị một con rắn thôi miên, tôi có cảm giác như rơi vào trong vùng quyền lực của một hung thần mà tôi không thể nào chống cự nổi và đề phòng cách nào thì tôi cũng sẽ bị hại.
Sĩ Lâm kêu lên:
- Đâu có được! Phải hành động chứ, anh bạn, nếu không thì nguy mất. Phải giữ vững nghị lực để tự cứu lấy mình. Đây không phải là lúc để mà tuyệt vọng đâu.
- Tôi đã nói với cảnh sát.
- Vậy ư?
- Họ mỉm cười khi nghe tôi kể chuyện. Tôi chắc chắn rằng ông thanh tra đã nghĩ là những bức thư đó chỉ là trò đùa, còn bác tôi và cha tôi đã chết vì tai nạn! Chính các quan tòa đã nói thế mà. Những lời báo trước ấy không có liên hệ gì cả.
Sĩ Lâm giơ tay lên trời, la lớn:
- Thật là đồ ngu! Thật không thể tưởng tượng được.
- Thế nhưng họ cũng để một người cảnh sát ở lại nhà tôi.
- Hắn có đi với anh đến đây tối này không?
- Không, hắn được lệnh ở lại nhà.
Sĩ Lâm lại giơ tay lên trời. Anh ta hỏi:
- Tại sao anh tới kiếm tôi? Và nhất là tại sao không tới ngay?
- Tại tôi không biết. Chỉ mới hôm nay, khi kể cho Hội trưởng Phan Danh nghe về chuyện buồn của tôi thì ông ta mới khuyên tôi tới kiếm ông mà thôi.
- Anh đã nhận được lá thư từ hai ngày, đáng lẽ ra phải hành động rồi mới phải. Anh có một vật gì hay một chi tiết nào có thể giúp cho chúng ta không?
Giang Âu nói:
- Tôi chỉ có một cái này.
Anh ta tìm kiếm trong túi áo choàng và đặt lên bàn một mảnh giấy xanh nhạt đã phai mầu.
- Bữa hôm mà bác tôi đốt hết giấy tờ thì tôi nhận thấy những mẩu thừa còn sót lại không cháy hết có mang mẩu này; và tôi lượm được tờ giấy này trên sàn phòng của bác tôi. Tôi nghĩ chắc đó phải là một trong những tờ giấy đã bay ra ngoài, nên không bị đốt. Nhưng ngoài những điều nó nói đến hột cam, tôi không thấy nó có thể giúp chúng ta bằng cách nào được. Tôi nghĩ chắc đó là một trang trong cuốn lịch nào đó. Chữ thì đúng là chữ của bác tôi.
Sĩ Lâm xoay hướng ngọn đèn, chúng tôi cúi nhìn tờ giấy: Một bên bị rách chứng tỏ nó bị xé ra từ một cuốn sổ. Trên cùng có chữ “Tháng ba 1869”, và ở dưới là những hàng chữ bí ẩn này.
“4 – Huýt Sông đã tới. Vẫn làm như trước.
“7 – Đã gửi hột cam tới cho Mác Cô-lê, Pa-ra-mo, và Xuyên ở Sanh Ô-guýt-Tin.
“9 – Mác Cô-lê đã hiểu.
“12 – đã viếng Pa-ra-mo. Trôi chảy.
Sĩ Lâm vừa xếp tờ giấy lại trả cho ông khách, vừa nói:
- Cám ơn! Và bây giờ anh không còn lý do nào để mất thời giờ thêm nữa. Ngay cả thì giờ để bàn cãi về những điều mà anh đã kể cho tôi nghe. Bây giờ phải về nhà anh, ngay lập tức, và hành động.
- Tôi phải làm gì?
- Chỉ có thể làm được mỗi một việc. Và anh phải làm ngay: Anh đặt tờ giấy này vào trong cái rương đồng mà anh đã tả cho chúng tôi đó. Anh cũng đặt trong đó một bức thư nói rằng tất cả những giấy tờ khác đã bị bác anh đốt cháy hết, và chỉ còn có mỗi một tờ này. Dùng những câu nói sáo cho họ phải tin anh. Sau đó anh đặt ngay chiếc rương đó trên cái đồng hồ mặt trời như họ đã ra lệnh cho anh, anh hiểu chứ?
- Vâng.
- Trong lúc này thì đừng nên nghĩ đến việc báo thù hay việc gì khác cả. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thắng họ một cách đường hoàng, nhưng mình còn phải mất thì giờ giăng bẫy, trong khi bẫy của họ đã giăng sẵn rồi.
Trước hết ta phải đẩy xa mối hiểm nguy đang đe dọa anh ra cái đã. Sau đó ta sẽ tìm ra ánh sáng của vụ này, và trừng phạt kẻ có tội sau.
Chàng thanh niên vừa đứng dậy mặc áo mưa vừa nói:
- Tôi xin cám ơn ông. Ông đã cho tôi lại can đảm và hy vọng. Tôi sẽ hành động theo như ông khuyên bảo.
- Đừng để mất một phút nào. Và cần nhất là trước đó phải hết sức đề phòng: Vì chắc chắn anh đang bị một mối nguy hiểm trầm trọng đe dọa đấy nhé. Anh về bằng cách nào?
- Bằng xe lửa.
- Bây giờ chưa tới chín giờ, vậy đường phố hãy còn có người qua lại, tôi nghĩ là anh sẽ không việc gì đâu. Tuy vậy cũng phải cẩn thận đấy.
- Tôi có mang súng theo.
- Vậy thì tốt lắm. Ngày mai, tôi sẽ lo cho vụ của anh.
- Tôi sẽ gặp lại ông ở Hồ Sam chăng?
- Không. Điều bí mật được giấu tại Luân Đôn. Vậy tôi sẽ kiếm nó ở đây.
- Nếu vậy, một hai bữa nữa tôi tới thăm ông, và sẽ nói cho ông biết tin về cái rương giấy tờ. Và nếu có gì xảy ra, tôi cũng sẽ kể hết cho ông nghe.
Anh ta bắt tay chúng tôi và từ biệt ra về. Bên ngoài, gió vẫn gào thét và mưa vẫn sầm sập vào kính cửa. Tưởng chừng như câu chuyện kỳ lạ man rợ đó vừa do cơn giông tố đó mang đến cho chúng tôi vậy.
Sĩ Lâm vẫn im, đầu nghiêng về phía trước, mắt nhìn đống lửa. Sau đó anh đốt ống vố, tựa lưng vào ghế bành, và ngắm những vòng khói xanh mà anh phun lên đến tận trần nhà. Sau cùng, anh nói:
- Hoàn ạ, tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện ly kỳ nhất trong số những chuyện mà chúng ta đã phải giải quyết.
- Trừ câu chuyện bọn Song Tô ra chứ!
- Ờ, có lẽ. Nhưng dù sao đi nữa, tôi thấy anh chàng Giang Âu này chịu nhiều hiểm nghèo hơn là bọn người đã bị bọn Song Tô đe dọa.
- Nhưng anh đã có ý kiến gì chắc chắn về những hiểm nguy này hay chưa?
- Hiểm nguy đến mức nào thì không cần nói ra, ta cũng đã biết rồi.
- Vậy bọn K. K. K. ấy là ai mà cứ theo hại gia đình khốn khổ ấy mãi như vậy?
Sĩ Lâm nhắm mắt lại và đặt khuỷu tay lên thành ghế, những ngón tay đan vào nhau. Anh nói:
- Một lý thuyết gia có thực tài, theo ý tôi, khi đã được thấy một sự việc dưới đủ mọi khía cạnh khác nhau, phải có thể suy đoán ra tất cả những sự việc đã xảy ra trước, và sẽ diễn tiến ra sau này mới được. Ta thường không để ý đến những kết quả do sự suy luận có thể mang lại nhiều bài toán làm lạc hướng tất cả những người muốn tìm kiếm kết quả bằng phương pháp thực nghiệm, trái lại, đã được giải quyết xong trong một căn phòng, chỉ cần đến sự suy nghĩ. Muốn đạt được đến trình độ giỏi dắn đó, thì nhà lý thuyết phải sử dụng tất cả những điều mà người ta được biết, tức là chính ông ta phải biết rất nhiều, biết nhiều đến nỗi mà ngay trong thời đại mà nền giáo dục rất tự do, rất tiến bộ này, và sách vở để tra cứu thì đầy dẫy, dầu vậy ít người có thể đạt được trình độ đó. Nhưng tôi nghĩ là một người có thể tìm được một số vốn liếng hiểu biết đủ xài cho nghề nghiệp của hắn ta. Riêng phần tôi, thì tôi cũng đã cố gắng để có số vốn liếng đó. Nhớ lại, hồi chúng mình mới quen nhau, anh phê bình tôi theo một lối có vẻ rất toán học, có phải thế không nhỉ?
Tôi cười, trả lời:
- Đúng rồi, kể cũng hơi đặc biệt. Về triết học, thiên văn và chính trị, tôi đã cho anh số không, tôi nhớ vậy. Còn về vạn vật thì bất thường. Về địa chất khá đủ để có thể nhận ra một dấu bùn đã phát nguyên từ nơi nào, trong một vòng tròn có đường bán kính tám mươi cây số quanh Luân Đôn. Về Hóa học thì hơi quái gở, về Cơ thể học hơi thiếu phương pháp làm việc. Về văn chương giật gân và chuyện án mạng giỏi nhất. Biết chơi vĩ cầm, biết đánh quyền Anh. Biết đánh kiếm, biết luật. Và nghiện thuốc lá. Tôi nghĩ rằng đó là những điều chính trong bản phân tách ấy thì phải.
Nghe dứt lời, Sĩ Lâm cười phô bày cả bộ răng ra. Anh nói:
- Cho là đúng như vậy đi. Bữa nay tôi cũng trả lời anh, như tôi đã trả lời hồi đó, là người ta cần nhất là phải giữ lấy những gì hắn cần dùng đến trong cái chất xam xám trong óc ấy, còn ngoài ra những gì hắn cho dư thì tống khứ hết ra sau đi, và chỉ sử dụng đến khi nào cần thiết đến mà thôi. Trở lại câu chuyện của chúng mình tối nay, cái phần xam xám ấy của chúng không phải là nhiều lắm đâu. Ta phải sử dụng hết trí thông minh mới được. Anh có thể tìm cho tôi vần K trong cuốn tự điển Hoa Kỳ đó được không? Nó trên giá sách ngay cạnh anh đấy. cám ơn. Bây giờ, ta hãy xem lại tình trạng hiện thời và đoán thử xem việc gì sẽ có thể xảy ra.
Trước hết, ta thấy rằng rất có thể là Đại tá họ Giang có một lý do nghiêm trọng để phải rời bỏ Châu Mỹ: Đến một tuổi nào đó, người ta rất ít thích thay đổi thói quen. Và không dễ gì ông ta lại bỏ rơi khí hậu dễ chịu ở miền Nam Hoa Kỳ, để trở về đây sống một đời cô độc ở tỉnh lẻ, dầu rằng là ở Anh đi nữa.
Cái kiểu thích sống cô độc ở quê hương của ông ta làm tôi nghĩ rằng ông ấy sợ một người hay một cái gì đó. Ta hãy lấy giả thuyết rằng Đại tá họ Giang đã trốn lánh nước Mỹ vì sợ một người hay một cái gì. Ông ta sợ gì? Để trả lời cho câu hỏi này, ta chỉ có tài liệu là những bức thư mà ông ta và những người thừa kế ông ta đã nhận được. Anh có để ý đến những con dấu nhà bưu điện trên những bức thư đó không?
- Bức thư đầu được gửi tới từ Bông-Ri. Cái thứ hai từ Đăng Đế và cái thứ ba từ Luân Đôn.
- Từ Luân Đôn, đúng rồi. Anh có suy ra điều gì không?
- Ba nơi đó là ba cửa biển. Vậy người gửi thư phải ở trên tàu.
- Được lắm, vậy là ta đã có được một điều chỉ dẫn. Vậy rất có thể người gửi thư phải đi trên một con tàu. Coi đến điểm khác. Về trường hợp ở Bông-Ri, bảy tuần lễ đã trôi qua từ khi bắt đầu sự hăm dọa đó. Trong trường hợp Đăng Đế thì chỉ có ba hay bốn ngày thôi. Anh có nhận thấy gì khác lạ không?
- Quãng đường phải đi xa hơn.
- Nhưng thư cũng phải lâu hơn mới đến tay người nhận.
- Ừ nhỉ! Vậy thì tôi không hiểu được...
- Ta có thể giả thuyết rằng chiếc tàu chở tên sát nhân (hay những tên sát nhân) là một chiếc thuyền buồm. Tất cả có vẻ như là họ gửi những lời báo hiệu tới trước, khi họ vừa khởi hành đi thực hiện công tác. Anh có thấy hành động sát nhân đã theo sau bức thư gửi tới từ Đăng Đế không? Nếu bọn họ đến Bông Ri bằng tàu chạy hơi nước, thì họ phải đến cùng một lúc với bức thư chứ; đằng này khoảng thời gian ngăn cách giữa lúc bức thư tới nơi và lúc ông bác bị sát hại dài tới bảy tuần. Tôi nghĩ rằng bảy tuần đó là do sự sai biệt giữa vận tốc chiếc tàu chạy hơi nước của nhà bưu điện mang bức thư và của chiếc thuyền buồm chở bọn chúng gây nên.
- Có thể lắm!
- Chắc chắn ấy chứ lỵ. Bây giờ anh đã hiểu tại sao ta cần phải thanh toán thật gấp vụ này chưa? Và tại sao tôi đã thúc dục anh chàng Giang Âu phải cẩn thận. Mỗi lần đều xảy ra ngay khi bọn họ tới nơi, sau khi đã rút ngắn khoảng cách giữa họ và lá thư báo hiệu. Nhưng lần này, lá thư được gửi ngay từ Luân Đôn, vậy là sẽ không có khoảng cách thời gian nào nữa.
Tôi kêu lên:
- Trời ơi! Nhưng tại sao họ lại làm vậy?
- Những giấy tờ mà ông già họ Giang nắm giữ, ắt hẳn là phải cần thiết cho người, hay những người ngồi trên chiếc thuyền buồm đó. Tôi tin rằng đó là một nhóm. Một người thì khó có thể giết người xong lại hóa trang cho thành vụ tự sát hoặc tai nạn khéo đến như thế, để đánh lừa các vị thẩm phán. Chắc phải đông đảo, và bọn người đó vừa dạn dĩ lại vừa có nhiều sáng kiến. Bọn chúng muốn lấy lại các tờ giấy, dầu người giữ là ai đi nữa. Do đấy, anh hiểu rằng K. K. K. không còn là những chữ bắt đầu tên của một người nữa, mà là của một tổ chức.
- Nhưng tổ chức nào, Sĩ Lâm?
- Anh chưa bao giờ nghe nói tới (đến đây Sĩ Lâm hạ giọng và nghiêng người về phía tôi) bọn Ku-Klux-Klan hay sao?
- Chưa bao giờ!
Sĩ Lâm giở trang sách đang đặt trên đầu gối, nói:
- Đây: Ku-Klux-Klan: Tên bắt chước giống như tiếng động của một khẩu súng đang được lên cò. Đảng bí mật khủng khiếp này được tạo thành bởi vài tên lính miền Nam Hoa Kỳ,sau cuộc nội chiến. Sau đó ít lâu đảng đó lan tràn ra trong nhiều vùng khác nhau, như là ở Te-ne-si, Lu-di-a-na, Ca-rô-lin, Giọoc-gi, và Flo-rít. Mục đích của họ là nhằm gây áp lực chính trị, nhất là để làm cho những ứng cử viên da đen phải sợ hãi và để ám sát hay xua đuổi những địch thủ chính trị của họ ra khỏi xứ. Hành động của họ thường tiếp theo những cảnh báo trước, hơi kỳ quặc nhưng rất dễ nhận ra: Khi thì một dúm lá sồi, khi là những hạt dưa hay hột cam khô. Khi người nhận được báo hiệu đó mà cứ giữ vững lập trường, thay vì chạy trốn thì chắc chắn họ rước lấy cái chết, thường thường trong những trường hợp bất ngờ và bí ẩn. Tổ chức của đảng này hoàn hảo, và phương pháp của họ chính xác đến nỗi người ta chưa thấy trường hợp nào có người dám chống cự lại họ mà không bị trừng phạt, và cũng chưa bao giờ thủ phạm bị khám phá. Trong nhiều năm trường, hội đó đã bành trướng, dầu chính phủ Hoa Kỳ và những thành phần tốt ở miền Nam cố gắng hết sức ngăn chặn. Sau cùng, hoạt động đó bỗng nhiên tan rã năm 1869, tuy nhiên từ năm đó thỉnh thoảng vẫn còn vài vụ trỗi dậy đại loại như thế.
Sĩ Lâm đặt cuốn sách xuống.
- Anh có thấy không, ngày hội kín đó bị tan rã, cũng trùng hợp với lúc mà ông già họ Giang biến mất, rời bỏ Châu Mỹ, mang theo những thứ giấy tờ. Có lẽ ta đã tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện bắt nguồn từ đấy. Ta không nên ngạc nhiên nếu ông ta và vài người trong gia đình ông bị vài tên dai dẳng nhất trong đám Ku-Klux-Klan đuổi theo. Những cuốn sổ sách giấy má đó có lẽ chứa đựng tên tuổi, hay hành động của những đảng viên đầu tiên, và hẳn là có vài tên không được yên tâm chăng?
- Trang giấy mà chúng ta đã được đọc...
- Đúng như là điều mà ta phải đoán ra. Trên tờ giấy đó, tôi nhớ lại, nó có biên: “gửi hột cam đến cho A, B và C”, cũng như là: gửi lời báo trước đến cho người này hay người kia. Sau đó có ghi: “A và B đã hiểu”. Có lẽ họ đã rời bỏ xứ. Còn về phần C, hắn ta đã bị “đến viếng”, tôi sợ cái vụ thăm viếng này mang đến một hậu quả đen tối cho C đấy... Vậy, thưa ông bác sĩ, tôi nghĩ là chúng ta đã mang lại một chút ánh sáng vào màn đêm bí hiểm này rồi đấy nhé! Nhưng tôi cũng tin là Giang Âu chỉ có điều hy vọng duy nhất nếu anh ta chịu khó hành động như tôi đã chỉ dẫn. Đối với chúng ta, tối nay thì như thế là đủ: Ta không còn gì để nói hoặc làm nữa. Anh vui lòng đưa cho tôi cây vĩ cầm kia đi. Và chúng ta hãy cố quên đi trong giây lát, cái thời tiết khốn khổ, cũng như cái cách cư xử còn tệ hơn của vài người trong số những đồng loại của chúng ta đó.
Sáng hôm sau trời tạnh dần. Mặt trời chiếu xuống thành phố qua làn sương. Khi tôi xuống nhà dưới, Sĩ Lâm đang ngồi ở bàn ăn sáng. Anh nói:
- Anh tha lỗi vì tôi đã không chờ anh, nhưng tôi đoán là ngày hôm nay tôi sẽ bận lắm, vì phải lo vụ của Giang Âu.
Tôi hỏi:
- Anh tính làm gì?
- Tùy theo kết quả cuộc dò xét của tôi trước đã. Có thể là tôi sẽ tới Hồ Sam.
- Sao anh không tới đó trước?
- Không, tôi bắt đầu ở thành phố này. Anh bấm chuông đi, chị người làm sẽ mang cà phê lên cho anh.
Trong khi chờ đợi, tôi cầm tờ báo buổi sáng chưa mở ra lên đọc. Mắt tôi dừng lại trên hàng chữ lớn ngay đầu trang nhất và tôi lạnh người đi. Tôi kêu lên:
- Sĩ Lâm, trễ quá mất rồi!
Anh ta đặt tách xuống.
- Sao? Chuyện gì vậy?
Anh ta trầm tĩnh hỏi, nhưng tôi biết anh rất xúc động.
- Tôi thấy có tên Giang Âu và để mục: Thảm kịch gần cầu sông cái... Bài báo đó như sau:
“Vào khoảng giữa chín giờ và mười giờ tối qua, ông thanh tra cảnh sát Quyền và toán tuần tiểu đang đi tuần gần cầu sông cái, bỗng nghe có tiếng kêu cứu và tiếng một vật gì rơi xuống nước. Đêm tối như mực, và bão rất lớn, nên dầu được sự giúp đỡ của các khách qua đường, cảnh sát cũng không làm gì được. Người ta đã báo cho toán cấp cứu trên sông biết và người ta đã vớt được xác. Đó là một người đàn ông ăn vận lịch sự, và nhờ có một bức thư trong túi áo của kẻ bạc mạng, người ta được biết ông ta tên là Giang Âu, ở Hồ Sam. Có lẽ ông ta đã vội ra ga để về nhà nên vì tối trời, ông ta bị lạc đường và bước nhầm xuống một cái cầu dành cho xuồng máy, và chẳng may bị rớt xuống sông. Trên mình ông ta không mang một dấu tích nào, không còn nghi ngờ gì nữa, đó chỉ là một tai nạn rủi ro. Cái chết của ông ta nói lên một điều là mong giới hữu trách chú ý nhiều hơn đến sự bảo vệ của dân chúng ở chỗ bến tàu này”.
Một phút im lặng. Chưa bao giờ tôi thấy Sĩ Lâm buồn và xúc động đến thế. Anh nói:
- Niềm kiêu hãnh của tôi bị xúc phạm nặng nề, Hoàn à. Có lẽ cái cảm giác đó nó không có gì là đẹp, nhưng sự thực là tôi rất đau lòng. Bây giờ tôi coi đó như là chuyện riêng của tôi rồi, và nếu trời muốn, tôi sẽ tiêu diệt bọn chúng. Hắn ta tới để nhờ tôi giúp đỡ, thế mà tôi đã đưa hắn ta vào chỗ chết!...
Anh nhảy ra khỏi ghế và đi quanh phòng, cử chỉ nóng nảy như không thể kềm hãm được nữa. Đôi má hóp của anh đỏ bừng như lên cơn sốt; đôi bàn tay mỏng mảnh hết nắm vào lại mở ra, làm xương kêu răng rắc.
Sau cùng anh ta than:
- Thật là một bọn quỷ dữ. Làm cách nào bọn chúng lôi được hắn tới đó? Từ đây thẳng đến nhà ga đâu có đi ngang qua bến tàu? Và cây cầu chắc phải đầy người, để mặc dầu mưa bão, tụi chúng cũng không thể làm vậy được! Hoàn ạ, ta sẽ coi ai thắng: Đó chỉ là một cuộc thi thố của sự bền gan thôi. Bây giờ tôi phải đi.
- Anh đến sở cảnh sát à?
- Không. Tôi sẽ tự làm cảnh sát lấy. Khi tôi đã giăng lưới xong, bọn chúng sẽ bị tóm, nhưng không sớm hơn.
Cả ngày hôm ấy tôi bận công việc và chỉ đến tối, tôi mới trở về ngôi nhà của Sĩ Lâm. Anh bạn tôi vẫn chưa về. Anh chỉ ló mặt ra vào lúc mười giờ: Trông anh tái nhợt và hết sức mệt mỏi. Anh đi về phía tủ, cắt một khúc bánh mì và ăn ngấu nghiến, giải khát bằng một ly nước lạnh. Tôi nói:
- Anh đói lả rồi!
- Đúng, đói gần chết. trưa nay tôi quên không ăn. Từ bữa sáng đến giờ tôi không ăn uống chi cả.
- Không ăn uống gì?
- Không. Tôi chẳng nghĩ tới nữa.
- Và công chuyện ra sao?
- Khá.
- Anh đã tìm ra gì lạ?
- Tôi giữ chúng trong lòng bàn tay rồi. Anh chàng Giang âu không phải đợi lâu mới được trả thù đâu. Đúng đó, Hoàn ạ. Tôi cũng sẽ cho bọn chúng thấy dấu vết của Tử Thần! Tôi đã nghĩ...
- Anh nói sao?
Anh ta đi lại phía tủ, lấy một quả cam, cắt thành từng miếng, và nặn hột cam ra trên mặt bàn. Anh ta lượm lấy năm hột, nhét vào một bao thư. Phía trong mặt sau bao thư anh ta ghi: “S. L. gửi D. K.”. Rồi anh đóng bao thư lại và biên địa chỉ: “Thuyền Trưởng Danh Kiên, tàu Sao Băng, Sa-va-na, Gioọc-gi”.
Anh nói:
- Hắn sẽ nhận được thư này khi tới nơi. Hắn sẽ ngủ không yên. Hắn sẽ thấy ở đó lời báo trước của định mệnh, y như là Giang Âu đã thấy trước hắn.
- Nhưng thuyền trưởng Danh Kiên là ai?
- Tên cầm đầu bọn chúng. Tôi sẽ tóm cả những tên kia, nhưng hắn phải bị bắt trước.
- Làm cách nào anh đã tìm ra hắn?
Anh ta rút trong túi ra một tờ giấy lớn, viết đầy những tên và ngày tháng. Anh nói:
- Cả ngày hôm nay tôi xem các cuốn sổ và những giấy tờ cũ ở thương cảng. Tôi tìm tên tất cả các con tàu đã đi đến Bông Ri vào tháng giêng và tháng hai năm 1883. Có 36 con tàu. Tàu Sao Băng đã gợi sự chú ý của tôi ngay: Vì mặc dầu nó ghi là từ Luân Đôn tới, nhưng Sao Băng là tên của một tiểu bang Hoa Kỳ.
- Ở vùng Texas thì phải.
- Tôi cũng không rõ nữa, nhưng tôi ngờ rằng chiếc tàu này phải phát nguyên từ nước Mỹ.
- Rồi sao?
- Tôi cũng đi tìm những bản ghi chép lại ở Đăng Đế và tôi cũng thấy là tàu Sao Băng có ghé qua đó vào tháng giêng năm 1885, vậy là sự ngờ vực của tôi đã thành sự khẳng định. Tôi bèn hỏi tên những con tàu đang bỏ neo ở bến Luân Đôn.
- Thế rồi?
- Tàu Sao băng tới đây tuần trước. Tôi tới bến tàu và được biết nó vừa đi sáng nay, trực chỉ Sa-va-na. Tôi gởi điện tín cho Ga-vét-sen, và được biết nó vừa đi qua. Vì gió thổi hướng đông nên tôi nghĩ là nó đã đi qua Gốt-uyn và chắc cũng không xa đảo Oai.
- Anh sẽ làm gì?
- Ồ! Tóm lão Danh Kiên. Dường như chỉ có hắn và hai tên phụ tá là người Mỹ trên chiếc tàu. Những người khác là người Phần Lan và Đức. Tôi cũng biết là chúng không ở trên tàu tối qua. Đó là người phu khuân vác cho tôi biết, vì chính hắn đã mang nguyên liệu lên tàu. Trong khi tàu buồm của bọn chúng đi về Sa-va-na thì một cái tàu của nhà bưu điện sẽ mang bức thư này, và sẽ có điện tín báo cho cảnh sát Sa-va-na biết rằng ba người đó bị đòi hỏi ở đây, để trả lời về một vụ án mạng.
Trong những kế hoạch của con người ta, dầu có hoàn hảo đến mấy đi nữa, cũng vẫn có một kẽ hở: Bọn sát nhân của Giang Âu sẽ không bao giờ nhận được những hột cam. Bức thư ấy sẽ báo cho chúng biết là có người cũng khôn ngoan và táo bạo như chúng đang theo dõi chúng. Nhưng năm đó, bão tố đã kéo dài rất lâu, và dữ dội hết sức. Chúng tôi đợi chờ tin tức gửi tới từ Sa-va-na, nhưng vô hiệu, không có nguồn tin nào cả. Sau cùng chúng tôi được biết ở một chỗ nào đó, rất xa bờ, giữa Đại Tây dương, một miếng ván tàu được trông thấy giữa hai ngọn sóng, và trên ấy có khắc hai chữ “S. B.”. Đó là tất cả những gì chúng tôi được biết về số phận của chiếc sao Băng.
Chú thích:
Trích tuần báo Thiếu Nhi từ số 94 đến số 102.

HẾT


Xem Tiếp: ----