- Châu ơi! Nhờ Châu qua nhà coi giùm bé Ty cho chị đi chợ chút xíu. - Em đang học bài mà chị! - Ối dzời! Thì mày vừa học bài vừa coi em, bộ hổng được hả? Ê, tí tao dzìa là có mấy hũ yaourt đó nhỏ! Đến nước này thì tôi... thua. Chị Ngọc quày quả dẫn xe đạp đi chợ. Tôi gom sách vở qua nhà chị. Vừa lắc nôi ru bé Ty vừa vật lộn với mấy bài toán giải tích. Đang làm dở, tự nhiên bé Ty trở chứng. Con bé khóc thét, chòi đạp lung tung. Vất sách vở qua một bên, tôi vừa lắc nhẹ cái nôi vừa ru. Kho tàng văn chương bình dân với bao nhiêu câu ca dao truyền khẩu cách đây mười phút tôi thuột lòng.Thế mà giờ đây, tự nhiên tôi... sượng trân! Quên tuốt luốt! Không ru được thì hát. Cả nghìn bản nhạc chất chứa trong bụng chứ ít à. Có lẽ do bé Ty khóc rất "sung" - Dễ đến cả trăm "đề xi mem" chứ không ít. Minh họa "múa" chòi đạp cũng được bé Ty thực hiện với một cường độ chóng mặt. Trong bối cảnh như thế - tôi - khán giả kiêm đạo diễn bất đắc dĩ, bắt buộc phải chọn một bài hát có tiết tấu "tốc hành" cho phù hợp, tôi bật thốt: Năm xưa anh phá núi, em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi chập chùng... "linh" chưa? Bé Ty chẳng những hết khóc mà còn gương đôi mắt bi ve nhìn tôi. Được... trớn tôi "cương" luôn: "Bạn hỡi! Đã bao ngày bao đêm gian na...an...". Cộc! Cộc! Cộc! Có tiếng gõ cửa: Một tên con trai lạ hoắc ló mặt vào: - Chị Ngọc có nhà không, cô bé? Dễ giận! Hắn hơn tôi đâu bao nhiêu tuổi mà phách lối trong cách xưng hô dễ sợ. Tự ái quá đi chứ! Tôi tảng lờ. "...Bạn hỡi! Tất cả vì tương lai mai sa...au, quê mẹ đẹp giàu... Dứt bài hát. Hắn vỗ tay lẹt đẹt, rồi... "ngâm" rằng: Một thương, bài hát ru em Hai thương... vũng nước tèm lem giữa nhà Tôi sững sờ. Bé Ty hư ghê, thiếu... tế nhị đến độ "tè" thoải mái trước mặt ca sĩ và... khán giả. Tôi tất bật thay tã rồi bò lăn ra nền nhà chùi rửa. Hắn ngồi nhìn tôi lom lom với nụ cười "miểng chai" trên môi. Người gì chẳng biết phép galant một tí ti. Đã thế, còn "dzô dziên" cầm sách vở của tôi lên lật lật, giở giở... Chưa chắc đâu ông à. Cái mặt giống... Tôn Ngộ Không thế kia, chắc gì giải mã được những con số hóc búa ở trỏng?!... Bé Ty lại khóc. Tôi cuống. Hổng lẽ lại ru con bé bằng những bài... hành khúc. Hắn thúc: - Ru em đi Châu! - Á, đọc lén tên tôi trên bìa tập. Tôi... nổi doá, nguýt hắn một cái muốn lé cả mắt: - Kệ tui! Người ở đâu khi không vô nhà người ta "ngồi đồng" - Nhà "người ta" nào? Tui... dzô nhà chị Ngọc chớ bộ! Tôi... cứng họng. Đã thế tôi "bán cái" vụ ru qua hắn cho... bõ ghét! Tôi giả vờ... mắc cỡ: - Anh ru giùm đi. Châu... - Vậy để "anh" ru cho. Thế là hắn ung dung tự tại ngồi bên cái nôi của bé Ty. Thản nhiên ru như đã từng ru. Toàn những câu ca dao... cải biến: "Ầu ơ... thế này, thế nọ, thế kia, Thế nào đi nữa... em dzìa... dzới anh". Đúng là... dân mồm mép có quai! Hắn quay sang tôi: - Thuộc không? Tôi bụm miệng, lắc đầu. Hắn cười: - Vậy thì hát dân ca nghen! Hắn hát nho nhỏ: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy, thức đủ năm canh...". Phải công nhận là hắn có giọng ấm và mượt mà quá đỗi! Nên chi bé Ty nhắm mắt thiu thiu. Nên chính tôi cũng không thể cưỡng lại được hấp lực ma quái ấy. Tôi buột miệng hát theo: "Hỡi chàng mà.... chàng ơi!... Em nhớ thương chàng". Và... cứ thế. Không biết tôi và hắn trở thành một đôi song ca tự lúc nào - khỏi cần thính giả - bởi, bé Ty đã ngủ mất. Đang hát ngon trớn, bỗng chị Ngọc xộc vào. - Ủa, tụi bây quen nhau hồi nao vậy? Tôi nín khe. Hắn nháy mắt với chị Ngọc: - Mới tức thời đó chị ơi! - Trời đất! Vậy mà con Châu đã dám "Em nhớ thương chàng" rồi?! Tôi vơ tập vở. Chạy biến về nhà mình
Hà Ðình Nguyên