LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?

     oạn thư Phaolô chiều thứ sáu tuần nhất mùa thường niên mang hấp lực lạ lùng khác với những lần trước ngài đã đọc. Động lực nào đó đã có tầm cuốn hút tâm trí khiến cha Lành ngã lưng dựa thành ghế tìm thế thoải mái trầm tư chầm chậm đọc lại từng chữ, từng câu. "Bổn phận của chúng ta, những người 'mạnh' là vác đỡ những sự yếu đuối của kẻ 'yếu,' chứ không phải là làm hài lòng mình. Mỗi người chúng ta hãy cố làm hài lòng người đồng loại để tấn ích tài bồi cho nhau. Vì theo Thánh Kinh, Đức Kitô đã không làm hài lòng mình; trái lại như đã được viết: Lời chửi bới của những kẻ mạ lỵ chống lại Người đã đổ trên tôi" (Roma 15:1-3). Những tiếng "bổn phận, mạnh, yếu... vác đỡ, làm hài lòng, những kẻ mạ lỵ..." như có năng lực dây chuyền nối đuôi nhau liên tiếp chuyển động xếp thành vòng Elipse vô hình... Chúng đảo lộn thứ tự và cứ như bị hai điểm nào đó thúc đẩy quay khi nhanh, khi chậm... Mạnh theo nghĩa nào? Tại sao vác đỡ sự yếu đuối chứ không khuyến khích điều gì? Không làm hài lòng mình... làm hài lòng đồng loại... thế tại sao có thể tấn ích, tài bồi...? Đường lối nào Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính Ngài... Ngài làm hài lòng ai? Chấp nhận những mạ lỵ hay không sẽ mang lợi ích gì?... Đoạn thư như con ốc xoáy xuyên vô tâm trí, từng vòng, từng vòng lúc chậm, lúc nhanh đòi hỏi nhận thức tìm hiểu Lời Chúa...
Thư gửi giáo đoàn Rôma đặt trọng tâm nơi nền tảng độc nhất là lòng tin vào Đức Kitô. Trong thời gian thư Rôma được viết, có sự phân rẽ về quan điểm cũng như cách thức giữ lề luật giữa người Do Thái và Kitô hữu trong niềm tin vào Thiên Chúa. Người Do Thái cho rằng chỉ những người tuân giữ luật Môi Sen và phải chịu Cắt Bì mới được cứu rỗi do đó đã không chấp nhận Đức Kitô... Sự không chấp nhận này cũng là nguyên nhân khiến Phaolô truyền giáo cho dân ngoại. Do lòng tin vào việc cứu thoát oai hùng của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô, mãnh lực định đoạt mọi sự, không dung một sức mạnh cạnh tranh nào khác mà Phaolô đã hiểu được ý nghĩa Kinh Thánh (LM. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR). Ngay từ khởi điểm, con người đã gặp lòng tin; Abraham đã được công chính hóa và lời hứa vì có lòng tin... Do đó Phaolô chia ra người mạnh và người yếu. Người mạnh bao gồm những ai tin vào Đức Kitô. Họ là những người đã được công chính hóa bởi Đức Kitô, đã được cứu thoát khỏi gông cùm tội lỗi, được mua chuộc bằng giá máu cứu độ, được làm con Thiên Chúa, được cùng chết với Đức Kitô và được biến đổi nơi Ngài... Người yếu ám chỉ dân Do Thái, dân tộc của Phaolô, được Chúa chọn để mặc khải ơn cứu độ và đã mang ân nhiều nhưng lại không tin thời điểm kế đồ của Thiên Chúa thành tựu đã đến. Người yếu còn mang nghĩa những ai chỉ tin vào sự tuân giữ lề luật tự đem lại ơn cứu độ, tự nên công chính... Hơn nữa, vì không tin vào Đức Kitô như thế dân Do Thái đã tự tách ra ngoài ơn cứu chuộc. Phaolô cũng đặt vấn đề Thiên Chúa có thể cải dữ hóa lành, sẽ cho một ngày kia dân Do Thái ghen phẫn bởi dân ngoại đã thay thế mình mà hồi đầu trở lại. Thánh nhân xác quyết: đứng trước ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, người ta chỉ có việc cúi đầu thờ lạy. Ý chung, Phaolô nói lên cuộc đời tín hữu là một tế lễ thiêng liêng; rồi nơi phần luân lý, ngài bàn đến thái độ cư xử với những người còn bám lấy những việc kiêng kỵ theo lề luật Do Thái. Có thể đó cũng là lý do tại sao Phaolô khuyên "để tấn ích tài bồi cho nhau."
Người tin vào Đức Kitô đã được công chính hóa do giá máu của Ngài nên là kẻ mạnh... Đoạn thư mang ánh sáng gì cho người Công Giáo thời nay? Thế ai là kẻ yếu? Là người Công Giáo ai không tin Đức Kitô là đấng cứu độ đã chết cho nhân loại được thoát ách tội lỗi? Kẻ yếu là người chỉ tin vào lề luật; có thể nói cách đơn giản hơn, là những người cho rằng chỉ giữ những lề luật là đã được cứu rỗi. Xét như vậy, chẳng lạ gì khi cho rằng đạo nào cũng là đạo bởi đạo nào không có những lề luật để tuân theo, cũng dạy ăn ngay ở lành. Người ta đã dùng mẫu số chung, lòng khao khát hướng chiều về Thượng Đế bẩm sinh nơi mỗi người rồi đưa lên cái nhìn hạn hẹp làm khuôn mẫu. Hơn nữa, đã có luật chắc chắn có sự lạm dụng bởi luật cũng do con người đặt ra để giúp đạt tới mục đích nào đó. Đồng thời sự giữ luật còn có thể có những trường hợp thi hành theo hình thức, hoặc cho qua, cho giống với những người chung quanh.
Đem áp dụng đoạn thánh thư nơi vị thế linh mục, ai là kẻ mạnh và ai là kẻ yếu. Lời Chúa qua đoạn thánh thư muốn mình trở nên như thế nào trong nhiệm vụ lãnh đạo dân Ngài đã được giao phó qua bí tích truyền chức? Dân Do Thái ngày xưa giữ lề luật nghiêm khắc và tuân theo lời giảng dạy của giới lãnh đạo tôn giáo, những người đã bị Chúa Giêsu quở trách... như vậy niềm tin của dân Chúa đã bị ảnh hưởng như thế nào do quan niệm và lối sống của những người lãnh đạo tinh thần? Linh mục mang hình ảnh gì đối với dân Chúa qua đoạn thánh thư? Thời đại này dân Chúa đòi hỏi những gì nơi chủ chăn và vị thế đích thực của linh mục theo Thánh Kinh cũng như Công Đồng Vatican II đòi hỏi ra sao?... Thêm một loạt câu hỏi nối tiếp vòng tròn đang quay... quay mãi... khiến cha Lành cảm thấy khó hiểu, thầm hỏi Chúa muốn gì, để rồi chầm chậm nâng cuốn kinh đọc lại đoạn thánh thư một lần nữa...
Phía bên kia bàn thờ, ngọn nến đỏ lung linh như nhắc nhở ngài ý tưởng tu đức so sánh cuộc đời một người với ngọn nến, một dâng hiến toàn thân hợp với lửa đốt hao mòn đem lại ánh sáng. Cuộc đời được ban cho bất cứ ai không phải không có lý do mà đã được trao cho trách nhiệm nào đó đi kèm với hồng ân sự sống tiến tới mục đích tối hậu chứng minh quyền năng cao cả của Thượng Đế. Kinh nghiệm cho thấy, không ai chế tạo bất cứ món đồ nào mà không có chủ đích. Con người được sinh ra tự đã mang giá trị tạo thành và mang thêm sứ vụ nào đó phụ thuộc nơi lẽ tự nhiên hướng thượng, tạo dựng cuộc sống tốt lành. Lời Đức Giám Mục nhắn nhủ trong lễ truyền chức ngày nao vang vọng khi ngài lập lại lời thư thứ II của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê: "Con hãy vững tin các điều đã được học hỏi, giảng dạy điều con tin và thực hành những điều con rao giảng cho kẻ khác..." kéo dòng thời gian trở về ký ức, năm cuối trường thần học với lời nhận định của cha giáo lớp mục vụ: "Quí thày nên nhớ, quí thày đã được gọi, chọn và chuẩn bị từ bao nhiêu năm nay qua sự học hành, hiểu biết về đức tin, tín lý, luân lý, đạo đức, mục vụ và các ngành phụ thuộc chuẩn bị cho chương trình thần học chứ không phải chỉ một năm hoặc vài tháng trước khi nhận lãnh thiên chức linh mục..." Và lời cha Giám Đốc CTU trong lớp Thần Học Nhập Môn của năm thứ nhất: "Những người dẫu có đức tin nhưng không được chuẩn bị với điều kiện kiến thức cần thiết không thể nào hiểu được đạo Công Giáo. Đồng ý rằng đức tin là căn bản nhưng không phải cứ nói rằng tin là có đức tin, và đức tin không chịu tìm hiểu, không được hướng dẫn chỉ là mù quáng hoặc nguỵ tín. Đức tin còn đòi hỏi sự thực hành..." Kẻ mạnh từ đoạn thánh thư đã lộ diện với trách nhiệm vác đỡ... chứ không phải là làm hài lòng mình. Đoạn thư đảo ngược tất cả những lối nhìn thế tục đầy cao sang và oai phong được gán ép cho cuộc đời linh mục. Theo Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng Nước Trời mà Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính Ngài thì lấy lý do hoặc điều kiện nào làm căn bản cho những uy quyền thế tục nơi con người linh mục. Đồng ý rằng, đa số linh mục được người đời tôn trọng nhưng không phải vì tài năng, giầu có, hay thái độ sành sõi trong một vài lãnh vực v.v... mà vì có cuộc sống không tùy thuộc những mãnh lực, quyền năng mọi người thường theo đuổi, những bã hào quang của danh vọng, những ước muốn đua đòi xa hoa đầy hấp dẫn... Linh mục có cuộc đời đã được chọn và đào luyện để chuẩn bị thực thi sứ vụ mà mọi người Kitô hữu đã lãnh nhận nơi bí tích Thanh Tẩy nhưng thường thì không được để ý và thực hành trong cuộc sống... Kẻ mạnh mang sứ vụ chấp nhận dân Chúa và rao giảng Nước Trời bằng chính cuộc đời hầu thăng tiến dân Người chứ không phải chỉ với những lời nói hoặc luận đề giảng thuyết.
Tuy nhiên, lý tưởng, chủ thuyết, hoặc khuôn mẫu có bao giờ không bị thực tại ảnh hưởng khi áp dụng. Thế nên cái nhìn của người đời đối với linh mục thường bị sai lệch bởi nhiều yếu tố tâm lý hoặc điều kiện sống. Linh mục được người đời tôn trọng trước tiên vì có cuộc sống khác với họ, được học hành đầy đủ và được huấn luyện để làm việc không phải cho chính bản thân. Thêm vào đó, lối sống đạo đức chú trọng về phần tinh thần, không ganh đua với đời một phần nào đó được niềm tin của giáo dân thăng hoa nên linh mục tự nhiên đã có vị thế được dành sẵn nơi lòng tin của mọi người. Một khía cạnh dầu nhỏ nhưng góp phần ảnh hưởng khá lớn nơi vai trò linh mục là được giáo dân Công Giáo chấp nhận và bảo vệ một phần nào thần quyền trên họ vì đã được Giáo Hội đặt vào vị thế lãnh đạo tinh thần... Do những đặc tính này, linh mục bị trở thành đối tượng và khuôn mẫu cho người khác. Nhìn theo khía cạnh tâm lý, dân chúng bao giờ cũng thăng hoa đối tượng hoặc người lãnh đạo của mình không ít thì nhiều bởi muốn có những mẫu mực thăng tiến. Xét như thế, lý do ẩn tàng tạo nên sự xét đoán khắt khe của quần chúng đối với giới lãnh đạo do hai động lực thúc đẩy: từ ước vọng thăng tiến tự tâm hồn con người và từ nhận thức thiếu sót cá nhân muốn có đối tượng giúp sống vươn lên hoặc đạt thành mục đích nào đó. Nơi vị thế lãnh đạo được quần chúng công nhận, linh mục càng được tôn trọng thì lại càng bị khuôn mẫu hóa. Có lẽ chính vì thế biết bao người đã quan niệm cha phải thế này, cha phải thế kia... chỉ những cái "phải" mà mọi người không bao giờ thực hiện. Trái lại những gì họ thường theo đuổi thì cha không nên hoặc cha không được... Như thế, phỏng làm hài lòng người khác ám chỉ đừng làm những gì họ cho là không nên? Suy luận đến đây cha Lành thở dài nhẹ nhõm tự mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt đến: Thì nào có chi rắc rối; những gì họ thích mình chớ dại mà thích; nói cách khác, cứ làm ngược lại, họ thích uống rượu, mình uống nước lạnh, và nếu họ thích nước lạnh, mình cứ rượu mà uống... Ngài cảm thấy niềm vui nhẹ nhàng vì kiểu lý luận ngang tàng, tự diễu giúp đầu óc thảnh thơi hơn...
Nghĩ vậy nhưng nào phải vậy; Lời Thánh Thư dạy "Bổn phận... vác đỡ sự yếu đuối... chứ không làm hài lòng mình!" Theo Chúa là áp dụng Lời Ngài trong cuộc đời, biến sự khôn ngoan nơi Kinh Thánh thành hành động phục vụ dân Chúa mà không kiếm cách tránh thoát nhưng chấp nhận đối diện với thực tại được sai đến. Vác đỡ những yếu đuối của kẻ khác tức là chấp nhận họ như chính họ, không đòi hỏi điều kiện hơn kém, không mảy may ước muốn họ phải là thế kia, thế khác để rồi từ điểm này khuyến khích, tìm cách nào đó nếu có thể giúp họ nhận ra ơn Chúa, nhận ra đặc tính mỏng dòn của con người đồng thời xây dựng lối sống vươn lên... Chấp nhận để khuyến khích tức là chia sẻ nỗi thống khổ, yếu hèn của con người, cùng gánh chịu thân phận đọa đày bị cuộc đời cuốn hút... một sự lãnh nhận vô điều kiện diễn tả lòng thương xót được mời gọi trong Phúc Âm, "Các con hãy biết thương xót như Cha các con ngự trên trời là Đấng thương xót" (Lc. 6:36). Lời Chúa khơi dậy những hình ảnh đau khổ của các bậc cha mẹ có những người con chẳng ra gì lần lượt hiện về nơi tâm trí cha Lành... Ông bà Điện, thằng con trai mới mười tám tuổi đầu nghiện xì ke, bỏ học, sống lang thang vất vưởng; con em mười bẩy theo một tên bụi đời đang vác cái bụng chình ình. Ông bà Luân, đứa con gái ngoan ngoãn chưa kịp lớn đã cặp ngay một thằng hoang đàng... Hai đứa con ra đời không hôn thú; mà đâu phải đơn giản chỉ có thế, cứ mấy ngày, con bé lại bị một trận đòn tả tơi bởi không kiếm đâu ra tiền cho ông tướng ăn chơi...  Cha Lành ngồi chết lặng... đấng bậc cha mẹ nào có sung sướng gì nơi xã hội này; thật là có con tội sống, không con tội chết... Dân Chúa đang bị ảnh hưởng xã hội vùi dập thế đấy; lòng cha mẹ trong những hoàn cảnh này nát như tương... Chúa Kitô chết trên Thập Giá toàn vẹn xác thân nhưng lòng Ngài chẳng thua gì cảnh tượng trái phá bùng nổ. Các con hãy biết thương xót... Cha Lành thầm nhẩm, nước mắt nhỏ giọt tự hồi nào...
Hãy thương xót... lời Phúc Âm nghe như tiếng than phát xuất tự nỗi đau thương quằn quại vì bị dằn vặt do thực tại cuộc đời đè nặng trên con người. Chính vì cảm nghiệm được nỗi thống khổ này, Đức Phật Buddha bỏ ngai vàng, vợ con tìm đường giải thoát... Nào ai hiểu được tâm trạng Đức Phật... khi bỏ hết mọi sự cao sang, những thú vui trần tục để kiếm tìm sự thanh thản an bình... Chấp nhận, vác đỡ, nghe nhẹ nhàng quyến rũ nhưng không dễ chi cảm nghiệm và thực hành... chẳng khác gì câu: "Hãy mang lấy ách của Ta vào mình... Vì chưng ách Ta thì êm ái, và gánh Ta lại nhẹ nhàng" (Mt. 11:28). Lời Kinh Thánh nào phải lý thuyết suông mà là mối thúc dục hành động... tiếng gọi nhập thế xoa dịu những vết thương lòng người đang bị chìm đắm giữa các làn sóng bể khổ vùi dập... Hãy biết thương xót...
Lời Phúc Âm cứ lặp đi lặp lại mang theo dư âm bất tận... khiến cha Lành cảm thấy sự lo lắng dần lớn mãi. Chúa muốn mình phải thế nào? Đối diện với thực tại dân Chúa từ ngày chịu chức tới nay đã bao lần thổn thức... nước mắt cứ rơi trong khi muốn bật thành tiếng khóc mà không được... Tính chất "con trai không khóc" ăn sâu tận huyết quản từ thời ấu thơ đã làm khổ cha Lành... Không khóc được, niềm đau mỗi ngày một chồng chất. Lắm lúc ngài tự than, thương xót, ôi danh từ thần thánh khó thể hiểu nhưng khi đã cảm nghiệm được lại khó có thể mang!... Lời hát Kinh Hòa Bình bỗng đâu vọng về nhắc nhở: "Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người... Tìm an ủi người hơn được người ủi an... Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu..." Lời mời gọi hình như được phát xuất từ cây Thập Giá mờ ảo, lung linh theo ánh đèn màu đỏ... Tượng Chúa chịu khổ hình đang dang rộng vòng tay đón kẻ lụy trần... Hãy đến cùng Ta... Đức Kitô chấp nhận chết vì không còn cách nào hơn để bày tỏ lòng thương xót cho thế nhân đang ngụp lặn trong vòng khổ ải? Ngài chấp nhận chết để chia sẻ nỗi cảm thông niềm đau nhân thế vô phương tránh thoát? Ngài đã nhập thể, sống với con người nên biết dân Chúa đang phải mang nặng những nỗi thống khổ thế nào... để rồi kêu gọi con người tiếp tay xoa dịu với ngài... Chúa mời gọi những kẻ theo Ngài thương xót...
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, tạo dựng vũ trụ và cầm quyền sinh tử muôn loài, muốn thế nào được như vậy tại sao lại chấp nhận nhập thể để rồi chết nhục nhã mang đầy vẻ vô lý lại không hợp tình chút nào! Tại sao Chúa không thay đổi lòng người ta là mọi chuyện đâu vào đó như lời tiên tri Yêrêmia (31:33b) "Ta sẽ đặt luật của ta nơi tâm can chúng và Ta sẽ viết lên lòng trí chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân Ta?" Câu hỏi của một thày bạn năm thứ hai trong lớp "Kitô Học" khơi động lại cùng với sự trả lời liên kết kinh nghiệm sống và ý nghĩa tình yêu của cha giáo.
- Trước hết, Yêrêmia cũng đã viết: "Ta đã yêu ngươi, một tình yêu muôn đời" (31:3). Một bà mẹ suốt đêm thao thức chăm sóc đứa con thơ dại bệnh hoạn vì lý do gì? Bà ta có cho rằng đau khổ không? Chúng ta nhìn vào cảnh ấy nói rằng bà ta hy sinh, chấp nhận chết dần mòn vì con mình, nhưng thực sự, người mẹ chỉ cảm thấy lòng thương con của mình vô bến bờ và bất cứ giá nào có thể đổi được sự vui tươi mạnh khỏe cho con mình, bà cũng sẵn lòng không từ nan. Quí thầy và tôi cho đến muôn đời cũng không thể nào cảm nghiệm được câu "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ" ngoại trừ nếu có thầy nào sau này bỏ ra lập gia đình. Như vậy, ngay những kinh nghiệm hiển nhiên, chúng ta đã có cái nhìn sai lầm phương chi đối với sự chấp nhận chết trên Thập Tự của Đức Kitô... Đàng khác, quí thầy nên nhớ một điều; chúng ta được Thiên Chúa ban cho một hồng ân đặc biệt vượt hẳn trên các loài thụ tạo là sự tự do mà chính Chúa cũng tôn trọng. Chúng ta có thể dùng quyền tự do của mình để phủ nhận chính Ngài... Cái chết của Đức Kitô không vô lý chút nào lại rất hợp tình mà còn chứng tỏ sự tôn trọng con người và mời gọi chúng ta chấp nhận chết cho chính mình và chết cho người khác trong tình yêu thương...
- Chúng ta cũng có thể cảm nghiệm thêm được phần nào ý nghĩa cái chết vì yêu thương qua những biến cố của Gandhi, của Luther King, cha giáo trầm trầm nói tiếp... Không hiểu Gandhi và Luther King có bị mãnh lực bí mật  nào thúc đẩy hay lý do nào đó đã giúp họ có can đảm đứng lên kêu gọi giải thoát ách nô lệ cho dân tộc mình chăng, nhưng nếu chỉ xét theo phiếm diện có thể nhận thấy về đặc tính được mọi người ca tụng, tình yêu thương dân tộc là động lực thúc đẩy họ quên bản thân mình, đặt giá trị tự do của dân tộc lên trên hết... Họ đã bị chết vì tình yêu thương dân tộc dầu không muốn chết cách ấy. Quí thầy hãy chịu khó bỏ giờ đọc Kinh Thánh và chiêm niệm bằng cách dùng những kinh nghiệm trong cuộc đời nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn... Đặc biệt nếu muốn thực hiện công việc mục vụ hữu hiệu, cần phải đọc kỹ lưỡng Tông Đồ Công Vụ...
Chết cho người khác... Hãy biết thương xót như Cha các con trên trời là Đấng thương xót... Nhưng tại sao đoạn Thánh Thư lại thêm "chứ không phải làm hài lòng chính mình"? Không thể đặt vấn đề người mẹ chấp nhận chịu cực khổ, thao thức đêm hôm lo cho con nhỏ vì ước muốn con mình mau bình phục hay vì thương con, mà cả hai, tình thương và ước muốn luôn luôn đi đôi bởi không có tình thương con đâu cần đặt vấn đề ước muốn cho mau lành bịnh... Không biết xót thương làm gì có vấn đề chết cho người khác... Chắc chắn phải có lý do gì đoạn Thánh Thư mới đặt vấn đề không làm hài lòng chính mình. Nói rằng Đức Kitô chấp nhận chết vì yêu thương nhân loại sống trong gông cùm tội lỗi nhưng nếu dân Do Thái không đóng đinh Ngài... Cha Lành bừng tỉnh bởi ý nghĩ ngây ngô vừa chợt đến... Chúa Kitô vâng theo thánh ý Chúa Cha chứ không hùa theo sự giả hình thế tục nên bị kết án... Câu "Lời chửi bới của những kẻ mạ lỵ chống lại Người đã đổ trên tôi" được trích từ Thánh Vịnh 69. Câu 11 nơi bài Thánh Vịnh viết tiếp: "Tôi hãm mình ăn chay, đó cũng là cớ cho tôi bị thóa mạ. Tôi lấy bao bị làm áo, cũng bị họ đem ra bêu diếu. Họ đàm tiếu về tôi, những kẻ ngồi ngoài cổng, và lũ nghiện rượu hát vè chửi tôi..." Thế ra những chuyện bới móc thời nào và nơi đâu cũng xảy ra và bất cứ gì cũng có thể được đưa lên làm đề tài tùy theo cái nhìn đối nghịch... Ngược lại, thái độ của người theo Đức Kitô lại là không làm hài lòng chính mình... Lời Kinh Thánh nào có bao giờ làm vừa lòng ai mà chỉ kêu gọi chấp nhận thua thiệt... Sự suy tư gợi lại câu chuyện trong lớp thần học, một thày đưa câu hỏi đặt vấn đề tìm cách đối phó với những lạm dụng Thánh Kinh để mượn cớ lăng nhục Giáo Hội Công Giáo của những bè phái khác trong ý đồ cạnh tranh...
- Thưa cha, trên truyền hình và radio, một số chương trình có những nhà giảng thuyết thuộc mấy bè phái phát xuất từ Công Giáo dùng những câu văn của Kinh Thánh đả kích hoặc chứng minh những gì họ cho là Giáo Hội Công Giáo sai lầm... đồng thời cho rằng chỉ họ là đúng. Thế tại sao con không thấy người Công Giáo nào, ngay cả hàng giáo sĩ, tu sĩ lên tiếng bênh vực mà lại cứ giữ thái độ im lặng...
- Nếu thày có một chiếc xe tốt, thày có cần chứng minh cho mọi người biết rằng nó tốt hay không ngoại trừ khi thày muốn bán với giá cao? Tiền nhân chúng ta có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương." Xét theo khía cạnh tâm lý, quảng cáo mang mục đích thăng hoa, phóng đại chín mươi phần trăm và người chuyên môn nói xấu, bới móc hoặc cho rằng kẻ khác chẳng ra gì tự họ đã xấu trước bởi "Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu." Mình không ra gì nên cố gắng cho rằng người khác cũng chẳng ra gì hầu mong phần nào lấp liếm, che đậy sự thiếu sót của mình. Nếu Đức Kitô ngày xưa chiều theo sự giả hình của những bè phái Pharisiêu lãnh đạo thời đó thì kết quả sẽ xảy ra thế nào? Đức Kitô nhập thể cứu độ nhân loại hay làm hài lòng một thiểu số mong được ca tụng hoặc chiếm phần vinh quang thế tục... Sau này khi bước vào con đường mục vụ quí thày sẽ thấy, bất cứ điều tốt lành nào cũng đều bị chỉ trích, bới bèo ra bọ trong khi ngược lại, biết bao sự việc chẳng ra gì hoặc tội lỗi thí dụ như ghen tương ganh ghét, dèm pha muốn người khác chú ý đến mình thì lại được chấp nhận nhiều khi đến độ ca tụng, khuyến khích... Tôi giải thích vậy thôi, ai hiểu được thì hiểu... Và đây là kinh nghiệm chúng ta phải trả giá cả đời đó là muốn theo Đức Kitô chỉ có một phương châm duy nhất: chấp nhận. Đức Kitô chấp nhận chúng ta là con người yếu hèn nên nhập thể cứu độ; Ngài mời gọi chúng ta theo con đường của Ngài để giúp con người thăng tiến hiểu biết về sứ vụ được trao phó của hồng ân sự sống. Quí thày thử đặt vấn đề, nếu Chúa cũng chỉ dùng thế lực phàm tục như chúng ta, nào có gì đáng nói... Những sự lạm dụng Thánh Kinh phát xuất từ sự tự do không được hướng dẫn, muốn hiểu sao thì hiểu theo ý riêng mình và rồi dùng những câu văn theo nghĩa đen ráp nối lại dùng để chứng minh điều mình muốn... như vậy không những đã không theo Thánh Kinh mà còn biến Kinh Thánh thành công cụ cho mình...
Nhưng tại sao sống theo điều ngay lại hay bị đem ra đàm tiếu? Vấn đề càng lúc càng trở nên phức tạp... Cha Lành nhớ lại nơi Phúc Âm có đoạn nói đến Đức Kitô nghĩ sao về những người hay chỉ trích, "Ta sẽ lấy ai mà ví cái thế hệ này? Họ giống như lũ trẻ ngồi nơi chợ... Gioan đến không ăn không uống, thì họ nói: 'ông ta có quỉ ám.' Con Người đến cũng ăn cũng uống, thì họ nói: 'Kìa con người mê ăn chè chén, bạn bè với quân tội lỗi" (Mt. 11:19)... Và rồi Đức Kitô đã bị lên án bởi người đồng thời, bị vác Thập Giá và bị đóng đinh... Theo chân Đức Kitô tức là chấp nhận bị chỉ trích... dù không phải lỗi của mình. Do đó, có bị đóng đinh thì cũng chẳng có gì lạ... điều thực sự lạ phải là chính những người lên án lại cảm thấy họ đúng... Cả một vấn đề luẩn quẩn không hợp lý, chẳng hợp tình nhưng ngự trị nơi trí óc người đời mọi thời, mọi nơi. Thế nên, sứ vụ rao giảng nếu được nhìn theo khía cạnh khác trở thành nơi chốn cho bất cứ ai có thể quăng vào những gì họ không thích cầm giữ. Những mơ ước cao đẹp luôn luôn bị thực tại phũ phàng đè bẹp bởi sống là chung đụng với thế gian, và vì thế đâu ai gọi là thế ngay. Hình ảnh bước chân rao giảng nơi cánh đồng thênh thang ngày nao bị chặn đứng và đóng khuôn do bức thành vững chắc được xây đắp bằng môi miệng xiên xẹo... Đức Kitô đã phải trải qua chặng đường Thập Giá, tử hình rồi mới sống lại vinh quang. Do đó, mơ vinh quang, trước tiên chắc chắn nào ai thoát những cảnh theo Ngài trên con đường khổ hình.
Nghĩ đến đây, cha Lành nhớ tới lần cấm phòng linh mục. Nhân bàn về vấn đề hãy nhìn những khó khăn đến với mình như hồng ân Chúa gửi tới để thánh hóa bản thân, một linh mục chia sẻ:
- Thử nhìn lại gương Đức Kitô, trước khi Ngài bị đóng đanh trên Thập Giá, Ngài đã bị cho là nhờ vào quyền lực của quỉ vương Beelzebul (Mt. 12:24), bị gọi là quỉ ám (Gioan 8:48), bị âm mưu xô xuống vực (Luca 4:29), rình rập để ném đá... Chắc chắn rằng Ngài cũng bị người đồng thời kết án bởi không sống giả hình đã trở thành mối đe dọa cho vị thế của họ, tạo nên lòng ghen tỵ (Marcô 3:6) bày mưu làm hại... Chúng ta bước theo con đường Chúa đi lẽ đương nhiên gặp những cảnh đối nghịch tương tự như vậy, và vì môn đệ không hơn thày (Mt. 10:24), chúng ta sẽ bị kết án nhiều hơn. Xác thực mà nói, nếu không phải đối diện với những khó khăn, cản trở, kết án như thế, coi chừng chúng ta đã đi sai đường. Thay vì sống cho lý tưởng phục vụ có thể chúng ta đang chạy theo đường hướng thế tục bởi Chúa phán qua Phúc Âm "Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thế gian đã yêu dấu như của riêng nó" (Gioan 15:19a)... Thật ra, nói rằng theo Chúa thì dễ nhưng vác thập giá nào có dễ chi và nếu không có chông gai, đâu ai cần cố gắng và đâu cần sự dấn thân của những người theo Chúa...
Danh từ "của lễ hiến tế" chỉ về cuộc đời mục vụ của linh mục được am hiểu tỏ tường khi so sánh ý nghĩa cuộc đời linh mục dưới ánh sáng cuộc đời và cái chết minh chứng lòng thương xót của Đức Kitô. Ý nghĩa này phân định rõ hơn từ lời cha giáo lớp mục vụ và phụng vụ: "Linh mục mang nơi mình hình ảnh Chúa Kitô và trong sứ vụ tông đồ, linh mục thi hành trong vị thế Đức Kitô do ân sủng xức dầu của Thánh Thần Thiên Chúa." (Vat. II; Sắc Lịnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, #2). Hình ảnh cả lớp học giao động kèm theo những cánh tay giơ lên ý kiến, dùng đủ mọi lý lẽ chứng tỏ khó chấp nhận câu nói của cha giáo ngày ấy, giờ đây trở thành động lực soi sáng nhận thức sự nối kết cuộc đời và công việc phụng vụ cũng như mục vụ của linh mục.
- Thưa cha, làm sao linh mục có thể thi hành sứ vụ trong vị thế của Đức Kitô vì Ngài nhập thể mang thân xác người phàm như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Trong khi chúng ta, ai là người không có tội? Như vậy, con người tội lỗi không thể nào có được vị thế của Đức Kitô.
- Xét về ân sủng thanh tẩy của bí tích Rửa Tội, Chúa Kitô thánh hiến nhiệm thể của Ngài và như vậy bất cứ ai khi chịu phép Rửa với đức tin vào Chúa Cứu Thế tất nhiên đã được Thánh Thần Thiên Chúa xức dầu như chính Chúa Kitô đã được xức dầu để được thông phần vương quyền, tiên tri, và tế lễ lên Đức Chúa Cha qua Ngài. (Vat. II; Sắc Lịnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, #2). Như thế, những người được rửa tội thuộc về Nhiệm Thể Đức Kitô cũng như những chi thể thuộc về một thân mình dầu không đồng một công việc thì ai phận nấy mà bổ túc lẫn cho nhau (Roma 12:4). Tất cả Kitô hữu tin thật nơi Đức Kitô cùng chia sứ vụ trong Nhiệm Thể của Ngài; đó là rao truyền và làm nhân chứng về Ngài. Linh mục được chọn từ những người thuộc nhiệm thể này để riêng biệt hoàn thành sứ vụ rao giảng Nước Trời bằng phương cách mục vụ.
- Thưa cha, theo như cha nói, vai trò linh mục là sự thể hiện ân sủng của bí tích rửa tội. Nói cách khác, mọi Kitô hữu đều được ban cho và mời gọi thực hiện đặc quyền tư tế từ Đức Kitô, thế tại sao không để mọi người cùng đồng tế Thánh Lễ mà chỉ linh mục chủ tế? Một chủng sinh lên tiếng hỏi.
- Câu hỏi của thày tự nó đã trả lời; câu hỏi này bao gồm nhiều vấn đề mà chúng ta ít để ý chẳng hạn: đồng tế, đặc quyền tư tế, vai trò tư tế. Trước hết, chúng ta thường dùng tiếng đi xem lễ, đi nhà thờ; mới đây sau Công Đồng Vatican II chúng ta dùng tiếng tham dự Thánh Lễ. Nói chung, chúng ta đã dùng sai bởi ngày xưa các cha dâng lễ bằng tiếng La Tinh trong khi giáo dân không hiểu cha đọc những gì. Đến nhà thờ với lòng tôn kính Chúa nhưng cũng như đi xem vở kịch mà không hiểu diễn viên đang nói hoặc làm gì. Có giải thích lại chẳng khác mớ lý thuyết suông nghe cho qua trong khi chúng ta không cảm nhận được thực sự thế nào. Câu nói tham dự Thánh Lễ mang nghĩa rõ hơn một chút nhưng cũng chỉ được hiểu giống như tham dự một bữa tiệc, chủ nhà dọn sẵn và thực khách chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Đúng nghĩa, chúng ta nên dùng câu: đồng dâng Thánh Lễ. Thánh Lễ bao gồm các bài đọc, minh chứng sự hiện diện của Chúa với con người từ ngàn xưa. Phần dâng lễ và tế lễ, chúng ta dâng cuộc đời, những sự buồn vui, toàn bộ con người hợp với của lễ được biểu hiệu bằng bánh và rượu... Cuộc đời chúng ta là gì? Là phần nhiệm thể Chúa Kitô do đó của lễ được linh mục đại diện cả Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha để rồi được trở thành mình máu thực sự của Đức Kitô qua lời truyền phép của linh mục. Khi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, chúng ta thông phần tử nạn và sống lại với Ngài. Hiểu như thế, Nhiệm Thể Chúa Kitô cùng đồng dâng, đồng tế chứ không chỉ tham dự, không xem, cũng chẳng đi như lối nói ngày xưa. Đó là ý nghĩa đã được dùng trong câu nói không chính xác...
Mọi người ngồi thinh lặng dường như để ý nghĩa câu trả lời của cha giáo có cơ hội tẩy sạch lối diễn tả cổ xưa. Cha giáo nhìn quanh một lượt thấy ai nấy mang vẻ trầm tư ngài tiếp:
- Riêng về ý nghĩa tư tế, đây cả là một vấn đề không đơn giản, quí thày cần tỉnh táo nhận định. Những hình thức, áo lễ v.v... chỉ là phụ. Vấn đề chính là vai trò tư tế nơi Đức Kitô nếu đem so sánh với các vai trò tư tế xưa nay. Bây giờ, chúng ta quen với lối sống dân chủ, chúng ta bầu tổng thống, một lối làm việc khác phù hợp với tên gọi mới nhưng chung quy mang nhiệm vụ làm đầu, làm vua, làm người tiên phong. Tất cả các tư tế, ngay chính quan tòa hiện giờ với quyền phán quyết ảnh hưởng cả đời người khác đều theo mô thức bầu... Chúng ta cho quyền và chấp nhận quyền phán quyết của người khác trên cuộc đời mình. Riêng đối với Đức Kitô, chẳng những không ai bầu mà còn bị phản đối, kết án. Vai trò tư tế của Ngài không thuộc quyền bầu bán của bất cứ ai, không thuộc dòng họ tư tế Aaron; đó cũng là lý do Kinh Thánh viết: theo dòng dõi Melchizedek. Từ ngàn xưa, lý do tại sao có tư tế bắt nguồn nơi nhận thức tội lỗi của con người. Vì nhận ra mình đã không sống đúng với vai trò cho phù hợp hồng ân sự sống Thượng Đế đã ban cho, con người cần đến tư tế. Tư tế giữ nhiệm vụ đại diện những người khác dâng của lễ giảng hòa, xin xóa lỗi lầm hầu tránh cơn thịnh nộ bởi tin rằng sống trái với ý Trời thì sẽ bị phạt. Quí thày có hiểu tại sao người ta thường giết chiên, bò làm của tế lễ không? Ngày xưa có những tập tục tế thần; người ta dùng trẻ con hay thiếu nữ đồng trinh làm vật sát tế (Tv. 106:37-39)... Chính vì sự nhận thức không gì quí hơn sự sống và máu là yếu tố liên hệ quan trọng nhất nên được dùng làm của lễ. Lâu dần người ta không để ý đến nhận thức này nên giết thú vật lấy thịt tế thần như một nghi thức quen dùng. Từ sự hiểu biết này, không lạ gì về việc Đức Phật dạy cấm sát sinh. Đâu phải cứ sát sinh là tội lỗi, nhưng không sát sinh chứng tỏ lòng tôn trọng sự sống, tôn trọng Đấng ban sự sống... Vì sự sống không thuộc quyền của con người mà chỉ Thượng Đế, Đấng Tối Cao mới có quyền nắm giữ phần sinh sát... Trở lại vấn đề hiến tế, Đức Kitô không giống các tư tế khác, họ chỉ lấy máu chiên bò và đại diện dân dâng của lễ xin thứ tha hoặc cảm tạ, nhưng Ngài đã tự chấp nhận lấy chính cuộc đời của Ngài làm của lễ đền bù thay cho muôn người...
- Thưa cha, một thày lên tiếng hỏi, nếu nói rằng dùng sự sống làm của lễ hiến tế được biểu lộ bằng máu do con người tạo ra để cầu xin thứ tha lỗi lầm thì cái chết và sự đổ máu của Đức Kitô chưa chắc đã là do ý Thiên Chúa mà có thể chỉ là theo tập tục. Hơn nữa, nếu nói rằng phải đổ máu mới đền bù được tội lỗi xúc phạm tới Thiên Chúa thì chẳng lẽ Chúa lại khát máu đến thế sao?
- Sự hiến tế của Đức Kitô không nên hiểu theo khía cạnh lý luận và tập tục như trong câu hỏi của thày mà vấn đề thần học được đặt ra: Sự xúc phạm và sự đền bù phải tương đương tùy theo Đấng bị xúc phạm... Giá máu của tạo vật cũng chỉ ngang hàng loài thụ tạo do đó chỉ có Ngôi Lời nhập thể mới tẩy rửa được sự xúc phạm này. Cái chết của Đức Kitô là chết cho tội lỗi của nhân loại để chúng ta được trở về với nguồn sống thuở ban đầu, sự sống đời đời. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến cái chết xác thân mà không để ý đến nghĩa khác của chữ "chết" mang tính chất vĩnh cửu trong nghĩa thần học. Hơn nữa, quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa có lẽ là quan niệm dựa theo lịch sử tôn giáo nhiều hơn là dựa trên nền tảng đức tin vào Đức Kitô. Chúng ta lấy Đức Kitô ráp vào Thượng Đế theo quan niệm của mình thay vì tin vào Thiên Chúa mà Đức Kitô rao giảng. Đây là lớp mục vụ, quí thầy sẽ hiểu rõ hơn nơi lớp Kitô học sau này.
- Nhưng thưa cha, một thày khác đưa thêm câu hỏi, nếu cứ coi con người như những con vật, cắn xé, giết nhau giành sống thì đâu cần đặt vấn đề đền bù sự xúc phạm hay không bởi nào ai lên án hai con thú giết lẫn nhau!
- Điều trước tiên, nếu nhìn con người theo khía cạnh con vật chỉ có thân xác mà thôi, đó là vô thần... Và đã vô thần, con người bị coi như con vật nên sinh ra lạm dụng con người cho bất cứ mục đích nào. Tuy nhiên, dù cho rằng mình vô thần hay hữu thần, con người ai cũng có lòng khát khao tiến tới sự thiện hảo; ai cũng tin rằng còn có Đấng nào đó trên đầu mình và chết đi không phải là hết như những con vật... Đây là lòng khát khao Thượng Đế bẩm sinh nơi bất cứ ai. Hơn nữa, con vật không có phần tinh thần mà chỉ con người mới có... Chính vì tinh thần khao khát tìm kiếm mục đích sự sống mà chúng ta mới phải tìm hiểu sống thế nào, niềm tin ra sao trong khi các loài vật không thể nào có được...
Điệu bộ và giọng nói của cha giáo giống như kiểu cách một người mê say và tin tưởng nơi một chủ thuyết. Ngài nói chậm, thật chậm đồng thời nhấn mạnh từng câu, từng chữ quan trọng dường như e rằng nếu nói nhanh hoặc không rõ ràng lời của ngài sẽ bị chìm vào lãng quên. Sự tổng hợp này mở rộng một chân trời mới về vai trò con người trong nhiệm vụ góp phần phục vụ con người...
- Tổng hợp tất cả những điều tôi vừa nói, quí thày nhận thấy thế nào về vai trò linh mục trong chức vụ tư tế?
- Thưa cha, Chúa Giêsu ban quyền vì thế từ khi chịu chức, linh mục trở thành tư tế...
- Không thể dùng câu nói ngắn gọn đến độ có thể bị hiểu lầm để giải thích về chức vụ tư tế của linh mục. Đâu thiếu gì người hô lên rằng được Chúa cho quyền này, chức vụ kia rồi làm chuyện tà mị, làm tiền hoặc bịp bợm người khác. Tôi khuyến khích quí thày để riêng giờ đọc thật kỹ Tông Đồ Công Vụ, đọc đi đọc lại... Sau khi Chúa Kitô đã lên trời, các sự việc cả thể xảy đến với những người dân chài chất phác và điều họ minh chứng lại chỉ là Đức Kitô đã chết, đã sống lại... Cái chết của Đức Kitô là của lễ đền tội cho họ, cho mọi người, và Đức Kitô chết vì yêu thương mọi người. Cũng chính thời gian ấy, họ mới hiểu được những gì Đức Kitô rao giảng mà mấy tháng trước đó họ không hiểu chi hết... Những người chất phác quê mùa này nhận ra Đức Kitô đã sai họ tiếp tục đi rao giảng cho mọi người biết Ngài là Đấng Cứu Thế... và rửa tội cho những ai tin vào Ngài. Đọc phần sau khi Đức Kitô sống lại nơi Phúc Âm, Ngài thở hơi ban Thánh Thần cùng với lệnh truyền: "Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi..." (Gioan 20:21). Lệnh truyền được tiếp nối và quyền hành được ban qua Thánh Thần... Chức tư tế của các Tông Đồ lãnh nhận từ Đức Kitô bắt nguồn tự đó và được truyền lại bởi Thánh Thần qua nghi thức đặt tay và bí tích Xức Dầu Thánh...
- Thưa cha, mặc dầu Đức Kitô chọn mười hai Tông Đồ rồi sai đi rao giảng, nhưng Phúc Âm không có gì nói lên Đức Kitô không chấp nhận nữ giới làm tư tế. Hơn nữa, khi chịu phép Rửa Tội, mọi người không phân biệt nam hay nữ đều được thông phần tư tế, tiên tri và vương quyền của Đức Kitô. Thế tại sao Giáo Hội Công Giáo vẫn chưa chấp nhận truyền chức linh mục cho nữ giới?
- Quí thày nên nhớ điều này, trong thời kỳ Giáo Hội còn phôi thai chưa có nhà thờ như ngày nay thì nghi thức bẻ bánh được thực hiện nơi mỗi gia đình. Xét theo lịch sử Do Thái vào thời kỳ này, người đàn bà là người bẻ bánh chứ không phải người đàn ông. Họ đọc lời cảm tạ như trong phần dâng của lễ: "Cảm tạ Chúa là Chúa Tể Càn Khôn vì đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công con người. Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh nuôi sống chúng con..." Hiện người theo đạo Do Thái vẫn dùng câu này cảm tạ Chúa khi dâng của lễ hiến tế trong phần nghi thức phụng thờ. Nhìn theo khía cạnh truyền thống hay tập tục, người đàn bà trong gia đình Do Thái của thời Giáo Hội sơ khai đã giữ phần tế lễ trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt lại vấn đề: Bất cứ tổ chức nào cũng có những quy luật hoặc điều lệ riêng của mình. Quy luật linh mục độc thân không do Chúa Kitô bắt con người phải như vậy bởi các tông đồ được chọn hầu hết là những người có vợ con. Điều kiện linh mục phải là đàn ông mà không phải là đàn bà cũng do Giáo Hội. Điều này có thể được suy luận dựa trên phái tính của Đấng Cứu Thế. Trong tiếng Hy Lạp, Logos là Ngôi Lời, giống đực; thần khí của Ngôi lời là sự khôn ngoan do chữ Sophia được dịch là "wisdom" mang giống cái (Wisdom các chương 8, 9, 10, 11). Một điều chắc chắn rõ ràng không thể dùng bất cứ lý luận nào thay thế đó là Đấng Cứu Độ, Ngôi Lời nhập thể Logos phải là phái nam, không thể là phái nữ... và theo như phái tính của chữ được dùng trong Cựu Ước, Đấng Cứu Thế phải là phái nam... chữ giêsu có nghĩa "người con trai." Tôi nhắc lại, đây có thể chỉ là điểm tựa để Giáo Hội chưa chấp nhận truyền chức linh mục cho phái nữ. Đàng khác, quy luật của những tổ chức, đoàn thể còn bị tùy thuộc vào môi trường, điều kiện chọn lựa của tập thể lãnh đạo và ý thức nhận định phát sinh điều kiện thăng tiến. Quí thày thử nhìn lại lịch sử Giáo Hội; vào những thời kỳ mà thế tục ảnh hưởng quá mạnh mẽ nơi dân Chúa làm con người nghễnh ngãng tuân theo ý thức luân lý, đạo đức, Chúa đã cho nổi lên những dòng tu đặc biệt với những quy luật khắc khổ để kéo con người trở lại với ý thức đạo đức... Điều này nói lên, dù sao chăng nữa, Chúa đã in dấu nơi mỗi người lòng khao khát hướng về chân thiện mỹ, muốn sống vươn lên trong ý thức đạo đức. Luật linh mục độc thân... nếu nhìn theo khía cạnh này đã là một phương tiện đắc lực giúp Giáo Hội thăng tiến... Thật ra, có những lý luận linh mục không có gia đình sao có thể cảm thông với dân chúng hoặc linh mục mang tính chất sắt đá phái nam sao hiểu được lòng thương yêu cha mẹ dành cho con cái để đem áp dụng vào công việc mục vụ mang phần lợi ích cho dân Chúa v.v... Những lý luận này có phần nào đúng nhưng cũng chỉ do suy luận. Phái nam đâu phải hoàn toàn mang tính chất nam giới, mà trong con người phái nam mang phần nào tính chất nữ giới cũng như mỗi người thuộc phái nữ mang phần nào tính chất nam giới. Đâu phải cứ là đàn ông sẽ không hiểu hoặc cảm thông được tâm tình nữ giới hoặc sống độc thân không thể nào hiểu được những khó khăn của những người có gia đình... Đó cũng là nguyên do tại sao quí thày phải được học hỏi và huấn luyện qua những môn thực tập cho phù hợp với công việc mục vụ...
Nói đến tính cách cuộc sống linh mục phù hợp công việc mục vụ, hình ảnh buổi họp của lớp thực tập tuyên úy bệnh viện hôm ấy chợt trở về... Bẩy học viên gồm có hai người Mỹ đen, cha Lành, một chị thuộc phái Anh Giáo, ba người Tin Lành và cố vấn điều hành là mục sư Tin Lành thuộc giáo phái Baptist. Một học viên da đen chia sẻ:
- Tôi đang suy nghĩ không biết có nên tiếp tục để trở thành linh mục Công Giáo nữa hay không bởi người da đen chúng tôi có phần tính dục khá mạnh; chẳng hiểu tôi có thể giữ được luật độc thân cả đời hay không!
- Tôi là mục sư Tin Lành và có gia đình..., cố vấn điều hành mục vụ nhà thương lên tiếng, tôi vẫn bị những cám dỗ đến với tôi như đối với thày và có khi còn hơn; không phải chỉ sống độc thân mới bị cám dỗ. Tự thâm tâm, tôi rất phục các linh mục Công Giáo với cuộc sống độc thân, và chính cuộc sống độc thân của linh mục đã nâng cao phẩm giá của Giáo Hội Công Giáo... Tôi muốn nói như thế để thày nhận thực rõ hơn về bản chất con người của chúng ta... Đừng sợ hãi vì dẫu tôi có gia đình nhưng cũng vẫn phải chiến đấu chống lại bản năng bình thường như cuộc đời độc thân của thày... Hơn nữa, thày có thể xét thử kinh nghiệm sống; người biết uống rượu hay hút thuốc nếu thấy người khác uống rượu hay hút thuốc sẽ cảm thấy thèm trong khi những người không quen không cảm thấy bị quyến rũ. Đàng này, kinh nghiệm tính dục cũng thế, người sống độc thân sẽ ít bị cám dỗ hơn những người đã quen việc đôi bạn khi cả hai cùng đối diện một trường hợp cám dỗ tình dục như nhau...
Tâm trí vừa phiêu lưu về dĩ vãng thực tập mục vụ, cha giáo đã tiếp tục:
- Nói cho đúng, truyền chức linh mục cho phái nữ cũng như truyền chức cho nam giới đã lập gia đình mà ngày nay được gọi nôm na là linh mục có vợ không phải là vấn đề quan trọng sống còn của Giáo Hội mà điểm chính yếu là nhu cầu. Tông đồ là những người đi rao giảng Nước Trời, nói cho mọi người biết Đức Kitô đã chết, phục sinh vì yêu thương nhân loại để giải thoát mọi người khỏi vòng áp lực của tội lỗi, nguyên nhân đem đến sự chết. Quí thày thử lật sách lễ Rôma, lời nguyện trong ngày kính thánh Maria Mađalêna, Giáo Hội nhận thực: "Thánh nữ Maria Mađalêna là người thứ nhất được Con Một Chúa giao cho sứ mạng loan tin mừng phục sinh." Tôi nghĩ nếu ngày nào Đức Giáo Hoàng tuyên bố cho phép linh mục lập gia đình hoặc chấp nhận truyền chức linh mục cho nữ giới, tôi không thấy có gì ngạc nhiên... Tuy nhiên, với ước muốn hướng thiện trong niềm khao khát trở nên tốt lành hơn, con người luôn tìm cho mình lý tưởng cũng như khuôn mẫu để theo bởi vì dù tên vô lại cũng có ước ao trở nên tốt lành... Do đó Giáo Hội cần có kỷ luật và phương cách riêng với chủ đích một phần nào làm gương mẫu cho con người... Phái tính là chuyện phụ thuộc theo điều luật của tổ chức... Chức vụ và đời sống linh mục mới là điều quan trọng. Để có thể xứng đáng với nhiệm vụ được trao phó làm chứng nhân cho Đức Kitô, đem Tin Mừng tới mọi người, làm thỏa lòng khao khát tiến tới Chân Thiện Mỹ nơi họ, linh mục có bổn phận xây dựng, thánh hóa và điều hành những thành phần của Giáo Hội. Trách nhiệm này là sự trở nên của lễ hiến tế để thánh hóa dân Chúa thành lễ vật xứng đáng dâng tiến Ngài. Như vậy, đối tượng của chức vụ và cuộc sống của linh mục là sự tìm kiếm vinh quang cho Thiên Chúa trong Đức Kitô, phục vụ dân Chúa để người ta nhận biết vinh quang của Ngài mà ca tụng bằng chính cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, dẫu linh mục được chọn từ dân Chúa nhưng không phải chọn để sống tách biệt mà để thực thi công việc riêng biệt cho nhiệm vụ và lợi ích rao giảng Tin Mừng (Rom. 1:1). Linh mục được chọn để làm chứng nhân tin mừng Thiên Chúa đến cứu độ, yêu thương và ở cùng loài người...
- Thưa cha, một thày lên tiếng hỏi ngắt lời cha giáo, nếu giải thích như thế, phỏng vai trò của linh mục có chiếm giữ hết phần nhiệm vụ chứng nhân Đức Kitô của tín hữu trong cuộc sống thường ngày không?
- Trách nhiệm và bổn phận của linh mục chẳng những không lấn át trái lại còn bổ túc cho ơn gọi làm nhân chứng Nước Trời trong cuộc sống thường ngày của giáo dân. Do ân sủng được thể hiện qua bí tích Xức Dầu, linh mục lãnh nhận thêm nhiệm vụ thánh hóa dân Chúa, và như thế, linh mục phải trở nên động lực hướng dẫn và khí cụ dọn đường cho dân Chúa đến với Đức Kitô và đồng thời giúp những người chưa nhận biết Đức Kitô tìm được đức tin nơi Ngài. Bởi vậy, linh mục không phải và cũng không được phục vụ cho bất cứ chủ thuyết hay đảng phái thế tục nào nhưng là người rao giảng Phúc Âm và là chủ chăn của Giáo Hội. Các ngài lo lắng và theo đuổi việc phát triển thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô (Vat. II; Bản dịch Pio X; p. 687). Do đó, sự đối xử của linh mục đối với mọi người cần được bắt chước theo gương Đức Kitô để giúp họ trưởng thành trong đức tin Công Giáo (Vat. II; Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục #6).
Bắt chước theo gương Đức Kitô... tức là học theo lối sống của Ngài, sống như Ngài đã sống. Đức Kitô đã nhân danh Thiên Chúa mà nói năng, hành động khác với thói quen, lề lối suy nghĩ của người cùng thời; Ngài rao giảng và làm chứng một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương trong cuộc đời của Ngài thay vì câu nệ, áp dụng lề luật tròng vào cổ dân Chúa những ách nặng nề... bởi quan niệm sai lạc nên đã đóng khung Thiên Chúa theo ý nghĩ của mình để vô tình hay hữu ý lạm dụng, dùng Chúa như bung xung tha hồ thao túng. Ngài đã kêu gọi: "Hãy mang lấy ách của Ta vào mình... Vì chưng ách Ta thì êm ái, và gánh Ta lại nhẹ nhàng." Theo Ngài sẽ không có ách, không có gánh, không bị lệ thuộc bởi những hình thức, không bị tội lỗi ràng buộc. Theo Ngài, con người là trên hết; con người làm chủ cả ngày Sabbat (Marcô 2:27), không phải giả hình (Mathêu 6:5-14) vì lệ thuộc danh vọng hão huyền mà sống vui tươi thoải mái vì có Thiên Chúa là Cha nhân từ ngóng đợi đứa con hoang trở về và tha thứ trước khi con nói lên lời thống hối (Luca 15:20-24). Ách của Ngài êm ái bởi Ngài không dùng uy quyền nhưng biết thương xót, không ghen ghét báo oán mà cảm thông, nhân từ...
Những hình ảnh trong Kinh Thánh về những giới bị khiển trách thời Chúa Kitô lần lượt dẫn tâm trí cha Lành đối diện với hiện trạng thời đại. Là linh mục, cuộc đời mình phải được ráp khuôn theo Đức Kitô, phải là chứng nhân tình yêu thương của Thiên Chúa... Chúa Kitô đã chết để giải thoát ách tội lỗi; Chúa không bắt ai phải đền bù công ơn Ngài đã chết nhưng con người cần biết ơn và sống xứng đáng hơn để mọi người nhận biết Ngài đang hiện diện trong cuộc đời... Ngài đã cất những sự trói buộc nên ách của Ngài êm ái... Thế sao Thiện Cẩm vẫn phải kêu lên: "Còn ngày nay thì sao? Vẫn chưa hết những vị mục tử hay tư tế lấy cớ là làm sáng danh Chúa để bắt những người họ 'thống trị', chứ không phải là phục vụ phải chịu những gánh nặng tinh thần và vật chất: đóng góp để xây nhà thờ, tổ chức lễ lạy, tuân giữ những lề luật khắt khe họ tự đặt ra, 'dứt phép thông công' người này, 'phạt vạ' người khác, cấm đoán chuyện này, cấm đoán chuyện kia." (Thời Điểm Công Giáo, 2&3, 1993; CA, USA; tr. 30). Lời Đức Cha Bùi Tuần trong bài chia sẻ "Đường Hướng Tu Đức Tại Việt Nam Hôm Nay" thêm một lần vang vọng: "Cái nguy hiểm nhất cho ta là chính ta tự trung tâm hóa chính mình. Thấy các người nghèo xung quanh có vẻ cần đến ta, thấy mình được quí mến, ta dễ có ảo tưởng về mình. Ảo tưởng này rồi ảo tưởng khác, chúng kéo lòng ta theo con đường bản năng hơn là con đường lý trí được soi dẫn bởi ơn Chúa Thánh Thần." (Thời Điểm Công Giáo; số 3, 1991; tr. 77). Cuối bài chia sẻ, Đức Giám Mục còn thêm: "Có một số người tu thực là đàng hoàng, không chút bê bối, nhưng hễ nhìn thấy họ là y như nhìn thấy một tin buồn. Gặp họ, người ta không cảm thấy con người của họ là một tin mừng, mà là một tin buồn. Bởi vì nét mặt của họ, thái độ của họ, đối xử của họ thường lạnh lùng, bẳn gắt, kiêu kỳ, nhỏ nhặt, chấp nhất, bắt bẻ, cho đi chẳng được bao nhiêu mà đòi hỏi thì lại quá nhiều" (Tr. 80). Không dễ chi một giám mục phải nói lên điều này... nhưng biết sao hơn vì ai không là người! Quê hương đang ở vào thời điểm tột cùng đau khổ chẳng những về vật chất mà cả về tinh thần... Linh mục Thiện Cẩm và Đức Giám Mục Bùi Tuần đã và đang bị chứng kiến những cảnh này...; cha Lành thở dài... Mình có thể làm được gì cho hơn bẩy chục triệu con dân máu đỏ da vàng bên kia bờ Thái Bình Dương? Câu hỏi đã nhiều lần như mũi tên xuyên thấu lòng người linh mục trẻ...

 

"Có thể làm gì cho quê hương?" Câu hỏi mang tiềm lực bất tận gồm có bẩy chữ; số bẩy với nghĩa toàn hảo trong Kinh Thánh nên bất cứ lần nào nó chợt đến cũng khiến cha Lành cảm thấy đầu óc mình quay quay do nhận thức khả năng giới hạn của một con người. Lớn lên trong cuộc nội chiến khiến kinh tế quốc gia không được phát triển mà còn bị phá hủy đến độ tàn tệ; đồng thời những "siêu cường" gây áp lực, dùng đủ mọi mánh khóe biến dân tộc thành quân cờ thí cho sự chia chác ảnh hưởng chính trị..., người dân cả hai miền Nam Bắc mấy ai thoát khỏi những mối nghi ngờ ăn sâu tận tâm não kiến tạo thành cá tính. Bao nhiêu năm dằng dặc với những thay đổi không ai có thể ngờ khiến lòng dân luôn luôn giao động không biết tương lai sẽ đi về đâu. Mới hôm qua, một người oai hùng với chiến công được đề cao hiển hách, hôm nay đã lòi mặt chuột tay sai cho phe đối nghịch... Đất nước biến thành trăm mảnh nay đỏ mai đen... tội cho con dân lầm than chỉ dám mơ ước cuộc sống thanh bình nhưng ước mơ tầm thường bé nhỏ ấy lại cũng chỉ là đám mây mờ vội tan trong cơn cuồng phong bão tố cuộc đời. Biết tin được ai bởi chính mình cũng không thể dự đoán nổi tương lai dẫu nghĩ rằng trong tầm tay với.
Có thể làm gì cho quê hương?... Đất nước tuy nhỏ bé nhưng nhu cầu lại quá to lớn bởi sau những đổ vỡ, kết quả của cuộc nội chiến lê thê, dân chúng trở nên quá nghèo khổ; miếng cơm manh áo giờ đây vẫn còn là mối lo âu sớm tối thì còn nói chi đến xây dựng và phát triển... Con dân trong nước mơ ước có ngày mai... hầu lấy năng lực miệt mài với gió sương... Người Việt tha hương, ai biết đâu con đường cần đi tới mà chỉ thấy trăm bè ngàn mối; kẻ ủng hộ chủ trương hợp lưu, hòa hợp hòa giải; người chống báng bang giao, du lịch... Việt Nam, quê hương dấu yêu chìm trong bóng tối mờ mịt đợi chờ ngàn vạn ngón đũa thần từ các tầng lớp con dân! Trái lại, con dân tin chính mình còn chưa được nói chi đến chuyện chấp nhận ai làm lãnh tụ. Lời kêu gọi đoàn kết có thể chỉ được coi như tiếng sóng đập vô ghềnh đá mà chẳng được đoái hoài vì chỉ là những tiếng lặp lại đã quá nhàm tai không đánh động nổi ai. Người ta đang chờ một chứng minh cụ thể hầu lấp vá kinh nghiệm bị lừa đảo do những lần đã quá vội tin. Bao nhiêu lời hứa hẹn trong quá khứ, bao nhiêu bộ mặt đã bị lột trần nét hợm hĩnh mị dân trở thành những chứng tích hùng hồn tạo nên cá tính nghi ngờ dân tộc... Cha Lành lại thở dài... Có thể làm gì cho quê hương? Câu hỏi đã bao lần đến mau dần với thời gian tuổi lớn kèm theo áp lực thực trạng hối thúc. Từ ngày những cánh thư bên trại tỵ nạn mang đầy nỗi hằn đau dân tộc thi đua bay tới... cha Lành cảm thấy đuối sức mỗi khi thêm một lần nhận được... Những tên người khác nhau chia chung thảm trạng vết thương biển cả...
Lần đầu tiên thấy chiếc bì thơ, cha Lành ngỡ ngàng tưởng mình hoa mắt bởi hàng chữ ngoằn ngoèo gợi lại hình ảnh những nét vẽ trên thuyền hải tặc Thái Lan ngày nào trong chuyến vượt biên hơn mười năm về trước. Hai con tem Thái một đỏ, một nâu nổi bật trên nền xanh da trời màu giấy phụ họa theo ký ức khơi động vết thương lòng. Tại sao có người bên Thái gửi cho mình, ngài thầm nghĩ trong khi lật qua mặt bên kia... Tên người và địa chỉ, chưa một lần biết, chạy hai hàng dài phía trên tấm hình cảnh chùa tháp miền Đông Á. Sikiew camp, tên trại nghe rất quen thuộc qua báo chí, nơi nổi tiếng về tội ác của hải tặc Thái, nay trở thành trại tị nạn. Thắc mắc, ngài từ từ đưa mũi dao rọc thư đẩy dọc theo hai cạnh ngắn của tờ "aerogramme," đoạn lách sát mép lượt giấy bìa tránh cắt lần gấp phía trong... Lời thư kéo muôn hình ảnh chuyến ghe định mệnh đã bao lâu nay cố bị dằn im nơi tâm khảm giờ được dịp bùng dậy như nước vỡ bờ khiến lòng ngài tràn ngập nỗi đau ngày ấy đã bao năm hằn in tưởng rằng có thể chấp nhận để quên. Hai chiếc tàu đánh cá Thái kẹp đôi bên thân ghe mỏng manh, ọp ẹp tạo nên tiếng kêu rào rạo do áp lực đưa đẩy của mỗi làn sóng tràn tới. Những tên Thái cháy nắng đen đủi hùng hổ nhào xuống tay lăm lăm cây búa hoặc lưỡi dao đủ cỡ được hỗ trợ bởi hai nòng súng nhăm nhe nhả đạn trên tay hai tên thuyền trưởng, mỗi tên đứng ngay bên phòng lái của mỗi tàu đánh cá Thái. Những tên nhảy sang với cử điệu lành nghề, tung dây buộc nghiến thân ghe xấu số vào thành tàu e con mồi chạy thoát; rồi như những hung thần dục tính được biểu lộ với lưỡi dao, cây búa đang giơ cao sẵn sàng bổ xuống hỗ trợ cho những bàn tay đen đủi nhào vào mấy người đàn bà con gái dúm dó gọn lại một góc tha hồ bốc hốt, rờ rẫm trong khi miệng chúng cười lên sằng sặc đầy vẻ dã man khoái trá... Thế rồi mỗi tên hung thần ấy lôi xềnh xệch một phụ nữ, tả tơi bởi đã bị dày đạp mấy lần cướp trước, qua tàu chúng... Có tiếng hét chói lói hãi hùng từ cửa miệng nạn nhân tựa lằn tên nhọn xuyên thủng màn âm thanh ồn ào sóng nước chụp xuống đám người vượt biển... Thêm một lần, nỗi đau cắn xé lòng chàng thanh niên tên Lành. Đôi tay gồng cứng cố gắng ép chặt vào bụng thầm ước có được con chó lửa hoặc tốt hơn, cây M16. Những ai đã phải chứng kiến cảnh hải tặc dày xéo người vượt biên nơi biển cả mới có thể cảm được nỗi uất hận bất lực; cái đau đớn tình người tạo thành mặc cảm hèn hạ... Con người hèn hơn cái búa trong tay quân mọi rợ... Con người hèn thua họng súng lăm lăm chĩa về phía mình... Chỉ một tiếng la, một cử điệu đứng dậy vô tình đã có thể là mục tiêu cho họng súng nhả đạn hoặc lưỡi dao, đầu búa vung lên bổ xuống... Tất cả tạo thành mối căm hận dồn nén lòng người, mối nhục muôn đời không thể gột rửa. Những cảnh người hiếp đáp người thêm một lần tạo nên mối hận bốc lên làm nghẹt thở đẩy đôi hàm răng nghiến lại, chàng thanh niên tên Lành cố kìm hãm chân tay đang muốn vung lên để rồi hậm hực trong lòng: "Rồi chúng mày biết; ông phải trả thù."... Người chồng của một trong những chị bị lôi qua tầu Thái chịu đựng không nổi, đứng bật dậy nơi mũi thuyền; chưa kịp hành động, tiếng nổ chát chúa vang lên từ họng súng nơi tay thằng Thái chĩa vô đã khiến ngực anh ta phọt ra một vòi máu; rồi thân người uốn ngược, té nhào xuống biển máu nhuộm đỏ một vùng... Sau thời gian vùi dập thân xác những người đàn bà khốn cùng bất hạnh, cả hai tàu hải tặc đẩy họ trả lại, tháo dây, rồ máy chạy mất hút...
Phải trả thù, ba tiếng ngắn ngủi lại một lần nữa gào thét trong óc như thuở ban đầu khiến cha Lành muốn đập phá một cái gì... Ngài chộp lấy bình bông tươi bên góc phải bàn viết làm nước tung ra văng trên lá thư... Âm thanh và sự kiện nước rơi kéo tâm trí cha Lành trở về thực tại, dằn đôi tay run rẩy chứng tỏ lòng tràn đầy giận dữ cố đè nén... "Chúa ơi, qua lời Kinh Thánh, Ngài dạy con yêu thương kẻ thù... Miệng con rao giảng lòng yêu thương của Chúa mà mối thù hải tặc vùi dập xác thân chị em con trên chuyến vượt biên sao cứ ngùn ngụt bốc cháy... Làm sao con có thể yêu thương được những tên Thái đen đủi cưỡng bức chị em của con? Sao con có thể làm ngơ trước mối thù dân tộc này? Tại ai đã khiến nên nỗi thống khổ ấy... Chúa chỉ chết một lần, chín ngày chín đêm lênh đênh trên con tầu vượt biên, tụi nó nhào tới dày đạp chúng con mười một lần... mười một lần chứ không phải một... Tiếng gào bùng lên trong tâm trí, ray rứt... Chúng con bị những mười một lần... Trả thù và yêu thương sao có thể xếp đồng vị trí trong một con người... Cha Lành thở dài, vội tự nhủ hãy bình tĩnh, cố đè nén lòng trong nỗi hậm hực, lau khô lá thư và đọc lại từ đầu:
Sikiew camp 27 - 6 - 93.
Trọng kính cha!
Hôm nay con và các cháu mạo muội viết lá thư này kính gửi đến cha. Trước hết con cầu nguyện Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân xuống đến cha cùng tất cả giáo dân của nhà thờ.
Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh khác nhau. Riêng trường hợp của con như sau: Con mồ côi cha từ hồi nhỏ, má con ở vậy không tái giá, nuôi dưỡng con cho đến khi khôn lớn. Trưởng thành lập gia đình được hai cháu. (Bỏ mấy chữ) Vợ chồng con cùng hai cháu đành gạt lệ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, ra đi tìm tự do trên một thuyền gỗ mong manh mang theo trên năm mươi người. Trên đường đi, tàu của con không may gặp nạn. Bọn hải tặc hùng hổ nhảy lên tàu cướp bóc, hãm hiếp. Bọn chúng hành hạ, làm nhục thân xác của con. Chồng con chứng kiến cảnh đó nên bất nhẫn, liền đứng ra can thiệp. Lập tức bị bọn chúng cầm búa đập túi bụi vào đầu, chết ngay tại chỗ, rồi quẳng xác xuống biển. Phần con vì chịu đựng không nổi nên ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thì một số người còn sống sót trên tàu cho biết, bọn hải tặc đã bắt đi một số đàn bà, con gái. Sau đó tàu của con được tàu tuần đến cứu và con được đưa vào bệnh viện. Hơn một tuần sau con mới được xuất viện và được cảnh sát Thái đưa vào trại tị nạn.
Do hậu quả của những lần làm nhục của bọn hải tặc, con đã mang thai và sanh ra một cháu trai. Nhiều lần con có ý định quyên sinh để đi theo người chồng yêu dấu, nhưng con sợ phạm vào một trong những điều răn của Chúa. Hơn nữa, trên vai còn gánh nặng trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu, không thể nào chối bỏ được, nên con đành bỏ ý định, gắng gượng mà sống cho qua ngày.
Hiện nay con và các cháu lây lất sống với một hoàn cảnh không có thân nhân, bạn bè ở nước thứ ba giúp đỡ. Hoàn toàn trông cậy vào thực phẩm của cao ủy tị nạn liên hiệp quốc cung cấp. Một tuần lễ họ chỉ phát thực phẩm đủ dùng trong hai ngày. Năm ngày còn lại trong tuần thì hoàn toàn tự túc. Vì ăn uống quá thiếu thốn, không có một chút dinh dưỡng nào nên con không có sữa cho cháu bú. Nhiều lúc nhìn các cháu khóc vì đói, con thấy khổ tâm lắm! Nhưng với hoàn cảnh thiếu thốn ở trại tị nạn khốn khổ này, thân đàn bà, trên vai gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng ba cháu còn nhỏ dại, con biết trông cậy vào ai bây giờ?
Kính trọng cha, hôm nay con mạo muội viết lá thư này kính gửi đến cha. Con khẩn thiết kêu gọi lòng bác ái vì tha nhân của cha. Kính mong cha quan tâm và giúp đỡ con cùng các cháu về mặt vật chất cũng như an ủi về tinh thần. Để con có đủ nghị lực, can đảm nuôi dưỡng các cháu. Kính mong cha thương tình ban cho con và các cháu một chút ít lương thực hàng ngày. Kính cha, đây là điều bất đắc dĩ, một điều mà con không bao giờ muốn. Kính mong cha thông cảm và thương xót đến hoàn cảnh khốn khổ của con và các cháu hiện tại. Trước khi ngừng bút, con cầu xin Chúa luôn ban ơn khỏe mạnh và bình an đến cho cha. Ước mong Chúa sẽ luôn trả công bội hậu cho cha. Con và các cháu rất trông mong.
Con,
N.D.T.Q.
Lời thơ viết mộc mạc chan chứa tâm tình chịu đựng và chấp nhận lại mang nặng tinh thần trách nhiệm của một người vợ và người mẹ chẳng may. Không những thế, đức tin của người viết được biểu lộ qua e sợ phạm giới răn của Chúa nên đã chẳng dám nghĩ đến thân mình mà đương đầu với gánh nặng phải mang. Ôi, con dân Chúa gặp cảnh lầm than khổ ải! Chúa ngày xưa không nơi gối đầu nhưng còn đất đi đứng; con dân Chúa ngày nay chẳng nơi tạm dung lại còn ách lo âu vất vưởng, hao mòn thân xác bởi chẳng có đủ dù chỉ là miếng ăn đến nỗi "không có sữa cho cháu bú." Đàng khác, nỗi đau lòng dằng dặc ray rứt cả cuộc đời không đường trốn chạy; đứa con mang dòng máu hải tặc, sản phẩm của tội ác sẽ luôn luôn trở thành lưỡi dao sắc bén đeo đuổi cắt đi cắt lại vết thương lòng như một giá trả mắc mỏ cho mơ ước tự do. Ngày xưa Chúa không lên án người đàn bà ngoại tình; dân Chúa ngày nay bị đeo án không phải lỗi của mình. Chúa có thấu hay dân kêu chưa thấu? Nếu chỉ là vết thương thân xác, thời gian và thuốc men còn có thể chữa lành. Đàng này, vết thương lòng quá lớn lao, người ra đi chấp nhận mất tất cả mà đâu đã thoát. Thân phận đào thoát tới được trại tỵ nạn tưởng là đã may; ai ngờ đụng thanh lọc, bơ vơ không nơi nào chấp nhận để rồi rơi vào cơn túng quẫn từ thể xác tới tâm hồn dưới cảnh người đàn áp người. Cha Lành nghe lòng mình quặn lại. Thực trạng phũ phàng đến với những người chẳng may gặp cảnh khốn khổ kèm theo nỗi đau dân tộc như ngọn roi vận số giáng xuống thân phận kẻ lầm than quất nát lòng người.
Thế rồi những cánh thư khác tiếp nối... mang mang nỗi khốn khổ như một điệp khúc hằn học lần lượt đào bới vết thương chưa kịp ăn da non mỗi ngày một loang rộng... Chọn một vài người để giúp thì dễ nhưng những lá thư gào thét không cho phép ngài có thể chùng tay... Những thư tới tiếp tục với tên người và nét chữ kèm theo địa chỉ mới; những thư trả lời được hộ tống bởi tấm money order mới... Thư tới càng nhiều, người trả lời càng đuối... Biết làm sao! Biết làm sao đây lạy Chúa để chỉ một phần nhỏ nào gọi là chút tình người xoa dịu vết thương dân tộc... Chúa hỡi, Ngài có nghe tiếng gào thét kẻ khốn cùng đang xuyên thấu trời xanh bằng cảnh con người bị đời bạc đãi?... Chúa hỡi, sao trần gian quá nhiều thân phận đau khổ?... Ngày xưa Chúa chết chỉ một lần; dân tộc con phải chịu bao nhiêu lần mới đủ? Chúa muốn chúng con phải làm gì?
Và rồi nơi nước người, những tâm hồn bé bỏng mồ côi nhiễm đầy những cặn bã độc hại của xã hội như kết quả cuộc nhảy vọt không điểm tựa tạo hụt hẫng đời người để rồi rơi trong hố xì ke ma túy, trộm cắp tội phạm... Năng lực của một dân tộc là tuổi trẻ. Nơi quê nhà, tuổi trẻ lầm than kiếm sống; chốn quê người, tuổi trẻ phỏng còn chi? Dù có cơ hội học hành tới nơi tới chốn thì ở mảnh đất nghèo nàn vì đổ nát lấy gì làm phương tiện cho những tài năng chuyên nghiệp trở về chung tay xây dựng... Ngày sẽ tới phỏng được mấy người chấp nhận hy sinh trở về kiến tạo lại quê hương từng bước từ thuở khởi đầu? Mẹ Việt Nam trăm con nhưng những đứa con tan nát, lưu lạc tha phương, có tưởng nhớ đến quê hương lại cảm thấy đau lòng vì khả năng mình nhỏ mọn. Tuy nhiên, đức tin không việc làm là đức tin vô dụng; niềm mơ không thực hiện chỉ là ảo vọng cuồng điên ngu xuẩn. Có thể làm gì cho quê hương trong giới hạn tầm tay với?
Chính vì nhận ra mình chỉ là hạt cát bé nhỏ nơi một bờ biển rộng lớn khi so sánh khả năng cá nhân với nhu cầu đất nước, ai cũng cảm thấy chùng tay trước một thực trạng đòi hỏi muôn vàn cố gắng vượt thắng những trở ngại. Tây Đức đã đổ ra cả trăm tỉ Mỹ kim giúp Đông Đức tái thiết sau khi thống nhất mà hãy còn những hai mươi phần trăm thất nghiệp; dân mình sẽ ra sao với hơn bẩy chục triệu người nghèo xơ nghèo xác... Tương lai nào có thể nói khi khoai sắn cũng chưa đủ làm no chiếc dạ dày. Nơi đất người, con chim, con sáo được tự do nhởn nhơ với bầu trời lại có được những đạo luật bảo vệ; chó chạy lang thang không chủ chăm sóc có người mang về cho ăn cho ở... Nơi đất mình, con người lầm than khổ cực bới đất không đủ miếng ăn làm sao tránh thoát thảm trạng tệ đoan chẳng ai có thể ngờ... Cả ngày vất vả mà cơm ăn không đủ, đêm về giấc ngủ chẳng được yên khiến con người mau già trước tuổi bởi e sợ không biết lúc nào bị họa kề vai và bởi tương lai hoàn toàn mù mịt. Có được người nào chấp nhận ra đi dẫu chết trên biển cả vì ước vọng tự do thì lại gặp cảnh chẳng nơi nào cho mảnh đất sống... Cuộc đời con người nơi đất nước mình khổ cực gấp trăm ngàn lần con thú nơi đất nước người... Tại sao? Mình có thể làm gì?
Ngày nao, tương lai, những tiếng chứa đựng tràn đầy ước mơ của một dân tộc nhưng đồng thời cũng gợi lên viễn ảnh xót xa phát xuất từ thực tại vật chất đổ nát và ý thức hệ chênh lệch. Kể cũng thật tội cho dân mình! Nhu cầu căn bản, miếng cơm manh áo bảo tồn sự sống còn đang là mối đe dọa từng giây phút thì nói chi đến văn hóa, tinh thần. Kẻ ra đi như chim lạc bầy; người ở lại vật lộn với tháng ngày lầm than khổ cực; áo cơm hãy còn là niềm ước vọng lớn lao làm sao nghĩ chuyện ngày nao, viễn ảnh! Lời hát nào đã được than lên cho kẻ ra đi: "Mà đắng cay chim có bầy, cây có cội; ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong?" Những ai có lần nào nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhận ra thân phận lưu đày chốn đất khách quê người mới cảm nhận thấm thía không nơi nào đẹp bằng quê hương ta! Dân Do Thái xưa kia làm tôi mọi nơi đất Ai Cập nào khác gì con dân máu đỏ da vàng giờ đây. Ôi dân Việt tha hương, gồng mình đem sức lực ngày ngày hì hục cày nơi công sở trả nợ áo cơm dẫu chẳng lâm cảnh lầm than nhưng mồ mả cha ông hoang tàn không người chăm sóc! Ai đã từng cảm thấy tủi nhục khi uốn lưỡi bẻ miệng học tiếng nước người, chấp nhận bỏ rơi muôn lời âu yếm ngọt môi không nơi tình tự! Quê hương nào ngăn chận những bước chân con dân tìm về xây dựng... thế mà những bước chân vẫn còn bị ngăn chận vì đâu? Thực trạng có thể là đường khó đi mà cũng có thể vì lòng người ngại khó chưa dám bước hoặc không thể bước bởi ném chuột sợ bể đồ trong giới hạn của điều kiện hiện tại? Tương lai nào phải từ trời rớt xuống nhưng là kết quả của những việc làm bây giờ. Thực trạng hiện tại có thể làm chùn bước con người nhưng không thể ngăn cấm con người có những mơ ước tương lai... Là con dân Việt trong cảnh lưu vong, ai dứt được tình máu mủ giống nòi? Ai không chờ đợi một ngày mai tươi sáng? Ai chẳng tha thiết ít nhất được một lần trở lại dù chỉ để đi thăm một vòng đất nước, để tâm hồn hòa nhịp với tình tự dân tộc hằng vọng về trong tiềm thức: "Ngày nao trở lại thăm cố hương..." Ngược lại, những ước mơ không có công việc tích cực thực hiện nào có khác chi ảo vọng ngu dại!... Cha Lành chìm đắm trong suy tư để tình quê hương thao thức tìm đường dẫn lối...
Những gì mình có thể bắt đầu bây giờ, ở nơi đây? Câu hỏi mở màn cho hàng loạt công việc hối thúc người người và ai cũng có thể bắt tay thực hiện không chuyện này thì việc kia. Chẳng hạn kêu gọi giúp người tỵ nạn, anh chị em mình đang gặp bước khốn khổ không ai muốn; những lá thư chẳng khác gì lằn sét đánh vào tâm não thức tỉnh bất cứ ai nhìn lại cuộc đời mình hiện tại để đặt vấn đề ý thức phận số may mắn đang có đồng thời cũng là tiếng gào thét kêu gọi sự thương xót tình người đối với anh chị em đồng chủng tộc mình trong bước chẳng may. Ít bữa nay, cha Lành cảm nhận một nỗi buồn mang mang bởi đã mấy lần ngài kêu gọi thành lập hội giúp những người tỵ nạn mà vẫn chưa thấy ai trả lời tham gia rõ ràng... chỉ những lời hứa cho qua trong thế án binh bất động. Một mình ngài, sự giúp đỡ quá giới hạn; kêu gọi thêm... thiên hạ lừng chừng dường như bất cần hoặc không muốn nghe biết... Phải làm cách nào để giúp những người Việt xấu số... Câu hỏi luôn luôn hối thúc khiến ngài càng thêm ưu uất... Phải làm gì để người ta hưởng ứng...?
Đối với những trẻ em trong cộng đồng người Việt, làm sao để khuyến khích các em học hành, và để cổ võ những truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc mình. Nơi đất nước xô bồ đủ mọi giống dân, muôn ngàn thứ người từ tốt lành, cao sang đến hạng bần cùng xã hội kèm thêm sự ảnh hưởng của những màn ảnh ti vi quá lố do đầu óc thương mại cố tình lạm dụng làm tiền, trẻ em Việt Nam cần được hướng dẫn và khuyến khích học hành hầu mong trở thành người hữu dụng xây dựng đất nước sau này. Thế hệ tương lai sẽ tùy thuộc nơi những người trẻ bây giờ. Văn hóa và truyền thống dân Việt có được chút nào nơi họ chăng tùy thuộc vào những bậc cha mẹ và giới lãnh đạo các cộng đồng người Việt ở ngoại quốc. Không thế, sau này lấy gì làm căn bản cũng như tiềm lực khuyến khích các em khi trưởng thành trở về xây dựng quê hương. Hơn nữa, muốn có một xã hội lành mạnh, cần phải có những con người đạo đức tốt lành bởi chính con người hội chung lại tạo nên xã hội. Nhìn vào thực tế, đâu thiếu người tốt lành, có khả năng nhưng sao vẫn thiếu người giúp việc khuyến khích và giáo dục giới trẻ... Có thể rằng vẫn chưa có người lãnh đạo đứng lên gom góp nhân lực sẵn có chuẩn bị cho tương lai? Tuy nhiên, nếu mình không đặt vấn đề, không kiếm tìm cơ hội và bắt tay vào việc, mong gì đợi chờ nơi ai!
Sống giữa nền văn hóa hỗn tạp của nhiều chủng tộc, hôn nhân đang bị những mối đe dọa phát sinh từ cuộc sống vật chất, quan niệm cũng như lối sống phóng túng ảnh hưởng khiến những giá trị đạo đức bị lãng quên do sự thiếu nhận biết cũng như thiếu nền tảng căn bản học thức để nhận định điều hay lẽ phải. Khoảng trống do sự cách biệt văn hóa không phương bồi lấp đã tạo nên bước nhảy vọt không điểm tựa để rồi chính căn nguyên thiếu hiểu biết tạo nên khuynh hướng học theo sao cho giống người không cần tìm hiểu hoặc suy nghĩ lý do hay điều kiện cũng như những nguyên tắc thiết yếu dựa trên giá trị đạo đức và luân lý hầu cập nhật hóa cho phù hợp với những giá trị mới mình đang phải đối diện. Khoảng trống ý thức này đã gây tai hại cho biết bao gia đình nhưng nào ai để ý đến nguyên nhân sâu xa. Chính sự thiếu sót hiểu biết đã biến một số người toa rập theo những điều chẳng nên giống như loài khỉ bắt chước một số cử điệu con người cách vô ý thức để rồi xát ớt lên mắt. Ngược lại với những người lạm dụng bước nhảy vọt sinh ra quá trớn thì đồng thời cũng không thiếu gì kẻ ù lì, ích kỷ mượn cớ theo nề nếp văn hóa để che đậy sự hèn kém của mình thay vì mở rộng lòng sống cho phù hợp với thực tại. Lẽ đương nhiên, sự thay đổi nào chẳng khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng nhất là trong trường hợp những quan niệm đã ăn sâu nơi tâm tưởng, hoặc cung cách, hay lối sống bao nhiêu ngày tháng cũ đã trở thành thói quen hay cố tật. Không thể thay đổi lối sống cho phù hợp với hiện tại cũng đã là nguyên nhân cho biết bao gia đình đi đến đổ vỡ.
Thực tại minh chứng, học nghề chuẩn bị cho công việc sinh sống sau này thì được mọi người coi là quan trọng, nhưng tìm hiểu về đời sống hôn nhân và chuẩn bị cho một gia đình hạnh phúc trong tương lai nào mấy ai để ý. Làm cách nào khuyến khích người ta học hỏi về hôn nhân để kiến tạo gia đình hạnh phúc bởi được những ai thực sự có được một gia đình như ước mơ? Nếu có sao không nghe thấy người nào nói về niềm hạnh phúc hôn nhân mà chỉ thấy những lời than trách hoặc đổ vỡ nhan nhản xảy ra. Một gia đình không trên thuận dưới hòa, không là tổ ấm của con người làm sao có thể nói đến giáo dục gia đình? Nền tảng xã hội về luân lý, đạo đức đã lung lay hoặc tệ hơn đang dần tiến tới đổ vỡ phỏng lấy chi gây dựng một xã hội lành mạnh và như thế tương lai chốn nào mà mơ với ước? Tương lai là kết quả việc làm hiện tại... Viễn ảnh ai cũng có thể đạt được nếu thực sự muốn... Thế nên bất cứ gì có thể giúp cho con người sống vươn lên, đó là việc làm xây dựng tương lai, và giây phút này phải là thời điểm khởi đầu nếu chưa bắt tay vào việc bởi không biết sống cho giây phút này, không thực hiện những việc trong tầm tay với làm sao nói đến tương lai. Cha Lành trầm ngâm suy nghĩ... Đâu thiếu chi việc có thể thực hiện cho dân mình... chỉ thiếu người muốn làm!
Thiếu người muốn làm hay thiếu người cổ võ khuyến khích? Thế những đoàn thể, liên hội người Việt rải rác đây đó có thực trạng ra sao nếu mối nghi ngờ nơi mỗi người vẫn còn nặng nề chồng chất... Đường hướng nào để khuyến khích những tài năng sẵn có chung tay xây dựng cộng đồng bằng cách thiết lập những nhóm chuyên môn làm việc giúp chuẩn bị hôn nhân, giới trẻ, Việt ngữ, văn hóa giáo dục một cách hữu hiệu...? Đoạn đường nào không lắm chông gai và ai chiến thắng chưa hề chiến bại...? Lời hát cổ võ sự kiên gan và lòng yêu mến quê hương thúc đẩy sự bắt tay thực hiện những gì có thể trong giới hạn mỗi người vọng về âm vang của những ngày sinh hoạt đoàn thể những năm trước: "Ai nên khôn không khốn một lần... Dậy mà đi..."
Tiếng giập cửa nhà thờ thức tỉnh ngài trở về với thực tại; dõi hướng mắt nơi phòng áo đang vang lên tiếng dép lẹp kẹp mò mẫm, bóng ai đó gần như tan loãng vào màn tối...
- Giêsu ma, chúng con chờ cha cả tiếng; cơm canh dọn ra nguội hết rồi mà giờ này cha còn đang cầu nguyện... Giá con mà không tới chắc cha cầu nguyện suốt đêm! Giọng ông trùm Tĩnh vang lên phá tan vẻ tĩnh mịch của màn đêm...
- Ồ, tôi quên khuấy đi mất. Để tôi ghé qua nhà xứ rồi đi ngay với ông... Thật là phiền, có lẽ bởi có chút tuổi rồi nên hay quên... Giọng cha Lành diễu về tuổi tác của ngài làm ông trùm vui lây với vẻ thân tình.
- Cha nói vậy chứ đã già chi đâu...
- Không già mà ông trùm gọi tôi là cha ư? Ngài bật cười giọng nhẹ nhàng thân thiện mong giảm bớt những khắc khoải trong lòng đồng thời cũng làm cho ông trùm thông cảm không chấp chiếm vì sự đãng trí quên giờ hẹn của mình.
- Cha nói thế thì con chịu... Hèn chi đầu cha bạc trắng hết rồi... Chúng con đợi cha sốt cả ruột, gọi phôn chỉ thấy máy trả lời không hiểu chuyện gì đã xảy ra nên con tới nhà xứ. Bấm chuông một lúc cũng chẳng thấy gì, con đang định về... nhân tiện ghé xem cửa nẻo nhà thờ đã khóa kỹ chưa; ai ngờ cửa không khóa nên sinh nghi lỡ có ai bên trong... lại gặp ngay cha...
- Ông trùm chờ tôi chút nghe; tôi xem thử có ai gọi chuyện gì cần kíp không...
- Thưa cha vâng.
Ông trùm Tĩnh bước theo cha Lành vô nhà xứ; hai người tiến tới máy trả lời điện thoại đặt nơi văn phòng. Ánh đèn màu đỏ chớp liên tục chứng tỏ có vài người gọi phôn... Đưa tay ấn nút; giọng Đức Giám Mục địa phận vang lên làm ngài ngạc nhiên:
- Tôi là giám mục địa phận, có chuyện muốn nói với cha. Ngày mai tôi sẽ gọi cha; giọng Đức Giám Mục có vẻ hơi ngập ngừng đoạn thêm, tôi sẽ gọi lại ngày mai...
Tiếp tục nghe máy nhưng mối thắc mắc có chuyện gì cần thiết mà Đức Giám Mục phải gọi điện thoại sau giờ làm việc và còn nhấn mạnh sẽ gọi lại những hai lần luẩn quẩn nơi tâm trí cha Lành, gợi sự so sánh lối nói và giọng điệu của Đức Giám Mục lần này với lần trước cách đây sáu tháng khi ngài gọi cho cha xứ Mân Côi. Lần trước giọng ngài đầy vẻ oai nghiêm và nói cha xứ gọi lại; lần này giọng ngài nhẹ nhàng mang phần nào do dự hình như có chuyện gì khó nói đồng thời lặp lại sẽ gọi ngày hôm sau...

 

Từ ngày Đức Giám Mục gặp và yêu cầu cha Lành về giúp xứ Thánh Tâm, một giáo xứ Mỹ, đến nay đã bẩy tháng, những ưu tư có thể làm gì cho người Việt càng ngày càng đè nặng lòng trí ngài. Tình hình thế giới biến chuyển không ai có thể ngờ; những dân tộc xưa nay âm thầm ngậm đắng nuốt cay chấp nhận bị đàn áp bởi sức mạnh vũ lực của những người có quyền hành thiếu đạo đức nhân bản nay đã đang ùn ùn nổi dậy đòi quyền làm người, biết chung tay gầy dựng đất nước phồn thịnh hơn... trong khi dân mình càng ngày càng bị ngụp lặn sâu vào cảnh nghèo đói lại phải đối diện với thiên tai, bão lụt, hạn hán... Ôi dân Việt! Cứ mỗi lần nghĩ tới, thêm một lần lòng ngài muốn vỡ, thêm một lần ước mơ hao mòn, mỏng dần... Mối nguy hại do hấp lực tiền tài, của cải đang xảy ra bên Hung Gia Lợi, Ba Lan, sau những năm dài sống trong cảnh nghèo đói, tù túng, nay gông xiềng được cởi bỏ, người ta thi đua nhau với mọi phương cách chạy theo tiền tài để rồi không sức mạnh nào có thể kéo lại được nền luân lý và đạo đức đã bị tàn phá. Chính cái gông cùm trong quá khứ đã tạo nên khát vọng buông thả khi có dịp... Thế rồi dân Việt mình sẽ ra sao trong những ngày sắp tới... Bao nhiêu địa phận Công Giáo miền Bắc Việt Nam khan hiếm linh mục. Dân Chúa đói khát không những về vật chất mà ngay cả tinh thần nhưng làm sao có thể trở về để giúp lúc này...?
Bẩy tháng trước nơi văn phòng địa phận, cha Lành lặng thinh nghe Đức Giám Mục tâm tình về mục vụ cho dân Chúa. Dĩ nhiên, ở đấng bậc nào cũng có điều khó xử của đấng bậc đó; hơn nữa, càng ở địa vị cao càng khó có người thông cảm nỗi khổ tâm của mình.
- Cha biết rõ ý định của tôi từ khi nhận cha học cho địa phận này; tôi muốn cha giúp việc mục vụ cho người Việt Nam của cha. Không nói cha cũng hiểu, mối ưu tư lớn nhất của tôi là số đông dân Việt Nam ở địa phận mình nhưng vì nhu cầu địa phận nên tôi đã phải để cha giúp xứ Mân Côi suốt bốn năm. Dẫu thế, công việc nào cũng vậy, cần có sự chuẩn bị đồng thời nên đo lường phản ứng tâm lý quần chúng. Từ ngày người Việt đến địa phận này, tôi không biết nhu cầu mục vụ cho họ có những điểm thiết yếu nào cần phải được uyển chuyển chú trọng đáp ứng vì ngôn ngữ bất đồng. Dĩ nhiên, mỗi sắc dân mang tâm tình cá biệt trong khi đường hướng mục vụ cần được dựa trên nguyên tắc hợp nhất bởi địa phận bao gồm nhiều chủng tộc. Thế nên hai tháng trước, tôi đã dùng quyền giám mục của mình, bất chấp ý kiến các cha trong hội đồng địa phận, sai cha về làm việc với cộng đồng Việt Nam chuẩn bị cho chương trình sau này. Tuy nhiên, hiện giờ tôi cần sự ưng thuận của cha đi giúp một giáo xứ Mỹ khác; giáo xứ này gồm có một ngàn sáu trăm gia đình trong khi những xứ có hai linh mục thì lại cũng lớn ngang ngửa với xứ này do đó chỉ có cha về đấy mọi chuyện mới êm đẹp. Tôi cũng hiểu rằng, thật là khó ăn khó nói cho cha với cộng đồng người Việt cha vừa được sai về; đồng thời nơi xứ mới, nhiều người Mỹ ở đó còn mang nặng óc kỳ thị. Tuy nhiên, những việc làm cha đã thực hiện nơi giáo xứ cũ cũng đủ để chứng minh cho giáo dân xứ mới thấy rằng quyết định tôi sai cha về đó là cơ hội cho họ trưởng thành hơn để mở rộng tâm hồn, tin vào sự quan phòng cũng như tìm hiểu thêm ý Chúa muốn cho mỗi người trong cuộc đời. Tôi hy vọng cha không từ chối... Cha nghĩ thế nào?...
Lời nói của Đức Giám Mục gợi lại câu chuyện ngày ấy khi còn là một chủng sinh chuẩn bị lãnh chức phó tế, cha Lành nhân tiện về tòa giám mục, ghé thăm ngài. Vừa mới bắt tay chào chưa kịp ngồi vô ghế, Đức Cha đã lên tiếng hỏi:
- Sau khi chịu chức, thày muốn tôi ký bài sai đi xứ nào?
- Thưa Đức Cha, theo con nghĩ, Đức Cha cho con đi làm việc ở một giáo xứ Mỹ ít nhất từ một đến hai năm...
Bao lâu nay, mối ưu tư phục vụ cho gần hai ngàn giáo dân người Việt sống trong địa phận luôn luôn đè nặng nơi tâm hồn vị chủ chăn. Họ có cuộc sống khác hẳn dân địa phương từ cung cách đối xử đến việc thờ phượng nơi thánh đường. Mười năm qua, những rắc rối do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán... đã gây ra nhiều sự hiểu lầm khiến giáo dân phần nào cảm thấy Đức Giám Mục ít để ý đến họ. Ngài biết thế nhưng chưa có cách nào giải quyết. Dẫu ngài đã cố gắng nhờ một vài linh mục người Việt nhưng phần vẫn bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cách, phần đường lối làm việc của những linh mục được huấn luyện ở Việt Nam đã lâu hoàn toàn khác biệt với thực tại lãnh đạo nơi này. Nhiều khi ngài có cảm nghĩ họ muốn tách rời người Việt thành một cộng đồng tự trị. Có những lần một nhóm người Việt tới gặp ngài; một vài vấn đề ngài nói đem lại lợi ích và dễ dàng cho họ nhưng sao người thông dịch chuyển ngữ câu trả lời hoàn toàn trái nghịch với điều ngài dự đoán... Hơn nữa, đôi khi điều ngài nói họ thực hiện thì kết quả xảy ra ngược hẳn lại ý muốn. Lời ngài nói một đàng, họ hiểu sang một nẻo. Có cách nào để phục vụ người Việt Công Giáo hữu hiệu và đắc lực hơn? Nhất là sống nơi xã hội xô bồ, khác văn hóa, khác chiều hướng suy tư cũng như phong tục tập quán, nếu không hiểu họ để hướng dẫn cho phù hợp với nếp sống mới trong tinh thần và đức tin Công Giáo, những mối nguy hại xã hội sẽ làm đức tin họ lung lay. Những chuyện nho nhỏ đã xảy ra ngoài dự đoán do họ không hiểu hay cố tình không muốn hiểu? Vì nguyên nhân nào đã khiến họ cảm thấy xa lạ hoặc có thái độ thờ ơ với những công việc giúp đỡ nhà thờ trong khi một số linh mục bản xứ đã có thời kỳ làm việc với họ ca tụng lòng đạo đức và nhiệt thành cũng như sự rộng rãi của người Việt đối với các công việc cần thiết của nhà thờ? May mắn, có được thày Lành đệ đơn học cho địa phận và tỏ ý muốn làm việc với người Việt sau khi chịu chức giúp ngài cảm thấy mối ưu tư bao lâu nay nhẹ bớt nên vui lòng chấp thuận... Đến nay, ngày phong chức đã gần kề mà mới dạm hỏi để dễ bề sắp xếp thì niềm hy vọng của ngài sắp đạt thành bỗng bị đổi hướng. Thế nên, không cần nghe thêm, Đức Giám Mục lộ sắc giận khiến đôi tay run lên:
- Thày nên nhớ trong lá thư viết cho tôi xin nhập địa phận, thày nói rõ muốn làm việc cho người Việt Nam, và lý do tôi nhận thày học cho địa phận này cũng vì người Việt Nam. Bây giờ thày muốn đi làm giáo xứ Mỹ là tại sao? Giọng ngài rõ ràng được dằn mạnh từng tiếng. Cha Lành ngày ấy, dẫu còn đang là chủng sinh nhưng khi đối diện với cơn thịnh nộ của chủ chăn cầm toàn quyền quyết định về phận số của mình vẫn bình tĩnh đẩy cơn giận của giám mục rơi vào khoảng không bằng cách nhẹ nhàng trả lời:
- Thưa Đức Cha, ngài hỏi nên con trả lời đúng ý nghĩ của mình. Theo con nhận xét thì người Việt Nam chúng con đang sống nơi xã hội Mỹ, phải đối diện với hiện trạng dân Mỹ nên con muốn có cơ hội học thêm cách làm việc của người Mỹ hy vọng sau này mới có thể giúp người Việt một cách đắc lực. Đức Cha là chủ chăn, là giám mục của con; Đức Cha có toàn quyền sai con đi đâu cũng được. Con không có ý kiến về bài sai hoặc nơi nào sẽ làm việc sau này...
- Sao, cha nghĩ thế nào mà ngồi im vậy. Đức Giám Mục lộ vẻ hơi ngỡ ngàng chờ đợi... Tôi hiểu, vừa đổi nhiệm sở được ít lâu, lòng quyến luyến dân Chúa nơi xứ cũ chưa nguôi; bây giờ, mới có thêm mối thân tình với người Việt Nam chưa được bao nhiêu thì đã lại phải đến một nơi xa lạ. Hơn nữa, sự di chuyển đồ đạc, sách vở xếp đi xếp lại cả là một vấn đề phiền hà ai cũng ngại. Tuy nhiên, nếu cha ở vào địa vị giám mục sẽ thấy lắm nỗi khó khăn không ai có thể giải quyết dùm...
- Thưa Đức Cha, con còn đang nhớ lại lần đầu ngài hỏi con muốn được sai đi đâu để rồi con nói xin được làm việc nơi giáo xứ Mỹ ít nhất một đến hai năm và Đức Cha đã tỏ sắc giận. Cha Lành mỉm cười nhẹ nhàng trả lời. Qua bốn năm nơi xứ Mân Côi, con học khá nhiều kinh nghiệm mục vụ; tuy nhiên, thật ra, theo con nghĩ, có nhiều lối giải quyết cho một công việc, và mỗi xứ có những điều kiện sinh hoạt cũng như tâm tình dân Chúa khác nhau đồng thời nỗi khó khăn của thực trạng không nơi nào giống nơi nào. Làm việc thêm một thời gian nữa nơi giáo xứ Mỹ khác cũng hay bởi con sẽ có thêm những kinh nghiệm chưa bao giờ có thể nghĩ tới. Chỉ một vấn đề con tự hỏi, Chúa muốn gì cho những người Việt chúng con ở đây. Đức Cha biết rõ, chẳng cần hỏi ý kiến, cứ ký bài sai là con sẽ đi không một lời đặt vấn đề. Nhân tiện, con cũng cảm ơn Đức Cha đã hỏi ý kiến...
- Như vậy ngày mai cha chính thức là phó xứ của giáo xứ Thánh Tâm...
- Sao vội quá vậy thưa Đức Cha? Để con hai tuần xếp đồ chứ mai sao kịp...
- Tôi muốn cha di chuyển ngay, nhưng thôi, giọng ngài ngập ngừng, đúng một tuần sau kể từ ngày hôm nay cha nhận xứ mới. Để tôi nói thư ký đánh máy bài sai ngay bây giờ... Xứ quá đông, cha xứ làm việc quá sức nên bác sĩ bắt phải nghỉ một thời gian ngắn. Mong cha thông cảm cho trường hợp khó xử của tôi...

 

Đại lộ Washington mới hoàn thành với bốn lane hai chiều bắt đầu từ đường 10 cắt đại lộ Louise và đâm thẳng xuống đường 90 tạo nên ngã tư bận rộn nhất vùng Ocean Springs. Từ ngày các sòng bài bắt đầu hoạt động tại Biloxi bên kia cầu, đường 90 trở thành giòng thác xe cộ lúc nào cũng nhộn nhịp bất kể ngày đêm đã khiến cho ngã tư bận rộn càng thêm ồn ào. Nơi ngã tư được mở thêm lane, cha Lành nhìn ba dãy xe xếp hàng dài cái nọ nối đuôi cái kia chờ đèn xanh để quẹo phải, chạy thẳng hay quẹo trái, nhẹ thở dài đưa tay tắt nút đèn cấp cứu, thầm nghĩ có để đèn cấp cứu thì cũng không ai nhường. Hai lane phía trái, xe ngược chiều pha đèn đổ lên đại lộ Washington tạo thành hai dây sáng quất vào mắt chói lòa được phụ họa bởi âm thanh động cơ đủ loại khiến ngài có cảm giác như tiếng gầm gừ của con vật khổng lồ đang chuyển mình vươn lên với sức mạnh vũ bão. Ngày nao bóng tăm tối nơi đất nước mình được chiếu sáng... tiếng thở dài một lần nữa lại nhẹ buông... Tại vì đâu, cũng là người mà nơi đất nước này dân chúng giầu có đến độ dư dật tiêu xài hoang phí trong khi dân mình miếng ăn không đủ giữa những cánh đồng lúa, nương khoai, luống sắn? Vì đâu dân mình không thể ít nhất dù chỉ tạo niềm tin chung để cùng nhau góp tay xây dựng mảnh đất thấm ngập dòng máu đỏ và được bồi dưỡng với những muôn ngàn thân xác da vàng? Nếu nói tại số Trời thì ý dân vẫn cải được phận người bởi ý dân là ý Trời... Ý dân đã có nhưng sự thực hiện ý dân phỏng đã có?... Kèn xe phía sau giận dữ hối thúc; cha Lành đạp chân ga... Tiếng vỏ cao su rít trên mặt đường đẩy chiếc xe lao về phía trước tạo nên vòng cua trái bốc khói nuốt ngắn khoảng cách xe đàng trước. Xe chạy quá nhanh so với lane quẹo gấp đổi đường khiến hai bánh ăn lấn sang lane bên cạnh; lại thêm tiếng kèn báo động xe chạy hai lane. Giật mình lái xe ẩu theo kiểu tài tử thế này coi chừng có ngày gặp tai nạn, cha Lành buông vội nỗi ưu tư...
Khoảng đại lộ 90 nơi ngã tư với sáu lane hai chiều về đêm vẫn ngào ngạt xe nên, mặc dầu đường trường, sự di chuyển phần nào cũng bị chậm lại. Nơi ba lane ngược chiều, đèn pha nối tiếp thành dây sáng tựa con khủng long bất tận trườn mình dọc vùng bờ biển, giáp rừng cây âm thầm bên con lộ. Khi xe chạy ngang khu dinh thự tối thui không đèn điện bên cánh phải, cảm nghĩ so sánh cảnh tăm tối của vùng buôn bán cũ kỹ nay trở thành hoang phế bởi không hợp thời... với cảnh sống khó khăn của người dân nơi quê nhà... gợi ngài nhớ mấy vần thơ trong Ca Dao: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm: Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non." Mười mấy năm rồi, người người vẫn ra đi và nay không ai chấp nhận cho chỉ mảnh đất nhỏ nhoi làm nơi sinh sống dẫu rừng núi nơi đất nước họ bao la bát ngát còn để trống. Đất nước mình thật nhỏ bé, nhỏ hơn khu rừng hoang vu của dân xứ này...
Những người dân Việt đã ra đi may mắn có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm, có cơ hội học hành tiến thân chắc chắn đang mang sứ mạng nào đó dù nhận biết hay không nhận biết. Ngày xưa, bao người ước mơ được ra ngoại quốc học hành để sau này đem tài sức mình về xây dựng đất nước... Ngày nay, cả triệu dân Việt đang có cơ hội học hỏi những cái hay, cái đẹp, văn hóa, truyền thống, văn minh kỹ thuật nước người... Những thành công nơi nhà trường, những sáng kiến, phát minh khoa học thay đổi cả chiều hướng nhận định bao lâu nay con dân Việt đã đạt được, tới ngày nao mới gom góp thành công cụ trở về đắp xây tiền đồ dân tộc? Tương lai, cha Lành tin tưởng vào tương lai của đất nước... Dân mình đã đi xuống tận đáy của hố thẳm... chẳng còn đường nào đi xuống tất nhiên phải đi lên. Tương lai dân tộc nhứt định sẽ sáng lạn... ánh hào quang đã bắt đầu lộ diện nơi nét mặt, ánh mắt những em bé Việt mới chập chững biết đi... cả một tương lai huy hoàng đang rọi chiếu bằng những khuôn mặt tiên tri này...
Ngày vinh quang dân tộc sẽ đến là kết quả của sự hoàn thành sứ mạng nơi những con dân Việt đối với tổ quốc, dân tộc dù sống tại quê hương hay nơi đất nước người... Những ai đang ở ngoại quốc chưa nhận ra mình được Trời ưu đãi, chưa nhận ra mình may mắn để rồi chưa tự đặt câu hỏi cuộc sống hiện tại của mình mang ý nghĩa gì? Mình được anh hồn dân tộc đưa đi để làm gì? Tương lai bắt đầu bằng hiện tại; thế hệ tương lai sẽ nghĩ ra sao về chúng ta? Họ sẽ rộn lên lòng cảm phục bởi chúng ta biết làm tròn sứ mạng đối với dân tộc, hay họ sẽ lên án, phỉ nhổ những bậc đàn anh đàn chị của họ chỉ biết hưởng thụ, bán đứng nhân cách người Việt cho vật chất xa hoa, cho thèm thuồng tư lợi? Tất nhiên, những gì chúng ta đang sống, đang làm bây giờ sẽ ảnh hưởng tới tương lai... Chúng ta đã được thừa hưởng công lao và di sản do tiền nhân dân Việt từ các đời trước để lại. Không duy trì và phát triển di sản đó để truyền lại cho thế hệ kế tiếp, mỗi người đã tự mặc lấy án tội đồ cho mình...

 

Thêm một lần kèn xe phía sau hối thúc báo hiệu đèn đã xanh, cha Lành đạp chân ga, bẻ tay lái quẹo hướng phòng cứu cấp bệnh viện...
- Cho tôi gặp em bé mười hai tuổi mới được đưa vô phòng cấp cứu chừng 45 phút vì tai nạn đụng xe...
- Hiện giờ các bác sĩ đang giải phẫu đầu em; cha làm ơn đợi, khi nào có thể tôi sẽ báo cho cha biết... Y tá trực trả lời với giọng nhẹ nhàng kiên nhẫn như trấn an thái độ vội vã của ngài...

Lã Mộng Thường

Tháng 8 - 1993

Xem Tiếp: ----