ào có phải chỉ khi đối diện với những tai ương, bệnh hoạn không đường chữa trị mới không biết nói gì mà còn nhiều trường hợp khác cha Lành cũng không biết ăn nói thế nào trong khi lòng trào dâng niềm đau xót xa cho thân phận con người trong cảnh khó khăn cuộc đời không phương tránh thoát.
-Xin cha cầu nguyện cho gia đình con...
Người đàn bà, thân hình khắc khổ trong bộ đồ lam lũ hòa nhịp với nước da rám nắng khiến người đối diện nhận ra ngay nét già trước tuổi, moi mãi nơi túi đưa cho cha Lành 5 tờ giấy một đồng được xếp lại vội vàng chưa kịp gọn gàng ngay ngắn...
-Cầu nguyện về chuyện gì?
-Cho tụi con kiếm được công ăn việc làm nuôi con cái. Nhà con nhờ người ta đứng tên tầu để rồi bây giờ gần trả xong nợ nhà băng, nó đem bán luôn lấy tiền. Con còn nợ hơn năm mươi ngàn tiền mặt mượn anh em bà con mà tàu mất, kiếm việc làm không được, chẳng biết sao sinh sống. Nhà lại con đàn con đúm 8 đứa chưa đứa nào đi làm phụ thêm cho cha mẹ được chuyện gì; lo miếng ăn cũng chưa đủ, thật khổ quá cha ơi!
-Thôi cất tiền đi, đem về đong gạo cho các cháu. Tôi sẽ cầu nguyện cho ông bà và gia đình..
Người đàn bà vẫn cố nhét tiền vào tay cha trong khi ông chồng đang chọn mấy loại chỉ vá lưới nói chen vô:
-Cha phải lấy tiền chứ nếu không...
-Ơ, cái ông bà này kỳ cục; vậy cứ không lấy tiền thì cầu nguyện không thiêng à! Được rồi, tôi nhận, nhưng phải đem tiền này về đong gạo cho các cháu ăn.
Cha Lành cầm lấy tiền, vuốt thẳng lại và gấp đôi, quay qua nhét vào túi áo sơ mi người chồng khiến anh ta phải đứng im, nghệt mặt ra tỏ vẻ rưng rưng cảm động. Không hiểu anh cảm động vì cha thông cảm cho hoàn cảnh gia đình anh hay vì nghĩ đến hoàn cảnh gia đình đang gặp lúc túng quẩn lại gặp cảnh khó khăn tai họa này. Sự cảm động của người đàn ông do mấy lời nói nửa diễu nửa an ủi và cử điệu thân tình đối với cặp vợ chồng lâm cảnh khốn khổ khơi dậy nơi lòng cha Lành những hình ảnh và tâm tư ngày cũ, 11 năm về trước...
-Anh Tam bảo chú Lành tối hôm nay sau khi ăn cơm xong qua gặp anh ấy.
Kèm theo lời nói là 4 con mắt của hai người, mẹ và chị Tam, đang nhìn thày Lành tỏ vẻ thương hại, ủi an...
Thày Lành ngày ấy, sau 3 năm vất vưởng sống lang thang rày đây mai đó cho qua ngày đã kiếm được chỗ đi làm ghe te đánh tép nơi vùng Chu Hải gần Bà Rịa nằm trên quốc lộ 15 nối liền từ quốc lộ I dẫn từ Sài Gòn ra tới Vũng Tàu với hy vọng sẽ có ngày vượt biên. Trong những ngày sống tại quê cũ, sáng sáng thày giúp cha xứ cho giáo dân rước lễ bởi chỉ có mình ngài coi gần 8000 người. Một buổi sáng, hai cha con đang uống cà phê tâm tình, cha xứ dịu dàng bày tỏ:
-Nếu thày là con thiêng liêng tôi, tôi đề nghị với thày chọn một trong hai con đường: hoặc là lập gia đình hay là kiếm đường vượt biên.
Cảm nghĩ bất lực chợt hiện rõ nơi tâm tư; đã bao lâu nay nó âm ỉ gậm nhấm nơi lòng thày chờ dịp phát xuất. Cuộc đời kể như tứ cố vô thân, anh em họ hàng ai cũng là người túng quẩn trong lúc này mà mình là người khốn khổ nhất nên mang mặc cảm người ta sợ mình bám víu khiến thày như lịm chết trong thân xác thiếu phần sinh động. Chẳng lẽ chỉ có hai con đường thôi ư! Thày Lành cố mơ hồ bám víu. Mà đường nào có thể là con đường thứ ba với năng lực tự mình thực hiện được?
Cha xứ nói xong, nhìn thày Lành ngồi âm thầm chết lặng dường như để tâm trí bay tận cõi xa xôi nào đó bỏ rơi thực tại hiện hữu. Câu nói của ngài đến tai thày có sức mạnh của một cây kim hỏa đập mạnh vào hạt nổ viên đạn thầm kín làm đầu đạn bị đẩy bay đi kéo theo nỗi lòng người trẻ khiến thày lộ nét ưu tư. Tay thày nhè nhẹ xoay chiếc ly thủy tinh ngắn rộng miệng chứa đựng một nửa chất cà phê đậm màu cánh gián sóng sánh theo cử động. Ngài thinh lặng nhìn người trẻ tuổi, dịu cặp mắt con ngươi hai tròng dõi theo mấy ngón tay không chủ đích biểu lộ một tâm hồn giao động đang phải đối đầu với quyết định hoặc suy nghĩ gay cấn bất ngờ. Mấy tháng nay, qua những lần nói chuyện đơn sơ với người trẻ tuổi này, ngài thấy tiềm ẩn bên trong dáng dấp cởi mở bình thường một năng lực phấn đấu vượt bực, một tấm lòng chân thành ngay thẳng, và một tâm huyết phá núi xây thành nhưng có điều lạ ít khi được phát xuất từ cửa miệng của chính con người ấy. Những nhận xét thực tế rõ ràng, không che dấu, không thiên vị được vạch trần mỗi khi ngài hỏi đã dám thẳng thắn nói lên và thường kèm theo điều kiện phải giữ kín trước khi phát xuất... đã chứng tỏ hình như sau lớp vỏ đơn sơ bề ngoài đang được nhào trộn, xếp đặt các thực trạng hiện tại hầu mở lối cho một toan tính phức tạp chưa chịu ló dạng đầu mối nơi người bạn trẻ độc nhất mà ngài đã có thể tin tưởng được giữa gần 8000 con chiên của xứ đạo trong giai đoạn này. Ngài đã dùng nhiều cơ hội thử tính tình người bạn trẻ nên càng thấy rõ cái trí óc toan tính không đơn giản mà đôi khi có phần kỳ bí được cẩn thận che dấu khó có thể nhận ra nếu không để ý theo dõi trong những dịp bất ngờ ngài giả đò tấn công bằng một vài câu hỏi dường như vô tình.
Ly cà phê cứ được nhè nhẹ xoay tạo nên tiếng cạ trên mặt bàn khiến ngài có cảm tưởng tất cả những khó khăn, khốn khổ nơi cuộc sống của người bạn trẻ đối diện đang được dồn ép làm thành áp lực thúc đẩy tạo nên ý chí quyết định hoặc buông xuôi hay phấn đấu với cuộc đời để dành giựt phần thắng. Thày Lành như pho tượng trầm mặc suy tư ngoại trừ đôi mắt chăm chăm mang vẻ mơ hồ dõi sang phía bên kia ly cà phê để rồi xuyên thủng mặt bàn chìm vô cõi mông lung nào đó. Mấy ngón tay vẫn xoay động chiếc ly đều đều như đang vạch đường định hướng. Vài phút trôi qua, thày từ từ ngẩng lên nhìn cha xứ, giọng chậm rãi:
-Con sẽ trả lời cha tuần sau...
Một tuần lặng lẽ qua, cha xứ âm thầm tiếp tục theo dõi người bạn trẻ xem có gì khác lạ nơi thái độ nhưng chẳng nhận được gì... Con người rề ngoài mang vẻ vô tư, may ra dễ chấp nhận thực tại cuộc đời... Ngài đôi lần thầm nghĩ... Nếu bạn quyết định ở lại, ít nhất tôi còn có được một người thông cảm, am hiểu trong hoàn cảnh khắc khổ này...
Sáng thứ hai sau khi tan lễ, cha xứ vừa bước ra khỏi phòng áo thấy thày Lành vẫn còn đứng nơi bậc thềm thấp nhất của lối ra, hướng về phía nhà xứ, hai tay xuôi trong túi áo dòng hình như chờ đợi.
-Sao, sáng nay uống cà phê với tôi chứ?
-Con đang chờ...
Suốt khoảng thời gian uống cà phê, hai người chỉ nói chuyện mưa nắng đâu đâu để rồi trước khi từ giã ra về, thày Lành bí ẩn nhìn cha xứ nói nhẹ:
-Con sẽ vượt biên dù không biết sẽ phải làm gì bây giờ. Chỉ một điều con muốn cha để ý là từ hôm nay cha đừng tin những gì người ta sẽ đồn thổi về con. Nếu có chuyện gì lạ tai cha muốn biết, cha hỏi con sẽ giải thích.
-Không sao đâu, tôi hiểu thày mà. Từ nay, nếu khi nào thày muốn ăn cơm, cứ việc nói con cháu nấu thêm, khỏi cần nói với tôi...
Tin thày Lành sắp lấy vợ bùng lên từ cửa miệng những người thân quen và người ta nói với nhau những ý nghĩ cảm thông cho hoàn cảnh, thân phận nghĩ rằng đó cũng là một lối giải quyết chấp nhận cho yên phận cuộc đời... Trong khi thi thoảng người ta thấy thày loáng thoáng bắt xe đò trước chợ dọc theo quốc lộ 20...
Con quốc lộ 15 tuy là đường giao thông chính yếu nối liền quốc lộ I dẫn từ Sài Gòn ra Vũng Tàu nhưng sau năm 1975, xe cộ thưa thớt. Thỉnh thoảng vài chiếc xe nhỏ được biến chế chạy bằng than đeo cái bình lửa to tổ bố phía sau, chở khách buôn thúng bán mẹt, ì ạch leo những con dốc thoai thoải gần như muốn bò. Khoảng nửa chiều tới sáng thì con đường kể như không còn sinh động, nằm dài ngoằng xuyên qua các thôn làng hẻo lánh dọc hai bên, chấp nhận mang trên mình hình bóng những người dân quê đi bộ ngang qua hoặc xe đạp đây đó vài ba người lèo tèo nói chuyện. Thỉnh thoảng có tiếng xe gắn máy rướn giọng ré lên một cách tức tưởi không đều như cố la lên cho loài người biết cảnh già nua xuống dốc của mình nơi những ngày cuối đời thiếu may mắn phải chạy xăng pha dầu hôi. Đêm xuống, con đường thật yên, lặng lẽ chìm dần theo bóng tối nặng nề tràn tới như cố tránh ánh đèn leo lét hắt ra từ những căn nhà hay hàng quán lưa thưa đây đó được dựng sát bên lề.
Hơi gò người bước lên đoạn dốc ngắn từ ngõ vào nhà tới mặt đường, thày Lành bước song song với anh Tam trên đường nhựa về phía cống nước lấy vào ruộng cách nhà khoảng nửa cây số.
-Sao, dạo này đi làm hàng đáy có dễ chịu không?
-Thì cũng thường vậy, anh Tam; quai đáy, ngủ, kéo đáy rồi lại quai, nhặt tôm tép v.v... Làm hàng đáy tương đối dễ chịu và nhàn hơn đi te. Anh muốn gặp tôi có chuyện gì mà có vẻ quan trọng vậy?
-Để mình tới cống nước hãy nói. Thế chừng nào chú định mua máy ráp xuống chiếc ghe mới mua?
-Em định mua chiếc Kubota 12 ráp vô, khi có chuyện chở thuê kiếm chút đỉnh...
Cánh đồng lúa miền nước phèn mang vẻ tối hơn bên nước ngọt vào lúc trời nhá nhem trải rộng dọc theo quốc lộ 15 và bị chặn đứng bởi con đê bao quanh rừng đước. Loáng thoáng đây đó những ánh đèn soi cá khi ẩn khi hiện mập mờ như đom đóm xuyên qua cành cây kẽ lá của rừng đước thấp ngang đầu người chưa kịp lớn bởi những người lấy củi đã chặt hết những gốc già chở ghe về bán củi. Xa xa, vang lại vài tiếng máy ghe te ủi gần trong bãi vọng về theo làn gió biển mang đậm mùi nước mặn của những ngày nắng gắt không mưa. Thày Lành lặng thinh, chân bước đều theo kịp anh Tam, hướng lòng mơ đến viễn ảnh trời mây ngoài khơi một ngày nào đó được lênh đênh trên ghe vượt biên bằng đường biển. Sao Nam Tào nằm phía trước mặt, bên trái hướng chính đông, ghe phải chạy theo đông nam ít nhất 24 tiếng mới ra tới hải phận quốc tế rồi bẻ xuống 160 ly giác một ngày một đêm đoạn 180 hay 200 ly giác tránh bị dạt vào Côn Sơn.
Ngày nào đây và ghe nào đây! Đã một lần vượt biên chạy có cờ, rách nát cả hai bàn chân mà vẫn không đủ hãi sợ để làm nhụt ý chí đào thoát. Tiếng gọi tự do nơi bến bờ nào đó thày chưa một lần đặt chân hoặc được nhìn qua hình ảnh âm ỉ thúc dục, khuyến khích lòng dặn lòng thà chết trên biển còn hơn chấp nhận sống vất vưởng trong cảnh bó chân bó tay không phương thăng tiến. Thày tin vào số mạng, nói theo giới bình dân, cuộc đời mình đã được Chúa an bài, không cần lo âu sợ hãi mà là tính toán, nhẫn nại, chấp nhận giai đoạn hiện tại để bình tĩnh giải quyết những chuyện ngoài ý định không may xảy đến... Sáu tháng làm ghe te không dám lấy tiền công. Thày suy luận, mình là người chân ướt chân ráo, lại không rành đường đi nước bước trong sông rạch, chưa kinh nghiệm làm ghe, nếu lấy tiền công như người khác, chủ ghe sẽ mượn người quen nghề thì mình sẽ mất chỗ làm; mất chỗ làm, lấy đâu cơ hội vượt biên...
-Thế chú định tính với vợ chồng em nó công xá thế nào?
Cụ trùm Xuân, bố vợ chủ ghe te, tay cầm nan tre đan xảo tôm hỏi khi thày Lành vừa bước vào đặt mông ngồi xuống ghế định uống miếng nước trà sau khi gánh tôm tép từ bến ghe về sân phía sau cho bà cụ và con gái sửa soạn đi chợ. Suốt 30 năm từ ngày mới chào đời, lần đầu tiên thày Lành nhận thực ra công việc mình đang làm mang lại niềm hy vọng tương lai. Thày cũng đã làm việc tay chân nhiều như làm rẫy, vô rừng đốn củi, đốn cây, rồi dạy học, buôn bán đồ lạc xoong, bán rượu, bán thịt rông dọc các đường làng hoặc ngồi tại chợ nhưng những ngày ấy gia đình cha mẹ hãy còn là nơi nương tựa; thày không cần lo lắng hoặc sợ mất việc. Tiền bạc thì có được bao nhiêu đưa hết cho mẹ để rồi lúc cần lại cũng hỏi mẹ.
Trải qua những ngày tháng lang thang chạy ăn từng bữa, thày Lành cảm thấy hạnh phúc vì nơi ăn chốn ở cùng việc làm chờ cơ hội. Đi làm ghe theo như lệ những người làm tại Chu Hải, người đi ghe có tiền lương, lại còn được nửa ký tôm mang về ăn trong ngày. Thày Lành ăn tại nhà chủ nên nửa ký tôm đủ bao quát cơm nước... Thế nhưng mọi người không ai thấy thày nhắc đến tiền công, chủ ghe nhờ bố vợ hỏi... Có được nơi ăn chốn ở là hạnh phúc đầy đủ, hơn điều mình mơ ước; hơn nữa, đi làm ghe te đỡ cực khổ hơn kéo lưới rùng lại hy vọng có đường vượt biên... Thày Lành cảm thấy mình hãy còn may mắn... Câu hỏi của cụ trùm quá bất ngờ. 6 tuần đi làm, thày chẳng bao giờ nghĩ đến tiền công bởi lòng còn đang tràn trề với công việc mới trong niềm vui mới vì tuy là đi ghe te đơn giản, nhưng có nhiều mánh khóe nho nhỏ không ngờ có cơ hội học được. Nhớ lại lần đầu đi ghe, trời mới mờ sáng ghe về tới bến Phước Hòa, chủ ghe dùng xe đạp chở tôm tép về chợ bán để thày Lành ở lại rửa ghe và cọc lại khi con nước lên cao. Sau khi công việc thu dọn trên ghe tươm tất, thày Lành chui vào trong khoang đánh một giấc tới khi trời sáng bảnh, nước đã lớn, người người đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa và chuyến đi đánh tôm buổi chiều. Con ghe thày Lành được cắm cách bến chẳng bao xa, chỉ độ 20 mét, nổi lềnh bềnh nhẹ chao theo gió. Lần đầu tiên cầm cây sào cắm ghe, rút lên sợ ghe trôi mà chống lại không biết... Cuối cùng cũng đành liều, thày nhổ sào chống bừa xuôi theo mạn ghe định đưa vào bến. Chống ghe cũng cả là một nghệ thuật; mặc dầu thày biết dùng bai chèo nhưng ghe máy không dùng chèo; thế là loay hoay ra sao không biết, thày chống luôn cả mình xuống nước cái "ùm". Sào cắm sâu xuống bùn, thày Lành bì bõm và nước cũng may không lụt đầu người trong khi ghe lặng lờ trôi xa theo chiều gió. Cả là một cảnh cười ra nước mắt! Cũng may, vì những ngày đợi việc thày gia nhập ca đoàn hát ở nhà thờ nên một số người làm ghe trong xứ biết đến giúp... Buổi chiều, ghe được đưa về bến Chu Hải, thày hì hục tập chống ghe.
-Vậy chú chưa biết chống ghe à?
Anh chủ ghe nghe người ở bến kể lại không nói gì, lúc đánh ghe về bến nhà mới hỏi.
-Thì có bao giờ làm ghe đâu mà biết anh!
-Sao chú không nói cho tôi biết?
-Ồ! Lính mới đâu biết chi mà hỏi.
-Thì chống ghe cũng dễ thôi, khi về tới bến, chỗ nước cạn, tôi để chú tập chống. Chỉ hai ba lần là biết; chẳng có chi khó đâu.
Anh chủ ghe nhẹ nhàng với thày Lành bởi hai người đã qua một đêm đánh te được khá tôm tép. Hơn nữa, đêm rồi cũng là đêm đầu tiên anh đánh tôm trên chiếc ghe của mình. Xưa nay chỉ đi xịch, có vài lần đi ké ghe te người anh ruột, được cho ít đồ ăn mà thôi nên cũng còn ngỡ ngàng. Những gì học lóm được trong vài lần đi ké, anh áp dụng cho buổi ban đầu nên vẫn thấy loạng quạng; thế mà lại gặp ngay người giúp việc không biết chống ghe bởi "lính mới tò te."
Tuy nhiên, dầu mới chạy ghe te của mình lần đầu, tôm tép đánh được không thua sút người khác mà có phần hơn, báo hiệu những ngày tháng tới thoải mái làm anh cảm thấy nhẹ hẳn nỗi lo lắng trong lòng. Chạy chọt anh em họ hàng, bà con thân thuộc vay công bốc nợ mua được chiếc ghe nhưng lại lo lắng không biết tôm tép ra sao với hy vọng trả xong nợ cho mau. Còn thày Lành, người làm mới thì lại thật là mới, chẳng biết gì về lạch ngòi, tuy nhiên, có lắm sáng kiến mới. Bởi lần đầu tự lái ghe mình, anh chủ ghe cũng hơi e ngại nhưng vẫn phải bắt tay vào việc. Khi đã nổ máy chạy vô con lạch đang cho ghe chậm lại chuẩn bị hạ càng, thày Lành nói với anh nếu khi nào thấy thày giơ tay lên nơi phía trước thì bớt tay ga cho ghe chậm lại. Không hiểu thày Lành định làm gì nhưng anh vẫn đồng ý. Càng te hạ xuống mới chạy được chừng 500 thước, thày ngồi phía trước giơ tay ra hiệu cho anh bớt máy thế rồi thấy thày vẫy vẫy có ý nói bỏ cách bờ một miệng te. Anh im lặng đẩy cần lái rồi cho máy nổ mạnh... Cũng chừng 500 thước lại thấy thày giơ tay, anh bớt ga; thày Lành giơ lên đùm lưới óng ánh màu hồng tôm tép, niềm vui hiện nơi sắc mặt và vẫy tay xuôi ra hiệu cho ghe chạy tới... Thông minh thế mà, anh nghĩ, lại không biết chống ghe...
Còn đang theo mộng lại những ngày mới làm ghe, tiếng cụ trùm lặp lại:
-Sao, chú nghĩ gì mà im lặng vậy? Tính tới nay là hết tuần thứ sáu rồi, tháng rưỡi qua mau thật. - Trong khi tay cụ vẫn đều đều đan nan tre vót nhẵn.
-Thật ra, cuộc đời con đã mang nặng nợ ân oán thiên hạ nhiều rồi. Hơn nữa, anh chị ấy vay công bốc nợ mới mua được ghe te đi làm chưa được bao lâu. Thôi thì âu cũng là dịp tốt để con trả nợ lại những người con mang ơn trong lúc túng quẩn qua anh chị ấy...
-Chú nói sao tôi không hiểu. Chú tính thế nào, nói cho tôi biết để tôi nói cháu trả tiền công cho chú.
-Thì bây giờ hãy cứ lo trả nợ tiền ghe trước, khi nào hết nợ sẽ nói đến chuyện công xá cũng không muộn.
-Sao chú lại nói vậy! Tiền công là tiền công chú làm, còn tiền nợ là do cháu mua ghe khác biệt chứ.
-Con chỉ cần có chỗ ăn ở và đi làm trong lúc này là đủ, còn công xá để tính sau, chưa có gì vội đâu.
Sáu tháng trôi qua, tiền nợ ghe đã trả được một nửa; thế rồi chủ ghe tham gia vào một chuyến vượt biên...
-Anh làm thế mà không e sợ à!
-Đã sợ thì không làm, mà đã làm thì không sợ.
Và rồi vượt biên bể, ghe mất, người trốn chui trốn nhủi. Thày Lành lê hai bàn chân rách nát về lại xứ cũ đi cắt dây khoai lang bán cho người nuôi heo mong kiếm miếng cơm qua ngày. Năm tháng sau, trở trở làm hàng đáy đến nay vừa chẵn 3 tháng... Không hiểu anh Tam định nói chuyện gì...
Dầu đang trong những ngày nóng nực, buổi tối nơi miền quê đem lại khí hậu dễ chịu khác hẳn khi mặt trời còn vương bóng trải ánh nắng gay gắt trên vùng đồng cát nước phèn. Phía dưới cống, mặt nước lặng lẽ êm xuôi không gợn sóng như âm thầm chất chứa những thay đổi theo dòng thời gian, cảm nhận những khuôn mặt lạ hoắc hấp tấp bước đi trong đêm tối tìm đường vượt thoát dõi theo bờ ruộng dẫn tới phía bên kia con đê nơi những chuyến ghe e sợ hối hả chờ đợi. Nhìn vũng nước gần như ngưng đọng, thày Lành nhớ lại 4 con mắt nhìn mình khác lạ sáng nay sau khi gánh tôm tép về... Chắc phải có chuyện gì quan trọng lắm; nếu không, việc gì phải ra đây nói chuyện riêng...
-Thôi mình ngồi xuống đây nói chuyện...
Anh Tam từ từ cất tiếng, dường như cố lấy giọng bình thường mở đầu một vấn đề khó nói. Anh tiếp:
-Công việc hàng đáy dạo này thế nào; chú có thấy cực nhọc lắm không?
Anh lặp lại câu hỏi lúc nãy gợi thày Lành cảm nghĩ có chuyện gì khó cho anh nói ra. Chính anh là người giới thiệu cho thày đi làm ghe te và dĩ nhiên quen biết gia đình anh từ dạo ấy. Sau này, khi ghe te bị mất, trước khi làm hàng đáy, thày Lành có dịp rảnh rỗi sửa mấy chiếc cậu cửa cho cụ trùm, rồi thay phần dưới khung cánh cửa bị mục. Thấy cũng được mắt, cụ trùm nhờ thày đóng cho chiếc chạn bọc lưới đựng đồ ăn. Bởi cụ muốn để chạn trên chiếc sập, thày Lành đóng chiếc chạn gần như vuông khiến cụ chê lên chê xuống... - Chạn gì đóng như chiếc cũi chó. - Cụ cứ ra vào lẩm bẩm. Thày Lành biết cụ không để ý là chạn sẽ được đặt trên chiếc sập, nếu đóng dài như bình thường đặt dưới đất sẽ bị cao lêu nghêu. Đến khi xong, chạn được bỏ lên sập coi cũng tạm được thì cụ lại khen đẹp. Có lẽ anh Tam cũng để ý thày Lành từ lâu, hiểu được cá tính thâm trầm của thày trái nghịch với kiểu cách bên ngoài nên còn đắn đo e vô tình làm phiền lòng, bất mãn... Thày nhẹ giọng cởi mở:
-Làm đáy trong sông nào có chi khổ cực đâu anh, lại thoải mái nữa.
-Chú H. Có than phiền gì với chú hay không mà sao có vẻ không được hài lòng...
-Anh nghĩ em lười không chịu làm để đến nỗi anh H. khó chịu...?
-Tôi chỉ thấy chú ấy lắm khi có thái độ bất mãn...
-Anh ấy muốn làm được nhiều tiền để trả nợ và cũng muốn làm chuyện vượt biên nhưng không biết móc nối ra sao và làm thế nào.
-Vậy tiền công của chú làm hàng đáy mỗi ngày được bao nhiêu?
-Từ kỳ đi làm ghe te đến giờ em có biết đồng tiền công là gì đâu!
-Chú nói sao?
-Em đi làm có phải vì tiền công đâu và anh có bao giờ nghe thấy ai nói trả tiền công cho em đâu. Anh có thể hỏi anh chị H. thì biết.
-Tôi vẫn chia tiền công cho chú mà!
-Anh có bao giờ đưa tiền cho em đâu, anh thử hỏi chị ấy coi, em chưa bao giờ nhận tiền công nơi chị ấy mà.
-Chú Lành, tôi đã hiểu lầm về chú. Bao lâu nay tôi cứ nghĩ chú lấy tiền công, và tôi vẫn trả tiền công của chú. Tôi lại thấy chú hay trò truyện với con Nga nên tôi nghĩ sai...
-Anh xem, mục đích của em không phải là kiếm sinh kế hằng ngày; em lại phải cố làm cho mọi người biết mình để không ai đặt vấn đề nghi ngờ; rồi lại bày chuyện cặp với cái Nga cho du kích, công an không để ý. Em không vượt biên được sẽ không thể nào học làm linh mục vì bố mẹ em đang ở Mỹ. Em đâu dám nói với ai...
-Bây giờ tôi mới hiểu chú muốn gì; thế mà tôi cứ ngỡ chú định lấy con Nga...
-Bỏ qua chuyện đó đi anh; đâu có bao giờ em ngờ rằng cuộc đời em phải trải qua những ngày như thế này. Thật ra, em cũng chưa rõ Chúa muốn em có kinh nghiệm này để làm gì!
-Ước gì tôi có được người em trai; tôi sẽ cố đào luyện cho em tôi bằng mọi cách... Tôi muốn nhận chú làm em, chú có đồng ý không?
-Anh hiểu em là đủ rồi. Được, em chấp thuận, nhưng anh không nên nói cho bất cứ ai biết, kể cả chị ấy...
-Tôi tin chú... Chú có thể cho tôi biết chú H. thế nào không?
-Anh ấy muốn được anh giới thiệu với người ta để lo chuyện vượt biên kiếm vốn hầu tính chuyện đưa gia đình đi... Có lần chị ấy nói với em là anh không chịu giới thiệu anh H. mà anh giới thiệu người khác. Hơn nữa, nếu anh H. không làm chuyện vượt biên thì bao giờ mới nổi lên được. Riêng anh H., nhiều lần anh ấy bối rối tự than là không biết làm sao cho khá hơn. Kỳ còn ghe, anh ấy làm ra tiền, nghe đâu mới sáu tháng đã trả nợ được một nửa. Còn bây giờ...
-Chú nhận xét chú H. có cá tính ra sao?
-Em không thích nói nhận xét về cá tính của người khác theo ý mình nhưng anh đã hỏi, em trả lời với điều kiện anh phải sống để dạ, chết đem đi. Em không muốn anh H. biết điều em nhận xét. Anh đồng ý không?
-Tôi đồng ý, chú nói đi.
-Anh H. theo em chỉ thuộc típ người ăn no vác nặng, không phải là người mưu mô tính toán. Một hôm, em và anh ấy đang khiêng đồ đi làm ra ghe, em hỏi anh ấy rằng không e sợ tụi công an du kích sao. Anh ấy trả lời đã sợ thì không làm; mà đã làm thì không sợ. Anh coi, vượt biên nếu hụt mất hết nhà cửa, ruộng vườn, ghe cộ của cả trăm người, đến mảnh bát mẻ cũng không còn chứ đừng nói đến nơi ăn chốn ở mà lại không e sợ công an thì đâu có phải là người biết tính toán. Chỉ biết đường tiến mà không tính lối thoái là thái độ của người làm công, phu khuân vác chứ sao có thể tính chuyện lớn được. Hơn nữa, để ý nhìn coi, anh H. có cặp mắt lé kim. Cổ nhân có câu: "Lưỡng mục bất đồng, tâm can bất chính." Em chỉ dám nói, lưỡng mục bất đồng tâm can bất nhất thôi... Hèn chi sáng nay em thấy bà cụ và chị Tam nhìn em khác lạ khi nói em gặp anh tối nay. Có phải mọi người nghĩ em không chịu làm để hết việc cho anh H. nên anh ấy bực bội phải không?
-Tôi đã nghĩ lầm và mọi người cũng lầm theo. Tôi để ý chú từ lúc mới gặp nhưng vẫn không ngờ... Đâu ai có thể nghĩ là chú đi làm không lấy công. Đã không lấy công đâu có thể nói là lười, là bê trễ; hơn nữa cái mục đích của chú như thế làm sao chú bê trễ được... Tôi đề nghị chú tiếp tục làm hàng đáy và nếu có chuyến tôi sẽ gửi chú đi, còn chiếc ghe theo như chú tính bây giờ hơi trễ. Nếu mà có nó cách đây hai năm trước thì rất hợp thời. Thôi mình về nhà uống rượu, còn chuyện chiếc ghe của chú cứ để tôi lo... Tôi nói thực với chú, hãy bình tĩnh, chẳng còn mấy ngày nữa... nhưng nhớ là chú cứ im lặng như từ xưa tới nay...
-Anh đã không ngờ thì đâu cần phải dặn kỹ như thế...
Thày Lành chợt nhớ lại mình nghe loáng thoáng đâu đây sắp có chuyến vượt biên, không ngờ là chuyện sắp tới.
Năm người ngồi quanh mâm rượu đặt trên chiếc sập làm bằng gỗ ván đóng hòm. Ba đĩa đồ ăn trong mâm gồm tôm, cá, và cua gạch vừa bắt về từ hàng đáy sáng nay. Người ta đang bàn chuyện làm thế nào để giải quyết vụ con bé Đanh cùng với hai đứa con gái khác gia nhập cách mạng rình mò ghe vượt biên để đốt lửa báo cho công an du kích bắt...
-Tôi tính làm một chuyến vượt biên giả để nhử chúng nó tới rình mò rồi đập chết quăng xác xuống sông. Còn thằng Tranh hay chạy Honda báo huyện ban đêm thì cho một trái mìn playmore nổ tan xác ở ngang cánh đồng lúa gần Kim Hải.
Thày Lành vừa từ hàng đáy về, nhấp vài hớp rượu đế thưởng thức con cua gạch và mấy con bạch tuộc đoạn ăn lẹ hai chén cơm chan canh tép cho dễ nuốt rồi ngả người nằm lên chiếc chiếu gấp gọn nơi đầu phản, đưa hai tay kê đầu thay gối nghe 4 người khác bàn luận tới lui... Chợt thấy anh Tam, người chủ chốt đưa lên ý định cuối cùng đúc kết ý kiến của ba người khác... Anh Tam thuộc loại người rất dứt khoát và dám thực hiện mọi chuyện táo bạo này... Thày vẫn giữ thế nằm... cất tiếng xen vào cuộc bàn thảo:
-Em có ý kiến...
-Sao từ nãy chú không nói câu nào, mãi giờ cóc mới thèm mở miệng...
-Anh nghĩ là cái Đanh và hai đứa con gái kia tội chúng nó có đáng chết không? Thằng Tranh báo huyện cũng thế. Nếu tội chúng đáng chết, không có gì đáng nói; còn nếu không, đụng đến mạng người, em nghĩ không nên. Có thể nên thuê thằng nhỏ nào đó cặp với cái Đanh để dụ mấy đứa con gái đi nơi khác vào đêm đánh vượt biên không?
-Chú đề nghị cũng có lý... nhưng... coi bộ khó ổn...
-Anh nói khó ổn như thế nào? Hoặc là khó kiếm người tin cẩn hay là sự phiền hà của việc mình trả tiền cho người khác làm sự tội.
-A ha! Cóc mở miệng có khác; cả hai vấn đề chú vừa nói đều khó ổn... Mặc dầu rất hợp tình hợp lý, lại khỏi phải đụng đến mạng người nhưng khi người ta biết mình có chuyến sức mấy họ chịu cặp con nhỏ đi chơi; họ còn phải lo căn me chứ. Chỉ có chú làm vật hy sinh mới an toàn được. Đứa khác biết, cả làng biết thì thà rằng bảo tôi nói toáng lên và đừng làm nữa còn hơn. Chú nghĩ sao? Tôi tính như vầy, mấy ngày này, chú nói con Nga giới thiệu chú với con Đanh, hẹn hò nó vài lần nhưng chỉ được hẹn ban ngày, không được hẹn ban đêm. Tối hôm đó, chú dẫn nó đi Vũng Tàu thuê khách sạn rồi đưa nó đi ăn, ép uống cho say. Đến đúng giờ hẹn, tôi cho người chạy xe Honda đón chú về lên ghe. Chú nghe được không?
-Không hiểu cái Nga có chịu giới thiệu không hay là lại ghen rối lên thì làm sao mà hẹn với hò được.
Cái Nga ở trong ca đoàn, biết nghề y tá, lại làm thư ký ấp nên thày Lành thường phải nhờ gia hạn giấy phép. Chẳng hiểu sao, nàng có cảm tình đặc biệt với thày. Có một lần thày Lành bị cảm không đi làm được phải nhờ người mua thuốc của nàng uống. Nghe tin thày đau, cái Nga bỏ cả việc lo nấu cháo; chuyện này bỗng nhiên biến thành giai thoại tình cảm giữa hai người. Thày Lành biết nàng có cảm tình đặc biệt với mình nhưng không muốn để nàng thất vọng nên chẳng dám mở miệng nói chi. Chỉ âm thầm mang nỗi thương hại mỗi lần tập hát gặp phải cặp mắt nàng dài ra như mơ mộng... Tình cảm nàng đã rõ ràng như thế mặc dầu chưa nói ra mà bây giờ nhờ nàng giới thiệu mình với người con gái khác, sao nỡ đang tâm! Và nàng sẽ nghĩ gì...
-Chú yên trí, tôi sẽ sắp xếp vụ con Nga, bổn phận chú lo cặp con Đanh là đủ... Đừng thắc mắc thêm. Nhớ là cấm hẹn ban đêm...
-Thật là oái oăm, giống truyện Trạng Quỳnh cho ỉa cấm đái...
-Thôi mà... kèo nài cũng chẳng làm ăn nên cơm cháo gì... Chú dám không; tôi đánh cá với chú đó...
-Cần gì phải đánh cá, anh thuê thử coi... Đâu ai đánh thuế người nói khoác...
Cha Lành thinh lặng đứng nhìn đôi vợ chồng chọn chỉ, chọn khâu làm giã trong khi tâm trí trở về với cảnh gian truân ngày trước. Có cách nào để giúp họ được bây giờ... Mình đã lao đao nơi ngày tháng cũ với những khó khăn nên có thể thông cảm được sự phiền não chạy ăn, trốn nợ của kiếp nghèo khổ... Ai là người có đủ năng lực làm phép lạ gỡ rối cho cặp vợ chồng này. Năm tháng chồng chất, khó khăn cuộc đời đè nặng đôi vai khiến thân hình tàn tạ vì không có cơ hội để nghĩ tới vóc dáng chính mình. Chúa ơi! Con dân Chúa lầm than khổ cực thế đó. Muốn cho có hơn, sống dễ thở hơn lại bị lừa nhiều hơn để rồi suốt đời làm thân trâu ngựa. Cuộc sống đã thiếu thốn lại càng thiếu thốn thêm, chai lỳ và phải giả câm giả điếc trước những con nợ róc réo. Trên cao Ngài thấu cho chăng! Con biết kêu ai, nài nỉ ai bây giờ, nên cũng chỉ còn cách giả điếc, giả câm, ậm ừ cho qua. Thế rồi còn bao nhiêu thứ rắc rối nơi cuộc sống lầm than nảy sinh ra... Con cái chưa kịp lớn đã phải lo đi ghe giúp bố mẹ. Ghe nhỏ kiếm người đi phần nào ai muốn bước lên bởi phần làm được ít. Rõ đã khốn lại thêm khổ, mất tất cả; học hành đã không có mà làm lụng lam lũ cũng chẳng tìm đâu thấy tiền...
"Mình không thể giúp người một cách thiếu ý thức ngoài khả năng chuyên môn..." Những lời này luôn luôn được gợi lại nơi tâm trí cha Lành để thúc đẩy ngài đặt vấn đề tìm cách kiếm người giúp việc dân Chúa. Khổ nỗi, chủng viện có bao giờ dạy chủng sinh cách kiếm tiền mà vấn đề đè nặng nơi các giáo xứ vẫn luôn luôn là ngân sách. Chủng viện nào có bao giờ dạy cách chủng sinh nghề lãnh đạo, cách nhận xét người, kiếm người và dùng người để làm việc. Lại nữa, lỡ chọn lầm người sao có thể đuổi họ khỏi chức vụ thay vì cứ chấp nhận để họ bố lếu bố láo làm tào lao thiên tướng hoặc ra vẻ ta đây có danh vọng suốt khóa đem muôn sự khó chịu tới không những dân Chúa mà còn làm phiền hà tới cả mình... Và rồi dân Chúa thì đa chủng, họp lại từ khắp nơi khắp chốn sao cho có thể có được dù chỉ là ý niệm phù hợp với mọi tập quán, tâm não hay cách cư xử của cả lớp người nhào nháo họp lại như thế...
Những hình ảnh sự việc cũ tuần tự diễn qua tâm trí từng chi tiết nhỏ mọn, những khác biệt không bao giờ có thể hòa hợp tiên báo cho những khác thường nặng nề hơn có thể đến trong tương lai... Kinh nghiệm quá khứ gợi lại, cứ những lúc ngài thấy mình bất lực nhất và không còn cách nào xoay xở để đi đến tâm trạng chấp nhận thì an bình trở lại, niềm an bình của kẻ chẳng có chi nên không sợ bị mất khi đã chịu thua thiệt cả sinh mạng, và từ đó ngài tự cảm thấy cuộc đời mình gắn chặt với dòng đời dân Chúa. Nếu Chúa muốn thì Ngài sẽ cách này hay cách kia thúc đẩy dân Ngài làm. Linh mục chỉ như người chiêm ngưỡng, ráp nối những thành phần đơn lẻ của sự kiện lại thành một mối. Linh mục là người giương to mắt ra mà nhìn công việc Chúa đang thực hiện nơi dân Ngài mặc dầu nhiều khi và đa số trường hợp linh mục trở thành người chịu trách nhiệm, chịu những gánh mình không hề nhúng tay đặt nền tảng...
Bài giảng ngài đã diễn thuyết trong lễ tạ ơn của một linh mục bạn, cha Nguyễn Tiến Đắc, khi ngài mới chịu chức vẫn luôn hằn ghi nơi lòng. Đó cũng là kết quả phần nào của những suy tư nguyện cầu về mối liên hệ giữa linh mục và giáo dân hướng dẫn bước đường ngài đang theo...
Quý cha, quý tu sĩ, quý ông bà anh chị em trong Đức Kitô,
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lạy." Mọi người chúng ta thực hành đúng mức ý nghĩa câu tục ngữ này. Có lẽ không ai muốn nói đến bất cứ điều gì không nên không phải của mình. Chẳng những thế, chúng ta lại càng không muốn nghe bất cứ ai nói tới những sự yếu hèn của mình nữa. Tuy nhiên, bài đọc hôm nay, trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô lại nhấn mạnh rằng: "Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi," và đồng thời ngài thêm, "vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ" (2 Côrintô 12: 5). Thử dành vài giây để suy gẫm những lời này, mọi người chúng ta đều nhận ra câu nói, "vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ" mang một ý nghĩa, và ý nghĩa đó là: vì khi tôi nhận thức được mình yếu đuối, lúc đó tôi nhận thức được sức mạnh của Chúa trong tôi, và đó cũng chính là lúc tôi thực sự mạnh mẽ.
Thưa quí cha, quí ông bà anh chị em, nhận thức được mình yếu đuối để rồi nhận ra sức mạnh của Chúa nơi mình là một hồng ân mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta có dám khiêm nhượng, chân thành nhìn ngay thẳng, không thiên vị về con người và cuộc đời của mình hay không! Với sự nhận thức lời của Thánh Phaolô nhân dịp thánh lễ tạ ơn của cha Phêrô Nguyễn Tiến Đắc, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị tâm tình của tôi về sự liên hệ giữa linh mục và giáo dân.
Mọi người đều biết, linh mục được gọi và chọn nơi hàng giáo dân. Điều này nói lên, trước tiên, linh mục là một con người như mọi người. Chúng ta đều kinh nghiệm rằng, đã là người, chúng ta được Chúa ban cho những hồng ân, những sự tốt lành, thánh thiện. Ngay từ khi chịu phép rửa tội, chúng ta được thông phần tư tế, tiên tri, và vương quyền của Chúa Kitô bởi Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta đã được gọi vào hàng linh mục. Cho nên, linh mục là những người dùng cuộc đời mình để trả lời ơn gọi khi chịu phép rửa tội. Lẽ dĩ nhiên, muốn được chọn phải dùng cuộc đời mình trả lời ơn gọi dâng mình cho Chúa trước, bởi không theo, làm sao được chọn.
Đã là người, không ai trong chúng ta tránh khỏi những yếu hèn trong cuộc sống. Hơn nữa, lầm lỗi là chuyện bình thường của con người. Ai không chấp nhận mình lầm lỗi, người đó không chấp nhận Thiên Chúa là đấng thiện toàn. Ai không chấp nhận mình lầm lỗi, người đó không chấp nhận người khác lầm lỗi. Nói cách khác, người nào càng nhận ra và chấp nhận lỗi lầm của mình bao nhiêu, người đó càng thánh thiện bấy nhiêu. Vì thực ra, người nào càng tốt lành, thánh thiện bao nhiêu, càng nhận ra sự tốt lành của người khác bấy nhiêu.
Bởi linh mục được chọn từ con người, linh mục mang tất cả những tính chất của con người. Linh mục cũng phải có những sự yếu hèn của con người. Không có những yếu hèn của một con người, không phải là linh mục. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm trong sự liên hệ giữa giáo dân và linh mục, chúng ta thường không chấp nhận linh mục là một con người. Thánh Phaolô đã rất vui sướng khoe về những sự yếu hèn của ngài, chúng ta kính ngài là thánh trong khi linh mục là một con người, mà chúng ta không chấp nhận những yếu hèn của con người nơi linh mục; có lẽ chúng ta đang muốn cho linh mục trở thành giả hình. Bởi vì chỉ có Chúa mới là đấng thiện toàn, đã là người mà không ai nhận thấy người đó có lầm lỗi, người đó chỉ là người giả hình.
Đọc trong hạnh các thánh, chúng ta chỉ thấy kể lại những chuyện một linh mục thánh thiện giữa đám chiên hiền lành, chứ chưa bao giờ có một linh mục hiền lành giữa đám chiên dữ. Qua những suy luận như thế, thưa quí ông bà anh chị em, chúng ta là những người đang tiếp tay đào tạo linh mục trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang chia xẻ với linh mục đời sống tông đồ của ngài. Chúng ta vui, linh mục vui; chúng ta buồn, linh mục không sung sướng gì. Cuộc sống, tâm tình của chúng ta thế nào, chúng ta đang góp phần cho linh mục của chúng ta thế ấy. Xét như vậy, chúng ta cũng đang cùng với linh mục thi hành chức vụ linh mục trong cuộc sống của chúng ta. Linh mục cần được chúng ta chân thành thông cảm, am hiểu, và chia xẻ những gánh nặng của chủ chăn chứ đừng lồng ngài vô khung kính, lau chùi láng bóng bên ngoài, và để ngài bị mục nát phía trong. Tóm lại, chúng ta có thể nói, linh mục là bộ mặt và là thực trạng biểu hiệu cho tính chất cộng đồng ngài đang coi sóc.
Với tâm tình liên kết cùng linh mục trong việc phụng sự Chúa và dân Ngài, chúng ta dùng một phút thinh lặng - cảm tạ Chúa vì những hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta và dùng tâm tình này hợp với thánh lễ - cầu nguyện cho ơn kêu gọi dâng mình cho Chúa. Xin Chúa chúc lành nơi quí ông bà anh chị em.
Những ngày thường cha Lành không giảng vì chỉ có 20, cùng lắm là 23 phút dâng lễ. Hôm nào ông từ lần hạt chậm một phút là mất một phút vì thế cha Lành phải dâng lễ sao cho nhanh hơn một phút bởi nếu lâu hơn, một vài giáo dân không kịp giờ đến sở. Lẽ đương nhiên, dâng lễ đâu phải như chiếc máy cassette, ông cha đọc như cái máy, thi hành những cử điệu giơ tay giơ chân giống robot! Có một ông cụ kia hình như có điều gì tức với cha xứ; hôm đó, chẳng hiểu uống rượu đâu ngà ngà và bị ai nói khích thế nào, vô gặp cha xứ đối chất. Nói lung tung trời bể một hồi liên quan đến vấn đề làm ăn cực khổ, lễ lạy, ông cụ lè nhè thốt: "Cha chỉ quay ra quay vào mấy phút thì bằng chúng con làm cực khổ cả ngày..." Dâng lễ nào phải chỉ là quay ra quay vào; nếu quay ra quay vào thì ai quay chả được. Dâng lễ là sự thờ phượng cao siêu nhất của đạo Công Giáo. Hai mươi ba phút dâng lễ còn phải vội vàng phương chi thêm vài phút giảng. Cha Lành chỉ giảng vào những ngày chủ nhật, còn lễ trọng không nhằm ngày nghỉ việc, chỉ hai hoặc ba phút là nhiều nhất. Nói quá, không kịp giờ đi làm là mất việc, ai dám đi dự lễ! Hơn nữa, nhớ lại kỳ còn nơi chủng viện với môn học về giảng giải, hội đồng giám mục Hoa Kỳ có soạn một cuốn sách hướng dẫn về giảng khá hay, trong đó có một câu ngài cho là hay nhất thỉnh thoảng tự nhắc lại, đại khái, "Nếu bạn có gì nói thì nói ra đi, còn không, vì Chúa, xin im cái miệng lại..."
Người ta cứ nói, muốn nói ngoa làm cha mà nói. Cha phần đời nói ngoa, vợ con đâu chịu mà còn có khi ra tòa là đàng khác. Cha phần đạo nói ngoa coi chừng cũng ra tòa. Ngày xưa chữ giảng thường được kèm theo chữ dạy; ngày nay chữ giảng không mang nghĩa giảng dạy mà mang ý thức sâu rộng hơn: công bố tin mừng, công bố Lời Chúa hoặc rao giảng Phúc Âm... Ngày còn trong chủng viện, vào giờ học cuối cùng của môn giảng thuyết năm thứ tư, linh mục giáo sư nói một câu đơn sơ nhưng cha Lành còn nhớ mãi mỗi khi soạn giảng:
-Quý thày nhớ dùm mỗi khi giảng sau này: làm ơn để ý đến tâm tình của giáo dân.
Nói rằng giảng dạy chứ thực ra, chỉ có giảng mà không dạy; bởi giảng là chia xẻ Lời Chúa với người khác còn dạy thì đôi khi thường bị hiểu lầm. Có một lần mấy thày ngồi nói chuyện về giảng, một thày kể lại có một cha muốn quyên tiền làm nhà xứ tại Việt Nam mà giáo dân vì có một vài điều không đồng ý với ngài nên tỏ ý không chịu đóng góp. Vào một ngày chủ nhật ngài tuyên bố trong bài giảng:
-Trong Phúc Âm, Chúa dạy rằng "Ai không nghe 'con' là không nghe Ta;" - thày ấy nói tiếp - "Nó không chịu làm điều mình muốn thì lại nói ai không nghe mình là không nghe Chúa!
Giảng Lời Chúa đâu phải là bảo người ta phải làm theo ý mình mà là giải thích Phúc Âm áp dụng vào đời sống hằng ngày để khuyến khích người ta sống Phúc Âm; sống Phúc Âm chứ không phải sống theo ý mình bởi mọi người có quyền tự do chọn lựa lối sống của họ. Mình đề nghị, giải thích mà không có quyền bắt buộc. Như thế linh mục là dung môi, là tiên tri theo nghĩa thức tỉnh, nói cho người khác nhận biết ơn cứu độ của Chúa đã được chuẩn bị sẵn nơi chính cuộc sống họ để họ mở rộng tâm hồn đón nhận và sống ơn cứu độ. Hơn nữa, những đề nghị linh mục đưa ra trong bài giảng, có thể nói, là đề nghị cho chính mình; giáo dân nghe giảng rồi thực hành theo hay không tùy sự lựa chọn và quyền tự do của họ. Thực tế hơn, họ sống theo lời linh mục giải thích, đề nghị hay không thực sự tùy thuộc vào cung cách đối xử, thái độ của linh mục với giáo dân chứ không phải bất cứ điều gì linh mục nói ra là "Lời Chúa phán" như quan niệm cổ xưa. Nhớ lại ngày còn đi học thần học tại Chicago, một hôm cha giám thị nhà kêu thày Lành vô chỉ trích một số vấn đề rồi đưa ra một mẫu làm việc thày nên theo...
-Thưa cha, những đề nghị của cha thật hay nhưng chỉ đúng cho chính cha và chỉ cha mới cần áp dụng. Con ăn cơm với nước mắm ngày ba bữa ngon lắm nhưng không thể nào ăn được loại cheese xay nhão. Con không đề nghị cha ăn nước mắm thì yêu cầu cha cũng đừng đề nghị con ăn loại cheese đó...
Vì thế thày bị kết án là bướng, là không biết vâng lời. Thày nghĩ, Chúa ban cho mình bộ óc mà không dùng để suy nghĩ tức là coi rẻ hồng ân của Ngài. Vâng lời một cách ngu xuẩn là khinh chê ơn Chúa đã ban bộ óc biết suy tư cho mình. Hơn nữa, vâng lời đâu phải bảo sao làm vậy! Mình là người, mình có sai lầm và bề trên cũng là người, đã chắc gì bề trên luôn luôn đúng. Nếu đã có ít nhất một lần sai thì có thể có lần thứ hai và rồi lần thứ ba... Thế nên vâng lời một cách máy móc vừa khinh chê ơn Chúa vừa từ chối sự tự do mà chính Chúa cũng tôn trọng nơi mình. Nghe những người xưa kể lại chuyện bề trên sai đệ tử trồng cây ngược để thử đức vâng lời, thày Lành cứ ngẫm nghĩ: cái nhà dòng ấy chỉ tuyển chọn những người đần. Ôi! "Ba năm ở với người đần, không bằng một chốc đứng gần người khôn." Thế mà cứ cổ võ đức vâng lời một cách vô ý thức. Phải là mình, thày nghĩ tiếp, mình sẽ đuổi tất cả những đứa ngu si trồng cây ngược. Nếu trồng những cây bình thường ngược mà tin rằng có thể mọc thì người trồng tất nhiên phải là bất bình thường, càng nên tống cổ ra khỏi nhà dòng bởi sự ngu dốt, không biết dùng lý trí của một con người bình thường. Hơn nữa, người đã dốt như thế thì làm sao có thể chịu đựng sống chung cho được bởi tội lỗi do sự ngu dốt mà ra. Chấp nhận sự ngu dốt là chấp nhận sự tội; ôi, kỳ quái!
Kỳ cấm phòng chuẩn rị chịu chức phó tế, cha giảng phòng là một vị linh mục dòng Tên đã đưa ra một vấn đề thoạt nghe rất ngây ngô nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc:
-Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa chỉ chọn những người thật tầm thường, yếu hèn làm tiên tri hoặc tông đồ hướng dẫn dân Chúa. Một Môi sen lặp năm lặp bảy lãnh đạo dân Chúa chống lại vương quốc Ai Cập giải thoát dân Ngài. Một thánh Phêrô nhát gan chối Chúa làm đầu Hội Thánh. Quý thày nhớ cho, Chúa dùng những người yếu hèn để chứng tỏ quyền năng của Ngài. Những người tài giỏi làm chuyện đại sự; đó là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, dùng những người yếu hèn mà làm được những công việc cả thể; điều này minh chứng Chúa toàn năng biết bao. Thế cho nên, quý thày được Chúa chọn làm linh mục; xin nhớ rằng mình được chọn để làm việc của Chúa thì mình là người yếu hèn... Chẳng có gì vinh quang thuộc về mình đâu! Những vinh quang đều do Chúa; do đó đừng cướp công của Chúa kẻo mà khốn khổ...
Chúa cũng không thể biết được các đấng dòng Tên nghĩ gì, thày Lành nghĩ, thế ra dân dòng Tên đôi khi cũng nói lắm chuyện có lý...
Dĩ nhiên, giáo dân không nói lên những điều bất đồng ý kiến với linh mục khi ngài đứng trên tòa giảng, nhưng không phải họ không nói có nghĩa họ không biết. Đành rằng Chúa dùng những lời đơn sơ mộc mạc của linh mục để hướng dẫn dân Ngài nhưng Chúa chắc chắn không dùng những lời nói không nên không phải, đôi khi tới quá đa quá độ không để ý gì đến tâm tình người nghe. Dùng tòa giảng vì mục đích riêng tư, chắc chắn Chúa chẳng thể làm ngơ, và cũng chắc chắn rằng dùng tòa giảng với mục đích riêng tư thì cũng chẳng tin gì vào Chúa vì có tin chăng thì cũng đã tin rằng Chúa không chấp nhận cho bất cứ thần thánh nào hơn Ngài hoặc động chạm đến con dân của Ngài.
Hơn nữa, linh mục được học về thần học thì giới hạn hiểu biết thuộc về thần học. Chủng viện đâu dạy nghề buôn bán hay nghề điện tử; do đó có những vấn đề, những kiến thức chuyên môn mà một số giáo dân đang tham dự Thánh Lễ đáng bậc thày của mình. Nhảy ra khỏi vòng rào thần học và tu đức, thiên hạ thiếu gì kẻ tài giỏi hơn. Thật ra, các môn học chỉ giúp con người thêm kiến thức về các ngành riêng biệt nhưng nói chung đào luyện con người có khả năng suy luận sắc bén hơn khi áp dụng vào thực tế. Trong số giáo dân nghe giảng có những đầu óc thông minh sắc bén, không liệu bề giảng Lời Chúa, linh mục đã không giúp họ được gì mà đôi khi làm phiền họ... Và như thế coi chừng chủ chăn đuổi con chiên ra khỏi nhà thờ thay vì dẫn dắt con chiên qua sự vô ý của mình.
Rao giảng lời Chúa đâu phải là chuyện cứ muốn nói ngoa làm cha mà nói. Lời Chúa bao giờ không ngược với đời sống tham sân si thế tục. Linh mục cũng là con người; có linh mục nào không phải là người? Mà đã là người, ai tránh thoát tham sân si? Vì thế Lời Chúa đâu phải chỉ được dùng để "dạy" giáo dân mà linh mục bị dạy trước tiên khi suy gẫm hoặc soạn giảng. Dù cho bao nhiêu nhà thần học, bao nhiêu nhà chú giải Kinh Thánh làm việc, suy tư từ đời nọ qua đời kia thì Lời Chúa vẫn cứ còn như một màn bí mật chỉ mới được bắt đầu vén lên. Bao nhiêu thư viện chứa sách vở thần học, Lời Chúa vẫn còn đầy huyền nhiệm. Có chăng các nhà thần học, tu đức học, chú giải Thánh Kinh, chỉ mới làm sáng tỏ được một phần nào sự áp dụng Lời Chúa trải qua các thời đại. Giảng là áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống tâm linh để rồi được thực hiện qua cách sống, thái độ, ý thức tùy thuộc từng hoàn cảnh môi trường, hoặc sự nhận thức hiểu biết cá nhân.
Năm giúp xứ tại Xuân Ninh, Cam Ranh, một buổi tối dạo mát nói chuyện với cha xứ ngài nói:
-Lời Chúa lắm lúc không thể nào giải thích được vì rất ngược tai. Không thể hiểu Chúa muốn nói gì qua đoạn Thánh Kinh...
Mặc dầu đồng ý với cha xứ nhưng thày Lành ngày ấy còn ngây ngô, chưa biết gì về thần học nên không dám tán đồng ý kiến và cũng chẳng dám thêm thắt chi, chỉ nhận thấy nhiều vấn đề không "thuận tai" trong Kinh Thánh! Nhưng thày nghĩ, nếu Kinh Thánh chỉ viết những điều thuận với mình thì có chi phải học, có gì nên theo do đó đâu cần giảng, đâu cần phải suy nghĩ. Mình chỉ suy nghĩ, tìm hiểu những gì chưa hiểu, chưa biết chứ đâu ai tìm hiểu điều mình đã biết. Lời Chúa nếu thuận tai mình thì mình không phải là người mà là thánh bởi chỉ có thánh mới sống đúng theo lời Chúa.
Bao nhiêu lâu rồi người ta đọc Kinh Thánh, đọc Phúc Âm, nhưng được mấy ai nhận ra rằng Kinh Thánh được viết để minh chứng một cách ám chỉ về Thiên Chúa chứ không phải Kinh Thánh là một bộ sử của người trần thế; nói khác đi, Kinh Thánh không phải là bộ sử của dân Do Thái. Kinh Thánh viết lại kinh nghiệm về Chúa của dân Do Thái chứ cũng không phải sử của Chúa của dân Do Thái. Nếu Ađam và Evà là người đầu tiên vậy thì ai chứng kiến cảnh Chúa lấy xương sườn cụt của Ađam nặn thành Evà mà ghi chép lại. Nếu coi Kinh Thánh là bộ sử thì người mà Thiên Chúa dựng nên đầu tiên phải là người viết hay người kể lại Kinh Thánh chứ không phải Ađam hoặc ít ra Ađam phải là người thứ nhì và Evà là người thứ ba nếu người viết Kinh Thánh là người đàn ông. Nếu người viết Kinh Thánh là người đàn bà thì chắc chắn sẽ không thể nào có Evà từ xương sườn cụt theo nghĩa giấy trắng mực đen!
Quan niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen như bộ sử ký đã gây nên không biết bao nhiêu tai hại, phân rẽ. Ngày xưa, gọi là xưa thôi, ông bà ta cấm con cháu đọc truyện Kiều cũng chỉ vì hiểu Kiều theo nghĩa đen. Nào có ai tên Thúy Kiều, Thúy Nga có cuộc đời giống như Nguyễn Du đã mô tả trong Đoạn Trường Tân Thanh; mà Thúy Kiều được dùng ám chỉ Nguyễn Du, tác giả "Truyện Kiều". Nguyễn Du lại là đàn ông sao có thể bị bán vào lầu xanh; thế nên lầu xanh cũng chỉ là một biểu tượng được tác giả dùng để nói về cảnh khổ ải tâm tư của mình đối với thực tại của thân phận trong "hàng thần lơ láo." Kinh Thánh cũng được viết ám chỉ, phải được hiểu theo nghĩa bóng tương tự như thế.
Hơn nữa Kinh Thánh được viết dựa theo phong tục tập quán người Do Thái cùng những ảnh hưởng của kiến thức thời đại 2000 năm về trước nên càng khó hiểu. Lời Chúa được diễn giải theo biểu tượng ám chỉ trong khi cứ tin theo nghĩa đen của Kinh Thánh để rồi tưởng rằng nắm được chân lý trong tay tha hồ vùng vẫy; có lẽ Chúa cũng phải nực cười; mà có nói ra sẽ bị cho là bướng, là không vâng lời, là rối đạo. Năm thứ nhất thần học tại C.T.U. (Catholic Theological Union), Chicago, tuần nào thày Lành cũng cố kiếm lấy một giờ gặp cha giám đốc nhà trường vì ngài dạy lớp nhập môn thần học. Một hôm thày băn khoăn hỏi cha:
-Thưa cha, con không hiểu trí khôn mình sẽ suy nghĩ đến đâu về thần học nhưng son e sợ trở thành rối đạo.
Cha giám đốc nhìn thày ngỡ ngàng, đoạn ngẫm nghĩ chút xíu, ngài trả lời:
-Tôi nói cho thày biết, những người rối đạo là những người tuyệt đối thông minh. Thày không thông minh đủ để có thể rối đạo. Cứ yên trí suy luận.
Câu trả lời đơn sơ nhưng thật tuyệt vời giúp thày Lành xóa bỏ được tất cả những tự ty mặc cảm e sợ đã chồng chất bao lâu nay, kể từ ngày mới lớn, biết đặt vấn đề suy tư về cuộc đời hoặc những chuyện xảy ra trong cuộc sống liên hệ đến tâm tư nhất là về tôn giáo.
Nhớ lại kỳ còn nhỏ, hôm gia đình thày lợp lại mái nhà, nhờ ông bác ruột làm thợ. Gia đình ông tương đối kể cũng đề huề, 5 gái, 2 trai chỉ phải cái tội người con trai lớn bằng tuổi thày Lành hơi bị dở dở ương ương. Số là ngày xưa ông đi lính Tây, kiếm được ít thuốc Bévitine 1 cho con uống để ăn được cơm. Hơn nữa, thằng bé lại cứ như bị đẹt không chịu lớn. Bà mẹ không hiểu mô tê gì, mỗi ngày cho đứa nhỏ uống hai viên. Nghe người ta nói thuốc B1 có tính chất nóng và vì đứa nhỏ uống quá nhiều nên bị ảnh hưởng tâm tính trở thành bất bình thường. Trong lúc lợp nhà, không hiểu ông bác và những người giúp nói chuyện gì liên quan đến vấn đề các cha giảng dạy; đang ngồi trên mái nhà đóng đinh lợp tôn mà ông bác nổi sùng nói oang oang:
-Cha mẹ sinh người, trời sinh tính. Các cha giảng là nhìn cây biết quả đâu có được. Các cha đâu có đẻ con mà biết... Nếu nói rằng cha nào con nấy thì các cha có dạy người ta đi ăn cướp đâu sao vẫn có những kẻ cướp...
Ông bác kế trầm tĩnh hơn muốn cho êm chuyện, tránh nói đụng chạm đến các cha do đó nói chận anh mình:
-Thì cha chỉ lặp lại Phúc Âm chứ nói gì bác đâu. Phúc Âm chả nói xem cây biết quả là gì...
-Thì Lời Chúa nói mình phải chịu nhưng cũng có những câu nghe chịu không được.
Phúc Âm đối với những người bình dân, quê mùa mộc mạc mà còn như vậy, phỏng với cuộc đời rắc rối hơn, sự hiểu biết cao hơn Lời Chúa phải được hiểu thế nào!
Trong thời gian thực tập lớp tuyên úy bệnh viện, thân nhân một bệnh nhân nói với thày Lành bà ta không thể chấp nhận được những người không được rửa tội có thể vào nước thiên đàng vì họ không tin vào Đức Kitô và Kinh Thánh.
-Thưa bà là người Công Giáo?
-Không, tôi theo Tin Lành.
-Tôi nghĩ, có những người không theo Công Giáo, chẳng theo Tinh Lành, chẳng bao giờ được rửa tội, không được nghe dù chỉ tới tên Chúa Giêsu mà cuộc đời họ sống tốt lành, chân thật chẳng hạn như những nơi vùng quê hẻo lánh ở Trung Hoa hay Ấn Độ bởi đâu có người truyền giáo tới đó; nếu họ bị trầm luân chẳng lẽ Chúa cố chấp đến thế ư! Hơn nữa, trước khi Đức Kitô sinh ra, có ai được rửa tội đâu. Chẳng lẽ bao nhiêu người đã qua rồi muôn đời bị đày đọa mặc dầu sống tốt lành! Tôi không thể chấp nhận họ bị trầm luân bởi nếu chấp nhận như vậy thì sống tốt lành cũng không được cứu rỗi; sống lôi thôi bê tha cũng bị lên án phạt thì vô lý quá, lại khuyến khích cho người ta sống bê tha...
-Nhưng công tôi giữ đạo mà không được hơn họ à?
-Ồ! Bà nói như thế không thuộc về vấn đề rửa tội hay không mà là vấn đề mình sống như thế nào. Mình là con người có tự do lựa chọn và cuộc sống mình tùy thuộc sự chọn lựa mình muốn trở nên thế nào chứ không phải được rửa tội là tốt lành mà không được rửa tội đều là phường bất hảo. Cuộc sống mình chứng tỏ niềm tin của mình, cuộc đời mình có nói lên, có chứng tỏ ơn cứu độ của Đức Kitô đến với mình không. Nếu không, mình đang từ chối ơn cứu độ, mà lẽ dĩ nhiên, từ chối ơn cứu độ sao có thể được cứu rỗi. Còn những người không biết đến Đức Kitô nhưng có cuộc sống tốt lành, xứng đáng phải được cứu rỗi. Đọc trong Kinh Thánh, có đoạn nào viết về Abraham, Jacob, Môi Sen, Josuah, v.v... được rửa tội đâu. Có bao giờ họ được nghe đến tên Đức Kitô đâu; sao Abraham lại được gọi với danh hiệu "cha ông của những người tin vào Thượng Đế?" Xét như vậy, nếu đặt vấn đề những nhà sáng lập các đạo là những tiên tri Chúa đặc biệt gửi đến cho từng đám dân như Abraham, Jacob, Môi Sen... thì ơn cứu độ của Chúa đã và đang ở nơi chính họ rồi đó chứ. Họ không dùng ngôn từ giống mình để nói lên niềm tin vào Đức Kitô vì họ chưa được nghe đến tên cũng như những người trước thời Ngài...
-Kinh Thánh đâu có nói thế!
-Bà hiểu Kinh Thánh ra sao?
-Thì Kinh Thánh là Lời Chúa nói với mọi người, mình phải tin theo..
-Tôi xin cắt lời bà. Xin lỗi, tôi muốn phân tích lời bà vừa nói. Tôi muốn nói rõ là chỉ phân tích chứ không bắt bẻ, bà hiểu dùm cho bởi tôi không muốn bị hiểu lầm.
-Ông cứ nói... tôi hiểu.
-Bà vừa nói mình phải tin theo... Tôi nghĩ, mình có tự do tin hay không tin và theo hay không theo. Hơn nữa, Kinh Thánh được gọi là Lời Chúa không có nghĩa bởi miệng Chúa nói ra... Kinh Thánh chỉ là cuốn sách gom góp lại kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm tin vào Chúa của dân Do Thái được diễn tả qua những câu chuyện ám chỉ. Chúa dùng con người viết ra theo sự hiểu biết của con người về Chúa được gọi là linh ứng hay mặc khải. Lời Chúa ở nơi nghĩa bóng, ở mục đích đoạn văn, câu chuyện được viết ra chứ không phải Kinh Thánh chép lại y chang những gì Chúa nói. Chẳng hạn câu chuyện Môi Sen đưa dân Do Thái vượt biển đỏ và Chúa đã dùng nước để giết chết hết quân lính Ai Cập. Câu chuyện này nói lên bàn tay uy quyền của Chúa bảo vệ những kẻ tin vào Ngài chứ không phải thực sự Ngài giết đám người này để bảo vệ đám người kia. Đâu ai có bao giờ chấp nhận được cha mẹ đối xử với con cái theo kiểu này! Thế nên, tôi nghĩ mình cần biết thêm để hiểu về Kinh Thánh, những lý do tại sao Kinh Thánh được viết như thế, kinh nghiệm về Chúa của người Do Thái được hiểu và áp dụng ra sao trong sự liên hệ văn hóa thời bấy giờ để áp dụng trong cuộc đời mình bây giờ và ở nơi này trong cuộc sống tin vào Đức Kitô.
-Thì những gì Kinh Thánh viết là sự thật, và phải là sự thật vì các tiên tri được chọn để rao giảng về Ngài như Ezêkiel, Eliah, Isaiah...
-Tôi xin ngắt lời bà; bà vừa nhắc tới sự thật trong Kinh Thánh và các tiên tri. Thật ra, tên của các tiên tri đã cả là một vấn đề không đơn giản trong Kinh Thánh. Chẳng hạn Ezêkiel, chữ El có nghĩa là người thân thiết, người bỏ tiền ra chuộc mình khi mình mắc vòng lao tù. Nói theo kiểu bây giờ là người trả tiền "bond" lấy mình ra khỏi nhà tù chẳng may mình phạm luật bị giam giữ. Chữ El mang nghĩa đặc biệt được viết hoa chỉ về Chúa là đấng thân thiết với mình, đấng cứu chuộc, đưa mình thoát khỏi ách tội lỗi. Những chữ Eliah, Isaiah, Zeremiah bà thấy có 3 chữ cuối iah có nghĩa Yah-Vê, tên người Do Thái gọi Thiên Chúa; thế nên tên của tiên tri quanh đi quẩn lại đều mang ý nghĩa lời của Chúa. Hơn nữa, sự thật trong Kinh Thánh không mang tính chất lịch sử hoặc những diễn tiến xảy ra thường ngày như chúng ta quan niệm mà Sự Thật đây được viết hoa có nghĩa là Thượng Đế, là Chúa, là Chân Lý, là mục đích cuối cùng cho con người tiến tới. Kinh Thánh được viết chứng minh có Thiên Chúa toàn năng, Ngài đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta chứ không phải một Thiên Chúa xa vời, ngây ngô, có thế giới riêng tách biệt. Vấn đề áp dụng sự tin tưởng vào Thiên Chúa qua Kinh Thánh lại càng không đơn giản. Không phải cứ Kinh Thánh viết thế nào thì áp dụng đúng như vậy là được cứu rỗi mà có thể lại chống ngược lại với niềm tin vào Thượng Đế, và cũng chống ngược lại chính quyền làm người được Thượng Đế ban cho mình.
-Ông nói chi, sao thực hành theo Kinh Thánh lại ngược với quyền làm người?
-Tôi đưa ra một thí dụ nơi Kinh Thánh: Trong Tân Ước có viết đoạn Đức Kitô nói nếu tay con gây ra sự tội, chặt nó đi, thà rằng vào nước trời cụt tay còn hơn mất phần rỗi đời đời. Bà nghĩ thế nào? Đã bao giờ tay bà gây sự tội chưa? Thế sao bà vẫn còn cả hai tay? Và nếu ai thực hành theo như vậy sẽ bị đưa ra tòa vì tội hủy hoại thân thể. Hơn nữa, xét theo niềm tin vào Thượng Đế, người đó từ chối và hủy hoại hồng ân Thượng Đế đã ban cho là cái tay. Tôi đề nghị kiểu khác để hiểu về đoạn Tân Ước này nói riêng và Kinh Thánh nói chung. Tuy nhiên kiểu này cần sự hiểu biết nhiều hơn.
-Ông nói kiểu nào...
-Bà có nhớ có đoạn Phúc Âm kể lại Đức Kitô đi trên mặt hồ không? Thánh Phêrô xin được đi trên nước và rồi rớt cái tủm, la toáng lên "Lạy thày cứu con." Trong Phúc Âm cũng nói tiếp Đức Kitô hỏi tại sao Phêrô lại hoài nghi. Bà nghĩ thế nào về đoạn Phúc Âm này; bà có thể nghĩ rằng Thánh Phêrô rớt xuống nước vì thiếu đức tin không?
-Thì Phúc Âm viết vậy mình tin vậy, chẳng lẽ Phúc Âm viết sai!
-Tôi không nói sai hay đúng, và nói rằng mình tin vậy thì sự tin này lợi ích gì cho mình? Tôi muốn đặt vấn đề làm thế nào có thể áp dụng sự hiểu biết về Kinh Thánh trong cuộc sống chứ không phải chỉ tin suông rồi để đó. Tin suông theo kiểu đó đâu có ăn nhập chi đến cuộc đời, đâu có thể giúp mình sống sao minh chứng ơn cứu độ của Chúa đang hiện diện nơi chúng ta...
-Vậy chứ ông còn muốn bới vẽ gì về Phúc Âm. Công Giáo các ông đâu tin vào Kinh Thánh như chúng tôi!
-Tôi không muốn mình có cuộc bàn cãi tôn giáo, bà theo Tin Lành, tôi theo Công Giáo đó là quyền của mỗi người. Tôi chỉ muốn nói tới vấn đề mình là Kitô hữu, làm sao áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống một cách đúng đắn chứ không thực hiện móc mắt, chặt tay một cách thiếu hiểu biết hoặc nói về móc mắt, chặt tay mà chẳng bao giờ thực hiện.
-Ông muốn nói Tin Lành chúng tôi tin Kinh Thánh mà không làm theo?
-Đó là bà nói và bà đã hiểu lầm ý tôi muốn nói. Tôi đã nói với bà là không phân biệt Tin Lành hay Công Giáo mà nói về chúng ta là Kitô hữu. Bà tin vào Đức Kitô, tôi tin vào Đức Kitô nào có gì sai trật đâu. Tôi chỉ muốn nói lên điểm chung trong khi bà đặt vấn đề về Tin Lành hay Công Giáo. Vấn đề tôi đặt ra là làm sao áp dụng Kinh Thánh vào cuộc đời tôi, cuộc đời bà, cuộc đời của mỗi người Kitô hữu. Tôi nói rõ là Kitô hữu chứ không phải Tin Lành hay Công Giáo hoặc Anh Giáo.
-Vậy ông nói đi, ông bảo tại sao Thánh Phêrô rơi xuống nước.
-Bà có biết bơi không?
-Có chứ; đó là môn thể thao của tôi mà...
-Hèn chi cử điệu của bà có vẻ nhanh nhẹn khác thường...
-Bơi lội giúp cho cơ thể cân đối hơn và khỏe hơn. Bơi lội tốt hơn bất cứ môn thể thao nào...
-Bà bơi được lâu không?
-Mỗi ngày tôi bơi 1 mile trong vòng một giờ.
-Bà bơi giỏi đó, thế cỡ chừng 100 yards bà bơi chỉ mấy phút thôi.
-Cỡ ấy...
-Vậy giả sử bà đang ở trên ghe, bị rớt xuống nước bà sẽ phải thế nào?
-Tôi nín thở, bơi ngược lên...
-Bà không la hoảng lên à?
-Ông không biết bơi hay sao?
-Biết chứ nhưng không giỏi như bà vì ít khi đi bơi nhưng rớt xuống nước không chết chìm được.
-Vậy tại sao ông nói về la hoảng khi rớt xuống nước?
-Tôi muốn nói thánh Phêrô thôi!
-Ah há! Đúng rồi, thánh Phêrô không biết bơi nên la hoảng, ông khá thông minh.
-Sao Kinh Thánh nói thánh Phêrô thiếu đức tin.
-Nhưng lúc bấy giờ sóng to gió lớn...
-Ở trong hồ mà, lại gần thuyền, gần bờ. Nếu là bà, bà làm thế nào?
-Thì bơi về thuyền.
-Sao bà bảo sóng to?
-Sóng to đối với người không biết bơi!... Ông lại đưa tôi vào bẫy rồi!
-Không, chẳng bẫy rập chi hết. Vấn đề chỉ là nếu thánh Phêrô là dân chài mà không biết bơi để bảo vệ mạng sống thì mình là Kitô hữu đã không biết những gì để sống chứng tỏ ơn cứu độ của Chúa đang ở nơi mình cho mọi người biết. Đức tin mình phải được áp dụng trong cuộc đời mình ra sao!
-"Profound thought!" Ông lý luận hay; thế tại sao ông lại nghĩ được như vậy?
-Tôi không thích người khác bảo mình phải thế này, phải thế kia hoặc tin như vậy là đúng, như kia là sai mà tôi muốn biết tại sao Phúc Âm hay Kinh Thánh viết như vậy đồng thời cần phải hiểu như thế nào cho phù hợp với cuộc sống cùng suy tư của mình trong thời đại bây giờ để có thể chấp nhận được.
-Thế sao tôi nghe nói Công Giáo các ông không có quyền tin theo ý riêng mình?
-Chữ "công" đây có thêm nghĩa chung với nhau, toàn bộ dân Chúa. Dĩ nhiên, ý nghĩ, sự hiểu biết cá nhân có thể chỉ đúng với một người mà không hợp với những người khác. Chẳng hạn bà và tôi gọi Chúa là cha và có thể chấp nhận được, nhưng đối với những người không có kinh nghiệm gì về bố đẻ của mình hay bị những kinh nghiệm xấu, kinh hãi với bố đẻ của mình không thể chấp nhận được gọi Chúa là cha thì họ gọi Chúa là Thượng Đế đâu có gì cản trở. Tuy nhiên, không thể lấy kinh nghiệm riêng tư về Chúa của mình mà bảo rằng Chúa phải là như mình hiểu qua kinh nghiệm cuộc sống cá nhân để rồi không chấp nhận những kinh nghiệm về Chúa của người khác hay là cho rằng họ đã tin sai lạc. Chính vì những kinh nghiệm cá nhân về Chúa, nói cách khác, Chúa bày tỏ chính Ngài với mỗi người khác nhau nên cần có những điểm chung gom góp từ những kinh nghiệm giống nhau về Chúa của nhiều cá nhân hợp lại, đó là đức tin Công Giáo...
-Ông có ý kiến hay, thế những đoạn Kinh Thánh khác ông có tìm được điều gì "funny" không?
-Có một lần nghe giảng thuyết về đức yêu thương. Vị giảng thuyết nhắc đến đoạn Phúc Âm người Samaritanô tốt lành rồi lên án thày cả tế lễ và người luật sĩ đang trên đường đến Jerusalem như trong Phúc Âm kể. Tôi thấy dị kỳ nên về lục lọi tìm hiểu tại sao thày cả tế lễ và vị luật sĩ là hai lớp người gương mẫu tốt lành lại không thực hiện đức yêu thương trong khi họ nên làm gương để đến nỗi Phúc Âm đặt vào miệng Đức Kitô lời lên án đó...
-Phúc Âm viết rõ ràng như thế mà ông không hiểu hay sao mà phải lục lọi...
-Thế mới phiền! Tôi chỉ đặt vấn đề tại sao đoạn Phúc Âm được viết ra vì chuyện có gì đặc biệt đâu. Không giúp người là không biết thương xót, thế thôi, việc gì phải nhắc tới? Hơn nữa, đoạn Phúc Âm có vẻ đưa lên chuyện ngược đời với bất cứ ai. Thấy người khác chết đến nơi mà mình không thương xót, không giúp đỡ là điều chính ngay những người tàn ác nhất cũng không thể làm ngơ nếu họ có thể. Điều dị kỳ nhất là chính thày cả tế lễ đang giảng thuyết lên án người tế lễ; vậy thì bài giảng đó chỉ nên giảng cho những người có nhiệm vụ tế lễ chứ mắc mớ gì tới người khác. Chẳng lẽ nói rằng ấy người tế lễ được nhắc trong Phúc Âm xấu hơn mình...?"
-Ông nói cũng có lý, mình không nên kết án người khác và lại càng không nên so sánh để nói mình tốt lành hơn... Nhưng thế rồi ông có tìm ra được gì không, chuyên viên lục lọi?
-Tôi lục vừa vừa thôi chứ không phải chuyên viên lục lọi... Thế bà có hay cho người đón xe dọc xa lộ đi nhờ không?
-Không! Làm thế nguy hiểm lắm. Bao nhiêu trường hợp cướp bóc giết chết người đã xảy ra nên tôi phải đề phòng.
-Mấy lần tôi đón người "hit hike" dọc xa lộ; khi kể cho bạn bè nghe, họ nói tôi liều mạng và rồi tôi cảm thấy e sợ nên từ đó không bao giờ đón người dọc đường nữa.
-Ông không nên là đúng, lỡ ra thì sao, vừa mất xe vừ có thể bị chết người.
-Vậy nếu bà thấy người gặp tai nạn dọc xa lộ, bà có giúp họ không?
-Tôi kêu cảnh sát.
-Xe bà có CB không?
-Có chứ.
-Lỡ không có CB thì sao?
-Sẽ có người khác kêu, đó là điều dĩ nhiên.
-Sao bà không dừng lại giúp người ta?
-Luật không cho phép. Hơn nữa lỡ bị vạ lây, người ta sẽ kiện mình, có thể mất nhà cửa, và làm cả đời cũng không đủ tiền vạ! Ông có biết chuyện y tá và bác sĩ bị đền hai triệu dollars vì băng vết thương cho một em nhỏ hướng đạo sinh không? Có một em nhỏ hướng đạo sinh đi cắm trại; không hiểu thế nào, em bị đứt tay. Thiếu trưởng đưa em tới bác sĩ băng ngón tay bị thương và tiếp tục để em cắm trại với thiếu đoàn. Thế rồi không hiểu em bị chất độc gì thấm vào trong vùng cắm trại; khi về nhà bộc phát và chết. Gia đình em kiện bác sĩ và y tá đã băng bó cho em. Cuối cùng tòa kết án đền hai triệu; đó cũng là lý do tại sao nếu không có giấy của bố mẹ các em, bác sĩ và y tá không dám đụng tới sác em dù trong trường hợp khẩn cấp...
-Thế bà có ý kiến gì về vụ thày cả tế lễ và vị luật sĩ làm ngơ khi gặp người bị nạn sắp chết dọc đường không?
-Ừ há! Cũng có thể có chuyện gì, nhưng ngày xưa khác, ngày nay khác... Ngày xưa đâu có xe, đâu có tai nạn bất ngờ, và đâu có cảnh sát...
-Thật ra tai nạn thì thời nào cũng có nhưng điều kiện cuộc sống khác nên tai nạn xảy ra dưới hình thức khác. Tôi còn nhớ không biết đọc được ở đâu về luật Do Thái; người Do Thái có luật nhơ uế. Con heo là thứ nhơ uế nên người theo đạo Do Thái không ăn thịt heo; họ cũng không bao giờ dám đụng đến con heo vì đụng vô thứ nhơ uế cũng bị nhơ uế và muốn được sạch phải thi hành luật thanh tẩy một cách nghiêm chỉnh và khó khăn. Có khi tới 7 ngày tắm gội, giặt giũ quần áo với nước pha phân bò đực còn tơ, rồi kiêng khem và cuối cùng lại phải tới gặp thày tế lễ trong nhiệm kỳ để được tuyên bố thanh sạch thì mới thực sự được sạch. Những con vật chết tự nhiên ngoài trời hoặc bị con vật khác giết chết cũng là nhơ uế. Người chết được coi là nhơ uế, và thày cả đang ở trong nhiệm kỳ tế lễ không được đụng đến xác chết dù là thi thể của cha mẹ mình. Người bị cướp đánh gần chết ngoài trời được soi như nhơ uế; thế nên...
-Thì giúp người mà nhơ uế à?
-Đó là luật Do Thái. Hơn nữa, thày cả tế lễ và vị luật sĩ đang trên đường tới Jerusalem tế lễ sao họ dám đụng vào người nhơ uế. Luật Do Thái rất khắt khe, người bị nhơ uế không được bước vào đền thờ trong khi mỗi năm chỉ có một lần người ta lên đền thờ tế lễ.
-Thế sao người Samaritanô dám đụng vào?
-Người Samaritanô đâu theo luật Do Thái, đâu biết chi về luật nhơ uế.
-Vậy câu chuyện đi đến đâu theo sự khám phá của ông?
-Bà còn nhớ đoạn Phúc Âm lên án người không biết thương xót không? Cứ theo thời điểm lúc bấy giờ thì đoạn Phúc Âm này lên án luật nhơ uế của người Do Thái. Đại khái, theo tôi hiểu, bất cứ lề luật nào ngăn cản mình thương xót kẻ khốn cùng cũng đều phản lại đức yêu thương, phản lại đức tin của mình. Những luật đó, những điều kiện đó là những cánh tay cần phải chặt bỏ, những con mắt cần phải móc đi vì chúng làm cho mình phạm luật yêu thương. Theo tôi, cánh tay, con mắt là những thói quen, những tập tục ăn rễ sâu nơi cuộc sống con người, xã hội khó lòng dứt bỏ; chúng là một phần của đời sống mình như cánh tay, con mắt...
-Ông nói có lý, thế sao tôi chưa bao giờ nghe ai nói như thế?
-Đó là lý do tại sao tôi thấy cần nhiều cố gắng tìm hiểu Kinh Thánh để áp dụng trong cuộc đời mình. Nói cách khác, người Do Thái kinh nghiệm về Chúa trong cuộc đời họ, viết ra cuốn Thánh Kinh thì mình cũng cần tìm hiểu về chính kinh nghiệm đối với Chúa qua đức tin trong cuộc sống của mình và đem so sánh với Kinh Thánh. Tôi nghĩ, cuộc đời mình là cuốn Kinh Thánh sống động; mình đang viết Kinh Thánh bằng chính cuộc sống. Theo nghĩa này, mình đang là chứng nhân của ơn cứu độ Chúa dành cho mọi người và nếu mình không giúp cho người khác quanh mình nhận ra ơn cứu độ của Chúa nơi họ, nơi cuộc sống, có lẽ mình đang rơi xuống nước như thánh Phêrô mà không kêu la chi hết, lại chấp nhận chìm cho qua...
Bởi cá tính không chấp nhận một cách mù quáng và cho rằng mỗi người được Chúa ban cho hồng ân suy tư, thày Lành càng ngày càng cảm thấy sự học hỏi giúp cuộc đời mình có thêm những ý nghĩa khác lạ. Tự diễu với Kinh Thánh khiến cái nhìn với cuộc đời sâu rộng hơn. Thày Lành hay dùng tiếng diễu nhưng được hiểu theo nghĩa tìm những khía cạnh khác hoặc ý nghĩa khác của đoạn Kinh Thánh muốn nói lên. Càng suy nghĩ ý nghĩa Kinh Thánh, thày Lành càng nhận ra cuộc đời mình gắn bó chặt chẽ với đức tin và đức tin đòi hỏi cuộc sống mình phải thay đổi, thay đổi tận gốc rễ. Những chuyện bình thường hằng ngày mang ý nghĩa mới, lối cư xử mới thay vì chấp nhận sống theo thói quen đã từ lâu sống như mọi người.
Qua những bài vở làm nơi nhà trường thày Lành có cơ hội đối diện với những quan niệm thần học xưa và nay. Gọi là xưa vì những quan niệm, tư tưởng đã được viết ra cách đây cả 100 năm về trước, đa số là hơn, từ thời Chúa giáng trần hay trước nữa. Mỗi khi bước vào thư viện giữa những kệ sách, thày thấy mình thật nhỏ bé. Chỉ một cuốn sách nhỏ cũng chất chứa nhiều suy tư, hiểu biết. Những người đi trước để lại những kho tàng vô giá dù mình có dành ra cả một cuộc đời cũng không thể nào hiểu biết hết, thày nghĩ. Nếu đem so sánh cuộc đời mình với dù chỉ một cuốn sách, mình chưa đáng là hạt bụi nơi thư viện. Một điều làm thày Lành thích thú lẫn ngạc nhiên là những gì thày mới nghĩ tới để đặt vấn đề, có khi đã được viết ra cả trăm năm về trước. Cha giám đốc C.T.U. nói đúng: "Thày chưa đủ thông minh để trở thành rối đạo, đừng ngại chi hết." Thư viện có một hấp lực đặc biệt đối với thày; đã bước vô là không muốn trở ra bởi còn nhiều quá, nhiều điều mình chưa hề bao giờ nghe hoặc nghĩ tới; có những tâm tư chưa ai có thể ngờ, những diễn giải đưa con người tới chân trời thật mới lạ cho thấy rằng Chúa đã không quá khắt khe, xa lạ giống như mình tưởng. Chúa rất gần, gần hơn bạn thân thiết để mình có thể tâm sự tất cả dù những điều chói tai đã bao lâu thày nghĩ nhưng không dám nói cho ai nghe. Nói ra, người khác sẽ cho mình rối đạo hoặc khùng khùng.
Gần ngày chịu chức phó tế, đến lượt thày Lành diễn giải Phúc Âm ngày lễ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ. Dầu đã bao nhiêu năm theo đuổi ơn gọi, những phấn đấu nơi cuộc đời, nơi nội tâm ròng rã như hành trình chuẩn bị cho ngày chịu chức, thày Lành vẫn thấy nao nao; nao nao vì chưa bao giờ có được thực sự tâm trạng của người trong cuộc. Dù sao, không kể quãng đời ấu thơ vô lo, từ ngày thày có ý hướng đi tu làm linh mục cho tới nay vẫn chỉ trong tiến trình chuẩn bị mặc dầu cha giáo lớp chuẩn bị ra trường rành rẽ giải thích.
-Quí thày không việc gì phải lo lắng về ngày chịu chức. Những việc nên làm như gửi thiệp mời bà con anh em thân thuộc, những sửa soạn khăn áo, chén thánh hay học thi, quí thày cứ tuần tự chuẩn bị theo lịch trình đã tính toán. Vấn đề chịu chức không phải là chuyện một tháng hay hai tháng cuối cùng mà quí thày đã được đào luyện từ bao năm nay, từ khi có ý định dâng mình cho Chúa làm linh mục. Không phải phi lý mà quí thày có được những kinh nghiệm bản thân dầu đơn sơ hay đôi khi rắc rối trong quá trình học tập qua những năm tiểu học, trung học, đại học, rồi thần học. Thử nhìn lại những diễn tiến đã xảy ra một cách tổng quát, tất cả những năm tháng ngày giờ, những diễn biến trong cuộc đời đã được xảy ra một cách huyền nhiệm để quí thày có được ngày hôm nay. Những thanh lọc, nhận xét của nhà trường qua ban điều hành, giám thị, qua những ý kiến theo dõi của các vị giáo sư, anh em trong nhóm họp hàng tuần v.v... Tất cả đã đưa lại kết quả như một sự nhìn nhận ơn Chúa kêu gọi quí thày, và quí thày đã được đào luyện đầy đủ, xứng đáng được tuyển chọn gia nhập hàng tư tế chuẩn bị bước lên bàn thánh. Quí thày không nên để cho tâm tư ngỡ ngàng khi ngày chịu chức tới mà nên xác tín rằng Chúa đã gọi quí thày qua các môi trường đời cũng như chủng viện và ngày nay là ngày thực sự công bố sự chọn lựa của Ngài trước công chúng...
Mối suy tư mình sẽ như thế nào sau ngày chịu chức thúc đẩy thày Lành vô nhà nguyện lật bài đọc suy gẫm để soạn giảng. Cuộc đời Đức Maria thay đổi từ khi nói lên hai tiếng "xin vâng" và ngài cũng chẳng làm những chuyện to tát chi, không mơ ước cao sang, chỉ sống hòa nhịp theo sự quan phòng của Thiên Chúa... Ngài đã được chọn làm mẹ Đức Kitô, đối nghịch với tất cả những tham vọng oai hùng của loài người... Rồi đến những vị thánh nhân, mọi người ca tụng nhân đức khiêm nhường của các thánh chứ không ai viết hoặc nhắc nhở tới thánh này tiếng tăm lừng lẫy hoặc thánh kia oai phong, hét ra lửa làm muôn người phải sợ... Trong cuộc đời, bao nhiêu người chạy theo danh vọng đã gục ngã không phương chỗi dậy mà chỉ tiêu tan sự nghiệp, mộng ước... cuộc đời Mẹ Thiên Chúa phải là gương mẫu cho linh mục trong vấn đề sống chấp nhận hòa nhịp với hoàn cảnh đang sống...
Qua hai tuần suy gẫm, thày Lành giảng thuyết nơi chủng viện với một tâm tình thách đố sự chấp nhận con đường tương lai theo gương cuộc đời Đức Maria:
Mấy năm trước, khi tôi theo học lớp "The Problem of God," tôi thấy Chúa cũng có nhiều sự rắc rối. Chuyện rắc rối đầu tiên và cũng là nguyên nhân cho những rắc rối tiếp theo là Ngài đã quên không thiết lập một hàng rào chung quanh cây táo thiện ác. Theo nghĩa đen của Kinh Thánh, nguyên nhân tạo nên sự rắc rối đầu tiên của Chúa là hành động ăn trái cấm của bà Evà có lẽ là để dành quyền bình đẳng. Thật sự, tôi cũng không thể hiểu được bà Evà muốn dành quyền bình đẳng về phương diện nào, hoặc là bà muốn được toàn năng như Thiên Chúa hoặc bà muốn được trở thành con người được tạo dựng đầu tiên giống như ông Ađam. Tôi chỉ biết một điều rõ ràng theo như Kinh Thánh viết là bà Evà đã nhận thực ra cả hai người, ông Ađam và bà hoàn toàn không một tấm áo che thân. Thế rồi bà vội đổ lỗi, nói cách khác, trao ngay "quyền hành" bà vừa dành được do hành động ăn trái cấm cho con rắn khi Chúa hỏi bà nguyên do. Thế nên, chính sự đổ lỗi này đã làm Chúa tuyên án thù bất cộng đái thiên giữa đàn bà và con rắn.
Đức Maria đã không tìm kiếm hoặc mơ ước bất cứ sự cao sang thế trần mà chấp nhận thân phận mình là một tôi tớ hèn mọn của Chúa, và Chúa đã mời gọi Đức Maria làm mẹ Đức Kitô. Chúng ta là thân thể Chúa Kitô; chúng ta cũng là con cái của Đức Mẹ. Hơn nữa, bài Phúc Âm hôm nay kể lại chính Chúa Kitô phó thác thánh Gioan như đại diện dân Chúa cho Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá. Chúa Kitô muốn chúng ta được sự che chở và học theo gương Đức Mẹ. Vì thế tôi muốn chia xẻ suy tư của tôi nơi tâm tình của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa và điều đó là Đức mẹ chỉ sống theo điều Thiên Chúa muốn cho mình trong cuộc đời.
Chắc chắn rằng mỗi người chúng ta đều có nhiều ước mơ, và ai cũng muốn thay đổi cả thế giới theo quan niệm riêng của chính mình. Chúng ta đang chờ đợi được truyền chức năm nay, sang năm hoặc vài năm sau. Và dĩ nhiên, khi được bổ nhiệm, chúng ta sẽ cảm thấy phấn khởi và sẵn sàng thay đổi giáo xứ được sai tới theo ý muốn hoặc quan niệm của chúng ta. Thực tế chứng minh, nếu chúng ta thực hiện theo đường hướng này, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn lao với cha chính xứ đầy quyền hành nhưng khác quan niệm.
Suy niệm về tâm tình của Đức Mẹ, tôi nhận thấy điều tốt nhất cho chúng ta là hãy làm những gì được trao phó hay yêu cầu bởi vì chưa chắc những điều chúng ta muốn đã thực hiện được nhưng làm những chuyện cần thiết trước mắt sẽ đem lại kết quả hữu ích hơn. Chúng ta được gọi và chọn để làm công việc của Thiên Chúa chứ không phải để làm việc của chúng ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào ngăn chận hay loại bỏ những ước mơ không cần thiết nơi chính mình. Tôi mượn lời cha giám đốc chủng viện đã một lần nói với tôi đó là luôn luôn đặt trong tâm tư câu hỏi: "Chúa Kitô sẽ làm thế nào trong trường hợp của mình" để giải quyết thực tại. Sống trong tâm tình này, chúng ta là chứng nhân của Chúa Kitô như Mẹ Maria, người chứng nhân đầu tiên đã làm thánh Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng trong lòng bà Elizabeth. Trở thành chứng nhân của Chúa Kitô, chúng ta mang lại niềm vui tươi và hy vọng cho người chung quanh.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, ngài cũng là nữ vương của chúng ta trong tập thể các thánh thông công. Tôi mời mọi người dùng đôi phút suy tư về phương cách nào để chúng ta học theo đức Maria trả lời hai tiếng "xin vâng" với Chúa; đoạn cùng với Thánh Lễ khẩn cầu Chúa ban ơn cho chúng ta theo bước chân Mẹ Maria trong cuộc đời mỗi người...
Tuy bài giảng không lấy gì làm đặc sắc nhưng vẫn còn ảnh hưởng cha Lành trong những năm tháng làm phó xứ cho tới ngày giờ này ngồi cầu nguyện trong nhà thờ. Thực tế và ước mơ, sáng kiến đổi mới nhiều khi đem lại niềm xót thương tâm tưởng. Chúa đang muốn gì nơi mình? Chúa muốn dân Chúa ra sao? Mình phải làm gì? Âm thầm chấp nhận những cảnh ngang trái, lỗi luật thì lòng ray rứt vì sự hiểu biết! Nói ra dân chúng than van hoặc bỏ không đi nhà thờ! Cả một vấn đề mục vụ nan giải, nan giải như câu chuyện tếu mấy người cựu quân nhân quen biết có lần diễu diễu đọc lại câu định nghĩa huynh đệ chi binh; "huynh đệ chi binh là dấu kín thì nó rình, để hở thì nó rinh, không nói thì nó khinh, và nói ra thì nó binh..."
Dĩ nhiên, Lời Chúa bao giờ cũng trái ngược với lòng ham muốn bình thường của con người và khuyến khích con người sống tốt lành, đạo đức hơn. Vả lại, mặc dầu đã học thần học nhưng không dễ chi hiểu được rõ ràng lời Kinh Thánh ngày xưa muốn nói gì, ngày nay ý nghĩa thế nào, và áp dụng trong cuộc sống ra sao. Thật ra, giảng Lời Chúa đâu phải cứ đem Chúa ra mà nói tào lao thiên tướng nhưng nói sao cho không những phù hợp với thực tế rắc rối lại còn phải phù xợp với tâm tình dân Chúa theo tính chất dân tộc hoặc đôi khi tùy địa phương, phong thổ. Có nhấp nhận được điều mình giảng giải, người ta mới sống theo; có nghe được điều thuận lý, hợp tai người ta mới thèm để ý, thèm suy nghĩ. Thế nên, một điều trái ngược khó tin là linh mục giảng giải cho chính mình trước; giảng giải trở thành chia xẻ tâm tình sống Lời Chúa của mình với giáo dân. Chúa hiện diện giữa đám dân Ngài; chia xẻ tâm tình sống Lời Chúa là giúp cho giáo dân nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ, giúp họ thêm niềm tin tưởng vào Chúa, vào sự quan phòng của Ngài để có cuộc sống chứng nhân và đồng thời cũng nhận ra Chúa đang dùng con người, dùng chính họ giúp con người trong mọi hoàn cảnh khác biệt hay bình thường nơi cuộc đời.
Có quan niệm cho rằng giảng giải phải dạy người ta thế nọ, thế kia. Thật ra nếu giảng được nhìn theo khía cạnh chia xẻ Lời Chúa qua tâm tình suy niệm của mình thì giảng lại là dạy chính mình trước. Hơn nữa, giảng đâu phải bới điều xấu của giáo dân ra mà nói ở nhà thờ. Đâu ai muốn nghe những điều xấu của mình; người ta chỉ thích nghe điều tốt nơi họ thôi. Thực tế cho biết, những kẻ xấu đâu thèm đi nhà thờ; thế nên bới điều xấu của người khác mà nói trở thành dạy những người tốt lành làm điều xấu. Bình thường, theo tâm lý con người, không hiểu tại sao ai cũng dễ nhìn thấy những điều không nên không phải của kẻ khác. Nhìn theo khía cạnh tâm lý, có thể rằng vì mình đã chất chứa nhiều lỗi lầm do đó dễ nhìn thấy nó nơi những người khác như một phản ảnh chăng! Rồi vì mình không thể chấp nhận những điểm yếu hèn này của mình nên đem ra mổ xẻ để trút lên đầu kẻ khác hy vọng có cảm tưởng mình tốt lành... Chỉ có Chúa biết... không thể chấp nhận được!
Có quan niệm khác, giảng nên đem ra những điều tốt lành nơi giáo dân để khuyến khích người ta sống vươn lên mãi. Vấn đề thật phức tạp vì thực tế không đơn giản như những điều mình nhìn và nghe thấy. Lại nữa, dù chỉ trong một nhóm, đã có nhiều thành phần phương chi cả xứ, cả cộng đồng, được người nọ mất người kia rồi kẻ không được để ý sinh ra phiền lòng chán nản. Còn nếu nói chung chung thì một năm 52 ngày chủ nhật, hai năm 104 lần; đào bới đặc tính tốt chung chung sẽ được bao nhiêu lần, và có phù hợp với bài đọc hôm đó hay không! Làm cha mà nói ngoa thì không nên mà nói tốt cũng không biết sao mà nói... Có ai biết đâu, Lời Chúa nào dễ chi giảng giải.
Những ngày còn trong chủng viện, cha Lành ít khi nghĩ đến những rắc rối của vấn đề giảng Lời Chúa vì, cũng như bao người khác, nghĩ rằng nào có chi đâu, vài câu nói thì nói cái gì chả được. Thế rồi qua lớp học giảng, và khi ngồi soạn giảng sác ngày lễ, cha Lành mới nhận thấy rõ hơn vấn đề không đơn giản như bao nhiêu người khác nghĩ. Không ai có đủ kiên nhẫn để nghe giảng cả tiếng đồng hồ và khi đã không muốn nghe, tai họ đóng lại, mi mắt khép vô và ngủ gật, hoặc người khác thì ngáp... Đang giảng mà nhìn thấy người ngáp, hứng khởi tiêu tan. Hơn nữa, ai có thể nhớ được những lời mình nói cả tiếng đồng hồ vì có ai là máy thâu băng đâu. Giảng 15 phút đã là dài và đã là nói nhiều rồi. Cha Lành cố gắng soạn giảng tối đa 10 phút nhưng thường thì ráng sao cho từ 7 tới 8 phút và phải công nhận rằng, soạn giảng ngắn mới khó. Chỉ trong vài phút mà nói lên được điều mình muốn nói sao cho phù hợp với Kinh Thánh, với giáo dân để khuyến khích, cỗ võ họ sống đạo không dễ chi.
Nhớ lại thời gian chuẩn bị lãnh chức linh mục, cha Lành đã suy nghĩ suốt hai tháng cho bài giảng lễ tạ ơn của mình. Một linh mục mới chịu chức thường hay nhờ cha linh hướng hoặc cha khác giảng dùm. Cha Lành không có cha bố lại cũng không muốn nhờ bởi lẽ không muốn nói về hoặc được ca tụng những cố gắng theo đuổi ơn gọi của mình. Cha Lành nhận thấy. Chức linh mục không phải cứ học giỏi mà được hoặc đạo đức nên Chúa chọn; chức linh mục là một hồng ân của Thiên Chúa. Học hành giỏi dang... bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, bằng nọ tước kia ngoài đời... Bạn bè đi tu, bao nhiêu người tốt lành, thánh thiện, cầu nguyện đọc kinh liên miên, đã ra đi không bao giờ trở lại... và nay đã con đàn con đống... Các cha giảng lễ tạ ơn lại cứ coi như vì vị tân linh mục cố gắng nên đã được chọn để được truyền chức rồi buông lời ca tụng... Có lẽ Chúa không chấp nhịn được vì Ngài chọn chứ không phải do cố gắng thế nọ thế kia của con người... Ông bà ta có câu, "Hòn đất cất nên ông bụt;" chứ không phải hòn ngọc cất nên ông bụt...
Suốt hai tháng nghiền ngẫm, bài giảng vẫn cứ như đâu đâu; sao cho nói lên được hồng ân của Chúa trong cuộc đời; nói sao chứng tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người chung quanh đã khuyến khích, giúp mình rằng cách này hay bằng cách khác; nói sao để khuyến khích người khác thêm ý nghĩ muốn đi tu; rồi điểm nào đưa lên tính chất dân tộc... Thế rồi ngày chịu chức ập đến, nào là bà con khách khứa, nào là sửa soạn nhà cửa cho khách về ở... và bài giảng vẫn chưa được viết. Mãi tới 1 giờ đêm trước ngày lễ tạ ơn sáng hôm sau, cha Lành mới cầm bút viết trong khi mọi người đã đi nghỉ...
Quí cha, quí tu sĩ, quí vị chức sắc tân, cựu, quí vị trong các ban, ngành, đoàn thể, quí ông bà anh chị em trong Đức Kitô.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" hoặc "Uống nước nhớ nguồn." Hai câu này vừa nhắc nhở, vừa nói lên ý nghĩa tấm lòng biết ơn của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ đã gầy dựng cho mình và đối với những người đã làm ơn cho chúng ta. Để nói rõ hơn tâm tình này, chúng ta còn có câu: "Ơn ai một chút khó quên, phiền ai một chút để bên dạ này." Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta thường canh cánh bên lòng và hay nhắc nhở đến những công lao hoặc sự giúp đỡ của những người đã làm ơn cho chúng ta bằng cách này hay bằng cách khác.
Tâm tình biết ơn này phù hợp với Lời Chúa hôm nay vì chúng ta tin như trong thơ gửi giáo dân Côrintô: "Tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Kitô để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình."
Nhìn vào sự việc mà biết được tâm tình, tôi muốn dùng đôi phút để nói lên tấm lòng biết ơn của tôi nói chung đối với dân tộc Việt Nam và nói riêng với quí ông bà, anh chị em. Tôi cũng muốn xin thêm nơi quí vị một yêu cầu; đó là sự tiếp tục cổ võ ơn gọi dâng mình cho Chúa.
Trước hết tôi xin cảm tạ Chúa đã cho tôi là người Việt Nam; tôi đã được sống trong truyền thống dân Việt với tâm tình con người Việt Nam. Năng lui tới, và bây giờ, tôi là một phần tử trong cộng đồng này, tôi mang ơn cộng đồng bao gồm quí ông bà anh chị em.
Trải qua những năm sống chung với người Mỹ, tôi đã có cơ hội nhận thức được giá trị của hệ thống gia đình dân Việt mà tôi có thể nhìn thấy và chứng minh được trong cuộc sống gia đình; đó là: quí vị, những người sống trong bậc đôi bạn, quí vị được ban cho những đặc tính thánh thiện. Không những sống trong ơn thánh của Chúa, quí vị là thánh mà sự chịu đựng, chấp nhận, hy sinh trong những phong ba cuộc đời để giữ vững, sống đúng với ơn gọi trong bậc gia đình, chỉ những vị thánh mới có thể sống được như thế. Tôi ghi ơn những lời khuyến khích hoặc khuyên giải quí vị đã dành cho tôi. Tôi ghi ơn những nụ cười, những cử chỉ thân ái, những lời cầu nguyện, và ngay cả những sửa sai mà quí vị đã đặc biệt nói với tôi. Không có những sự đặc biệt ưu ái này của quí vị, có thể tôi không có cơ hội nói với quí vị ngày hôm nay.
Điều làm tôi cảm phục nhất là đức tin đơn thuần và lòng mộ mến của quí vị đối với Chúa. Kết quả của đức tin và lòng mộ mến này là sự đoàn kết, mến yêu hàng giáo sĩ, tu sĩ. Nhìn vào hiện tại, một ngôi thánh đường này, một trường học giáo lý bên kia, đã và đang chứng minh quí vị thế nào.
Qua những nhận thức và sự kiện tôi vừa nói, tôi dám bạo dạn xin với quí vị một yêu cầu; tôi muốn xin quí vị cổ võ, thúc đẩy, khuyến khích mạnh mẽ hơn về ơn gọi dâng mình cho Chúa. Là con dân nước trời, sống đẹp lòng Chúa, được lòng người chưa đủ. Chúng ta còn mang thêm bổn phận rao giảng nước trời. Ai cũng biết, không có người đi tu, lấy ai rao giảng, lấy ai ban phép bí tích. Quí vị là bậc cha mẹ, ông bà, có con cháu dâng mình cho Chúa, quí vị được lãnh nhận ân huệ không những đời này mà lại còn cả đời sau.
Riêng các bạn trẻ thanh thiếu niên, tôi muốn gửi đến các bạn chỉ một câu. Đó là: nếu ông thày cao bồi mà có thể đi tu được, các bạn cũng có thể đi tu được. Vấn đề là các bạn có dám hay không. Làm việc, quen biết với các bạn, tôi hiểu các bạn dám thực hiện bất cứ chuyện gì, và các bạn có thừa khả năng, thừa sinh lực hoàn thành những gì các bạn thích hoặc muốn làm. Các bạn chỉ còn chưa dám đặt vấn đề đi tu. Chúa mời gọi mọi người, nên những ai dám chịu chơi chấp nhận, "này tôi đây, tôi dám dùng cả cuộc đời để trả lời sự kêu gọi của Chúa;" thế là chuyện coi như xong. Tôi tin các bạn dám trả lời kiểu này và tôi thách đố các bạn dám dùng cả cuộc đời mình để trả lời ơn gọi đi tu.
Trong tâm tình biết ơn đối với Chúa và với mọi người, chúng ta dùng đôi phút thinh lặng để nhớ lại những ơn lành Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, và dùng tâm tình này như của lễ đặc biệt dâng tiến Chúa hôm nay để cầu nguyện cho giáo xứ chúng ta và cho ơn gọi dâng mình cho Chúa. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta.
Dùng văn hóa dân tộc để khuyến khích đời sống luân lý và sống đạo có sức mạnh ảnh hưởng khá quan trọng nơi tâm hồn giáo dân Việt Nam. Hơn nữa, nếu nhận xét thêm theo lối nhìn thần học, Chúa dùng văn hóa dân tộc để giúp dân Ngài sống tốt lành hơn. Luân lý bổ túc cho đạo đức và là khuôn mẫu cho con người sống đạo đức trong cách đối xử hằng ngày. Trong những bài giảng hôn nhân, sự nhấn mạnh đến cá tính và luân lý dân tộc, những khuôn mẫu, nề nếp gia đình hầu giúp người ta ý thức sự quan trọng của mối liên hệ gia tộc trong cuộc sống hôn nhân là điều nên để ý tới. Cha Lành nghĩ, những sự liên hệ gia đình trợ giúp cho hôn nhân vì trong mối giây ràng buộc này, văn hóa và nề nếp gia đình đóng một vai trò bảo trợ cho hôn nhân. Thực ra, dầu hôn nhân là chuyện của hai người nhưng nếu thiếu sự liên hệ, chia xẻ kinh nghiệm sống trong liên hệ gia tộc, đôi hôn nhân khi đương đầu với những khó khăn, khó có thể kiếm được đường lối giải quyết để tránh phần nào nguy hại có thể đưa đến đổ vỡ. Nhờ mối liên hệ thân thiết với anh em họ hàng, bà con, nhờ sự chia xẻ kinh nghiệm và những lời khuyên bảo hoặc giúp đỡ đồng thời do sự liên hệ thân thiết ảnh hưởng đến danh dự liên đới gia tộc, tất cả trở thành những yếu tố đóng góp vào sự bền vững của hôn nhân.
Đặc tính sống cộng đồng của dân Việt nảy sinh ý thức bảo vệ danh dự gia đình và đồng thời cá nhân không những lo sống bảo vệ danh dự chính mình mà còn có bổn phận gìn giữ danh dự cho họ hàng. Những yếu tố này đã trở thành động lực giúp con người nhẫn nại, chấp nhận và chịu đựng hơn. Đây là đặc tính thiết yếu của những người sống trong bậc đôi bạn. Vì thế dùng đặc tính dân tộc nhắc nhở trong bài giảng một phần nào giúp dân Việt ý thức được điều hay lẽ phải của văn hóa Việt, ý thức được sự hợp nhất trong cách sống liên hệ dân Chúa và cũng giúp họ nhận ra vai trò của mỗi người trong nhiệm vụ mục vụ của giáo dân bằng cách này hay cách khác đóng góp vào việc xây dựng gia đình không những của mình mà còn giúp người khác. Dĩ nhiên, đôi hôn nhân trong lễ cưới chắc chắn chẳng nghe được gì nơi bài giảng; họ còn muôn thứ chuyện nào về nghi thức, nào nỗi e ngại muôn người nhìn vào, nào tiệc tùng sắp tới, rồi sự ảnh hưởng của những việc sửa soạn cho ngày cưới khiến cơ thể mệt mỏi khó có thể cầm trí lắng nghe. Hơn nữa, đối với hôn nhân, lễ cưới là biến cố trọng đại chưa quen kinh nghiệm của đôi trẻ; tâm tư họ bị căng thẳng; rồi tâm tình đôi hôn nhân bị giao động khi được chính thức chấp nhận sự liên hệ ràng buộc vợ chồng gây cho họ cảm xúc bất thường... Tất cả những yếu tố này gom lại đè nặng tâm trí thì sao họ còn có thể nghe. Thế nên, giảng đám cưới là giảng cho người dự lễ, không phải giảng cho đôi hôn nhân. Do đó nhắc nhở người ta ý thức vai trò của một người trong sự liên hệ với gia đình và cộng đồng cũng phần nào khuyến khích họ góp tay xây dựng cộng đồng dân Chúa. Nhấn mạnh vai trò cha mẹ, anh em cha bác, bạn bè trong mối tương quan khuyến khích và bảo vệ hôn nhân, cha Lành cảm thấy mình cũng một phần nào tích cực chia xẻ sự cố gắng vun trồng cộng đồng dân Chúa...
-Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.
-Và ở cùng cha.
-Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phước lành cho anh chị em.
-Amen.
-Lễ xong, chúc anh chị em về bình an.
-Tạ ơn Chúa.
-Xin cảm ơn quí ông bà anh chị em đã tham dự thánh lễ sáng nay. Chúc quí ông bà anh chị em một ngày vui tươi...
-Xin cảm ơn cha...
-Tôi không hiểu sao sáng nay chúng ta tham dự thánh lễ đông hơn mọi ngày. Hình như cứ mỗi lần tôi bị trễ, quí vị dự lễ đông hơn; thế nên, sáng mai chắc chắn tôi cũng sẽ bị trễ...
Mọi người cười nhẹ trong khi cha Lành hôn bàn thờ đoạn quay ngang hướng về nhà tạm bái gối rồi đi vào phòng mặc áo. Sáng nay, còn đang ngon giấc, điện thoại reo một tràng dài làm ngài choàng tỉnh. Điện thoại reo lâu hơn bình thường vì được gọi "intercome" từ nhà thờ. Đưa tay chụp điện thoại trong lúc mắt nhắm mắt mở liếc vô chiếc đồng hồ dạ quang. 6 giờ 39 phút; chiếc đồng hồ được chỉnh chạy nhanh hơn 9 phút nghĩa là bây giờ đúng giờ lễ... Tiếng ông câu giúp việc dọn lễ và lần hạt vang lên trong điện thoại:
-Cha dâng lễ sáng nay?
-Chúa ơi, tôi bị trễ rồi!
-Con nói với mọi người cha trễ ít phút...
-Ông làm ơn.
Nghĩ mà xấu hổ, ngủ quên cả giờ dâng lễ. Tối qua đi ăn về muộn lại còn những việc lỉnh kỉnh phải làm cho xong; đọc kinh tối mà mắt cứ gà ra, nhắm tít lại để rồi vừa xong kinh tối cha Lành lăn quay ra ngủ quên cả bật nút hai chiếc đồng hồ báo thức. Đã mấy lần dặn ông câu lúc tới mở cửa nhà thờ nếu không thấy điện nhà bếp sáng thì gọi ngài trước nửa tiếng thế mà mãi tới giờ lễ mới gọi. Biết sao hơn, ai là người không bao giờ quên; hơn nữa, dâng lễ là nhiệm vụ của linh mục, và có trả tiền cho ông ta báo thức mình đâu! Dù ông có gọi hay không thì cũng không phải là bổn phận của ông mà là bổn phận của mình. Buông điện thoại, cha Lành vội vàng vô phòng tắm rửa mặt, đánh răng, vuốt nước chải tóc, xịt keo; rồi nào hối hả mặc quần áo bước vội ra nhà thờ trong khi cặp mắt cứ nhíu lại. Đã bao nhiêu lần ngài tự nhủ phải đi ngủ sớm, muộn nhất là 10 giờ tối; thế rồi nào những nốt ghi treo nơi cửa phòng làm việc nhắc nhở, những quyết định, lý luận thúc đẩy đi ngủ trước 10 giờ nhưng rồi có cũng như không. Có tối nào lên giường trước 11 giờ đâu mà thường thì sớm cũng phải xuýt soát 12 giờ khuya. Nhất là những tối đi nhậu; gỏi cá, tái vịt, tiết canh dê... chẳng lẽ người ta mời mình, đến ăn xong rồi xăm xăm vội về như nhà có con dại. Hơn nữa, bản tính cha Lành lè phè, thích diễu nhất là khi đàn đúm với nhóm thanh niên hồn hồn hoặc những ông già chịu chơi, thích nói chuyện tầm phào với cha. Thôi thì khen cha dễ tính, chịu chơi, bình dân... làm cha ưng ý và rồi ông một ly, cha một ly thi nhau uống trong khi vui câu chuyện trời mưa trời nắng. Cứ thế, người mời càng đông, cha quen thói ngủ trễ càng nhiều để rồi sáng nào mắt cũng cay xè, đồng hồ báo thức kêu gào mà chủ nhân cứ ậm ừ ngủ nướng...
Nhìn hình mình trong gương nơi phòng áo, ngài không thể chấp nhận được! Giáo dân sẽ nghĩ gì khi thấy cặp mắt cha còn lờ đờ vì chưa tỉnh hẳn? Rồi nữa, bài Phúc Âm số bao nhiêu; sách lễ trang nào; có kính thánh gì ngày hôm nay không; áo lễ mầu gì? Vội kéo ngăn khăn che bàn thờ, 3 cặp đỏ, trắng, tím... "màu xanh," ngài thầm nghĩ trong khi đưa tay dịch cánh cửa tủ lấy áo lễ. Thường ngày mặc dầu lễ 6g30 sáng, cha Lành đã phải dậy lúc 5g00. Như một cái máy, đưa tay ấn nắp chiếc đồng hồ điện đang oang oác phát ra những tiếng kêu chói tai. Đã bao nhiêu lần tự hứa với mình nhổm dậy ngay khi đồng hồ reo nhưng hình như những gì cố gắng hứa lại càng khó thực hiện. Bởi thế, thay vì tuân theo một cách khổ não ý định, ngài đã để đồng hồ reo chạy nhanh 9 phút và đồng thời cho báo thức một giờ rưỡi trước giờ lễ.
Chiếc đồng hồ điện nhiều khi cũng đã làm ngài cuống lên bởi dòng điện bị trắc trở ban đêm làm sai lệch bộ phận điện tử, ngài đành mua thêm thứ lên dây thiều. Được chừng hơn năm, an tâm với thứ đồng hồ xinh xắn du lịch này, mỗi khi báo thức kêu ầm lên một tràng dài như chuông báo động khiến muốn ngủ nướng cũng khó. Nó lại sinh tật; có lẽ hơn một năm làm việc quá đủ công sức cho số tiền mua nên muốn về hưu; để đứng không thèm làm việc mà đặt nằm mới chịu. Có còn hơn không, nằm mà chạy, cha Lành nghĩ, hãy còn tốt chán. Hơn tháng sau, phải đặt nghiêng nó mới tiếp tục phát ra những tiếng tích tắc đều đều ru ngài vào giấc ngủ. Thế rồi nghiêng một bên suốt hai tháng có lẽ cũng bị mỏi, nó lại ngưng để được nghiêng qua bên kia. Vừa chẵn hai năm, dù cho đứng, nằm, nghiêng ngửa gì chăng nữa nó vẫn cứ chình ình bất động khiến ngài đành lùng cho được chiếc đồng hồ báo thức chạy pin. Những 3 chiếc đồng hồ báo thức ngự trên bàn ngủ choán chật một góc. Chiếc về hưu chính ra phải được vất đi, nhưng mà ai chả thế, những đồ vật mình đã xài dẫu cho không dùng được nữa nếu đem vất đi cũng tiếc; giống như mớ quần áo cũ, không muốn mặc, vất đi chẳng đang tâm; cho không ai lấy và cứ chất đầy tủ. Riêng chiếc đồng hồ điện khi báo thức, cứ ấn chiếc nắp phía trên là ngưng để rồi 9 phút sau lại chịu khó nhắc nhở cha Lành lần nữa. Cũng chính vì đặc tính chịu khó của nó như thế nên ngài có thêm tật ngủ nướng. Mà ngủ nướng tuyệt thật, căn báo thức trước một tiếng rưỡi để có thời giờ ngủ nướng vì sau một hoặc hai, có khi ba lần ngủ nướng, lúc dậy hình như con người cảm thấy tỉnh táo hơn; tỉnh táo hơn bởi ngủ nướng ngon hơn, quí báu hơn...
Từ ngày tậu chiếc đồng hồ chạy pin, không sáng nào cha Lành không giật mình. Nó không to chi, nhỏ xí à, chỉ to bằng 3 ngón tay và dầy gấp đôi; thế mà tiếng kêu của nó tàn bạo không thể tưởng; âm thanh gì lạ kỳ, cứ xuyên qua màng nhĩ xoáy vào óc. Không cho nó báo thức e chiếc đồng hồ điện gặp trục trặc; cho nó báo thức, mỗi lần nó kêu là cứ như muốn văng ra khỏi giường. Tuy nhiên, lâu dần riết rồi cũng quen. Những ngày nào đồng hồ điện không gặp trục trặc, cha Lành dậy trước khi đồng hồ pin báo thức, thuận tay đập một cái cho thằng điện ngưng, và một cái cho thằng pin mất cơ hội làm phiền để rồi an tâm ngủ nướng.
Có lẽ không có gì thú vị hơn ngủ nướng mặc dầu đã ngủ thì đâu biết gì; mà ai chả thế, sáng nào hưởng đủ ba lần ngủ nướng thì cha Lành cũng phải hối hả suốt diễn trình sinh hoạt buổi sớm: uống cà phê, đánh răng, rửa mặt, tắm, mặc quần áo, đọc trước bài Phúc Âm một lần cho trôi chảy và lật tự điển nếu gặp chữ nào khó đọc. 6g15 có mặt tại nhà thờ đọc kinh nguyện trong khi giáo dân lần hạt để rồi đến ngắm thứ năm ngài vô phòng bận áo cho kịp dâng Thánh Lễ ngay khi xong lần hạt. Lễ 6g30 phải chấm dứt 10 hay 7 phút trước 7 giờ.
Kỳ mới chịu chức, thường ngài chỉ uống cà phê sau khi đánh răng rửa mặt. Uống cà phê là một nghệ thuật cần thời giờ thưởng thức. Luật Giáo Hội giữ chay 1 giờ trước khi rước lễ; do đó thi hành xong những chuyện cần buổi sáng đâu còn giờ uống cà phê cho đủ 1 giờ giữ chay. Thế nên nhân một lần nào đó không hiểu nói chuyện với ai hoặc đọc từ bài viết nào, cha Lành nghe người Pháp ăn sáng trước khi làm những chuyện vệ sinh căn bản; ngài hoan hỉ áp dụng uống cà phê ngay sau khi dậy. Hơn nữa, ngài cũng nghe đâu đó rằng khi vừa thức dậy buổi sáng, miệng con người độc vô cùng nếu ngay lúc đó cắn vào cây nào thì cây đó cũng sẽ bị chết. Hơn nữa, chính chất độc nơi miệng con người lại trị những bệnh thông thường. Buổi sáng chưa đánh răng súc miệng mà uống nước thì những chất độc này làm người ta khỏe hơn, ít bệnh hơn. Và thế là từ dạo đó, vừa mắt nhắm mắt mở bước xuống khỏi giường, cha Lành đã vội khoác chiếc áo tắm, vừa đi vừa thắt dây lưng vô nhà bếp pha cà phê.
Cà phê không những giúp ngài tỉnh buổi sáng mà còn là nước uống cả ngày. Nước ngọt uống không vô bởi chất đường hóa học, lại nữa, không muốn bị thói quen tiêu tiền vì nước ngọt khi khát, thật là vô cùng hoang phí! Nước lạnh thì có mùi thuốc lọc làm khó chịu cả ngày. Khi nào uống quá nhiều cà phê, ngài muốn uống nước lạnh, phải lọc cọc đun sôi hoặc may mắn có nước đã đun sôi còn thừa lại do cha xứ pha trà thì cả là điều hạnh phúc vì đã hết mùi clor. Hơn nữa nhà xứ không có bình nước lọc thế là cha Lành cứ cà phê tì tì uống. Trên bàn nơi phòng làm việc, có khi 7, 8 chiếc ly uống cà phê ngổn ngang chiếm hết một góc; nhưng không uống cà phê, uống chi bây giờ? Trà thì nóng và nhiều chất cafein gấp đôi cà phê, ai dại bỏ cái hại ít đế chuốc lấy thói quen hại nhiều! chẳng lẽ bỏ cà phê để uống bia. Uống bia lại càng không nên vì sẽ bị nghiện. Ngài sợ bị nghiện những thứ không nên nghiện. Mới có cà phê và thuốc lá mà đôi khi đã phiền hà; nghiện rượu bia mới nguy hiểm, không những tự làm hại chính mình mà còn ảnh hưởng đến giáo dân. Đã lỡ không nghiện rượu, chẳng nên tập cho quen dầu ngài có thể uống được rượu bia. Đôi khi nghĩ về mình xem có những tật không nên không phải nào, ngài cảm thấy tự mang mặc cảm với chính mình vì không chịu bỏ hút thuốc. Dùng lý luận, đủ kiểu, đủ cách để minh chứng hút thuốc là không nên nhưng hút vẫn hút. Lắm lúc nói chuyện với người khác về tội tổ tông, ngài đem thói quen hút thuốc ra minh chứng rằng tội tổ tông không phải chỉ là tội của ông Ađam và bà Evà theo nghĩa đen nơi Kinh Thánh mà là tội mình không biết hoặc không cho là tội và đang sống trong nó, với nó, không nghĩ đến sự ảnh hưởng của nó. Một gói thuốc hơn một đồng Mỹ kim trong khi số tiền tương đương với gói thuốc có thể nuôi được một gia đình 5 người tại Việt Nam một ngày vương giả. Nghĩ như thế, mặt trái của những thói quen nói lên lầm lỗi mà mình không để ý. Dĩ nhiên, mình hút thuốc tiền mình nhưng nếu không hút thuốc, lấy số tiền đó giúp những người khốn khổ hơn thì lại là điều tốt lành. Hút thuốc, mình bỏ cơ hội làm điều thiện giúp người nghèo đói. Hơn nữa, hút thuốc thật ra không cần thiết! Dẫu rằng thuốc lào được người xưa quan niệm là thứ Thảo Lam Sơn có tính chất trị sơn lam chướng khí nơi miền rừng núi (không biết có đúng không). Người ở miền núi hút thuốc lào để chống lại chất độc tự nhiên quanh vùng mình ở. Tuy nhiên, xét về mặt tu đức học, những gì mình không cần thiết thuộc về người nghèo. Hút thuốc không cần thiết cho cuộc sống do đó số tiền hút thuốc nên được dùng để cho người nghèo...
Nghĩ như thế, lý luận là thế mà hút thuốc ngài vẫn cứ hút, chỉ được cái không đam mê hút nhiều, ngày không đến một gói. Có vài người đề nghị ngài chừa hút thuốc viện cớ hại cho sức khỏe...
-Ông bà không hút thuốc phỏng có thể sống mãi được không?
-Thưa cha ai mà không chết.
-Hút cũng chết mà không hút cũng chết, đàng nào cũng không tránh thoát, thế thì hút có khác chi đâu!
-Nhưng thưa cha hút thuốc chết sớm hơn.
-Nói lạ kỳ, cứ cầu nguyện mong sao cho chóng được hưởng mặt Chúa mà lại muốn sống lâu; vậy sợ chết có phải là kiểu nói dóc không? Như vậy người hút thuốc sẽ được hưởng mặt Chúa sớm hơn kẻ không hút.
Lý luận diễu chơi để bảo vệ lý do hút thuốc của mình chỉ cho qua; thực ra, cà phê và thuốc lá ảnh hưởng cha Lành khá nhiều. Muốn viết lách gì, tay cầm bút, tay kia điếu thuốc, rồi cà phê hết ly này đến ly kia. Không có cà phê thì bia nhưng không có thuốc lá lại không được. Khói thuốc bay lên dường như có mãnh lực kéo tư tưởng ra khỏi bộ óc. Lý do chính ngài không muốn bỏ hút thuốc có lẽ cũng vì một phần nào chất nicôtin giúp ngài hứng khởi hơn khi viết. Tuy thế, đã nhiều khi ngài định bỏ thuốc. Dĩ nhiên, định bỏ tức là vẫn còn hút và lý do ngài muốn chừa vì khói thuốc làm phiền; thật lạ kỳ, hút thuốc nhưng không chịu được mùi khói thuốs. Những ngày còn học thần học, thày Lành đã phải mua chiếc quạt bàn nhỏ xíu ráp vô trần phòng mình để thổi khói thuốc ra ngoài. Chính vì không chịu được khói thuốc nên phải ráp quạt, đôi khi lại là cớ cho các anh em khác sang ăn mì ké bởi hơi mì không đọng lại nơi phòng ngài như các phòng khác không có quạt hút hơi. Lắm lúc thày Lành nghĩ, vừa tốn mì vừa mất thời giờ tiếp khách cũng chỉ vì tật hút thuốc.
Đàng khác, ngài cũng muốn có chút giọng hát nên muốn chừa hút thuốc, viện cớ hút thuốc làm đứt quãng dây "thiều" rung không đều do chất nicôtin bám vào. Lý do muốn cho giọng hát hay hơn có thể là động lực thúc đẩy ngài tới quyết định chừa hút thuốc. Khi tham gia với bạn bè trong những ngày cuối tuần, sau khi ăn uống, với tình quen biết thân thiện không ngại bị phê bình, ngài chung vui hát với họ. Hết nhạc tiền chiến rồi nhạc thời trang, chia phe hát đối hoặc đơn ca trình diễn. Gọi là trình diễn cho oai chứ thực ra chia phiên mỗi người hát một bài vì đa số ai cũng ngại hát. Hơn nữa, biết nhạc và có thể nói là mê nhạc nên ngài thích hát. Bạn bè cho ngài biết ngài có một cá tính tự nhiên thật hấp dẫn và thu hút khán giả. Mới đầu ngài không để ý bởi nghĩ rằng người ta nói cho qua hoặc đôi khi phỉnh phờ diễu chơi. Nhưng sau nghe riết đến độ nghi ngờ, ngài hỏi một vài người mới biết họ nói thật... Tuy nhiên, lý luận, ý thích, ý kiến... có đến đâu thì ngài vẫn chưa và có thể không bao giờ bỏ hút thuốc bởi quan niệm ai cũng có một tật xấu nào đó, có bỏ được cái này thì vương thêm cái khác; đàng nào cũng là tật. Nếu hút thuốc là một tật xấu, bỏ nó, coi chừng vương tật khác xấu hơn. Lắm lúc trong những khi lý luận diễu chơi ngài mượn quan niệm của Lâm Ngữ Đường trong cuốn Một Quan Niệm Sống Đẹp (Nguyễn Hiến Lê dịch): - Người nào không biết thưởng thức cuộc đời, có được lên thiên đàng cũng sẽ chán - để bào chữa cho tật hút thuốc của mình.
Nhớ lại thời kỳ ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, thày mà. Sau năm 1975, sáng hôm ấy sau khi thày Lành giúp cho rước lễ ghé vô nói chuyện với cha Đông Anh tại nhà xứ. Nhân ngài pha cà phê uống nước sáng, ngài hỏi thày Lành có muốn uống cà phê với ngài không. Đang cơn túng quẩn nên cà phê trở thành thứ xa xỉ dầu thèm muốn chết, thày Lành vui mừng trả lời có! Đứng tựa nơi cửa nhìn chiếc lọc cà phê bằng điện kiểu Ý đang chảy cà phê ra ly qua chiếc vòi cong vòng từ trên nắp lọc, thày Lành buông lời ngộ nghĩnh:
-Kể ra thày Lành cũng may mắn gớm chứ!
-Có chuyện gì mà may mắn?
-Thì được cha xứ pha cà phê cho uống.
-Thật đấy, tôi chỉ pha cà phê cho mình thày uống thôi, chứ dù cho đức giám mục có đến tôi cũng không pha.
Khi hai ly cà phê được bưng tới bàn ăn, biết cha xứ không hút thuốc, thày Lành tiếp:
-Nếu cha không đồng ý con hút thuốc thì con bưng cà phê về nhà uống.
-Tôi biết rồi, mỗi người một kiểu thưởng thức "sự vật". Thày uống cà phê mà không hút thuốc thì thà đừng uống; cứ tự nhiên!
Còn gì sảng khoái hơn khi mới thức dậy, đang ngái ngủ có được một ly cà phê nóng và một hai điếu thuốc nhâm nhi trước khi đánh răng rửa mặt. Hôm nào lỡ quên để đồng hồ báo thức, chất đắng cà phê chưa có cơ hội du lịch thấm nhập qua các mạch máu, ngài phải cố gắng hết sức; không cố gắng, nhìn chữ nọ nhảy qua chữ kia. Thế nên, ngài đôi khi tự diễu: có những số tật không nên sửa vì nếu sửa nó sẽ rơi vào những cố tật tai hại hơn. Dâng lễ trong lúc ngái ngủ không gì tệ hại bằng vì dâng lễ là dâng với tất cả tâm hồn của mình. Lúc còn ngái ngủ thì dù cố gắng cách mấy ngài vẫn cảm thấy như còn thiếu sót điều gì... Làm sao người ngái ngủ có thể dâng lễ với tất cả tâm tình như người tỉnh.
Nghĩ lại những lúc ngái ngủ ngài nhớ câu chuyện cô em gái đã kể sau khi mới chịu chức được mấy hôm:
-Mẹ bảo Chúa chọn thày lười...
Nào có gì đâu, kỳ còn nhỏ cần ngủ nhiều lại ham chơi vào buổi tối, sáng ra khó dậy nhưng vì nhà gần thánh đường, ngài bị đánh thức dậy đi lễ hằng ngày như cái máy. Lớn lên, khi còn đang ở chủng viện, ngài mới biết lễ ngày thường không phải lễ buộc nên khi nghỉ hè, ưng thì đi, không ưng ngài tiếp tục ngủ nên bị gọi thày lười. Thế mà bây giờ, dù lười cũng phải dậy lúc 5 giờ sáng. Ngày nào dâng lễ sớm cũng phải thức giấc lúc 5 giờ trong khi lên giường ngủ vào 12 hoặc 1 giờ đêm; thật đáng đời. Ghét của nào trời trao của đó.
Đã thế mà cha Lành lại thích dâng lễ sớm vì có nhiều giờ làm việc hơn. Hơn nữa, đến giờ lễ buộc lòng phải dậy nên ngày dài hơn. Cũng đã nhiều lần mặc dầu dâng lễ 8g15 ngài để đồng hồ báo thức lúc 5g sáng tự bảo mình dậy sớm làm thêm ít chuyện cần phải làm cho xong. Thế nhưng, lúc vặn đồng hồ thì tốt lành, hăng say lắm mà khi đồng hồ báo thức cả là một vấn đề. Giỏi lắm, chồm dậy vặn đồng hồ cho báo thức trễ lại một tiếng rưỡi hoặc hai; còn bình thường tắt luôn để rồi lại hối hả cho kịp giờ lễ... Và chưa bao giờ ngài thực hiện được ý muốn tốt lành này gần ba năm... Ôi! thần trí thì sáng suốt nhưng thân xác lại mê đắm... ngủ. Những ngày dâng lễ sớm, cha Lành cảm thấy niềm vui khó tả. Ngồi tại bàn viết được những hai tiếng từ 7g tới 9g sáng, không bị ai làm phiền, muốn làm gì thì làm, viết gì thì viết... Điều thú vị nhất, lúc đã tỉnh táo, ly cà phê và thuốc lá mới thực sự hấp dẫn cũng như có thể làm tròn nhiệm vụ đã được chế biến của chúng.
-Cha Lành, điện thoại đường dây số hai. - Bà thơ ký gọi cha từ phòng bên kia.
-Hello,
-Con muốn tới gặp cha bây giờ được không?
-Được, vậy lúc nào thì bà tới?
-Con có đánh thức giấc ngủ của cha không?
-Không đâu, bây giờ đã hơn 8g sáng; tôi dâng lễ 6g30 mà. Chừng nào bà tới?
-Cỡ 15 phút nữa được không cha?
-Từ từ lái xe, tôi chờ.
Dĩ nhiên, cuộc đời có người nọ người kia. Đa số giáo dân thật tốt lành ngoại trừ phần nhỏ đôi khi chỉ biết đến mình, không chịu hiểu biết hoặc thông cảm cho người khác, ngay cả đối với các cha. Người thì muốn cha lúc nào cũng phải ở nhà xứ để gọi là gặp ngay. Đồng thời lại cũng có những người muốn cha ghé thăm mà chẳng bao giờ nói để rồi than phiền nào là cha tới nhà người này, người kia mà không tới nhà mình. Có người còn bày ra những câu nặng hơn... Nào có thèm mời, có thèm nói đâu, làm sao cha biết... Ngay cả như vấn đề kiệu Mình Thánh cho người bịnh, chẳng biết bao nhiêu lần yêu cầu nếu nhà có người tật nguyền hay bệnh lâu năm không đi lễ được thì gọi điện thoại báo cho nhà xứ mà người ta có thèm gọi đâu; không gọi để kêu ca cho có vẻ quan trọng, cho oai thôi. Các bà các cô ngày xưa lập gia đình chỉ phải làm dâu một họ nhà chồng đã thấy lắm sự phiền hà, than như bọng. Nào mẹ chồng con dâu, nào chị dâu em chồng... thôi thì muôn thứ chuyện xảy ra. Đàng này, các cha làm dâu trăm họ, ngàn thứ người. Một mẹ chồng khó tính đã đủ chết; các cha có cả mớ mẹ chồng chứ không phải một mà mẹ chồng nào thì cũng hay, cũng đúng vì đâu ai chịu nhận phần không nên không phải về mình... Thế rồi cứ "Nếu tôi mà là cha... tôi thế nọ, tôi thế kia..." Thật ra, có thế nọ, thế kia được thì đã là cha cần gì phải nếu...
-Chào cha...
-Chào bà, mời bà ngồi. Bà có khỏe không?
-Thưa cha, con cũng thường. Con tới gặp có phiền cha không?
-Có chi mà phiền, đó là công việc của linh mục mà.
-Cha dậy sớm vậy dâng lễ có mệt không?
-Tối nào đi ngủ muộn thì sáng khó dậy, nhưng cũng quen đi.
-Vậy thứ bẩy, chủ nhật lắm công việc cha có mệt không?
-Có chi đâu! Chúa ban cho ai cũng có 24 giờ một ngày và mình có bao giờ làm việc 25 giờ đâu... Hơn nữa, người ta đi làm sò, làm tôm ngày 8 tiếng mà họ không kêu mệt thì mình sao mà mệt.
-Nhưng cha làm việc đầu óc...
-Thì việc nào chả là việc. Mỗi người Chúa ban cho các khả năng khác nhau nên công việc làm khác nhau. Thôi, vào thẳng vấn đề, bà đến gặp tôi có chuyện gì vậy?
-Con muốn xưng tội, nhưng trước khi xưng con có mấy việc thắc mắc.
-Chuyện gì vậy, khó hay dễ nói?
-Thưa cha, chẳng có gì khó nói cả, chỉ là những chuyện thường.
-Thế vấn đề gì...
-Thưa cha con hay nóng giận, chửi bới con cái và đôi khi bực mình với cả bố mẹ con. Con đã cố gắng chừa sửa nhưng chứng nào vẫn tật nấy làm con khổ quá...
-Bố mẹ bà hay bố mẹ chồng?
-Bố mẹ con ấy chứ. Bố mẹ chồng con đâu có đi được.
-Ông bà cụ năm nay Chúa ban cho thọ được bao nhiêu tuổi?
-Ông thì cỡ 80, má con chừng bẩy mấy.
-Ông bà cụ thọ đấy. Bao nhiêu người muốn sống tới tuổi ấy mà đâu có được!
-Bởi thế con mới cảm thấy phiền chứ. Lắm lúc con gắt um lên với bố mẹ con.
-Bà có biết lý do tại sao bà hay gắt gỏng với ông bà cụ không?
-Tại con nóng tính.
-Đâu phải cứ nóng tính mà hay gắt gỏng được. Nếu nói là tại nóng tính rồi cứ làm tưới đi thì sao bây giờ bà không gắt gỏng chút nào?
-Thì khi có chuyện gì xảy ra làm con bực mình con mới gắt chứ.
-Nghĩa là khi có chuyện gì xảy ra không hợp ý bà thì bà mới nổi nóng lên.
-Vâng, ai đời nào mà trời nắng chang chang, bố con cứ hì hục với mảnh vườn bằng bàn tay rồi mồ hôi cái mồ hôi con đổ ra đụng phải gió máy rồi lại ốm. Con nói mãi cũng không thèm nghe làm con cứ phát cáu lên thôi! Con cáu lên, bố mẹ con lại phiền lòng.
-Đâu phải ông cụ làm sai ý bà thì bà gắt đâu. Bà sợ ông cụ ốm đau đấy chứ.
-Ơ! Cha nói đúng.
-Chẳng phải mình bà đâu. Tôi cũng thế! Mấy cụ có tuổi rồi mà cứ làm như mình còn trẻ cỡ 30, 40. Thấy các cụ làm mà mình phát rét lên; mình lo các cụ lỡ ra thì sao; mà nói thế nào thì cũng "Tao còn đẻ ra mày."
-Con cứ tưởng con hỗn láo với bố mẹ con.
-Cái đó không phải là hỗn láo mà là quá lo cho bố mẹ. Đời nào bố tôi bẩy mươi mấy rồi, đi đứng làm sao mà vững như những người còn trẻ. Do đó tôi đã phải đổ lối xi măng xuôi từ phần đất cao xuống chỗ thấp hơn để khỏi phải bước bậc thang. Thế mà bố tôi đóng ngay mấy bậc bằng gỗ khấp khểnh đi lên đi xuống cho tiện nơi mấy chỗ khác. Đất thịt gặp trời mưa thì trơn té chết người! Mới chỉ trông thấy thôi đã muốn đứng tim mà nói thế nào cũng không chịu phá bỏ. Đến khi má tôi té trật giò mới sợ phá đi... Chỉ có Chúa mới hiểu được các cụ...
-Khổ quá cha ạ, con cáu lên thì bố mẹ con tủi thân mà con thì sợ lắm; lỡ ra có bề nào, con chẳng biết ăn nói sao!
-Biết sao hơn bây giờ! Thôi thì đành chấp nhận rồi phó thác thôi chứ. Nếu mình không thương bố mẹ mình thì đâu có chuyện cáu kỉnh xảy ra. Mình có bao giờ gắt gỏng với mấy người già hàng xóm đâu. Đành dâng các cụ trong tay Chúa, và những gì giúp được thì giúp; chẳng hạn nếu cụ ốm, ráng lo nấu cháo cho cụ ăn, mua thuốc cho cụ uống. Còn những chuyện vớ vẩn nguy hiểm khác không làm sao giúp được thì đành nhắm mắt để khỏi phải nhìn thấy... Ngăn cản thì quí cụ đau lòng... không thể hiểu được!
-Sao cha nói nghe dễ vậy mà lâu nay con cứ áy náy trong lòng...
-Còn vấn đề con cái, lúc nóng mà hò la chúng, chửi bới bậy bạ thì lại tập tành cho chúng ăn nói giống mình... có lẽ phải kiếm cách khác để dạy bảo chúng chứ la nhắng lên không được ơn ích gì mà cái nhà thì lại um lên...
-Con biết cách nào hơn đâu cha!
-Từ từ... đàng nào thì bà là mẹ, bà hiểu tính tình từng đứa một. Tùy theo cá tính mà chỉ bảo nó. Thế có bao giờ bà để ý đến cá tính từng đứa con của bà chưa?
-Có chứ, nhưng con chưa bao giờ nghĩ đến dạy bảo chúng tùy theo từng đứa, mà thường thì cứ nổi nóng là la toáng lên.
-Không có việc gì cao cả hơn là vấn đề dạy dỗ con cái đâu. Dạy cho chúng nó nên người là bổn phận và cũng là thiên chức Chúa ban cho các bậc cha mẹ. Mình thương con nên dạy con. Bà thấy không, bà đâu có bao giờ nổi nóng với con nhà hàng xóm vì bà đâu cần biết đến chúng nó. Tôi nghĩ, bà nên dành thời giờ suy nghĩ để kiếm cách dạy con cho hữu hiệu; việc đó mới khó! Thế bà còn chuyện gì muốn nói nữa không?
-Thưa cha không, chỉ có thế.
-Vậy bà đã dọn mình xưng tội chưa?
-Thì có bấy nhiêu con đã nói hết rồy.
-Tội lỗi chi ba cái chuyện vớ vẩn... có lẽ cái tội to nhất là tội mình không biết...
Dân Chúa đơn sơ và thật tốt lành; chỉ phiền một nỗi là những chuyện không ra gì đôi khi thiếu hiểu biết bị trở thành tội và có khi làm khổ một đời để rồi lại sinh ra muôn sự rắc rối khác. Điều đơn giản sinh ra rắc rối đầu tiên là cứ muốn người khác phải theo ý mình chẳng cần biết như thế là hay hoặc dở cho họ mà đâu thèm để ý đến trên đời này không ai thích giống ai, mỗi người lại có cái nhìn khác biệt. Đã thế thường thì không chịu nói ra, cứ ấm ức trong lòng ngày này qua ngày khác, tới khi gặp cơ hội là làm toáng lên, moi móc từ đời ông bành tổ trở xuống làm cho kẻ khác mang ấn tượng là mình xấu xa không có được gì tốt lành. Hơn nữa, dạy con thì cứ lôi những cái xấu của nó ra mà la mắng trong khi những điều tốt chẳng bao giờ khen thưởng chúng. Chẳng lẽ đứa bé 11, 12 tuổi chưa bao giờ làm được điều gì hay cho gia đình ư? Thế mà có nói được lời nào khen nó đâu... chỉ những bới tội! Còn nữa, còn muôn thứ chuyện lăng nhăng của người nào đó vắng mặt cũng moi ra cho đỡ "rỗi miệng" và rồi "đình đám người, mẹ con ta;" đôi khi người trong nhà giận nhau cũng chỉ vì chuyện của kẻ khác. Đúng là sinh tội.
-Mời cha ngồi lên đây.
-Được rồi, tôi thích ngồi đây. Ngồi chỗ này gắp được cả hai bên không sướng hơn ư!
-Nhưng cha phải ngồi lên đây, ngồi đấy ai coi cho được.
-Không cần biết, tôi thích ngồi đây, còn ai coi không được thì nhắm mắt lại, đâu có sao.
-Cha ngồi lên đây không người ta nói con không biết phép tắc...
-Ai cười thì bảo người ta rằng ghế tôi đang ngồi mới quan trọng. Thôi mà, hình thức làm chi... Nào chuẩn bị làm dấu...
-...
-Cha ăn món này trước... để con gắp cho cha...
-Không, đừng làm thế; ông để tôi ăn theo ý thích.
-Nhưng món này ngon hơn...
-Thôi đừng ép nữa để tôi kể một câu truyện... Truyện kể rằng có hai ông bà cụ người Mỹ cỡ bẩy mươi mấy tuổi. Ông thương bà lắm, ngày nào cũng chịu khó dậy sớm pha cà phê, chiên trứng, xúc xích rồi nướng bánh làm đồ ăn sáng cho cả hai người. Sáng hôm ấy, ông cụ cũng như thường lệ, làm hết mọi sự thì bà cụ cũng vừa ra tới bàn ăn. Ông cụ mới lấy hai miếng bánh mới nướng xong bỏ lên đĩa cho bà cụ. Bà cụ thoạt trông thấy hai miếng bánh cất tiếng: Ông xem, tôi lấy ông 50 năm trời, lần nào ông cũng bắt tôi ăn hai miếng bánh quỉ này. Ông cụ ngớ cả người, rưng rưng nước mắt đoạn nói: sao bà không nói cho tôi biết từ 50 năm về trước. Tôi thích ăn đầu miếng bánh nướng mà phải nhường cho bà...
-Cha kể chuyện gì chúng con đâu có hiểu.
-Thì món ngon đối với ông chưa chắc đã ngon đối với tôi chứ có chi đâu!
Chủ nhà cười ha hả ra chiều hiểu biết:
-Nào mời cha, cha con mình cụng ly...
-Cụng thì cụng nhưng ai muốn uống nhiều ít tùy ý.
Uống được vài hơi rượu, chủ nhà cảm thấy gần gũi với cha Lành hơn nên tỏ lời thân mật:
-Con thấy có nhiều cha khó quá... và làm những chuyện độc đoán... chẳng hạn cha Thuyết...
-Ông say chưa? Cha khó hay ông chẳng thèm mời rồi nói khó... Còn những chuyện về cha khác, các ngài không có mặt ở đây nên không có cái miệng để trả lời; tôi nghĩ mình không nên nói tới. Nếu muốn nói, muốn phê bình, nói ngay ông cha này. Ông ấy đang ngồi đây, có cái miệng trả lời xem thế nào. Dám không? Nói sao cũng được nhưng phải hợp tình hợp lý và dẫn chứng đàng hoàng, không được bày đặt hay phét lác...
-Đâu ai dám nói tới cha...
-Có phải vì cha đang ngồi đây không? Chốc nữa cha về thì ai mà chả dám. Kể cũng lạ, chính phủ đánh thuế hết mọi thứ mà không biết cách đánh thuế người nói khoác hay nói lung tung. Nếu bị đánh thuế, tôi nghĩ thiên hạ chừa hết...
-Thưa cha, con xin phép được nói, - Giọng một ông khác lè nhè, sứa rồi - Cha thì cũng nhiều cha, mà mỗi cha một lý đoán chứ đâu phải cha nào cũng giống cha nào... Con xin nói thật lòng... chỉ có sang đến bên này chúng con mới được ngồi ăn với cha chứ như ở Việt Nam, muôn đời chúng con cũng chẳng bao giờ được ngồi gần cha... Ở bên này các cha không được kính trọng, bị mất giá trị... Con thấy bên này người ta coi rẻ các cha quá.
-Ông nói hết chưa?
-Thưa hết rồi đó cha...
-Có gì đâu mà coi rẻ và mất giá trị. Có chăng thì đất lề quê thói thôi chứ đâu phải gặp cha cứ khúm núm mới là kính trọng hoặc là để ông cha ngồi một mình một mâm buồn thỉu buồn thiu nuốt không nổi là có giá trị. Thôi, chuyện mấy ông cha bỏ qua một bên, nào mình nâng ly...
Làm việc cho giáo xứ Mỹ nên thỉnh thoảng được người Việt mời đi ăn là cả một cảnh thiên đường hạ giới. Buổi sáng, cha Lành đã lười ăn; đến trưa, ăn đồ Mỹ cũng chỉ nuốt cho qua mặc dầu đã quen nhưng khẩu vị đâu không thấy. Thịt và thịt... giỏi lắm vài miếng rau xà lách trộn cà chua thái sống... khoai tây... cà rốt... thiếu hẳn mùi vị quê xương. Ăn thịt bò mà cứ nấu chín tơi ra với khoai hoặc steak; thịt heo chỉ tẩm bột chiên lên; còn gà thì mua chợ nấu sẵn đem về hấp lại với vài thứ đậu hộp... thì con tì con vị cũng chán ngán ngủ tuốt luốt. Cứ thử tưởng tượng; thịt bò xái tái chấm nước mắm gừng nổi mùi thơm phức pha lẫn mùi mè rang hay thính xay thì người có no cách mấy cũng đưa được vài lon bia. Tôm hay cá đem thái gỏi kèm theo lá mơ và ít lá thơm đủ thứ, mới ngửi thấy có phải đã tỉnh táo rồi không! Người Mỹ làm sao biết thưởng thức những món ăn đơn giản như dấm mẻ ăn gỏi, hoặc thịt bò xào rau muống đập vô củ tỏi làm kẻ đứng xa cả cây số cũng phải rệu nước miếng...
Bẩy ngày một tuần, bà bếp nấu năm bữa trưa... còn tối lục tủ lạnh hoặc chạy ra McDonald hay tiệm khác. Mà nào có rẻ gì, hèn cũng gần năm đồng. Thứ bảy và chủ nhật càng tệ; những món cũ còn lại trông phát ớn... Chẳng trách chi người Mỹ họ mập, mập vì đồ lạnh chứa mỡ khó tiêu... có lẽ vậy! Vấn đề ăn uống nơi nhà xứ Mỹ là thế nên thèm đi ăn rông muốn chết mà có biết nơi nào có thể tới đâu. Một năm 365 buổi tối, 104 ngày cuối tuần chứ đâu có ít gì! Thế mà không thiếu người nói cha khó mời! Có mời đâu mà chả khó! Nhưng không sao, cơm mời, có "ăn được bát cháo thì cũng đã phải chạy ba quãng đồng." Một lần đi ăn cơm mời thì ít nhất cũng tiêu mất hai tiếng đồng hồ. Đến muộn người ta chờ, đến đúng giờ mình chờ người ta; rồi chẳng lẽ tới nơi lo cắm cúi ăn và về? Nó kỳ làm sao ấy! Ngồi thêm chút nói dăm ba câu chuyện... và rồi cũng có kẻ nói hay đi ăn nhậu lang thang. Lắm lúc cha Lành nghĩ, thiên hạ cũng kỳ thật; người mời không nói; kẻ chẳng bao giờ cho ăn lại bày ra rậm lời. Ôi! Đâu phải muốn nói ngoa làm cha mà nói nhưng ngược lại, muốn nói ngoa làm con cha mà nói. Chẳng khác gì làm dâu muôn người; cuộc đời mình ai cũng có quyền xía vô!
Nào đã hết đâu, cái đầu mình từ ngày chui lọt lòng mẹ ra không được thẳng với cái thân người như cây tăm; người ta nói mình nghênh nghênh ngạo đời. Cặp mắt lỡ Chúa bắt tội nhìn không được ngay; họ nói nhìn đời rằng nửa con mắt! Nhìn cả còn chưa được phương chi nhìn nửa! Hai chân chẳng may không đều - mà nào có ai hai chân đúng thước tấc bằng nhau - họ nói dáng đi nghênh ngang, kênh kiệu... Làm dâu trăm họ thì chỉ có bới bèo ra bọ bởi đâu có ai là người hoàn toàn vừa lòng được hết mọi người. Được lòng kẻ nọ lại mất lòng người kia... Người thích cha mặc áo dài cho có vẻ thánh thiện; kẻ ưa cha bận áo cộc. Người quan niệm cha phải mặc áo đen; kẻ khác lại muốn nhìn màu trắng... Có lẽ chỉ còn cách mặc áo vá, tà ngắn tà dài mới gom đủ được mọi ý thích; mà nếu thỏa mãn được ý mọi người kiểu này, ông cha trở thành dị kỳ lại càng biến thành nguồn gốc cho muôn ngàn ý kiến mới. Đàng nào cũng có những người không ưa - cha Lành đôi khi nghĩ - mà không ưa thì dưa có dòi... Thêm nữa, một điều nhân gian khó thể hiểu là đa số những người tốt lành thì chẳng thấy nói chi; chỉ những người lôi thôi, chẳng ra gì cái miệng lại cứ toang toác như loa phóng thanh, làm như con cái loài người khôn ngoan hơn con cái Thiên Chúa...
Tuy nhiên, nói cho cùng, thánh giá nào chẳng khó mang; mà nếu dễ mang đã chẳng là thánh giá. Cuộc đời nào không lắm chông gai trắc trở, và nếu không có chông gai, trắc trở thì anh hùng xào kiệt đâu hơn chi người bình thường. Ngày xưa, Chúa xuống thế cũng đâu có thể làm hài lòng được hết mọi người. Nếu Chúa có thể làm hài lòng được hết mọi người thì đâu có chuyện khổ hình, và đã không có khổ hình sao có thể có phục sinh. Thêm nữa, xét ra những gai nhọn "phê bình nhăng cuội" đâu đến nỗi chua cay bằng cảnh Chúa trốn lánh thiên hạ vác đá ném. Người ta mới ném mình bằng lời nói đâu ăn nhằm gì mà còn có thể giúp mình sửa đổi được những điều không để ý bất lợi cho vai trò của mình trong cuộc sống. Người ta vác đá ném Chúa thì chắc chắn rằng Chúa đã bị kêu ca, xỉ vả không sao kể xiết... Thánh giá lời nói còn nhẹ chán, bước chân theo Thầy hãy còn thênh thang... Thử hỏi nếu Chúa không dám sống với chính con người của Ngài mà chỉ ráng làm sao cho đẹp lòng "nhân loại" đâu ai kết án Ngài. Lời đức giám mục dặn dò còn văng vẳng bên tai ngày nào chịu chức: Con hãy tin những gì được dạy dỗ, giảng giải những điều con tin và thực hành trong đời sống những điều con giảng giải. Mình đề nghị người khác sống thực với tâm tình, với con người của họ trước mặt Chúa mà mình không theo, không dám, có thể chỉ là giả dối. Tuy nhiên sống thực lại bị ném đá! Lời Kinh Thánh khuyên đi con đường hẹp mà đường hẹp nào dễ đi! Đi đường hẹp chắc chắn vướng chông gai. Những nhức nhối mục vụ đòi hỏi lòng một tâm hồn chịu đựng biết xót thương. Những lời phê bình không đúng chỗ, nếu nhìn theo khía cạnh khác, sẽ tạo thêm cho mình sự kiên trì trên bước đường sống thực với niềm tin.
"Cái gì" của ngày xưa mơ ước cho cuộc đời không rập khuôn buồn tẻ đang trải dài trước mặt. Công việc mục vụ không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào bởi bá nhân tá tánh. Dân Chúa chẳng ai giống ai, và ngay cả đối với một người, hôm nay đâu giống hôm qua. Kinh nghiệm mục vụ giúp cha Lành nhận rõ hơn bàn tay Chúa đang trực tiếp dẫn dắt dân Ngài, biến đổi dân theo ý Ngài muốn, và linh mục chỉ là người nối nhịp cầu để chiêm ngưỡng. Có người, cả năm trước, mang đầy sự giận hờn vì bất bình bởi vài chuyện nhỏ nhen; thế mà chỉ vài câu thăm hỏi, khuyến khích, tâm hồn cay đắng đổi vị ngọt ngào để rồi bỏ giờ giấc, công sức giúp việc nhà thờ. Chúa dùng con người để chữa lành những vết thương nơi dân Chúa, cha Lành thầm nghĩ. Mình chỉ là kẻ giương mắt ra mà xem...
-Tôi không biết cách nào để kiếm được người dẫn hát cho nhà thờ. Kêu gọi mấy lần sau Thánh Lễ nhưng chẳng thấy ai gọi điện thoại...
-Con vẫn dẫn hát cách đây một năm nhưng ông Thoa đánh đờn rối um lên làm con hát bể hoài nên thôi...
-Bây giờ ông Thoa đâu có đánh đờn nữa... Thế ông có biết còn ai có thể đánh đờn nhà thờ được không?
-Có chị Ngọc mà chị ấy đâu có chịu đánh...
-Đã ai nhờ chị ấy chưa?
-Đâu có ai nói gì với chị ấy. Hơn nữa, cha xứ không bằng lòng cho ai đụng đến cái đờn phong cầm bao giờ, chỉ một mình bà Thanh mà thôi.
-Vậy nếu tôi nhờ chị Ngọc đánh đờn ông có bằng lòng giúp dẫn hát nhà thờ không?
-Để con về xếp lại chương trình đã, son sẽ gọi cha sau...
-Tôi sẽ gọi ông ngày mai; số phone của ông bao nhiêu?
-...
-Ông có biết số phone của chị Ngọc không?
-Chút nữa chị ấy đi lễ, con sẽ chỉ chị ấy cho cha.
Ông ấy hát bể thật nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm; có điều hát theo đờn nên chẳng ai để ý. Hơn nữa, sau một thời gian hát lại, ông ta có vẻ tiến bộ hơn... Chị Ngọc thì đờn không mấy giỏi giang chi lại không dám đụng đến đờn bởi nghe nói cha xứ không muốn cho người nào khác ngoài bà Thanh. Cha Lành thầm nghĩ, đâu ai chế đờn cho chỉ một người xử dụng. Cũng như chiếc xe, ai lái không được. Nếu đến thời hạn nó hư, cho dẫu có giữ gìn cách mấy cũng phải sửa...
Hai ngày đầu, cha Lành đánh đờn ầm cả nhà thờ lúc rảnh. Cha xứ thấy cha phó đụng vào chiếc phong cầm nên chẳng dám nói chi. Ngày thứ ba, có thêm chị Ngọc và rồi suốt hai tuần lễ, chị Ngọc dợt lại ngón đờn cùng ông già chuẩn bị cho lễ chủ nhật... 6 tuần cha xứ đi nghỉ, bà Thanh đánh đờn cũng nghỉ... Chị Ngọc cùng ông già kéo 5 lễ cuối tuần. Mặc dầu ông già hát không hay nhưng được Chúa ban cho thích hát... thế nên nhờ hát mà hăng say...
-Hình như dạo này ông hát hay hơn lúc trước...
Ông già phổng mũi, chỉ sang chị Ngọc...
-Chị ấy đánh đờn con dễ hát... Thế mà đôi khi vẫn còn lạc giọng!
-Có thấy ai nói gì đâu hay chỉ mình ông nói. Ông thấy không, mọi người cũng muốn hát ca tụng Chúa. Họ chỉ cần người xướng chứ đâu ai để ý mình hát bể hay không...
Theo đạo đâu phải chỉ là theo lấy lệ cho giống những người khác, chỉ đi nhà thờ rồi sống tách biệt, ai lo phận nấy. Hơn nữa, đến nhà thờ cùng nhau thờ phượng Chúa, đồng dâng Thánh Lễ thì nếu có thể giúp được gì để nâng tâm hồn mọi người lên tới Chúa lại là điều cần thiết nên làm. Công Đồng Vatican II nhóm họp cách đây gần 30 năm trước xem ra ảnh hưởng đối với các nhóm tách rời từ Công Giáo không phải là nhỏ. Ngược lại, một số người Công Giáo cho đến giờ vẫn còn chưa nhận ra ít nhất là giá trị mục vụ lẫn phụng vụ của Công Đồng nổi tiếng được mọi giới ca tụng này. Thế nên cứ còn những lời ca thán có thể nói ngây ngô; chẳng hạn Hội Thánh càng ngày càng rộng, hoặc Giáo Hội thay đổi, hay lễ Latinh mới sốt sắng v.v... Đối với các cha thì giáo dân muốn phải thế nọ, phải thế kia chứ như vầy không oai, không làm cho người ta kính nể. Làm linh mục của thời hậu công đồng không còn tính cách "cha oai hơn quan" của thời xưa; mà cha dám sống cởi mở thì đôi khi cũng phiền.
Trong một bữa gỏi, cha Lành đang kiếm mấy thứ lá thơm:
-Ban nãy tôi thấy có mớ ngò ôm mà nó biến đâu mất rồi?
-Ngò đây cha.
-Không, đó là mùi.
-Ngò mà cha gọi là mùi.
-Tôi nói theo dân Hà Nội mà...
-Thì ăn ngò rồi ôm sau cũng là ngò ôm...
Một chị hồn hồn, cứ mỗi lần cha Lành nói là xía vô đấu... Ngài chỉ còn nước lặng thinh bởi nói lại chẳng được ơn ích gì mà chỉ thêm phiền hà do cái miệng của chồng chị ta...
-Nhà thờ Mân Côi.
-Chào cha, cha khỏe không?
-Cảm ơn bà, tôi vẫn thường...
-Sao cha lại gọi con là bà, bộ con đã già lắm sao?
-Ai đó, nghe tiếng hơi quen mà không thể bói được là ai.
-Ối "giời" ơi! Cha có thèm để ý gì đến con đâu.
-Để ý làm sao được, tôi đi tu mà. Có chuyện chi thế?
-Thưa cha phải có chuyện mới gọi được hay sao! Thăm hỏi có phải là chuyện không?
-A! chị Hiền, cảm ơn chị đã có lời thăm hỏi. Tôi nói chỉ có thế mà sao chị bới ra cả dây vậy?
-Hình như dạo này cha khó tính ra, khinh người nữa!
-Có chi đâu, tôi vẫn như thường; còn khó ra hay khó vô đâu tôi có để ý. Vậy có chuyện gì mà chị nói tôi khó tính và khinh người.
-Thì tối hôm thứ năm ăn ở nhà ông Bình, sao cứ mỗi lần con nói là cha im tịt, không thèm nói năng chi hết.
-Không ngờ có người bực lên vì sự im lặng của mình để rồi kết án là khinh người. Chị thông minh đấy nhưng thông minh trật. Chị có để ý đến thái độ của anh ấy và nghe được những gì anh ấy nói mấy ngày trước hôm thứ năm không?
-Sao cha, nhà con nói gì?
-Tôi hứa với người nói cho tôi hay là sống để dạ chết đem đi nên không nói được, chị thông cảm. Chỉ biết rằng hơi phiền hà đến tôi thôi. Vậy từ nay, chị làm ơn đừng đấu tôi nữa bởi tôi không muốn anh ấy nghĩ lôi thôi, trật duộc...
-Vậy à, con chỉ nói giỡn thôi, đâu có để ý. Được rồi, từ nay tha cho cha...
-Cảm ơn tấm lòng đại bác tha thứ của chị. Thế chuyện khó tính và khinh người giải quyết xong chưa?
-Con hiểu lầm...
-Bây giờ ai tha cho ai?
-Thì cha tha cho con...
-Với điều kiện.
-Điều kiện gì vậy cha?
-Từ nay chị đừng đấu tôi nữa.
-Cha yên trí! Con tưởng nhà con ghen với những người đàn ông khác thôi còn cha là người tu hành thì anh ấy phải hiểu là con giỡn chơi mà!
-Anh ấy đã như thế, tôi không muốn bị dây dưa vô chuyện quýt làm, cam chịu.
-Cha nói chuyện gì mà quýt làm cam chịu?
-Thì chị diễu cho vui, tôi trở thành cái bia cho anh ấy nhắm tới tấn công...
-Vâng, từ nay có lẽ con chỉ còn nước trở thành câm là xong hết.
-Chứ chị không cần tha nữa à?
-Tha được đâu mà tha, câm rồi còn biết nói sao đây!
-Chị đang đứng gần cái lồng chim phải không?
-Đâu, nhà con làm gì có lồng chim.
-Thế con chim nào đang hót...
-Cha muốn đấu con đấy à? - Người đàn bà cười vui vẻ. - Cha mà không đi tu, tán đào chắc ăn khách lắm đó, khối kẻ chết mê chết mệt vì cái miệng...
-Chưa tán đã phiền còn nói gì đến tán...
-Thôi con bắt đầu câm nghen...
-Chị cần băng keo không.
-Băng keo làm gì cha?
-Để không cho con chim hót nữa.
-Con sẽ ngậm tăm, dễ hơn. Dán băng keo không ăn được. Cảm ơn ý tốt lành khó thực hiện của cha. Con chào cha.
-Chào chị.
Đôi khi những chuyện nhỏ nhặt coi bộ không ra gì mà linh mục phải để ý. Người ta thích được nghe lời nói cảm ơn từ miệng ông cha mà vô tình quên mất cũng là đầu mối cho sự chán nản giúp việc nhà thờ hoặc tâm tư phiền hà...
-Cảm ơn ông nhiều, có ông chuẩn bị đồ lễ, tôi không phải lo lắng gì.
-Không có chi thưa cha. Con làm việc cho Chúa mà cha cảm ơn làm chi!
-Dĩ nhiên, ông cũng như những người khác, giúp việc nhà thờ là giúp việc thờ phượng vinh danh Chúa và giúp cho dân của Ngài. Tuy nhiên, nếu không có ông những buổi sáng sớm như thế này, tôi sẽ gặp nhiều rắc rối, lập cập. Nào mới mắt nhắm mắt mở dậy đã phải vội ra mở cửa nhà thờ, lại phải trở về nhà xứ làm những chuyện cá nhân... rồi sau đó ra lại nhà thờ sắp chén lễ, lật sách, thay khăn bàn thờ v.v... Thấy không, có ông tôi có tất cả. Cảm ơn ông là đúng quá rồi...
-Cha quá khen...
-Không biết lý do gì mà ông Thuận lâu nay không thấy đâu?
-Con nghe hình như ông ấy có chuyện bất bình...
-Với ai và về vụ gì?
-Ông ấy nói cha xứ coi ông ta như một đứa trẻ con...
-Chuyện gì vậy?
-Nghe đâu hôm ông ấy dẫn hát, ông Hoành dẫn lễ nói sai số trang sách hát. Ông Thuận nói lại, và sau lễ cha xứ nói với ông chuyện gì đó làm ông ấy giận.
-Để tôi gặp ông ấy xem sao. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì hiểu lầm.
-Hôm ăn tại nhà ông Dương, ông Thuận nói cha xứ đã chẳng có được lời cảm ơn mà lại còn trách ông ấy về chuyện nhỏ nhoi mà đâu phải là lỗi tại ông ta.
-Chắc chẳng có chuyện gì lớn lao đâu bởi cha xứ ngài rất dễ thương, nhưng lối nói của ngài đôi khi làm người khác hiểu lầm đó thôi. Tôi sẽ giải thích cho ông ta hiểu. Nếu cần, tôi nói cha xứ gọi điện thoại cho ông ta. Thôi chào ông... À, chừng nào ông đi thăm bà cụ gọi tôi đi với; tôi không nhớ đường.
-Mai con sẽ đi thăm má con; cỡ 10 giờ con sẽ gọi cha.
-Nếu ông đi 10g, gọi nhắc tôi lúc 9g45 để tôi khỏi quên. Gặp ông ngày mai; chào ông.
-Xin chào cha...
Càng ở vị thế cao, người ta lại càng đòi hỏi mình phải trở thành toàn hảo hơn. Mà toàn hảo theo quan niệm riêng của họ nghĩa là không được dùng những lối nói bình thường giống họ mà luôn luôn phải nhẹ nhàng, biết tỏ ra lắng nghe. Họ nói mình nghe thì không sao nhưng mình nói đôi khi bị cho là ra lệnh hoặc độc tài; không nói thì nhu nhược v.v... Đàng nào thì cũng như cái lưỡi giữa hai hàm răng muôn đời đối diện với điều trái ngược.
Công việc mục vụ lắm khi dồn linh mục vào những cảnh cười ra nước mắt dù muốn tránh thoát cũng không được. Bạn bè thân quen, càng có dịp gặp gỡ tâm sự, càng thân thiết và hiểu nhau hơn. Tương tự như thế, khi người ta có chuyện phiền hà rắc rối khó nói cần người thông cảm để chia vơi đi những gánh nặng tâm tư, người ta thường tới gặp linh mục. Họ biết rằng những gì nói với linh mục sẽ không bao giờ bị lộ ra ngoài vì linh mục được học hành, đào tạo để chia xẻ, thông cảm những gánh nặng khó mang nơi tâm hồn con chiên bổn đạo. Đối với đàn ông, có lẽ bởi không để ý đến những tiểu tiết nhỏ nhoi, câu chuyện dễ được giải quyết dứt khoát. Riêng về phía các bà, lắm chuyện tình "như mơ" dễ dàng được ươm đầy đôi khi gây cho linh mục nhiều cảnh khó ăn khó nói. Cầu nguyện thì cứ muốn Chúa làm phép lạ ngay tức khắc do đó những lúc mang tâm tình đau khổ lại thấy Chúa chẳng thèm nghe. Thế nên, nói chuyện với cha được thông cảm, an ủi dễ sinh lòng quí yêu, cảm mến. Nào ai có chịu hiểu cho rằng cuộc đời này mỗi người đều mang nỗi khổ riêng mà chỉ nghĩ mình là người mang nhiều chuyện đau khổ nhất. Thế nên, được nghe từ miệng cha những lời thông cảm, người ta dễ có cảm nghĩ mình được đặc biệt để ý và từ đó phát sinh lòng yêu thương "thánh thiện." Đến Chúa cũng biết ghen tương, không chấp nhận cho dân Ngài tôn thờ bất cứ thần thánh nào khác thì các bà, các chị với "lòng yêu thương thánh thiện" ghen "với cha," coi cha như của riêng là chuyện bình thường. Chuyện bất thường mới sinh nhiều rắc rối. Dĩ nhiên, đối với cha thì ai chẳng như ai; trong vị thế linh mục, thái độ của ngài với mọi người cần được đối xử một cách đồng đều. Như vậy, dưới con mắt "đặc biệt quí mến" thì cha đã bị âm thầm lên án vì đã không coi mình đặc biệt hơn những người khác...
-Nhà xứ Mân Côi.
-Cha ngủ chưa?
Vừa chợp mắt thì chuông điện thoại đánh thức, Cha Lành vung tay chộp ống nghe, giọng nhừa nhựa. Những lúc đang ngủ tiếng reo điện thoại thật khó chịu; nó chát chúa như những nhát vồ đập mạnh vào màng tang... Chẳng lẽ người bên kia đầu giây nặng tai đến nỗi không phân biệt được giọng nói bình thường với giọng ngái ngủ?... Chiếc đồng hồ điện hiện rõ 4 con số màu xanh 12:36 nổi bật trong bóng tối. Mới ngủ được 15 phút khiến cha Lành bực mình vì câu hỏi. Nếu là trường hợp khẩn cấp thì không nói chi, đàng này lại còn đưa ra câu hỏi ngang như cua...
-Có chuyện gì thế?
-Cha đã ngủ rồi à! Con tưởng cha chưa ngủ; nếu vậy... thôi, xin lỗi cha.
-Có chuyện gì thì nói đi chứ; ngủ mà trả lời điện thoại được sao?
-Thôi, con không muốn làm phiền cha nữa.
-Lạ đời, không muốn thì đã làm phiền rồi còn nói gì nữa!
-Cha có muốn nói chuyện với con đâu! Bây giờ cha có thiếu gì người khác nên chưa chi đã nhăn nhó với con...
-Chị gọi tôi để dạy bảo phải ăn nói đàng hoàng hơn đó phải không?
-Con đâu dám dạy bảo cha. Cha muốn bông đùa, cười cợt với ai con đâu có quyền.
-Chị nói cái chi? Cái gì mà bông đùa, cười cợt?
-Thì tối hôm thứ bẩy cha không bông đùa là gì!
-Chị lấy quyền gì mà đòi lên án tôi bông đùa!
-Nhưng cha giỡn như thế làm mất tư cách linh mục.
-Chuyện gì mà lại dính thêm tư cách linh mục; tôi có hiểu chị đang nói chuyện chi đâu!
-Cha không nhớ là cha đã nói gì à?
-Nói gì? Có chi đụng chạm đến chị mà vòng vo tam quốc vậy?
-Con đâu có nói cha đụng chạm đến con, nhưng cha không nên nói thế.
-Nói thế nghĩa là nói làm sao? Vậy chứ tôi đã nói gì chị nói lại coi!
-Cha nói làm người ta thích thú cười như nắc nẻ, tít cả mắt lại mà cha không để ý à!
-Để ý chuyện gì? Sao chị cứ càng lúc càng đưa ra lắm thứ hỏa mù vậy?
-Con hỏi cha có để ý chị Thanh Giao, tên đẹp như người vậy.
Mãi đến lúc này cha Lành mới biết chị ta ghen vì tối hôm thứ bẩy vừa qua trong lúc ăn tại nhà ông sáu Thông cha Lành thêm mắm thêm muối vào vài câu chuyện làm mọi người cười như pháo rang... Ngài thầm nghĩ, chắc chồng chị ta qua mười mấy năm chung sống đã bị đay nghiến bởi những chuyện vô tình kinh khủng lắm! Phục các ông quá chừng; có phong cho các ông làm thánh sống thì cũng không ngoa chút nào... Chúa ơi! Vừa bắt đầu ngủ mà bị dựng dậy phân giải mối ghen tương của tình "như mơ"... Cõi nhân gian lắm chuyện không thể hiểu...
Có lẽ hơn 11 giờ khuya, khung cảnh vắng lặng nơi nhà thờ như khuyến khích ngài trầm tư suy nghĩ tìm kiếm thái độ phải thế nào đối với phái nữ để tránh bị coi như của riêng đối với một số người. Không tỏ ra nhã nhặn thì bị phê bình là khinh người, coi rẻ hoặc khinh con chiên bổn đạo. Khó tính, sống theo một mẫu mực cố định lại là điều trái ngược với công việc mục vụ. Tỏ ra dễ dãi, thông cảm, năng thăm hỏi thì bị hiểu lầm là mình để ý cách đặc biệt. Mình đâu có được chọn làm linh mục để trở thành của riêng một người mà là của cả dân chúng nơi mình được sai tới, cha Lành lẩm bẩm thành tiếng, nhưng phải như thế nào; ngài thở dài vì lâu nay vẫn chưa tìm được giải đáp...
... Tiếng động nơi cửa hông nhà thờ gần chỗ cha Lành ngồi làm ngài quay lại; Cha xứ bước chân trong chân ngoài:
-Thấy xe cha mà gõ cửa phòng ngủ không nghe tiếng trả lời... Có điện thoại cấp cứu gọi từ nhà thương Ocean Springs yêu cầu gặp cha ngay...
-Chuyện gì thế?
-Một vụ đụng xe, đứa nhỏ 12 tuổi phải mổ óc. Gia đình muốn cha xức dầu...
-Để tôi đi ngay; cha làm ơn khóa cửa nhà thờ...
Lã Mộng Thường.