CHƯƠNG 13

     hi anh ra gặp em ở ngoài chợ, anh chỉ nghĩ đến sự tiếc nuối tuổi học trò phải bỏ dở chừng chứ anh không hình dung hết được những phức tạp chợ búa mà em đang nếm trải. 
Góc chợ em ngồi, chỉ có chục con người với mươi quầy hàng xén thôi mà cũng nhiều chuyện lắm anh ạ. Cạnh quày hàng của em là cái bàn của con Mỹ. Nhà nó cũng ở một ngõ ven đường tàu. Bố mẹ nó cũng làm hương như nhà em. Mỹ bị mắc bệnh động kinh bẩm sinh. Hồi bé, một lần nó lên cơn, lăn vào đống củi ở sau nhà và bị một nhánh củi đâm vào mắt phải. Từ ấy nó bị chột một bên mắt. Nó kém em một tuổi, chả học hành gì, ra chợ sớm hơn em nhiều, nhưng không có quày, chỉ đứng nhờ một góc quán của người ta mà bán mấy thẻ hương. Đến khi em ra chợ, thấy nó đứng khổ sở quá, lại bị người ta chửi rủa suốt, liền cho nó kê nhờ một cái bàn con bên cạnh.
Rắc rồi bắt đầu xảy ra. Không phải giữa em và nó, mà với người có quầy hàng kế sát bên.
Chủ quày ấy là một mụ đàn bà ngang ngược. Béo tròn béo trục. Mụ ấy vốn chả ưa gì em, suốt ngày lườm nguýt và nói xấu sau lưng em với mọi người. Khi em cho con Mỹ ngồi nhờ mụ quay sang bắt le, bắt nẹt con Mỹ. Lúc thì mụ đấy bàn của Mỹ về phía quày nhà em, lúc mụ chửi khách đến mua hương của Mỹ, lúc mụ lại yêu cầu ban quản lý chợ "đuổi hết mẹ cái lũ không có quày cứ lấn chiếm lung tung đi". Mụ có thằng cháu họ từng đi tù về, xin được chân bảo vệ chợ, thỉnh thoảng vẫn xin đểu các chủ quầy để sống qua ngày. Mụ béo muốn gây khó dễ với con Mỹ chẳng qua là muốn nhằm vào em thôi. Mụ nghĩ em thân cô thế cô, bố mẹ chết cả, anh trai cũng bỏ xác trong tù, chỉ còn mỗi người bà già yếu, nên tìm đủ mọi cách hạ nhục em.
Buổi sáng hôm ấy, em vừa mở quày thì đã thấy mụ béo cầm một cái ghế ra đặt ở chỗ giáp ranh giữa hai quày. Anh từng ra chợ Ga và biết các quày hàng ở khu của em được phân chia thế nào rồi đấy. Mỗi quầy khoảng hai mét vuông, có vách ngăn bằng cót ép. Đáng lẽ em và mụ béo cũng chỉ cách nhau một mảnh cót ép như bao quày khác thôi. Nhưng giữa quày của em và quày của mụ lại vướng một cái cột bê tông đỡ mái chợ nên có chừa ra một khoảng cách khoảng 50 phân. Chính cái khoảng chừa này mà em cho con Mỹ đặt cái bàn vào đấy. Mỹ hưởng cái khoảng ấy để kiếm sống, nhưng nó quá hẹp nên cũng phải nhờ thêm khoảng hiên phía trước của hai quày ở hai bên nữa. Với phía bên em thì không sao, còn bên mụ béo thì Mỹ bị xua đuổi như một con cùi hủi. Vì miếng cơm manh áo mà Mỹ phải cắn răng chịu đựng. Thế mà đến cái miếng ăn ấy mụ béo cũng giật nốt. Mụ đặt cái ghế đẩu và ngồi xuống đó, tay phe phẩy cái quạt nan, bảo: "Trong quày nóng không chịu được, may có cái khoảng trống này, ra đây ngồi cho mát, tiện thể trông hàng luôn". Đúng lúc ấy con Mỹ xách cái làn hương đến. Nó bảo với mụ béo: "Cô cho cháu kê nhờ cái bàn". Mụ béo hất hàm: "Bàn nào? Tao bỏ tiền ra thuê quầy không phải để cho mày ngồi nhờ. Muốn ngồi thì chia tiền thuê chỗ ra đây". Em bảo: "Cái chỗ này bỏ không suốt, có ai làm gì đâu, cho nó đứng nhờ cũng được, làm gì mà cô quá đáng thế?". Mụ béo quay mặt đi, bảo:
- Quá đáng hay không mặc mẹ tao. Tao xấu hay tốt thì đã có trời chứng giám. Đéo chết tàu chết xe, chết đường chết chợ, chết sông chết biển là được.
Em nén hận không nói lại. Hễ có cơ hội là mụ lại chửi cạnh khóe em thế. Em đau lắm, nhưng em cứ phải lờ đi. Em bảo với con Mỹ:
- Mày đặt bàn trước cửa quày tao cũng được. Hẹp hòi thế thì ông trời cũng chả thương đâu.
Mụ béo vẫn quay mặt đi, chửi đổng:
- Bà hẹp hòi thì bà cũng tự làm mà nuôi sống được mình, bà chẳng phải đi ăn trộm ăn cướp của ai để mà thân tàn ma dại, chết mất xác trong tù. Tiên sư nó chứ, may mà mang được cái thân tan thân nát về, chả chó nào nó thèm ngửi, lại còn lên mặt dạy đời. Bà thì bà cứ vả vào mồm cho ấy chứ.
Con Mỹ mở làn lấy hàng ra bày bán trước cửa quày của em. Nó cũng ái ngại, cứ muốn nói điều gì đó với em mà không mở lời được. Còn em thì uất con mụ béo đến mức chân tay cứ thừa ra, ngực căng tức, đầu óc mụ mị, nhìn đâu cũng thấy như có gai châm. Mụ nói bố mẹ em chết sông chết biển. Mụ lại nói anh trai em chết mất xác trong tù. Rồi mụ rủa em "chả chó nào thèm ngửi". Sao mụ lại nói ác thế hả anh? Sao mụ lại thích xát muối vào vết thương của người khác như thế? Để được gì? Chả lẽ đời mụ chưa gặp một bất hạnh nào? Lòng mụ chưa có vết thương nào để người đời xát muối một lần cho biết? Không chịu nổi nữa. Em đóng cửa quầy bỏ về. Em bảo Mỹ cứ ở đấy mà bán, em về có việc. Mà em có việc thật. Em qua hàng cá mua con cá chuối về nấu bát canh chua cho anh Hưng ăn. Sáng nay bà em dặn vậy. Mới ra tù, bao nhiêu cái xương sườn nổi lên hết, lại không nhà không cửa, không bố, không mẹ, nghĩ cũng tội. Cũng là con người cả, thấy nó là thấy cái thân phận của thằng anh trai mày. Bù chì cho nó vài hôm rồi nó đi đâu thì đi.
Vậy mà con mụ béo không buông tha em. Mụ nói với theo: "Giỏi thì nhường cả cái quầy hàng cho nó đi, bà xem nào? Cái đồ vượt biên, hay ho đéo gì mà còn ra vẻ thương người. Thân mình đéo lo nổi, còn lắm chuyện"
Em có lắm chuyện không hả anh? Em cũng có ra vẻ thương người không hả anh? Thực ra em không nghĩ nhiều đến thế khi giúp con Mỹ đâu. Chỉ là một chút ngẫu hứng bốc đồng thôi. Em cũng không cố ý chọc tức mụ béo kia. Em có nhiều thứ phải nghĩ lúc này, hơi đâu mà cứ gây sự với người ta làm gì. Ngay lúc ấy cũng vậy. Em đang nghĩ đến anh với lời hẹn không thành tối hôm qua. Nghĩ đến bà với hai con mắt đỏ hoe xì xụp đắp bát cơm quả trứng cho thằng cháu trai chết mà không nhìn được mặt. Nghĩ đến anh Hưng "mặt nạ" với những câu chuyện tù tội ám ảnh. Nghĩ đến cả cái quày hàng ế ấm và nghề làm hương chết đói của hai bà cháu. Từng ấy ý nghĩ là quá sức chứa đối với cái đầu của em rồi. Em không muốn những lời nói của mụ béo kia tiếp tục nhồi vào hai tai làm bộ não em nổ tung ra mất. Em đi như chạy về nhà. Em vứt con cá quả xuống đất rồi leo lên giường nằm. Em không khóc. Đã từ lâu rồi em không còn nước mắt nữa. Em cứ nằm ngửa mà nhìn trừng trừng lên trần nhà. Lòng em như có nước chảy. Bà thấy em vậy, lại gần em, nắm tay em, nhìn em như hút nước. Bà khẽ bảo: "Thằng Hưng nó đi tìm bạn bè rồi. Nó bảo tối mới về. Con cá kia để đến chiều cũng được. Con không mệt thì cứ ra chợ mà bán hàng".
Bà nghĩ em bị ai nói gì đó nên buồn. Bà bảo em ra chợ để công việc bán buôn làm em quên đi tất cả. Nhưng bà có biết đâu chính chợ búa là nơi em bị người ta hắt hủi, cạnh khóe, chế giễu, chửi rủa. Bà ơi, sao nhà mình lại chán thế hả bà? Tổ cha mày, chán gì mà chán, đất này nhà nào chả thế? Sao đất này lại thế? Thì nó là đất nghịch mà. Sao nó lại là đất nghịch? Thì từ ngày xưa bà đã nghe các cụ kể thế. Kể làm sao hả bà?
Kể rằng: Đất này xưa là vùng bãi bồi ven biển, xa đất kinh kỳ, cách biệt các châu huyện. Các bãi bồi rộng lớn, cói mọc um tùm, lại nhiều sông, gần biển. Trước tiên là những vạn chài bám lấy các cửa sông. Rồi đến đám trộm cắp chọn xứ này làm nơi trú ẩn. Nữa đến những đoàn dân binh chống lại quan châu, quan huyện, vùng lên một lần cho bõ sự dày xéo rồi cũng tìm về đây mà trốn lẩn. Rồi những đám cướp dọc ngang vùng biên ải trên kia, bị tầm nã gắt gao quá cũng xuôi bè mảng ra biển tìm đường sống, đến đây thì dừng lại, dạt vào các bãi bồi mà tá túc. Lâu dần thì thành bày đàn, thành phe thành nhóm, thành lực lượng, thành đội quân. Đội quân này cũng có thủ lĩnh, mà thủ lĩnh lại là một nữ nhi hẳn hơi. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thì đội quân lau lách này cũng dong buồm ngược về Mê Linh tụ nghĩa. Hết việc ở dưới trướng của Hai Bà rồi, đội quân lau lách lại trở về đất này mà thành phên dậu che chắn phía biển Đông. Trải qua bao dâu bể, biển mỗi lúc một lùi ra ngoài xa, các bãi bồi lấn sông mà liền lại, hình thành nên thế đất hiểm. Bình thường thì cói sậy che kín, có động thì theo đường sông mà lánh sang các bãi bồi khác, bị truy rát nữa thì dong buồn ra một vài hòn đảo ngoài biển kia. Hết nguy hiểm rồi thì lại mò về. Thế nên đất này còn là nơi trốn tránh của rất nhiều kẻ thất thế quan trường hay thay đổi triều chính mà thành dư thừa, phản nghịch. Vài bậc hào kiệt có chút nghĩa khí hoặc bất đắc chí, hoặc không được thời thế dùng đến, hoặc không chịu sự đồng hóa của giặc Tàu, cũng bỏ đất, bỏ làng ôm mộng hải hồ rồi trụ lại đất này, hít thở khí trời tự do, thỏa được cái chí tang bồng. Tóm lại đây là đất của những kẻ chống đối. Mà kẻ chống đối ở đây rất đa dạng, rất nhiều thành phần, từ bậc thức giả đến lũ lưu manh, từ đám lưu vong bên Tàu, bên Xiêm La, bên Chiên Thành đến những phần tử dị bang ngoài biển dạt vào. Đến thời Pháp thuộc thì Ngã ba sông là một trong những thành phố đầu tiên ở nước mình được xây dựng, được hưởng cái văn minh mới lạ của người Tây Dương. Cùng với nhà ga, bến cảng, đường cái, những khu phố mọc lên là những ổ nhóm lưu manh khét tiếng tụ về. Có cả một nhà văn gì đó, nổi tiếng lắm, viết về dân giang hồ đất này, ai đọc cũng thích, cũng thương cảm, cũng phục. Vì sao, vì ông ấy viết đúng, lại viết đến cả chuyện phụ nữ đi làm cướp. Nhưng chưa ăn thua gì. Thời Tây còn như thế, đến thời ta cũng chả kém, còn khủng khiếp hơn. Ăn trộm, ăn cướp, đĩ điếm, đâm chém, giết người... năm nào cũng có, thời đoạn nào cũng có, đời ông nào làm lãnh đạo cũng có, mà nữ còn ghê gớm hơn nam, nữ dí súng vào đầu người khác, bắn chết tươi đành đạch là chuyện không hiếm ở đất này...
Em ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh lại thì đã quá trưa sang chiều. Bà để phần cơm em trong lồng bàn. Chỉ có rau muống luộc và khúc cá kho. Em thấy đói bụng nên ăn rất ngon lành. Lại húp cạn cả bát nước rau nữa. Rồi em ra chợ. Thôi thì em sẽ bảo con Mỹ cho nó chung vốn với em. Hai đứa cùng trả tiền quầy, cùng bán mấy loại hương gia công và vàng mã vớ vấn kiếm sống qua ngày. Rồi sẽ kiếm cách sống khác. Sống mãi thế này chán đéo chịu được. Em đã chửi bậy trong miệng như thế. Anh đừng cười nhé. Dạo này em bắt đầu chửi bậy. Mà lạ, cứ mỗi khi một câu chửi bậy dâng lên đầu lưỡi, em lại thấy dễ chịu, lại cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Thế là sao nhỉ? Là em bắt đầu hư hỏng rồi phải không anh?
Em đi vào cổng chợ. về chiều nên chợ cạn người. Phải đến xâm xẩm tối chợ mới lại đông. Em đi xuống dãy chợ dưới. Vừa bước vào dãy hàng khô và hàng mã thì nghe có tiếng la hét. Em chạy về quày hàng của mình. Trời ơi, anh biết không? Mụ béo đang dí đầu con Mỹ xuống bàn, cạnh đó một thằng thanh niên cởi trần, hai cánh tay xăm trổ những hình thù quái dị đang đá liên tục vào bụng, vào ngực con Mỹ. Nhiều người đứng xem. Đôi ba người can bằng miệng nhưng không ai dám vào lôi mụ béo ra. Em chạy tới, dùng cả sức lực của mình cố gỡ tay mụ béo để Mỹ cất được cái đầu lên khỏi bàn. Tóc tai Mỹ rồi bù. Nước mắt nước mũi ràn rụa. Nó ôm lấy em như chết đuối vớ được cọc. Mồ hôi thấm đẫm áo nó, chua lòm. Mụ béo chỉ tay vào mặt em la lên: "Còn con này nữa. Nó muốn gây sự với tao đây. Nào, địt mẹ mày, có muốn bà cho biết thế nào là lễ độ không?». Thằng thanh niên cởi trần gạt mụ béo ra, chỉ vào hai đứa em bảo:
- Bà nói ít thôi. Đứa nào lẩn chiếm quầy của bà thì xử lý đứa ấy. Con nào? Con này hay con này?
Mụ béo chỉ vào Mỹ:
- Con khốn nạn này. Đánh chết cha nó đi. Đây, cái bàn của nó đây, mày nhìn xem, có phải nó để hẳn sang quày của tao không?
Thằng thanh niên kia không nói không rằng, nhảy đến túm tóc con Mỹ, lôi nó ra khỏi em rồi giơ chân lên đạp mạnh một cái vào bụng. Mỹ hét lên đau đớn, quay một vòng, loạng choạng ngã vật lên trên chiếc bàn bày hương của nó. Mụ béo được thể, nhảy chồm lên người Mỹ, một tay ẩn đầu nó xuống không cho ngóc lên, một tay vả liên tục vào mặt nó. Thằng thanh niên giật lấy cây gậy mụ béo dùng để chống liếp cửa, định vụt lên người con Mỹ. Nhiều tiếng hét gào can ngăn nhưng không có ai ra tay cả. Mắt em hoa lên. Hai chân em bủn rủn, muốn khuỵu xuống. Con Mỹ bé nhỏ nhường kia, mắt mũi lại kèm nhèm thế, cứ để mụ béo và thằng cởi trần đánh mãi thì chết mất. Em hét lên lao vào giằng cái gậy của thằng thanh niên ra. Nó đạp em một cái vào ngực. Trời ạ. Lồng ngực em như vỡ ra. Lúc này người em như có luồng điện chạy vào. Em không còn nghĩ gì nữa. Em bỏ con Mỹ đấy, chạy lên dãy hàng ăn đằng cổng chợ. ở một quán bún riêu có chiếc bếp than đang hừng hực cháy. Cạnh đấy có cái chổi rơm. Em nhúng cái chổi rơm vào bếp. Chổi rơm bắt lửa bùng bùng cháy. Em cầm cái chổi lúc này đang bốc lên như một ngọn đuốc, chạy về trước quầy của mình, phang thẳng vào mặt thằng thanh niên cởi trần. Mọi người đều bất ngờ trước hành động của em. Ai cũng nghĩ là em bị một cái đạp đau như thế chắc bỏ chạy đi đâu rồi, không dám thò mặt ra nữa. Cái chổi lửa hất tàn đỏ vào mặt làm thằng thanh niên rú lên. Mụ béo thấy vậy, vội buông con Mỹ ra, lạch bạch bỏ chạy về phía cuối chợ. Em vứt cái chổi vẫn còn cháy vào quày của mụ. Con Mỹ hoảng hốt chạy ra phía sau em nấp. Em gào lên: “Mày hèn thế, bóp dái chết mẹ nó đi chứ để nó đánh thế à?”. Con Mỹ như sực tỉnh, vớ lấy cái làn nhựa lao vào đập túi bụi lên đầu thằng thanh niên cởi trần. Thằng này bị tàn lửa từ nhát đập của em bán vào mắt nên không còn nhìn rõ gì nữa. Nó vung tay vung chân loạn xạ. Em nhảy vào quày của mình, gỡ một thanh gỗ kẹp hếp, lao ra cửa thủ thế. Con Mỹ lui về đứng sát vào em. Thằng thanh niên lùi dần về phía cuối chợ. Miệng nó gào lên: “Tao sẽ giết, tao sẽ giết hai con đĩ này, chúng mày nhớ tay tao...”. Cơn nóng trong người em bốc lên ngùn ngụt. Đúng lúc đó quầy mụ béo phát lửa, khói cuộn lên dày đặc. Một ý nghĩ bất cần đời lóe lên trong óc em. Em chạy sang quày mụ béo nhặt lấy khúc cán chổi đang cháy dở mang về vứt vào quày của mình. Này thì cháy. Này thì đốt. Đốt hết. Cho tan hết đi. Cho thành tro bụi đi. Cái đời này nó khốn nạn quá thể. Cháy luôn cả mình đi cũng được. Chết luôn cùng với đám lửa kia cũng được. Đời còn cái chó gì nữa đâu mà tiếc. Người em đang như có lửa đốt đây. Đốt luôn cái thân chả ra thân, người chả ra người này đi. Em chả thiết gì nữa. Có chết thì cũng không khổ hơn sống đâu. Cháy đi. Cháy nữa đi. Cháy cả cái chợ này đi. Cháy hết cả cõi nhân gian chó má này đi.
Thế mà một góc nhỏ của cõi nhân gian kia anh đang đứng nhìn em. cả chợ dồn về dãy hàng này để nhìn em. Bảo vệ chợ và công an cũng có mặt. Rồi như một sự bừng thức, mọi người đổ xô vào hai quầy hàng của em và mụ béo để dập lửa. Không ít người bảo em chạy đi, không thằng thanh niên nó quay lại trả thù thì chết. Nhưng em không đi đâu cả. Em ưỡn ngực ngang tàng ngăn mọi người lại, không cho mang nước vào quầy hàng em cứu hỏa. “Cứ để nó cháy. Cháy hết đi. Từ nay dí lồn vào cái chợ này. Thằng nào muốn thì cứ đến gặp con này. Đ. mẹ nó. Chết là cùng chứ gì. Con này đéo sợ chết đâu. Cũng là người cả thôi. Thích thì cứ đến đây...”.
Có người lôi tay em đi. Em cố vằng ra mà không được. Con Mỹ đẩy phía sau em. Em không biết là mình đi đâu nữa. Em như đang ở trong cơn mộng du vậy. Người ta co kéo, đùn đẩy em. Em trôi đi trong dòng người đông đúc đang đổ vào chợ. Đến khi giật mình tỉnh ra thì em đã đứng ngoài đường rồi.
Người lôi tay em là Hưng “mã”. Sau lưng em vẫn là con Mỹ “chột”.
Em thoáng thấy hình bóng anh. Nhưng em không tin là anh. Mãi sau này Đinh bảo, ra bến xe rồi nhưng anh vẫn không yên tâm lên xe về trường. Anh bảo: “Dù sao cũng nên nói cho Diệu biết là thầy hiệu trưởng đã nhận Diệu quay lại học. Mày chờ tao tí nhé”. Rồi anh chạy một mạch ra chợ Ga tìm em. Nhưng anh không nói được gì với em cả, chỉ đứng chết trân nhìn em đang gào thét, chửi bới và đốt chợ. Anh không thể hình dung nổi em lại có phút giây hiện hình ra trước ánh lửa ma quái ấy một cách đốn mạt như thế. Một hình ảnh chợ búa gớm ghiếc. Một hình ảnh nặc nô, giun dế, cặn bã. Hình ảnh ấy đã giết chết em trong anh. Đinh bảo, anh quay về với một bộ mặt lầm lì, hỏi gì cũng không nói. Chuyến xe rời bến khi trời đã xâm xẩm tối, mang theo sự im lặng đến khó hiểu của anh.

Truyện Phiên Bản ---~~~cungtacgia~~~---

20 Tác phẩm